TÂN BIÊN QUÁN ÂM LINH CẢM LỤC
Biên soạn: Lý Viên Tịnh
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh

 

Các Chương trong Sách:

 

THIÊN THỨ NHẤT
BẠT TRỪ BỆNH KHỔ

1. Vào triều đại nhà Tấn, niên hiệu Hưng Ninh, có vị Sa môn, Pháp hiệu là Trúc Pháp Nghĩa là một vị thạc đức đạo hạnh. Thời gian đầu lúc mới tu học, Ngài đến cư trú tại Ninh Sơn để chuyên tâm nghiên cứu các Kinh Luật luận. Hàng Phật tử xuất gia theo Ngài tu học thường xuyên có số trên trăm vị. Vào niên hiệu Hàm An, năm thứ hai nhà Tấn, Ngài bị chứng bệnh trầm khí, kéo dài trong thời gian rất lâu, Ngài nhất tâm thành kính quy hướng về đức Đại bi Quán Thế Âm, một lòng xưng niệm danh hiệu của Bồ tát. Một hôm, Ngài nằm mộng thấy có người cầm dao mổ ruột của mình, rồi rửa ráy lục phủ ngũ tạng của Ngài. Bấy giờ thần thức trong mộng thấy rõ các vật bất tịnh kết tụ trong tạng phủ rất nhiều, người ấy sau khi rửa sạch các bộ phận trong cơ thể Ngài thì đem sắp xếp theo vị trí cũ trở lại và bảo Ngài Pháp Nghĩa rằng: “Bệnh của Ông bây giờ đã khỏi hẳn rồi”. Pháp Nghĩa thức dậy, quả nhiên cảm thấy trong người thật thư thái, tất cả bệnh bỗng nhiên dứt sạch. Sự tích trên là do Quan Thượng Thơ Phó Lượng, triều Nhà Tống soạn thuật lại. Thượng Thơ thường nói với các thân hữu rằng mình là bạn thân của ngài Trúc Pháp Nghĩa. Chính Ngài Trúc Pháp Nghĩa lúc còn sanh tiền cũng thường nói đến việc được chữa bệnh trong mộng cho nhiều người nghe. Mọi người nghe xong chuyện của Ngài, không ai chẳng sanh tâm cung kính và tán thán vì những việc chưa từng có đã xuất hiện trong đời do niềm tin nơi đức Quan Âm. (Trích Cao Tăng Truyện – Tập 2).

2. Vào Triều đại Nguyên Ngụy, có một Tăng nhân, pháp hiệu là Thích Đạo Thái, ở Tịnh xá Hoành Dương, huyện Thường Sơn. Vị Tăng nhân này từng nằm mộng thấy có người đến bảo rằng: “Số mạng của Ông sẽ kết thúc vào lúc 42 tuổi.” Đến năm đó, Thầy mắc bệnh nặng, trong tâm tự nghĩ chắc là không qua khỏi nên Thầy đem y bát và tất cả bạc tiền, đồ đạc, v.v… làm lễ Trai tăng bố thí rất lớn để cầu phước. Có người bạn đồng tu thấy thế bèn nói: “Tôi thấy trong Kinh Phổ Môn, chính kim khẩu của Bổn Sư Thích Tôn dạy Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát rằng: Nếu có người nào thọ trì danh tự của 62 ức hằng hà sa Bồ tát, lại thêm suốt đời đem thức ăn uống, y phục, đồ nằm để cúng dường, theo ý ông nghĩ sao? Công đức của thiện nam tử, thiện nữ nhơn ấy có được nhiều chăng? Vô Tận Ý Bồ tát thưa: “Rất nhiều, thưa Thế Tôn!”. Đức Phật dạy tiếp: “Nếu lại có người thọ trì danh hiệu của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát cho đến lễ bái cúng dường, chỉ trong một thời thì phước đức của hai người ấy đồng nhau không khác.” Thầy Thích Đạo Thái nghe nói thế có phần cảm ngộ, liền chí thành quy hướng nơi Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, ngày đêm khẩn thiết trì niệm danh hiệu của Ngài không hề giải đãi. Thầy tinh tấn thực hành trải qua bốn ngày đêm, bấy giờ lúc Ngài đang ngồi trong mùng, bỗng nhiên thấy có quang minh từ ngoài cửa chiếu vào và thấy hai bàn chân của Quán Âm Đại Sĩ bằng hoàng kim sáng rực, chiếu khắp trong thất. Thầy Thích Đạo Thái lật đật vén mùng, quỳ xuống đất cúi đầu đảnh lễ. Khi ngước lên thì cảnh tượng lạ lùng trang nghiêm ấy đã biến mất, lòng Thầy buồn vui lẫn lộn, toàn thân toát mồ hôi ướt đầm, ngay sau đó liền cảm thấy trong người nhẹ nhàng thư thái, chứng trọng bệnh nói trên liền được dứt hẳn. (Trích Cao Tăng Truyện – tập 2).

