Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VIII. PHÁP TẠNG NHÂN ĐỊA ĐỆ TỨ
(TT)

5. Thiện Thệ

Theo giải thích của Hòa Thượng Tịnh Không: “Thiện” là thiện hảo, là cực kỳ tốt đẹp. Cái tốt đẹp ở đây không cách nào có thể hình dung được nên chỉ dùng một chữ “Thiện” để biểu trưng mà thôi.

Thệ” có nghĩa là “khứ”, là đi qua, “Thiện Thệ” còn được dịch là “Hảo Khứ”, là khéo đi qua, đơn giản mà nói là “dễ đi”.

– “Dễ đi”, bạn đi đến nơi nào?

– Thô thiển mà nói, con người đều phải chết! Chúng ta không nên sợ chết!

Ngày trước, có người nói với tôi “sinh tử sự đại”. Tôi nói với họ: Việc sinh tử không lớn, không gì đáng ngại; “tử sinh” mới là việc lớn. Trong Phật pháp, sau khi chết, trước mắt bạn bày ra mười con đường, mười pháp giới, bạn đến pháp giới nào? Cái lựa chọn này mới là việc lớn! Không phải đợi đến lúc lâm chung mới lựa chọn thì không còn kịp!

Hiện tại, bạn phải mau giác ngộ, phải biết lựa chọn ngay từ bây giờ, đặc biệt là trong thời đại này, trong kinh Phật gọi là đời ác năm trược, hơn nữa còn trược ác đến cùng tột! Có thể không cảnh giác hay sao? Nếu vẫn còn mê muội, không cảnh giác, vậy thì thật đáng lo!

Chân thật muốn thành tựu, bộ Kinh Vô Lượng Thọ này không thể không tường tận. Sau đó, y theo phương pháp lý luận, cảnh giới trong kinh này mà tu hành, ngay trong đời này bạn nhất định sẽ thành Phật, đó mới gọi là “Thiện Thệ”. “Thiện Thệ” là đi thành Phật, đây là từ trên sự mà nói.

Nếu từ trên lý mà nói: “Thệ” chính là “vô trụ”; “Thiện” chính là “sinh tâm”. Chúng ta có thể dùng câu nói trên Kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” để nói lên sự việc này (Thiện Thệ).

– Vì sao dạy bạn “vô trụ”?

–  Vì tất cả pháp đều không chân thật! Ngay cả tâm cũng không thật. Kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được”. Vậy bạn trụ vào đâu?! Tất cả pháp thế, xuất thế gian đều do duyên sinh. Phàm do duyên sinh đều không có tự thể; không có tự thể thì không thể có được. “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn, bào, ảnh”, đây là thật không phải giả!

Khi sử dụng máy ảnh bạn có ngộ được điều gì không? Khi chụp lấy tướng, lúc ấn xuống chẳng phải là dính tướng rồi sao? Tôi cũng biết chụp hình, kinh nghiệm chụp hình của tôi rất phong phú, đã chụp mấy mươi năm. Cảm thọ của tôi không giống như bạn! Khi tôi ấn máy đóng mở ống kính, liền biết được đó là sát-na sinh diệt. Sát-na đó qua đi vĩnh viễn sẽ không còn nữa! Sát-na sau sẽ không hề giống sát-na trước! Đây chính là như trên Kinh Kim Cang nói “như lộ diệc như điện”, “điện” là ánh chớp.

Kinh Hoa Nghiêm nói “sát-na tế”, đó chính là chân tướng của vũ trụ nhân sinh: Tất cả pháp bất khả đắc, vạn pháp giai không. Cái tâm năng đắc, bất khả đắc! Cái pháp bạn có được cũng không thể được! Tâm bạn làm sao có thể trụ được chỗ nào?! Cái “trụ” này chính là ý nghĩa của sự vướng bận. Trong tâm bạn nhớ nghĩ, phải biết cái nhớ đó là giả chẳng thật, không nên trụ trước vào đó. Không có chỗ trụ, chân tâm liền hiện tiền. Nếu có chỗ trụ, tâm trụ đó chính là vọng tâm không phải chân tâm.

Thông thường người già hay nghĩ đến con cháu, cái tâm đó dính nơi con cháu. Người trẻ, mỗi ngày từ sớm đến tối chỉ nghĩ đến tiền, tâm họ dính chặt vào tiền, thật đáng thương! Không biết được năng trụ, sở trụ đều là một mảng không! Nói thế không phải bảo bạn không quan tâm, không quản đến con cháu, không phải vậy! Bạn vẫn thương yêu, quan tâm và chăm sóc đến chúng nhưng đừng để trong lòng. Đây là “lý sự vô ngại”, “sự sự vô ngại”, hoàn toàn không có chướng ngại. Nếu tâm có trụ thì có chướng ngại. Đây là ý nghĩa của

Thệ” tức “vô trụ”, “Thiện” là “sinh tâm”, “vô trụ” cùng “sinh tâm” là một sự việc, không phải hai việc.

–  “Sinh tâm” gì vậy?

– Sinh tâm chân thành, tâm bình đẳng, tâm Chánh Giác, tâm từ bi. Cái tâm này là “tự thọ dụng”, cũng chính là chứng được Báo Thân Phật. “Tha thọ dụng” chính là “tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp” đó gọi là “sinh tâm”. Tuy “sinh tâm” vẫn tương ứng với “vô trụ”. Tuy “vô trụ” vẫn tương ưng với “sinh tâm”. Cho nên, “vô trụ” cùng “sinh tâm” là một sự việc, không phải hai. Đây chính là Phật, Bồ Tát.

