MẤY ĐIỆU SEN THANH
Sưu tập: Cư sĩ Bành Tế Thanh & Hy Tốc 
Việt dịch: Hòa thượng Thích thượng Thiền hạ Tâm
PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ MẬT TỊNH ĐẠO TRÀNG

 

TẬP I
PHẦN BA
TỨ CHÚNG VÃNG SANH
(Tiếp theo)

QUÁN ĐẢNH

Quán Đảnh đại sư, họ Ngô, người đất Chương An, huyện Lâm Hải. Ngài sanh ra vừa được ba tháng, đã có thể xưng danh hiệu Tam bảo. Khi lên bảy tuổi, vào chùa Nhiếp Tịnh xuất gia. Niên hiệu Trí Đức năm đầu đời Trần, ngài đến yết kiên Tổ Trí Giả ở chùa Tu Thiền, nghiên tập Quán pháp được mong ấn khả. Nhân đó ngài theo làm thị giả, những pháp của Tổ nói, đều có thể lãnh ngộ.

Trong niên hiệu Khai Hoàng đời Tùy, Tổ Trí Giả viên tịch, Quán Đảnh đại sư thay thế truyền dương giáo pháp Thiên Thai, siêng tu định huệ. Mỗi khi ngài ngồi tụng kinh, thường có thiên hoa phơ phất rơi xuống gần bên mình. Một độ nọ, đại sư đang giảng kinh Niết Bàn tại chùa Nhiếp Tịnh, bỗng có một toán cướp tràn tới hò hét sắp hành hung. Vừa khi ấy nơi cửa chùa hiện lên thần binh cao lớn hơn một trượng, cờ xí kiếm kích rạng ngời. Bọn cướp kinh hãi, tan rã bỏ chạy.

Niên hiệu Trinh Quán thứ sáu đời Đường, ngày mùng bảy tháng tám, đại sư viên tịch tại chùa Quốc Thanh. Khi ngài mới nhiễm bịnh, nơi tịnh thất thoảng bay mùi hương lạ. Lúc lâm chung, đại sư dạy đệ tử rằng: “Hãy đốt nhiều danh hương, ta sắp đi đây!” Nói xong, bỗng đứng lên chắp tay như cung kính ai, ba lần xưng Nam mô A Di Đà Phật nhan sắc tươi vui. Kế đó về chỗ nằm mà tịch. Khi đã vãng sanh, nơi đảnh của đại sư còn nóng suốt ngày, thọ 72 tuổi.


ĐẠO NGANG

Đời Đường, Đạo Ngang Pháp sư quê ở Ngụy quận. Ngài sanh ra, phong thần thanh sáng, huệ giải như đã sẵn tu tập từ kiếp trước. Lớn lên nương theo Linh Dũ thượng nhơn xuất gia, nghiên tầm giáo điển, tu tập chuyên cần.

Một hôm, ngài đang giảng Hoa Nghiêm Địa Luận tại chùa núi Hàng Lăng, vào lúc hoàng hôn, trời bỗng âm u sụp tốị, không kịp thắp đèn đuốc. Pháp sư đưa cao bàn tay lên, liền phát ra dị quang chiếu sáng rực cả giảng đường. Đại chúng thấy thế đều kinh lạ. Người bảo: “Ánh sáng ấy vẫn hằng ở nơi tay tôi và khắp chỗ, đâu có chi là ly kỳ!” Bình thời, Pháp sư rộng kết duyên bạn sen cùng nguyện sanh về An Dưỡng, về sau, ngài ngụ tại Báo Ứng Tự, dự biết ngày vãng sanh, cho báo tin cùng các hàng thân trí, dặn khoảng đầu tháng tám đến chùa để giã biệt.

Đến kỳ hạn, đại chúng tề tựu, thấy Pháp sư vẫn như thường, không đau bịnh chi cả. Trong lúc mọi người còn phân vân, ngài an nhiên đắp y lên tòa cao, khuyến dân chúng thọ giới Bồ Tát, lời và ý đều khẩn thiết, thính giả vừa kính sợ vừa cảm động. Gần đến giờ ngọ trai, bỗng có tiếng thiên nhạc du dương thanh điệu nổi rền rang giữa hư không. Pháp sư ngước mắt nhìn lên rồi bảo chúng: “Chư thiên cung trời Đâu Suất vân tập đông đảo đến đón rước tôi. Nhưng thiên đạo vẫn còn trong nẻo luân hồi, không phải là điều riêng ưa thích. Tôi hằng cầu Tịnh độ, sao tâm nguyện chưa thấy đạt thành?” Nói xong, âm nhạc và thiên chúng từ từ ẩn mất lên cao, trong giây phút đều lặng lẽ. Vừa lúc ấy, hương hoa cùng kỹ nhạc từ phương Tây đầy dẫy như mây, bay đến xoay vần trên đầu ngài, cả chúng đều nghe thấy. Pháp sư bảo: “Linh thoại ở Liên bang đã ứng hiện đón rước, đại chúng ở lại yên ổn, tôi đi đây!”

Nói xong, chiếc thủ lô từ nơi tay rơi xuống, Pháp sư ngồi vãng sanh ngay nơi bàn tọa. Lúc ấy nhằm năm Trinh Quán thứ bảy, ngài thọ được 69 tuổi.


ĐẠO XƯỚC

Đạo Xước thiền sư, người đời Đường, họ Vệ, quê ở Văn Thủy tại Tinh Châu. Thuở bé ngài đã có tánh cung kính khiêm nhường, hàng hương lý đều mến chuộng. Ngài xuất gia hồi mười bốn tuổi, sau khi học giáo điển, lại theo Tảng thiền sư tập tham thiền.

Về sau, ngài trụ trì chùa Huyền Trung tại Thạch Bích thuộc miền Văn Thủy. Chùa nầy do Đàm Loan Pháp sư kiến lập từ trước. Đạo Xước mến hạnh tu Tịnh độ của Loan Pháp sư, hằng lặng lòng quán tưởng, khi ngồi thường hướng về phương Tây, sáu thời lễ kính không thiếu sót. Ngài định khóa mỗi bữa niệm Phật bảy muôn câu. Có một vị tăng, trong định thần thức dạo đến cảnh trang nghiêm ở Tây phương, thấy Đạo Xước tay lần tràng hạt sắc sáng đỏ, số hạt chuỗi rất nhiều, cao như non thất bảo. Ngoài ra, còn các điềm thoại ứng khác của ngài không thể thuật hết. Thiền sư thường vì đại chúng giảng kinh Vô Lượng Thọ và Thập Lục Quán đến vài trăm lượt. Sau khi giảng xong, thính chúng mỗi vị đều lần chuỗi niệm Phật, tiếng vang như sóng biển dâng trào. Có lúc chúng lại tản mát xung quanh niệm Phật, âm hưởng vang động núi rừng.

Bình thời ngài khuyến khích đại chúng tu tịnh nghiệp, ý vị sâu sắc, lời lẽ như suối tuôn. Thính chúng đều cảm động, nhiếp niệm quên duyên, một lòng niệm Phật. Đôi khi có kẻ tà kiến lên non muốn kích bác, nhưng khi thấy oai dung của ngài, đều lặng lẽ ra về. Thiền sư có trứ tác hai quyển An Lạc Tập, bao gồm những điểm thiết yếu của các ngài: Long Thọ, Thiên Thân, Huệ Viễn, Đàm Loan, được người đương thời trân trọng.

Năm Trinh Quán thứ hai, vào ngày mùng tám tháng tư ngài biết thọ số không còn bao lâu, cáo tri trước cho khắp hàng đạo tục xa gần. Hôm ấy, đại chúng đến chùa chật nức cả trong ngoài. Sau thời khuyến dụ, đại chúng đều thấy Đàm Loan Pháp sư ngồi trên thuyền thất bảo giữa hư không, bảo Đạo Xước rằng: “Điện các ở cõi Tịnh độ của ông đã hiện thành, chỉ còn dư báo tại Ta Bà chưa dứt đó thôi!” Chúng lại thấy Hóa Phật trụ giữa hư không, thiên hoa từ trên lác đác rơi xuống. Các hàng thiện tín lấy vạt áo hứng được, thấy cánh hoa trơn đẹp đáng yêu, nhiều mầu sắc lạ. Có kẻ thử cắm trên đất, đến bảy ngày vẫn chưa héo. Đại chúng đều vui mừng ngưỡng mộ, than thở khen là điềm rất ly kỳ. Từ ngày ấy trở đi, báo thân của thiền sư thêm khỏe mạnh, dung sắc càng tươi tắn. Ítt lâu sau, ngài vãng sanh, thọ hơn tám mươi tuổi.,

Bấy giờ có Thích Đạo Phủ cùng ngài Đạo Xước đồng chí hướng,mỗi khi gặp nhau đều lấy sự vãng sanh Tịnh độ làm ước hẹn. Sau khi thiền sư viên tịch ba hôm, Đạo Phủ nghe tin, than thở bảo: “Ta thường hẹn sẽ vãng sanh trước ông, nay kết cuộc lại đi sau. Nhưng cũng chẳng ngại chi, chỉ cần gia công thêm một chút, tất sẽ theo kịp!” Nói xong tắm gội sạch sẽ, đến trước bàn Phật lễ nguyện trì niệm một lúc lâu. Kế đó lui ra, ngồi kiết già nơi thiền tọa chắp tay mà hóa.


