MẤY ĐIỆU SEN THANH
Sưu tập: Cư sĩ Bành Tế Thanh & Hy Tốc 
Việt dịch: Hòa thượng Thích thượng Thiền hạ Tâm
PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ MẬT TỊNH ĐẠO TRÀNG

 

TẬP II
PHẦN BA
TỨ CHÚNG VÃNG SANH
(Tiếp Theo)

THƯỜNG TRÍ

Thường Trí Pháp sư tự Văn Huệ, người ở huyện Thuật Dương, phủ Hoài An. Lúc bé ngài rất thích lễ bái đức Quán Thế Âm. Lớn lên vào chùa Văn Tư xuất gia, không bao lâu được thọ đại giới.

Một hôm pháp sư tùy chúng tụng kinh, đến câu: “Y bái nhã ba la mật đa cố tâm vô quái ngại”, sự kết đọng nơi lòng bỗng nhiên tiêu tan, tâm lặng lẽ trong sáng. Từ đó ngài vượt suối trèo non đi tham phỏng bậc tri thức khắp các nơi danh sát. Sau pháp sư trở về chuyên tu tịnh nghiệp, giữ giới hạnh rất tinh nghiêm. Gặp người có lỗi, ngài ôn tồn khuyên dạy, nếu kẻ nào tỏ vẻ bất kính, cũng uyển chuyển chiết trừ, không hề có sắc giận. Pháp sư từng cùng các bạn đồng chí kết liên xã sám hối niệm Phật. Tự biết ngày giờ lâm chung trước vài tháng, pháp sư dự báo khắp các liên hữu hay tin.

Đến kỳ hạn, ngài dạy nấu nước cho mình tắm gội, xong họp chúng lễ Phật, rồi ngồi kiết già mà hóa sanh. Lúc trà tỳ, một đóa hoa sen sắc tím lớn như cái đấu, từ trong ánh lửa bay lên. Trên hoa sen, ẩn trong vòng ánh sáng rực rỡ, có một vị ngồi kiết già trạng mạo như pháp sư. Hình tướng nầy trụ trên ngọn lửa rất lâu mới tan, mọi người đều trông thấy.

LỜI BÌNH:  

Người xưa từng nói: “Thầy lành không chi hơn đức Di Đà, bạn tốt có ai bằng hàng Bổ xứ?” Hàng Sa môn đời sau không biết ý tứ nầy, thường xem rẻ Tịnh độ, cho là trước tướng Bồ đề. Nếu chẳng phải bậc kiếp trước đã giẹo sẵn tuệ căn, suốt thông đại đạo, tất khó tránh khỏi bị họ làm cho chuyển lay lầm lạc. Thường Trí pháp sư đi tham phỏng bậc tri thức khắp các danh lam, rồi kết cuộc cũng trở về với môn Niệm Phật, đủ chứng minh lời nói và kinh nghiệm cổ nhơn là đúng.


BẢN ẤN

Tỳ kheo ni Bản Ấn, tự Tòng Kỳ, người ờ Ngô huyện. Thuờ bé cô hay đau bịnh, nhân phát nguyện xuất gia. Đến năm hai mươi lăm tuổi, cha mẹ đưa vào am Viên Thông ở trong thành cho xuống tóc, không bao lâu được thọ giới Cụ túc.

Sau khi ấy, Sư cô mua vài căn nhà sửa lại làm am, đặt tên là Quán Huyễn, để tiện bề niệm Phật tịnh tu. Bản Ấn giữ giới hạnh trong sạch, thích tu phước nghiệp, thường đến các danh lam cúng Phật trai tăng, đem công đức hồi hướng về Tịnh độ. Tháng tám năm Càn Long thứ 45, Sư cô từ núi Cửu Hoa trở về, kiết kỳ lễ Đại Bi Sám. Được hơn vài thất, bỗng cảm bịnh nhẹ, gọi đồ đệ bảo: “Sanh duyên của ta sắp mãn chăng?” Rồi dứt sám hối chuyên niệm Phật. Đến sơ tuần tháng mười, Sư cô nằm bịnh bảy ngày, nghiêng mình hướng về Tây, niệm Phật không xen hở. Kế đó gọi hàng đệ tử lại dặn dò hậu sự, bảo đồng thanh tụnh kinh A Di Đà. Khi tụng đến lần thứ ba, Sư cô lặng lẽ mà vãng sanh.


TOẠI KHÂM

Tỳ kheo ni Toại Khâm tự Việt Thành, ngưội ở Vô Tích, xuất gia hồi chín tuổi. Lớn lên, cô gặp một Ni sư khuyến khích, mới trì niệm danh hiệu Phật. Cô chuyên giữ hạnh nầy, khi đi đứng nằm ngồi thường mật niệm không xen hở.

Tuổi trung niên, cô đến chủ trì am Bạch Y ở Nam Viên thành Tô Châu. Từ đó cô niệm Phật càng tha thiết. Cảnh chùa điện cũng lần lần được trùng tu trang nghiêm tốt đẹp. Đến tuổi năm mươi, Sư cô mới thọ giới Cụ túc. Sang tuổi năm mươi lăm, vào tháng ba, một đêm lúc gà gáy sáng, Sư cô gọi đồ đệ đến bảo: “Thầy sắp về Tây phương!” Hàng đệ tử thưa: “Thầy không đau bịnh chi, tại sao lại thốt ra lời ấy?” Rồi sa nước mắt thương khóc. Toại Khâm bảo: “Các con sao còn mê muội, khóc ta nào có ích chi? Hãy cố găng nhận chơn mà tu hành!” Nói xong ngồi ngay thẳng hướng về Tây, cùng hàng đệ tử đồng thanh xưng hiệu Phật. Khi cây hương vừa tàn, Sư cô cũng vừa thoát hóa.

Việc nầy ở vào niên hiệu Càn Long thứ năm mươi ba.


PHẬT KỲ

Tỳ kheo ni Phật Kỳ tự Kiến Lâm, người ở huyện Trường Châu. Từ thuở nhỏ cô đã không muốn lập gia đình. Đến tuổi thành niên, bà mẹ đem cô đến am Vũ Hoa, ở ngoài cửa Viên Môn, cho xuống tóc xuất gia.

