Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VIII. PHÁP TẠNG NHÂN ĐỊA ĐỆ TỨ

Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: Phần kinh văn từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ mười là phần Chánh Tông, trình bày cặn kẽ nhân địa của đức Phật A Di Đà: Thấy Phật nghe pháp, sơ phát đại tâm, năm kiếp tinh tấn kết thành đại nguyện, nhất thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh độ khắp ba căn, cứu hết muôn loài, tích công trữ đức, trụ “Chân Thật Tuệ”, một dạ chuyên chí trang nghiêm cõi nước nhiệm mầu. Trong vô lượng kiếp, ngài vun bồi đức hạnh để thành tựu viên mãn các đại nguyện đã phát. Trong ba kinh Tịnh Độ, chỉ mỗi kinh này giảng nói những sự việc như vậy, nên kinh này được xưng tụng là “Kinh Tịnh Độ đệ nhất”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không, phẩm kinh văn này vô cùng quan trọng, là cương lĩnh của người tu Tịnh Độ. Từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ mười hai, Hòa Thượng chia ra làm hai phần:

– Một là “Di Đà nhân địa” (Từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ tám).

– Hai là “Quả đức viên mãn” (Từ phẩm thứ chín đến phẩm thứ mười hai). Đoạn kinh văn này có thể nói là lịch sử của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta học Tịnh Độ không thể không hiểu biết. Có thật sự nhận biết đối với thế giới Cực Lạc, đối với Phật A Di Đà chúng ta mới có thể sinh khởi tín tâm kiên định. Đích thật, ngài không phải là thần, tiên cũng không phải từ không mà sinh có, ngài có lai lịch rõ ràng. Sau đây là phần kinh văn.

KINH VĂN:

Phật cáo A Nan:

– Quá khứ vô lượng bất khả tư nghị vô ương số kiếp, hữu Phật xuất thế, danh Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, tại thế giáo thọ tứ thập nhị kiếp. Thời vị chư thiên cập thế nhân dân thuyết kinh, giảng đạo.

VIỆT DỊCH:

Phật bảo A Nan:

Vô lượng chẳng thể nghĩ bàn vô ương số kiếp trong quá khứ có Phật xuất thế hiệu là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn , tại thế giáo hóa trong bốn mươi hai kiếp. Khi ấy, đức Phật vì chư thiên và người đời nói kinh giảng đạo.

GIẢNG:

“Phật cáo A Nan”: Thích Ca Mâu Ni Phật nói với A Nan “Quá khứ vô lượng bất khả tư nghị, vô ương số kiếp”: câu này ý nói thời gian rất dài, lâu xa đến vô cực về trước. “Vô ương số”, ngày nay gọi là “con số thiên văn”, tiếng Phạn là “A-tăng-kỳ”. “Ương” nghĩa là cùng tận. “kiếp” là đơn vị thời gian rất dài không thể tính đếm được. Do kiếp số chẳng thể tính đến cùng tận nên gọi là “vô ương số kiếp”.

– Trong Kinh A Di Đà, Phật nói: A Di Đà Phật thành Phật đến nay mới có mười kiếp, sao chỗ này Phật lại nói “bất khả tư nghị vô ương số kiếp”?.

– Ý nói A Di Đà Phật nhân địa sớm đã thành Phật rồi, lần này ngài ở thế giới Tây Phương Cực Lạc là thị hiện thành Phật, như Thích Ca Mâu Ni Phật ba ngàn năm trước đến thế gian cũng là thị hiện. Bằng chứng là trên Kinh Pháp Hoa, Phật nói ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp. Trên kinh Phạm Võng, Phật cũng nói ngài đến thế gian này là lần thứ tám ngàn, không phải lần đầu.

Hữu Phật xuất thế: vào lúc đó có Phật xuất thế danh Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai(hiệu là Thế gian Tự Tại Vương Như Lai). Chữ “Tự Tại” chỗ này không cần phải nói nhiều, phía trước đã nói qua mười tự tại trong Kinh Hoa Nghiêm. “Thế Gian Tự Tại” có thể hiểu là thường ở thế gian nhưng không bị thế gian chướng ngại, như câu nói “Phật chiếu thế gian tướng, thường trụ tự tịch diệt”, chữ “tự” ở đây là tự tánh.

Sách Bình Giải lại bảo: “Chữ Thế Gian tương ứng với Bát Nhã; Tự Tại nghĩa là Giải Thoát, Vương là Pháp Thân. Ba chính là một, một chính là ba, chẳng ngang, chẳng dọc, nên gọi là Thế Tự Tại Vương”.

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Đây là cách giải thích danh hiệu Phật dựa trên ba đức của Niết Bàn. Thời cổ, mọi thứ đều thuộc về nhà vua, nên dùng chữ “Vương” để ví cho Pháp Thân. Vì Pháp Thân là bản thể, tất cả mọi thứ đều qui về Pháp Thân nên bảo “Vương” là “Pháp Thân Đức”. Chiếu thế gian, thông đạt thế gian là “Bát Nhã Đức”. Tự tại trong thế gian là “Giải Thoát Đức”. Như vậy, danh hiệu “Thế Gian Tự Tại Vương” chứa trọn ba đức, ba tức là một, một tức là ba. Câu “chẳng ngang chẳng dọc” diễn tả diệu đức vô thượng Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của chân thân Niết Bàn.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Chư Phật, Bồ Tát thật sự không có danh hiệu. Danh hiệu sở dĩ có là thuận theo thế gian mà kiến lập. Nói cách khác, danh hiệu chính là tôn chỉ giáo hóa của Phật hay Bồ Tát ở một khu vực trong giai đoạn nào đó.

–  Vì sao phải kiến lập Tông chỉ?

–  Vì chúng sinh khu vực này có những tâm bệnh, phải dùng phương pháp này để chuyển hóa những tâm bệnh đó. Chẳng hạn như lúc Phật thị hiện ở thế gian xưng là Thích Ca Mâu Ni vì chúng sinh lúc ấy:

– Thứ nhất là tự tư tự lợi, kém lòng nhân từ. Phật vì muốn chuyển hóa tâm bệnh của họ nên thiết lập tông chỉ giáo dục là “Thích Ca”. “Thích Ca” là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung văn là “Năng nhân”, tức là nhân từ. Hai chữ “Thích Ca” chính là đề xướng lòng nhân từ.

