Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VII. ĐẠI GIÁO DUYÊN KHỞI ĐỆ TAM
(TT)

6. Giải Tự Tại

Bồ Tát thành tựu kiến giải thù thắng, thị hiện các thứ sắc thân, diễn thuyết diệu pháp không chướng không ngại”. “Giải” là đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh , chân thật thấu hiểu, lý giải, đây gọi là “ giải tự tại”. Chỉ có chân thật lý giải mới có thể giảng nói “vi diệu pháp”.

Năm xưa, Thế Tôn ở đời giảng kinh nói pháp, ngài không có chuẩn bị, nhưng bất cứ sự kiện, vấn đề gì người khác nêu ra ngài liền giải đáp rất thỏa đáng, rất rõ ràng minh bạch, hoàn toàn không có chướng ngại, đây là “giải tự tại”. “Giải tự tại” biểu hiện trên việc dạy học, đương nhiên phải bắt đầu từ tu hành của bản thân. “Tu hành” là thuật ngữ trong nhà Phật, “hành” là hành vi; hành vi chúng ta sai lầm đem nó tu sửa lại gọi là tu hành.

Người hiện tại, nói đến tu hành chỉ biết lạy Phật, thắp hương, cúi đầu. Đấy chỉ là hình thức không liên quan gì đến tu hành.

– Vì sao phải đốt hương? Vì sao phải cúi đầu?

– Họ không hiểu ý nghĩa! Cho rằng người khác làm, tôi cũng làm theo! Sai rồi! Nhất định phải hiểu cho rõ ràng thấu đáo. Lễ bái không phải để cầu xin Phật, Bồ Tát gia hộ. Tượng xi măng, gỗ, sắt, làm sao gia hộ bạn! Đây là biểu thị bạn tôn sư trọng đạo. Phật, Bồ Tát là thầy dẫn đường cho bạn, gặp hình tượng thầy bạn phải tỏ thái độ cung kính, tôn trọng. Huống chi là đối với cha mẹ bạn, lại có thể không cung kính được sao?! Đây là khởi được tác dụng này.

Muốn “giải tự tại”, bạn phải thật sự là người có tu dưỡng, có đạo đức. Có công phu thực tập những lời Phật dạy trong kinh, bạn mới có thể “tri hành hợp nhất”, như lý, như pháp trong tất cả mọi tình huống. Có “giải tự tại” bạn mới có thể vì tất cả chúng sinh mà “ứng cơ nói pháp”.

Cho nên, học giảng kinh, bước đầu đương nhiên bạn chưa vào được cảnh giới vì trí tuệ chưa khai mở, muốn giảng kinh bạn phải chuẩn bị rất vất vã. Khi vào được cảnh giới, bạn giảng kinh không cần phải chuẩn bị. Nói không chuẩn bị cũng không thể không chuẩn bị. Phương pháp chuẩn bị ra sao? Chính là niệm Phật! Tâm cùng tâm Phật tương ưng; nguyện cùng nguyện Phật tương ưng; đức cùng đức Phật tương ưng, hạnh cùng hạnh Phật tương ưng. Tất cả đều tương ưng với tâm hành của Phật. Đây là cách chuẩn bị. Chuẩn bị này giúp bạn nâng cao cảnh giới, đạt đến ngôn ngữ tự tại, tất cả lưu xuất đều tương ưng với tự tánh nên không cần phải chuẩn bị.

Nếu vẫn không chuyển đổi được cảnh giới, công tác chuẩn bị của bạn có làm cũng không xong! Bạn cần phải hiểu phương pháp, phương pháp chính là chân thật “y giáo phụng hành”, tôi nghĩ nhiều nhất là mười năm thì bạn có thể cừ khôi rồi. Sau mười năm mà còn chuẩn bị kinh giáo, chứng tỏ bạn không có tu hành! Bạn có tu hành thì hà tất phải chuẩn bị?! Bạn có tu hành, lúc mở kinh ra tất cả đều là tâm hành của bạn thì làm gì có chuyện không thể không nói được chứ! Tương ưng ở mọi lúc, việc này thông thường chúng ta gọi là “Tứ vô ngại biện tài”; “Vô ngại biện tài” đều do đây mà có, đều từ đức năng vốn đủ của tự tánh.

