NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

35. HÃY ĐẦU TƯ NHIỀU THÌ GIỜ HƠN CHO TƯƠNG LAI CON CÁI CHÚNG TA

Các bậc cha mẹ thân mến,
Thật tình mà nói, chúng ta đã góp phần không nhỏ trong sự thác loạn, mất dạy và vô trách nhiệm của con trẻ. Đồng ý chúng ta rất bận rộn vì phải vật lộn với cuộc sống để kiếm tiền nuôi gia đình. Tuy nhiên, tương lai con trẻ còn quan trọng hơn việc kiếm tiền nhiều. Thế nên các bậc cha mẹ phải cố sắp xếp làm sao để vừa có thể lo được vật chất, mà cũng vừa có thể lo được về tinh thần cho con trẻ. Nếu các bậc cha mẹ chỉ biết lo về vật chất mà quên lãng về tinh thần, thì rất có thể chính những vật chất ấy sẽ làm hư hỏng con em mình. Theo cuộc thăm dò mới nhất của tạp chí Thể Thao Trình Bày Cho Trẻ Em (Sport Illustrated For Kids) thì con trẻ không dùng mạng lưới điện toán (internet) để học, mà gần phân nửa dùng internet để nói chuyện với người khác, khoảng 40% dùng internet để chơi (games), chỉ có khoảng 20% trẻ dùng internet để làm bài. Đây cũng chính là hậu quả lơ là không theo dõi thì giờ của con cái từ các bậc cha mẹ. Thêm vào đó, các chuyên gia về internet còn cho biết cứ mỗi phút trên toàn thế giới có khoảng 500 người sử dụng mạng lưới điện toán để loan truyền các hình ảnh khiêu dâm trẻ em. Quả là khủng khiếp ! Trong những năm gần đây, nạn trẻ gái vị thành niên mang bầu ở tuổi mười ba, mười bốn ngày càng gia tăng, cũng do bởi sự lơ là và thiếu dạy dỗ từ các bậc cha mẹ. Những bậc cha mẹ có trách nhiệm phải hướng dẫn và dạy dỗ cho con em biết rằng tình dục là một phần đời sống quan trọng của một con người thành niên, nghĩa là kẻ đó phải có đầy đủ ý thức trách nhiệm về việc làm của mình. Các bậc cha mẹ phải giải thích cho các em thấy rõ nếu còn ở tuổi vị thành niên mà phải mang bầu, thì việc trước tiên là các em phải bỏ học, chẳng những các em gặp phải những vấn đề khó khăn về tài chánh, không lo được cho thai nhi, mà mấy em sẽ mất hẳn cuộc sống hồn nhiên của tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới.” Đó là chưa kể rồi đây các em phải làm sao để nuôi con trong khi thân mình cũng lo chưa xong.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Thấy như vậy các bậc phụ huynh nên luôn cố gắng quan tâm nhiều hơn nữa trong việc rèn luyện đức dục cũng như theo dõi sự học hành và giao du của con trẻ. Nếu hoàn cảnh tài chánh cho phép, quý vị cũng nên bỏ nhiều thì giờ hơn trong các sinh hoạt học đường, hầu kịp thời cùng nhà trường tìm ra những ưu khuyết điểm, để khuyến tấn và giúp đỡ các em trong học vấn. Quý vị là công dân của một quốc gia, là những người đã đóng thuế cho mọi chi tiêu của quốc gia nầy, trong đó có chi tiêu giáo dục và học đường. Quý vị chẳng những là cha mẹ học sinh, mà quý vị còn là những chủ nhân của học đường nếu quý vị muốn. Tiếng nói của quý vị trong các buổi họp phụ huynh học sinh và thầy cô giáo sẽ vô cùng quan trọng trong việc hướng dẫn và dạy dỗ con em của quý vị. Mong các bậc cha mẹ có trách nhiệm nên đầu tư thêm thì giờ trong việc giúp đỡ nhà trường dạy dỗ con em chúng ta hữu hiệu hơn.