3. Ở tại Hà Tây, có một vị Phật tử là Vương Thư Cừ Mộng Tốn, từ thuở nhỏ đã phát tâm quy hướng chánh Pháp của Như lai. Một lần nọ, Ông bị bệnh nặng, nhờ Y Ba Lập Bồ Tát ứng hiện bảo rằng: “Đức Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát rất có duyên với chúng sanh cõi Ta bà, ngươi nên phát tâm trì tụng Phẩm Phổ Môn thì bệnh chắc chắn sẽ khỏi.” Mộng Tốn vâng lời thực hành theo sự chỉ bảo của Bồ tát thì quả nhiên được lành bệnh. Do Ông là người có địa vị vào thời ấy ở xứ Hà Tây nên sự kiện tụng kinh Phổ Môn được lành bệnh của Ông, tất cả dân chúng trong vùng đều biết, ai nấy đều noi theo gương Ông mà quy hướng Quán Thế Âm Bồ Tát và tụng kinh Phổ Môn. Vì nhân duyên ấy mà Kinh này đặc biệt lưu hành rộng rãi khắp xứ Hà Tây. Đây cũng chính là lý do phẩm phổ Môn còn được gọi là Kinh Quán Thế Âm. (Trích Pháp Hoa Truyện ký).

4. Vào đời Lưu Tống, có Phật tử tên là Thiện Tín, người ở Ngô Hưng, đối với Tam bảo rất có tâm tin kính. Một hôm, Thiện Tín mắc bệnh thương hàn nên không một ai dám đến gần săn sóc vì sợ lây nhiễm. Thiện Tín rất buồn khổ không biết tính thế nào, chỉ nghĩ rằng có một cách duy nhất là thành kính chuyên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Ông trì niệm Thánh hiệu Bồ Tát chỉ trong thời gian ngắn thì bỗng có một Tăng nhân đến nhà bảo rằng: “Ta đem thứ thuốc này để cứu độ đệ tử.” Nói vừa dứt lời liền lấy trong túi ra một hộp thuốc tán đưa cho Thiện Tín bảo uống. Thiện Tín vâng lời, uống vào thì bệnh liền khỏi hẳn. (Trích Cao tăng Truyện – Tập 1).

5. Triều đại Lưu Tống có Ni sư Phiền Tảo họ Lộ, người ở Ngô Quân, con gái của An Tung Tảo. Lúc hơn 10 tuổi. Ni sư bị bệnh nên phụ thân của Ni sư nghe nói nơi nào có danh y đều đến rước về nhà chữa bệnh cho con. Vì thế hầu hết lương dược, miệng của Ni sư đều nếm qua nhưng bệnh trạng chẳng những không giảm mà còn ngày một tăng thêm. Lúc bấy giờ, Thầy Thích Pháp Tế là một Tăng nhân trong vùng nói với An Tung Tảo rằng: “Theo ý của bần Tăng, sợ e bệnh của Tiểu Thơ là do nơi nghiệp chướng, nên thuốc thế gian khó bề trị lành được. Trong Kinh Phật có dạy: “Nếu chúng sanh nào bị tai nạn, bệnh khổ, v.v… chí thành quy y Tam Bảo, sám hối cầu nguyện, đều được Từ lực của Tam bảo gia hộ cứu tế. Nếu Ngài có thể phát tâm chí thành, khẩn thiết sám hối, nguyện cầu để tẩy trừ trần cấu cho Tiểu Thơ thì bệnh sẽ được thuyên giảm.” An Tung vâng lời liền cho thiết lập bàn hương án ở giữa nhà, thờ tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thật thanh tịnh trang nghiêm, sau đó tắm gội sạch sẽ, trai giới thanh tịnh, đến trước Phật đài, vì con gái mình sám hối cầu nguyện, lại cho người dìu bệnh nhân đến trước bàn Phật, thành kính cúi đầu xưng niệm danh hiệu Bồ Tát liên tục không gián đoạn. Thực hành như vậy trong suốt bảy ngày. Đến đầu hôm ngày thứ bảy, bỗng nhiên thấy tượng Quan Âm sắc vàng, cao chừng một thước, giơ tay xoa trên thân của bệnh nhân ba lần, tức thì Cô cảm thấy từ đầu đến chân rất thư thái, nhẹ nhàng, chứng bệnh trầm kha trước kia bỗng nhiên biến mất. Sau khi được sự linh ứng như vậy, Cô cầu xin cha mẹ cho đi xuất gia, và tu hành rất tinh tiến. Cô thường trì tụng Kinh Pháp hoa và trường trai. Trải qua 37 năm, thường chuyên tâm quán tưởng, nguyện đem công đức tụng kinh lạy Phật cầu sanh lên cung trời Đâu Suất. Niên hiệu Niên gia năm thứ 16, Ni sư đến Kinh đô để tạo kinh điển. Về sau Ni sư viên tịch nơi nào không được rõ. (Trích Tỳ Kheo Ni truyện).