Nên biết, thâm nhập kinh tạng, niềm vui đó không gì sánh bằng. Chưa vào cảnh giới thì bạn không biết, nhưng sau khi vào được, bạn muốn bỏ cũng không được! Thế gian đọc kinh là vui nhất. Một ngày không đọc kinh, ngày đó buồn vô hạn! Cho nên, đọc sách nếu nếm được ý vị của cổ nhân, bạn mới thật sự được thâm nhập, bằng không cái mà bạn có được chỉ là kiến thức, thường thức ngoài da! Lại nữa, khi bạn chân thật thọ dụng, chân thật hiểu rồi thì mỗi câu, mỗi chữ đều là vô lượng nghĩa, nói không cùng, hưởng không hết, nên gọi là “giải tự tại”.

Thị hiện các thứ sắc thân”, “các thứ sắc thân” này, chúng ta nói phương tiện một chút, tức là trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào đều có thể thị hiện thong dong, vui vẻ, được đại tự tại. “Diễn thuyết diệu pháp”; “diễn” là biểu diễn, làm ra; “thuyết” là giải thích cho người khác không có chướng ngại.

7. Nguyện Tự Tại

“Bồ Tát tùy lòng mong muốn, ở trong các cõi, ứng thời xuất hiện thành Đẳng Chánh Giác không chướng, không ngại”: Trong nhà Phật nói là “nguyện”, cổ nhân trung Quốc nói là “chí”; cho nên “chí nguyện” thường đi liền với nhau. Nhà Nho dạy người lập chí, Phật dạy người phát nguyện, cùng một ý nghĩa.

Người lập chí phải là người tốt, có tâm tốt, nói lời tốt, làm việc tốt, vậy thì rất an vui. Người tốt không nhất định phải phú quý, có địa vị cao, mà thật sự trong tâm họ chỉ có đại đạo Thánh Hiền. Hiểu được đạo lý Thánh Hiền, trong đời này chắc chắn họ sẽ không sống uổng phí, họ sẽ tu vô lượng vô biên phước báo. Chỉ cần không nghĩ đến lợi ích cá nhân mà chỉ nghĩ đến mọi người, đây là điều kiện tiên quyết để bạn thành Thánh, thánh Hiền.

Trong Kinh giáo Đại Thừa nói ra chân tướng sự thật: “Toàn thể vũ trụ với ta là một thể”. Trong Đạo Đức Kinh, Lão tử cũng nói: “Thiên địa dữ ngã đồng căn, vạn vật dữ ngã nhất thể”, hoàn toàn giống như Kinh Hoa Nghiêm. Thấu rõ đạo lý này mới có thể buông bỏ được tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm mới vì tất cả chúng sinh khổ nạn. Đấy là tương ưng với tâm Phật, Bồ Tát; cùng với chư Phật, Bồ Tát đồng tâm, đồng đức, đồng hạnh, đồng nguyện, đó là “nguyện tự tại”.

Mặt khác, “hữu cầu tất ứng”, cái nguyện này mới tự tại. Nếu cầu mà không được thì không tự tại.

Tôi nhớ khi bắt đầu học Phật, tôi thân cận Đại Sư Chương Gia, Đại sư dạy tôi như vậy. Ông nói “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, tôi nghe rồi rất hoan hỉ. Sau đó ngài lại nói: Có lúc chú cầu nhưng không được cảm ứng là do nguyên nhân gì? Vì chú có nghiệp chướng! Cần phải tìm cho ra được nghiệp chướng của mình để tiêu trừ thì cảm ứng mới hiện tiền. Mấy câu nói này của Đại sư Chương Gia giúp tôi trong đời này có được đại thọ dụng. Hơn bốn mươi năm đến nay rất có hiệu quả. Cho nên, tôi tin tưởng sâu sắc, không hoài nghi.

Rất nhiều người niệm Phật, học Phật nhưng không tin tưởng đối với Phật, Bồ Tát, cho rằng làm gì có việc “hữu cầu tất ứng”, làm gì đơn giản đến như vậy! Cho nên, họ có mong cầu cũng không được cảm ứng! Họ không biết được cái mong cầu của họ phải như lý, như pháp thì cầu mới “tất ứng”.

