Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VIII. PHÁP TẠNG NHÂN ĐỊA ĐỆ TỨ
(TT)

8. Điều Ngự Trượng Phu

Điều Ngự” là giáo hóa chúng sinh khiến họ có thể tâm phục, khẩu phục, đây là việc không đơn giản! Chỉ có Đức Phật và Pháp Thân Bồ Tát mới làm được. Vì sao? Trong Hợp Tán nói rất rõ: “Chính mình đã là trượng phu, lại có thể điều phục trượng phu. Vì vậy, xưng tụng Phật là Điều Ngự Trượng Phu. Nếu đầy đủ bốn pháp thì gọi là trượng phu. Những gì là bốn? Gần thiện tri thức, hay nghe pháp, suy nghĩ ý nghĩa (của pháp đã được nghe), tu hành đúng như lời dạy”.

Trên thực tế, việc tu hành, quan trọng nhất là phải điều phục được vọng tâm. Nếu chỉ tu từ ngôn hành cũng xem là không tệ, nhưng đó không phải là căn bản, vẫn là tu trên phương diện cành lá. Căn bản là khởi tâm động niệm có tốt thì cành lá mới thật tốt, đây là khẳng định! Cũng chính là điều phục viên mãn. Kế đến là giáo hóa chúng sinh, phải thật sự điều phục được chúng sinh thì giáo dục đó mới được xem là thành công.

Cũng theo Hòa Thượng Tịnh Không, thời xưa Trung Quốc xem hai chữ “trượng phu” tương đồng với hai chữ “anh hùng”. “Đại trượng phu” chính là “Đại anh hùng”. “Trượng phu” chỗ này, không phân biệt nam, nữ, già trẻ, là từ trên tánh đức mà nói. Những gì người khác không làm được nhưng họ đều có thể làm được như: Liễu sinh tử, thoát luân hồi, đoạn phiền não, phá vọng tưởng v.v… thì gọi là “Đại trượng phu”.

Trên kinh, Phật dạy rất rõ ràng, quan trọng là phải thân cận minh sư, tu tích thiện pháp, thành tựu phẩm đức, học vấn của chính mình. Chữ “Điều Ngự” là nói hiệu quả. “Điều” là điều tâm, đoạn trừ tất cả vọng tưởng, tạp niệm. “Ngự” là khống ngự, khống chế hành vi của mình, không để thân, khẩu tạo tác ác nghiệp, đó gọi là “Ngự”. Cho nên, “Điều tâm, ngự hành” rất quan trọng, nhà Phật gọi đó là người chân thật tu hành. Là “Đại trượng phu” tất phải có năng lực này.

Xã hội ngày nay, rất nhiều người gọi đó là xã hội đa nguyên văn hóa. Đặc biệt, ở Úc châu trong mấy năm gần đây rất chú trọng đến việc điều hòa đa nguyên văn hóa. Họ chọn lấy chính sách mở rộng hoan nghênh người nước ngoài di dân đến Úc. Người mới di dân đến Úc, từ các quốc gia khác: Chủng tộc khác nhau, văn hóa khác nhau, hoàn cảnh đời sống khác nhau, tín ngưỡng khác nhau v.v… làm thế nào có thể giúp họ điều hòa sự khác biệt này? Đây là vấn đề trọng đại! Chỉ có điều hòa thì xã hội mới có thể phồn vinh, hy vọng có thể đạt đến mọi người đều có thể tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, quan tâm hợp tác lẫn nhau, cùng xây dựng đời sống xã hội tốt đẹp mỹ mãn.

Mục tiêu lý tưởng này vô cùng cao cả, rất được đại chúng xã hội hoan nghênh. Cho nên, họ thường tổ chức những buổi luận đàm. Tôi nghe nói đầu tháng mười hai còn có buổi luận đàm đa nguyên văn hóa với qui mô lớn, họ yêu cầu chúng tôi tham gia. Tỉ mỉ mà quan sát, có quốc gia khu vực nào mà không có người nước ngoài đến, đây chẳng phải là hình thái của đa nguyên văn hóa sao? Người Úc đem vấn đề này chính thức công khai thảo luận, hy vọng đạt đến mục tiêu này. Kỳ thật, bất cứ quốc gia khu vực nào, người lãnh đạo thông minh trí tuệ đều chú ý đến vấn đề này.