6. Vào triều đại Lưu Tống, Sa môn Thích Đàm Vĩnh ngụ tại chùa Trường Cang, vốn là người xứ Hội Kê. Xuất gia từ lúc niên thiếu, Thầy là vị Cao tăng nghiêm trì giới luật, tu hành tinh tấn. Hàng ngày, Thầy tụng kinh hơn mười ngàn lời, lại luôn dùng nhiều phương tiện thiện xảo tuyên dương pháp Đại thừa, nhiếp hóa vô lượng chúng sanh. Nhưng chẳng may, Thầy lại mắc phải chứng bệnh ghẻ khắp mình, lở loét đau nhức, tuy chữa trị nhiều năm mà bệnh vẫn không khỏi. Trong Thiền thất của Thầy có thờ một pho Tượng Quán Thế Âm. Suốt ngày đêm, Thầy dốc lòng chí thành lễ bái, cầu xin sớm được lành bệnh. Một ngày nọ, lúc đang ở trong Tịnh thất, Thầy bỗng thấy một con rắn leo lên vách tường rồi bò lên nóc nhà. Một lúc sau, một con chuột từ nóc nhà rơi xuống đất, toàn thân nó ướt đẫm, dường như đã chết, chắc hẳn nó vừa bị con rắn ban nãy cắn. Động lòng trắc ẩn, Thầy Đàm Vĩnh vội lấy chiếc thẻ tre cạo bỏ lớp nước bọt trên người con chuột, mong cứu nó sống lại. Lúc sắp vứt bỏ miếng thẻ tre cạo nước bọt ấy, bỗng nhiên Thầy sực nhớ trước kia có người từng nói nếu ai bị ghẻ lở mà tìm được nước bọt trên thân con chuột bị rắn cắn mà trét lên chổ ghẻ lỡ thì chắc chắn chổ ghẻ lỡ đó sẽ lành. Thầy lập tức lấy phần nước bọt cạo trên thân chuột thoa lên chổ ghẻ lỡ của mình. Thật lạ lùng, khi Thầy vừa thoa xong thì chuột kia cũng sống lại và bỏ chạy đi nơi khác. Chỉ trong một đêm thì bệnh ghẻ của Thầy tự nhiên lành hẳn. Bấy giờ Thầy mới nhận ra sự việc rắn cắn chuột đều là do sự thành tâm cầu khẩn Đức Quan Âm hàng ngày của Thầy nên được Bồ tát cảm ứng, thị hiện cứu độ như vậy. Sự việc này được nhanh chóng lưu truyền trong dân chúng và giới Phật tử, ai cũng cho là chuyện hy hữu và đều bàn tán khắp nơi tạo thành làn sóng dư luận chấn động đến hoàng cung, Quốc vương, các bậc Đại thần, Vương tử, v.v… đều khen là việc chưa từng có. Thầy Thích Đàm Vĩnh hưởng thọ đến 81 tuổi và viên tịch tại chùa Trường Cang. (Trích Cao Tăng truyện – Tập 1).

7. Triều đại Nhà Tề có một người tên Kiến An Vương bị bệnh ghẻ lở không thuốc gì trị được. Người ấy ngày đêm khẩn thiết chí thành chuyên niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm ngày đêm không dứt. Một đêm nọ, Ông nằm mộng thấy Đại sĩ dùng tay xoa thuốc lên những nơi bị ghẻ lở cho mình. Sáng hôm sau, lúc thức dậy Ông thấy những nơi bị ghẻ lở đều đã lành hẳn. Mọi người khi nghe thấy đều lấy làm lạ và cùng ngợi khen. Việc ấy được lan truyền khắp nơi, những người đương thời do đó phát tín tâm quy hướng về Quan Âm Đại sĩ rất đông. (Trích Cảm ứng truyện)

8. Triều đại nhà Lương có một vị Sa môn là Thích Pháp Kiều, người ở Trung sơn. Thầy xuất gia từ lúc nhỏ nên đối với việc tụng Kinh niệm Phật, Thầy rất mực tinh tấn nhưng khổ nổi âm thanh của Thầy không được lôi cuốn, thiếu chất Thiền vị. Bấy giờ, Thầy bèn phát nguyện tuyệt thực sám hối, chí thiết cầu nguyện quy mạng nơi Đức Quan Thế Âm. Trải qua suốt bảy ngày đêm, Thầy kiền thành lễ bái xưng niệm không trễ lười, mong cầu được hiện báo. Bạn đồng học thấy vậy hết sức ngăn cản nhưng không một ai có thể lay chuyển được quyết tâm của Thầy. Đến ngày thứ Bảy, Thầy cảm thấy cổ họng thông suốt, liền lấy nước súc miệng rồi nói rằng: “Tôi đã được sự ứng nghiệm rồi”. Sau đó, Thầy tụng ba biến kinh, âm thanh trong trẻo, ấm áp vang xa suốt một dặm đường. Mọi người bấy giờ nghe nói đến việc này đều kinh ngạc ngợi khen, đua nhau đến Chùa để mục kích và nghe Thầy tụng kinh. Từ ấy về sau, mỗi ngày Thầy đều tụng Kinh đến vài mươi vạn lời, âm thanh ai nhã thông suốt ấy đến lúc Thầy 90 tuổi vẫn không suy giảm và thay đổi. (Trích Cao Tăng truyện – Tập 1).

