PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 8
TU ĐỊNH

(TT)

KIM CANG THỪA

Xả bỏ tán loạn

V.55 Ẩn cư lợi lạc

Đoạn này khuyên khuyến khích độc cư để trợ giúp tu tập nghiêm túc, dài hạn, một khi một người đã biết tu tập như thế nào.

Trừ khi ngươi buông bỏ tất cả huyên náo, tán loạn, mà ẩn cư nơi yên tĩnh, thời ngươi chẳng thể sanh khởi thiền định. Do vậy điều trọng yếu, từ bước đầu, là phải viễn ly tán loạn. Quán chiếu như vầy: ‘Bất cứ thứ gì tụ hội rồi cũng sẽ ly tán. Như cha mẹ, anh em, chị em, vợ chồng, bằng hữu và quyến thuộc – thậm chí đến thịt xương của thân thể cùng sanh – cũng sẽ phải chia lìa. Ích gì mà tham chấp vào những người thân hữu nhưng lại vô thường? Ta nên luôn sống đơn độc.’ Như Đại Sư Repa Shiwa Ö[1] nói, ‘Đơn độc một mình là tu Phật, bạn đạo hai người trợ duyên tu, ba người trở lên, nhân tham sân.Vì vậy tôi đơn độc một mình.’

The Words of My Perfect Teacher, pp.401–02, dịch Anh T.A.

V.56 Xả ly thế sự và giá trị độc cư

Đoạn này lại hướng về những người thiền định rất nghiêm túc, những người được hưởng lợi rất nhiều từ việc thực hành ở nơi độc cư. Tây Tạng đã luôn nổi tiếng với số lượng lớn các thiền sinh sống trong các nơi ẩn cư trên núi hẻo lánh. Trong khi hầu hết mọi người không có cơ hội để sống như thế này, thì tốt hơn là nắm bắt cơ hội để làm việc đó trong một thời gian, chẳng hạn như trong một khóa thiền.

Các nghề như nông, công, thương, cho đến học thuật làm ngươi tán tâm (xao lãng tu hành) bởi những giao tế các loại và những việc cần làm. Ấy là những chuyện phồn tạp thế tục luôn luôn khiến ngươi bận rộn mà không có lợi ích gì nhiều cho tu đạo. Bất luận ngươi có nỗ lực (trong đời) thế nào, cũng chẳng có ý nghĩa gì đích thực; chế thắng thù địch, phù trợ thân nhân trở thành mối bận lòng chẳng hồi kết thúc.

Hãy bỏ lại sau lưng tất cả những công việc và những phiền  hà bất tận như nhổ vào đống rác! Rời bỏ quê hương mà đi đến những vùng đất lạ. Sống trong hang đá, làm bạn với thú rừng. Điều hòa thân tâm, không màng chuyện cơm áo, chuyện trò. Sống trọn đời nơi chốn sơn cốc vắng vẻ không người.

Tôn giả Milarepa nói rằng, ‘Chốn hang động vắng người, tâm xuất ly không nản; thượng sư, tam thế Phật, tín ngưỡng chẳng hề ngơi.’ Như có lời nói rằng, ‘Cô liêu vắng vẻ, tĩnh lự dễ sanh.’ Nếu ngươi sống ở nơi cô tịch như vậy, thời tự nhiên sanh khởi hết thảy các công đức của chánh đạo, như tâm xuất ly, tâm yếm ly, tín tâm, thanh tịnh tâm, thiền và định. Hãy gắng hết sức mà sống ở nơi như vậy.

Những chốn hẻo lánh trong rừng cũng là nơi mà chư Phật và chư Bồ-tát quá khứ đắc tịch diệt. Những nơi như vậy, chẳng có (cơ duyên nào cho) phân tâm và tán loạn, chẳng có nông, thương; nơi đó, chẳng có bằng hữu phù phiếm; nơi đó sống an lạc làm bạn với chim muông; uống nước suối và ăn lá cây; nơi đó tự nhiên hiển hiện giác tánh sáng trong và tăng thượng chánh định; nơi đó chẳng hề có thù địch cũng không hề có thân hữu, ngươi sẽ thoát khỏi lưới tham sân. Dù chỉ lai vãng những nơi như vậy cũng có nhiều lợi ích, chứ đừng nói đến việc ở lại đó hẳn! Trong số nhiều Kinh, như kinh ‘Nguyệt Đăng’, đức Phật thuyết rằng dù chỉ khởi ý đi đến nơi cô tịch, hay đi bảy bước về hướng đó cũng có công đức hơn cúng dường hết thảy chư Phật trong mười phương suốt hằng hà sa số kiếp.

Lại cũng nói rằng, ‘Ngụ chốn núi cao, nơi cực tĩnh, mọi oai nghi cử chỉ đều thiện.’ Theo đây, các công đức của chánh đạo, như tâm yếm ly, tâm xuất ly, tâm từ, tâm bi, thảy đều tự nhiên sanh khởi ở nơi như vậy, dù rằng ta chẳng chủ tâm tinh tấn để tựu thành. Do vậy mọi thứ ta làm ở đó chỉ có thể là thiện hành. Tất cả những tham, sân, phiền não mà người chẳng thể chế phục được khi sống trong huyên náo sẽ tự nhiên giảm thiểu khi ngươi đến nơi tịch tĩnh, rồi sẽ dễ dàng sanh khởi các công đức của đạo.

Đây là những bước sơ bộ cho việc tu hành thiền-na, những điều quan trọng tất yếu ấy chẳng thể thiếu được. The Words of My Perfect Teacher, pp.406–08, dịch Anh T.A.

Thiền định

 V.57 Ba bậc tu thiền

Đoạn này nói về các loại tu thiền.

Có ba bậc tu thiền: phàm phu hành tĩnh lự (thiền), nghĩa phân biệt tĩnh lự, duyên Chân như tĩnh lự.

Tham trước các cảm thọ về minh, lạc, vô phân biệt của thiền, mà cố ý tìm cầu chúng, tức tu thiền chỉ vì đắm trước vị ngọt của cảm thọ trong thiền, gọi là hành thiền của phàm phu.

