Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VIII. PHÁP TẠNG NHÂN ĐỊA ĐỆ TỨ
(TT)

Trên đây là bốn loại quan niệm cơ bản mà Phật dạy, giúp chúng ta khai mở trí tuệ, giúp chúng ta nhìn thấu, buông bỏ tất cả mọi phiền não vọng tưởng, phân biệt, chấp trước được an vui, tự tại.

Kế đến, là Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc. “Túc” là đầy đủ, “tri túc thường lạc”.

Năm xưa, Phật còn ở đời, nhu cầu đời sống của ngài chỉ có ba y, một bát, khất thực nuôi thân, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ qua đêm, ngài biết đủ! “Tứ Như Ý Túc”, bốn điều này họp lại mà nói chính là “Biết đủ thường vui”, ngay trong đó có Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần dạy ta nguyên tắc đối nhân xử thế. “Chánh” là chính xác, “Cần” là phấn đấu. Bốn loại chánh đáng này bao gồm “đoạn ác tu thiện”, phải nên phấn đấu mà làm: Việc ác đã tạo phải mau đoạn dứt, việc ác chưa sinh quyết không tạo tác; việc thiện đã làm nên tiếp tục làm, việc thiện chưa làm phải mau phát tâm nỗ lực mà làm.

Có thể nói, muốn vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc, muốn công phu tu tập có lực, cần phải đem ba loại khóa mục: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc làm cho được, đây là nền móng vững chải giúp ta đạt đến Ngũ Căn, Ngũ Lực. Chúng ta xem thấy trên Kinh A Di Đà, người ở thế giới Cực Lạc chỉ cần tu: Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần; ba khóa mục phía trước không hề nói qua, vì nền tảng này họ đều đã có.

Đại sư Trí Giả nói: Người thông thường đem “Ba mươi bảy phẩm trợ đạo” xem thành giáo nghĩa của Tiểu thừa. cách nhìn này là sai lầm! “Ba mươi bảy phẩm trợ đạo” là thông cả Đại, Tiểu thừa. Đây là pháp cơ bản trong Phật pháp, là khóa trình chung, không luận Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn hay Giáo hạ thảy đều phải tu.

Đại sư Trí Giả đem “Ba mươi bảy phẩm trợ đạo” này, dùng phương thức bốn giáo: Tạng, Thông, Biệt, Viên giảng giải, chúng ta mới hoác nhiên đại ngộ, mới thấy rằng “Ba mươi bảy phẩm trợ đạo” là Pháp luân viên mãn của nhà Phật, bao gồm tất cả pháp ở trong đó, đó là tổng cương lĩnh của Phật pháp.

Trở lại phần kinh văn, “niệm tuệ lực” chính là “Ngũ Lực”. “Ngũ Lực”, cái thứ nhất là “Tín”, cái gốc này mới sinh sức mạnh. Thử hỏi:

– “Tín” của bạn có gốc hay không?

– Hôm nay thấy niệm Phật tốt, ngày mai nghe tham thiền tốt, ngày sau nghe trì chú tốt, lại muốn chuyển hướng! Vậy là tâm bạn bị dao động! “Tín” của bạn không có gốc! Như lục bình trôi sông, cuốn theo dòng nước! “Tín” như vậy không thể thành tựu được việc gì!

– Vì sao tín tâm bạn không có gốc?

– Bạn không có căn bản tu tập vững chải của Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc. Nếu làm được hết ba khóa mục này, tín tâm bạn liền có gốc.

– Vì sao?

– Vì nhận biết rõ ràng lý sự nhân quả, tất cả pháp đều có thể tường tận, biết được “đoạn ác tu thiện”, biết được “Biết đủ thường vui”, tâm bạn liền có Định, tín tâm thêm lớn.

– Tín tâm làm thế nào thêm lớn?

– Thân cận thiện tri thức, thân cận bạn lành, đọc tụng Đại thừa, mỗi ngày nghiên cứu, thảo luận kinh điển. Càng nghiên cứu, càng rõ ràng, tín tâm càng có sức mạnh vững chải, mới có thể nỗ lực tinh tấn. Chữ “tinh tấn” này đặc biệt chú ý đến chữ “tinh”. “Tinh” là thuần chớ không tạp, chỉ một môn thâm nhập, đây gọi là “Tinh Tấn”.

– Trong “Tứ Hoằng Thệ Nguyện” nói: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, sao lại bảo chỉ học một môn?

– Một môn này cùng vô lượng môn đều đồng một ý nghĩa, không có chút mâu thuẩn nào.

– Vì sao vậy?

– Tổ sư đại đức nói với chúng ta “một kinh thông, tất cả kinh thông”. Tất cả kinh chẳng phải là vô lượng pháp môn hay sao? Bạn thông một pháp môn rồi, bao gồm tất cả pháp môn đều thông. Đây gọi là “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”.

– Phải học thế nào mới gọi là thông? Có phải học thuộc kinh này mới gọi là thông?

– Không phải vậy!

– Phải chăng đạo lý của kinh này đều hiểu mới gọi là thông?

– Cũng không phải vậy!