9. Triều nhà Tùy có vị Sa môn Hồng Mãn, người ở An Định. Lúc còn ở thế tục, Thầy mắc phải chứng bệnh thời khí, hai chân co quắp, không thể đi đứng được. Thường ngày, Thầy thành kính chuyên niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm. Một hôm, bỗng có một vị Cao Tăng, tay bưng Tịnh bình đứng trước mặt Thầy. Hồng Mãn lập tức cúi đầu thi lễ, thưa hỏi: “Đại Sư từ đâu đến?”. Vị Tăng từ tốn trả lời: “Ta thấy ngươi thường ngày thành kính khẩn thiết xưng niệm danh hiệu của Ta, nên đến đây cứu giúp. Sở dĩ ngươi mắc bệnh như vậy là do tiền thân kiếp trước, ngươi hay trói cột sinh mạng loài vật, do dư báo ấy mà mắc bệnh như vậy. Bây giờ hãy nhắm mắt lại, Ta sẽ trị bệnh cho.” Hồng Mãn vâng lời, ngay khi ấy Thầy có cảm giác trên đầu gối mình hình như có người nhổ cây đinh vài tấc ra vứt bỏ, Thầy thấy hai chân như có sức bật, trở lại bình thường và Thầy đứng dậy được. Lúc mở mắt ra làm lễ tạ ơn thì vị Tăng nói trên đã biến mất. Thầy biết đó là Bồ tát thị hiện cứu độ mình nên từ đó phát nguyện không cưới vợ, ở tại gia tu hành ngày càng tinh tiến. Dù không nghiên cứu kinh điển, nhưng tự nhiên Thầy lại thông suốt được pháp môn thiền quán. Mỗi khi tĩnh tọa, có thể trải qua suốt bảy ngày, vẫn an nhiên bất động. Đến niên hiệu Khai Hoàng, nhà Tùy, Thầy đến xuất gia tại chùa Cứu Độ. (Trích Cao tăng truyện – Tập 2).

10. Tương truyền Sử Tuần là một người tài ba lỗi lạc, học vấn uyên thâm, đương thời không người sánh kịp, nhưng Ông lại là người không tin Phật pháp và thường bài bác rằng: “Phật là người, không cần thờ.” Về sau Ông bị chứng bệnh hai chân tự nhiên bại liệt, ngồi mãi một chổ không di chuyển được. Ông nhờ người tìm hết danh y này đến danh y khác, thậm chí còn thiết lễ cầu đảo quỷ thần để tìm phương thuốc chữa trị nhưng tất cả đều vô hiệu. Lúc bấy giờ, người bạn thân của Ông là Triệu Văn đến thăm, khuyên Ông rằng: “Đức Quán Âm Bồ Tát là đấng Đại từ Đại bi, thường tầm thinh cứu khổ. Nếu chúng sanh nào bị tai nạn, bệnh hoạn, mà chí thành cầu nguyện, xưng niệm danh hiệu Ngài thì chắc được sự linh ứng. Nay bệnh của Anh đã chạy chữa đủ cách, cúng tế Thánh Thần rất nhiều cũng không có kết quả, vậy tại sao Anh không phát tâm tạc tượng Đại Sĩ, lễ bái cúng dường để cầu cho bệnh khổ được tiêu trừ?” Sử Tuần vì bệnh quá ngặt nghèo nên y theo lời, sai rước thợ đúc tượng Quan Âm Bồ Tát. Khi pho tượng đã hoàn thành thì Ông nằm mộng thấy Quán Âm Bồ Tát, tướng hảo trang nghiêm hiện trên hư không. Lúc thức dậy, nghĩ lại những lời nói sai lầm và xấc xược xưa kia của mình thì cảm thấy vô cùng hối hận. Từ ấy, Ông hết lòng kính tin Phật pháp, mỗi ngày đều hết sức tinh tấn, lễ bái cúng dường pho tượng Đức Quan Âm đã đúc thờ trong nhà và trì niệm danh hiệu Đại Sĩ không gián đoạn. Một thời gian sau, chứng bại liệt không thấy chữa trị tự nhiên hồi phục và bệnh dứt hẳn. (Trích Tuyên nghiệm ký).