Thọ Cụ túc không bao lâu, cô được Ni sư Đạo Kiên mời kế vị làm tọa chủ am Sùng Phật. Sư cô từng quyên mộ được một ngàn lượng vàng, tạo tượng Tây phương Tam Thánh bằng gỗ chiên đàn, cao tám thước. Mỗi năm tại am đều có kiết kỳ bảy ngày hợp chúng nữ tu tổ chức hội Niệm Phật. Sư cô thường đi khắp các danh sơn cúng Phật trai tăng, lại quyên tiền gạo cho chùa Thiên Ninh ở Thường Châu ba mươi mẫu ruộng. Lúc lớn tuổi, Phật Kỳ chuyên tu tịnh nghiệp. Trước ba ngày sắp lâm chung, Sư cô thấy Bô Tát hiện thân có hai đồng tử theo hầu. Chúng trong am đều nghe mùi thơm bát ngát, bảo là hương hoa cúc. Sư cô nói: “Không phải, đó là hương hoa sen xanh!” Vào ngày rằm tháng tám niên hiệu Càn Long thứ 56, Phật kỳ bảo cô thị giả đỡ mình ngồi dậy, rồi họp chúng đốt hương đồng xưng danh hiệu Phật. Khi niệm độ hai ngàn câu, liền ngồi im lặng mà thoát hóa.

Lúc ấy có Tỳ kheo ni Liên Phương ở tại bản am, mục kích việc vãng sanh của Phật Kỳ cũng ân cần chuyên niệm Phật. Hơn ba mươi tuổi, cô thường đau yếu, nhưng giữ niệm lực càng bền chắc không thôi nghỉ. Vào năm Gia Khánh thứ mười ba, Sư cô ngồi day mặt về Tây, an lành chắp tay niệm Phật mà vãng sanh.


LÃNG NHIÊN

Tỳ kheo ni Lãng Nhiên họ Trầm, quê ở Gia Thiện. Năm mười tám tuổi, thấy chị dâu bị khổ vì sản nạn, cô tự thệ không lập gia đình. Kế đó ít lâu, cô xin cha mẹ vào xuất gia ở am Tịnh Trì tại Đào trang.

Sau khi thọ đại giới, Sư cô chuyên tu Tịnh độ. Từ đó ngày đêm niệm Phật không biếng trễ, dù trải cảnh thuận nghịch khổ vui, đạo tâm chẳng hề lui sụt. Lúc tuổi già, vào đầu năm Gia Khánh thứ mười ba, Sư bà Lãng Nhiên bảo đệ tử là Phước Duyên rằng: “Trong ba tháng thầy đã ba lần mộng thấy mình đến ao báu ở Tây phương, ngồi kiết già nơi hoa sen. Như thế tất sự vãng sanh đã có duyên phần. Các con nên gắng chí niệm Phật, ngày kia ao thanh trăng hiện, chẳng uổng công phu. Dè dặt chớ để một đời luống qua vô ích!” Đến tháng ba, Sư bà niệm Phật liên tiếp năm ngày, rồi không bịnh ngồi an lành thoát hóa, thọ được bảy mươi mốt tuổi.


DIỆU THÀNH

Tỳ kheo ni Diệu Thành, con nhà họ Hà ở Cô Thành tại Hồ Châu. Cô sanh ra đã có huệ tánh, lúc bé dung mạo cử chỉ đềụ đoan trang, lời nói cũng khác với trẻ em cùng lứa tuổi. Gia thế vốn tin thờ Tam Bảo, mỗi khi cô thấy mẹ niệm Phật, liền chắp tay hòa xướng niệm theo.

Năm hai mươi mốt tuổi, cha mẹ ggả cho Vương Sanh, nhà cũng đồng xóm. Nhưng chưa được nửa năm, chồng mãn phần, lại phải cam cảnh góa bụa. Cha chồng cũng tin thờ Tam Bảo, hằng niệm Phật tụng kinh. Cô thấy gia cảnh nghèo, nên chuyên lo may dệt để phụng dưỡng cha mẹ chồng. Mỗi hôm sớm cô đều Khóa tụng kinh Hoa Nghiêm và niệm Phật. Như thế trải hơn mười năm, cha chồng xuất gia, kế tiếp mẹ chồng cũng qua đời. Lúc đó cô mới vào am Quảng Nghiêm ở cửa bắc thành Hồ Châu xuất gia làm ni.

Không bao lâu cô thọ giới Cụ túc, giữ luật hạnh rất nghiêm trang, càng chuyên chí tụng kinh niệm Phật. Cam phần đạm bạc, tuyệt ý lợi danh. Diệu Thành tu hành tinh tấn không thối chuyển. Niên hiệu Gia Khánh thứ mười chín, Sư cô cảm bịnh nhẹ, bảo thị giả rằng: “Duyên trần đã mãn, ba hôm nữa ta sẽ về cõi Cực Lạc ở phương Tây. Các con nên gắng sức tu trì, mai sau hoặc có ngày hội ngộ. Nên tinh tấn, chớ quên lời ta!” Đến kỳ hạn, Sư cô đang ngồi ngay thẳng niệm Phật, bỗng ngước mắt nhìn lên rồi bảo: “Đức A Di Đà Thế Tôn đã quang lâm tiếp dẫn, ta đi đây!” Nói xong nhắm mắt mà hóa, hưởng dương bốn mươi bảy tuổi.


ĐẠO CÀN

Tỳ kheo ni Đạo Càn, tự Thế Thiền, con nhà họ Trần ở Song Khê tại Gia Hòa. Năm mười bảy tuổi xuất gia vào La Am ở Tú Châu. Tánh cô ưa thanh vắng, thích tịnh cư một mình. Duyệt xem cơ duyên của cổ đức, cô phát chí hướng thượng, hôm sớm chuyên cần tham cứu câu thoại đầu.