TĂNG HUYỀN

Đời Đường, Tăng Huyền pháp sư, người ở Tinh Châu rộng thông giáo điển, hạnh giải tương ưng. Đến chín mươi sáu tuổi, ngài theo Đạo Xước thiền sư giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ, lại được xem hai quyển An Lạc Tập, mới phát tâm niệm Phật. Có kẻ bảo là tu hành trễ muộn, mạng sống còn chẳng bao lâu, tịnh nghiệp khó thành thục, e không được vãng sanh. Pháp sư đáp: “Kinh nói: Khi lâm chung hồi tâm niệm mười niệm cũng được vãng sanh về Tịnh độ. Tôi còn rộng ngày giờ hơn thế, lo gì không được vãng sanh?”

Vì e thọ số sắp mãn, mỗi ngày đêm Pháp sư lễ Phật một ngàn lạy, niệm Phật chín muôn câu. Trải qua năm năm như thế, một lòng hành trì không biếng trễ. Một hôm ngài cảm bịnh nhẹ, gọi đệ tử bảo rằng: “Tây phương tam thánh đã đến, thân tướng trang nghiêm, quang minh rực rỡ. Đức A Di Đà Thế Tôn trao cho ta áo Cà sa thơm đẹp. Hóa Phật hiện đầy khắp cả hư không. Các ông hãy cố gắng tinh tu, ta đi đây!” Nói xong ngồi chắp tay mà hóa. Mùi hương lạ thanh thoảng bảy ngày vẫn chưa tan.

Bấy giờ có, hai vị Pháp sư là Khải Phương, Viên Quả mục kích việc ấy, phát tâm về chùa Ngộ Chân ở huyện Lam Điền, kiết kỳ chuyên niệm Phật. Cả hai cùng bẻ một cành dương đem để trong tay tượng đức Quán Thế Âm, khấn rằng: “Nếu chúng con đồng được vãng sanh, xin nguyện cho cành cây nầy trong bảy ngày không héo”. Qua bảy hôm, cành dương đã không rũ héo mà còn thêm xanh tươi. Hai vị đều vui mừng từ đó ngày đêm quán niệm không biếng trễ. Trải qua năm tháng như thế, một hôm trong khi tịnh quán, cả hai đồng thấy mình đến ao báu ở Tây phương. Vô số hoa sen đẹp lạ đủ màu sắc đua tươi, phóng ánh sáng vi diệu. Giây phút Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đồng đến an tọa trên hai hoa sen báu lớn. Kế đó đức A Di Đà Thế Tôn từ hướng Tây bay đến, ngồi trên đóa sen cực to ở giữa hai vị Bồ Tát. Ánh sáng của hoa đẹp và Tam thánh dung hòa, nhiệm mầu rực rỡ. Khải Phương, Viên Quả đảnh lễ thưa rằng: “Kính bạch! Chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề y theo kinh niệm Phật, có được sanh về đây chăng?” Phật bảo: “Tùy theo nhân hạnh cao thấp, đều quyết định sẽ được sanh về Cực Lạc. Điều ấy các người chớ nên nghi ngờ!” Cả hai lại nghe Phật Thích Ca Mâu Ni cùng Văn Thù Bồ Tát đang khen ngợi kinh Pháp Hoa. Phía trước lại hiện ba đạo thềm báu đổ về liên trì, trên ấy có nhiều vị đang đi đến. Một con đường toàn là hàng bạch y ngoài đời. Một con đường xen lẫn người tăng kẻ tục. Một con đường chỉ có chư tăng ni. Các vị ấy đều nói: “Chúng tôi là những người niệm Phật mới sanh về đây!”

Sau khi xuất định, Khải Phương, Viên Quả thuật lại rành rẽ cảnh giới ấy cho đại chúng biết. Không bao lâu, hai vị Pháp sư đều được vãng sanh.


DUY NGẠN

Duy Ngạn Pháp sư, người Tinh Châu, bình sanh thường tu Phương Đẳng sám pháp và niệm Phật, hồi hướng cầu về Tịnh độ. Khi có hơi đau yếu, càng tinh tấn không xen hở.

Một ngày nọ, Pháp sư thấy hai vị Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí hiện thân giữa hư không. Ngài rập đầu đảnh lễ, sa nước mắt thưa: “Duyên may nhục nhãn được thấy thánh dung. Chỉ buồn cho người đời sau, không do đâu mà được biết kim tướng, cầu xin Bồ Tát từ bi gia hộ, cho ý nguyên con muốn hội họa tôn tượng được đạt thành!” Hôm sau, Pháp sư cho mời họa công đến, tả rõ sắc tướng hai vị Bồ Tát, song không ai vẽ được. Vừa đâu có hai người tự bảo mình từ Tây kinh đến, muốn qua non Ngũ Đài, nay gặp duyên, xin vẽ tượng hai vị Bồ Tát. Họa xong, thánh tướng tươi đẹp trang nghiêm, giống y như ngài Duy Ngạn đã thấy. Nhưng hai người ấy bỗng đi đâu mất.

Biết đó là hai vị Bồ Tát hóa thân gia hộ, và duyên Tịnh độ của mình cũng đã thành thục, Pháp sư cho họp hàng đệ tử lại bảo rằng: “Nay ta vãng sanh về Cực Lạc, có ai muốn cùng đi theo chăng?” Một đồng tử cúi lạy thưa: “Con xin đi theo sư phụ!” Ngài Duy Ngạn bảo nó trở về giã từ cha mẹ. Đồng tử vâng lời. Cả nhà thấy đứa bé nói như thế đều không tin, trách cho là lời bông đùa. Đồng tử không biện minh, lặng lẽ trở lại chùa tắm gội thay y phục, vào đạo tràng ngồi niệm Phật mà hóa. Pháp sư hay tin, đến vỗ vai nó và bảo: “Lành thay! Bé con đi trước ta ư?” Rồi xuống giảng đường lấy bút làm bài tán, đề nơi tượng hai vị Bồ Tát. Tán rằng:

Quán Âm xa đón từ Tây Cảnh
Thế Chí dìu đưa bước vãng sanh
Hóa Phật lòa Kim đỉnh
Thiên quan hiện bảo bình!
Cõi Phật mười phương đồng thưởng ngoạn
Đài sen chín phẩm tiếp hàm linh
Tay vàng thương xót đỡ
Dìu dắt đến Liên kinh!

Đề xong, từ biệt các đệ tử, vào đạo tràng lễ Phật, bảo chúng xướng hồng danh trợ niệm. Pháp sư ngồi kiết già niệm theo, giây phút chắp tay nhắm mắt mà hóa. Hưởng thọ được tám mươi tuổi.

Lúc ấy nhằm ngày mùng bảy tháng giêng, vào niên hiệu Thùy Cũng năm đầu đời Đường.


HOÀI NGỌC

Hoài Ngọc Pháp sư, họ Cao, người đời Đường, quê ở Đơn Khâu. Ngài giữ giới luật rất tinh nghiêm, mặc áo vải thô, ngài chỉ dùng một bữa ngọ, thường ngồi không nằm. Tuy suốt thông giáo lý, tiết hạnh thanh cao, song Pháp sư vẫn thường sám hối, mỗi ngày niệm Phật năm muôn câu, bình sanh tụng kinh A Di Đà được ba mươi vạn quyển.

Vào ngày mùng chín tháng sáu niên hiệu Thiên Bảo năm đầu, ngài nghe thấy tiếng thanh nhạc thanh thao, giữa hư không vô số tràng phan bảo cái trang nghiêm rực rỡ. Thánh chúng cõi Tây phương hiện thân nhiều như hằng sa. Trong ấy một vị bưng đài bạc đến trước đón rước. Pháp sư nói: “Hoài Ngọc một đời niệm Phật thề chiếm đài vàng, nay sao lại chẳng được như thế?” Thánh chúng cùng âm thanh sắc tượng liền ẩn mất. Từ đó ngài càng gia công tinh tấn.

Một hôm, Pháp sư nghe giữa hư không có tiếng gọi bảo: “Trên đầu đã hiện viên quang, xin khi trì niệm ngồi ngay kiết ấn để chờ Phật đến tiếp dẫn!” Trải ba ngày sau, quang minh lạ hiện ra càng lúc càng tăng, sáng rực cả thất Ngài bảo chúng: “Nếu nghe mùi hương thanh diệu tất báo duyên ta sắp mãn”. Liền nói kệ rằng:

Sạch trong sáng đẹp không trần cấu
Đài sen phẩm thượng là sanh mẫu
Luân chuyển tu hành trải mười kiếp
Sống ở Diêm Phù. nhàm các khổ
Một đời tinh tấn vượt mười kiếp
Ta Bà nhẹ thoát về liên độ.

Pháp sư nói kệ vừa xong, chư tăng nghe mùi hương lạ bát ngát. Tất cả nhìn lên, thấy thánh chúng hiện thân đầy khắp hư không. Đức A Di Đà, Quán Âm, Thế Chí thân sắc từ kim, ngồi tòa kim cương đến tiếp dẫn. Vô số tràng phan bảo cái lại hiện tiếng tiêu cầm mầu nhiệm trổi lên. Một vị thánh bưng đài vàng baỵ xuống đón rước. Pháp sư mỉm cười, từ giã đại chúng, chắp tay niệm Phật mà qua đời.