– Phàm phu chúng ta thì thế nào?

-Phàm phu “sinh tâm” liền “có trụ”. Phật, Bồ Tát “sinh tâm” nhưng “vô trụ”.

– Sinh tâm gì vậy?

– Phật, Bồ Tát “sinh tâm” là tâm “Giới-Định-Tuệ”. Phàm phu “sinh tâm” là tâm “vọng tưởng, phiền não, phân biệt, chấp trước”. Then chốt: Một bên không trụ, một bên có trụ.

Tâm không trụ là chân tâm khởi dụng, có trụ là vọng tâm. Vọng tâm biến ra sáu cõi luân hồi. Chân tâm biến thành “Pháp giới nhất chân”. Thọ dụng hoàn toàn không như nhau. Nếu hiểu được đạo lý này rồi, ngay trong cuộc sống thường ngày bạn liền được tự tại. Bạn có thể thọ dụng nhưng không nên chiếm hữu, không nên chấp trước, bạn chính là “Thiện Thệ”. Nếu ngay trong thọ dụng bạn còn có thể lợi ích tất cả chúng sinh, bạn là Bồ Tát. Nếu chính mình có thọ dụng, không hề chấp trước, nhưng không tích cực đi giúp tất cả chúng sinh, bạn là Tiểu Thừa A-la-hán, Bích Chi Phật.

Phật, Bồ Tát xả mình vì người là chúng ta nói. Trên thực tế, trong cảnh giới của các ngài không có ý niệm ta và người thì làm gì có ý niệm xả mình vì người, ý niệm hoàn toàn không có! Đây cũng chính là trên Kinh Kim Cang, Phật nói: “Bồ Tát vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng”, tu tất cả thiện pháp nhưng vẫn là “vô trụ, sinh tâm”.

Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tưởng”, chính là “vô trụ”. “Tu tất cả thiện pháp” chính là “sinh tâm”. Phàm phu tu tất cả thiện pháp đều có ngã, có nhân, có chúng sinh, có thọ giả, đó là có trụ. Người học Phật phải “vô trụ, sinh tâm”, tu tất cả thiện pháp phải lìa bốn tướng, đó mới gọi là tích công bồi đức, tu vô lượng công đức. Nếu không lìa bốn tướng mà tu thiện pháp, đó chỉ là phước báo hữu lậu của thế gian, không phải tu công đức. Tu công đức nhất định phải lìa bốn tướng. Điều này rất quan trọng, không phải chỉ đàm huyền nói diệu mà cần yếu là phải thực tiễn được ngay trong đời sống của chính mình mới thật sự có lợi ích.

– Thực tiễn “Thiện Thệ”, đơn giản nhất phải như thế nào?

– Niệm niệm không nên nghĩ đến chính mình, niệm niệm luôn vì chúng sinh!

– Thế nào mới thật sự là giúp chúng sinh khổ nạn?

– Giúp chúng sinh khổ nạn không phải là từ thiện cứu tế xã hội. Loại cứu tế này chỉ là giai đoạn, không giải quyết được cội rễ của vấn đề. Thích Ca Mâu Ni Phật suốt đời không hề làm qua sự việc này. Phật cứu tế chúng sinh là đem giáo pháp chỉ bày cho họ hiểu được nguyên nhân đau khổ mà phát tâm hướng thiện hồi đầu. Đây mới chân thật là cứu tế tận gốc.

– Khổ nạn của chúng sinh do đâu mà có?

– Do mê mà có! Chúng sinh mê hoặc nên mới tạo ác nghiệp, do tạo ác nghiệp nên mới thọ ác báo.

– Phước đức, an lạc do đâu mà có?

– Từ giác ngộ mà có! Cho nên, Phật cứu hộ tất cả chúng sinh là từ nơi căn bản mà làm. Chỉ cần bạn chịu làm, có một phần cày bừa, tự nhiên được một phần thu hoạch, nhân duyên quả báo không sót mãy trần. Nhờ người khác cứu giúp không phải là biện pháp, không thể giải quyết được vấn đề. Nhờ người khác bố thí, cúng dường, tương lai về sau vẫn phải trả nợ! Làm gì có chuyện ăn không, không hề có!

Người xuất gia tiếp nhận cúng dường của bốn chúng đồng tu, trong Phật pháp thường nói: “Một hạt gạo của thí chủ nặng như núi Tu Di, đời này không liễu đạo, đời sau mang lông đội sừng để trả”, vẫn là phải đền trả! Cơm này không dễ ăn, vẫn là chính mình cày bừa thì tương đối thuận tiện. Nghiệp nhân quả báo trong đây sâu rộng vô ngần! Nếu không nhờ Phật giáo hóa chỉ bày, ngay trong đời này chúng ta nhất định không thể nào nghĩ ra được. Cho nên, ân đức của Phật đối với chúng ta, cha mẹ cũng không thể sánh bằng. Ân đức của cha mẹ chỉ một đời, một kiếp. Ân đức của Phật đời đời kiếp kiếp, vĩnh viễn không có bờ mé.

– Ai biết được?

– Người giác ngộ biết được! Cho nên tri ân, báo ân.