– Thế nào gọi là thông?

– Mỗi bộ kinh đều có: “Giáo, lý, hành, quả”; nhà Phật gọi là bốn kinh. Văn tự của kinh là “giáo”; đạo lý hàm nghĩa trong văn tự là “” ( “” là chân lý, chân như tự tánh); trong đây có phương pháp tu hành là “hành”. Giáo, lý, hành dung hòa thành một gọi là “quả”. Có như vậy mới gọi là thông.

Ngày trước tôi học giáo với thầy Lý. Buổi học đầu tiên thầy dạy tôi phải học “giáo lý”. Lúc đó, tôi hoàn toàn không hiểu. Thầy nói với tôi: Nếu bắt tay vào từ giáo lý, tương lai tất cả kinh đều quán thông, sẽ giảm được rất nhiều thời gian. “Như kỳ bất năng”, nếu không có năng lực này, chỉ chú trọng đến “giáo nghĩa”; “nghĩa” cũng là “” nhưng phạm vi của “giáo nghĩa” hạn hẹp hơn, thông một tông không thể thông toàn bộ. Không thể nói học một bộ kinh thì chỉ giảng một bộ kinh, hoàn toàn chiếu theo phương pháp của thầy thì không được! Có làm thế nào cũng chẳng qua được máy ghi âm; máy ghi âm không sót một chữ nào.

Thế nhưng, không luận là “giáo lý” hay “giáo nghĩa”, không phải người thông thường có thể làm được! Tâm phải chắc, tâm phải chuyên, tâm phải tịnh, còn phải nhiệt thành với Phật pháp. Cần phải chuẩn bị mấy điều kiện này, bằng không đến “giáo nghĩa” bạn cũng không đạt được. Nói cách khác, bạn vẫn phải tu: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc; không có nền tảng này thì rất khó.

Tôi giảng ba khóa mục này không giống như người xưa, người xưa giảng khó hiểu! Tôi đem “Tứ Niệm Xứ” giảng là “nhìn thấu”, đem “Tứ Như ý Túc” giảng là “buông bỏ” thì mọi người dễ hiểu; có vậy bạn mới chân thật được thọ dụng. Chính tôi học Phật, thực sự có lực là nhờ Đại sư Chương Gia. Đó là khi vừa bắt đầu học Phật, Đại sư dạy tôi sáu chữ: “Nhìn được thấu, buông được xuống”. Cho nên, về sau tôi đến thầy Lý học giáo thì tương đối dễ dàng, bởi về trước, Đại sư đã xây dựng cho tôi nền móng chuẩn xác, nên biết được một môn thâm nhập.

Trên lý mà nói: Pháp môn bình đẳng không có cao thấp, bất cứ bộ kinh nào, đều có bốn phần: “Giáo, lý, hành, quả”.

– Nên dụng công như thế nào?

– Phải “tín-giải-hành-chứng”! Có tín giáo, giải lý, tu hành, chứng quả thì bạn thông bộ kinh này. Bộ kinh này thông thì tất cả kinh đều thông. Tất cả kinh, chỉ cần vừa tiếp xúc, vừa nhìn, vừa nghe liền hiểu, cho nên rất dễ dàng.

Nếu bạn hoài nghi, hãy xem Lục Tổ Thiền tông Huệ Năng triều nhà Đường. Ngài không biết chữ, thời gian học giáo của ngài rất ngắn. Đại khái ngay trong tưởng tượng của chúng ta, nhiều  nhất là hai đến ba giờ, vẫn chưa tới. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn bảo ngài nửa đêm đến phòng sẽ giảng kinh cho ngài; khi giảng đến “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, ngài liền khai ngộ, phía sau không cần giảng nữa. Nên biết, hai giờ đồng hồ đó của ngài thật cừ khôi: Ngũ Tổ giảng cho ngài là “Giáo-lý-hành-quả” của Kinh Kim Cang; Huệ Năng nghe giảng liền “Tín-giải-hành-chứng”. Hai người đều rất cừ khôi: Một người biết nói, một người biết nghe. Không như chúng ta ở nơi đây giảng đã nhiều năm vẫn không thể chứng quả!

Đại sư Huệ Năng sau khi chứng ngộ, ngài liền thông đạt tất cả. Trong lúc chạy nạn, ngài gặp người thứ nhất là tỳ kheo ni Vô Tận Tạng.Vị tỳ kheo ni này suốt đời trì kinh Đại Bát Niết Bàn. (Số lượng kinh Đại Bát Niết Bàn tương đối nhiều. Có hai loại bản dịch: Một bản dịch là ba mươi sáu quyển; một bản là bốn mươi quyển). Tuy ngày ngày đọc tụng vẫn không hiểu được nghĩa lý, vị tỳ kheo ni này đem kinh Đại Bát Niết Bàn đến thỉnh giáo với ngài Huệ Năng. Sau đó đọc cho Huệ Năng nghe. Đại sư Huệ Năng nghe qua liền giảng giải ý nghĩa cho cô, cô cũng khai ngộ. Cho thấy, kinh Đại Bát Niết Bàn, ngài chưa từng học qua, nghe xong ngài liền hiểu. Việc này nói rõ: Một kinh thông, tất cả kinh thông là sự thật.