Nghe việc nầy, quan Thái thú bản quận là Đoàn Hoài Nhiên, làm bài kệ khen ngợi rằng:

Thầy ta một niệm lên Sơ Địa
Nhạc đón hai phen, phướn vạn tằng!
Trước thất hòe xưa sà nhánh biếc
Đài vàng máng nặng khiến nên chăng?


HUỆ NHỰT

Huệ Nhựt đại sư, họ Tân, người ở Đông Lai. Ngài đắc độ vào thuở vua Trung Tôn đời Đường. Bụổi thiếu thời, rất mến hạnh sang Tây Vức thỉnh kinh của Nghĩa Tịnh tam tạng.

Sau đó, đại sư theo thương khách nương thuyền vượt biển sang Ấn Độ. Trải qua ba năm ngài đến xứ Thiên Trúc, đi khắp nơi lễ thánh tích của Phật, và tìm thỉnh các bản kinh chữ Phạn. Cuộc hành trình ghi đậm nhiều kinh lịch gian khổ, khiến đại sư rất nhàm chán cõi Ta Bà. Do đó ngài tham phỏng khắp các vị Tam tạng Pháp sư ở Thiên Trúc, xem cõi nước nào thuần vui không khổ, và pháp hạnh nào mau được thấy Phật. Các vị ấy đềụ khuyên nên tu Tịnh độ, cầu về Cực Lạc. Đại sư đảnh lễ, nguyện xin tin nhận thật hành.

Cuộc du hành đưa ngài dần đến xứ Kiền Đà Ca thuộc miền Bắc Ấn Độ. Phía đông bắc thành vua nước ấy có tòa núi to, trên núi có đền thờ Bồ Tát Quán Thế Âm. Tương truyền, nếu kẻ nào đến được trước tượng đảnh lễ cầu thỉnh, Bồ Tát sẽ hiện thân dạy bảo cho những điều cần thiết. Đại sư đến nơi đảnh lễ bảy ngày, rồi tuyệt thực niệm thánh hiệu đại sĩ, liều chết cầu được ứng nghiệm. Tới đêm thứ bảy, Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân sắc tử kim cao hơn một trượng ngồi trên đài sen báu giữa hư không, duỗi cánh tay xuống xoa đầu ngài rồi bảo: “Ngươi muốn hoằng pháp, lợi mình lợi người, cần phát tâm niệm thánh hiệu đức A Di Đà, nguyện về thế giới Cực Lạc ở phương Tây. Khi đến cõi ấy sẽ thấy Phật và ta, được sự lợi ích lớn. Ngươi nên ý thức pháp mộn Tịnh độ rất mầu nhiệm, vượt hơn tất cả hạnh tu!” Nói xong, liền ẩn mất.

Lúc bấy giờ do tuyệt thực lâu, đại sư đã khổn bại. Nhưng sau khi nghe Bồ Tát dạy bảo, tinh thần ngài bỗng phấn chấn, sức khỏe lần phục hồi. Từ đó lòng đã kiên quyết, nguyện nhứt tâm hành trì không thối chuyển.

Sau khi ấy, ngài vượt ngọn Thông Lãnh, trở về Trung Quốc. Đến niên hiệu Khai Nguyên thứ bảy đời Đường, mới về tới Trường An. Cuộc hành trình trước sau kể có mười tám năm, trải qua hơn bảy mươi nước. Lúc vào kim điện triều kiến, dâng lên tượng Phật và các bản kinh, đại sư được vua tứ hiệu là Từ Mẫn tam tạng. Từ đó ngài tinh tấn niệm Phật, hoằng truyền về môn nầy, trứ tác quyển Vãng Sanh Tịnh Độ Tập lưu hành nơi đời.

Đến năm Thiên Bảo thứ bảy, đại sư viên tịch. Trước giờ lâm chung, ngài thấy hoa sen lớn hiện ra trước mặt, sáng chói rực rỡ như vầng mặt trời.


TÂY TRAI TỊNH ĐỘ THI

Nhật lặn lòng mơ hướng Lạc bang
Đường về quê thẳng tợ giây đàn!
Giữa trời nhạc đón nhiều thanh điệu
Trên nước sen chào mỗi sắc quang.
Cây bích cành dao trời báu lạ
Áo châu cơm ngọc cảnh vui nhàn.
Năm mươi niên trải nhiều luân lạc
Tiếp dẫn cha trao đại bảo tàng.

Mỗi đóa sen hàm một thánh thai
Cộng thành nở đẹp cánh hoa tươi.
Nơi thân anh lạc tùy tâm hiện
Đầy bát hương tô ứng niệm bày
Kim điện chói ngời mờ nhật nguyệt
Ngọc lâu sáng sạch tuyệt trần ai.
Pháp vương chỉ rõ đường chân đế
Ánh giác đài tâm tỏa rộng khơi.
Châu thành điện các, ngọc viên lâm
Ngồi đứng kinh hành đất bảo kim.
Xá lợi vang hòa tuyên diệu kệ
Tần dà thảnh thót trổi tiên âm.
Soi lòng tỏ ngộ vô sanh lý
Luyện tánh tròn linh bất động tâm
Chạm mắt nơi nơi đều Tịnh độ
Xưa nay trong sáng dứt suy tầm!

Cõi lành, câu Phật kết nhân duyên
Hai sáu thời gian giữ hiện tiền!
Mỗi xuống hoàng hôn thêm hướng niệm
Xa theo trời lặn đến Tây thiên.
Phật đà tay báu xin xoa đảnh
Đại sĩ thân vàng nguyện hóa duyên.
Chẳng mượn bào thai thành chất huyễn
Quê xưa đã sẵn ngọc trì liên.


TỀ HÀNG

Tề Hàng pháp sư, tự Đẳng Chí, họ Trầm, người ở Hồ Châu. Ngài xuất gia tại chùa Vĩnh Định, vào niên hiệu Thiên Bảo thứ tám đời Đường.

Pháp sư tánh tình trầm lặng sâu kín, thân tâm không quan thiệp đến việc đời, tông tích lánh xa trường danh lợi. Ngài thường ở riêng một tịnh thất, ngoài việc trì niệm, chuyên sớ giải các pho về Tướng tông. Đối với kinh Pháp Hoa lại liễu ngộ rất tinh tường, ít người sánh kịp. Quanh năm một thân một bóng, chỉ lo việc sớ kinh tu niệm, trong thất hằng lặng lẽ dường như không người.

Sau ngài ra thất, chủ trì các giới đàn ở Tô Châu, Hồ Châu. Đến năm Đại Lịch thứ mười, lại dự vào đạo tràng niệm Phật ở Lưu Thủy. Đang khi khóa tụng, trong khoảnh khắc tĩnh tâm, Pháp sư thấy rõ cảnh tướng trang nghiêm ở Tịnh độ. Liền làm bài ca rằng:

Lưu Thủy nước động chừ, sóng gợn lăn tăn
Hoa sen vô số chừ, sáng đẹp muôn vầng!
Một niệm trong lặng chừ, tức tâm
Tịnh độ Quang đài về Tây chừ, ấy ai lương bằng?

Không bao lâu Pháp sư vương bịnh, gọi đệ tử bảo: “Nhiều chim, đẹp lạ từ hư không bay xuống, liệng quanh trước ta, các ông có thấy chăng?” Đệ tử hỏi: “Hòa thượng sắp xả thọ, tại sao lại mang bịnh?” Ngài đáp: “Thân huyễn phải suy tàn, dù bậc thánh cũng không khỏi!” Rồi xây mình ngồi chắp tay trước thánh tượng niệm Phật mà tịch. Thọ được 68 tuổi.


TỰ GIÁC

Đời Đường, Thích Tự Giác, người Bác Lăng, xuất gia tại chùa Khai Nguyên lúc còn trẻ. Niên hiệu Trí Đức thứ hai, sư sang chùa Thiền Pháp ở huyện Linh Thọ, học tập kinh luật luận. Trải chín năm cần khổ, hạnh giải đều đến chỗ tinh vi.

Niên hiệu Đại Lịch năm đầu, Tự Giác qua huyện Bình Sơn, ngụ tại Trùng Lâm Viện ẩn tu niệm Phật. Từ đó, mỗi ngày sư chỉ dùng một bữa ngọ, cơm rau áo vải, sự ăn mặc rất là thanh đạm. Gặp năm trời hạn lâu, quan Tiết độ sứ ở Hằng Dương là Trương công nghe tiết hạnh sư, tự thân vào núi thỉnh cầu đảo võ. Tự Giác thành tâm tụng niệm, khẩn cáo với chư vị long thần. Nhiều cơn mưa to liền tiếp tục rơi xuống. Trương công cùng dân chúng đều cảm đức mến trọng.

Ban sơ Tự Giác muốn đúc tượng Đại Bi Quán Âm, và xây dựng chùa. Sau cơ hội đảo võ, của đàn tín đến nhiều, sư mới thật hành bản nguyện, tạo tượng Bồ Tát cao 49 thước, phạm tướng rất nghiêm đẹp. Đến cuối năm ấy, ngôi chùa cũng lạc thành. Mọi việc an bài, Tự Giác lên bảo điện quỳ phát nguyện, xin nhờ Phật lực được sớm sanh về Tịnh độ. Đến canh ba, sư thấy kim quang chiếu đến rực rỡ, Tây phương tam thánh hiện trong ánh sáng, đức A Di Đà Thế Tôn đưa tay vàng xoa đầu Tự Giác và bảo: “Giữ chí chớ đổi, lợi sanh trước tiên, hoa sen ao báu, sẽ hợp tâm nguyện!”