Đã viễn ly tham trước các cảm thọ của thiền, và thậm chí chẳng còn bị lôi cuốn bởi vị ngọt của định, nhưng vẫn còn tham chấp nơi không xem như đối trị phần (của các phiền não) mà tu thiền, đó gọi là hành thiền vì phân biệt nghĩa.

Tâm đã viễn ly tham chấp Không như đối trị phần nhưng vẫn còn an trụ trong định vô phân biệt (chú tâm) về pháp tính, đó gọi là hành thiền duyên Chân như.

Bất cứ khi nào tọa thiền, yếu quyết của thân là y theo bảy tư thế Tỳ-lô-giá-na (Vairocana), yếu quyết mắt nhìn, và vân vân. [2] Như được nói rằng, ‘Thân thẳng, thời mạch cũng thẳng, mạch thẳng, phong / khí [3] cũng thẳng, phong / khí thẳng, thì tâm thẳng.’ Nên nếu ngươi giữ thân thẳng ngay, chẳng tựa hay chống vào đâu, ý thức sẽ không khởi phân biệt và ngươi có thể nhập định trong trạng thái hoàn toàn không chấp trước. Đó là tự tánh của thiền ba-la-mật.

The Words of My Perfect Teacher, pp.408–09, dịch Anh T.A.

Tu đối trị phiền não

V.58 Liệt kê các đối trị

Đoạn này và sáu đoạn tiếp theo trích từ phẩm 16 trong ‘Giải thoát trang nghiêm bảo’ của Gampopa, nói về ‘thiền định’. Ở nơi độc cư, thân viễn ly náo nhiệt, và tâm viễn ly phân biệt, bắt đầu suy ngẫm những pháp đối trị cho những phiền não:

tham, sân, si, tật và ngã mạn.

Khi ngươi chẳng còn tán loạn, do vậy mà ngươi nhập định. Sau đó, để tịnh trị tự tâm, ngươi nên thẩm tra phiền não nổi trội của bản thân và quán sát đối trị phần của nó. (1) Đối trị tham dục, tu quán bất tịnh. (2) Đối trị sân khuể, tu quán từ tâm. (3) Đối trị si mê, tu quán duyên khởi. (4) Đối trị tật đố, tu quán tự tha bình đẳng. (5) Đối trị ngã mạn, tu quán tự tha giao hoán. (6) Nếu các phiền não của ngươi đều mạnh ngang nhau hay nhiều vọng niệm thì nên tu quán sổ tức (niệm hơi thở).

V.59 Đối trị tham dục: bất tịnh quán

Đoạn văn này mô tả các suy nghiệm cũng được mô tả trong *Th.138, Satipaṭṭhāna Sutta.

(1) Nếu ngươi bị chi phối bởi tham dục, thì ngươi nên hành bất tịnh quán, như sau: Trước hết, quán tưởng rằng thân này của ngươi được hợp thành bởi ba mươi sáu vật bất tịnh – thịt, máu, da, xương, tủy, mủ, đàm, nước mũi, nước dãi, đại tiện, tiểu tiện, các loại. Rồi đến nơi mộ địa và khi ngươi thấy thi thể được mang đến đó: một ngày sau khi chết, rồi hai, ba, bốn hay năm ngày sau khi chết, hiện tướng phân rã, chuyển xanh, chuyển đen, bị giòi bọ đục khoét, rồi rút ra kết luận rằng: ‘Thân này của ta cũng giống như vậy, nó cũng phải chịu như vậy, nó chẳng thể thoát khỏi chuyện này.’ Cũng vậy, khi ngươi thấy một thi thể được mang đến mộ địa rã còn trơ xương, còn dính chút thịt gân, rồi bộ xương đổ xuống thành những mảnh nhỏ, rồi vài năm sau khi chết xương thành màu vỏ ốc, rồi thành màu bụi đất, rồi rút ra kết luận rằng: ‘Thân này của ta cũng giống như vậy, nó cũng phải chịu như vậy, nó chẳng thể thoát khỏi chuyện này.’

V.60 Đối trị sân khuể: từ tâm quán

(2) Nếu ngươi bị chi phối bởi sân khuể, thì ngươi nên hành từ tâm quán để đối trị. Tâm từ, như ta đã nói ở trên,[4] có ba loại. Ở đây, ta nói về tâm từ hướng đến chúng sanh, trong đó ngươi trước hết nghĩ về việc làm lợi ích và tạo an lạc cho người mình yêu quý rồi tu tâm từ đối với người đó. Sau đó, cũng làm như vậy đối với những người quen, rồi đối với láng giềng, rồi đối với những người cùng ngụ trong trấn. Cuối cùng, quán như vậy đối với hết thảy chúng sanh ở phương đông rồi đến các phương còn lại trong mười phương.

V.61 Đối trị si mê: duyên khởi quán

Đoạn này giới thiệu phép quán được giải thích tiếp tục với đoạn *V.74.

(3) Nếu ngươi bị chi phối bởi si mê, thì ngươi nên hành duyên khởi[5] quán để đối trị.

V.62 Đối trị tật đố: tự tha bình đẳng quán

(4) Nếu ngươi bị chi phối bởi tật đố, thì ngươi nên hành từ tâm quán để đối trị. Cũng như ngươi muốn an lạc, các chúng sanh khác cũng muốn an lạc. Cũng như ngươi không muốn khổ đau, các chúng sanh khác cũng không muốn khổ đau. Do vậy, hãy hành quán chiếu về việc yêu quý bản thân mình và các chúng sanh khác đồng như nhau.[6] Đó là điều (Tịch Thiên) nói trong ‘Nhập Bồ-tát hành luận’: ‘Thứ nhất cần tu tập, tự tha bình đẳng quán, khổ lạc đều như nhau, hộ người như hộ mình’ (BCA VIII.90).

