NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

34. CHA MẸ LÀ NHỮNG TẤM GƯƠNG SỐNG

Các bậc cha mẹ thân mến,
Chúng ta và con cái chúng ta đang sống trong một nước mang tên “Hiệp Chủng Quốc” với sự pha trộn đa chủng và đa văn hóa. Trong đó Việt Nam chúng ta chỉ là một trong số gần hai trăm dạng văn hóa khác nhau. Thực tình mà nói, không riêng gì Việt Nam, mà bất cứ chủng tộc nào ở đây cũng muốn bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Chính vì thế mà không riêng gì cộng đồng Việt, mà hầu như trong tất cả các cộng đồng thiểu số ở đây đều xảy ra những trạng huống đau lòng, từ trong gia đình ra đến ngoài học đường và xã hội. Cha mẹ thì muốn bảo tồn văn hóa của mình, nhưng lại không muốn hội nhập, hoặc hội nhập rất chậm vào xã hội mới. Ngược lại, tuổi trẻ con em chúng ta thì vội vã hội nhập, lắm khi không còn nhớ còn biết mình là ai, mặt mũi mình ra sao nữa.

Thật tình mà nói, ai trong chúng ta cũng có những khổ tâm riêng. Cha mẹ khổ tâm theo cha mẹ, con cái chúng ta cũng có cái khổ tâm của các em. Các em sanh ra và lớn lên ở đây, học đường ở đây hoàn toàn khác với học đường ở Việt Nam. Ở đây chỉ dạy cho các em kiến thức và khoa học thực nghiệm, chứ không chú trọng về đạo đức. Chính vì thế mà vai trò của các bậc làm cha mẹ rất ư là quan trọng. Ngoài chuyện lo lắng và hướng dẫn cho con em mình được thành nhân chi mỹ, quý vị còn là những giáo đạo đức dục vô cùng quan trọng cho các em.

Tuy nhiên, vai trò của các bậc cha mẹ trong việc rèn luyện đức dục của các em không phải là đơn giản như việc nuôi nấng, lo ăn, lo mặc, sắm quần, sắm áo đâu quý vị ạ ! Xin quý vị đừng lầm tưởng rằng đi làm mang tiền về cho đầy đủ hoặc dư dả là xong. Không xong đâu quý vị ơi ! Kỳ thật yếu tố đầu tiên giúp con em rèn luyện dạo đức cũng là yếu tố vô cùng khó khăn cho các bậc cha mẹ, vì các em sẽ ít khi chịu nghe những gì quý vị nói, mà các em chỉ nhìn những gì quý vị làm để rồi làm theo. Chính vì thế mà các bậc cha mẹ sống buông thả, bừa bãi sẽ không bao giờ dạy được con cái. Cho dù quý vị có nói hay thế mấy, mà quý vị làm không hay thì đừng trách gì con cái hư hỏng. Xin các bậc làm cha mẹ hãy vô cùng cẩn trọng khi dạy con trong thời buổi hôm nay !