Đêm rằm tháng hai năm Trinh Nguyên thứ mười một, sư thấy thần nhơn hiện nửa mình trong mây, cúi xuống gọi bảo: “Hạn kỳ Tây quy đã đến, nên sớm chuẩn bị!” Tự Giác chắp tay đưa lên tỏ dấu tạ ơn. Đến ngày 14 tháng sáu, sư từ biệt chung, lên chánh điện ngồi trước tượng Quán Âm, niệm Phật mà qua đời.

Tượng Đại Bi Bồ Tát của sư tạo, mọi người cầu nguyện đều được ứng nghiệm. Đầu niên hiệu Hiển Đức đời nhà Châu, Võ đế sắc lịnh hủy phá tất cả tượng đồng trong dân gian. Khi thợ phá đến tôn tượng nầy, tất cả đều bị uổng tử. Đen đời nhà Tống, Thái Tổ sắc lịnh đúc lại tượng ấy tại ngôi chùa cũ.


TRI TUYỀN

Tuyền pháp sư, tự Hậu Giác, họ Trần, người ở Châu, huyện Hồng Nhã. Năm lên bảy tuổi vào tiết xuân thấy cây hoa trước nhà đang tươi nở, nội tổ bảo vịnh một bài thi, ngài liền khẩu chiếm rằng:

Hoa nở đầy cây hồng
Hoa rụng muôn cành không.
Chi còn lưu một đóa
Ngày mai theo gió đông!

Nội tổ nghe xong chẳng vui bảo: “Ta hy vọng lớn lên sẽ đoạt khôi nguyên, nối giòng khoa hoạn, nào ngờ ý hướng mi lại vào chốn không môn!” Lại một hôm, ngài theo mẹ đến chùa Ninh Di nghe giảng kinh Niết Bàn, liền thông suốt dường như đã học tập sẵn từ kiếp trước. Đêm ấy, năm mơ thấy Phật đưa cánh tay sắc vàng xoa nơi đảnh đâu. Năm mười một tuổi ngài xuất gia. Thầy dạy cho kinh luật luận, đều thông đạt đến chỗ mầu nhiệm. Năm mười ba tuổi đã lên pháp tòa giảng kinh, hàng tín chúng xuất gia đều tín phục.

Triều Tuyên Tôn đời Đường, Pháp sư được sắc chỉ vời đến kinh đô. Sau cuộc hỏi đạo, vua cả đẹp, ban cho, áo Từ ca sa. Ngài tâu xin trùng tu các ngôi chùa hư phế trong thiên hạ, được chuẩn tấu. Kế đó Pháp sư trở về non cũ tu hành.

Lúc ở kinh sư, trọ nơi ngôi chùa nọ, ngài có quen với một vị tăng. Vị ấy mang bịnh cùi, đại chúng đều xa lánh, riêng Pháp sư vẫn thân hậu không tỏ vẻ chán, lại thường săn sóc hỏi han. Lúc chia tay, vị tăng cảm mến hạnh, căn dặn rằng: “Ngày sau ông gặp nạn, nên tìm tôi nơi Cửu Lũng Sơn, tại Bành Châu, đất Tây Thục. Chỗ tôi trú là ngôi chùa ở gần hai bên cội thông cao lớn!”

Triều Hy Tôn, Pháp sư lại được triệu đến kinh đô, trụ trì chùa An Quốc. Vua mến trọng đạo đức, phong cho ngài hiệu là Ngộ Đạt quốc sư. Đến triều Ý Tôn, ân sùng lại càng hậu, vua thân lâm pháp tịch nghe giảng kinh, ban cho ngài tòa trầm hương để ngồi. Từ đó, nơi đầu gối của Pháp sư bỗng sanh ra ghẻ mặt người, đủ cả mày, mắt, mũi, miệng, răng. Đem vật thực đưa cho, ghẻ há miệng mà ăn, giống như người không khác. Các danh y đếu bó tay, không chữa trị được. Đang lúc đau đớn, Pháp sư bỗng nhớ lời vị tăng khi trước, liền rời chùa đi tìm. Đến Cửu Lũng Sơn, sắc trời đã tối ngài còn đang bàng hoàng nhìn xung quanh, bỗng thấy hai cội thông cao to ẩn xa xa trong vùng mây khói, liền rảo bước đến. Tới nơi, gặp ngôi già lam rất lớn, lầu cao điện rộng, màu kim sắc bích ánh sáng giao xen, vị tăng khi xưa đứng đón chờ nơi cổng. Sau khi mừng rỡ hỏi chào, vào chùa uống trà tiếp chuyện, Pháp sư đem cảnh bịnh khổ tỏ bày. Vị tăng bảo: “Không ngại chi, bên chùa có dòng suối, sáng ngày ra đó rửa, tất sẽ được lành!” Rạng mai, vị tăng sai đồng tử dẫn Pháp sư ra suối. Khi ngài sắp vốc nước để rửa, bỗng nghe ghẻ mặt người nói: “Hãy khoan! Ngài là bậc thức đạt sâu xa, từng đọc các sách thời Tây Hán, có nhớ chuyện Viên Án và Triều Thố chăng?” Pháp sư đáp: “Đã có đọc qua”. Ghẻ nhơn diện nói tiếp: “Ngài từng biết Viên Án tâu xin chém ngang lưng Triều Thố nơi cửa chợ đông, sự oan ức ấy là thế nào rồi chứ! Ngài là thân sau của Viên Án, còn Triều Thố là tiền kiếp của tôi. Từ đó đến nay, tôi mãi theo ngài để chờ dịp báo thù. Nhưng trải qua mười kiếp, ngài đều làm cao tăng, giới hạnh tinh nghiêm, nên tôi không báo oán được. Kiếp nầy ngài thọ ân sủng của vua quá hậu, móng khởi niệm lợi danh, đối với đức hạnh có tổn, nên tôi mới được dịp làm hại. Nay nhờ bậc thánh tăng là Ca Nặc Ca Tôn giả dùng nước tam muội rửa sạch tiền khiên, nên tôi cùng ngài từ đây về sau không còn oan trái nữa!” Pháp sư nghe qua kinh động, hồn bất phụ thể, vội vốc nước lên rửa, cảm thấy đau nhức tận xương tủy, liền ngã xuống chết giấc. Giây lâu rồi tỉnh, nhìn lại ghẻ nhơn diện đã biến mất, chỗ đầu gối lành lặn như xưa. Trông khắp xung quanh, ngôi chùa, hai gốc thông, cả dòng suối đều ẩn dạng. Ngài ngẫm nghĩ biết vị tăng đó là A la hán Ca Nặc Ca, cảnh trí ấy do sức thần thông của Tôn giả hóa hiện. Pháp sư cảm ân cứu độ, lập ngôi am tại đây để lưu niệm, về sau lần lần thành cảnh chùa to. Đến đời nhà Tống được vua sắc phong là Chí Đức Thiền Tự. Nhắc đến sự việc nầy, hậu nhơn có thi bình luận rằng:

Bầu non Cửu Lũng tìm tri thức,
Dưới cội song tùng gặp Nặc Ca
Lành dữ đến đầu, khôn lần tránh,
Khuyên ai đừng kết, giải oan gia!

Sau khi ấy, Ngộ Đạt quốc sư hồi kinh. Xót vì nợ tiền khiên đeo đẳng, Pháp sư soạn ra bộ Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, để hằng ngày tự sám hối. Ngài nghĩ lo sợ mình đã mười kiếp làm cao tăng, tham thiền lễ tụng, mà không giải được túc nghiệp, liền phát tâm niệm Phật hồi hướng cầu sanh về Cực Lạc. Pháp sư tánh thiểu dục, biết vừa đủ, quá ngọ không ăn, sáu thời hành đạo. Vì thế nên hằng cảm được điềm lành. Một hôm, ngài nghe giữa hư không có tiếng bảo: “Quyết định được sanh về Cực Lạc!” Hỏi ai nói, đáp là Phật. Lại một hôm trong cơn định, ngài thấy có vị Bồ Tát tướng đẹp trang nghiêm giáng xuống giữa sân, dặn dò khen ngợi và thuyết pháp rất mầu. Phủ dụ. xong, đại sĩ liền ẩn mất.

Lúc lâm chung, Pháp sư di chúc dạy đem bỏ tử thi bố thí cho loài chim cá, và nói: “Từ lâu ta đã ước hẹn ngày về Tây phương Tịnh độ, nay đã đến thời”. Nói xong, nằm nghiêng, bên phải, day mặt về Tây mà tịch. Thọ được 73 tuổi.


HÙNG TUẤN

Sư Hùng Tuấn, họ Châu, người Thành Đô, giảng thuyết hay, nhưng không giới hạnh. Sau ông hoàn tục theo quân ngũ, rồi cạo tóc trở lại làm tăng. Xét bổn phận mình, sư cũng biết hổ thẹn ăn năn, nên thường niệm Phật.

Trong niên hiệu Đại Lịch đời Đường, Hùng Tuấn đau bịnh chết ngất, thần hồn xuống âm phủ. Diêm chúa quở trách, sai quỉ áp giải vào địa ngục. Sư kêu to lên rằng: “Trong Quán kinh nói: kẻ tạo tội ngũ nghịch, khi sắp chết niệm Phật mười niệm cũng được vãng sanh. Tôi tuy tạo tội, song không phạm ngũ nghịch, cứ theo công quả niệm Phật, đáng được sanh về Tịnh độ. Nếu chẳng thế, thì chư Phật trong ba đời đều thành vọng ngữ!” Nói xong chắp tay niệm Phật, bỗng thấy bảo đài ánh sáng hiện giữa hư không, Diêm chúa liền tha cho về để tiếp tục tu niệm.