Cho nên, “thông” có nghĩa là từ trong bộ kinh này mà “minh tâm kiến tánh”. “Kiến tánh” mới gọi là thông, không kiến tánh không gọi là thông. Sau khi kiến tánh, tất cả thế, xuất thế gian pháp vừa tiếp xúc liền thông đạt tất cả.

Thiền sư Pháp Đạt đến Tào Khê thỉnh giáo với Lục Tổ. Khi gặp mặt đương nhiên là đảnh lễ. Lục Tổ thấy ông đảnh lễ đầu không chạm đất liền hỏi: Phải chăng ông có được chút bản lĩnh đáng được kiêu ngạo? Pháp Đạt nói: Tôi đã tụng được ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa! Không tệ! Đó là có chút bản lĩnh!

Số lượng Kinh Pháp Hoa rất lớn, nếu mỗi ngày tụng được một bộ, thì hơn ba ngàn bộ ông phải mất đến khoảng mười năm mới hoàn tất. Việc này đáng được kiêu ngạo! Lục Tổ liền hỏi ông ý nghĩa Kinh Pháp Hoa, ông không trả lời được! Pháp Đạt dập đầu sát đất thỉnh giáo với Lục Tổ. Lục Tổ nói: Kinh Pháp Hoa ta chưa nghe qua, ông đọc cho ta nghe. Pháp Đạt đọc một mạch từ đầu đến “phẩm Phương Tiện” (Kinh Pháp Hoa có hai mươi tám phẩm, “phẩm Phương Tiện” là phẩm thứ hai) thì Lục Tổ nói: Không cần đọc nữa, ta hoàn toàn hiểu hết rồi, liền giảng cho Pháp Đạt nghe. Sau khi nghe giảng, Pháp Đạt liền khai ngộ. Đây cũng là nói rõ: Một kinh thông thì tất cả kinh thông.

Cho nên, giáo dục của Phật giáo không giống như giáo dục của thế gian. Ngày nay, chúng ta dùng giáo dục thế gian, dùng cách này để học Phật thì đáng lo! Đem kinh điển Phật biến thành sách giáo khoa thế gian để xem thì hõng rồi!

– Mục đích giáo học của Phật pháp ở đâu?

– Minh tâm kiến tánh! Dạy bạn khai ngộ, không phải dạy bạn từng câu, kinh này giảng như thế nào, đoạn này giảng như thế nào? Không phải vậy! Khi bạn khai ngộ rồi, kinh là sống, bạn giảng thế nào cũng đều được: Nói dài, nói ngắn, nói sâu, nói cạn, tất cả đều tự tại không chướng ngại.

Cho nên “Tín” rồi, nhất định phải “Tinh Tấn”. Kế đến là “Niệm”, “Niệm” là trong tâm thật có mới gọi là “Niệm”. Nhà Phật thường giảng “Pháp môn tổng trì”; “Niệm” chính là “Pháp môn tổng trì”. Câu “A Di Đà Phật” đích thực là câu kinh văn, là chú ngữ, cũng là “pháp môn Đại Tổng Trì” gồm thâu vô lượng nghĩa; tất cả pháp mà chư Phật nói đều không rời khỏi tổng cương lĩnh này. Sau khi nắm được tổng cương lĩnh, tâm mới được Định; khi tâm kiên định, vọng niệm, phân biệt, chấp trước sẽ không còn, đúng như trong Đàn Kinh nói: “Vốn dĩ không một vật” (Bổn lai vô nhất vật). Vào được cảnh giới Định có thể sinh Tuệ. Tuệ có được thì tất cả pháp thế, xuất thế gian tự nhiên liền thông đạt tường tận.

Tóm lại, “Tín-Tấn-Niệm-Định-Tuệ”, “Ngũ Căn” này sinh ra sức mạnh lớn là “tăng thượng kỳ tâm”. “Tăng thượng” là có thế lực mạnh mẽ có thể khiến các pháp khác được tăng trưởng, phát triễn thêm nên gọi là “tăng thượng”. Cái được “tăng thượng” trong kinh này hết sức thù thắng, đó chính là “kỳ tâm”, tự tâm của đương nhân. Kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Đừng trụ vào đâu cả mà sinh tâm mình). Cả hai kinh đều nhắc đến “kỳ tâm”, đó chính là “nhất tâm”.

Chỗ này giảng “Ngũ Lực” cùng thông thường chỗ khác giảng “Ngũ Lực”, ý nghĩa không như nhau, đây là “Ngũ Lực thù thắng”. Chúng ta có thể đem “thù thắng” phía trước quán thông để xem: thù thắng hạnh, thù thắng nguyện, thù thắng niệm tuệ lực. Tán thán như vậy mới rõ nét “cao tài dũng triết, tín giải minh ký, tất giai đệ nhất” của Bồ Tát Pháp Tạng.