Các bậc cha mẹ thân mến,
Sự dạy dỗ con cái trong xã hội hôm nay không phải là chuyện đơn giản, không phải biểu các em vâng lời là các em vâng lời, không phải kêu các em giỏi giang là các em giỏi giang. Ngược lại, muốn các em vâng lời, muốn các em ngoan ngoãn giỏi giang, các bậc cha mẹ phải đầu tư thật nhiều thì giờ trong việc dạy dỗ con cái. Ngoài ra, cha mẹ còn phải làm sao cho các em thấy được rằng các em đang là thành viên của một gia đình tốt về cả cuộc sống vật chất lẫn luân lý đạo đức. Muốn con cái vâng lời thì các bậc cha mẹ phải làm gương trước nhứt bằng cách sống trên thuận dưới hòa, chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng nghe. Nếu có bất đồng ý kiến, vợ chồng phải cố ngồi lại với nhau để giải quyết, chứ đừng sất sá cãi vã to tiếng. Đồng ý mỗi em đều có cá tính khác nhau, đồng ý cha mẹ sanh con chứ không sanh tánh; tuy nhiên, gương sống hằng ngày của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn vào cuộc sống của con trẻ trong hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó, học đường và xã hội cũng góp phần không nhỏ trong việc dạy dỗ con trẻ.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Chúng ta có thể không hoàn toàn đồng ý với Đức Khổng Phu Tử về: “nhân chi sơ tánh bổn thiện,” nhưng ai trong chúng ta cũng phải đồng ý rằng con cái chúng ta không tự làm nên những điều xấu ác. Con trẻ xấu hay tốt đa phần do ảnh hưởng của cuộc sống trong gia đình và những giao tiếp nơi học đường cũng như ngoài xã hội. Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận tầm quan trọng của gia đình trong tiến trình phát triển và lớn lên của con trẻ. Hình ảnh của cha mẹ bây giờ, chính là hình ảnh của con cái chúng ta về sau nầy. Như vậy các bậc cha mẹ đã thấy quá rõ là tương lai của các em sau nầy có tươi sáng hay u tối hơn hiện tại của quý vị là hoàn toàn tùy thuộc ở quý vị. Quý vị đã mang lại đời sống cho các em và tương lai vận mệnh của mấy em đang nằm trọn trong tay của quý vị.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Nhứt là những bậc cha mẹ Phật tử phải cố làm sao cho tương lai và sự nghiệp của con em mình về sau nầy phải hơn hẳn những gì mình đang có bây giờ. Đức Phật đã từng dạy dỗ các Phật tử tại gia rằng: “Nếu duyên nghiệp hãy còn, nên các Phật tử tại gia chưa thể sống đời đạo hạnh xuất trần thì vẫn phải lập gia đình, tạo sự nghiệp và có con cái. Tuy nhiên, một khi đã lập gia đình và mang lại đời sống cho con cái thì bổn phận làm cha mẹ là phải tận tâm, tận tình, tận lực nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái cho được thành nhân chi mỹ, vì không một ai có thể thay thế được quý vị trong trách vụ nầy.” Như vậy vai trò làm cha mẹ của quý vị thật tối ư quan trọng. Ngoài chuyện mưu sinh, quý vị còn phải tạo cho con trẻ một bầu không khí đầm ấm trong gia đình. Từng bước chân chập chững của các em nơi trường học cũng như ngoài trường đời là từng nhịp đập trong tim của quý vị. Lúc chuyện trò, khi ăn uống với con cái, cũng như lúc đùa giỡn ở sân sau, hoặc lúc dạy con về truyền thống gia tộc và dân tộc, tất cả đều phải xảy ra trong tinh thần cởi mở và tương kính. Đã qua rồi cái thời “áp đặt” vì con trẻ ngày nay không còn là con trẻ ngày xưa. Với trào lưu tiến bộ hiện tại, các em đã được phát triển và trở nên khôn trước tuổi. Các em không còn thụ động hoặc lắng nghe cha mẹ một cách máy móc nữa. Nói như thế không có nghĩa là tuổi trẻ hôm nay hư hỏng. Tuổi trẻ hôm nay vẫn lắng nghe cha mẹ như tuổi trẻ năm xưa, nhưng các em cần một lời giải thích thỏa đáng trước khi vâng lời. Kỳ thật, các em đang làm theo lời Phật dạy năm xưa: “Đừng vội vàng tin nghe theo những gì mà mình chưa hiểu rõ. Hãy hỏi cho kỹ cho rõ rồi hẳn tin hẳn nghe.” Như vậy các bậc cha mẹ có trách nhiệm nên luôn nhớ rằng chẳng những con cái cần lắng nghe cha mẹ, mà cha mẹ cũng cần phải lắng nghe con cái trong mọi vấn đề. Lắng nghe để hiểu được tâm tư tình cảm của con em mình. Làm được như vậy, các bậc cha mẹ đang tạo ra một bầu không khí cởi mở và êm đềm trong chính gia đình mình.