11. Triều nhà Đường có Phật tử là Sầm Văn Bổn tự Cảnh Nhơn, là người ở Kinh Dương. Ông phát tâm tín hướng Phật pháp từ khi còn nhỏ. Hàng ngày Ông đều thành kính trì tụng Phẩm Phổ Môn. Có lần Ông đi thuyền đến Ngô Giang, tỉnh Giang Tô, đến giữa dòng thì thuyền bị sóng đánh lật úp. Mọi người trên thuyền đều bị chết chìm, Văn Bổn cũng bị chìm trong nước nhưng ngay lúc ấy bổng nghe có người bảo rằng: “Nhà ngươi thường ngày thành kính trì tụng Phẩm Phổ Môn nên sẽ được qua khỏi nạn tai này”. Ông nghe ba lần như thế thì thấy thân mình như có ai đẩy lên, nổi trên mặt nước và chỉ trong chốc lát thì đã thấy đến bờ. Sau đó, Ông trở về nhà, thiết lập trai đàn cúng dường chư Tăng. Trong số chư Tăng ấy có một vị đi sau cùng bảo với Ông rằng: “Chính lúc thiên hạ rối loạn, riêng Ông nương nhờ thiện duyên phước đức mà được tai qua nạn khỏi, sau này sẽ gặp cảnh thái bình, hưởng phú quý hiển vinh”. Nói mấy lời ấy xong thì vị Tăng ấy không thấy đâu nữa. Sau khi lễ trai tăng xong thì Phật tử Văn Bổn nhìn thấy có hai hạt xá lợi ở trong chiếc bình bát của vị Tăng ấy để lại. Về sau ông làm quan đến chức Trung thư Lệnh cũng vào thời triều nhà Đường. (Trích Phật Tổ thống ký).

12. Triều nhà Đường có Ngài Bất Không Tam Tạng Pháp sư, vốn thuộc dòng Bà La Môn, nước Thiên Trúc. Một lần nọ, Ngài quá giang thuyền đến Nam hải, đi giữa đường thì gặp cuồng phong nổi dậy, sóng nhồi rất lớn. Các thương nhân đều kinh sợ nên mỗi người đều theo tín ngưỡng của mình mà xưng niệm vị giáo chủ của họ, nhiều vị còn tác pháp theo các tôn giáo mà họ đang tín ngưỡng, nhưng tất cả đều không hiệu nghiệm. Sóng gió mỗi lúc một dữ dội nên mọi người bèn quay sang Pháp sư lễ bái cầu xin cứu độ. Pháp sư điềm tỉnh an ủi: “Quý vị đừng lo, Tôi hiện nay có một phương pháp có thể giúp quý vị thoát nạn”. Dứt lời, Pháp sư dùng tay mặt cầm bảo xử ngũ cổ bồ đề tâm, tay trái cầm quyển kinh Bát nhã, Ngài tụng Thần chú Đại bi của Đức Quán Thế Âm một biến, tức thì gió lặng sóng yên; nhưng lúc ấy bổng có một con đại kình ngư từ dưới biển nổi lên mặt nước, phun ra những đợt sóng nước cao như núi, đập vào mạn thuyền. Tình hình lúc này còn nguy hiểm gấp vạn lần so với nạn trước, các thương nhân chỉ còn biết phó thác sinh mạng vào Pháp sư nên đồng nhất tâm hướng về Pháp sư xin cứu nạn, Pháp sư cũng thực hành theo cách như trên, Ngài lại bảo thầy Huệ Biện, vị thị giả đi theo Pháp sư tụng Kinh “Ta Yết Long Quảng” thì mọi cơn sóng đều tan biến, tại nạn liền qua khỏi, cả đoàn thuyền nhờ đó đều được bình an vô sự. (Trích Cao Tăng truyện – Tập 3).
.
13. Thời nhà Tống, triều Vua Huy Tôn, vào niên hiệu Sùng Ninh, có quan Hộ Bộ Thị lang Lưu Đại cùng với quan Cấp sự Trung Ngô Thực đồng đi sứ đến nước Cao Ly. Khi trở về bổn quốc, họ phải đi ngang qua các ngọn núi và đảo suốt bốn ngày đêm, lúc ấy nhằm lúc tiết trời âm u, trăng mờ vì mây che phủ, cảnh trời đen tối không phân biệt được hướng Đông Tây nên Lưu Đại vô cùng sợ hãi. Ông bèn hướng về Phổ Đà Bảo Sơn thành kính xưng niệm Thánh hiệu Quán Âm Đại Sĩ, bổng nhiên thần quang xuất hiện, soi khắp mặt biển rõ bốn phía như lúc ban ngày và cũng thấy rõ Phổ Đà Bảo Sơn. Mọi người nhờ đó được đi đến bờ an toàn vô sự. (Trích Phổ Đà Sơn chí).