Sau khi thọ giới Cụ túc, Sư cô đến chùa Quốc Thanh ở non Thiên Thai, tham phỏng với ngài Bảo Lâm Trân. Lúc vào bái yết xong, liền hỏi: “Bạch tôn đức! Thế nào là tướng đại nhơn?” Trân Công đáp: “Đợi chừng nào ngươi trừ hết ngũ chướng, tới đây ta sẽ nói cho!” Đạo Càn thưa: “Phải đến như thế sao? Vậy thì đã che lầm Hòa thượng rồi đấy!” Bảo Lâm Trân hỏi: “Ngươi học ở đâu được cái hư đầu thiền như thế?” Sư cô nghe nói, bất giác xuất hạn đầm mình, liền cúi xuống đảnh lễ. Trân Công lại hỏi: “Thế nào là tướng đại nhơn?” Đạo Càn liền đứng giăng tay ra. Ngài Bảo Lâm Trân gật đầu ấn khả, kế đó truyền cho y pháp.

Khi đắc tâm ấn rồi, Ni sư về ở nơi thảo am tại Nam Hồ. Ngôi am đã hư mục, song Đạo Càn vẫn thản nhiên, cứ giữ một mực chân thật tu hành, gặp cảnh thuận nghịch lòng không dao động. Ni sư lễ toàn bộ kinh Hoa Nghiêm trải qua ba lượt, cứ mỗi chữ một lạy. Ngoài ra còn khóa tụng kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm quyển đến vài mươi bộ. Do đó đạo phong vang xa, của cúng thí hội về, ngôi am được kiến thiết lại thành cảnh điện lầu tráng lệ. Ni sư thường có bài kệ an cư rằng:

Năm tháng ân cần học đạo chuyên
Có, không chẳng chấp, vượt trung, biên1
Về nhà chi nữa ngồi yên nghỉ
Vì chúng cày gieo kiếp ngoại điền2.

Trong am, Ni sư lại lập ra Niệm Phật Đường, ngày đêm dẫn chúng tu hành, câu Phật tiếng mõ không dứt tuyệt. Gần bốn mươi năm hóa độ như thế, vào mùa đông niên hiệu Gia Khánh thứ 25, Ni sư cảm bịnh nhẹ. Đến ngày mười một tháng mười một, gọi đồ chúng tới bảo: “Rạng mai vào giờ Dần, ta sẽ về Tây phương!” Đến thời, lưu kệ rằng:

Tám mươi tám năm
Không tham không luyến
Nay trở về nhà
Nước trong trăng hiện!

Rồi dạy chúng đồng thanh niệm Phật. Được một lát, ngồi an lành mà hóa.

LỜI BÌNH:

Từ xưa đến nay, bậc có thiền có tịnh trong hàng nữ chúng rất ít người. Như Ni sư Đạo Càn, ở không cầu an, siêng cần tu tập, nghiễm nhiên đã đầy đủ tướng đại nhơn rồi. Nếu chẳng phải bậc chân thật thấu suốt muôn pháp như huyễn, làm sao có thể thản nhiên như thế ư?


NI CÔ AM LAN NHÃ

Đời Thanh, có Ni cô ở Am Lan Nhã họ Trần, khuyết danh, nguyên là con gái của một nhà thế tộc ở quận Ninh Quốc. Một vị Tăng ở chùa Tây Thiền, khi chưa xuất gia, cha mẹ đã hỏi cô gái ấy cho làm vợ. Nhưng sau ông bỏ nhà trốn vào tu ở chùa, cô họ Trần cũng xuất gia làm ni nơi am Tam Thừa, sau mới dời về Lan Nhã.

Trần thị sau khi xuất gia, ban ngày theo chúng làm công việc nặng nhọc, ban đêm thì ngồi một mình niệm Phật. Tánh cô nhẫn nại, cam phần đạm bạc chuyên tu. Người anh đôi khi đem y phục và thức ăn tới cho, trước sau cô đều từ khước nói: “Em đã xuất gia, nếu theo tình đời thường cùng quyến thuộc quan thiệp qua lại, thì có khác chi người thế tục?” Sau Ni cô ngồi niệm Phật thoát hóa. Bây giờ nhằm thời tiết nóng nực, nhưng trong bảy ngày nhục thân của cô vẫn thoảng bay hơi thơm không có mùi chi khác lạ.


ĐẠO NGỘ

Tỳ kheo ni Đạo Ngộ tự Huệ Tâm, họ Uông, người thôn Hoa Đình tại Tòng Giang. Cô mất cha ít anh em, nương ở với mẹ và bà nội. Nhà nghèo, cô làm việc vất vả để phụ việc sinh sống trong gia đình, giữ chí nguyện độc thân trinh khiết.

Không bao lâu gặp duyên lành, cô xuất gia nơi am Kiết Tường, kế dời đến ở viện Địa Tạng, và được thọ giới Cụ túc. Sư cô giữ phận thanh tu, niệm Phật rất tinh tấn. Năm Đạo Quang thứ mười ba, mẹ cô niệm Phật được vãng sanh, kế bà nội cũng tiếp tục qua đời. Vào ngày mùng năm tháng tám năm ấy, Sư cô đến thưa với thầy truyền giới là Đạo Sanh hòa thượng rằng: “Việc bảo dưỡng cho bà nội và mẹ con đã xong, nay con muốn về Tây phương. Xin nhờ ân sư cho con một cái bảo khám, và xin nương đức đại chúng niệm Phật một ngày để trợ duyên”. Chiều hôm ấy, Đạo Ngộ nấu nước thơm tắm gội, sáng ra theo ni chúng niệm Phật suốt một ngày. Tối lại cô chắp tay nói: “Tây phương Tam Thánh đã đến tiếp dẫn!” Rồi ngồi kiết già mà vãng sanh.

LỜI BÌNH:

Có người bảo: “Thân nữ bị nhiều điều chướng ngại, làm sao có thể tiến tu để sanh về Tịnh độ?” Đó là họ không biết thân chúng sanh đều do nghiệp tạo, cứ theo nghiệp nặng nhẹ mà phân ra nam nữ. Nếu thân nữ mà quyết chí tu hành, hoặc xuất gia thoát tục, thì nhứt định túc nghiệp sẽ tiêu trừ. Như thế làm sao lại không được về cõi Thanh Thái an vui, thành quả Bồ đề giải thoát? Các pháp đều do tâm, quay về tịnh tâm tìm hướng nam nữ còn không thể được, lại có chi là chướng ngại ư?