Kiên cố bất động” (Kiên cố chẳng động): Tâm như Kim Cang phá được hết thảy, nhưng hết thảy chẳng thể phá được tâm nên bảo là “kiên cố”. Tâm ấy “như như”, giống như Kinh Kim Cang nói: “Như như bất động” nên bảo là “bất động”. Cái tâm bất động ấy chẳng hề bị chìm đắm, vướng mắc trong “trầm không trệ tịch” mà tâm tâm khế hợp với Chân Như tự tánh, niệm niệm lưu nhập vào biển giác của Như Lai, tương ưng với Đại Bát Niết Bàn.

Hai chữ “như như” này, chữ “như” thứ nhất là tâm của người tu hành, chữ “như” thứ hai là “Chân như”, là Phật tâm; tâm của bản thân tương ưng với tâm Phật. Tâm Phật bất động, tâm người tu cũng là tâm bất động. Bồ Tát Pháp Tạng kiên định, tâm không dao động nên ngài mới có được thành tựu không thể nghĩ bàn!

– “Trầm không trệ tịch” là gì?

– Là “vô minh”! Trong Phật pháp nói là “Vô Tưởng Định”, họ thật sự buông bỏ, bạn có hỏi họ, cái gì họ cũng không nghĩ. Nhưng thật sự tâm họ không phải trống rỗng, vẫn còn một thứ “vô tưởng”, cho nên quả báo của họ ở “Vô Tưởng thiên” trong cõi Tứ Thiền.

Thật sự tu “Tứ Không Định” thì cao hơn “Vô Tưởng Định”, nhưng “Tứ Không Định” cũng là vô minh. Họ có sự hưởng thụ ở trong Định; đích xác ngay cả thân thể, họ cũng không cần. Trong “Tứ Không thiên” không có thân thể, cõi Tứ Thiền có thân thể. Cho nên tôi thường xưng họ là “phàm phu cao cấp”. Trong lục đạo, phàm phu cao cấp không có thân thể, họ không có thân nên không cần nơi cư trú.

Trong “Tứ Thiền thiên”, “Sắc Giới thiên”, mọi ý niệm về “tài-sắc-danh-thực-thùy”, thảy đều không có. Thực tế, họ dùng Định công để che lấp dục vọng, đè bẹp không cho khởi tác dụng. Nhưng “Tứ Không thiên”, cả điều này cũng không có. Cho nên, có thể nói “Tứ Không thiên” là linh giới thuần túy; ở Trung Quốc thông thường gọi là linh hồn, họ không cần thân thể, họ đang trong thiền định rất sâu tu “Tứ Không Định”.

“Tứ Không Định” trình độ cao thấp có khác nhau, đó chính là thời gian Định công của họ dài ngắn khác nhau. Dài nhất là tầng thứ tư, thọ mạng của họ đến tám vạn Đại Kiếp, tám vạn Đại Kiếp thật là vô cùng! Thái dương hệ, tinh cầu này của chúng ta một lần “thành, trụ, hoại, không”, một vòng tuần hoàn là một Đại Kiếp. Nói cách khác: Trái đất, thái dương hệ của chúng ta trải qua tám vạn lần “thành, trụ, hoại, không” họ mới xuất Định, thật là lợi hại biết bao. Nhưng, họ vẫn là phàm phu trong Lục đạo, là “phàm phu cao cấp”, họ vẫn không có cách chi phá được “vô minh”. “Vô minh” này không phải là “căn bản vô minh” (“căn bản vô minh” phá được là siêu việt Thập pháp giới) mà là “vô minh” trong mười hai nhân duyên: (“vô minh” duyên “hành”, “thức” duyên “danh sắc” v.v…) là loại “vô minh” này. “Vô minh” này chính là linh hồn trong Lục đạo. Trong Lục đạo xả thân, thọ thân chính do “vô minh” này khởi tác dụng.

Cho nên, “kiên cố bất động” ở đây không phải là “trầm không trệ tịch”, không phải “Vô Tưởng Định” trong cõi Tứ Thiền, cũng không phải “Tứ Không Thiên” trong Lục đạo mà là tâm giác ngộ, “tâm tâm khế ư chân như pháp nhất”. Chữ “nhất” này là “Nhất Chân”, là “Chân Như tự tánh”.

Niệm niệm lưu nhập Như Lai Giác Hải”: chữ “Như Lai Giác Hải” có nghĩa là Đại Giác của Như Lai sâu rộng như biển cả. Đây là danh từ trong giáo lý Đại Thừa, từ tiếng Phạn phiên dịch qua, cũng dịch là tánh hải, tự tánh.

Kiên cố” cũng có nghĩa là không thoái. Tổ sư, Đại đức nói với chúng ta: Vãng sinh Tây Phương Cực Lạc liền “viên chứng Tam Bất Thoái”, trong đây đặc biệt chú trọng đến chữ “viên”. Nếu chỉ nói “chứng Tam Bất Thoái” thì Bồ Tát Sơ Trụ cũng chứng được Tam Bất Thoái. Nhưng muốn được “viên chứng” thì Bồ Tát Sơ Địa vẫn không làm được, chí ít phải từ Bát Địa trở lên, đó là phương tiện nói. Chắc thật mà nói: “Viên chứng” là Bồ Tát Pháp Vân Địa, Bồ Tát Đẳng Giác mới có thể “viên chứng Tam Bất Thoái”.