Phật pháp là con mắt của trời, người. Nếu bạn vì tất cả chúng sinh mà mong cầu, sự mong cầu này là chuẩn xác. Nếu bạn có ý niệm riêng tư thì không có cảm ứng. Rất nhiều đồng tu đến đây (Singapore) tham học, nhiều vị yêu cầu tôi nhín chút thời gian đến nơi họ giảng kinh.

– Có cảm ứng hay không?

– Không có cảm ứng!

– Do nguyên nhân gì?

– Họ vì tâm riêng tư, vì đạo tràng nhỏ của họ nên không được cảm ứng!

Ngày trước, bạn đến tìm tôi, tôi lập tức đáp ứng, qua vài ngày thì đi rồi, bay nhảy bôn ba khắp nơi, do nguyên nhân không có đạo tràng để tôi giảng kinh, đành phải đến khắp nơi kết pháp duyên, cũng là việc tốt. Hiện tại, có đạo tràng nơi đây giảng kinh nếu chạy lung tung nữa thì đặc biệt sai lầm! Cho nên, khi chưa có đạo tràng thì được, có thể đi lại nhiều nơi. Đây là đối với người mới học Phật thì được, vì sơ học phải rộng kết pháp duyên.

Pháp duyên của tôi rất thù thắng, chính là đã bôn ba mấy mươi năm khắp nơi để kết pháp duyên với mọi người. Hiện tại có đạo tràng phải cố gắng nghiêm túc giảng một bộ kinh. Mọi người yêu cầu tôi giảng Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Hoa Nghiêm quá dài! Tiến đồ giảng kinh hiện tại, hai giờ đồng hồ mỗi ngày, chỉ giảng được hai, ba câu. Một bộ kinh lớn như vậy, tôi vốn dĩ dự tính giảng năm năm thì xong. Hiện tại, e rằng mười lăm năm cũng chưa giảng xong! Hỏi qua mọi người, họ đều thích cách giảng này, vậy thì không còn cách nào! Hy vọng mọi người chúng ta đều là vô lượng thọ, tuần tự giảng cho xong bộ kinh này, đây là “nguyện tự tại”, có nguyện ắt có thành.

8. Thần Lực Tự Tại

“Bồ Tát thần thông quảng đại oai lực khó lường, trong các thế giới thị hiện biến hóa không chướng, không ngại”: “Thần” là thần thông, thần kỳ, siêu việt ngoài sức hiểu biết của con người. Loại năng lực này là Định công, đòi hỏi phải có sự tu chứng, có công phu tu hành khai mở trí tuệ, kế đến phải học rộng nghe nhiều, phải thường tiếp xúc với tất cả người và sự vật mới có thể hiểu biết và có năng lực ứng phó.

– Thần thông này phát xuất từ đâu?

– Ngay nơi sáu căn! Đó là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, túc mạng thông và lậu tận thông.

Túc mạng thông” là năng lực biết được đời quá khứ, như A-la-hán có thể biết được năm trăm đời quá khứ; quá năm trăm đời họ không biết được. “Sơ quả”, thần thông chưa phát hiện. Đến “Nhị quả” có “túc mạng thông” nhưng chỉ biết được vài mươi đời quá khứ. Ở đây nói “thị hiện biến hoá”, có lẽ là “Thần Túc Thông”. “Thần túc thông” là từ tam quả A-Na-hàm trở lên mới có năng lực này. Tất cả thần thông nêu trên đều là bản năng tự tánh vốn có của chúng ta. Hiện tại, bản năng vốn có này không khởi tác dụng do tập khí vô minh, phiền não che lấp! Chính mình phải có tâm hổ thẹn, hy vọng có thể khôi phục lại nhanh chóng.

– Bằng cách nào?

– Buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vô minh phiền não, trần sa phiền não, kiến tư phiền não thì có thể khôi phục.

9. Pháp Tự Tại

Bồ Tát đắc đại biện tài, trong các pháp diễn thuyết rộng rãi vô biên pháp môn một cách không chướng không ngại”: Đây là nói Bồ Tát đã kiến tánh nên trí tuệ đức năng trong tự tánh đều hiện tiền, như trong kinh nói “lý sự vô ngại”, “sự sự vô ngại”. Đối với chư pháp, bất luận là pháp thế gian hay xuất thế gian họ đều thông đạt không có chướng ngại.