– Dùng phương pháp nào để điều hòa có hiệu quả?

– Hiện tại mọi người đang thăm dò!

Sự việc này khiến tôi nghĩ đến thế giới Tây Phương Cực Lạc quả thật là khu vực đời sống đa nguyên văn hóa với qui mô lớn. Cư dân Thế giới Cực Lạc là di dân từ vô lượng vô biên các cõi nước chư Phật vãng sinh đến, đương nhiên bối cảnh văn hóa, tư tưởng, đời sống của mỗi người trước đây đều không như nhau, mang đến sự phức tạp rất lớn không nơi nào có như ở thế giới Cực Lạc.

– Đức Phật A Di Đà làm thế nào đem “đa nguyên” biến thành “nhất nguyên”?

– Đây là bản lãnh của Phật A Di Đà!

Ngày nay, chúng ta cảm thấy đau đầu với đa nguyên văn hóa không thể giải quyết, có nghĩ đến Tỳ Lô Giá Na Phật hay A Di Đà Phật chăng?

– Các ngài làm thế nào giải quyết vấn đề này?

– Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm cùng Kinh Vô Lượng Thọ chính là giáo trình đa nguyên văn hóa quan trọng nhất. Muốn giải quyết vấn đề này phải học A Di Đà Phật, học Tỳ Lô Giá Na Phật, vấn đề này mới có thể giải quyết được cứu cánh viên mãn. Cho nên, Phật được xưng là đấng “Điều Ngự Trượng Phu”, thật đúng với tên, không hề quá đáng chút nào!

– Do đâu mà chư Phật, Bồ Tát có được bản lĩnh này?

– Do các ngài có tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi mà có được lực dụng điều ngự, nhiếp hóa tất cả chúng sinh.

Lại nói: “Nếu đầy đủ bốn pháp thì gọi là trượng phu”. Bốn pháp này là:

1. Thân cận thiện tri thức: Điều này rất quan trọng!

– Hiện nay không có thiện tri thức phải làm sao?

– Tìm trước tác của thiện tri thức vẫn còn lưu lại thế gian mà học tập là được! Đối với hàng sơ học chúng ta, chỉ nên tìm một thiện tri thức, không được quá nhiều sẽ sinh ra phiền phức, khiến tâm ta không định.

2. Có thể nghe pháp: Việc này nghe qua hình như rất đơn giản, nhưng thật không đơn giản! Trường hợp điển hình như bà Lưu Tố Vân, bà “có thể nghe pháp

– Bà nghe như thế nào?

– Mỗi ngày nghe một CD, mỗi CD thời lượng một tiếng đồng hồ, nghe lặp đi lặp lại đến mười lần, tức là mỗi ngày bà nghe mười tiếng chỉ có một đĩa. Quả đúng “trường thời huân tu”. Lúc đó, tôi giảng Kinh Vô Lượng Thọ ở Singapore, thời gian hình như là năm 1994, giảng xong trong vòng một tháng. Một ngày giảng hai tiếng, một tháng giảng xong là sáu mươi tiếng đồng hồ, gần sáu mươi đĩa.

Trong sáu mươi ngày, mỗi ngày mười tiếng, bà nghe hết một bộ Kinh Vô Lượng Thọ. Nghe xong, bà nghe lại từ đầu, vẫn là mỗi ngày một CD, nghe mười tiếng đồng hồ. Cứ thế, bà đã nghe suốt mười năm. Đây là “có thể nghe pháp”. Trong mười năm này, chúng ta không biết công phu của bà như thế nào, nhưng có thể lãnh hội: Bà được tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh sinh trí-tuệ. Tôi chỉ nghe bà trả lời câu hỏi trên CD, thính chúng khoảng ba bốn trăm người đặt câu hỏi. Thời gian giải đáp khoảng hai, ba tiếng đồng hồ. Bà trả lời rất viên mãn, đó là trí tuệ hiện bày, không phải chuyện đơn giản!