14. Triều nhà Tống, thân mẫu của Ngài Từ Hy Tải là Trình Thị, vốn là một Phật tử thành kính Tam bảo, trong nhà lại thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát rất thành kính. Niên hiệu Thiên Hưng năm thứ 4 nhà Tốn, Hy Tải có duyên sự đi xa dẫn theo hai người con, đến nghỉ trọ tại nhà của Bành Đại Nhậm. Trên đường về thì gặp lúc mưa to gió lớn, sóng cao như núi nên thuyền Ông không thể nào tiến vào bờ được, chòng chành sắp đắm. Hy Tải chẳng biết làm sao nên lập tức kêu gọi những người có mặt trên thuyền đồng thanh xưng niệm Thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát. Chỉ trong chốc lát, mọi người bổng nhìn thấy một gốc cây dâu vô cùng to lớn trôi đến trước mặt nên gắng sức kéo gốc cây ấy cặp sát vào thuyền và dùng dây buộc thuyền vào gốc cây dâu ấy, để nương theo gốc cây mà thuyền giữ được thăng bằng trước sức mạnh của gió bão. Đến lúc trời sáng thì tất cả mọi người đều thấy họ đang ở trên bãi cát an toàn, còn gốc cây dâu to đêm qua thì biến đâu mất không thấy nữa. Lúc Hy Tải vừa về đến nhà, mẫu thân của Ông mừng rỡ ra đón. Bà mĩm cười nói rằng: “Đêm qua Mẹ nằm mộng thấy có bà già dắt tay cha con tụi bây về thăm Mẹ, quả nhiên là y như trong mộng”. Khi ấy, Hy Tải nghiệm ra mới biết họ được thoát nạn là nhờ vào thần lực bất tư nghì của Quan Âm Bồ Tát. (Trích Dị Kiên Chí).

15. Triều nhà Minh có một đồng tử họ Tảo, người tỉnh Giang Nam. Đồng tử này phát tâm quy y Tam bảo từ lúc nhỏ và rất nghiêm trì giới luật, từng phát nguyện xả thân cúng dường Phật. Có bao nhiêu tiền của, thường đem bố thí cho người nghèo cùng ,đói khát trong xóm làng. Vào niên hiệu Vạn Lịch nhà Minh, tháng hai năm Canh Tuất, đồng tử theo Trang Trưởng Lão đến núi Phổ Đà chiêm bái cúng dường Đại Sĩ. Khi đến núi Mai Sầm là nơi khách hành hương đều ghé lại để chiêm bái kim dung của Quán Thế Âm Bồ Tát, đồng tử đối trước pháp tòa của Bồ tát ngự, phát thệ nguyện xả thân cúng dường để báo thâm ân của Phật. Sau đó, khi thuyền ra cửa biển đến Liên Hoa Dương thì bổng nhiên gió to sóng lớn nổi lên đùng đùng, Đồng tử chấp tay, ngước mặt lên không trung, miệng xưng Phật hiệu rồi nhảy xuống giữa muôn ngàn sóng để mãn với thệ nguyện đã phát. Trang Trưởng Lão sau khi trở về nhà, chọn ngày để mời chư Tăng tụng kinh bái Sám, làm lễ siêu độ cho đồng tử. Đến tháng bảy năm đó thì Đồng tử bổng xuất hiện tại chổ ở của Trang Trưởng Lão ai nấy đều kinh ngạc vì không tin là Đồng tử còn sống. Lúc ấy, Đồng tử thuật lại những điều đã xảy ra cho mọi người nghe. Khi vừa nhảy xuống Liên Hoa Dương thì đồng tử bổng thấy ở phía dưới biển, cách mình chừng vài bước chân có một vị Hồ tăng đang chèo một chiếc bè ván đến chổ đồng tử xả thân bảo rằng: “Thầy đến đây để độ con”. Dứt lời, vị Tăng ấy kéo đồng tử lên bè, chiếc bè chèo đi nhanh như ngựa phi, chẳng mấy chốc bè đã đến bãi cát ở vùng Châu Sơn. Vị Tăng ấy dắt đồng tử vào nhà một ngư ông xin nghỉ trọ. Sau đó, vị Tăng ấy bổng nhiên biến mất. Mọi người trong nhà ông lão dò hỏi nguyên nhân thì đồng tử thuật lại việc đã xảy ra. Ai nghe xong cũng đều ngợi khen cho là việc chưa từng có. Lúc ấy mới biết vị Tăng ấy chính là Quan Âm Bồ tát từ bi ứng hiện để cứu đồng tử. Sáng ngày hôm sau, ngư ông dẫn đồng tử đến chùa Trấn Hải ở Châu Sơn. Đồng tử cầu xin thầy trụ trì chùa ấy làm lễ thế phát và dạy cho học tập các Kinh Chú. Khi đồng tử quay trở lại cố hương, Đồng tử có vào trong một ngôi Tịnh thất xin tá túc, nhưng vị Sư trong ấy không bằng lòng nên bèn tìm hỏi nơi ở của Trang Trưởng Lão xin nghỉ trọ. Trang Trưởng Lão sau khi nghe Đồng tử thuật lại mọi việc thì rất cảm động nên mời Đồng tử ở lại gia trang vài ngày ngơi nghĩ rồi dắt về nhà cha mẹ đồng tử. Cha mẹ Đồng tử gặp lại con thì vui mừng khôn xiết, hết lòng cảm tạ Trang Trưởng Lão và thành tâm kính ngưỡng thần lực cứu độ của Quan Thế Âm Bồ Tát. Sự tích Bồ Tát ứng hiện cứu khổ trên đã làm cho mọi người Tăng tục thời ấy đều nhất tâm quy hướng về Quán Âm Đại sĩ rất đông. (Trích Quán Viên bút ký).