Người xưa chú giải cho chúng ta thấy Thất Địa trở lên mới là A Duy Việt Trí. Cho nên, pháp môn này thực tế là không thể nghĩ bàn! Ngày nay, chúng ta đối với Phật pháp phải xây dựng tín tâm kiên định, phải một lòng một dạ vạn duyên buông bỏ, trung thực niệm Phật, đó là bạn “kiên cố bất động”, chỉ một lòng ngưỡng vọng thế giới Tây Phương Cực Lạc, không khởi một niệm thứ hai.

Tu hành tinh tấn vô năng du giả (Tu hành tinh tấn, không ai hơn được). Chữ “tu hành” xưa kia vốn là tiếng thông dụng, chỉ từ đời Tấn trở đi, tu hành mới trở thành thuật ngữ Phật giáo chuyên biệt. Đúng như lý mà hành “Giới-Định-Tuệ” thì gọi là tu hành. Nếu không “như lý”, tu “Giới-Định-Tuệ” sẽ đi sai đường, lạc vào đường tà. Lúc ấy, khai mở “tà tuệ”, đắc “tà Định’, vậy là phiền phức lớn! Nói thật, ma cũng có Định công, nhất định không nên học Phật mà học đến ma đạo!

– Có người như vậy không?

– Có! Không những có mà còn có rất nhiều! Ban đầu là tâm tốt học Phật, cuối cùng lại học đến đường ma!

Làm thế nào duy trì được chánh đạo, vĩnh viễn không rơi vào tà vạy? Phải nhờ kinh giáo Đại thừa! Xa rời kinh giáo thì lý y cứ của chúng ta không còn nữa. Nếu dùng ý nghĩ của bản thân, tự tìm phương pháp, cho rằng tốt hơn những gì trong kinh Phật nói, vậy là vấn đề nảy sinh rồi! Phương pháp bạn cho rằng hay hơn kinh Phật vậy bạn đã thành Phật rồi! Bạn đâu còn là phàm phu. Nếu thật sự bạn thành Phật thì Phật Phật đạo đồng, sao có thể nói phương pháp bạn vượt trội hơn Phật?! Đó chắc chắn là bạn đã rơi vào tà đạo! Vì sao? Vì pháp mà Phật chứng được giống như một hình tròn, tuyệt đối không thể thêm hay bớt!

Cho nên tuyệt đối không thể ngạo mạn! Khổng Tử trong Luận Ngữ có nói: “Nếu như có tài đức như Chu Công mà kiêu mạn, keo lẫn thì những thứ khác không cần xét đến nữa!”, câu nói này là tiêu chuẩn cho người tu hành. Trong bất cứ mọi hoàn cảnh thuận hay nghịch đều phải giữ được tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác vậy mới thật sự là tu hành. Cho nên, hai chữ “như lý” vô cùng quan trọng.

Nên nhớ: Tu hành không phải mỗi ngày đọc bao nhiêu bộ kinh, niệm bao nhiêu Phật hiệu, dập đầu bao nhiêu cái, không phải vậy! Đó chỉ mới là phần “tín giáo”, còn giải lý, tu hành, chứng  quả bạn chưa làm được! Nếu “” không hiểu, “hành” không tu, tuy ngày ngày đọc kinh niệm Phật, vẫn nghĩ tưởng xằng bậy, vẫn làm những việc tổn mình hại người, vẫn là đang tạo nghiệp! Cho nên, “tín giáo” không đủ, mà phải hiểu “”. “” giải rồi vẫn không đủ, phải tu hành; có tu hành mới hữu dụng.

Nếu thật tu, công phu tu tập dù chưa chứng quả, cũng chắc được phước báo trời, người. Thế, xuất thế gian, phước báo đệ nhất đẳng chính là tu hành, tu sửa hành vi sai lầm của chính mình là phước báo chân thật, việc này chúng ta có thể làm được. Người chân thật tu hành luôn được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ, ngay đến những yêu ma quỉ quái hoặc oan gia trái chủ cũng không dám quấy nhiễu, chúng đều qui phục, tôn kính họ. Tu hành mà còn có yêu ma, quỷ quái đến nhiễu loạn, đến xem thường, phải xem công phu của mình ra sao rồi?! Mục đích của sự tu hành không gì khác hơn là khôi phục tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác của chính mình. Tóm lại, trong quá trình tu tập có ba giai đoạn:

– Thứ nhất là “Tín giáo”, tin tưởng giáo huấn của thầy.

– Thứ hai là “giải lý”, rõ lý giáo huấn của thầy.

– Thứ ba là “tu hành, chứng quả”.