Nghe kinh phải nghe như thế, đọc kinh cũng phải như vậy. Đọc kinh đồng nghĩa là nghe theo cổ nhân. Những gì cổ nhân nói trong sách, khi nghe hiểu được ý nghĩa, nếm được pháp vị của cổ nhân nói, lúc đó muốn dừng lại không nghe cũng không thể! Đây là thật không phải giả! Thế gian vị sao đậm bằng pháp vị! Bạn vừa tiếp xúc, bất luận là nghe hay xem thì tâm hoan hỉ hiện tiền, niềm hoan hỉ phát xuất từ nội tâm không phải từ bên ngoài vào.

Hồ Tiểu Lâm báo cáo, ông nói: Hiện nay ông đọc kinh mỗi ngày mười hai tiếng, chuyên chú từ tám giờ rưỡi sáng đến tám giờ rưỡi tối, quên cả cơm nước lẫn nhà vệ sinh, Pháp hỉ sung mãn! Ông đã thực hiện được hai câu trên đây “Thân cận thiện hữu tri thức” và “có thể nghe giảng”.

3. Tư duy nghĩa (suy nghĩ ý nghĩa): Chữ “tư duy” này không phải là tướng tâm duyên mà vừa nghe thì lập tức liền hiểu nghĩa, vừa xem đã hiểu, đây gọi là “tư duy nghĩa”.

4. Như thuyết tu hành (Tu hành đúng như lời dạy): Câu này rất quan trọng, đem tất cả những gì mình hiểu, minh bạch thực hành trong cuộc sống hàng ngày, cuộc sống sẽ vô cùng hạnh phúc, mỹ mãn tốt đẹp.

Sách Hội Sớ giảng: “Đầy đủ lực dụng của bậc đại trượng phu để nói các pháp, điều phục chế ngự hết thảy chúng sinh khiến cho họ lìa cấu nhiễm, đắc đại Niết Bàn”. “Đại trượng phu” là Pháp Thân Bồ Tát, cũng chính là người “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Trong Nho giáo gọi là thánh nhân, tương đồng với Bồ Tát trong Phật pháp. Chữ Đại thánh nhân mới chính là để tôn xưng Phật.

Đầy đủ lực dụng của bậc đại trượng phu để nói các pháp”: chữ “lực” ở đây là chỉ cho “Thập Lực”, “Tứ Vô Sở Uý”, nói chủng chủng các pháp “điều phục chế ngự tất cả chúng sinh khiến lìa cấu nhiễm được đại Niết Bàn”. Phật Bồ Tát có năng lực này, giảng kinh thuyết pháp khiến người người nghe xong đều có thể tin, có thể hiểu, Pháp hỉ sung mãn, đây là “điều phục”. Sau khi thấu triệt lời dạy của Phật, trong cuộc sống hàng ngày, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác họ tự nhiên không trái với tánh đức, đây là “ngự”, nghĩa là tự mình có thể khống chế, kiểm soát bản thân mình không vượt ra ngoài phạm vi của quỹ đạo. Đây không phải nói người khác mà chính mình tự kiểm soát lấy mình. Đây là lực dụng dạy học của đức Phật.

Tất cả chúng sinh” trong đây là chỉ cho chúng sinh trong mười pháp giới. “Khiến lìa cấu nhiễm”, hai chữ “cấu nhiễm” là đại danh từ của phiền não. “Cấu” là phiền não chướng, “nhiễm” là “sở tri chướng”. “Sở tri chướng”do bạn biết quá nhiều thứ cũng tạo thành chướng ngại, những thứ này bây giờ gọi là “tri thức”. Khi mê “trí tuệ” biến thành “tri thức”; khi giác ngộ “tri thức” biến thành “trí tuệ”, không giống nhau. “Phiền não chướng” và “Sở tri chướng” không còn, bạn được đại Niết Bàn. Đại Niết Bàn chính là Chân Như tự tánh. Trở về tự tánh, trong Tịnh Độ gọi là trở về “Thường Tịch Quang” đây là quả vị Diệu Giác cao hơn Đẳng Giác .