– Thứ hai là tâm chúng sinh không thanh tịnh, vọng tưởng tạp niệm quá nhiều, nên trong danh hiệu có chữ “Mâu Ni”. “Mâu Ni” dịch thành ý Trung văn là “Tịch Diệt”. “Tịch” là tịch tịnh, thanh tịnh; “Diệt” là diệt tận tất cả vọng tưởng, tạp niệm.

Cho nên, danh hiệu Phật sở dĩ có là nhằm chuyển hóa căn bệnh của chúng sinh thời đó, chốn đó. Chỉ cần nghe danh hiệu của bất cứ Phật, Bồ Tát nào, chúng ta liền biết được các ngài đang độ loại chúng sinh nào. Danh hiệu khởi tác dụng như thầy thuốc đưa ra phương thuốc, thuốc đến thì bệnh khỏi.

Ngày nay, xem thấy danh hiệu “Thế Gian Tự Tại Vương Phật”, chúng ta liên tưởng chúng sinh thời đó ắt có tâm bệnh bảo thủ, chấp trước nên Phật phải dùng phương pháp này giúp họ giải trừ những tâm bệnh đó.

Dùng danh hiệu “Tự Tại” lại thêm vào chữ “Vương”. “Vương” cũng là ngầm ý “Tự Tại”, đặc biệt cường điệu “Tự    Tại”.

Tóm lại, danh hiệu trong nhà Phật đều là biểu pháp, mãi đến hiện tại vẫn còn tuân thủ nguyên tắc này.

Từ “Như Lai” đến “Phật Thế Tôn ” là thông hiệu (danh hiệu chung) của chư Phật, mỗi vị Phật đều có đủ mười hiệu này. Thật ra chư Phật vô lượng đức nên đức hiệu cũng vô lượng, nay do thuận theo căn cơ chúng sinh nên chỉ nói giản lược mười đức hiệu của Phật, được giải thích như sau:

1.   Như Lai

Như” là chân như, là chân tâm, bản tánh, là tự tánh, pháp tánh v.v… cũng gọi là Đệ nhất Nghĩa Đế. Trong kinh, Phật đã nêu ra mấy mươi danh từ khác nhau để nói về vấn đề này.

– Vì sao chỉ mỗi một vấn đề, Phật lại nêu ra nhiều như vậy?

– Đây là phương tiện thiện xảo trong khi Phật giảng kinh thuyết pháp. Phật ngại chúng ta chấp tướng nên đã dùng rất nhiều danh từ để hình dung một vấn đề, chỉ cần hiểu là được, còn nói như thế nào cũng chẳng sao, đây là chân thật nghĩa của Như Lai.

Cho nên, trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát dạy chúng ta khi nghe kinh hoặc nghiên cứu kinh điển:

– Thứ nhất, đừng chấp vào tướng ngôn thuyết: Trong “Tứ y pháp”, Phật dạy chúng ta “y nghĩa bất y ngữ”, điều này rất quan trọng.

– Thứ hai, đừng chấp vào tướng văn tự: Văn tự là phù hiệu của ngôn ngữ, văn tự dù có sâu cạn hay nhiều ít không quan trọng, chỉ cần nói lên được ý nghĩa là đủ. Tất cả danh từ, thuật ngữ chỉ là giả thuyết nhằm giúp chúng ta ngộ nhập nghĩa chân thật. Hiểu được nghĩa chân thật là “ngộ nhập tự tánh”, trong Tông môn gọi là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, đây là mục tiêu sau cùng trong giáo dục của đức Phật.

– Thứ ba, đừng chấp vào tướng tâm duyên:

– Thế nào là tâm duyên?

– Là “vọng văn sinh nghĩa”! Tôi thấy thế này, tôi nghe thế này, tôi nghĩ thế này v.v… thì không được! Vì sao? Vì bạn đã rơi vào đệ lục ý thức! Tất cả những gì bạn học được đều là “tri thức Phật học”, không phải là trí tuệ. Đức Phật không dạy bạn tri thức mà hy vọng bạn ngộ nhập trí tuệ. Chỉ có trí tuệ mới giúp bạn hiểu được chân tướng của vũ trụ nhân sinh, thực tướng của các pháp, giúp bạn liễu sinh tử, xuất tam giới. Chẳng những xuất tam giới mà còn vượt thoát “thập pháp giới” đến “Nhất Chân Pháp giới”, cõi “Thật Báo Trang Nghiêm” của chư Phật Như Lai.

Chân Như tự tánh, mọi chúng sinh đều có, tuy có mà đã bị mê mất, không phải thật đã mất. Như vậy:

– Chân Như có khởi tác dụng không?

– Có! Nhưng chính bạn không hề hay biết!

– Lúc nào khởi tác dụng?

– Lúc bạn khởi tâm động niệm! Niệm thứ nhất là “chân tâm”, là “Như Như”, là “Phật tri Phật kiến”.

– Tâm bệnh của phàm phu ở chỗ nào?

– Không thể giữ được cái niệm ban đầu! Phàm phu, niệm thứ nhất rất ngắn chỉ trong một sát-na, kế đến là niệm thứ hai liền rơi vào trong ý thức vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên biến thành phàm phu. Đến lúc nào có thể giữ được cái niệm ban đầu không thay đổi, bạn liền thành công.

Trong nhà Phật có rất nhiều phương pháp, tám vạn bốn ngàn pháp, nói ra chỉ là một sự việc: làm thế nào giữ được niệm đầu tiên không thay đổi, đây gọi là “nhất niệm”, Tịnh Độ tông gọi là “nhất tâm”. Vọng tưởng càng nhiều thì càng đáng lo! Càng nhiều càng hướng xuống đọa lạc! Cho nên, trong tất cả pháp môn, pháp môn Niệm Phật là thù thắng nhất. Một ngày từ sớm đến tối không có ý niệm nào khác, khởi tâm động niệm chỉ một câu A Di Đà Phật.