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Tinh thần cởi mở và tương kính không có nghĩa là quy lụy và chiều chuộng con cái một cách thái quá. Tinh thần cởi mở và tương kính chính là con đường trung dung mà Đức Phật đã dạy các Phật tử tại gia của Ngài. Làm cha làm mẹ có lúc phải âu yếm con cái, nhưng không mềm yếu; có lúc phải thỏa mãn những nhu cầu cần thiết cho con em trong cuộc sống hằng ngày, nhưng không chiều chuộng thái quá; có lúc phải cương nghị nhưng không độc đoán. Theo Phật, mỗi người chúng ta đến với cõi Ta Bà nầy với một mớ nghiệp lực khác nhau, nên không ai giống ai. Sự sống chung đụng lâu ngày, dù thương nhau thế mấy, cũng gặp phải những va chạm. Thế nên các bậc làm cha mẹ phải cố dẹp tự ái, đừng lúc nào cũng tự cho mình là đúng người sai và khư khư bắt ép người phải theo mình, vì làm như vậy vô tình mình nêu gương xấu cho con em mình về sau nầy. Mặc dù vẫn biết rằng cha mẹ sanh con chứ không sinh tánh, nhưng đức tính của con cái ảnh hưởng rất lớn từ nếp sống hằng ngày của cha mẹ nhiều hơn là bẩm sinh hay ảnh hưởng bên ngoài. Thế mới thấy ngay cả các bậc cha mẹ cũng cần phải sửa sai, chứ không đơn thuần bắt ép con cái phải sửa theo ý mình.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Tại sao đa phần các bậc phụ huynh ở các nước Âu Mỹ lại cho rằng giới trẻ hôm nay sống thác loạn, mất dạy và vô trách nhiệm ? Các bậc cha mẹ hãy bình tâm mà suy xét thử xem chúng ta đã có góp phần vào những hư hỏng của con trẻ hay không ? Ở trường thì thầy cô chỉ hướng dẫn cho các em phần tri thức. Bạn bè và xã hội thì làm được gì cho các em ? Như vậy nếu các bậc cha mẹ chỉ lo làm ăn mà lơ là trong việc dạy dỗ đức dục cũng như theo dõi việc học hành thì các em sẽ ra sao ? Không nói chắc quý vị cũng thừa hiểu hậu quả của việc lơ là trong trách nhiệm dạy dỗ con cái sẽ xô đẩy con em chúng ta đến chỗ thác loạn, mất dạy và vô trách nhiệm.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Thói thường chúng ta hay đổ thừa mà ít chịu bình tâm suy xét những gì đang xảy ra quanh ta. Chúng ta cho rằng tuổi trẻ hôm nay sống thác loạn, mất dạy và vô trách nhiệm, nhưng chúng ta không chịu bình tâm suy xét xem coi vì sao tuổi trẻ lại sống như vậy. Có khi nào người lớn chúng ta chịu để ý thực sự đầu tư thời giờ trong vấn đề giáo dục con em về luân lý, đạo đức cũng như trách nhiệm và lòng nhân đạo của một con người đúng nghĩa bao giờ chưa ? Đừng nói chi đến những việc lớn như văn học văn hóa, các bậc cha mẹ hãy tự hỏi xem chúng ta đã dạy cho các em hiểu biết đầy đủ về những điều phải trái và những lịch sự tối thiểu trong cuộc sống hằng ngày chưa ? Khoan nói chi đến việc dạy dỗ con trẻ yêu nước thương nòi, các bậc cha mẹ hãy thành thật với chính mình xem coi mình đã dạy được gì cho con trẻ trong việc thương yêu chính các em và những thành viên trong tiểu gia đình của các em ? Gia đình là một tế bào sống của xã hội, mà trong đó các em là một thành phần quan trọng. Ngoài ra, gia đình còn là một loại trường học đặc biệt trong đó cha mẹ đóng vai thầy cô, dạy các em không bằng sách vở mà bằng kinh nghiệm sống thực của chính mình. Dẫu biết rằng cha mẹ nào cũng thương yêu con cái trong từng nhịp thở, trong từng nhịp đập của trái tim. Hễ tim còn đập là tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái vẫn còn nồng nàn. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ phải nên xét lại cách mình yêu thương con trẻ coi đó có phải là thứ tình yêu mà trẻ cần hay chỉ là thứ tình yêu chỉ nhằm thỏa mãn cao vọng cho chính mình ?