V.63 Đối trị ngã mạn: tự tha giao hoán quán

(5) Nếu ngươi bị chi phối bởi ngã mạn, thì ngươi nên hành từ tâm quán để đối trị. Những chúng sanh ngu muội chỉ yêu quý bản thân mình, và bởi vì chúng chỉ lo tự lợi, nên đau khổ trong luân hồi. Chư Phật thương yêu mọi loài, và vì chuyên lợi tha, nên thành Phật quả. Như được nói rằng: ‘Người ngu hành tự lợi, Năng nhân gắng lợi tha, quả hai đường sai biệt, cách nhau như đất trời!’ (BCA VIII.130). Biết rằng do vậy chỉ yêu quý bản thân là lỗi lầm, hãy từ bỏ việc ấy. Biết rằng yêu quý tha nhân là công đức, hãy đối với kẻ khác như với chính mình. ‘Nhập Bồ-tát hành luận’ nói rằng: ‘Yêu mình sanh các lỗi, lợi tha đức như biển, vậy nên đoạn ngã chấp, gắng tu lợi tha hành!’ (BCA VIII.113).

V.64 Đối trị nhiều vọng niệm: sổ tức quán

(6) Nếu ngươi bị chi phối bởi các phiền não mạnh ngang nhau hay nhiều vọng niệm, thì hãy nên hành quán sổ tức. Quán thành sáu bước: sổ, tùy, vân vân. Như trong A-tỳ-đạt- ma Câu-xá Luận (của Thế Thân ) nói rằng: ‘sổ, tùy, chỉ, quán, chuyển, tịnh, nên biết có sáu bước.’[7]

*V.58 đến 64 trích từ ‘The Jewel Ornament of Liberation’, pp.255– 62, dịch Anh T.A.

Tu bốn vô lượng

Đó là lòng từ, bi, hỷ và xả. Một số ý tưởng tương tự với những gì được nói dưới đây cũng được tìm thấy trong sách Thượng tọa bộ được gọi là Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo), chương IX.

V.65 Tu xả

Tu tâm bằng bốn vô lượng, là tu từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng và vô xả lượng. Dù rằng từ thường được nêu trước, nhưng khi nói về tu tâm bằng từng vô lượng một, ta nên bắt đầu bằng xả, vì nếu không ta chỉ thành tựu phiến diện từ, bi, và hỷ, chứ không phải hoàn toàn thanh tịnh. Do vậy ta sẽ bắt đầu tu xả trước.

Xả có nghĩa là đối với kẻ thù thì xả oán hận và đối với thân hữu thì xả tham ái, tu tâm bình đẳng tâm với hết thảy chúng sanh, chẳng vì thân sơ mà đem lòng yêu ghét. Hiện tại sở dĩ chúng ta quá tham trước đối với cha mẹ, thân quyến, bằng hữu thân cận, nhưng lại thù ghét, không nhẫn nhịn đối với những kẻ thù địch và thân thuộc của họ chính là vì ta không chân chánh quán sát sai lầm này.

Những kẻ thù địch hiện tại trong những đời trước có thể đã từng là cha mẹ, bằng hữu thân cận, rất mực yêu thương ta, chăm sóc ta tận tình và giúp đỡ, hộ trì ta quá nhiều không kể hết, trong khi những kẻ mà hiện tại ta xem là thân hữu, trong những đời quá khứ cũng có thể đã từng là những kẻ thù địch của ta, gây hại cho ta rất nhiềuCũng vậy, ta không thể chắc rằng những người mà hiện tại ta xem là thù địch lại sẽ không tái sanh làm con cháu ta; hay thân quyến hiện tại của ta sẽ không tái sanh làm kẻ thù địch.[8] Như vậy sao ta để cho mình bị lừa dối bởi biểu hiện nhất thời thù địch hay thân hữu, rồi tích tập ác nghiệp bằng tham sân kéo mình dấn sâu vào đường đọa lạc?

Thế nên hãy quyết tâm nghĩ về hết thảy vô lượng chúng sanh như cha mẹ, con cái của mình,[9] và cũng như các thánh nhân đời trước, xem oán địch và bằng hữu đều bình đẳng. Trước hết, hãy tu tập bản thân bằng nhiều phương tiện để cho thù hận và oán ghét đối với những người ta không ưa không khởi lên trong tâm. Hãy nghĩ tưởng về họ như là những người  bình thường, trung dung, không lợi cũng không hại gì cho mình. Rồi quán xét rằng các chúng sanh trung dung ấy cũng từng vô số lần là cha mẹ ta suốt trong luân hồi vô thủy. Tư duy như vậy, tu tập tâm cho đến khi phát sinh tình cảm thân yêu đối với các chúng sanh ấy như đối với cha mẹ thực sự của mình trong đời này. Sau cùng, tiếp tục tu tập như vậy, cho đến khi cảm thấy thương xót tất cả chúng sanh, bất luận họ có biểu hiện như là thù địch, bằng hữu, hay trung dung, như ngươi đối với cha mẹ của mình.

Không có bước cuối này, có thể ngươi cũng tu tập được chút ít tâm bình đẳng mà không cảm thấy chút gì thương hay ghét đối với người thân hay kẻ thù, nhưng đó chỉ là một thái độ dửng dưng đần độn, không lợi cũng không hại. Xả vô lượng giống như yến tiệc của một ông vua hiền. Khi các vị vua hiền khoản đãi yến tiệc, họ mời tất cả mọi người, không phân biệt sang hay hèn, mạnh hay yếu, tốt hay xấu, ưu tú hay dung tục. Cũng như vậy, ta hãy đối xử với tất cả chúng sanh khắp hư không bằng tâm đại bi như vậy, tu tâm cho đến khi cảm thấy bình đẳng Xả như thế.

The Words of My Perfect Teacher, pp.310–11; 314–15, dịch Anh T.A.