– Niệm Phật thế nào mới có lực?

–  Xem tất cả mọi người đều là A Di Đà Phật, công phu mới có lực! Không chỉ mọi người là A Di Đà Phật mà tất cả mọi vật, mọi việc cũng là A Di Đà Phật. Ngoài A Di Đà Phật, bất cứ thứ gì cũng đều không có.

Bạn nhìn xem! Thế giới Tây Phương Cực Lạc, bảo thọ thành hàng, gió thổi, chim hót, suối reo, nước chảy v.v… đều nói pháp. Các thứ đều là A Di Đà Phật biến hóa ra. Thế giới Cực Lạc như vậy! Chỉ là bạn chính mình không chịu thừa nhận! Cứ mãi miết trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì không còn cách nào! Cho nên, làm thế nào chuyển đổi được cảnh giới, then chốt chính ngay chỗ này!

Thiên Thai Trí Giả Đại sư trong bản Sớ Giải phẩm “Thọ Lượng” trong Kinh Pháp Hoa, ngài giảng rằng: “Như là pháp bất biến, giống như tấm gương, chẳng phải là nhân, chẳng phải là quả. Dẫu có Phật hay không có Phật thì tánh tướng vẫn thường như vậy. Trọn khắp hết thảy các chốn mà chẳng bị đổi khác là Như, bất động mà đến được khắp tất cả là Lai”. Giải thích như vậy là giảng theo Pháp Thân Như Lai.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Pháp như như cảnh”, “như như cảnh” là ví dụ, “như như” là không khác nhau, “Tánh, Tướng nhất như”, Tánh như Tướng, Tướng như Tánh; Tánh, Tướng là nhất thể; lý sự là nhất thể; nhân quả là nhất thể; tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ là nhất thể, không nhân không quả.

– Có nhân quả chăng?

– Có nhân quả!

– Sao nói có nhân quả?

– Vì có ý niệm là có nhân quả! Không có ý niệm thì nhân quả không có!

– Tôi đã vô niệm!

– Vô niệm, bạn vẫn có nhân quả!

– Vì sao?

– Vì bạn có “vô niệm”! “Vô niệm” cũng không được có! Nếu thật sự bạn tu “vô niệm” tương lai bạn sẽ đến trời Vô Tưởng. Cho nên “vô niệm” không còn, đoạn tận khởi tâm động niệm, đây mới là cảnh giới của Pháp Thân Đại Sĩ từ Sơ Trụ trở lên.

Nên biết: Khởi nhân của tất cả pháp là ý niệm đầu tiên, “nhất niệm” này không có nguyên nhân nên gọi là “vô thỉ vô minh”, nó không có bắt đầu, đây là chân tướng sự thật! Câu này rất khó hiểu!

Trước đây tôi ở Đài Trung, học Kinh Lăng Nghiêm. Trong kinh này, ngài Phú Lâu Na có nêu ra:

“Vô thỉ vô minh khởi như thế nào?” Lúc đó tôi giảng “vô thỉ” là thời gian rất lâu xa về trước. Tôi đã hiểu sai! Ý nghĩa thật sự của “vô thỉ” là vốn không có bắt đầu. Đức Phật đưa ra ví dụ: Chàng Diễn Nhược Đạt Đa “mê đầu nhận ảnh”. Đây là có ngộ nhận!

Khi tôi học cấp một, cấp hai vào thời kháng chiến, chiến tranh Trung-Nhật. Lúc đó, lớp năm, lớp sáu tiểu học có học quân sự nên chúng tôi cũng thường được huấn luyện quân sự. Trong huấn luyện quân sự, chuyện bình thường nhất là tập họp khẩn cấp. Sáng sớm, trưởng quan ở thao trường thổi một hồi còi, giới hạn trong vòng ba phút, tất cả phải phục trang chỉnh tề đến thao trường xếp hàng, thường có trường hợp này. Khi phục trang chỉnh tề, đột nhiên hoảng hốt hỏi mọi người:

– Mũ của tôi không thấy! Nó ở đâu?! Bạn học nói:

– Chẳng phải bạn đang đội trên đầu đó sao?

Sờ lên là thật! Đây gọi là “mê đầu nhận ảnh”. Thử nghĩ: Cái mê này có thời gian chăng? Nó phát sinh khi nào? Câu chuyện Diễn Nhã Đạt Đa “mê đầu nhận ảnh” cũng như câu chuyện này! Thật sự, phát sinh hoảng hốt đó là “nhất niệm bất giác”, quên bản thân đã đội mũ đó là bất giác!

“Nhất niệm bất giác” đó là nguyên nhân gì?

– Tìm không ra nguyên nhân!

Ý niệm đầu tiên không có nguyên nhân, ý niệm thứ hai trở đi mới có nguyên nhân. Ý niệm đầu là nhân của ý niệm thứ hai v.v… Duy chỉ niệm thứ nhất không có nhân cũng không có thời gian. Nếu hỏi:

– Nó khởi lên khi nào?

– Không có! Ngay ở tại đây!

Cho nên, vọng niệm là niệm này tiếp nối niệm kia, mới có thế giới này. Nếu đoạn tận ý niệm vọng tưởng, thế giới lập tức không còn! Vì sao? Đó là giả! Giống như ta xem phim, từng đoạn, từng đoạn băng phim nhựa, nếu một đoạn nào bị đứt, lập tức hình ảnh không có, chỉ còn lại một khoảng trống không.

Thế mới biết, thế giới này còn tương tục, còn tồn tại là ý niệm chưa đoạn. Trong “Đệ Nhất Nghĩa” không nhân, không quả. Trong đệ nhị nghĩa có nhân, có quả; cũng chính là nói: Trong mười pháp giới có nhân có quả; trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm vẫn có nhân có quả; chỉ trong Thường Tịch Quang là Đệ Nhất Nghĩa không có nhân, không có quả, chỉ là một cảnh giới như vậy.