TRƯƠNG SƯ THÀNH

Cư sĩ Trương Sư Thành, tự Tâm Hữu, hiệu Lan Chữ, quê ở thôn Quy An tại Hồ Châu. Cha mộng thấy vầng nhựt chiếu sáng vào cửa song, tỉnh giấc thì ông đã sanh ra. Mẹ mất sớm, Sư Thành thờ cha được tiếng là hiếu hạnh.

Ông đỗ tiến sĩ lúc còn ưẻ, làm quan trải qua các miền biên cương, kế đó được thuyên chuyển về giữ chức Tuần phủ tại Giang Tô. Thấy dân chúng nơi đây tạo nghiệp sát rất nhiều, ông hằng đưa ra những điều khuyến giới ngăn dứt bớt. Mấy chỗ sông hoặc ao hồ phóng sanh, Sư Thành đều sai quân dựng bảng nghiêm cấm không cho sát hại loài thủy tộc. Trong dinh thự không sát sanh, chẳng bày yến tiệc chiêu đãi khách. Kế đó ông trường trai thờ Phật, chuyên tu Tịnh độ, tự hiệu là Nhứt Tây cư sĩ. Ông từng biên soạn những luận thuyết về Tịnh độ. Cư sĩ từng làm vài mươi bài khuyến hướng niệm Phật, lời lẽ hàm ý cảnh giác rất tha thiết. Nay xin lược chép ra tám bài như sau:

I
Duyên lành may được biết hồng danh
Hỏa tốc về Tây một kiếp sanh!
Nếu chẳng quyết tâm dùng hết sức
Bào thai luân chuyển lạc mê thành!

II
Vừa đề hiệu Phật các ma xâm
Hàng phục làm sao được nhứt tâm?
Miệng niệm, tai nghe, tâm tiếng hợp
Tràng châu rành rẽ mãi nghiên tầm.

III
Đường tu rất thiết mặc chê khen
Danh lợi buồn vui cũng kém hèn!
Dây ái dứt trừ dùng huệ kiếm
Vân Thê “Thất bút” vạn lần xem3

IV
Thương mình xót chúng phát Bồ đề
Thuyền nguyện thề dong độ bốn mê.
Trước mượn cành sen nương cảnh Phật
Cánh lông đầy đủ mặc bay về.

V
Chấp trì không hở thệ gìn lòng
Cần lúc lâm chung một niệm thông.
Tiếc bấy Đông Pha công cứ đó
Chưa năng gắng sức những hoài công4.

VI

Rất sợ ngày quy nghiệp thức mê
Hơi mòn khó niệm lưỡi hầu tê.
Nếu như bình nhựt không chuyên thiết
Đâu được tư lương giúp trở về.

VII
Tự tánh duy tâm lẽ khó tin
Trời in nước lặng dụ nầy minh.
Một lòng niệm đến tâm hòa Phật
Giờ tới, tự nhiên Phật tiếp nghinh 5.

VIII
Chút còn niệm ái dứt chưa rồi
E lúc ữa trần bị nghiệp lôi.
Muốn dứt Ta Bà trừ phải sạch
Thứ công danh luận rõ mười thôi6

Năm Đạo Quang thứ tám, cư sĩ tuổi đã hơn lục tuần, xin hưu dưỡng về quê. Hằng ngày ông ở nơi gian tĩnh thất, một lòng chuyên niệm Phật. Hơn năm sau, cư sĩ qua đời. Lúc lâm chung, ông tụng kinh A Di Đà vừa xong tiếp sang niệm Phật. Đến câu thứ năm bỗng ngồi lặng lẽ mà hóa.


NGÔ NHƯ AM

Cư sĩ Ngô Như Am, người đời Thanh, nguyên quán ở Huy Châu, sau nhập tịch về huyện Nghi Hưng tại Thường Châu. Bình sanh ông tín hướng Phật thừa, được duyên tham phỏng Hòa thượng Phát Trung, từ đó chuyên tu tịnh nghiệp. Mùa hạ năm Khang Hy thứ mười hai, cư sĩ cảm bịnh nhẹ, gọi con cái đến đưa cho mỗi người một tràng chuỗi, ân cần dặn bảo niệm Phật tu hành. Lúc ấy có hàng thân thích là Du Hữu Quang đến viếng thăm, nhân cùng bàn đến pháp môn Tịnh độ. Như Am bảo: “Phép niệm Phật, cần phải lức hưỡn gấp cũng niệm, thức ngủ cũng niệm, cho dù khi quỉ khóc thần gào cũng niệm. Như thế mới đích thật là người chân niệm Phật. Muốn đạt đến trình độ chân niệm đó, chỉ ở nơi một chữ Tín. Vậy cần phải tín cho sâu thiết, tín được thấu đáo!” Liền nói kệ rằng:

Tham thiền, niệm Phật chẳng hai đường
Tam Thánh tiếp nghinh nguyện xót thương!
Phụng khuyến đồng nhơn cần niệm Phật
Sen lành cùng lại cảnh Tây phương!

Rồi bảo người nhà cao tiếng niệm Phật. Cư sĩ ngồi chắp tay mỉm cười mà vãng sanh.


DU HỮU QUANG

Cư sĩ Du Hữu Quang, người xứ Tân An, lúc nhỏ ở huyện Nghi Hưng, cùng với Ngô Như Am đồng tu tịnh nghiệp. Mỗi ngày ông tụng ba quyển kinh Kim Cang, niệm Phật năm ngàn câu, phát nguyện vãng sanh về Cực Lạc.

Sau cư sĩ mục kích việc Nhữ Am vãng sanh lại càng tinh tấn, viết bốn chữ: “Niệm Phật Khẩn Yếu” dán nơi bên mặt giường nằm để tự răn nhắc. Ngày mùng ba tháng ba năm Khang Hy thứ 23, ông đi lừ biệt khắp các thân hữu, rồi về nhà viết kệ rằng:

Tháng năm lần lữa niệm Di Đà
Cõi tịnh phương Tây vốn thật nhà
Vài tiếng khánh thanh, trăng sáng mọc
Thân nấy ngồi vững bạch liên hoa.