V.66 Tu từ

Bằng xả vô lượng đã nêu, ngươi hãy để tâm đến tất cả chúng sanh trong ba cõi[10] với lòng đại từ bình đẳng. Nghĩ về họ  như cha mẹ nghĩ về con cái mình.510 Khi chăm sóc, cha mẹ chẳng hề quan tâm đến sự vô ơn của con cái hay những khó nhọc của chính mình, mà gắng sức bằng thân, ngữ, ý để làm con cái an vui, thoải mái, và an toàn. Cũng như vậy, ta nên gắng sức bằng thân, ngữ, ý để làm tất cả chúng sanh được lợi lạc và an vui bằng vô vàn phương tiện khác nhau cả trong đời này lẫn những đời sau. Tất cả mọi chúng sanh đều tầm cầu hạnh phúc và an lạc cho riêng mình, chẳng ai muốn bất hạnh và đau khổ.[11] Tuy vậy, không biết rằng hạnh phúc chỉ có thể đạt được bằng những hành vi thiện, chúng say mê hành mười hành vi bất thiện.[12] Do vậy mà chỉ nhận được những gì trái nghịch với mong đợi, dù muốn khoái lạc, nhưng chỉ cảm thọ đau khổ. Hãy thường xuyên tư duy như vầy: ‘Tốt đẹp biết bao nếu tất cả chúng sanh nay được an ổn khoái lạc như mong muốn!’ Tư duy thường xuyên như vậy cho tới khi cuối cùng ngươi ước mong tất cả chúng sanh được an lạc cũng mãnh liệt như ước mong cho chính mình vậy.

Theo đó, ngươi hãy hành điều mà kinh gọi là ‘từ thân nghiệp, từ ngữ nghiệp, từ ý nghiệp’. Bất kể những gì ngươi nói hay làm, thảy đều không gây tổn hại cho chúng sanh khác. Luôn luôn chân thành từ ái với họ. Như ‘Nhập Hành Luận’ nói, ‘Mỗi khi nhìn chúng sanh, nhìn bằng đôi mắt từ’ (BCA V.80)

Những gì ngươi làm bởi thân, hãy làm một cách ôn hòa và hoan hỷ, không nên làm những gì có hại cho người, mà nên hết lòng giúp đỡ. Những gì ngươi nói năng, hãy là những lời chân thật và dịu dàng, chẳng nên thô lỗ, khinh khi, hay sỉ nhục kẻ khác. Trong ý nghĩ, ngươi phải thật lòng mong muốn lợi lạc cho kẻ khác, chỉ mong mọi người được an lạc mà không trông chờ báo đáp, hoặc cố tình gây ấn tượng nơi người khác bằng lời nói ôn hòa và cử chỉ thân thiện khiến tưởng xem ta là Bồ-tát. Hãy lặp đi lặp lại lời nguyện: ‘Nguyện con đời đời kiếp kiếp, không hề gây hại chúng sanh, cho dù chỉ một sợi lông. Nguyện cho mọi việc con làm, thảy đều lợi lạc chúng sanh.’

Đặc biệt, bất kể những gì ngươi làm, bằng thân, ngữ, hay ý, để hộ trì cha mẹ hay người bệnh nan y, sẽ có công đức lợi ích bất khả tư nghì. Như Tôn giả Atiśa đã nói, “hành sự từ ái với khách viễn phương, người bệnh kinh niên, và cha mẹ già yếu, thì cũng tương đồng với tu tập tánh Không trong thể tánh đại bi.”

Từ vô lượng được ví như chim mẹ nuôi chim con. Trước hết nó làm một tổ chim êm ái và thoải mái cho con, sau đó nó ủ con trong đôi cánh để giữ ấm cho chúng. Nó làm mọi thứ thật nhẹ nhàng, chăm sóc cho con cho đến khi chúng bay đi. Chúng ta hãy học như vậy để thể hiện tâm từ với tất cả chúng sanh trong ba cõi bằng thân, ngữ, ý.

The Words of My Perfect Teacher, pp.315–21, dịch Anh T.A.

V.67 Tu bi

Tu tập bi vô lượng là nghĩ tưởng đến chúng sanh đang chịu khổ cùng cực và mong muốn cứu thoát chúng khỏi khổ đó. Hãy tưởng tượng một chúng sanh đang bị bức khổ cùng cực, như người đang bị ném vào ngục tối chờ đợi hành hình, hay như con vật đang đứng trước tên đồ tể chờ đợi bị giết. Rồi nghĩ đến chúng sanh ấy như nghĩ đến người thân, mẹ ta hay con ta.

Khi ngươi hồi tưởng chúng sanh ấy, một tử tù bị dẫn lên đoạn đầu đài, hay như cừu dê bị đồ tể bắt trói, đừng nghĩ tưởng  đến chúng sanh ấy như một ai khác, mà hãy tự đặt mình vào chỗ chúng sanh đau khổ kia, đồng thời suy nghĩ rằng ‘Ta nên làm gì, nếu đó là ta?’ Quán sát như vầy: ‘Ta có thể làm gì  bây giờ? Không có chỗ để chạy, không nơi nào để trốn, không có gì chở che và bảo vệ. Ta chẳng thể trốn thoát, không thể bay xa, ta cũng không thể kháng cự. Ta sắp sửa lìa đời này ngay đây thôi. Than ôi, ta phải bỏ lại tấm thân yêu quý của mình mà dấn bước vào con đường luân chuyển tái sanh. Thật đáng kinh hãi!’ Hãy mang lấy khổ đau của chúng sanh vào mình mà tu tâm như vậy.

Lại nữa, khi người nhìn thấy cừu dê đang bị dẫn đi giết thịt, đừng nghĩ đó chỉ là cừu dê, mà thay vào đó hãy quán tưởng nhiệt tình rằng đó chính là mẹ của ta đang bị đối xử như vậy. ‘Nếu đó là mẹ của ta, ta sẽ phải làm gì? Nếu ai đó giết người mẹ già vô tội của ta như thế, ta sẽ phải làm gì? Thật đớn đau kinh khủng cho người mẹ tội nghiệp phải bị đày đọa như thế!’ Hãy thật tình nhẫn thọ đau khổ mà bà mẹ phải chịu  ngay trong tim mình. Ngay khi ngươi nghiệm được  ước mong và khát vọng giải thoát cho mẹ già của mình thoát khỏi nỗi đau bị đồ sát tại chỗ, hãy tự nhắc nhở rằng dù đó không phải người mẹ hiện đời của ngươi đang thọ khổ như vậy, nhưng đó hẳn đã từng là cha hay mẹ của ngươi trong một đời quá khứ nào đó. Khi ấy, con cừu vốn có thể đã là cha hay mẹ ngươi, cũng đã săn sóc ngươi tận tình như cha mẹ hiện đời vậy, thế nên chẳng có gì sai giữa hai đời. ‘Thật đau lòng khi thấy cha mẹ mình chịu khổ đau cùng cực! Giá như ta có thể giải thoát họ khỏi những đau khổ này ngay lập tức!’ Suy nghiệm thế ấy cho tới khi ngươi cảm nhận được tâm bi sâu đậm khó ngăn khiến ngươi rơi lệ.