– Làm thế nào để báo ân Phật?

– Chỉ có y giáo phụng hành, đó mới là chân thật báo ân Phật. Đối với kinh điển có thể tin, có thể hiểu, có thể hành, có thể chứng.

– Thế nào gọi là “chứng”?

– Đem đạo lý, phương pháp mà Phật chỉ dạy trong kinh, hoàn toàn ứng dụng được ngay trong đời sống, đó là chứng quả.

Ví như Phật dạy bố thí tài được tiền của, bạn hiểu đạo lý này bèn vâng làm theo, quả nhiên phát tài được tiền của, đó gọi là “chứng”. Nếu không phát được tài, ấy là bạn chưa “chứng”. Bố thí pháp được thông minh trí tuệ; bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu. Tất cả đều có lý luận, có phương pháp, có chân tướng sự thật. Đích thật chúng ta đều có thể đạt được, đó không phải là tiêu chuẩn quá cao không thể với, quá sâu không thể dò, mà tất cả đều ở trong tầm tay.

Đại Luận nói về “Hảo Khứ” (khéo đi qua) như sau:

Hảo Khứ là khéo đạt các tam-ma-đề (Chánh định) sâu và vô lượng đại trí tuệ như lời kệ: ‘Nhất Thiết Trí của Phật là cỗ xe lớn, hành tám chánh đạo nhập Niết Bàn’, nên gọi là Hảo Khứ”. Nên biết, “Niết Bàn” là cứu cánh viên mãn, cứu cánh tốt đẹp, không tìm ra dấu vết của một chút khiếm khuyết nào; trong đây, bất luận là trí tuệ, đức năng, hay tướng hảo, mọi thứ đều viên mãn nên gọi là “Hảo Khứ”.

Sách Hợp Tán lại bảo: “Thiện là phát tâm lúc đầu tiên, Thệ là Đại Bát Niết Bàn. Như Lai chẳng bỏ cái tâm đã phát đầu tiên mà chứng đắc Niết Bàn. Vì vậy, Như Lai hiệu là Thiện Thệ”. Cả hai thuyết trên đều xem “nhập Niết Bàn” là Thiện Thệ.

Hòa Thượng Tịnh Không ca ngợi “Hợp Tán” giải thích rất hay. Sơ tâm vô cùng đáng quí! Người thật sự đi vào cửa Phật, phát tâm qui y, phát tâm học Phật, đây là tối sơ phát tâm, thật không dễ dàng! Nhưng phát tâm rồi như thế nào? Lập tức thoái chuyển, quên mất! Trên kinh Phật nói: “Người phát tâm giống như trứng cá rất nhiều, nhưng thành tựu chẳng được mấy người!” Vì sao? Vì không giữ được sơ tâm! Cũng chính là nói họ không chống được mê hoặc!

Xã hội bây giờ sức mê hoặc quá lớn! Người bây giờ nếu có được thành tựu, chư Phật Bồ Tát thảy sẽ đều khen ngợi vì rất khó được. Ngoại cảnh đối với người tu rất quan trọng, hoàn    cảnh càng khó khăn, càng hiểm ác, sự thành tựu càng thù thắng. Đối thuận cảnh không khởi tâm tham luyến, đối nghịch cảnh không khởi tâm oán hận, đây đều là đào thải ba độc “tham-sân-si”. Đại sư Ngẫu Ích nói rất hay: “Cảnh duyên không tốt xấu”. “Cảnh” là hoàn cảnh vật chất, “duyên” là hoàn cảnh nhân sự; trong đây không có tốt xấu, vấn đề là ở tâm ta, không liên quan gì đến bên ngoài. Người thật sự có đạo tâm xem tất cả cảnh duyên đều giúp họ thành tựu, đây mới thật sự gọi là “Hảo Khứ”.

Hiện nay, các nhà khoa học nghiên cứu vũ trụ vi quan, dùng máy móc tinh vi quan sát, thăm dò vũ trụ, chỉ có thể nhìn thấy được mười phần trăm của toàn thể vũ trụ, còn chín mươi phần trăm không thấy. Vì sao không thấy? Thiện Thệ! Nó đã nhập “Đại Bát Niết Bàn”, trong Tịnh Độ tông gọi là Thường Tịch Quang. Đúng là Thiện Thệ!

Thường Tịch Quang ở khắp nơi khắp chốn, nó không phải không gian cũng không phải thời gian. “Thời” và “Không” đều không có; tất cả mọi hiện tượng đều không có trong Thường Tịch Quang, nhưng nó có thể “năng sanh vạn pháp”, hiện tất cả mọi hiện tượng. Tất cả pháp chính là Thường Tịch Quang; Thường Tịch Quang nghĩa là tất cả pháp. Nhưng tuyệt đối chúng ta không tìm thấy nó, nghĩa là sáu căn ta không thể tiếp xúc được, cũng không nghĩ đến được, nhưng nó thực sự tồn tại ngay chính trên thân ta, mỗi tế bào không tách rời được nó.