Đại sư Huệ Năng nói: “Nào ngờ tự tánh năng sinh vạn pháp”, nhân quả sinh ra đồng thời với năng sinh vạn pháp, sinh đồng thời nên không có trước sau. Tánh tướng thường nhiên, Pháp tánh năng sinh năng hiện, Pháp tướng sở sinh sở hiện. Các biến hóa trong pháp tướng đều có thức. Thức là phân biệt, chấp trước. Thế Tôn nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”, câu này bao gồm toàn thể vũ trụ, cõi Thật Báo, cõi Phương Tiện, cõi Phàm Thánh Đồng cư đều từ tâm tưởng sinh. Tâm tưởng không có thì tất cả đều không, tâm tưởng chưa đoạn thì nó tồn tại.

Do Phật có ba thân: Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Thân nên chữ “Như Lai” tất nhiên được giải thích theo từng quan điểm Pháp, Báo, Ứng khác nhau. Nói đầy đủ sẽ như Hội Sớ giảng:

– Chẳng đến, đi là Pháp Thân: Như Kinh Kim Cang nói “vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ” (không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu). Nói rõ hơn một chút, theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Không có đối lập là Pháp Thân”.

– Chánh Giác Đệ Nhất Nghĩa Đế, đạt đến Chân Như Thật Tướng như thế là Báo Thân. Nói cách khác, Báo Thân này là nương vào Pháp Thân mà đến.

– Nương theo Chân Như Thật Tướng để thành tựu Chánh Giác, đạt đến như vậy là Ứng Thân.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: chữ “Như Lai” người xưa giải thích: “Thừa như thị đạo nhi lai”.

– Cái gì là “Thừa như thị đạo nhi lai?”

– Thực tế mà nói là tương ưng với “Như” mà đến!

– Đến để làm gì?

– Để hiện thân nói pháp! Đây là Ứng Thân Phật, Báo Thân Phật. Như Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa xuất hiện ở thế gian, ngài là người tái lai, không phải phàm phu. Đáng dùng thân gì để độ, ngài liền hiện ra thân ấy để độ. Ngài là “thừa như thị đạo” mà đến ứng hóa, rất tự tại, gọi là Như Lai, chúng ta do nghiệp báo mà đến nên không được tự tại.

Trên Kinh Kim Cang có một giải thích rất hay, Phật nói: “Như Lai giả chư pháp như nghĩa”. Cách nói này là nói rộng, đối với người tu học chúng ta có sự giúp đỡ rất lớn. Như vừa rồi tôi dạy bạn: Ở Niệm Phật Đường, niệm Phật nên xem tất cả mọi người, tất cả mọi việc, tất cả mọi vật đều là A Di Đà Phật, đây chính là “chư pháp như nghĩa”; trong tất cả pháp “pháp pháp giai như”, tức là “nhất thể”. Vì sao vậy? Tất cả pháp đều từ tự tánh biến hiện. Tự tánh là “Chân Như”; “Chân Như”’ biến hiện mọi vật, như Kinh Hoa Nghiêm nói tất cả pháp đều “duy tâm sở hiện”, tâm đó chính là “Chân Như”, từ Chân Như hóa hiện ra. Ví như chúng ta dùng vàng làm thành các vật dụng, mỗi vật dụng đều là vàng. Vàng ví cho “Chân Như”, các vật dụng đều từ “Như” mà có. Cho nên, Phật nói: “Chư Pháp như nghĩa” câu nói này mới chân thật viên mãn; chân thật nói đến cùng tột.

Nói đến ba thân của Phật:

– “Pháp Thân” là Tỳ Lô Giá Na mà trên Kinh Hoa Nghiêm nói. Tỳ Lô Giá Na là tiếng Phạn, ý nghĩa là khắp tất cả mọi nơi, tận hư không pháp giới là “Pháp Thân”. Mười phương ba đời tất cả chư Phật cùng đồng một “Pháp Thân”. “Pháp Thân” chính là “Chân Như”, không có đến, đi mà chỉ có thị hiện. Nơi nào có    cảm thì nơi đó có ứng, việc thị hiện này thật không dễ hiểu! Chúng ta dùng truyền hình để ví dụ: Bạn mở bất cứ kênh đài nào, sắc tướng liền lập tức xuất hiện trên màn hình. Thử hỏi: Sắc tướng đó có phải từ nơi nào đó truyền đến hay không? Không hề có! Không luận ở bất cứ nơi nào, khi mở đúng kênh đài, hình ảnh liền lập tức xuất hiện; không muốn xem thì tắt máy, hình ảnh sẽ không còn, đây thật là “không đến cũng không đi”. Chư Phật, Bồ Tát ứng hóa ở thế gian cũng là như vậy.

Chúng ta đọc kinh, nghe pháp đích thật là phải “tức tướng lìa tướng”, “ly tức đồng thời”, chúng ta mới có chỗ vào, mới có chỗ ngộ. “Pháp Thân” là Chân Như lý thể, triết học gọi là bản thể của vũ trụ vạn hữu. Bản thể là Chân Như tự tánh năng sinh, năng hiện. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm là sở sanh, sở biến.

–  “Báo Thân Phật” là “tự thọ dụng” của trí tuệ. Báo Thân phàm phu là thọ dụng của phiền não.

– “Ứng Thân” là “tha thọ dụng”, “Ứng Thân Phật” là lợi ích tất cả chúng sinh. Phàm phu chúng ta nếu vì xã hội, vì nhân dân đại chúng phục vụ, thân này cũng là “Ứng Thân”.

Cho nên, Phật có ba thân, phàm phu cũng có ba thân. Ba thân Phật tương ưng với Chân Như; ba thân của phàm phu không tương ưng với Chân Như vì mê mất đi tự tánh, biến thành vô tri, lỗi lầm chính ngay chỗ này.

– Cách hồi phục tự tánh như thế nào?

– Đoạn dứt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì hồi phục chân tánh.