Khi tâm bi của ngươi đối với các chúng sanh ấy đã phát khởi, hãy quán tưởng rằng khổ ấy là quả của những hành vi bất thiện mà các chúng sanh ấy đã làm trong quá khứ, và những ai hiện tại đang buông lung trong các hành vi bất thiện nhất định cũng sẽ chịu quả khổ tương tự.[13] Tư duy như vậy, hãy tu tập tâm bi đối với những kẻ tạo sát nghiệp và tất cả những ai đang gây nhân của khổ. Rồi hãy tư duy về khổ não mà chúng sanh sanh vào địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh. Tự đặt mình vào chỗ của chúng, nghĩ về chúng như là cha mẹ mình, rồi lặp lại những bước như trước. Nỗ lực tu tập tâm bi đối với các chúng sanh, cũng vậy.

Sau rốt, hãy tư duy về hết thảy chúng sanh trong tam giới. ‘Ở đâu có hư không, ở đó có chúng sanh; ở đâu có chúng sanh, ở đó có ác nghiệp và đau khổ; và các chúng sanh này gây ác nghiệp rồi lãnh thọ khổ, thật đáng thương xót. Giá như mọi chúng sanh đều thoát khỏi nghiệp cảm thống khổ và tập khí, mà đạt được an lạc vĩnh cửu, thành tựu viên mãn quả vị chánh đẳng chánh giác!’ Hãy tư duy như vậy từ tận thâm tâm của mình.

The Words of My Perfect Teacher, pp.321–14, dịch Anh T.A.

V.68 Tu hỷ

Đoạn này là để tu tâm hoan hỷ đối với hạnh phúc, thành công và phẩm chất tốt đẹp mà người khác có được. Không vui vì thấy người khác vui, như vậy chỉ tăng thêm khổ lụy của thế gian!

Hãy nghĩ về một người thuộc dòng dõi cao quý, giàu sang và quyền thế, sống đời trường thọ, hạnh phúc và an lạc trong một cảnh giới vi diệu, có nhiều tôi tớ và tiền tài. Rồi, với cảm giác không hề có chút gì cạnh tranh hay tật đố, hãy ước mong người ấy thọ hưởng nhiều hơn nữa vinh quang trong cảnh giới vi diệu, và cũng ước mong người ấy thoát khỏi mọi điều tai hại và sở đắc nhiều công đức thù thắng, như đại trí tuệ.Tu tập thường xuyên với tư duy rằng: ‘Ta sẽ rất vui sướng nếu tất cả chúng sanh có thể được sống trong những hoàn cảnh như vậy!’

Khi ngươi tu tập tâm hỷ, trước hãy nghĩ về một người thân thuộc hay bằng hữu mà mình cảm thấy dễ có cảm tình nhất; quán tưởng người ấy có được mọi phước báu, sống đời an lạc hạnh phúc, và tự thấy vui vì điều đó. Khi ngươi đã có được tình cảm như vậy, hãy suy nghiệm như vậy với những người trung dung. Rồi nghĩ đến những kẻ thù địch đã hại ngươi, đặc biệt là những ai mà ngươi cảm thấy ganh ghét, và đồng thời bứng gốc các ác tâm đố kỵ tài sản vượt trội của kẻ khác, tu tập tâm hỷ cá biệt về từng khía cạnh tốt đẹp của những người ấy. Cuối cùng, hãy an trụ tâm mình ở trạng thái hoan hỷ không điều kiện.

Vì tâm hỷ là tâm không tật đố, ngươi phải tu tâm bằng nhiều phương tiện và suy tưởng mọi biện pháp ngăn chận các ác tâm không để bị xâm chiếm. Chẳng hạn, các Phật tử, tức Bồ- tát, phát tâm vì lợi ích chúng sanh, cần phải dẫn hết thảy chúng sanh an lập tạm thời trong phước quả trời, người, cho đến an lập vĩnh viễn trong quả vị Phật quả. Do vậy làm sao các Ngài có thể không hoan hỷ khi thấy chúng sanh do nghiệp lực riêng mà có được chút ít, rất ít, thọ dụng công đức?…

Nếu tâm ngươi bị ô nhiễm bởi tật đố, ngươi không thể nhìn thấy công đức gì nơi người khác và do đó cũng không thể có được chút gì tín tâm. Nếu ngươi không có tín tâm, ngươi sẽ chẳng thể trở thành pháp khí của đại bi và gia trì của chư Phật.Luôn luôn ôm ấp những tình cảm tật đố và cạnh tranh sẽ không đem lại lợi ích gì cho mình, cũng không gây thiệt hại gì cho người khác. Nó chỉ có thể khiến tích lũy vô nghĩa các tội nghiệp, do vậy ngươi nên đoạn trừ thứ ác tâm này.

Trong mọi thời, hãy thành tâm thành ý tu tập tâm hỷ, vui vẻ khi thấy các phẩm chất tốt đẹp nơi người khác, như dòng họ cao quý, tướng mạo xinh đẹp, tài sản phong phú, bác học đa văn. Hãy thành tâm tư duy như vầy: ‘Ta thật vui khi người kia có được đại công đức và tài phú như vậy! Mong sao người ấy có nhiều hơn nữa quyền thế, tài phú, sở học, và các công đức khác! Mong cho kẻ ấy luôn có được những điều mong ước!’