16. Triều nhà Đường, Tri Huyền Pháp Sư họ Trần, là người ở Hồng Nhã, xứ Mỵ Châu. Pháp sư thường tuyên thuyết, diễn giải Kinh Luận Đại thừa. Hàng Phật tử cả Tăng lẫn tục đều hoan nghênh ngưỡng mộ hết mình. Tuy vậy, Pháp sư vẫn thường tự giận mình có giọng nói không đúng với thổ âm địa phương nên hiệu quả không như ý nguyện. Sau đó, Pháp sư lên núi Tường Nhĩ, ngày đêm chuyên tụng trì Chú Đại bi. Một hôm, Ngài nằm mộng thấy một vị Thần Tăng đến cắt lưỡi của mình, rồi thay vào chiếc lưỡi khác cho Pháp sư. Đến sáng hôm sau, bỗng nhiên khi vừa cất giọng thì Ngài nhận ra âm thanh của mình đã trở thành thổ âm của người nước Tần. (Trích Cao Tăng truyện – Tập 3).

17. Triều nhà Đường, Sa môn Thích Trí Ích, họ Ngô là người huyện Trường Sa. Lúc trẻ, Thầy từng đi lính chinh phạt bọn rợ hung nô ở chốn biên cương. Sau khi ra khỏi quân ngũ, Thầy trở về quê làm nghề săn bắn và chài lưới. Một hôm, Thầy bắt được con rùa trắng nên đem về nấu ăn. Sau khi ăn xong thì toàn thân bị phát độc; sanh ghẻ lở, đau nhức lở loét từ đầu đến chân, da thịt rã rời, râu tóc đều rụng. Thầy không thể nào chịu đựng nổi sự hành hạ của cơn bệnh, lại không thể nào đi kiếm sống được, đành phải làm thân hành khất lê lết xin ăn khắp đầu đường xó chợ. Một hôm, giữa lúc Thầy đang oằn oại vì đau đớn và đang xin đồng tiền bát gạo của người qua đường thì bổng gặp một vị Tăng nhân đi ngang qua. Nhìn thấy hoàn cảnh thương tâm này nên vị Tăng bèn đến an ủi và bảo rằng: “Ngươi nên hồi tâm trì niệm Chú Đại bi, Ta sẽ dạy cho. Nếu người cố gắng tinh tiến trì tụng thì Ta tin chắc người sẽ được kết quả linh nghiệm.” Thầy vâng lời vị Tăng học thuộc Chú Đại Bi và kể từ hôm ấy, nhất tâm trì tụng. Quả đúng như lời vị Tăng nhân nói, các thứ ghẻ lở loét trên thân Thầy bớt dần, râu tóc từ từ mọc lại, da thịt lần hồi cũng hồi phục sự săn chắc. Khi bệnh lành, Thầy liền phát nguyện xuất gia làm Tăng. Sau đó, Thầy đến gặp Phục Ba Tướng quân xin cho một ngôi nhà cũ. Được Tướng quân ưng thuận, Thầy kiến lập Tịnh xá nơi ấy, làm Trụ trì, trọn đời tu hành rất tinh tấn. (Trích Thái Bình Quảng Ký và Chuyển nhân Lục).

18. Triều nhà Đường, Tịnh Chi Thiền sư, người họ Triệu, xứ Cao Lãng, huyện Ung Châu. Lúc bảy, tám tuổi, Ông đã biết ưa thích quán tưởng Thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà, và theo Kinh văn hướng dẫn tu học. Thầy lập chí xuất gia nên đến niên hiệu Trinh Quán, năm đầu nhà Đường, Thầy đến ẩn tu tại chùa Quang Hóa trên mười năm. Hàng ngày, Thầy thường ngồi thiền trong thảo am, không ở chùa Tăng. Phật tử bốn phương, ngưỡng mộ về hạnh tu của Thầy nên vân tập về tu học trên hai trăm người. Thiền Sư ngày đêm sáu thời, đốc xuất đại chúng tu trì rất tinh tiến, không phụ với chí xuất gia và không lãng phí thời giờ vàng ngọc. Một hôm nọ, mũi của Thiền Sư bổng mọc ra một cục thịt ngăn bít làm Thầy vô cùng khó thở, chạy chữa trăm ngàn phương thuốc đều không hiệu nghiệm. Lúc bấy giờ, có vị Tăng đến bảo Thầy nên phát nguyện trì tụng Bát nhã Tâm kinh vạn biến sẽ khỏi. Thiền sư vâng lời thực hành theo lời dạy thì cục thịt ấy tự nhiên rụng mất. (Trích Cao Tăng Truyện – Tập 2).