Cụ Hoàng Niệm Tổ nêu ra vấn đề: Nếu có kẻ chất vấn:

– Cũng phải nên giáo hóa bọn nữ nhân, cớ sao chỉ nói đến bọn trượng phu?

Sau đó, cụ mượn lời của Trí Độ Luận để đáp vấn đề này:

– “Nếu nói ‘trượng phu’ là đã tính cả nhị căn (nhị căn là chỉ cho hai căn: nam, nữ), ‘vô căn’ (chỉ kẻ bẩm sinh không có bộ phận sinh dục), nữ nhân, nên chỉ nói là trượng phu”. Như vậy, khi nói đến “trượng phu” là đã bao gồm cả “nhị căn, vô căn, phụ nữ” trong đó.

9. Thiên Nhân Sư

Phật tại thế gian là mô phạm của tất cả chúng sinh. Không chỉ là thầy của nhân gian mà cũng là thầy của chư Thiên nên gọi là “Thiên Nhân Sư”.

Sách Hội Sớ bảo: “Tất cả thiên thượng, nhân gian, ma vương, ngoại đạo, Thích, Phạm, thiên, long đều cùng qui mạng, tuân lời dạy vâng làm, đều làm đệ tử, nên hiệu là Thiên Nhân Sư”.

Sách Hợp Tán lại bảo: “Chư Phật tuy là vô thượng đại sư của hết thảy chúng sinh, nhưng trong các loài chúng sinh, chỉ có trời và người có thể phát nổi tâm vô thượng đại Bồ Đề. Do đó, xưng tụng Phật là Thiên Nhân Sư”.

10. Phật Thế Tôn

Thành Thật Luận tách danh hiệu này ra làm hai, xem Phật là danh hiệu thứ chín, Thế Tôn là danh hiệu thứ mười. Nay cụ Hoàng Niệm Tổ theo ý kinh Niết Bàn gom Phật và Thế Tôn thành danh hiệu thứ mười. Chữ “Phật” là lược dịch của Phật Đà có nghĩa là trí tuệ, là giác ngộ. Nói “trí” là từ thể mà nói; nói “giác” là từ dụng mà nói. Trong “giác” có: Tự giác, giác tha, và giác mãn. Ba giác viên mãn mới xưng là Phật. “Tự giác” là tự mình giác ngộ, không chủ động giúp người khác giác ngộ, đây là A-la-hán, Thánh giả Tiểu Thừa. Bồ Tát là “tự giác, giác tha”, chúng sinh không mong cầu, họ vẫn tìm đến giáo hóa, giúp đỡ chúng sinh. Đây là “tự hành hóa tha”. Tuy nhiên, Bồ Tát “tự hành hóa tha” chưa được viên mãn, mãi đến khi thành Phật mới được viên mãn. Trong trí tuệ có ba loại Trí:

– Nhất Thiết Trí là trí tuệ của A-la-hán.

– Đạo Chủng Trí là trí tuệ của Bồ Tát.

– Nhất Thiết Chủng Trí là trí tuệ của Phật.

–  “Nhất Thiết Trí”, tổng tướng là gì?

– Tổng tướng của Nhất Thiết Trí là “không” gọi là “vạn pháp giai không, nhân quả cũng là không”.

Nhưng, bạn nên biết: Trong Phật pháp thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”.

– Nói như vậy nghĩa là sao?

– Nhân quả và vạn pháp đồng thời sinh khởi! “Vạn pháp là không” thì làm gì có lý “nhân quả bất không”?! Chẳng qua “không” ở đây là phải chứng tới tận cùng cực điểm mới “không”. Ý nói: Đến quả vị Diệu Giác, trở về với Thường Tịch Quang, với tự tánh mới là đại viên mãn, lúc này “nhân quả” mới thật không còn nữa. Chưa trở về tự tánh thì nhân quả đều có. Nói cách khác, chỉ trong Thường Tịch Quang mới không có nhân quả.