Tu bốn vô lượng tâm là nguyên nhân không đảo ngược làm phát sanh bồ-đề tâm[14] chân thật. Do vậy, hãy tu bốn vô lượng này bằng mọi phương tiện cho đến khi ngươi đạt được tâm ấy. Để tóm lại nghĩa lý của bốn vô lượng tâm cho dễ hiểu, ta có thể tóm tắt trong mấy chữ ‘tâm địa thiện lương’. Như vậy, ngươi hãy chân thật tu học để hiển lộ tâm địa thiện lương này trong mọi thời mọi xứ.

The Words of My Perfect Teacher, pp.343–47, dịch Anh T.A.

Bốn niệm

V.69 Bài ca Bốn niệm

Bài này là một mô thức tóm lược nổi tiếng của tu đạo phái Gelukpa. ‘Bài ca bốn niệm’ (tên đầy đủ: ‘Giáo giới trung  đạo kiến: Biến thành tựu vũ tứ niệm ca’), được trước tác bởi Dalai Lama thứ bảy Kalsang Gyatso (bKal bzang rgya mtsho, 1708–1757), tóm lược toàn bộ đạo lộ của Kinh (sūtra) và Mật (tantra) thừa thành bốn pháp tu. Ba niệm đầu – về thượng sư (guru), bồ-đề tâm, và bổn tôn thiền định của mình[15] – được nêu mỗi loại trong một bài kệ (1–3), còn niệm thứ tứ – niệm về không tánh – được trình bày trong hai bài kệ (4–5).

[1. Niệm thượng sư]

Thượng sư đại ân đức, ngự trên tòa vĩnh hằng, song vận phương tiện (upāya) trí, thể tánh của quy y. Đây có Phật Thế Tôn, viên mãn đoạn và chứng,[16] đoạn trừ vọng phân biệt, nguyện cầu thanh tịnh tướng. Tự tâm chớ buông lung, chí thành trụ kính tín. An trụ không thất niệm, trì tâm tín chí thành.

[2. Niệm bồ-đề tâm]

Giam hãm trong ngục tù, khổ luân hồi vô tận; chúng sanh lìa an lạc, lang thang trong sáu nẻo. Đây ân đức cha mẹ, từng quá khứ cưu mang. Hãy đoạn trừ tham sân, tu bi mẫn, từ ái.

Đừng để tâm phóng dật, an trú trong bi mẫn. Đừng quên dù chốc lát, giữ tâm bi mẫn ấy.

[3. Niệm Bổn tôn]

Trong cảm thọ khoái lạc, cùng đại lạc vô lượng; bằng uẩn, giới thanh tịnh, tự thân trụ bổn tôn; một bổn tôn ba thân; ba thân không phân ly.[17]

Chớ tự cho phàm phu, tu quang minh, cao mạn.[18] Tự tâm chớ buông lung, trụ quang minh sâu thẳm. Chớ để mất chánh niệm, trì quang minh sâu thẳm. [4-5. Niệm về Không kiến]

Hiển hiện và tồn tại, trong pháp thành (maṇḍala) sở tri, pháp tánh tối thắng quang, biến mãn hư không giới. Trụ cảnh ly ngôn thuyết, đây trụ chân thật tánh; đoạn trừ ý sở tác, thấy Không tánh làu làu. Tự tâm chớ buông lung, an trụ trong pháp tánh; chớ để mất chánh niệm, nhiếp trì trong pháp tánh.

Tại các ngã giao lộ, của phồn hoa, sáu tụ;[19] thấy hai pháp ồn ào, thảy xa lìa gốc rễ. Đó chỉ là dối gạt, như trình diễn ảo thuật; chớ nghĩ đó chân thật, hãy quán tự tánh Không. Tự tâm chớ buông lung, nương Minh, Không an trụ; chớ để mất chánh niệm, nhiếp trì trong Minh, Không.

The Song of the Four Mindfulnesses, dịch Anh T.A.

Tu tự tánh tâm

V.70 Dẫn nhập về Bản giác

Đoạn này trích từ ‘Dẫn nhập Bản giác: Giác tánh vô nhiễm tự giải thoát’ (Anh: Introduction to Knowing: Natural Liberation through Naked Perception. Tạng: Zab chos zhi khro dgongs pa rang grol) trong ‘Tử thư Tây Tạng’. Nó được cho là sáng tác bởi thành tựu giả Ấn-độ Liên Hoa Sanh (Padmasaṃbhava), tổ sư của phái Nyingmapa trong Phật giáo Tây Tạng, và là một trong những tư liệu chủ yếu về bản tánh của tâm theo truyền thống Đại Viên Mãn (Dzogchen).[20] Sau khi loại trừ các tà kiến của những phái khác và liệt kê các thuật ngữ khác biệt của họ về chân đế, nó giới thiệu về bất nhị trí – trong Đại Viên Mãn cũng được gọi là ‘bản giác’  (rig pa)[21] – như là bản tánh của sát-na hiện tại.[22]

EMAHO! Chính một tâm duy nhất[23] bao hàm cả luân hồi lẫn Niết-bàn này, tuy bản tánh của ta đã tồn tại từ vô thủy, nhưng ta vẫn chưa nhận biết. Bản giác quang minh này chưa bao giờ bị gián đoạn, nhưng ta chưa bao giờ hội ngộ. Nó hiển hiện khắp tất cả, song ta vẫn chưa hề thấy nó. Tám mươi bốn ngàn pháp môn bất khả tư nghì được chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai thuyết giảng chỉ là để giúp ta khai ngộ về giác tánh này. Các đấng Tối Thắng Tôn không thuyết giảng vì bất kỳ nhân duyên gì ngoài việc giúp ta nhận ra tâm này. Dù cho giáo pháp có biến mãn hư không vô tận, thực ra chỉ cần ba từ để khai thị người vào bản giác. Trực dẫn vào mục đích của các đấng Tối Thắng Tôn, bất luận quá khứ hoặc vị lai là NÓ LÀ CÁI NÀY.