Sách Hội Sớ bảo: “Thiện Thệ nghĩa là diệu trụ, tức là vô lượng trí tuệ đoạn được các Hoặc, khéo xuất thế gian, nên đạt đến Phật quả vậy”. Cách nói này nêu rõ trí tuệ rất quan trọng.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Trí tuệ hoàn toàn không có áp lực từ vật chất đến tinh thần, nhưng tri thức thì có áp lực. Tri thức phải dùng đầu óc, phải ghi nhớ, trí tuệ thì không cần! Tâm trí tuệ là tâm không phân biệt, tâm thanh tịnh không nhiễm một trần. Trí  tuệ đạt đến cực điểm là giác chớ không mê. Ngày nay chúng ta niệm Phật cũng là kỷ xảo, vì không niệm Phật, tâm liền khởi vọng tưởng. Dụng ý của niệm Phật là đoạn trừ vọng tưởng, niệm đến sau cùng vọng tưởng thật sự không còn thì bạn đã thành Phật.

Nên biết: Niệm Phật là niệm trí tuệ, là thông tin liên lạc với Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Tây Phương Cực Lạc ở đâu? Bạn không cần biết chỉ cần gắn chặt câu tín hiệu này, nhất định liên lạc được với cõi Cực Lạc. “Nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật; niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”, khi bạn vãng sinh, Phật A Di Đà liền đến tiếp dẫn, lợi ích chính ở chỗ này.

Cho nên nhất định phải “vô lượng trí tuệ”, có trí tuệ mới đoạn được phiền não và mê hoặc; có phá mê khai ngộ mới có thể “diệu xuất thế gian”. Người mê ở thế gian tạo nghiệp thọ báo. Người ngộ “diệu xuất thế gian”, tuy ở thế gian nhưng tất cả mọi tạo tác của họ đều không có quả báo. Vì sao? “Tức thế gian, xuất thế gian”! Họ không hề có khởi tâm động niệm, tuy “làm mà không làm”. “làm” và “không làm” đều trở về con số không. Thật tuyệt diệu!

– Vậy tạo tác đó là gì?

– Tạo tác đó là “ứng”! Chúng sinh có “cảm”, họ liền có “ứng”. Như chúng ta đánh chuông: Đánh chuông là chúng ta “có ý”, âm thanh phát ra là “vô ý”. Nó không hề nghĩ rằng bạn đánh tôi một cái, tôi nên ứng với bạn như thế nào, nó không có ý niệm này.

Cho nên, sau khi kiến tánh, sẽ không có ý niệm, không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tự nhiên mà ứng. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật trụ thế tám mươi năm cũng là hiện tượng này, đây là “diệu xuất thế gian”! Phàm là người “minh tâm kiến tánh”, người “đại khai viên giải”, người niệm Phật được “lý nhất tâm bất loạn” đều ở cảnh giới này. Như vậy, thuyết của Hội Sớ xem “đạt Phật quả” là “Thiện Thệ”, nhưng thật ra cũng không khác với hai thuyết nói trên. Có người hỏi:

– Phật đã chẳng đến, đi sao lại bảo là “Hảo khứ”?

– “Tịnh Ảnh Sớ” giảng: “Phật đức viên mãn chẳng có chốn nào để đến nên bảo là Hảo Khứ. Tuy không đến đâu nhưng chẳng phải là không đến được, như lửa lúc kiếp tận tuy chẳng thiêu cái gì, nhưng không cái gì nó chẳng thiêu được. Vì vậy cũng có thể gọi là “Khứ”. Đây là nói với chúng sinh trong mười pháp giới: “Tuy không có chỗ đi nhưng không thể không đi”. “Tuy không có chỗ đi” câu này là thật, là cảnh giới của Phật.” “Không thể không đi” là cảnh giới của chúng sinh trong mười pháp giới, đây là “Tục Đế”.

Như lửa lúc kiếp tận” (kiếp tận hỏa):

– “Kiếp tận hỏa” là gì?

– Hiện nay các nhà khoa học gọi là thái dương, thái dương là hỏa cầu. Hỏa cầu nếu đốt hết, tức là nguồn năng lượng tiêu hao hết, nó sẽ bùng nổ, liền bị hủy diệt, đây là “lửa lúc kiếp tận”.

Chúng ta gọi vấn đề này là hiện tượng tự nhiên, tất cả cũng đồng nghĩa với con số không. Trong ý niệm: Ta nghĩ rằng nó có thì nó sẽ có; ý niệm ta không có, nó sẽ không tồn tại. Nói tóm lại, tất cả pháp từ tâm tưởng sinh, hiểu rõ đạo lý này là chúng ta đã thật sự giác ngộ.

Tình trạng xã hội hiện nay là toàn thế giới, không phải cục bộ; tạo nghiệp nghiêm trọng nhất không gì bằng tham tài, tham sắc, toàn thế giới đều như vậy! Tội nghiệp này vô cùng nghiêm trọng! nghiêm trọng ảnh hưởng đến mức sinh diệt của địa cầu! Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, phải ghi nhớ câu này! Cho dù họ tạo nghiệp ác hay nghiệp thiện, tất cả đều là hư vọng! Chỉ cần giác ngộ, vọng liền biến mất trở về tự tánh, mọi thiên tai đều không còn.

– Đây có phải là mở lối thoát cho người tạo “tội ngũ vô gián” chăng?

– Đúng thế! Vốn là như vậy! Vấn đề là họ có quay đầu được hay không? Nếu thật sự họ giác ngộ, ăn năn sửa lỗi, những tội nghiệp đã tạo trong quá khứ hoàn toàn sẽ không còn, sống lại cuộc đời của chư Phật, Bồ Tát.