“Phật” còn có nghĩa là “Tri” (hiểu biết), như Trí Độ Luận viết: “Phật Đà, Hán dịch là Tri Giả (bậc hiểu biết). Biết được hết thảy các pháp: chúng sinh số, phi chúng sinh số, hữu thường, vô thường v.v… trong quá khứ, vị lai, hiện tại. Dưới cội Bồ Đề, ngài hiểu biết rành rẽ hết cả nên gọi là Phật Đà”.

Trí Độ Luận còn chép: “Phật thành tựu hết thảy trí tuệ, đầy đủ trọn vẹn các đức, nên đều hiểu rành rẽ quá khứ, vị lai, hiện tại, tận, bất tận, động, bất động, hết thảy thế gian, nên hiệu là Phật Đà”.

Tận, bất tận” là đối với lý mà nói, cùng tận căn nguyên.

– Đến trình độ nào mới “tận”?

– Trở về tự tánh mới là “tận”. Từ A-lại-da trở xuống đều là “bất tận” (không tường tận), cũng có nghĩa là chưa thật sự thấy được chân tướng sự thật, chưa thấy được viên mãn rốt ráo. “Bất động” là tự tánh, “động” là hiện tượng, “hết thảy thế gian” đều bao gồm cả ba loại thế gian: Hữu tình thế gian, khí thế gian, Trí Chánh Giác thế gian. “Trí Chánh Giác thế gian” là thế gian của Thánh nhân.

Tóm lại, Phật không có gì không biết.

– Phật ở đâu?

– Phật tại các ngành nghề, Phật trong nam, nữ già trẻ. Nếu họ giác ngộ, họ chính là “Phật”. Từ góc độ thế gian mà nói: “Phật” là người tốt nhất không ai sánh bằng, ngài có trí tuệ, có năng lực biết quá khứ, hiện tại, vị lai, đây là thuộc về đức năng của Phật.

Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ:

Thế Tôn ”, tiếng Phạn là Bạc Già Phạm (Bhagavan) đầy đủ trọn vẹn các đức được thế gian khâm ngưỡng nên hiệu là Thế Tôn . Phẩm “Thập Hiệu” của Thành Thật Luận có viết: “Trọn vẹn chín danh hiệu như trên, là bậc cao quí trong tam thế thập phương thế giới, nên gọi là Thế Tôn ” (Trí Độ Luận xem Phật là hiệu thứ mười, thứ mười một là Thế Tôn , vì cho rằng Thế Tôn là tổng xưng, tiếng xưng tụng chung cả mười đức hiệu. Cách tách ra hay gom lại này so với thuyết của Tịnh Ảnh Sớ hơi khác đôi chút, nhưng vẫn tương đồng).

Tại thế giáo thọ tứ thập nhị kiếp. Thời vị chư thiên cập thế nhân dân thuyết kinh, giảng đạo (Trụ thế, giáo hóa trong bốn mươi hai kiếp. Khi ấy, đức Phật vì chư thiên và người đời nói kinh giảng đạo). Câu này trích từ bản Hán dịch, cho thấy chư Phật Như Lai xuất hiện ở đời đều dùng thân phận một người thầy đến để giáo hóa chúng sinh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Những gì Phật dạy chúng ta, bản thân ngài đều làm được, thân hành ngôn giáo, khiến chúng ta không thể không kính ngưỡng và khâm phục ngài.

“Đạo” là con đường giác ngộ. Luận Câu Xá giảng: “Đạo nghĩa là gì? Là đường Niết Bàn, vì đi theo con đường ấy đến được thành Niết Bàn”. Hoa Nghiêm Đại Sớ cũng nói: “Thông đến quả Phật nên gọi là Đạo”. Ý này tương đồng với Câu Xá Luận. Đây là mục tiêu, phương hướng của Phật pháp Đại Thừa.

Niết Bàn” là tiếng Ấn Độ, theo nghĩa trong “Tứ Đế” (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), “Niết Bàn” có nghĩa là “Diệt”.

– Diệt những gì?