KYE HO! (Này!) các con hữu duyên, hãy lắng nghe ta! Cái gọi là ‘tâm’ này là một từ được biết nhiều, ý nghĩa rộng.Vì chưa hiểu được, bị hiểu lầm, chỉ hiểu một phần, hoặc không được hiểu như thật, do đó xuất hiện vô số luận nghị sai biệt. Phàm phu không hiểu được nó, nên lang thang trong ba cõi,524 sáu đường mà thọ khổ, bởi nhận biết được bản tánh  của tự tâm. Các hàng Thanh văn và Độc giác bởi chứng vô ngã[24] mà tuyên bố đã tỏ ngộ nhưng chỉ được một phần, không phải như thực, và vì các vị ấy cũng bị trói buộc bởi các tông thừa và lý luận của riêng mình, nên không thể nhìn thấy quang minh của tự tâm.526 Các vị ấy bị che khuất do chấp trước năng sở nhị biên, phân đôi thực tại bất nhị thành chủ thể và đối tượng.527

Các vị Trung luận (Mādhyamika) bị che khuất bởi chấp trước nhị đế,[25] các hành giả sự mật bộ (kriya-tantra) và du-già mật bộ (yoga-tantra) bởi chấp trước ý niệm về cận tu và niệm tu,[26] các hành giả đại du-già (mahā-yoga) và vô tỷ du-già (anu-yoga) bởi chấp trước vào nhị nguyên pháp giới và giác tâm.[27] Tất cả thảy đều luân hồi trong sanh tử bởi đoạn trừ, xả ly, và thủ xả tự tâm, nhưng luân hồi và Niết-bàn không thể phân ly mà duy chỉ một tâm. Do bởi không thể dung hội thành bất nhị, nên không thể thành Phật.

Do vậy, hãy dứt bỏ hết thảy những pháp sự sở tạo, và bằng giáo thuyết này về tự hành giải thoát trực kiến giác tánh mà tỏ ngộ hết thảy pháp đều là đại giải thoát tự hành! Như vậy mà biết rằng tất cả đều viên mãn trong Đại Viên Mãn. SAMAYĀ rgya rgya rgya.[28]

Giác tánh quang minh xán lạn này, được gọi là ‘tâm’, nói là nó tồn tại nhưng thực sự không một pháp nào tồn tại. Nếu nói căn nguyên, thì nó là căn nguyên của hết thảy khổ và lạc, của luân hồi và Niết-bàn. Nó được định danh theo mười một môn thừa cận khác nhau, và được đặt cho vô lượng bất khả tư nghì danh xưng. Một số người gọi tâm tánh, hoặc ‘bản tâm’. Ngoại đạo gọi nó là Phạm-Ngã. Thanh Văn gọi nó là ‘vô ngã’. Phái Duy thức532 gọi nó là ‘thức’. Một số người khác gọi đó là bát- nhã ba-la-mật, hay bằng tên là Như Lai Tạng (Sugata-garbha: Thiện Thệ Tạng) (Phật tánh), hay Mahāmudrā (Đại Thủ Ấn), hay ‘duy nhất minh điểm’[29], hay ‘pháp giới’. Có người gọi nó là ‘a-lại-da’,[30] và một số người gọi đó là ‘bình thường tâm’.

Bây giờ, để ta khai thị các ngươi theo ba yếu môn thể nhập giác tánh. Tư niệm quá khứ đã biến mất rõ ràng chẳng để dấu vết; tư niệm vị lai vẫn chưa sanh; tư niệm hiện tại là chẳng  dự tính và tự nhiên, hãy để giác tánh bình phàm này trong sát-na hiện tại của nó tự nhìn thẳng vào chính nó! Khi các ngươi nhìn, chẳng thấy gì ngoài quang minh. Đó là bản giác hiện lượng, sáng làu làu, tự hiển lộ, không có bất cứ tồn tại nào, chỉ như hư không rộng mở rỗng rang, thấy rõ quang minh và tánh không vốn không hai. Nó chẳng phải thường hằng, bởi không có gì được tạo tác. Nó chẳng phải là đoạn diệt, bởi nó hiển hiện xán lạn rực rỡ. Nó chẳng phải là đơn nhất, bởi vì minh hiển khả tri sai biệt. Nó cũng không phải đa thù, vì thuần nhiên một vị. Đây chẳng phải sanh khởi ngoại lai mà là bản giác nội tại tự chứng, tức thật tánh của chư pháp, mà các ngươi vừa được khai thị.

Trong giác tánh này là ba thân Phật hiệp nhất không phân ly: trong nó, không có gì sanh khởi, là Không tánh, nên đó là Pháp thân. Quang minh tự hiển của không tánh, đó là Báo thân. Và không ngừng hiển hiện trong tất cả và thành tất cả, đó là Hóa thân. Ba thân viên mãn trong một tâm này chính là thể tánh của bản giác.[31]

Nếu các ngươi muốn được miễn cưỡng chỉ thẳng, thì đó chẳng phải là cái gì ngoài sát-na hiện tại của bản giác. The Tibetan Book of the Dead, pp.373–81, dịch Anh T.A.

***

[1] Một trong những đại đệ tử của Milarepa.

[2] Bảy điểm tư thế lý tưởng là: chân bắt chéo tư thế kim cang (với cả hai bàn chân trên bắp đùi), lưng thẳng, tay kết định ấn (bàn tay phải trên lòng bàn tay trái, hai ngón cái chạm nhẹ nhau), mắt nhìn xuống 1.5 mét phía trước mà không cần tập trung, hơi thu cằm, vai mở ra ‘giống như cánh chim kên kên’, và đầu lưỡi chạm vào vòm miệng. (Trong một số hình thức thiền khác trong Phật giáo, mắt nhắm lại). Xem *M.124 cho tư thế thiền ở Chân/Thiền.

[3] Kim Cang Thừa nói về một loại năng lượng (phong/ khí, Skt. prāṇa) như đi dọc theo các mạch (nāḍī) xuống trung tâm của lưng, kết nối với bảy trung tâm năng lượng (cakra).

[4] Xem *V.66.

[5] Xem *Th.156ff.

[6] Cf. *Th.104.

[7] Xem *Th.139 về niệm hơi thở. Các giai đoạn ‘sổ, tùy’… cũng được sử dụng trong hành trì Thượng tọa bộ. Đầu tiên là đếm từng hơi thở, hoặc theo dõi chiều dài của hơi thở; thứ hai là cẩn thận theo dõi hơi thở trong cơ thể.