Tinh tấn” ở đây cùng “tinh tấn” của “Ngũ Lực”ở phía trước không như nhau. “Tinh tấn” chỗ này là chỉ chọn một pháp môn, một bộ kinh, một môn thâm nhập, đây gọi là “Tinh tấn”. “Tinh tấn” cũng có nghĩa là siêng năng, cần mẫn, trong đời bạn có được thành tựu hay không, then chốt ở chữ này.

Trong Sớ giải Kinh Quán Di Lặc Thượng Sanh, ngài Từ Ân (Khuy Cơ) giảng chữ “Tinh tấn” như sau: “Tinh là tinh thuần, không ác tạp. Tấn là thăng tấn chẳng biếng lười”.

Vô năng du giả”: chữ “du” là thắng qua, hơn hẳn, siêu việt, vượt trội. Bồ Tát Pháp Tạng “tu hành tinh tấn” không gì có thể chướng ngại được ngài. Đức hạnh của ngài cũng không ai sánh nổi, nên bảo là “vô năng du giả”.

KINH VĂN:

Vãng nghệ Phật sở, đảnh lễ, trường quì, hướng Phật hiệp chưởng, tức dĩ già tha tán Phật, phát quảng đại nguyện, tụng viết:

VIỆT DỊCH:

Đi đến chỗ Phật, đảnh lễ quì dài, hướng về Phật chấp tay, liền dùng già tha khen Phật, phát nguyện rộng lớn, tụng rằng:

GIẢNG:

Câu kinh văn trên đây là lễ tiết khi gặp Phật. “Vãng nghệ Phật sở” (Đi đến chỗ Phật): “Nghệ” là đi đến, “sở” là xứ sở, là nơi chốn. Đảnh lễ, tiếng Phạn là Na Mộ, Hán dịch là Qui Mạng, Khể Thủ, Đảnh Lễ hoặc chỉ dịch là “Lễ”. Trong kinh thường nói “Đảnh lễ Phật túc” (đảnh lễ dưới chân Phật): Chỗ quí nhất trong thân ta là đảnh đầu, chỗ thấp hèn nhất là bàn chân. Dùng cái tôn quí nhất của thân ta để cung kính cái thấp hèn nhất của Phật, nhằm biểu lộ lòng tôn kính đến cùng cực, chân thành tiếp thu giáo huấn của Phật Đà, đây cũng là chân nghĩa của “Đảnh lễ”.

Già tha (Gatha), xưa dịch là “kệ”, nay dịch là “tụng”, có nghĩa là ca tụng, khen ngợi. Tỳ kheo Pháp Tạng đến trước đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương đảnh lễ, khen ngợi, lại còn phát ra lời nguyện rộng lớn (sẽ thuật đủ trong phần kinh văn kế tiếp). Phía sau có mười bài kệ tụng, mỗi câu kệ có bảy chữ gọi là “thất ngôn tụng”, mỗi bốn câu là một bài kệ. Trong kinh Phật, đại khái có mười hai thể loại gọi là “thập nhị phân số”; từ trên hình thức mà nhìn, cũng không ngoài ba loại: Một loại là “văn trường hàng”, hiện tại chúng ta gọi là thể loại “tán văn”, trong kinh điển phần nhiều dùng phương thức này. Loại thứ hai là “kệ tụng”. Loại thứ ba là “Mật chú”. Vì sao Phật dùng phương pháp này để nói pháp?

Nên biết: “Văn trường hàng” tiện ở phát huy, không luận nói lý, nói sự đều có thể nói lâm ly, thống thiết, thỉnh thoảng xen vào một số thể loại thi ca. Phật rất tường tận, biết căn tánh chúng sinh không nhạy bén, nên sau khi giảng xong, ngài dùng “kệ tụng” trùng tuyên lại một lần. Loại “kệ tụng” này gọi là “trùng tụng”, chính là đem những gì đã nói ở phía trước, dùng kệ tụng nói lại một lần. Kinh Hoa Nghiêm có rất nhiều kệ tụng. Nếu “Văn trường hàng” không thể học thuộc, học “kệ tụng” cũng có thể ghi nhớ những gì Phật dạy. Dùng “kệ tụng” cũng có hai lý do:

Một là lời kệ ít chữ nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa dễ hiểu, dễ nhớ.

– Hai là âm điệu bài kệ du dương nên thường dùng để tán vịnh.

Lại nữa, Phật giảng kinh không giống như ở trường lớp. Ở trường, học sinh cố định, đến giờ học tất cả học sinh đều đồng loạt đến. Nhưng ở pháp hội, Phật giảng kinh, cùng pháp hội của chúng ta như nhau, không có ràng buộc đối với thính chúng nên có người đến trước, cũng có người đến sau. Thậm chí, chúng ta giảng kinh nơi đây rất nhiều năm, vẫn có vài vị hôm nay mới đến nghe lần đầu.

Thế Tôn năm xưa giảng pháp, loại tình huống này cũng rất nhiều. Phật rất từ bi! Người mới đến, phần trước chưa nghe, nên Phật phương tiện khéo léo, dùng “kệ tụng” để lập lại một lần khiến người đến trước nghe lại cũng không sinh nhàm chán; người đến sau cũng có thể tiếp thu được phần trước. Cho nên, “kệ tụng” rất cần thiết.