Niệm Phật Đường là nơi luyện tâm được Định, giảng đường giúp ta khai trí tuệ. Đạo tràng này Định-Tuệ đều học. Nếu không nghe kinh, chỉ dựa vào niệm Phật, sự thành tựu ắt sẽ chậm. Nếu   có thể vừa niệm Phật, vừa nghiên giáo, sự thành tựu của bạn sẽ nhanh hơn. Nếu chỉ dùng câu Phật hiệu đè nén tất cả tham, sân, si, mạn v.v… như dùng đá cuội đè cỏ, liều mạng mà đè, đè đến mức bão hòa không còn đè xuống được nữa thì xong.

Thế nhưng, nên biết bạn có nghe kinh, thâm hiểu những lời Phật dạy, khi vọng tưởng sinh khởi, bạn liền dùng sức Định của câu A Di Đà Phật chế ngự nó, một mặt dùng trí tuệ nhìn thấu, buông bỏ nó, vọng tưởng sẽ lập tức tiêu hết, đây là phương pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất. Cho nên, người chân thật biết dụng công, nhất định phải “Định-Tuệ đẳng trì”, hiệu quả sẽ rất thù thắng.

Tóm lại, “Như” là chân tướng của vũ trụ nhân sinh.

– Chân tướng là gì?

– Là “vô sở hữu, bất khả đắc”. Hai câu này là qui nạp của Kinh Đại Bát Nhã, sáu trăm quyển, mà Thế Tôn đã từng diễn nói suốt hai mươi hai năm, đã lặp đi lặp lại hàng mấy trăm lần.

– Vì sao “vô sở hữu, bất khả đắc”?

– “Vô sở hữu” là nói về hiện tướng, “bất khả đắc” là nói về thọ dụng. Kinh Kim Cang nói: “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện” đã nêu rõ “vô sở hữu, bất khả đắc” của vạn pháp vô thường, không chân thật. Tóm lại:

–  Pháp Thân Như Lai là “Pháp tánh”, là bản thể, không có hình tướng, trong Tịnh Tông gọi là Thường Tịch Quang.

Báo Thân Như Lai là “Pháp tướng”, có vô lượng tướng; tướng có vô số, vô lượng vẻ đẹp không phải chỉ có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp như bình thường chúng ta nói. Ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp là “Ứng Thân Phật”, không phải “Báo Thân Phật”. Vì sao? Vì tánh đức hoàn toàn hiển thị từ “Báo Thân”, gọi là “Tự thọ dụng”. Tánh đức vô lượng, vô biên, vô số, vô tận không thể nghĩ bàn, thật sự là lìa khổ được vui.

Ứng Thân Như Lai “Pháp dụng” là khởi dụng của “Pháp tánh”. “Thừa như thị đạo” là tự tánh, “lai thành Chánh Giác” là thị hiện “Ứng Thân”.

Như đức Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện vào cõi nhân gian, cũng là con người, chỉ khác ở chỗ: Chúng sinh mê hoặc điên đảo; Phật là người triệt ngộ rốt ráo, ngài đến để giáo hóa chúng sinh, thị hiện dạy người. Nếu dạy súc sinh thì thị hiện thân súc sinh, nếu dạy ngạ quỷ thì thị hiện thân ngạ quỷ v.v… Hiện thân đồng loại, đây gọi là “Ứng Thân”.

Trong “trai đàn chẩn tế”, cúng thí thực, mời quỷ đến ăn, chúng ta thấy trên đàn cúng tế có cắm bài vị quỷ vương gọi là Tiêu Diện Đại sĩ, mặt mũi hung dữ. Tiêu Diện là Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện thân quỷ để “hòa quang đồng trần”, cứu độ chúng sinh trong đường ngạ quỉ.

Hóa Thân” khác với “Ứng Thân”, “Hóa Thân” chỉ thị hiện trong thời gian ngắn. Bạn có thể nhìn thấy họ, trò chuyện với họ, họ chỉ điểm cho bạn xong liền biến mất, không còn để lại dấu vết nào, đây là “Hóa Thân”.

2. Ứng Cúng

Trong thế pháp và xuất thế gian pháp, Phật là đấng phước tuệ viên mãn, cứu cánh nhất. Cổ nhân có câu: “Lượng lớn phước lớn”, người có tâm lượng nhỏ mặc dù có phước lớn cũng không hưởng được lâu dài, đây là đạo lý nhất định. Tâm lượng của Phật là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. “Lượng châu sa giới” đồng nghĩa với “hàm dung không hữu”, là một trong ba loại chu biến (chu biến pháp giới, xuất sanh vô tận, hàm dung không hữu) mà Quốc sư Hiền Thủ đã nói trong “Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán”. Cho nên, đức Phật xứng đáng thọ nhận cúng dường của hết thảy trời người.

Đại Luận viết: “Đức Phật đã trừ sạch hết kiết sử, đắc hết thảy trí tuệ, nên xứng đáng nhận lãnh sự cúng đường của hết thảy chúng sinh trong trời đất. Vì vậy, Phật được xưng là Ứng Cúng”.

Tịnh Ảnh Sớ lại giảng: “Chứng, diệt tương ứng nên gọi là “Ứng”. Lại do chứng, diệt nên đáng cúng dường; vì vậy bảo là Ứng Cúng”. “Chứng” là nói sự tu hành của ngài, “diệt” là tập khí phiền não đều không có, đây là từ “nhân” mà nói; “nhân” không có thì quả báo sinh tử cũng không có, đây gọi là “Ứng Cúng”. “Chứng, diệt tương ứng” là “bất sinh bất diệt”, đây là cảnh giới của “Pháp Thân Bồ Tát”; khế nhập vào cảnh giới này đáng được nhận sự cúng dường.

Sách Hội Sớ lại bảo: “Vạn hạnh viên thành, phước tuệ đầy đủ, xứng đáng nhận lãnh sự cúng dường của trời người, lợi ích hữu tình, nên Phật hiệu là Ứng Cúng”.

3. Đẳng Chánh Giác

Tiếng Phạn là Tam Miệu Tam Bồ Đề, nói đủ là “A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. “A” là “Vô”, “Nậu Đa La” là “Thượng”, “Tam” là “Chánh”, “Miệu” là “Đẳng”, “Bồ Đề” là “Giác”, nói gộp lại là “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Bồ Tát nhân hạnh viên mãn nên thành “Đẳng Chánh Giác”, xưa kia dịch là “Vô Thượng Chánh Biến Tri”.