Cho nên tội phước đều không thật, đừng để trong tâm, khổ vui nhất như, đây mới thật sự gọi là “Thiện Thệ”. “Kiếp hỏa”, ở đây, hiện tại khoa học đã chứng minh sẽ có một ngày năng lượng mặt trời bị đốt hết. Hiện tượng này thường thấy trong không trung, tinh cầu bùng nổ biến mất, lại có nhiều tinh cầu mới xuất hiện. Cho nên tinh cầu cũng sinh diệt, cũng có “thành, trụ, hoại, không”, nó không phải thật, nó là pháp sinh diệt.

Tất cả mọi hiện tượng, động lực chủ tể của nó là ý niệm của con người, là ý niệm của chính mình. Mỗi người đều có vũ trụ riêng, vũ trụ của tôi và vũ trụ của bạn có bộ phận tương đồng nhưng cũng có chỗ dị biệt. Điểm tương đồng gọi là cộng nghiệp, điểm không tương đồng gọi là biệt nghiệp. Sự chi phối sau cùng là chính mình không phải người khác.

– Muốn biết tiền đồ của bản thân nên hỏi ai?

– Hỏi chính mình! Không cần đi bói toán, hỏi thần linh đều là sai lầm, không thể có đáp án chính xác! Ý niệm của bạn thiện thì mọi thứ đều thiện. Ý niệm bạn bất thiện, mọi thứ đều bất thiện. Ý niệm bạn thanh tịnh liền tương ứng với Phật, Bồ Tát.

6. Thế Gian Giải

Theo Hòa Thượng Tịnh Không, chữ “Thế” là nói thời gian. Trung Quốc thời xưa, ba mươi năm gọi một đời, nên chữ “Thế” có ba cái mười, biểu thị ý này. “Gian” là chỉ không gian. “Thế gian” có lúc cũng gọi là “thế giới”. “Giới” là giới hạn, đồng nghĩa với chữ “gian”. Chỗ này nói “thế gian” là bao gồm ba loại:

–  Hữu tình thế gian: Chỉ chúng sinh trong sáu cõi, chúng sinh có tình thức, cũng chính là động vật.

– Khí thế gian: Là hoàn cảnh đời sống bao gồm: thực vật, khoáng vật cho đến vô số hiện tượng của đại tự nhiên.

– Trí Chánh Giác thế gian: Chỉ Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật đều bao gồm trong loại này.

Thế Gian Giải”: “Giải” là thông suốt. Đức Phật đối với tất cả vũ trụ nhân sinh đều thông đạt tường tận, không gì không biết, không gì không thể.

Thế Gian Giải” còn dịch là “Tri Thế Gian”. Sách Bình Giải giảng: “Thế Gian là Ngũ Ấm. ‘Giảilà biết. Chư Phật Thế Tôn khéo hiểu Ngũ Ấm nên được gọi là Thế Gian Giải”. Thân chúng ta là thân Ngũ Ấm. Ngũ Ấm là “sắc-thọ-tưởng-hành-thức”. “Sắc” là phần vật chất nên gọi là sắc thân. Hiện tượng tinh thần có cảm thọ, có tư tưởng. Những cảm thọ của thân tâm biến hóa vô thường, thay đổi trong từng sát-na, đây gọi là “hành”. Ví dụ: Lúc bạn mới đến giảng đường và bạn hiện tại, sau hai tiếng đồng hồ học tập, không phải là một. Bất luận từ sắc đến tâm đều đang biến hóa.

Bồ Tát Di Lặc nói: Trong một giây có một ngàn sáu trăm triệu ý niệm vi tế, như vậy trong hai tiếng đồng hồ có biết bao nhiêu là ý niệm sinh khởi, chúng ta hoàn toàn không cảm nhận, không hay biết nhưng đức Phật ngài “thiện tri Ngũ Ấm” (khéo biết Ngũ Ấm), hiểu biết tất cả nên gọi là “Thế Gian Giải”.

Nhận rõ các pháp đều vô thường, đã vô thường thì đừng nên khống chế nó, đừng chấp trước nó. Phải biết; muốn khống chế, muốn chiếm hữu, muốn hưởng thụ nó bạn phải hao tổn biết bao là năng lượng! Năng lượng này có thể giúp bạn tạo ra thân Kim Cang bất hoại, bạn lại sử dụng nó vào những thứ không cần thiết như: tham đắm dục lạc, khởi tâm oán hận, não, nộ, phiền v.v… đều là những thứ tiêu hao năng lượng, mang đến hủy hoại sức khoẻ và tâm linh bạn! Nếu loại bỏ được những thứ này trong tâm, mỗi ngày bạn chỉ cần ăn một bữa là đủ.

Trong kinh Phật nói: A-la-hán mỗi tuần chỉ ăn một bữa; Bích chi Phật nửa tháng mới khất thực một lần. Nửa tháng chỉ ăn một bữa thì tiết kiệm được biết bao việc. Đặc biệt đối với việc ăn uống ngày nay rất đáng sợ! Tất cả thực phẩm đều có chất độc! Trong kinh này, Phật nói: “ẩm khổ thực độc” (uống đắng ăn độc). Tôi nghĩ, câu nói này không phải Phật nói cho người ở thời đó mà nói với người thời đại chúng ta. Người bây giờ uống đắng, ăn độc! Các rau xanh đều có thuốc trừ sâu, phân bón.