Đến ngày mùng tám, cư sĩ cảm bịnh nhẹ, bảo người nhà rằng: “Lúc ta đi chớ nên lộ vẻ bi sầu khóc lóc, phải cùng niệm Phật để giúp sự vãng sanh!”’Ngày mười hai, ông nhắm mắt ngồi yên lặng, quyến thuộc xây quanh, bỗng lại mở mắt ra bảo: “Niệm Phật khẩn yếu”. Nói xong liền qua đời, thọ bảy mươi tám tuổi.


TÔ KHỞI PHỤNG

Cư sĩ Tô Khởi Phụng, tự Kỳ Sơn, người đời Thanh, quê ở Côn Sơn. Lúc tuổi ttẻ, ông chí hướng về Thiền tông, đi tham phỏng khắp các bậc tri thức, có chỗ ngộ nhập. Cư sĩ giữ giới sát rất nghiêm, không dám làm thương tổn đến loài trùng kiến.

Khi lớn tuổi ông chuyển sang tu Tịnh độ, trong bốn oai nghi hằng thầm trì Phật hiệu. Năm Khang Hy thứ 38, cư sĩ tuổi đã tám mươi, gặp tiết nghiêm hàn, quấn chăn ngồi niệm Phật. Buổi trưa ngày 26 tháng 11, ông gọi cháu là Điện Phương bảo: “Duyên Tịnh độ của ta đã thuần thục. Ba hôm trước ta thấy Phật đến, nhưng không muốn vội nói ra. Vào giờ tý đêm nay, ta sẽ vãng sanh về Cực Lạc!” Hơn canh một, cư sĩ mặc áo hàng đốt hương nến, ngồi hướng về Tây dạy người nhà đồng niệm Phật, mình cũng niệm theo. Lúc sắp sang canh ba, tiếng ông thấp nhỏ lần, rồi ngồi lặng mà hóa.

Có cư sĩ Ngô Kính Sơn ở đồng xóm với Tô Khởi Phụng, cùng là bạn tu trong Liên xã, ông đã hơn bảy mươi mà còn phát nguyện đi tham học, Điện Phương cho là tuổi suy già, khuyên ông nên chuyên tu Tịnh độ, có thể một đời được thành tựu. Kính Sơn tin tưởng nghe lời, ngày đêm niệm Phật không dứt. Chưa đầy một năm, người bạn chí thân của ông đến bảo Điện Phương rằng: “Sáng sớm hôm nay, thấy thần Hộ Pháp hiện thân tiếp dẫn vãng sanh. Lúc sắp qua đời, ông dặn tôi đến đây chuyển lời xin tạ ân, rồi ngồi an lành thoát hóa”.


VƯƠNG TRINH SANH

Vương Trinh Sanh người ở Côn Sơn, cha là Ngạn Phu rất sùng kính Tam bảo. Riêng Trinh Sanh nghiệp còn nặng không mấy tin tưởng Phật pháp, hằng phóng đãng chơi bời.

Một hôm ông mang bịnh, thấy có con quỉ đen cao lớn bảo là oan cừu đời trước, đến tìm đòi mạng báo thù. Trinh Sanh cả sợ, phấn chấn niệm Phật cầu sanh Tây phương, quỉ liền ẩn mất. Nhưng khi niệm Phật hơi lơi thì quỉ lại hiện hình làm dữ. Do đó ông càng tinh tấn cầu sanh Cực Lạc, không dám buông bỏ câu Hồng danh. Niệm luôn đến mấy hôm sau, quỉ không còn hiện hình nữa. Khi sắp mãn phần, Trinh Sanh niệm Phật đến lúc hơi mòn sức hết, tiếng lần lần thấp nhỏ ẩn ẩn bay về phương Tây.

LỜIBÌNH:

Bạn lành khi lâm chung rất khó gặp. Trinh Sanh thấy ác quỉ tuy là oan cừu nhưng vì một niệm biết hướng về Phật, nó lại trở thành thiện hữu. Vả lại ông đã vãng sanh, thì quỉ cũng tất sẽ được độ thoát. Chỉ một duyên niệm Phật mà được toàn vẹn cả hai, đáng gọi là hân hạnh vậy.


THÁI BẰNG CỮU

Cư sĩ Thái Bằng Cữu tự là Tư Văn, người ở Đông Đình Sơn thuộc Tô Châu. Gia thế nhiều đời từng làm nghề buôn bán. Riêng Bằng Cữu thì ưa học thuyết Lão Trang, thường cùng bậc cao nhơn dật sĩ kết giao đi du ngoạn nơi danh sơn thắng cảnh, như quên hẳn tháng ngày.

Sau ông gặp Duy Nhiên hòa thượng khuyên tu Tịnh độ mới tụng kinh niệm Phật, lập hội phóng sanh. Kế đó lại quy y Tam Bảo, trường chay tu hành, tự hiệu là Hư Bạch cư sĩ. Không bao lâu ông mang bịnh, vào ngày mùng tám tháng tám năm Càn Long thứ 45, thọ chung nơi nhà. Trước đó một đêm, cư sĩ bảo nấu nước cho mình tắm gội. Đến gần sáng, tập hợp người nhà lại quyết biệt, nói rằng: “Quyến thuôc ở đời khi báo duyên mãn tất phải chia ly. Muốn tính sự bền lâu phải kết Pháp duyên niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Vậy tất cả đều nên phát tâm cố gắng!” Mọi người nghe nói thương khóc, ông bảo: “Chớ nên khóc, hãy vì ta đồng thanh niệm Phật!” Lại dạy con rằng: “Cha trường trai đã được một năm. Trong đám tang khi đãi khách chớ nên dùng đồ mặn. Nếu con thương cha, phải thường giữ giới không sát phóng sanh. Được như thế mới là con thảo. Hãy cố gắng!” Nói xong day mặt về Tây niệm Phật mà qua đời. Khi sắp liệm, đem dời thi thể nơi trang đường, mặt vẫn quay hướng về Tây như cũ. Người con quì khấn vái, mới day ngửa trở lại. Cư sĩ hưởng dương được năm mươi tuổi.