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Cũng như các bậc cha mẹ, mỗi ngày các em không có bao nhiêu thì giờ ở nhà để thu thập được sự dạy dỗ trực tiếp của cha mẹ. Ngoài sáu hoặc bảy giờ ở trường để học tập khoa học thực nghiệm, thì sự quyến rũ của bạn bè và xã hội hầu như khó làm cho mấy em cưỡng lại được. Như vậy bổn phận và trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ thật là nặng nề. Theo một cuộc nghiên cứu mới đây của Partnership Attitude Tracking cho thấy trẻ em tại Hoa Kỳ đang bị nhiều áp lực dụ dỗ của bạn bè và xã hội trong vấn đề dùng xì ke ma túy. Trong khi đó thì các bậc cha mẹ không có một kế hoạch hay hành động cụ thể khả dĩ nào nhằm giúp con em mình vượt qua những thử thách đầy nguy hiểm nầy. Chỉ có 28% trẻ em cho biết các em đã được cha mẹ vạch ra cho thấy sự nguy hại của việc sử dụng xì ke ma túy. Đó quý vị có thấy chưa ? Sự hư hỏng của con em mình đa phần là do nơi sự lơ là và thiếu dạy dỗ từ các bậc cha mẹ.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Nhiều khi chúng ta lo sợ quá đáng cho những gì đang xảy ra nơi con trẻ ở lứa tuổi mới lớn. Kỳ thật ở lứa tuổi mười bốn, mười lăm, nếu các em thích lang thang với bạn bè, thích ăn mặc chẳng giống ai, hoặc thích nghe nhạc ồn ào, chưa chắc gì các em đã hư hỏng. Tuy nhiên, những bậc cha mẹ có trách nhiệm nên khéo léo hướng dẫn con cái sao cho quan hệ giữa cha mẹ và con cái không căng thẳng. Nếu quý vị cứ khăng khăng cho rằng các em hư hỏng vì cách ăn mặc nói năng, rồi từ đó chỉ một bề rầy la mắng chưởi thì con cái sẽ tìm cách xa rời quý vị là điều không tránh khỏi.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Tuổi chớm lớn của con trẻ, nhứt là tuổi mười ba mười bốn, các em rất cần những lời khuyên lơn dạy dỗ của các bậc cha mẹ. Các em đang ở lức tuổi tự hình thành một cung cách con người cá biệt, chính vì thế mà các em luôn hành sử khác thường hay lập dị với mọi người. Các bậc cha mẹ phải nhìn rõ điểm chuyển tiếp từ một đứa trẻ sang người lớn của con em mình để có thể kịp thời giúp đỡ các em một cách hữu hiệu hơn. Nếu quý vị cứ ngày ngày lập đi lập lại chỉ một câu với con cái: “tụi mầy hư hỏng, khó dạy và cứng đầu quá,” thì đến một lúc nào đó các em sẽ thật sự trở nên hư hỏng, khó dạy và cứng đầu. Như vậy vô hình chung, chính quý vị là những người đã xô đẩy các em vào hướng ấy chứ không ai xa lạ.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Thấy như vậy, Khoan hòa với con cái là một điều tối ư cần thiết cho các bậc cha mẹ trong việc hướng dẫn và dạy dỗ con cái. Khoan hòa với con cái không có nghĩa là nhu nhược, hay không cương quyết. Khoan hòa ở đây là tư cách của một người bạn đàn anh đàn chị, đem niềm vui nỗi buồn cũng như những kinh nghiệm tự thân ra chia xẻ với con trẻ. Khoan hòa ở đây là tự mình dẹp bỏ cung cách độc tài áp đặt những gì mình muốn lên con trẻ. Làm cha mẹ có trách nhiệm luôn nhớ lời Phật dạy: “Làm cha mẹ nên luôn khoan hòa với con cái, bên cạnh đó nên luôn cương quyết một cách hợp lý để không độc đoán.” Con cái đi đâu đến đâu và làm gì, cha mẹ đều phải biết và phải góp ý, nhưng không phán quyết một cách độc đoán. Thí dụ các em xin phép được đi chơi cuối tuần, các bậc cha mẹ có thể góp ý với các em một lời: “Con có thể đi chơi nhưng phải về đúng giờ như lời con đã hứa.” Các bậc cha mẹ có trách nhiệm phải luôn nhớ rằng giáo dục con trẻ là chuyện quan trọng hàng đầu trong tiến trình nuôi nấng và dạy dỗ các em. Cả cha lẫn mẹ phải luôn hợp tác trong vấn đề dạy con, chứ không nên “ông nói gà, bà nói vịt.” Hoặc cha không nên nuông chiều những cái mà mẹ không vừa ý, cũng như vậy mẹ cũng không nên nuông chiều những cái mà cha không vừa ý. Cả cha lẫn mẹ nên hội ý với nhau trước khi quyết định một việc gì. Các bậc cha mẹ nên luôn nhớ rằng tất cả những gì xảy ra trong gia đình, một quyết định dù nhỏ thế mấy, cũng đều ảnh hưởng rất lớn lao trong việc phát triển nhân cách học hành và ngay cả tương lai sự nghiệp của các em về sau nầy.