Tiến sĩ Thang Ân Tỷ, người Anh đã từng nói: muốn khôi phục sức khoẻ con người, cần phải khôi phục lại phương pháp canh trồng ngày xưa mới có được thực phẩm an toàn. Ông không tán thán những thứ thuộc về khoa học kỹ thuật.

Hiện nay quá bức bách, chúng tôi chỉ còn cách tự trồng trọt. Năm nay ((2010), ở Úc châu, Học Viện Tịnh Tông chúng tôi mua được mấy ngàn mẫu đất (tính theo mẫu của Trung Quốc) để trồng lương thực. Tất cả mọi nhu cầu sinh hoạt, chúng tôi đều tự trồng, tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu.

Chúng tôi trồng rau quả đã được mười năm, vô cùng thành công. Vườn rau của chúng tôi bình thường có thể cung cấp cho khoảng ba trăm người ăn. Trên thực tế, đạo tràng nhỏ của chúng tôi chính là Học Viện Tịnh Tông, bình thường dùng cơm chỉ khoảng bảy, tám mươi người chưa đến một trăm người. Do thu hoạch vô cùng phong phú, chúng tôi bèn cung cấp cho một số đồng tu mỗi ngày đều đến đây lấy rau. Rau rất nhiều, quá nhiều!

Nếu tổ chức hoạt động, vườn rau chúng tôi có thể cung cấp cho một ngàn người ăn, qui mô rất lớn. Cây ăn trái của chúng tôi có hơn ba mươi loại, rất tươi ngon. Năm nay, chúng tôi trồng tre, thu hoạch rất nhiều măng. Bức bách phải tự mình trồng, không trồng không được! Mua bên ngoài ăn thật không yên tâm.

Bây giờ chúng tôi tự khai thác, chuẩn bị trồng lúa, trồng tiểu mạch. Hiện nay Học Viện có nông trường, chúng tôi phải học hỏi cách canh tác, tìm nông phu ở đó đến hướng dẫn. Kết quả, chúng tôi trồng tốt hơn họ. Cây nông nghiệp của chúng tôi đều nghe Phật hiệu A Di Đà.

Đối với các sâu bọ, chúng tôi chỉ định khu vực riêng chuyên môn cung cấp cho chúng. Chúng rất nghe lời, chúng tôi hợp tác rất tốt đẹp, hai bên quan tâm lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau. Chúng tuyệt đối không vượt qua ranh giới, chúng dễ giao tiếp hơn con người, biết giữ chữ tín. Con người không giữ chữ tín! Chúng giữ chữ tín! Cây ăn trái cũng vậy, đều có chỉ định vài cây cho chim ăn; không có chỉ định chim chóc sẽ không đến ăn.

Chúng tôi đều rất dụng tâm chăm sóc cây cối. Cây cho chim, sâu ăn cũng đều được chăm sóc như vậy, đã mười năm qua, cùng làm bạn với côn trùng, chim chóc. Chúng tôi tín nhiệm chúng, chúng cũng tin tưởng chúng tôi. Đến sâu, kiến chúng tôi đều không làm hại; chúng cũng không làm hại chúng tôi. Vì thế, hiện nay tiếp xúc với những động, thực vật này dễ hơn nhiều so với con người!

Lúa hiện nay chúng tôi canh tác với qui mô lớn đều dùng kinh nghiệm này. Hiện nay gọi là nông trường hữu cơ. Chúng tôi có thể ăn được thực phẩm an toàn. Nếu có thể, chúng tôi cũng muốn mở một thị trường ở đây. Cây nông nghiệp và rau quả chúng tôi quá nhiều không dùng hết có thể đem ra bán để mọi người cũng được thực phẩm an toàn. Chúng tôi cũng hoan nghênh những xí nghiệp tham gia hoạt động của chúng tôi, có thể ra nước ngoài mở vài thị trường, chúng tôi cung cấp thực phẩm để họ cùng kinh doanh. Đây là việc tốt, họ dẫn đầu đề xướng.

Bạn xem! Không sát hại sâu bọ, cây nông nghiệp đều rất tươi tốt. Mọi người đến tham quan vườn rau chúng tôi, đều rất ngạc nhiên bèn hỏi:

– Bạn trồng cách nào mà rau quả không thấy bị sâu bọ ăn?

– Sâu bọ chúng ăn bên kia!

Họ sang bên kia quả nhiên là có sâu bọ ăn. Rất nghe lời! Bạn không tiếp xúc với chúng, ngày ngày bơm thuốc giết hại chúng, chúng liền đến trả thù! Như vậy rất phiền phức! Cho nên, không những con người là Ngũ Ấm mà động vật, thực vật, khoáng vật cũng là Ngũ Ấm.

Tiến sĩ Giang Bổn Thắng (Masaru Emoto) làm thí  nghiệm nước.

–  Nước  là  khoáng  vật,  nước  có  “thọ-tưởng-hành-thức” chăng?

– Có! Bạn hát cho nó nghe, nó đang cảm nhận. Bài hát hay nó rất hoan hỉ, nhưng rất ghét nhạc “rock” của phương Tây, chúng có thể hiện cho chúng ta thấy: Bạn viết cho nó một chữ “yêu”, nó phản ứng là một hình ảnh rất đẹp! Bạn viết cho nó chữ “ghét”, nó xem rồi phản ứng rất khó coi! Sự kiện này chứng minh nước có “thọ- tưởng-hành-thức”, các hiện tượng vật chất khác thảy đều cũng như vậy.