10. Trí Tự Tại

Bồ Tát trí tuệ đầy đủ, trong một niệm hiện ra thập lực vô úy của Như Lai thành Đẳng Chánh Giác không chướng không ngại”.

– Trí tuệ của Bồ Tát do đâu mà có?

– Từ tu “Giới-Định-Tuệ” mà có!

Cho nên, học Phật không thể không trì giới.

– Trì giới phải bắt đầu từ đâu?

– Từ “Đệ tử qui”, “Cảm ứng thiên”, “Thập thiện nghiệp”. Ba rễ “Nho-Thích-Đạo” này là căn bản. Nếu không dùng Nho và Đạo, phải dùng kinh Tiểu thừa. Kinh Tiểu thừa thì rất nhiều, Nho và Đạo đơn giản hơn. “Đệ tử qui” của nhà Nho tổng cộng chỉ có một ngàn tám mươi chữ. Đạo gia nói “cảm ứng thiên”, tổng cộng chỉ có một trăm chín mươi lăm sự việc, không nhiều. Dùng Nho và Đạo làm cơ sở tu “Thập thiện nghiệp đạo” thì không khó nữa. Sau đó vào cửa Phật thọ trì “Tam qui, ngũ giới”, “Sa Di luật nghi” sẽ vô cùng dễ dàng.

Thế Tôn trong “Phật Tạng Kinh” có câu khai thị rất quan trọng: “Phật tử không học Tiểu thừa trước, sau đó học Đại thừa thì không phải là Phật tử”. Chúng ta không phải là hàng thượng thượng căn, phải giữ qui củ, học tập từ cạn đến sâu, từ dễ đến khó, tuần tự như tiến. “Đệ tử qui” là giáo dục của luân lý đạo đức, là căn bản của căn bản; “Cảm ứng thiên” là giáo dục về nhân quả rất vô cùng quan trọng. Ấn Quang Đại sư một đời đã toàn tâm toàn lực đề xướng khuyên chúng ta phải chuyên tâm học tập, bắt đầu từ ba gốc rễ này. Không có cơ sở này, tu “Thập thiện nghiệp” rất khó mà thực dụng.

Trí tuệ Bồ Tát có được là từ “Giới-Định-Tuệ”. “Tuệ” này là từ “Định” mà có, tức là trí tuệ trong tự tánh sẵn có, không phải từ bên ngoài. Từ bên ngoài mà học được là tri thức không phải trí tuệ. Quảng học đa văn là tri thức; từ “Giới-Định-Tuệ” tu được mới là trí tuệ. Có trí tuệ mới có thể trong một niệm (một niệm này là Bồ Tát Di Lặc nói: Trong một khảy móng tay có ba mươi hai ức, một trăm ngàn niệm), “năng hiện Như Lai chi thập lực vô úy, thành Đẳng Chánh Giác” (năng hiện ra mười lực vô úy của Như Lai thành Đẳng Chánh Giác). “Thập lực vô úy” là “đức”, “thành Đẳng Chánh Giác” là “tướng”. Chúng sinh trong khu vực này duyên đã thuần thục, cần dùng thân Phật để độ, Bồ Tát liền hiện thân Phật với ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp để giáo hóa đều không có chướng ngại.

Tối thắng tự tại” ở đây là như Kinh Pháp Hoa nói: “Ngã vi Pháp vương, ư pháp tự tại” (Ta là Pháp vương, tự tại trong các pháp). Tất cả pháp thế, xuất thế gian đều thông đạt rõ ràng, đây gọi là tự tại. Nếu có vấn đề người khác hỏi mà bạn không biết, đó tức là bạn chưa tự tại, bạn bị người khác hỏi cho bí rồi! Đức Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh nói pháp suốt bốn mươi chín năm, đích thực chưa bao giờ bị người khác hỏi cho bí. Vấn đề dù hi hữu, cổ quái thế nào, vừa nêu ra, Phật liền giải đáp rất tường tận khiến họ không thể không khâm phục ngài. Đây là trí tuệ chân thật, là Nhất Thiết Trí, vì vậy có thể viên mãn mười tự tại của Hoa Nghiêm một cách rốt ráo nên bảo là “tối thắng”.