LỜI BÌNH:

Muốn được vãng sanh, trước tiên phải giữ lòng từ không giết hại, trong kinh đã có văn nói rõ ràng. Những điều Bằng Cữu hối dặn con, thật là xem thân mình như thân chúng sanh, hóa tâm mình thành tâm Bồ Tát. Bi cảm thay lời nói ấy.


LỤC SĨ THUYÊN

Lục Sĩ Thuyên, tự Cận Đường, quê ở Nguyên Hòa tại Tô Châu. Ban sơ ông làm đệ tử của Ngọc Đàn thuộc nhóm phò cơ theo thần tiên. Sau vì một đàn hữu cầu trị bịnh, thần dạy phải lễ Lương Hoàng Sám. Sĩ Tuyên nhân lễ sám phát tâm, đến am Thiên Ninh thọ giới Bồ Tát.

Vừa may gặp duyên lành, có Tịnh Căn Bồ Tát từ cõi Cực Lạc đến, phương tiện giáng nơi Ngọc Đàn, mở bài pháp môn Tịnh độ. Bồ Tát thuyết pháp gồm mười một hội, khuyên mọi người thống thiết vì vấn đề sống chết luân hồi, dứt bỏ đường lối quanh co, có một lòng niệm Phật. Do đó những người dự hội mới biết hồi hướng về Cực Lạc, nhưng phần đông tập quán cũ còn chưa quên, khi hướng về Phật, lúc ngả theo thần tiên. Riêng có Lục Sĩ Thuyên một lòng trì danh tu quán tụng kinh Pháp Hoa. Ông trường trai được hai năm, nhân đau yếu lại khai giới tạm dùng đồ mặn. Nhưng bịnh càng trở nặng, Sĩ Thuyên tự biết sắp mãn phần, ăn năn sám hối rất tha thiết. Bảy ngày trước khi chết, ông dứt tuyệt đồ huyết nhục, một lòng chuyên niệm Phật. Sĩ Thuyên lại răn dạy đứa con gái mới hơn mười tuổi, bảo phải ăn chay niệm Phật, và khi mình lâm chung đừng nên than khóc. Lúc bịnh ngặt, mắt ông nhìn thẳng lên hư không như thấy cảnh giới chi, miệng nói: “Có hoa sen trắng, bạch hạc và các bậc thượng thiện nhơn!” Rồi nằm nghiêng bên mặt, liên tiếp xưng danh hiệu Phật mà mãn phần. Bấy giờ nhằm ngày mười tám tháng năm, niên hiệu Càn Long thứ 52, ông hưởng dương được ba mươi chín tuổi.

Ítt lâu sau, các thân hữu đến Ngọc Đàn phò cơ hỏi về chỗ sanh của ông. Một vị tự xưng là Vương Thiên Quân giáng đàn đáp rằng: “Sĩ Thuyên cơ hồi sắp bị đọa lạc, nhưng rất may mắn nhờ khi lâm chung giữ vững chánh niệm. Hiện thời ông đã được sanh về miền biên cảnh cõi Cực Lạc ở Tây phương!” Năm sau, vào ngày mừng một tháng năm, Sĩ Thuyên lại giáng đàn, hiểu dụ rằng: “Có một việc rất thiết yếu không thể tránh khỏi, mà phần đông mọi người đều quên, các vị có biết chăng? Hiện thời các vị tứ đại nhẹ nhàng, tinh thần cường tráng, đâu từng nghĩ rằng mai kia mình nằm bịnh nơi giường, không phân biệt đông tây nam bắc, thân tâm mê mệt phách tán hồn ly! Chừng ấy đường trước mịt mờ, không chút chi cầm vững, theo nghiệp luân chuyển, thọ khổ vô cùng! Duy có những người bình sanh tu tịnh nghiệp, khi lâm chung tự thấy Phật đến tiếp dẫn, sanh trong hoa sen, hưởng các điều vui, sống lâu vô lượng. Nếu các vị thiết thật hồi tâm suy nghĩ, chí hướng về đường lối nầy, tôi sẽ xin cùng luận bàn về ba điều: Tín, Hạnh, Nguyện:

Về điểm Tín: là tin phương Tây có cõi Cực Lạc báu đẹp trang nghiêm, cũng như phía tây thành nầy có dinh thự và công viên nguy nga tươi tốt. Cõi Ta Bà thuộc về phương đông, cũng như xóm ấp lụp xụp phía đông thành nầy. Cõi Ta Bà đã hiện hữu thì cõi Cực Lạc cũng như thế, thật sự hiện hữu. Cả hai thế giới đều ở trong giác tánh sáng lặng bao la, khởi niệm thanh tịnh thì liền đến, cũng như đồng ở trong một thành cất bước có thể đi tới. Đã tin cõi Cực Lạc quyết định đến được, lại phải tin pháp môn Niệm Phật cần thiết như ăn cơm mặc áo. Ăn cơm khỏi đói, mặc áo khỏi rét, niệm Phật sẽ thoát khỏi sự khổ sống chết luân hồi. Trong niềm tin, nếu nay tin mai không tin, chưa gọi là thật tin. Trọn đời tin, một niệm bỗng không tin cũng chưa gọi là thật tin. Từ ngày nay cho đến lúc mãn phần, giữ một lòng tin chắc chắn thấu đáo, không mảy may nghi hoặc mới gọi là thật tin.

Về phần Hạnh: đã tin có cõi Tây phương phải thiết thật bước vào hành môn Niệm Phật. Cho nên cần phải theo lời Phật dạy mà thật hành, nếu chỉ khen nói suông thì đâu có lợi ích gì cho đường giải thoát? Hôm nay tin hôm nay liền thật hành, ngày mai tin ngày mai liền niệm Phật. Rất không nên lần lựa bảo: “Hiện thời tôi còn trẻ, đợi đến khi hơi lớn tuổi tu cũng chưa muộn!” Há chẳng nghe nói: “Đất vàng vùi lắm trang mày biếc. Mồ quạnh chôn nhiều kẻ tóc xanh” hay sao? Cái chết xảy đến bất ngờ không hẹn, làm sao bảo đảm mà đợi cho tới lúc tuổi già? Lại cũng chẳng nên nói: “Việc cha mẹ chưa tròn, nợ con cái chưa xong, đợi đến lúc rảnh các duyên đó rồi sẽ tính!” Phải biết mạng người mong manh trong hơi thở, giả sử khi quỉ vô thường đến cửa, có thể đối với nó mà khất xin chờ hẹn như thế được hay chăng? Có nhiều kẻ tu hành, lúc thì siêng năng khi lại biếng trễ, đó gọi là tánh không thường hằng. Ví như gà ấp trứng thường không lìa ổ, khiến cho hơi nóng ấm nối tiếp nhau, thì mới có sự sanh nở. Nếu hôm nay ấp, ngày mai bỏ đi, làm sao thành tựu được? Việc hàm dưỡng thai sen, cũng tương tợ như thế.