Sau khi sống lại, Hùng Tuấn liền vào Tây Sơn chuyên tâm trì niệm. Được bốn năm, một hôm sư từ biệt đại chúng, ngồi chắp tay niệm Phật mà vãng sanh.


DUY CUNG

Đời Đường, sư Duy Cung người ờ Kinh Châu, giới hạnh kém, thường uống rượu đánh bạc. Lúc rảnh cũng tụng niệm, hồi hướng cầu về An Dưỡng. Trong chùa có sư Linh Quy thường a dua bắt trước theo. Hàng lân lý thấy thế, đặt lời hát rằng: “Duy Cung tạo nghiệp dữ. Linh Quy là bạn lữ. Địa ngục muôn từng vào. Đừng trách chi quỉ sứ!”

Duy Cung nghe được, nói: “Mỗ tuy tạo tội, song nương nhờ Phật lực mười niệm vãng sanh, há lại đọa ác đạo ư?” Một hôm sư đau bịnh, Linh Quy có việc ra khỏi chùa, thấy hai thiếu niên, một vị tay cầm nhạc khí. Hỏi từ đâu đến, đáp rằng: “Chúng ta từ Tây phương tới đón rước Cung thượng nhơn!” Vị kia lấy trong áo ra một hoa sen, cánh hoa khép mở buông tỏa ánh sáng lạ. Cả hai hướng về chùa rảo bước.

Linh Quy đứng bồi hồi suy nghĩ, rồi vội vã trở lại chùa. Vừa đến cửa đã nghe tin Duy Cung mãn phần. Nhân đó sư cảm ngộ sám hối, chí thiết tu hành, sau thành một bậc danh đức.


CHÍ THÔNG

Thích Chí Thông, họ Trương, người đợi Thạch Tấn, quê ở Phụng Dương. Sau khi xuất gia, sư vân du miền Lạc Hạ, gặp Tam tạng Phạ Nhựt Ra, liền đảnh lễ thừa sự theo học giáo Pháp Du Già.

Thời Văn Mục Vương, Chí Thông lại đông du sang miền Ngô Việt, vào núi Thiên Thai viếng đạo tràng của ngài Trí Giả. Xem truyện Tịnh Độ Linh Thoại, sư phát nguyện niệm Phật cầu sanh về Cực Lạc. Từ đó lập hạnh ngồi không xây lưng về hướng Tây, không day về phương Tây khạc nhổ. Một hôm Chí Thông lên gộp đá Chiêu Thủ Nham ở phía núi gần chùa, tụng 48 đại nguyện của Phật, nguyện mau sanh về Tịnh độ, rồi gieo mình xuống. Nhưng thân hình lại rơi nhằm các cành cây có giây leo giăng quấn mềm mại, nên không bị tổn. Sư lại trèo lên chỗ cũ, thề rằng: “Nguyện rộng lớn đã phát, kiếp sống thừa đáng nhàm! Cúi mong thánh chúng đồng đến tiếp dẫn!” Nói xong, lại gieo mình rơi xuống nhằm cỏ dầy rậm, thân hơi xây xát, bị bất tĩnh. Giây lâu hồi sinh, vừa lúc chúng tăng tìm đến, dìu đỡ về chùa.

Khi sức khỏe bình thường, Chí Thông nghĩ mình tịnh duyên chưa thành thục, nếu liều thân e trái với lý nhân quả, nên sang Việt Châu, vào núi Pháp Hoa, chuyên tâm niệm Phật, về sau, lúc đang tịnh tu, sư thấy chim bạch hạc, khổng tước giăng thành hàng bay đến. Kế lại thấy hoa sen to đẹp sáng chói rực rỡ, khép nở trước mặt. Sư họp chúng thuật lại điềm ấy và bảo: “Bạch hạc, khổng tước là cảnh Cực Lạc, hoa sen ánh sáng là duyên thọ sanh. Nay tịnh nghiệp của tôi đã thành, nên tướng Tịnh độ ứng hiện. Xin giã biệt đại chúng, nguyện đồng nên tinh tấn tu hành”. Nói xong, lên đại điện hành lễ niệm Phật, ngồi chắp tay mà hóa. Khi trà tỳ có mây lành năm sắc đoanh vây trên ngọn lửa. Thiêu hóa xong, chúng kiểm điểm thấy Xá lợi rất nhiều.


NGỘ ÂN

Ngộ Ân pháp sư, tự Tu Kỷ,, họ Lộ, quê ở Thượng Thục. Năm lên mười ba tuổi, ngài nghe tụng kinh A Di Đà, lòng bỗng cảm ngộ, liền vào chùa Hưng Phước cầu xin xuất gia.

Niên hiệu Trường Hưng thời Hậu Đường, Pháp sư qua chùa Huệ Tụ ở Côn Sơn học Nam Sơn luật, và nghe giảng các kinh Pháp Hoa, Kim Quang Minh, Luận Chỉ Quán. Do đó, huệ giải của ngài lần lần đến chỗ tinh vi. Pháp sư nghiêm trì giới luật, ngày chỉ dùng một bữa ngọ, không lìa y bát, chẳng giữ hóa vật tiền tài. Khi nằm thì, nghiêng về bên mặt, ngồi tất đoan chỉnh kiết già. Mỗi kỳ Bố tát, thường ngậm ngùi rơi lệ, khuyên dạy chúng pháp Viện đốn nhứt thừa va Tây phương tịnh nghiệp. Ngài sở đắc về kinh Pháp Hoa, nên mở khóa giảng diễn bộ ấy hơn hai mươi lượt.

Niên hiệu Ung Hy thứ ba đời Tống, vào đêm rằm tháng tám Pháp sư thấy một đạo bạch quang từ dưới giếng bay lên cao. Ngài liền họp môn nhơn lại bảo: “Bạch quang bay lên hướng về Tây, là điềm báo thân ta sắp mãn!” Rồi tịnh khẩu tuyệt thực, một lòng niệm Phật. Mấy hôm sau, mộng thấy một vị sa môn bưng kim lư hương thơm bay tỏa, đi nhiễu quanh thất ba vòng và nói: “Ta là Quán Đảnh đã sanh về Tịnh độ, nay vì mến trọng hạnh tu của ông, nên đến đây đón rước!” Tỉnh giấc, Pháp sư gọi các đệ tử tới, chúng còn nghe mùi hương lạ bay thoảng. Đến ngày hai mươi lăm, Pháp sư họp chúng giảng cặn kẽ về lý Nhứt tâm tam quán. Giảng xong, ngồi nghiêm chỉnh day mặt về Tây mà hóa. Thọ được 75 tuổi.

Lúc ấy đại chúng đồng nghe tiếng quản huyền thanh tao dìu dặt nổi lên giữa hư không. Giây lâu nhã nhạc mới lần lần ẩn mất về phương Tây. Khi trà tỳ, được Xá lợi vô số. Văn Bị Pháp sư, ,đệ tử của ngài, lãnh hội hết huyên lý nơi thầy, tọa vong niệm Phật ba mươi năm. Niên hiệu Ưng Hy thứ hai, trước khi thầy tịch một năm, sư cảm bịnh nhẹ tướng Tịnh độ hiện ra trước mắt, ngồi nghiêm chỉnh mà vãng sanh.


TRI LỄ

Tri Lễ đại sư, tự Ước Ngôn, người đời Tống, con nhà họ Kim ở Minh Châu. Cha mẹ lễ Phật cầu tự, mộng thấy thần tăng bồng một đứa bé trao cho và bảo: “Đây là Phật tử La Hầu La. Nên trân trọng!” Không bao lâu, đại sư đản sanh.

Năm lên bảy tuổi, ngài mất mẹ, thương khóc mãi, rồi thưa với cha cầu xin xuất gia. Từ đó, ngài đắc độ với Hồng Tuyển thượng nhơn tại chùa Hưng Quốc ở Thái Bình. Được vài năm, đến chùa Bảo Vân nương theo Nghĩa Thông Pháp sư học về Thiên Thai giáo quán, một phen nghe qua, tỏ suốt ý nghĩa viên đốn. Trong niên hiệu Thuần Hóa, Thông Pháp sư quy tịch, ngài được thỉnh làm tọa chủ chùa Càn Phù. Kế đó lại đến viện Bảo Ân, hoằng dương về giáo quán, học chúng các nơi nghe danh hội về đông đảo.