Tối thắng tự tại” chỉ có Pháp Thân Bồ Tát minh tâm kiến tánh mới được. Người chưa kiến tánh có thể cũng có tự tại nhưng không phải là “tối thắng tự tại”, vì đích thật có một số vấn đề họ vẫn không thể giải đáp.

A Nan đế thính”: Phật bảo A Nan “đế thính” là chú ý lắng nghe cho kỹ. Thiện tư niệm chilà khéo tự suy nghĩ nghĩa lý được nghe. Chữ “tư niệm” là dùng ý thức, thêm vào chữ “thiện” tức “thiện tư niệm” thì không dùng ý thức. Do vậy mà “thiện tư niệm chi” ở đây chính là không dùng tâm ý thức mà thể hội thì mới có chỗ ngộ. Nghiêm khắc mà nói: Người không biết nghe thì “tư niệm chi”; người biết nghe thì “thiện tư niệm chi”, khác biệt rất lớn. Chúng ta phải đặc biệt lưu ý.

Cuối cùng Phật bảo: Ngô đương vị nhữ, phân biệt giải thuyết(Ta sẽ vì ông, phân biệt giải nói).

Đến đây phần “Biệt Tự” đã hết.

Biệt Tự” còn gọi là “Phát Khởi Tự” vì nó dẫn phát chánh văn của toàn bộ kinh. Hiện tại do A Nan phát ra câu hỏi, Thế Tôn hứa nói, diễn giảng pháp môn Tịnh Độ là phương tiện rốt ráo, cực viên, cực đốn, thù thắng này. Bởi đây là pháp “siêu tình ly kiến” chẳng thể nghĩ bàn, chúng sinh tình chấp sâu nặng rất khó tin được, nên trong phần phát khởi, thâm nhập chứng tín, tổng cộng có đến năm tầng (ngũ trùng):

– Thứ nhất: Thế Tôn phóng quang, hiện tướng lành để chứng tín, tăng cường tín tâm cho chúng

– Thứ hai: A Nan hoan hỉ thưa hỏi. Lời hỏi của A-Nan có hai nghĩa trọng yếu:

– Một là, A Nan thấy Phật phóng quang minh hi hữu, biết Phật đang trụ trong pháp kỳ đặc, hạnh đạo sư tối thắng. Những pháp ấy, hạnh ấy, đạo ấy ắt được chư Phật nghĩ đến, chớ không phải là pháp nào khác. Điều chư Phật nghĩ đến chính là pháp môn Niệm Phật thù thắng không gì sánh bằng, tất cả mười phương chư Phật đều đến hộ trì.

– Hai là, A Nan do đâu có thể hỏi được câu diệu nghĩa ấy? Chính là chỉ rõ A Nan vốn là vị đại Bồ Tát đức tuân Phổ Hiền, từ quả hướng nhân, ngài đến để thị hiện.

Thứ ba: trùng chứng tín”; “trùng” là lặp lại, rồi chứng tín, tức là Thế Tôn lần nữa khen ngợi công đức lời hỏi của A Nan thật khó thể nghĩ bàn. Phật nói: Hết thảy hàm linh trong tương lai đều do nơi lời hỏi này mà được độ thoát. Thực tế, nếu A Nan không hỏi, Phật cũng có thể tự mình nói ra như Kinh A Di Đà là kinh “vô vấn tự thuyết” không ai hỏi mà Phật tự thuyết.

– Vì sao kinh này phải khiến A Nan hỏi?

– Đây chỉ là thị hiện! Ngầm bảo công đức thỉnh pháp thật không thể nghĩ bàn. Người thỉnh pháp phải là người thông thạo, am hiểu mới biết thỉnh pháp.

Tóm lại, chỉ một lời nói của Phật “tất cả hàm linh trong tương lai, do lời hỏi này mà được độ thoát” đã phô trọn chánh nhân hưng khởi “pháp môn Tịnh Độ”, nên phẩm này có tên là “Đại giáo Duyên Khởi”.

– Thứ tư: thâm nhập chứng tín”, Phật bảo A Nan: “Như Lai sở dĩ xuất hiện trong đời chỉ muốn cứu vớt quần manh, ban cho lợi ích chân thật”. Lợi ích chân thật đó là gì? Chính là “sáu chữ hồng danh Di-Đà nguyện hải”. Chính nhờ lời hỏi của A Nan mà Phật khai thị diệu pháp khó gặp này. Tương lai hết thảy chúng sinh, cũng nhân lời hỏi này của A Nan mà được độ thoát, độ thoát ở đây chính là chứng quả.