Ngoài ra, còn một thể loại là “mật chú”, “mật chú” không phải là Phạn ngữ Ấn Độ, người Ấn nghe cũng không hiểu. Người xưa nói “Chú ngữ” là ngôn ngữ của quỷ thần sáu cõi, không phải ngôn ngữ của nhân gian. Đức Phật giảng kinh, thậm chí Pháp sư giảng kinh đều có quỷ thần đến nghe, mắt thịt chúng ta không nhìn thấy. Nhưng Phật, Bồ Tát thấy rất rõ ràng. “Phật dĩ nhất âm nhi thuyết pháp, chúng sinh tùy loại các đắc giải”, làm gì có chuyện nghe không hiểu chứ! Sau khi Phật giảng xong, dùng ngôn ngữ của họ, đem ý nghĩa quan trọng đã nói nêu ra vài câu, đặc biệt thân thiết, dùng ngôn ngữ của quỷ thần để nói với họ. Cho nên, “mật chú” là ý nghĩa này.

Bài kệ tụng sau đây gọi là “cô khởi tụng”. “Cô khởi” là kệ tụng mà ý nghĩa trong đó phía trước “văn trường hàng” tuyệt nhiên không có nói qua. Bồ Tát Pháp Tạng đến trước Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai đảnh lễ, trường quì, hướng Phật hiệp chưởng”, đây là lễ tiết. Nhà Nho thường nói: “Nhân vô lễ tắc bất lập”, cho nên, “lễ” rất quan trọng. Con người không hiểu “lễ”, nếu vào xã hội xưa thì không có chỗ đứng; cũng chính là nói, trong xã hội mọi người sẽ không tôn trọng bạn, bạn sẽ không có địa vị trong xã hội. Giáo học của nhà Nho: “Lễ” chính là “Nho hành”, trong nhà Phật chính là “Luật Nghi”, giới luật nghi qui. Đệ tử Phật nếu xả bỏ “Luật Nghi” thì bạn đã xả bỏ đi Phật hạnh!

– Ngày nay, chúng ta học Phật là học cái gì?

– Học những gì Phật làm! Nói cách khác, học đời sống của Phật, học hành vi của Phật. Hành vi, đời sống của Phật ghi chép lại gọi là “Luật Nghi”. Giới luật, nghi qui vô cùng quan trọng, quyết không thể xem thường.

Xã hội hiện nay, tuy mọi người không nói “lễ”. Thế nhưng, bạn dùng “lễ” đối với người, người khác đều hoan hỉ, không có ai  chán ghét. Trái lại, nếu bạn không có lễ mạo, mọi người xem thấy đều rất không hoan hỉ, dường như không vừa mắt! Nói cách khác, dần dần họ sẽ xa lánh bạn! Có thể thấy “lễ” vô cùng quan trọng. Tinh thần của “lễ” là biểu đạt thành kính của chính mình, điểm này rất then chốt. Người có lễ mạo, chí kính nhất định từ trong tâm chân thành mà biểu lộ ra, không phải chỉ hình thức hư ngụy bên ngoài.

Thời đại Đế Vương xưa kia, bá tánh xem thấy Đế Vương phải hành lễ chí kính. Lễ chí kính vào thời trước là “tam quì cửu khấu” (ba lần quì, chín lần cúi đầu), đó là “lễ” xưa. Trong nhà Phật, là “đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu phía hữu ba vòng” như trên kinh chúng ta thường thấy. Thế nhưng, sau khi Phật giáo đến Trung Quốc, lễ tiết “đi nhiễu phía hữu ba vòng” đã miễn, chỉ đảnh lễ ba lạy. Nghi thức xưa và nay khác nhau nhưng tâm thành kính vẫn không hề khác.

Ngày nay, muốn đem Phật pháp mở rộng đến toàn thế giới, “nghi qui” của chúng ta phải hiện đại hóa. Có thể nhiều thanh niên không dám đến học Phật, hỏi họ vì sao? Họ nói: Học Phật phải cúi đầu, việc này tôi không làm được! Bạn thấy, chỉ vì một “nghi qui” nhỏ đã chướng ngại nhiều người không dám đến học Phật. Nên biết, việc này không phải là ý của Phật. Phật là người rất cởi mở, không hề có chút phân biệt, cố chấp. Phật pháp nhất định phải đi đến “hiện đại hóa”, “bổn thổ hóa” mới có thể được người hiện đại, người bản địa hoan nghênh. Hiện tại, đạo tràng chúng ta đề xướng: thấy hình tượng Phật, Bồ Tát, chấp tay cung cung, kính kính xá ba xá thì được rồi, thực chất vẫn tốt, chỉ khi cử hành Pháp hội mới đảnh lễ lạy Phật ba lạy.

Phật tiếp dẫn đại chúng dùng “Tứ Nhiếp Pháp”. “Tứ Nhiếp Pháp” là: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự, cho thấy tâm Phật rất mở rộng, chưa từng miễn cưỡng, chưa từng gây phiền phức nào cho người, luôn khiến mọi người hoan hỉ, ưa thích. Chúng ta phải hiểu nguyên tắc này, nhất định phải đề xướng nghi qui mới này mới có thể đem Phật pháp phổ cập đến toàn thế giới.