Bồ Tát Di Lặc nói: Trong một khảy móng tay có ba trăm hai mươi triệu niệm. Mỗi ý niệm đều có hiện tượng vật chất. Niệm niệm thành hình, hình đều có “thức”. “Thức” là “thọ-tưởng-hành-thức”. Cho nên, vật chất dù nhỏ như đầu sợi lông, như vi trần, như nguyên tử, điện tử, hạt căn bản, lượng tử (lượng tử là tiểu quang tử, là vật chất nhỏ nhất không thể phân chia), tất cả đều có “sắc-thọ-tưởng- hành-thức”. Từ chỗ này, chúng ta mới thật sự lãnh hội được toàn thể vũ trụ là một thể hữu cơ, nó không phải chết mà rất linh hoạt.

–  Mặt bàn ghế biết nhìn chăng?

– Biết nhìn!

– Mặt đất, trần nhà, tường vách có nhìn được chăng?

– Biết nhìn! Không những thấy được mà còn nghe được. Chúng ta khởi tâm động niệm, chúng đều biết hết! Làm sao che dấu được người khác!

Cổ nhân nói: “Mười con mắt nhìn vào, mười ngón tay chỉ vào”, đó là chuyện nhỏ! Bây giờ, ta thật sự hiểu được trong pháp giới , hư không giới, tất cả mọi hiện tượng vật chất đều có “thọ-tưởng- hành-thức”. Nói cách khác, chúng ta khởi tâm động niệm, khắp nơi đều biết. Chớ cho rằng khởi một ác niệm không ai biết, mà khắp nơi đều biết! Đây là thật không phải giả!

Do nguyên nhân này, vì ác niệm chúng ta quá nhiều, ý niệm tự tư tự lợi quá nhiều, khởi tâm động niệm đều là “tham-sân-si-mạn”, tổn người lợi mình v.v… chiêu cảm đến sơn hà, đại địa đều biết, chúng cảm thấy quá bi ai nên mềm nhũng rồi sụp đổ! Nước biển dâng cao! Lục địa chìm xuống! Chính là nguyên nhân này! Nếu ý niệm ta thiện, chúng đều hoan hỉ, đại địa kiên cố, địa cầu biến thành thế giới Cực Lạc, hoàn toàn do tâm con người.

Do đây có thể biết giáo dục quan trọng dường nào. Trong giáo dục, đứng đầu là giáo dục thần thánh; người xưa gọi là giáo dục Thánh Hiền; người Ấn Độ gọi là giáo dục của Phật, Bồ Tát, rất quan trọng! Người người đều tiếp thu giáo dục Phật giáo, địa cầu này biến thành thế giới Cực Lạc. Người người tiếp thu giáo dục Thánh Hiền, địa cầu trở thành thiên đường. Ý niệm vừa chuyển, toàn thể vũ trụ liền sinh khởi biến hóa, đây là sức mạnh của ý thức tập thể.

Các nhà khoa học thừa nhận ý thức tập thể có thể thay đổi hoàn cảnh vật chất, mức độ thay đổi này chúng ta không thể nào tưởng tượng được! Ý niệm có thể chỉnh sửa được quỷ đạo vận hành của tinh cầu trong hư không. Bạn xem! Sức mạnh của niệm lực này lớn biết bao! Cho nên, kinh Phật nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”, những cảnh giới đó đều không thật, chỉ trong Thường Tịch Quang là thuần chân vô vọng. Cảnh giới trong Thường Tịch Quang quả thật không sinh, không diệt, không đến, không đi, hoàn toàn không có đối lập nên gọi là “Nhất Chân”.

Sau cùng, Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Thế Gian Giải là Hóa Tha Trí. Khéo hiểu thế gian nên gọi là Thế Gian Giải”. Sách Hội Sớ giảng: “Với các pháp nhân quả thế gian, xuất thế gian, không pháp nào chẳng hiểu rõ nên gọi là Thế Gian Giải”.

Tóm lại, “Thế Gian Giải” là thánh trí hóa độ người khác (Hóa Tha Trí), cũng là Phật trí thật sự thấu rõ tất cả các pháp nhân quả của thế gian và xuất thế gian.

7.  Vô Thượng Sĩ

Theo Hòa Thượng Tịnh Không, “Sĩ” là người đi học. Trong xã hội Trung Quốc thời xưa có bốn giai cấp: Sĩ, nông, công, thương. “Sĩ” được xếp vào hàng đầu, dùng lời hiện tại mà nói: “sĩ” chính  là phần tử tri thức. Trong phần tử tri thức, Phật là chí cao vô thượng nên gọi là “Vô Thượng Sĩ”.

Thực tế, tất cả chúng sinh, nếu từ nơi tự tánh mà nói, đều là “Vô Thượng Sĩ”. Ngày nay, đức hiệu này chúng ta đã đánh mất, do hai loại phiền não chướng ngại, đó là: “Phiền não chướng” và “sở tri chướng”, khiến Đại Niết Bàn, Đại Bồ Đề vốn đủ trong tự tánh bị ngăn che. Phật nói hai loại chướng ngại này không thật, là hư vọng. Chỉ cần buông bỏ hai loại chướng ngại này, trí tuệ và đức năng trong tự tánh liền sẽ hiện tiền, đức hiệu “Vô Thượng Sĩ” tự nhiên đầy đủ.

