LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

GIẢI THÍCH: PHẨM THUẬT THÀNH THỨ 33

(Kinh Đại Bát-nhã ghi: Phần 2, Phẩm Phước Sinh thứ 31)

KINH: Bấy giờ Phật bảo Thích-đề-hoàn-nhơn: Như vậy, như vậy, Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, chép Bát-nhã ba-la-mật, giữ quyển kinh thọ học, thân cận, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng, lại thêm cúng dường hoa hương, anh lạc, hương bột, hương nước, phan lọng, kỹ nhạc nên được phước đức vô lượng vô biên vô số không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, vì sao? Vì Nhất thiết trí, Trí nhất thiết chủng của chư Phật đều từ trong Bát-nhã ba-la-mật sinh.

Thiền ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Giới bala-mật, Thí ba-la-mật của Bồ-tát ma-ha-tát đều từ trong Bát-nhã ba-la-mật sinh.

Nội không cho đến vô pháp hữu pháp không; bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung đều từ trong Bát-nhã bala-mật sinh. Năm mắt của chư Phật đều từ trong Bát-nhã ba-lamật sinh. Việc thành tựu chúng sinh, tịnh cõi nước Phật, Đạo chủng trí, Trí nhất thiết chủng, các Phật pháp đều từ trong Bátnhã ba-la-mật sinh. Thanh-văn thừa, Bích-chi Phật thừa, Phật thừa đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh.

Vì vậy, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân chép Bátnhã ba-la-mật, thọ trì quyển kinh, thân cận, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng, lại còn cúng dường hương hoa cho đến kỹ nhạc, phước đức quá hơn trước cúng dường tháp bảy báu trăm phần, ngàn phần, ngàn ức vạn phần, cho đến toán số thí dụ không thể kịp được, vì sao? Kiều-thi-ca! Vì nếu có Bát-nhã ba-la-mật ở đời thời Phật bảo, Pháp bảo, Tỳ-kheo Tăng bảo trọn không diệt.

Nếu có Bát-nhã ba-la-mật ở đời thời mười thiện đạo, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, Nhất thiết trí, Trí nhất thiết chủng, đều hiện ở đời.

Nếu có Bát-nhã ba-la-mật ở đời, thời thế gian bèn có dòng lớn Sát-lợi, dòng lớn Bà-la-môn, đại gia cư-sĩ, trời Tứ thiên vương, cho đến trời A-ca-nị-tra; Tu-đà-hoàn quả cho đến A-la-hán quả, Bích-chi Phật đạo, Bồ-tát ma-ha-tát, Vô thượng Phật đạo, Chuyển pháp luân, thành tựu chúng sinh, tịnh cõi nước Phật.

LUẬN: Trên kia Đế-thích đáp lại Phật rằng: Cúng dường Bátnhã, phước đức rất nhiều. Lại có trời lớn hơn cho rằng Đế-thích chẳng phải người Nhất thiết trí, nói ra hoặc sai lầm. Vì vậy Phật ấn khả lời Đế-thich nói rằng: Như vậy, như vậy!

Hỏi: Nếu đối với tướng Bát-nhã ba-la-mật, hết thảy các sự quán sát đều diệt, đường ngôn ngữ dứt, chẳng sinh chẳng diệt, như tướng hư không, nay cớ sao nói có Bát-nhã ở đời thời Tam Bảo không diệt?

Đáp: Thể tánh Bát-nhã ba-la-mật, có Phật không có Phật vẫn thường trú chẳng diệt. Đây nói ở đời là chỉ quyển kinh Bát-nhã, có thể tu tập đọc tụng, ấy là trong nhân nói quả. Ví như giếng sâu, giây ngắn không đến, bèn nói là mất giếng mà giếng thật chẳng mất. Thật tướng Bát-nhã ba-la-mật như giếng sâu, quyển kinh gọi là giây, hành giả không thể viết chép, tu tập, nên nói là diệt.

Hỏi: Nếu nói Tam Bảo thu nhiếp hết tất cả người lành, pháp lành, cớ sao còn nói có Bát-nhã ở đời thời thế gian có mười thiện đạo, cho đến Trí nhất thiết chủng?

Đáp: Các pháp và các đạo ấy đều giải rộng trong nghĩa Tam bảo. Phật bảo là năm chúng vô học (hay năm pháp uẩn là giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến – ND) nhiếp thuộc Phật pháp. Pháp bảo là đế thứ ba tức Niết-bàn, trừ công đức học, vô học nhiếp thuộc bốn quả Sa-môn, công đức Bích-chi Phật dư tàn, công đức Bồ-tát. Tăng bảo là bốn hướng, bốn đắc (bốn quả), năm uẩn học vô học. Ngoài ra mười thiện đạo, bốn thiền, bốn tâm vô lượng v.v… đều là cửa phương tiện vào đạo, cho nên nói riêng.

(HẾT CUỐN 57 THEO BẢN HÁN)