Tịnh Ảnh Sớ lại giảng: “Chánh là lý. Chiếu soi tột cùng lý thể, nên bảo là Biến Tri”. Chữ “chiếu” ở đây là trực giác, không dùng ý thức. Nếu vận dụng ý thức để tìm hiểu, nghiên cứu liền biến thành tri thức, không phải trí tuệ, không phải Phật pháp, đây thuộc về công phu Thiền định. Trong Phật pháp: A la hán, Bích Chi Phật đều gọi là Chánh Giác, đây là mức độ cao nhất ở trong “Thập pháp giới”. Trong “Nhất Chân pháp giới”, từ Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát trở lên, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ là “Chánh Đẳng Chánh Giác”. Tiến thêm một bước, thêm vào chữ “Vô Thượng” là Quả giác cứu cánh viên mãn Phật. Đây là ba giai cấp trong Phật Giáo.

4. Minh Hạnh Túc

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Ngày xưa chữ “Hạnh” đọc là “Hoành” (Minh Hoành Túc). Đọc “Hạnh” là danh từ, đọc “Hoành” là động từ, là hành động, chữ “Minh” có nhiều cách giải thích:

Đại Luận giảng: “Túc Mạng, Thiên Nhãn, Lậu Tận gọi là Tam Minh”. Sách Hội Sớ và Tịnh Ảnh Sớ, cùng giảng theo cách này đều cho rằng “Minh” chính là “Tam Minh”. Đây là danh từ Phật học, vốn có sáu loại thần thông nhưng hiện nay gọi là Tam Minh, thần thông này Phật có, Bồ Tát không có. Bồ Tát và A-la-hán chỉ có thể gọi là: Túc Mạng Thông, Thiên Nhãn Thông, Lậu Tận Thông. Từ Viên Giáo Sơ Trụ trở lên, tức là Pháp Thân Bồ Tát trong “Nhất Chân Pháp Giới” mới gọi là “Minh”: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh.

Tịnh Ảnh Sớ lại còn viết thêm: “Minh là chứng hạnh, chứng pháp rõ ràng rốt ráo nên bảo là Minh”. Nếu thấu suốt rõ ràng, chứng ngộ thông suốt được hành pháp mới gọi là “Minh”.

Quyển mười tám Kinh Niết Bàn có chép: “Minh giả, danh đắc vô lượng thiện quả… Thiện quả giả, danh A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Minh là đắc vô lượng thiện quả… Thiện quả là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Thuyết này cực sâu cho rằng vì đã chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mới được gọi là “Minh”. Cho thấy “Minh” này không phải là trí tuệ của Tiểu thừa, của Bồ Tát, của quyền giáo Phật quả, đương nhiên càng không phải là trí tuệ của phàm phu mà là trí tuệ cứu cánh viên mãn trên quả địa Như Lai.

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Dùng thuyết của Kinh Niết Bàn để giải thích chữ “Minh” trong KinhVô Lượng Thọ này là thỏa đáng nhất. Quyển mười tám Kinh Niết Bàn giảng chữ “Hạnh Túc” như sau:

Hạnh danh cước túc…Cước túc giả, danh vi Giới Tuệ. Thừa Giới Tuệ túc, đắc A Nậu Đa La Tam MiệuTam Bồ Đề, thọ cố danh vi Minh Hạnh Túc dã”.

(Hạnh là chân cẳng… Chân cẳng là Giới, Tuệ. Dùng chân Giới Tuệ để đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nên gọi là Minh Hạnh Túc).

Hòa Thượng Tịnh Không ca ngợi cách nói này rất hay.

– Làm sao đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác?

– Nhờ tu “Giới-Định-Tuệ” mới đạt được, cho nên ví Giới Tuệ là chân. Có chân mới có thể đi đến được. Nói cách khác, công phu Tam học “Giới-Định-Tuệ” viên mãn mới chứng được “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Điểm này rất quan trọng! Bí quyết tu hành trong Phật pháp then chốt chính ngay chỗ này. “Giới” là qui củ, nếu học Phật mà không thể trì giới, cho dù bạn có dụng công thế mấy cũng không thể thành tựu! Bạn có giảng kinh lưu loát, trước tác rất hay, nhưng khi chết vẫn cứ là đau khổ, trôi lăn trong lục đạo!

– Vì sao?

–  Vì không có Giới-Định-Tuệ!

– Giảng kinh, viết sách, sáng lập học thuyết của mình, như vậy có được xem là trí tuệ không?

– Không phải trí tuệ mà đó chỉ là tri thức!

Nên biết trí tuệ được sinh ra là từ Định, không phải từ bên ngoài như đọc sách, nghiên cứu nhiều mà có trí tuệ. Cho nên tri thức phong phú không hẳn là có trí tuệ, điều này cần phải biết! Trí tuệ có lợi ích thực tiễn, tri thức thì không được! Do nguyên nhân gì? Do tâm bạn Định, đem đến cho bạn ngày ngày an vui, ngày ngày được Pháp hỷ, đây là trí tuệ. Trái lại tri thức dù phong phú, họ vẫn còn ưu tư, vướng bận nên lão hóa rất nhanh.

Chúng ta học Phật phải noi theo Phật, phải cầu trí tuệ không cầu tri thức. Tri thức có hay không có không thành vấn đề, quan trọng là trí tuệ. Khi trí tuệ được khai mở, cho dù bạn không học cũng vẫn biết, đây là thật không phải giả! Nhưng tri thức thì không được! Nếu không học bạn sẽ không biết!

Năm 2007, nhà Hán học trường Đại học Cambridge nước Anh, ông là giáo thọ lâu năm ở đó. Ông biết tôi tổ chức lớp học ở Thang Trì rất thành công nên tự thân đến Thang Trì khảo sát. Đến đó ở bốn ngày, khi trở về đi qua Hồng Kông, ở lại Hồng Kông mấy ngày. Ông tìm đến tôi hai lần, mỗi lần chúng tôi nói chuyện ba tiếng đồng hồ. Ông có ý tốt mời tôi đến Luân Đôn thành lập một thư viện Đại Thừa Phật Học. Thư viện này thuộc Đại học Cambridge. Đại học này được xếp thứ ba trên thế giới. Tôi rất cảm tạ ông đã quan tâm và ưu ái đến tôi, nhưng tôi đáp lời ông tôi không đi được!