Hướng Phật hiệp chưởng (Hướng về Phật chấp tay): “hiệp chưởng” là chấp tay, biểu thị nhất tâm, hai lòng bàn tay phải khép lại giao sát vào nhau. Bình thường các ngón tay rời rạc biểu thị tâm tán loạn, tán loạn là không cung kính. Nay nghe Phật nói pháp, thỉnh giáo với Phật, chuyên tâm nhất chí đem tâm tán loạn thâu nhiếp lại, chính là nhất tâm, cũng là một biểu pháp.

Tức dĩ già-tha tán Phật (Liền dùng già-tha khen Phật): “Già tha” (Gatha) là tiếng Ấn Độ, dịch thành ý Trung văn là “Cô khởi tụng”. “Cô khởi tụng” thường thấy trong kinh Phật, nhưng không phổ biến như “trùng tụng”. “Cô khởi tụng” có lúc dùng để bổ sung phần phía trước chưa nói hết, hoặc chỉ riêng để tán Phật, Bồ Tát.

Phát quảng đại nguyện (Phát ngyện rộng lớn): Tỳ kheo Pháp Tạng đến trước đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương lễ Phật, tán Phật cùng thưa trình nguyện vọng của mình. Đây là điểm then chốt của người học Phật.

– Chúng ta học Phật, nguyện vọng của chúng ta là gì?

– Nguyện vọng thù thắng nhất, hiếm có nhất là học làm Phật. Thử xét xem, bạn đến Niệm Phật Đường có phải vì muốn nghe kinh, vì phát nguyện muốn làm Phật hay vì buồn chán chẳng có việc gì, đến đây tiêu khiển chốc lát?! Đích thật là có loại người này. Việc tiêu khiển này đương nhiên là tiêu khiển lành mạnh, cao thượng nhất so với những tiêu khiển khác trong xã hội ngày nay. Thế nhưng, việc này không thể giúp bạn thành tựu!

Chúng ta xem thấy Huệ Năng trong Đàn Kinh. Huệ Năng đến Hoàng Mai tham kiến Ngũ Tổ, ngài nói rất rõ với Hòa  Thượng Hoằng Nhẫn: Con đến đây là muốn cầu làm Phật! Khẩu khí của ngài thật lớn biết bao! Ngài lập chí muốn làm Phật, ngài chân thật đã làm được, ngài thật đã thành công! Điều này rất quan trọng! Nếu ngay đến nguyện vọng chúng ta cũng không có thì làm sao thành tựu?! Nhất định phải phát tâm nguyện này: Chỉ cầu làm Phật! “Nguyện dĩ đạo hành”, “nguyện” dẫn dắt ta tu hành, “Hành dĩ tiễn nguyện”, “Hành” thực tiễn nguyện vọng của ta. Nguyện, Hạnh đều tương ưng thì chắc chắn sẽ thành tựu.

Trong Tịnh Độ, chánh hạnh là “chấp trì danh hiệu”. Trong vô lượng hành môn, đại đức xưa đều tán thán “Hạnh” này là rất đơn giản, rất dễ dàng, rất ổn định, hơn nữa rất có hiệu quả. Pháp môn thù thắng như thế, đáng tiếc rất nhiều người không tin, vậy thì không còn cách nào! Nhiều người không tin, chúng ta cũng chẳng thấy là lạ. Vì sao? Chư Phật Như Lai đều nói đây là pháp môn khó tin. Nếu pháp môn này vừa nói, mọi người đều tin thì đâu gọi là khó tin. Bạn có thể tin là việc không dễ dàng! Thế gian này có bao nhiêu người học Phật, trong những người học Phật có bao nhiêu người niệm Phật?! Thật là quá ít! Chẳng phải là pháp khó tin hay sao?!

– Phải niệm Phật như thế nào?

–  Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm tương tục”. Ngày trước có người hỏi tôi:

– Thế nào là “gom nhiếp sáu căn”? Tôi nói:

– Tịnh niệm nối nhau! Họ hỏi:

– “Tịnh niệm nối nhau” phải làm thế nào?

– Là “gom nhiếp sáu căn”!

Hai câu này hỗ trợ lẫn nhau. Trong tâm chỉ có Phật A Di Đà, các niệm khác đều không còn, là “gom nhiếp sáu căn”. Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn là “Tịnh niệm nối nhau”.

Chúng ta học Phật phải quan tâm và đồng thời ứng dụng “Tín-Giải- Hành-Chứng” thì nguyện vọng trong đời này nhất định thành tựu. Có Nguyện không có Hành thì Nguyện đó là trống không, cũng đồng với vọng tưởng. Có Hành không có Nguyện, cái Hành đó không có phương hướng, không có mục tiêu. Nói cách khác, khổ tu thế nào, đến sau cùng vẫn không có kết quả. Cho nên, Hành và Nguyện nhất định phải tương ưng.