– Thứ năm: Thế Tôn biết rõ, đây quả thật là pháp mà hết thảy thế gian khó thể tin nổi, nên khuyên chúng sinh: Giác trí Định Tuệ của Như Lai rất khó lường, thần thông vô ngại, thông suốt rốt ráo, tự tại nơi pháp, lời của Thế Tôn chân thật chẳng dối, muôn vàn chớ có khinh nghi mà chỉ nên tín ngưỡng.

Do những điều trên, ta thấy được rằng “Tự phần” của kinh đều là chứng tín. Ngẫu Ích Đại Sư chỉ ra tông của Tiểu bổn kinh này là “tín, nguyện, trì danh”. Ba thứ tư lương này nếu thiếu một chẳng được, nhưng lấy “tín” làm đầu, đủ thấy sự trọng yếu của “tín”. Trong “Tự phần”, trước hết nói đến cái gốc của kinh này là “Chân Thật Tế”, pháp này đáng tin, diệu dụng của kinh này rộng ban cho chúng sinh cái lợi chân thật, nên cần phải tin.

– “Chân Thật Tế” là gì?

– Là từ trong tự tánh mà lưu xuất ra. Như Liên Trì Đại sư trong “Sớ Sao” đã dạy: “Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng, chẳng trược, chẳng thanh, không lui, không tới. Lớn thay chân thể, chẳng thể nghĩ bàn được, chỉ có mỗi tự tánh (mới được như thế mà thôi)”. Vì vậy, “Chân Thật Tế” chính là tự tánh của đương nhân.

– “Cái lợi chân thật” là gì?

– Sớ Sao nói: “Lắng nhơ trược thành thanh tịnh, quay lưng (bỏ cõi Sa Bà), hướng về (Tịnh Độ), siêu việt ba A -tăng-kỳ trong một niệm, ngang với chư Thánh trong một lời. Diệu dụng cùng cực thay, cũng chẳng thể nghĩ bàn nổi. Chỉ là Phật thuyết A Di Đà kinh mà thôi!”.

Chúng ta ở đây là ngũ trược ác thế. “Trược” là ô nhiễm nghiêm trọng: Tinh thần ô nhiễm, cuộc sống vật chất ô nhiễm. Nghiêm trọng nhất là tự tư tự lợi, thị phi nhân ngã, tham, sân, si, mạn.

– Làm thế nào để gạn lọc ô nhiễm?

– “Gạn đục khơi trong, phản bối nhi hướng” (Lắng nhơ trược thành thanh tịnh, quay lưng hướng về). Chữ “bối” ngày nay chúng ta nói là khởi tâm động niệm, nói năng hành động trái với tự tánh. Hiện tại phải “phản bối nhi hướng”, quay đầu lại hướng đến tự tánh, hướng đến tánh đức. Hai câu này chính là điều mà hiện nay các nhà khoa học nhắc nhở chúng ta: Thay đổi tâm thái là chúng ta được cứu! Vì sao? Y báo, chánh báo trang nghiêm đều từ tâm thái biến hiện

Ba ngàn năm trước, đức Phật nói: “Tâm hiện thức biến”, “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”, nay đã được các nhà lượng tử học chứng minh rồi, là thật không phải giả! Cho nên, quay đầu lại phải từ bản thân, không ai có thể giúp ta được. Pháp môn Tịnh Độ dạy “gạn đục khơi trong”, trở về với tự tánh, chính là một câu A Di Đà Phật. Trong tâm bất luận là niệm thiện hay niệm ác đều không nên quản, lập tức quay trở lại với A Di Đà Phật, tất cả đều qui về A Di Đà Phật. Vậy là bạn đã thật sự quay đầu, liền được tâm thanh tịnh, liền hướng về đạo Bồ Đề. Đây chính là cái lợi chân thật. Do diệu dụng chân thật như thế nên: “Việt tam kỳ ư nhất niệm” (Siêu việt ba A-tăng-kỳ trong một niệm):

Tam kỳ” là ba đại A-tăng kỳ kiếp. Ở đây ý nói phàm phu tu hành đến khi thành Phật rất khó, phải trải qua thời gian rất dài. Nhưng, nếu gặp được pháp môn Tịnh Độ thì không còn khó nữa, một niệm liền vượt qua ba A-tăng-kỳ kiếp một cách rất nhanh chóng! Lúc lâm chung gặp được thiện tri thức khuyên nhắc niệm Phật, họ liền nhanh chóng niệm Phật A Di Đà cầu sinh thế giới Cực Lạc. Họ đã thật tin, thật làm, thật niệm, họ đã thành công. Đấy là pháp khó tin!