– Vì sao?

– Vì trong khuôn khổ chế độ trường học của quí vị tôi không có năng lực!

– Vậy thầy có phương pháp gì không?

– Tôi không có phương pháp nhưng cổ nhân tôi có!

– Cổ nhân có phương pháp gì?

– Ông đã học “Tam Tự Kinh” chưa?

Rõ ràng ông thuộc “Tam Tự Kinh”, thuộc “Tứ Thư”, thật quá giỏi! Đây là một người nước ngoài. Tôi nói tám câu trước trong “Tam Tự Kinh” là nguyên tắc chỉ đạo dạy học cao nhất mà cổ nhân đã truyền lại từ ngàn vạn năm nay. Ông nghe vậy vô cùng ngạc nhiên. Tôi nói:

–  Ông nghiên cứu bao nhiêu năm mà không phát hiện ra: Phàm làm nghề giáo dục, lý niệm đầu tiên phải khẳng định tánh người vốn thiện.

– Mục đích giáo dục là gì?

– Là trở về bản thiện, giáo dục sẽ thành công! “Nhân chi sơ tánh bản thiện”, không có giáo dục, đó là “tánh tương cận, tập tương viễn”, tập tánh bất thiện, bản tánh là thiện. Khoảng cách tập tánh và bản tánh của họ ngày càng xa nếu không dạy, họ chắc chắn là tâm hành này! Cho nên nhất định phải làm giáo dục, phải xem trọng giáo dục, lý niệm giáo dục hưng khởi cũng từ đây.

– Dạy như thế nào?

– “Giáo chi đạo, quí dĩ chuyên?!

– “Chuyên” là gì?

– Là “nhất môn thâm nhập trường thời huân tu”.

Tôi nói: Nếu tôi ở bên đó mở lớp học, tôi sẽ áp dụng phương pháp này. Phương pháp này có thể đào tạo ra nhân tài. Mỗi học sinh chỉ học một môn, không được học hai môn.

– Học bao lâu?

–  Mười năm! Mười năm nhất định thành công, mười năm chỉ học một thứ.

Ông ta cảm thấy thật không thể nghĩ bàn!

Tôi nói: Ví như học Luận ngữ, mười năm chỉ học bộ sách này. Ông ta hỏi:

– Học như thế nào?

– Người tôi dạy, tôi không nói cho họ nghe mà chỉ định một số tài liệu tham khảo để họ nghiên cứu. Khi lên lớp, học trò nói cho tôi nghe. Tôi dạy họ học, không phải giảng học. Nếu học một giờ, họ nói năm mươi phút, mười phút sau cùng tôi đánh giá lại. Nên người dạy rất nhẹ nhàng, người học rất vất vã!

Ông hỏi:

– Như vậy có thể hoàn tất xong trong một học kỳ chăng?

– Đúng vậy!

– Thế học kỳ hai thì sao?

– Học kỳ hai thì học lại lần thứ hai. Nếu học nhiều hơn một chút, khoảng bốn tháng có thể học xong một lần; một năm có thể học ba lần, mười năm học ba mươi lần, họ sẽ trở thành chuyên gia Luận ngữ trên toàn thế giới, trở thành Khổng tử.

Tôi nói đạo lý này, ông nghe cũng đã hiểu. Tôi nói: Ông trở về thảo luận với nhà trường xem có đồng ý phương pháp của tôi hay không? Tôi nói: Không nên học quá nhiều thứ, khiến đầu óc biến thành bột nhồi! Phương pháp dạy học của người xưa, chỉ có Đức Phật mới hiểu. Trong Kinh Phật đã dạy như vậy, cũng là “nhất môn thâm nhập trường thời huân tu”, hoàn toàn giống những gì cổ nhân dạy. Một kinh thông thì tất cả kinh điển đều thông, ngài Huệ Năng là trường hợp điển hình. Nói đến Huệ Năng ông ta cũng biết. Cho nên trí tuệ và tri thức là hai vấn đề khác nhau.

Trước đây, ở Đại học Luân Đôn và trường Đại Học Cambridge tôi đều có giảng dạy, cùng chia sẻ với sinh viên hệ  Hán học và các giáo thọ của họ. Tôi rất khâm phục, họ nói lưu loát tiếng Bắc Kinh, không cần phiên dịch. Không những thế, họ còn đọc được thể văn ngôn. Nói thật, rất nhiều sinh viên Trung quốc cũng chưa sánh bằng họ. Tôi nói với họ: Các bạn dùng kinh điển Phật giáo, kinh điển Đạo giáo, kinh điển Nho giáo để viết luận văn Tiến sĩ, bạn có thể lấy được học vị. Trong tương lai, bạn có thể là một giáo thọ, cũng có thể là nhà Hán học, nhưng tôi tin rằng bạn không thể nào có được sự an vui, niềm hoan hỉ như tôi được! Họ đều rất ngạc nhiên!

– Bạn có biết vì sao không?

– Tôi học không giống bạn!

– Sao lại không giống?

– Bạn xem! Bạn là Nho học, Đạo học, Phật học là học tri thức. Tôi viết lên bảng: Nho học, Đạo học, Phật học. Viết như vậy có đúng không?

– Đúng!

– Cái tôi học tương phản với bạn!

– Sao lại tương phản?