– Diệt phiền não: Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, Vô Minh phiền não. Đoạn tận cả ba loại phiền não này liền minh tâm kiến tánh, đó gọi là “Bát Niết Bàn”. Dùng cách nói dễ hiểu hơn gọi là trở về tự tánh. Vì thế, kinh luận Đại Thừa là con đường lớn giúp chúng ta trở về tự tánh, con đường thành Phật. Phật đạo là con đường rốt ráo, viên mãn nhất.

Đến đây, Hòa Thượng Tịnh Không nêu ra vấn đề:

– Ngày nay, chúng xuất gia, làm đệ tử Phật có nhận thức rõ chức vụ của người xuất gia hay không?

– Hiện tại, có số người đem mục đích xuất gia làm sai lệch! Sau khi xuất gia, họ làm một số sự nghiệp từ thiện xã hội, cũng nhận được sự tán thán của mọi người. Nếu vào thời xưa, tôi tin rằng nhất định không phải là hiện tượng này! Bạn xuất gia, mọi người gọi bạn là Pháp sư. Sư là thầy của mọi người. – Bạn có dạy học không? Bạn có lên lớp không? – Bạn không có dạy học, không lên lớp, mọi người gọi bạn là thầy, bạn nghĩ thế nào? – Không đúng với sự thật!

Nếu làm công tác từ thiện, cứu tế xã hội, đâu cần phải thân phận xuất gia, tại gia cũng làm được. Người xuất gia không thể làm. Vì sao? Người xuất gia không có tiền! Đức Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện cho chúng ta thấy: Ngài chỉ ba y một bát, ngoài ra không có bất cứ thứ gì.

Cho nên, thời Phật tại thế, công tác cứu tế xã hội đều do những đại trưởng giả, học trò tại gia của Phật làm công việc này. Phật thị hiện cho chúng ta thấy: “Nhiều việc không bằng ít việc; ít việc không bằng không việc gì”, những việc khác đều buông bỏ. Phật dạy chúng ta chỉ làm một sự việc, vì tất cả chúng sinh giảng kinh nói pháp, chỉ làm công việc này.

– Cái gì gọi là “kinh”? Cái gì gọi là “đạo”?

– “Kinh” còn gọi là kinh điển, là giáo huấn của Phật. Tất cả lời Phật nói ra không rời khỏi thật tướng các pháp, chân tướng của vũ trụ nhân sinh. “Điển” là điển hình, là mô phạm. Cho nên, “kinh” là chân lý vĩnh viễn không bao giờ thay đổi, siêu việt cả thời gian lẫn không gian; bất luận ở địa phương, khu vực nào cũng đều thích hợp. Đây mới là điều phi thường. “Đạo” là con đường, tỉ dụ cho tu hành, đời sống như lý mà hành, mang đến chân thật hạnh phúc mỹ mãn, thì gọi là “Đạo”.

Ngày nay, chúng ta qui y Vô Lượng Thọ Phật, qui y A Di Đà Phật, nếu có thể đem kinh Vô Lượng Thọ, từng câu từng chữ thực tiễn ngay trong cuộc sống hàng ngày, triễn hiện cho xã hội đại chúng xem cũng là hình thức giảng đạo. Tuy không giảng, nhưng làm ra kiểu dáng để mọi người xem, đây là thân giáo. Chư Phật Bồ Tát “thân-khẩu-ý”, ba luân giáo hóa chúng sinh, đây đều là chúng ta phải nên học tập.

Hai ngày nay, chúng ta đã nghe qua cư sĩ Lý Mộc Nguyên kể về lão cư sĩ Hồng quyên hiến đất cho chúng ta xây dựng thôn Di Đà. Một tháng trước, tôi có đến thăm ông, ông bị bệnh rất nặng. Chúng tôi xem thấy hình tướng của ông có được sáng, không giữ được chiều. Chính ông cũng biết được, nên trong lòng rất lo lắng, muốn hiến tặng khu đất của mình để làm thôn Di Đà. Ông thành tâm, thành ý tìm cư sĩ Lý, cư sĩ Lý cũng có thành ý giúp mọi người làm. Nên biết, việc này không phải vì chính ông, chính ông tương lai cũng sẽ không ở trong đó, đây là vì chúng sinh tạo phước, vì mọi người kết pháp duyên thù thắng với A Di Đà Phật, giúp mọi người thành tựu, mọi người vãng sinh thế giới Cực Lạc. Cái duyên này quá thù thắng, phước báo này không ai có thể sánh được với ông.