Đoạn phiền não chính là đoạn ác tu thiện. Mục đích của đoạn ác tu thiện là hồi phục tánh đức trong tự tánh, cũng chính là hồi phục mười hiệu trên quả địa Như Lai. Kinh Niết Bàn dạy: “Như Lai giả, danh Vô Thượng Sĩ. Thí như nhân thân, đầu vi tối thượng, phi dư chi thủ túc đẳng dã. Phật diệc như thị, tối vi tôn thượng, phi Pháp, Tăng dã” (Như Lai gọi là Vô Thượng Sĩ. Ví như trong thân người, đầu ở cao nhất, chân tay, những thứ khác chẳng bằng được. Phật cũng như vậy, cao quí nhất, Pháp, Tăng chẳng bằng).

Ngày nay, Phật không còn tại thế, thì “Pháp” là tối thượng, cao nhất. “Tăng” chỉ là những người tu học Phật pháp. Chữ “Tăng” không phải riêng chỉ cho người xuất gia; mà bất cứ hàng tại gia, xuất gia, nam chúng hay nữ chúng, chỉ cần họ y giáo tu hành đều gọi là “Tăng”. “Tăng chúng” là chỉ cho từ bốn người trở lên cùng nhau tu tập. Người xưa nói ba người là một “chúng”; trong Phật giáo, bốn người trở lên mới gọi là “chúng”.

Kinh còn chép: “Hữu sở đoạn giả, danh Hữu Thượng Sĩ. Vô sở đoạn giả, danh Vô Thượng Sĩ” (Còn có cái để đoạn thì gọi là “Hữu Thượng Sĩ”. Không còn gì để đoạn là “Vô Thượng Sĩ”). “Đoạn” tức là đoạn phiền não. Còn có phiền não tức còn có “sở đoạn”. Còn “sở đoạn” gọi là “Thượng Sĩ”, ví như bạn đã đoạn tận được “Kiến tư phiền não” nhưng chưa đoạn tận “Trần sa phiền não” và “Vô minh phiền não”, có thể xưng là “Thượng Sĩ”.

Người xưa xưng “” là dành cho giai cấp sĩ đại phu, những người đọc sách, nhưng họ chưa đoạn được “Kiến Tư phiền não”. Nếu đoạn được “Kiến tư phiền não”, đương nhiên là vượt qua họ, đây là “Thượng Sĩ”. Thượng Sĩ là thánh nhân không phải phàm phu.

Thánh nhân có tiểu thánh, có đại thánh. Tiểu thừa A-la-hán, Bích chi Phật là tiểu thánh, đều đã đoạn được “Kiến Tư phiền não”. A-la-hán đoạn “Kiến Tư phiền não” nhưng vẫn còn tập khí. Bích chi Phật đến tập khí “Kiến Tư phiền não” cũng không còn. Bồ Tát đoạn “Trần sa phiền não”, chưa đoạn được “Vô minh phiền não”. Tuy địa vị Bồ Tát cao hơn A-la-hán và Bích Chi Phật nhưng cũng là “Thượng Sĩ”; chỉ có Phật, đến khởi tâm động niệm đều buông bỏ hết, trong tất cả thế, xuất thế gian trong mười pháp giới, nghiệp nhân đều đã đoạn tận, không còn gì để đoạn, thành “vô sở đoạn”. “Vô sở đoạn” gọi là “Vô Thượng Sĩ”.

Sách Hội Sớ cũng giảng giống hai thuyết trên: “Hoặc nghiệp hết sạch thì không có gì để đoạn, là bậc nhất, tối thượng trong nhân thiên phàm thánh của tam giới, không ai bằng nên hiệu là Vô Thượng Sĩ”.

Đại trí Độ Luận nói: “Pháp Niết Bàn vô thượng, Phật tự biết là Niết Bàn, chẳng phải nghe từ người khác, lại còn có thể dẫn dắt chúng sinh đạt đến Niết Bàn. Như Niết Bàn là vô thượng trong các pháp, Phật cũng là vô thượng trong chúng sinh. Hơn nữa, Phật trì giới, Thiền Định, Trí tuệ giáo hóa chúng sinh không ai bằng được nổi, huống là hơn nổi ngài. Vì vậy gọi Phật là Vô Thượng”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Niết Bàn”, người xưa gọi là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. “Niết Bàn” là tiếng Phạn, thông thường dịch là “Diệt”. “Diệt” là một trong “Tứ Đế” (Khổ, Tập, Diệt, Đạo). “Diệt” là diệt phiền não, diệt sinh tử. Phiền não là nhân, sinh tử là quả. Khi nhân đã diệt, quả đương nhiên không còn.

– Ở đâu có sinh diệt?

– Mười pháp giới có sinh diệt! Trong mười pháp giới có hai loại sinh tử: “Phần đoạn sinh tử” và “Biến dịch sinh tử”.

Nên nhớ: Trì giới, Thiền Định, Trí tuệ là nguyên tắc cao nhất trong việc tu hành, Phật là đấng Giác Ngộ đã hoàn toàn viên mãn “Giới-Định-Tuệ” nên gọi là “Vô Thượng”.