Vùng Minh Châu bị hạn lâu, đại sư cùng ngài Từ Vân họp nhau tu Quang Minh sám pháp, hẹn nếu ba ngày không mưa, sẽ tự đốt một cánh tay. Đúng kỳ hạn, quả nhiên mưa to tiếp tục đổ xuống. Trong ba năm, từ niên hiệu Đại Trung đến Tường Phù, ngài trùng kiến điện Bảo Ân. Khi lạc thành, được vua ban cho hiệu: Sắc Tứ Diên Khánh Tự. Năm Tường Phù thứ sáu, đại sư lập hội Niệm Phật Thí Giới, thân làm sớ văn để khuyên răng:

“Vẫn nghe: Một niệm dung thông, muôn pháp không ngại, nhân gây có khác, quả cảm thành sai. Cho nên, thuận tánh tu hành, thì hiện mười phương Tịnh độ. Theo tình tạo nghiệp, tất trôi sáu nẻo luân hồi! Xét nghĩ cành duyên ở Ta Bà, phần giải thoát rất kém ít khó khăn, số đọa lạc lại dễ dàng đông đảo. Nên kinh nói: “Được thân người như đất ở móng tay, đọa đường ác như đất miền đại địa!” Tu đến ba thừa hạnh đủ, mới lìa bốn loại thọ sanh. Bởi trần cảnh mạnh thô, não phiền lừng lẫy, tự lực giải thoát, phỏng được bao người? Nếu sanh về Cực Lạc, thì cõi nước trang nghiêm, thân tâm thanh tịnh, thẳng đường thành Phật, chẳng đọa tam đồ. Kinh nói: “Danh từ ác đạo còn không, huống chi có thật!” Lại bảo: “Chúng hữu tình sanh về nơi đây, đều là bậc A bệ bạt trí ’. Cho nên, muốn về An Dưỡng, phải niệm Di Đà, tu hạnh tinh tấn từ bi, tất được Phật nguyện nhiếp thọ. Đến khi xả báo thân, quyết sanh về Cực Lạc, đúng như lời kinh dạy, chẳng dám tự đặt bày.

Nay kết muôn người, để làm một xã, lòng lòng khẩn niệm, buổi buổi hạn kỳ. Mỗi tiết trọng xuân, họp về một chỗ, đồng nghe Phật pháp, đồng tu cúng dường, hiệp muôn lòng làm một chí, thành tịnh nghiệp thệ vãng sanh. Huống nữa mạng người trong kiếp trược, như ngọn đuốc giữa phong sương, một hơi thở chẳng vào, ba nẻo đường hiện trước. Đâu nên tự buông lung, không nghĩ điều nghiệp báo. Phải gắng theo lời Phật, chớ thuận với tình đời. Duyên trần nguyện dứt kể từ nay, hiệu Phật chuyên trì đừng thối chuyển”.

Từ đó, mỗi năm vào ngày rằm tháng hai, chúng liên hữu đều câu hội lại chùa đồng tu tịnh nghiệp. Đại sư từng họp mười vị tăng, cùng tu Pháp Hoa sám pháp ba năm, hẹn ngày hoàn mãn, sẽ tự thiêu để cúng dường kinh và cầu sanh Tịnh độ. Đến kỳ bị chúng cực lực ngăn trở, nên chí nguyện không thành. Sau ngài lại họp mười vị tăng, đồng tu Đại Bi sám ba năm, đốt ba ngón tay cúng dường Phật. Niên hiệu Thiên Hy thứ tư, Phò mã Lý Tuân Học Háng sớ tâu trình về cao hạnh của ngài, vua sắc phong cho hiệu là Pháp Trí đại sư, dạỵ nên trụ thế để hoằng dương chánh giác. Đại sư nghĩ chư Tổ đời trước, khi xiển dương Tịnh độ, phần nhiều nói về sự tướng, ít chỉ dạy quán môn, nên duy tạm ứng thời cơ, chưa tỏ cùng tột lý viên đốn. Nhân đó, ngài soạn ra bộ Diệu Tông Sao gồm vài muôn lời, giải nói cùng cực lý u ẩn nhiệm mầu của Quán kinh, theo tông chỉ Thiên Thai giáo quán.

Đến năm Thiên Thánh, đại sư dựng ngôi Nhật Quán Âm, thường đến đó quán tưởng để cầu sanh Tây phương.

Về sau, khi khóa giảng kinh Duy Ma Cật hoàn mãn, ngài qụyết biệt đại chúng, giao giảng tòa lại cho hàng cao đệ là Tổ Thiều, làm thi tạ duyên hẹn kỳ quy tịch. Năm sau, vào đầu niên hiệu Đạo Nguyên, ngày mùng tám tháng mười, đại sư nhiễm bịnh, khước từ thuốc thang, họp chúng lại nói lược về pháp yếu. Kế đó ngài dạy thỉnh tượng Tây phương tam thánh đến đảnh lễ, rồi đốt hương quỳ chúc nguyện với Đại Bồ Tát rằng: “Con xét thấy Quán Thế Âm Bồ Tát, ngàn trước không từ đâu đến, muôn sau cũng chẳng về đâu, cùng mười phương chư Phật, đồng trụ nơi thật tế. Nguyện xin cùng Phật và Đại Thế Chí Bồ Tát, chứng minh một nén hương của con, trước khi con về Cực Lạc!” Đến chiều tối, đại sư sửa oai nghi ngồi nghiêm hướng về Tây. Chúng hỏi: “Tôn đức sẽ sanh nơi nào?” Đáp: “Thường tịch quang tịnh độ!” Rồi im lặng thoát hóa, thọ 69 tuổi. Lúc ấy nhiềụ người thấy ngôi sao to rơi xuống đỉnh Linh Thứu Phong, ánh hồng quang rự rỡ.


HUỆ TÀI

Đời Tống, Huệ Tài Pháp sư, họ Vương, quê ở Lạc Thanh, huyện Vĩnh Gia. Ngài đắc độ vào đầu nam Tường Phù. Mới mười ba tuổi, vì hạnh giải ưu, được chư tôn túc cho thọ đại giới. Xong, lại đến tham học với ngài Tứ Minh.

Tuy thông tuệ, nhưng Pháp sư còn thẹn mình căn độn chưa đi đến chỗ triệt ngộ, nên thường trì chú Đại bi. Một đêm, ngài mộng thấy vị Phạm tăng cao vài trượng, cởi áo ca sa đắp lên mình. Tỉnh dậv, bỗng khoát nhiên tỏ ngộ, những học vấn từ trước đều suốt thông đến chỗ diệu huyền. Sáng ra, ngài lên tòa diễn giảng, tùy hỏi tùy đáp, lời nói viên dung tuôn tràn như suối chảy, về sau, Pháp sư đến yết kiến Từ Vân sám chủ, được mong ấn khả, sớm hôm siêng cần phục dịch, hết mực chí thành. Đầu năm Trị Bình, ngài trụ trì ngôi Pháp Huệ Bảo Các, được vua tứ hiệu là Quảng Từ. Không bao lâu, lại lui về ẩn tu dưới tháp Lôi Phong.

Để tỏ sức kiên thành, Pháp sư thường đứng một chân tụng 108 biến chú Đại bi, lấy đó làm nhựt khóa. Ngài lại từng đứng co chân một ngày đêm niệm thánh hiệu A Di Đà. Đêm nọ, Pháp sư nằm mơ thấy mình đến cảnh lầu các châu báu, nghe có tiếng bảo: “Ông sẽ được sanh về trung phẩm ở Tịnh độ!”

Mùa xuân, niên hiệu Nguyên Phong năm đầu, ngài truyền Bồ Tát giới cho hàng đạo tục gồm một ngàn người tại cảnh tịnh viện tháp Lôi Phong. Đang đi làm phép yết ma truyền giới, nơi đảnh tượng đức Quán Thế Âm bỗng phóng quang minh rực rỡ, lấn áp lu mờ cả ánh sáng đèn nến và mặt trời. Thủ Nhất thiền sư ở chùa Tịnh Từ nghe chuyện ấy, có làm bài Giới quang ký.

Niên hiệu Nguyên Phong thứ sáu, vào ngày 21 tháng năm, Pháp sư đắp y lên tòa ngồi, viết bài kệ khen Phật xong, gọi chúng bảo: “Tôi quyết định được sanh về Tịnh độ!” Rồi ngồi yên mà hóa, thọ 86 tuổi.


TÔNG TRÁCH

Tông Trách thiền sư, người ở Tương Dương, mồ côi cha thuở còn bé. Mẹ là Trần thị, bồng về nương ở nhà người cậu nuôi cho đến khôn lớn. Lúc thiếu thời ngài học Nhọ, rộng thông các sách thế tục. Khi đến 29 tuổi, lễ Trường Lô Tú thiền sư cầu xin xuất gia. Sau thời gian học tập kinh luật, ngài tham thiền chưa bao lâu đã đến cảnh giới đại triệt đại ngộ.

Trong niên hiệu Nguyên Hựu đời Tốrig, thiền sư được thầy truyền y bát, giao cho trụ trì chùa Trường Lô. Nghĩ đến công sanh dưỡng, ngài lập ngôi tịnh thất ở phía đông phương trượng, rước mẹ về phụng dưỡng. Kế đó, thiền sư họp chung làm lễ xuống tóc xuất gia cho thân mẫu, khuyên bà chuyên tâm niệm Phật., Bảy năm sau, một đêm ngài nằm mơ thấy thân mẫu sắc tướng tươi đẹp trong sáng như ngọc. Sáng ra, khi thiền sư sang thăm viếng, bà mẹ bảo: “Hôm nay, tôi được Phật tiếp dẫn về Cực Lạc!” Rồi trong trạng thái không bịnh, bà ngồi niệm Phật mà vãng sanh.

Từ đó, bước đạo đã vững, ân sâu đã đền, nghĩ đến sự độ sanh, thiền sư tuân theo quỵ củ ở Lô Sơn, chiêu tập số đông tăng tục, lập ra Liên Hoa Thắng Hội. Theo pháp nghi tu hành, các liên hữu trước tiên quán tưởng, kế đó trì danh, và sau hồi hướng phát nguyện cầụ sanh Cực Lạc. Ngài có làm bài văn khuyến đạo như sau:.