[8] Điều này có thể áp dụng cho nhiều trường hợp, như đấu trường xung đột giữa các thành viên của các nhóm tộc người khác nhau.

[9] Cf. *Th.74 và *V.13.

[10] Tức là, tất cả các cấp tồn tại, từ địa ngục thấp nhất đến thiên giới vi tế nhất: xem ‘tam giới’ trong phần Bảng chú giải thuật ngữ và tên riêng. 510 Xem *V.13.

[11] Cf. *Th.104.

[12] Ngược lại với những gì trong *V.41.

[13] Cf. quan điểm khác của *Th.68: trong khi các hành vi bất thiện (nghiệp) dẫn đến đau khổ tương lai, điều này muốn nói rằng khổ không chỉ phát sanh do nghiệp quá khứ.

[14] Xem phần Bảng chú giải thuật ngữ và tên riêng.

[15] Trọng tâm quán chiếu thể hiện những phẩm chất tốt mà người ta có một tiềm năng đặc biệt để phát triển.

[16] Đoạn phiền não và chứng bồ-đề; vị đã đoạn trừ tất cả phiền não cần được trừ và giác ngộ tất cả sự thật cần được giác ngộ. Đây chỉ đức Phật. Vị Thượng sư ân đức ngồi trên tòa vĩnh hằng bất biến, song vận bi trí, hay phước trí, là đối tượng cho mọi người quy y. Trong Kim cang thừa, đệ tử được yêu cầu phải xem vị Thượng sư của mình như chính đức Phật.

[17] Trong tu tập mật tục, hình ảnh thân phàm bằng thịt và máu được thay thế bằng tự thân thiên, thân hình thành bởi các uẩn và giới thanh tịnh trong sự tồn tại của đức Phật chánh giác. Tạng: gzhal yas = gzhal yas khang, cung vô lượng, hay thiên cung là trú xứ (hay maṇḍala) của vị bổn tôn Phật thiền (dhyāna-buddha), tràn ngập cảm thọ ‘đại lạc’ (mahāsukha) được kinh nghiệm trong thiền mật tục. Điều này cũng đươc nói đến như là quang minh sâu thẳm, “vừa sâu vừa sáng”.

[18] Tạng: nga rgyal: kiêu mạn, ngã mạn, đây không chỉ ngã mạn trong tâm lý phàm tục, mà là chỉ cho nhất thể thanh tịnh của Phật bổn tôn với phẩm tính cao quý vượt trên mọi dung tục phàm phu. Tạng: gsal snang: quang minh hiển hiện, đây chỉ tri giác quang minh về sự hiển hiện của bổn tôn. Tu tập để phá trừ tướng phàm phu và chấp của phàm phu thành tướng cao quý và quang minh của nhất thể bổn tôn; bổn tôn ba thân nhưng là nhất thể.

[19] Sáu tụ, đây chỉ sáu cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc; như những cảnh phồn hoa tại các ngã tư đường. Hoặc hiểu là sáu thức. Giao lộ của những hiển hiện phồn hoa và sáu thức là một phép ẩn dụ cho ‘xúc’ (sparśa) của tâm bởi các đối tượng hiển hiện của nó.

[20] Theo Phật giáo Tây Tạng, đại viên mãn (dzogchen) là trạng thái tự nhiên, nguyên thủy của chúng sanh, và toàn thể các giáo pháp và hành thiền nhằm hướng đến giác ngộ trạng thái đó. Dzogchen, ‘Đại Viên Mãn’, là một giáo pháp trung tâm của phái Nyingmapa cũng được thực hành bởi những người theo các phái Phật giáo Tây Tạng khác. Theo văn học Dzogchen, Dzogchen là đạo lộ cao nhất và dứt khoát nhất đến giác ngộ.

[21] Xem cước chú thứ hai của *V.2.

[22] Bản dịch toàn văn, xem bản dịch của Gyurme Dorje, The Tibetan Book of the Dead, pp.35–57.

[23] Không có nghĩa là một ‘’âm vũ trụ’ đơn nhất, mà là một ‘một tâm’đơn nhất như là nền tảng chung cho những kinh nghiệm về cả luân hồi lẫn Niết- bàn. 524 Tức là các hạng tái sanh khác nhau, từ địa ngục đến các cõi trời cao hơn.

[24] Tức là không có cái ngã thường hằng: xem *Th.170–79. 526 Tuy vậy, xem *Th.124. 527 Cf. *M.143.

[25] Phân biệt vọng tưởng giữa tục đế và chân đế.

[26] Sự (Kriya-) và Du-già mật tục (Yoga-tantra) là hai lớp ‘ngoại mật’ – các hệ thống hành trì được cấu trúc xung quanh ý niệm về ‘cận tu, niệm tu (bsnyen grub) niệm tụng một vị bổn tôn Phật.

[27] Đại (Mahā-) và Vô tỷ du-già (Anu-yoga) là hai lớp cao hơn của mật tục, được gọi là ‘nội mật’, với Vô thượng du-già (Ati-yoga) hay Đại Viên Mãn (Dzogchen) là lớp thứ 3 và cao nhất. Tính nhị nguyên của ‘pháp giới và giác tri’ (dbyings-rig) chỉ cho sự phân đôi của chủ thể và đối tượng.

[28] Đây là ba phong ấn của samaya hoặc bản thệ mật tục để giữ bí mật. 532 Xem *M.142–43.

[29] “Duy nhất minh điểm” hay duy nhất thể, là một tên gọi được đặt cho bản tánh của tâm trong Yếu Môn/Khẩu Quyết Bộ (Upadeśavarga, man ngag sde) của Đại Viên Mãn.

[30] Từ ngữ Tạng: kun gzhi, Skt. ālaya: xem cước chú bài *M.113), Hán dịch “chấp tàng (thức)” cũng được dùng trong truyền thống Đại Viên Mãn chỉ cho bản tánh của tâm như là ‘căn bản chung’ cho cả luân hồi lẫn Niết- bàn.

[31] Xem *V.2.