Đến như chữ Nguyện, lại rất là khẩn yếu. Trong đời kẻ tin Phật niệm Phật, xét lại chẳng thiếu chi người. Nhưng có những vị cầu sự lợi lạc trong hiện tại, hoặc cầu phú quí ở đời sau, hoặc nguyện sanh lên cõi trời hưởng sự vui nhiệm mầu, hoặc mong chuyển kiếp làm người phước huệ đầy đủ, xuất gia tu hành, tráng niên ngộ đạo. Những tâm nguyện đó đều trái với bản ý của Như Lai. Đức Phật muốn cho chúng sanh thoát vòng sống chết, các vị lại mong vào nẻo luân hồi. Phật muốn cho chúng sanh thoát cõi Ta Bà, các vị lại không cầu về Cực Lạc. Như thế lòng tin và sự tu hành một đời đều buông trôi theo dòng nước! Ví như cày xong khoảnh ruộng tốt lại gieo xuống hột cỏ, mà mong cho sanh ra mạ lúa, việc ấy có lý chăng? Cho nên đã phát lòng tin, phải tu thật hạnh, đã tu thật hạnh, phải phát chân nguyện. Nguyện hết kiếp nầy không sanh trở lại cõi người hoặc lên cõi trời, chỉ quyết định được về Tây phương Cực Lạc. Phát Tín, Hạnh, Nguyện như thế mới thuận với lời Phật dạy, không đến nỗi uổng phí ngày tháng công phu. Mong các vị nên cố gắng!”

Bốn năm sau, Sĩ Thuyên lại giáng cơ nơi nhà Hoàng Kính Phu một lần nữa. Lời giáo huấn kỳ nầy của ông phần nhiều chí thiết, khuyên các đàn hữu cố gắng niệm Phật tu hành.


MÃ VINH TỔ

Cư sĩ Mã Vinh Tổ, tự Trử Lương, quê ở Tú Thủy tinh Triết Giang. Lúc bé ông tỏ ra có văn tài, lên mười lăm tuổi được bổ vào hàng chư sanh. Cha mẹ mất sớm, Vinh Tổ thờ kế mẫu rất hiếu cẩn. Đến ba mươi tuổi, ông mang bịnh lạc huyết. Trải năm năm bịnh càng thêm nặng, ăn vào liền mửa ra.

Có Tăng sĩ Tường Phong, khi chưa xuất gia là bạn quen với Vinh Tổ ghé viếng thăm. Lúc ấy sư vừa đi tham học trở về, túc huệ mở sáng, tín giải thông suôt. Vinh Tổ nghe lời sư luận giảng lấy làm lạ, nhân hỏi đến phương pháp trừ bịnh. Tường Phong đáp: “Bịnh của đạo hữu là do túc nghiệp, không phải thuốc thang chữa trị được. Nếu đạo hữu có thể buông bỏ muôn duyên chuyên lòng niệm Phật, lâu ngày công sâu, thì vô minh nghiệp chướng từ vô lượng kiếp đến nay lần lần dứt sạch. Chừng ấy căn bịnh luân hồi sống chết còn giải thoát được, huống nữa là thân bịnh nào đáng lo gì!” Vinh Tổ nghe nói giật mình tỉnh ngộ, bèn thường trai tu tịnh nghiệp. Từ đó bịnh cũng lần lần thuyên giảm.

Trước thời gian ấy, Mã Vinh Tổ nằm mộng thấy giữa hư không nổi lên vô số chữ Thọ phóng ánh sáng rực rỡ. Ông duyệt xem sách Phật thấy nói: A Di Đà dịch là Vô Lượng Thọ, cũng gọi là Vô Lượng Quang. Bấy giờ nghĩ lại thấy điềm mộng ứng họp, càng tự mừng thầm, cho là mình có túc duyên với môn Tịnh độ. Kế tiếp ông đọc qua kinh Pháp Bảo Đàn, khế hội được nguồn tâm, càng thêm nổi vui mừng cảm hối. Sau Vinh Tổ tới chùa Đại Giác Lâm ở Sơn Âm thọ tam quy ngũ giới, mỗi ngày đều tụng kinh Kim Cang, Di Đà, niệm Phật ba muôn câu, lại kiêm tu tịnh quán. Lúc rảnh rỗi, cư sĩ lại mời các liên hữu tập hợp tại nhà, tổ chức niệm Phật suốt ngày đêm.