“Ngang với chư Thánh”: “Chư Thánh” ở đây chính là bốn muơi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ; chúng ta thường nói: Thần thông đạo lực, trí tuệ của người vãng sinh thế giới Cực Lạc, mỗi mỗi đều bình đẳng; điều này thật hi hữu, thật rất khó gặp! Cho nên, những thứ tạp nhạp của thế gian đều nên quét sạch không để lây nhiễm, thứ nên xả thì phải xả, thứ không nên xả cũng phải xả, chỉ giữ chặt câu A Di Đà Phật thì không ai mà không thành tựu.

Kinh A Di Đà chính là tiểu bổn của kinh Vô Lượng Thọ. Nên biết: “Diệu dụng đến cùng cực chỉ là Kinh Vô Lượng Thọ này thôi!” Tông của kinh này là “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. “Phát tâm Bồ Đề” bao hàm trọn vẹn “tín, nguyện”. “Nhất hướng chuyên niệm” chính là “trì danh”.

Năm xưa, lúc tôi đến Đài Loan, “Liên xã Đài Trung” có khoảng trên hai trăm ngàn người. Sau mười năm, khi tôi rời Đài Loan, số lượng liên hữu lên đến khoảng năm trăm ngàn người. Đây là một đoàn thể rất lớn ở Đài Loan, do đức hạnh của thầy Lý mà chiêu cảm được. Trong số này có khoảng hai mươi phần trăm là người trẻ tuổi. Nếu hỏi họ thế nào là “Bồ Đề tâm”, họ không hiểu rõ ràng. Nhưng, họ vãng sinh: Đứng mà đi, ngồi mà đi, biết trước giờ đi. Đối chiếu với kinh này là “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”; “nhất hướng” thì chúng ta thấy rồi, họ từ sớm đến tối chỉ một câu A Di Đà Phật, tất cả mọi thứ khác đều không nghĩ đến.

Trong “Yếu Giải” của Ngẫu Ích Đại Sư nói: “Chân tín thiết nguyện chính là phát Bồ Đề tâm vô thượng”. Ấn Quang Đại Sư vô cùng tán thán câu nói này của Ngẫu Ích Đại Sư, từ trước đến nay chưa từng có ai nói qua, ngài đã nói ra được sự việc này khiến chúng ta hiểu rõ, dễ dàng tiếp thu không còn hoài nghi.

Hai bổn Đại, Tiểu có cùng một cương tông, đây thật sự là “diệu pháp”; Diệu Pháp Liên Hoa Kinh kể cả Kinh Hoa Nghiêm cũng không thể sánh bằng, đây là từ trên tác dụng mà nói. Kinh thể là bình đẳng, tất cả kinh đều không rời tự tánh, đều do đức Thích Ca Mâu Ni Phật từ trong tự tánh mà lưu xuất ra, nhưng tác dụng thì khác nhau. Tác dụng mỗi bộ kinh đều không tương đồng. Hơn nữa, tác dụng của bộ kinh này mới thật là Đại viên mãn: “Tam Bối tề thu” khiến cho phàm phu chóng cùng được “Bổ Xứ”.

“Tam Bối” là nói về căn tánh của chúng sinh: Thượng căn, trung căn, hạ căn đều có phần; thượng thượng căn được lợi ích, hạ hạ căn cũng được lợi ích. Chỉ cần bạn tin tưởng, chân thật muốn sinh đến thế giới Cực Lạc, được thân cận Phật A Di Đà; cái “tin tưởng” này chính là “Nguyện”. Kế đến là “Nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật” thì nhất định vãng sinh. Chúng ta may mắn được nghe, thật đúng như cư sĩ Bành Tế Thanh, thời đại Càn Long nói: “Vô lượng kiếp đến nay hiếm có khó gặp được ngày này”.