“Mãng nghe: Lấy tâm có niệm mà niệm Phật, lấy sự có sanh để cầu sanh, là chỗ sơ thất của người chấp Thường. Cho không niệm Phật là vô niệm, cho không cầu sanh là vô sanh, là điều lầm lạc của hàng Tà kiến. Niệm Di Đà mà không niệm, sanh Cực Lạc mà không sanh, đó mới là đệ nhất nghĩa môn.

Thế nên, chỗ lý thật tế, tất không vương nhiễm một mảy trần. Dù niệm Phật cầu sanh, trên không thấy thật có Phật Di Đà để niệm, dưới không chấp thật có cảnh Tịnh độ để sanh. Bởi Phật tướng và tịnh cảnh đều là chân không như huyễn. Nhưng trong hành môn Phật sự, quyết chẳng thể bỏ một pháp. Cho nên nhiếp các căn để trì danh, chính là yếu thuật về nguồn, là Niệm Phật tam muội, là mở đường vãng sanh lên ngôi Bất thối vậy. Biết được lý nầy, tuy trọn ngày niệm Phật, vẫn không trái với ý nghĩa vô niệm. Tuy hớn hở cầu sanh, mà thích hợp với tông chỉ vô sanh. Rõ được nghĩa đây, thì phàm cùng thánh đều ở ngôi vị của mình, mà đạo cảm ứng giao thông. Đông và Tây chẳng qua lại nhau, mà thức thần về định cảnh.

Kinh dạy: “Nếu kẻ nào nghe nói A Di Đà Phật, niệm giữ danh hiệu, cho đến … người ấy khi lâm chung lòng không điên đảo, liền được sanh về quốc độ Cực Lạc của Phật A Di Đà”. Xét nghĩ: Đức Thích Ca với Di Đà, tuy chia ra hai môn Chiết phục và Nhiếp thọ hiện ở hai cảnh uế độ cùng Tịnh bang, đâu phải bản ý hai ngài cho cảnh Cực Lạc báu mầu là đáng ưa, cảnh Ta Bà nhơ ác là đáng chán! Ấy cũng bởi, kẻ mới phát tâm vào đạo, sức an nhẫn chưa thuần, nên phải quyền mở cảnh đẹp vui, để làm duyên tăng tiến đó thôi!

Tại sao thế? Ở Ta Bà quốc độ, đức Thích Ca đã nhập diệt, Phật Di Lặc chưa giáng sanh. Miền Cực Lạc liên bang, đấng A Di Đà Thế Tôn hiện đang thuyết pháp. Ở Ta Bà quốc độ, đức Quán Âm, Thế Chí, luống khát ngưỡng danh lành. Miền Cực Lạc liên bang, hai vị Bồ Tát trên, đều là bạn tốt. Ở Ta Bà quốc độ, các ma khuấy động, làm não loạn người tu. Miền Cực Lạc liên bang, trong ánh đại quang minh, quyết không ma sự. Ở Ta Bà quốc độ, tiếng tà khiến loạn, sắc đẹp mê tâm. Miền Cực Lạc liên bang, chim nước rừng cây đều tuyên pháp diệu. Chánh báo và Y báo nơi ấy đều đẹp mầu thanh tịnh, không có người nữ, toàn chất kỳ trân. Thế thì duyên tu hành dễ thuận, không chi hơn cõi Tây phương! Tiếc cho những kẻ cạn hẹp đức tin, lầm lạc sanh tâm nghi báng! Xin lấy theo thường tình sau đây để nghị luận:

Người mộ đạo ở phương nầy, ai chẳng thích cảnh chùa am yên tĩnh, chán nơi nhà tục rộn phiền? Cho nên khi thấy có kẻ nào bỏ tục xuất gia, thì ân cần khen ngợi! Nhưng nỗi khổ ở Ta Bà, đâu chỉ những sự rộn phiền của nhà tục; niềm vui miền Cực Lạc, há duy riêng cảnh thanh tĩnh ở chùa am? Biết xuất gia là tốt, mà không nguyện vãng sanh, đó là điều lầm thứ nhứt. Ở cõi nầy, người học đạo muôn dặm nhọc siêng, đi xa tìm bậc tri thức, để cầu tỏ ngộ huyền tâm, giải quyết sự sống chết. Nơi miền kia, đức A Di Đà Thế Tôn nghiệp sắc tâm thù thắng, sức bi nguyện rộng sâu, một phen diễn nói viên âm, người nghe đều tỏ ngộ. Chẳng nài xa nhọc tham phỏng bậc tri thức, mà không muốn cầu vãng sanh để thấy Phật, đó điều lầm thứ hai. Ở cõi nầy, người học đạo đều ưa chung ở cảnh tồng lâm pháp quyến đông nhiều, những chùa chiền ít chúng thì không muốn nương tựa. Nơi miền kia bậc Nhứt sanh bổ xứ rất đông đảo, các hàng Thượng thiện nhơn đều hội về một nơi. Muốn gần gũi tòng lâm, mà không mến hải chứng thanh tịnh, đó là điều lầm thứ ba. Ở cõi này, tuổi thượng thọ không quá một trăm, xét dại khi thơ ấu dại khờ, lúc suy già yếu, sự hôn mê ngủ nghỉ, đã chiếm hơn phân nửa. Vả lại, bậc Bồ Tát còn mê khi cách ấm, hàng Thanh văn còn muội lúc ra thai, tất bóng nghìn vàng mười phần mất chín, mà chưa lên ngôi Bất thôi, thật đáng kinh lòng! Nơi miền kia, chúng sanh tuổi thọ vô biên, một phen gởi chất thai sen, đã thoát ly sự sanh già bịnh chết, thẳng lên ngôi Bất thối, liên tục tu hành cho đến khi chứng quả đại bồ đề. Cam nổi chìm giữa Ta Bà mạng sống ngắn ngủi, mê mờ không cầu miền Cực Lạc vui đẹp trường xuân, đó là điều lầm thứ tư. Nơi cõi nầy, hành giả nếu là bậc Bồ Tát đã lên ngôi Bất thối, chứng quả Vô sanh, không động dục trong cảnh dục, chẳng nhiễm trần giữa mùi trần, mới có thể khởi lòng từ vô duyên, vận đức bi đồng thể, qua lại chốn trần lao, hòa lẫn cùng ngũ trược. Nếu như với sức hiểu nông huệ cạn, hoặc tu hành có đôi chút tương ưng, đã cho mình thoát khỏi lầm mê, không còn thối chuyển, vội chê bai Tịnh độ, đắm luyến Ta Bà. Những kẻ ấy, đến khi nhắm mắt, lại trở về không, y cũ luân hồi, ngang vai hàng súc thú, gần gũi chốn tam đồ. Không biết tự lượng mình, dám sánh với bậc đại quyền Bồ Tát, đó là điều lầm thứ năm.

Cho nên kinh nói: “Phải nên phát nguyện cầu sạnh về cõi kia!” Những kẻ không tin lời thành thật của sáu phương chư Phật, chẳng nguyện cầu sanh về Liên bang, há chẳng mê lầm ư? Nếu như tin lời Phật mà cầu về Tịnh độ, thì sóng kiếp trược không còn nhận đắm, giây trần giới chẳng thể buộc ràng, từ bỏ tám khổ ở nhơn gian, dứt hẳn năm suy nơi thiên thượng, danh từ ác đạo hãy không nghe, cảnh đọa tam đồ đâu có vướng! Khi về cõi ấy, quy y một thể Tam Bảo, phụng sự mười phương Như Lai, Phật quang chiếu thân, tiêu trừ muôn hoặc. Chừng đó, nếm mùi vui pháp vị, chứng trọn đủ lục thông, hiện ba mươi hai ứng thân đi vào lục đạo, nhập hằng hà sa tam muội độ khắp mê căn. Rồi tự tại rưới nước định cõi tam thiên, dân chúng sanh nơi hỏa trạch, sự mình người thảy đều viên mãn. Thế thì cầu Tịnh độ là yếu môn giải thoát, niệm Di Đà là đường tắt tu hành. Cho nên kinh giáo liễu nghĩa thượng thừa, thảy đều chỉ về Tịnh độ. Các bậc hiền sau thánh trước, mình người đồng nguyện vãng sanh. Phàm muốn độ người, phải chăng trước nên tự độ đó ư?

Than ôi! Người không lo xa, tất có buồn gần! Một khi mất thân người, muôn kiếp sau hối hận! Tha thiết mong đại chúng đều phát tâm niệm Phật từ ngàn cho đến muôn câu, rồi hồi hướng nguyện sanh Cực Lạc. Xin đồng kết bạn pháp minh nơi kim địa, về thắng hội chốn liên trì, nương tựa cùng tu, mãn bồ đề nguyện. Từ đây, dong thuyền theo nước thuận, lại thêm sức chèo buồm. Thế mười vạn ức đường xa, tất đến nơi chẳng nhọc vậy!”