Tôi hoằng pháp từ Úc châu trở về, cư sĩ Lý nói với tôi, ông nghĩ đến tương lai xây dựng thôn Di Đà cần phải có phí dụng, hiện tại vay tiền tương đối khó khăn, cho nên Hồng lão tiên sinh tự động đem giá đất giảm bớt một ngàn vạn. Giá như ban đầu đã thỏa thuận là hai ngàn năm trăm vạn, hiện tại là một ngàn năm trăm vạn, hơn nữa chỉ cần trả một ngàn vạn, còn năm trăm vạn có thể trả từ từ.

Hồng lão tiên sinh bị ung thư cổ, cuống họng đã có một cái lỗ ba năm rồi, nói chuyện không nghe được rõ. Lần đầu tôi gặp, ông nói âm thanh nghe rất nhỏ, sức khoẻ ông rất suy kiệt. Sau khi phát tâm này chưa được vài ngày, bác sĩ xem bệnh cho ông thấy cái ung thư không còn, nói với ông sau hai tháng nữa ông sẽ hoàn toàn hồi phục. Thật không thể nghĩ bàn!

Tôi nghe nói, liền đến thăm ông. Lần này, thấy nét mặt ông sáng lạn, âm thanh rõ ràng hơn trước, mỗi câu mỗi chữ ông nói tôi đều nghe được. Ông nói tiếng Phúc Kiến, tôi nghe hiểu được. Tôi đem xâu chuỗi tặng cho ông. Hôm qua, ông liền có cảm ứng, đến tìm cư sĩ Lý Mộc Nguyên, nói với Lý cư sĩ: Cả đời ông vốn dĩ đều hoài nghi, đều không tin tưởng, hiện tại ông thật tin tưởng. Ông nói tối hôm trước ông ngủ thấy một giấc mộng; thật ra không như giấc mộng mà rõ ràng tường tận như cảnh thật. Ông thấy có hai người, một nam, một nữ rất xinh đẹp, đoan chánh đứng cạnh ông. Ông hỏi các người là ai, từ đâu đến? Họ không trả lời, chỉ khuyên ông phải nhẫn nại, cho dù là chuyện lớn, chuyện nhỏ đều phải nhẫn nại. Hồng tiên sinh gật gật đầu, cả đời ông đích thật là hay nóng vội, họ khuyên ông nhẫn nại, sau đó nói với ông: “Đến cũng không không, đi cũng không không”. Lão tiên sinh nghe rồi liền hiểu, gật gật đầu. Họ nói hai người họ là do Ngọc Hoàng Đại Đế phái đến để chăm sóc ông. Cảm ứng đạo giao thật không thể nghĩ bàn!

Hồng lão cư sĩ nói: “Tôi tám mươi tuổi rồi, tuyệt đối không có nói vọng ngữ”, đây đích thật là sự thật. Hiện tại, tôi nghe nói sáng sớm ông còn xuống lầu vận động. Việc này cho thấy, chúng ta khởi tâm thiện, làm một ít việc thiện, chư Phật Bồ Tát, thiên long thiện thần cảm ứng rõ ràng, liền đến giúp chúng ta, như cảm ứng của Hồng lão cư sĩ. Chỉ cần chúng ta chân thật phát tâm, vì chúng sinh, vì xã hội, vì Phật pháp, tự nhiên liền cảm ứng được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ. Phát tâm của lão cư sĩ Hồng cho thấy tương lai khi thôn Di Đà này xây xong, trong đây nhất định sẽ có rất nhiều người niệm Phật vãng sinh bất thoái thành Phật. Đó là phước điền chân thật, nên ông mới có được công đức lớn đến như vậy.