Niên hiệu Càn Long thứ 56, vào hạ tuần tháng giêng, Vinh Tổ từ Tô Châu trở về vừa đúng một tháng thì cảm bịnh. Đến đầu tháng ba cư sĩ đau nằm nơi giường không chỗi dậy được, bảo bạn thân rằng: “Tôi từ ba mươi lăm tuổi phát lòng Bồ đề, chỉ cầu nghiêm tịnh cõi Phật, lợi ích chúng sanh, sự vinh hoa của ngôi khanh tướng xem đồng như đôi dép rách. Nay thân tuy mang chứng trầm kha, song một tâm niệm an vui chưa từng biến cải. Hiện tại chỉ chuyên giữ chánh niệm, chờ khi mạng chung sanh thẳng về Tây phương mà thôi!” Một ông bạn hỏi: “Anh mất đi rồi, trong nhà nheo nhóc vài miệng ăn, lấy ai giúp đỡ?” Cư sĩ đáp: “Đó đều thuộc về duyên phước của mỗi người, sức tôi không thể kham được!” Tới chiều ngày mười tám, ông bảo: “Ngày mai phải đại sám hối!” Sáng hôm sau, cư sĩ gắng gượng chỗi dậy mặc áo tràng lễ Phật sám hối, rồi ngồi hương về phương Tây niệm Phật vài trăm câu, kế quì đọc bài văn phát nguyện của ngài Liên Trì, mới trở về giường nằm. Ba hôm nữa, lại nói: “Tây phương Tam Thánh hiện thân ở trước, vì tôi nói pháp. Tôi thường ở trong ánh sáng chói suốt rực rỡ!” Qua ngày sau lại bảo: “Bồ Tát dùng tịnh thủy rưới nơi thân gội rửa túc khiên, khiến cho tôi được mát mẻ, sự an vui không thể tả!” Tới chiều, một liên hữu là Trầm Hồng Điều viếng thăm, hỏi có niệm Phật không, và nhắc bảo đừng nên trước tướng. Cư sĩ đáp: “Vân niệm, tức tâm tức Phật có chi là trước tướng!” Kế đó lại tuyệt thực, mỗi ngày chỉ uống vài chén nước trà, hai hôm sau rốt duy uống nước trong mát mà thôi. Ngày hai mươi chín tháng ba, vào giờ Ngọ, cư sĩ bảo người nhà rằng: “Đức Phật đã đên tiếp dẫn!” Nói xong liên tiếp niệm Hông danh, rồi nằm nghiêng bên hữu mà vãng sanh, hưởng dương được bốn mươi tám tuổi. Ông không con, di chúc cho lập hậu.

Bấy giờ Hòa thượng Tường Phong bế quan tại Văn Tinh Các ở Tô châu, đang tu môn Niệm Phật tam muội. Mùa đông năm ấy, một đêm Ngài nằm mộng thấy ba vị vào thất, ngồi ở hướng nam day mặt lại. Trong đó, chính giữa một vị xuất gia, hai bên là cư sĩ, phong nghi thần thái trang nghiêm, nơi đầu đều có viên quang bao phủ. Tường Phong đảnh lễ rồi hỏi: “Ba tôn đức ở đâu lại đây? Vị mặc tăng phục nói: “Chúng ta từ cõi Tây phương đến!” Hòa thượng lại hỏi: “Có phải chư vị là người ở thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà chăng?” Vị Tăng đáp: “Phải!” Tường Phong thưa hỏi danh tánh,ba vị không đáp chỉ hỏi lại: “Ngươi pháp danh là chi?” Hòa thượng đáp: “Đệ tử pháp danh Đạt Văn”. Vị Tăng bảo: “Sao lại vọng ngữ?” Tường Phong thưa: “Quả đúng như thế không phải vọng!” Vị Tăng hỏi lại như trước. Hòa thượng cũng đáp y như vậy. Tăng sĩ cũng bảo: “vẫn còn vọng ngữ!” Tường Phong thưa: “Đệ tử nói thật chẳng phải giả dối, tại sao tôn đức lại bảo rằng vọng ngữ?” Vị Tăng nói: “Tất cả chúng sanh lấy vọng làm chân, chấp giả làm thật, nên mới bị luân hồi. Nếu bậc có trí, biết muôn pháp đều là hư vọng giả danh, thì không còn luân chuyển. Ngươi chớ tự mê muội để lạc mất chân tâm. Nên hiểu chân tâm không tâm, chân tri không biết, có hiểu biết tức là ma. Đức Phật là đấng linh tri vô tri, ngươi nên tin nhận chớ đem lòng nghi hoặc!” Sau lời ấy, Tường Phong bỗng khai ngộ liền thưa: “Lời của tôn đức dạy, chính thật là pháp Phật không thể nghĩ bàn! Tôn đức từ cõi Cực lạc đến, dám xin hỏi: đã tường thấy Phật A Di Đà chăng?” Vị bên tả đáp: “Nếu ta nói với ngươi, chưa chắc ngươi đã tin. Phải tự mình trông thấy mới được!” Kế đó cả ba đồng đứng dậy, mỗi vị đều vỗ nơi đầu Tường Phong một cái, và lần lượt nói kệ rằng:

Gắng siêng năng tinh tấn
Tu tịnh nghiệp không nhơ.
Nhân sâu thì quả thật
Dè dặt chớ nghi ngờ!

Các pháp từ tâm sanh
Lại hoàn từ tâm diệt
Chân tánh nguyên vẫn không
Lấy, bỏ chẳng thể được!

Ngươi đã đôi phần thông
Phật, chúng sanh tâm đồng
Như huyễn tam ma đế
Ví như cảnh trong mộng.

Thuyết kệ vừa xong, bỗng thấy Mã Vinh Tổ nghiêm chỉnh oai nghi, đảnh lễ ba vị. Cả ba liền vượt lên hư không hướng về Tây bay đi. Lúc ấy không trung nổi lên âm nhạc rền vang, tiếng niệm Phật bổng trầm thanh thoát. Vinh Tổ lại hướng về Tường Phong lễ ba lạy rồi thưa: “Nhờ đại đức khuyên tôi tu tịnh nghiệp, quy y Tam bảo, nên đã hân hạnh được sanh về Tây phương, thọ sự an vui lợi ích lớn. vì thế tôi thỉnh cầu Bồ Tát đến đây diễn nói diệu pháp, để đền đáp thâm ân!” Nói xong đảnh lễ giã từ ba lạy nữa, rồi chắp tay niệm Phật bay về Tây phương. Vừa khi ấy tiếng chuông khuya nổi lên, Tường Phong giật mình thức giấc. Hòa thượng vội lấy giấy bút ghi lại điềm ấy, gọi là Kỷ Mộng Thiên.

Về sau Tường Phong hòa thượng ẩn tu nơi viện Phước Thành tại Lũ Giang. Khi lâm chung dự biết trước ngày giờ, ngồi niệm Phật mà thoát hóa.

LỜI BÌNH:

Trước Cận Đường mượn duyên giáng đàn để khuyên đồng bạn. Nay Trử Lữơng lấy việc ứng mộng mà đáp thâm ân. Như thế, ai gọi khi sanh về An dưỡng là vắng bặt không tin tức đâu! Tuy nhiên, với kẻ cơ duyên chưa thuần, thì chẳng thể nhất khái đều đồng lệ được!