Một đêm, Tông Trách nằm mơ thây có vị khăn đen áo trắng, phong mạo thanh đẹp, tuổi độ ba mươi, đến vòng taỵ thưa rằng: “Tôi muốn vào Liên Hoa Thăng Hội, xin ngại ghi tên cho!” Thiền sư liền lấy sổ bộ ra, rồi, hỏi: “Hiền giả tên họ chi?” Đáp: “Tôi là Phổ Huệ”. Khi thấy ghi xong lại nói: “Gia huynh cũng cầu xin thự danh”. Hỏi: “Xin cho biết tên họ của lịnh huynh?” Đáp: “Anh tôi là Phổ Hiền”. Nói đoạn liền ẩn. Sau thiền sư đem điềm mộng ấy thuật lại, các bậc tôn túc bảo: “Trong phẩm Ly Thế Gian kinh Hoa Nghiêm có hai vị Bồ Tát Phổ Hiền, Phổ Huệ, giúp Phật tuyên dương chánh pháp. Nay ông lập Liên Hoa Thắng Hội để lợi lạc quần sanh, nên thầm cảm hai vị đại sĩ đến xin ghi tên, để tỏ lòng tán trợ đó!” Nghe nói, ngài để tên hai vị Bồ Tát vào hàng hội thủ. Từ đó xa gần đều cảm hóa hưởng ứng. về sau, khi lâm chung, thiền sư đã niệm Phật vãng sanh với nhiều điềm lành.


TÂY TRAI TỊNH ĐỘ THI

Sức người tu nguyện đủ công năng
Ngồi được đài sen phẩm thượng tăng.
Một niệm phàm tâm sanh tánh Phật
Sát ba thủy quán hóa thành băng.
Cây châu ngay lối đường vàng thẳng
Giây báu làm ranh đất ngọc giăng.
Mấy thiên hoa đầy giỏ quí
Mười phương cảnh Phật mặc phi đằng!

Thương chúng Ta Bà dạ héo hon
Bồ đề nguyện lớn thuở nao tròn?
Khéo lời cõi tịnh tùy tâm tịnh
Khôn dứt tình con chút nghiệp con!
Câu Phật niệm thường lòng vắng lặng
Tràng châu lần mãi chướng tiêu mòn.
Mây mù tan sạch trời trong sáng
Trước mắt chân thường lộ nước non.

Một cõi trang nghiêm, một Bảo vương
Không chiều không sớm, nổi tường quang.
Ni câu cây bích, cành say quả
Ưu bát hoa quỳnh, nhụy tỏa hương.
Thể chói ánh ngời phi nhật nguyệt
Chất tươi xuân đẹp tuyệt băng sương.
Dạo chơi cõi Phật khi về đến
Tay áo hơi thơm hãy vấn vương.

Tây trì hội pháp lễ kim tiên
Theo gió hương đưa ngự bảo liên.
Mái tóc biếc xanh, người tự tại
Vóc thân vàng ánh, tướng phiêu nhiên.
Lưới châu lớp lớp che lầu ngọc
Phan báu từng từng tiếp cõi thiên.
Cây nước lâu đài đều hiện bóng
Cảnh tươi kỳ diệu khắp muôn miền.


KHẢ CỬU

Đời Tống, Thích Khả Cửu, bình thời thường ở Minh Châu, chưa được rõ quê quán. Sư hằng tụng kinh Pháp Hoa nguyện sanh Tịnh độ, nên được người đương thời gọi là Cửu Pháp Hoa.

Năm Nguyên Hựu thứ tám, sư tám mươi mốt tuổi, một hôm ngồi thoát hóa. Ba ngày sau, bỗng mở mắt ra bảo người xung quanh rằng: “Tôi dạo chơi Tịnh độ, thấy các thắng cảnh đúng y như lời kinh nói. Người ở phương nầy tu tịnh nghiệp, nơi đài sen tại bảo trì cõi Cực Lạc đều có nêu tên. Tôi thấy ba hành giả có nêu tên nơi kim đài. Một vị là Huân Công ở Quảng Giáo Viện tại Thành Đô. Một vị là Tôn Thập nhị lang ở Minh Châu. Và kế đó là Khả Cửu. Có một vị ở Minh Châu là Từ đạo cô được ghi tên nơi ngân đài”. Nói xong, liền nhắm mắt vãng sanh.

Năm năm sau Từ đạo cô mãn phần, ngày lâm chung hương lạ đầy nhà. Mười hai năm sau Tôn Thập nhị lang vãng sanh, nhạc trời trổi giữa hư không. Lời Khả Cửu nói đều ứng ngiệm.


TÔNG BẢN

Tông Bản đại sư, tự Vô Triết, họ Quản, người ở Thường Châu, huyện Vô Tích. Sau khi xuất gia ngài tham phỏng Thiên Y Hoài thiền sư, môn Niệm Phật tam muội được đại ngộ. Kế đó, lại về làm tọa chủ chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu.

Một năm, trời đại hạn, đến cuối thu nước hồ và giếng trong vùng đều khô cạn. Chư Tăng trú tại chùa có hơn ngàn vị, sắp lâm cảnh khốn đốn. Đại sư lên chánh điện chí thành tụng niệm, cầu đảo với chư vị long thần. Hôm sau nơi mé tây chùa, một vòi nước ngọt phun lên. Theo dòng suối tràn, có con lươn vảy vàng lội quanh, khiến nước xoáy đất nơi đó sụp thành một cái giếng sâu. Chúng tăng trong chùa và người phụ cận nhờ đó mới có đủ nước dùng.

Họ Trương ở gần chùa có cô con gái mới chết, bên trái còn quàn bên chái nhà. Bà mẹ nằm mộng thấy con gái mình hóa thành rắn. Thức giấc bà thấy dưới quan tài có con rắn đang nằm, liền cầm giỏ đến giở nắp ra và vái rằng: “Nếu mi quả thật là con gái ta, hãy chun vào giỏ nầy”. Dứt lời, rắn chậm chậm bò vào giỏ. Bà đem nó lại chùa thuật duyên cớ, xin trời cứu độ. Tông Bản liền thuỵết pháp và niệm Phật chú nguyện. Con rắn bỗng biến mất. Bà về đến nhà thấy trên linh cữu cô gái có con ve đèn bay quanh, liền khấn: “Nếu mi là con ta đã chuyển kiếp, hãy bay vào giỏ”. Nói xong, con ve liền y như lời. Bà xách giỏ đem đến chùa Tịnh Từ lần nữa. Đại sư cũng thuyết pháp và chú nguyện cho. Xong, con ve lại ẩn mất. Đêm ấy bà nằm mơ thấy con gái đến tạ ân và khóc nói: “Con đã thoát hai kiếp làm bàng sanh!” Bà mẹ nhân đó hỏi: “Việc quả báo luân hồi có thật chăng, và làm thế nào mới được khỏi?” Cô gái thưa: “Sự chuyển sanh trong bốn loài sáu nẻo, cứ mãi xoay vần như cái trục quay trên giếng nước, không một ai thoát ly. Chỉ có tu pháp xuất thế của Như Lai, là tham thiền hoặc niệm Phật, mới được giải thoát. Muốn biết rõ việc ấy, xin mẹ hãy đến hỏi vị pháp chủ chùa Tịnh Từ!” Sự hiển hóa của ngài đại khái có nhiều việc ứng nghiệm như thế.

Về sau, danh đức đồn xa, đại sư được vua triệu tới Đông kinh, cho trụ trì chùa Huệ Lâm. Nhiều phen ứng đối hợp với thánh tâm, ngài được vua phong thưởng ca sa, pháp khí, và ban cho hiệu là Viên Chiếu thiền sư. Bình thời, bên ngoài đại sư nối truyền tông phong, bên trong lại mật tu Tịnh độ. Bấy giờ có Lôi Phong Tài Pháp sư nhập định, thần thức dạo chơi ở Cực Lạc, thấy một cung điện rất đẹp, nghe có tiếng nói: “Đây là ngôi bảo điện của Viên Chiếu Bản thiền sư”. Lại một hôm, ngài Hy Công trụ trì ngôi Tư Phước lan nhã đến chùa Huệ Lâm chơi, xin yết kiến đảnh lễ nơi chân Viên Chiếu Bản thiền sư, dâng cúng vàng rồi ra về. Có người hỏi duyên cớ, ngài đáp: “Tôi nhập định đến cảnh giới Tây phương, thấy có đóa kim liên to đẹp ánh sáng rực rỡ. Một vị Bồ Tát bảo đó là đài của Viên Chiếu Bản thiền sư ở chùa Huệ Lâm. Xung quanh hoa đài ấy, có rất nhiều hoa sen khác nhỏ hơn đoanh vây. Bô Tát bảo đó là hoa đài của những người được thiền sư hóa độ khuyên niệm Phật, cũng sẽ vãng sanh về đây. Trong các hoa sen ấy có mấy đóa rũ héo, tôi lại hỏi, được cho biết đó là những người niệm Phật nửa chừng thối lui biếng trễ”.

Lúc lớn tuổi, đại sư về ẩn chùa Linh Nham tại Tô Châu. Trong niên hiệu Ngươn Phù, trước khi sắp tịch, đại sư tắm gội thay y phục sạch, rồi nằm nghiêng bên mặt, hướng về Tây. Hàng đệ tử vây quanh, xin viết kệ lưu niệm. Đại sư chăm chú nhìn rồi bảo: “Các si tử! Bình thường ta còn lười viết kệ, nay lại làm kệ gì? Bình thường ta tự tại muốn nằm thì nằm, nay cần chi phải ngồi kiết già trước khi thị tịch?” Nói đoạn, bảo đem giấy bút ghi phú chúc việc mai sau, giao cho môn đồ là Thủ Vinh. Xong, buông bút nhắm mắt mà vãng sanh, trạng như người nằm yên say ngủ.