– Tôi học từ bên này đọc qua là học Phật, học Đạo, học Nho là học trí tuệ, như vậy không giống nhau. Học Nho phải học giống như Khổng Tử. Học Đạo phải học giống như Lão, Trang. Học Phật phải giống như Đức Thế Tôn . Ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Thời gian tôi nói với họ chỉ có một tiếng đồng hồ nhưng đối với những quan niệm trước đây của họ đã có rất nhiều thay đổi. Tôi cũng lưu tâm họ vấn đề: Tri thức không thể giải quyết vấn đề, dù có giải quyết được vẫn để lại rất nhiều hậu di chứng! Trái lại trí tuệ giải quyết được trọn vẹn vấn đề lại không có di chứng về sau. Đây là kinh nghiệm tôi có được khi tham gia mười mấy lần hội nghị Hòa Bình Quốc Tế. Thành phần tham dự đều là chuyên gia, học giả, đều là những phần tử tri thức cao cấp. Trong hội nghị, họ đặt ra vấn đề:

– Làm sao hóa giải được xung đột trên thế giới? Làm sao khôi phục nền an định hòa bình cho xã hội?

– Không có cách nào!

Cho nên Thang Ân Tỷ mới nói (Thang Ân Tỷ là người Anh, nhắc đến người này họ đều biết):

Muốn giải quyết vấn đề xã hội của thế kỷ hai mươi mốt chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp Đại Thừa”.

– Như vậy bạn có tin chăng? Các bạn đều là nhà Hán học, nghiên cứu Hán học, Hán học thật sự có thể làm đến được như Thang Ân Tỷ nói chăng? Có thể giải quyết được vấn đề chăng?

Tất cả sinh viên và các vị giáo thọ đều nhìn tôi cười, không trả lời! Tôi hỏi:

– Thang Ân Tỷ nói sai ư?

Họ cũng không nói gì! Sau cùng tôi nêu nhận xét của tôi:

– Thang Ân Tỷ không nói sai! Có thể rất nhiều người trong chúng ta ngộ nhận lời nói của Thang Ân Tỷ. Vì sao?

–  Nói đến học Nho, học thuyết Khổng Mạnh, bạn lập tức liên tưởng đến “Tứ Thư Ngũ Kinh”, “Thập Tam Kinh” có phải như vậy chăng?

– Quả đúng như vậy!

– Nói đến “Phật pháp Đại Thừa” nhất định bạn nghĩ đến Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Bát Nhã..v.v… Những kinh điển này ( bạn đều đã nghiên cứu), có thể giúp thế giới này giải quyết xung đột chăng?

Quả thật không ai còn nói gì!

– Sao tôi lại nói lời của Thang Ân Tỷ không sai?

– Lời của Thang Ân Tỷ khiến bạn liền nghĩ ngay đến những đại kinh, đại Luận trong Phật giáo. Những đại Kinh, đại Luận là gì? Là hoa quả trong Phật pháp! Bạn chỉ thấy được phần này!

– Hoa quả từ đâu mà có?

– Từ rễ mà sinh ra! Hoa quả này nếu không có rễ nó sẽ chết!

– Rễ là gì?

– Rễ của Nho giáo là “Đệ Tử Qui”. Rễ của Đạo Giáo là “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”. Rễ của Phật giáo là Kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo”. Gốc rễ này là giáo dục phổ thế, giáo dục cắm rễ; nếu phổ biến nó, xung đột liền được hóa giải, an định hòa bình liền xuất hiện. Từ đó, “Tứ Thư Ngũ Kinh”, “Thập Tam Kinh” dần dần nâng cao, khai hoa kết trái. “Nho-Thích-Đạo” thành tựu huy hoàng đều nhờ “Giới”. Nếu không bắt đầu từ đây, những gì bạn nghiên cứu được đều là “tri thức”! Từ “Giới-Định-Tuệ” mà nâng cao, đó mới là “trí tuệ”. Không giống nhau! Nên tôi khuyên học sinh phải nỗ lực thực hành được ba nền tảng của “Nho-Thích-Đạo”. Tương lai thành tựu của họ sẽ là:

– Nếu học Nho sẽ thành Thánh, thành Hiền.

– Nếu học Đạo sẽ thành Thần, thành Tiên.

– Nếu học Phật sẽ thành Bồ Tát, thành Phật.

Thật sự là có thành tựu! Nếu không nương theo con đường “Giới-Định-Tuệ”, mà theo phương pháp hiện nay của các bạn, tối đa chỉ đào tạo nhân vật được người đời xưng tụng là nhà Phật học, nhà Hán học, nhà Đạo học mà thôi! Bạn có thể nói rất hay, trước tác  rất nhiều nhưng suốt đời không được an lạc, vẫn sống trong thế giới phiền não, thống khổ!

Thế mới biết những gì Thánh Hiền để lại không hề lạc hậu, cổ hủ. Nếu cho rằng họ lạc hậu, cổ hủ, bạn đã bị mắc lừa! Những gì họ để lại là chân lý, vĩnh viễn bất biến! Vì sao? Vì đó là trí tuệ không hề thay đổi; tri thức mới thường thay đổi, biến hóa. Ba nhà “Nho-Thích- Đạo” là trí tuệ không phải là tri thức. Ba nhà đều hạ thủ từ “Giới – Định -Tuệ”, đều chú trọng đến ngộ tánh, đến khai ngộ, đây là điều không thể không biết. Như trong Kinh Niết Bàn phía trước có nói: “Thừa Giới Tuệ túc” (dùng chân Giới Tuệ) mới có thể được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Tịnh Ảnh Sớ cũng giảng tương tự: “Ngài Long Thọ nói: Giới, Không Tuệ v.v… được gọi là Hạnh. Đầy đủ trọn vẹn hai thứ ấy (chỉ Giới và Không Tuệ) thì gọi là Túc”.

Sách Hội Sớ giảng hơi khác: “Hạnh Túc là thân, khẩu, ý nghiệp chân chánh, thanh khiết. Dùng nguyện lực của chính mình để khéo tu trọn vẹn hết thảy các hạnh nên hiệu là Minh Hạnh Túc”.

Hòa Thượng Tịnh Không cho rằng ý của sách Hội Sớ tuy không giống lắm với những chú giải ở trước, nhưng cũng rất có lý, và rõ ràng, dễ hiểu: “Hạnh Túc là thân-khẩu-ý nghiệp chân thật thanh khiết,” điều này cũng nói lên nguyên tắc tu hành cao nhất chính là “thiện hộ tam nghiệp” như trong phẩm thứ tám của Kinh Vô Lượng Thọ nói.