19. Triều nhà Đường có Thầy Thích Trí Cần, họ Châu. Từ lúc bé đã có chí hướng làm việc thiện, và thực hiện theo phương ngôn “khắc kỷ – ái quần” tức là bản thân luôn nghiêm khắc với chính mình, nhưng với quần chúng thì lúc nào cũng thương yêu giúp đỡ. Hàng ngày Thầy thường chơi đùa với trẻ con cùng xóm, nói năng nhã nhặn, sắc mặt luôn vui cười. Đến lúc trưởng thành, Thầy xuất gia, tu hành rất tinh tiến; dũng mãnh, lại thường phản tỉnh tự thân và tham cứu Tam tạng giáo điển thật uyên áo. Khi Thầy cầu nguyện điều chi đều được linh ứng. Một lần nọ, thân mẫu của Thầy bị bệnh rất nặng, Thầy phát tâm vì Mẹ ngày đêm kiền thành trì tụng Thánh hiệu Quán Âm Đại Sĩ để cầu cho Mẹ được mau lành bệnh. Do tâm chí thành cảm đến Bồ tát nên trên lá của những cây cối trong khuôn viên nhà chùa đều hiện thật nhiều hóa Phật. Sự việc này cả gia đình Thầy mọi người đều tận mắt nhìn thấy. Bệnh tình của mẫu thân Ngài nhờ sự chí thành trì niệm Thánh hiệu Đại sĩ mà được lành. (Trích Cao Tăng Truyện – Tập 2).

20. Triều nhà Tống có Pháp sư Kế Trung, tự Pháp Thần. Pháp Sư là con của họ Khâu, ở huyện Vĩnh Gia, tỉnh Chiết Giang. Trước kia, cha mẹ của Pháp sư vì hiếm muộn nên đến trước Phật đài, chí thành lễ bái cầu tự. Một hôm, hai ông bà đồng nằm mộng thấy một vị Tăng đem một đứa bé kháu khỉnh, khôi ngô đến trao cho và nói đây là của Loa Khế Tôn giả xin gởi cho hai ông bà nuôi giúp. Lúc tỉnh dậy, Mẫu thân Pháp sư liền thọ thai. Một điều lạ là trước kia bà ưa thích ăn thịt cá, nhưng từ lúc thọ thai thì liền chán ghét, chỉ dùng đồ chay. Pháp Sư từ lúc thơ ấu, mỗi khi thấy tượng Phật, tức thời đều lễ kính. Khi lên tám tuổi, Ngài đến Khai Nguyên xuất gia. Sau đó Ngài đến Nam Hồ, y chỉ theo Ngài Quảng Chí Pháp sư tu học. Do quá sức khắc khổ tu hành, Ngài bị kiệt sức và lâm bệnh, Pháp sư Quảng Chí thực hành Pháp thỉnh Quán Âm Tam muội, cảm ứng đến Đại Sĩ phóng quang cứu bệnh. Thầy được Quảng Chí Pháp sư dùng nước cúng dường đức Quan Âm rưới trên đỉnh đầu, liền đó Pháp sư được khỏi bệnh. Sau đó Thầy trở nên thông minh cực độ, thông suốt giáo quán không bị trở ngại. (Trích Phật Tổ thống ký).

21. Triều nhà Tống, niên hiệu Khánh Hòa, năm thứ 7, có người tên Lý Bác bị bệnh đại ma phong (bệnh cùi) đã hơn ba năm nhưng tất cả y sĩ đều nói không chữa được. Trước kia khi chưa bị bệnh, Lý Bác thường tụng kinh Phổ Môn đến hơn ba tạng (tức hơn 10.500 biến). Một ngày nọ, bỗng nhiên có một vị Tăng đến nhà, trao cho Lý Bác một hoàn thuốc, Lý Bác cung kính đón nhận, nhưng chưa dám dùng. Tối đó, Ông nằm mộng thấy vị Tăng gặp lúc sáng bảo rằng: “Thầy vì thương con tụng kinh rất chí thành nên đã đem hoàn linh đơn đặc biệt đến cứu khổ cho con, tại sao con không chịu uống?” Khi thức dậy, Ông liền lấy hoàn linh đơn ra uống. Thật mầu nhiệm, chỉ trong bảy ngày, da dẻ toàn thân do bệnh cùi bị lột hết đều mọc trở lại, râu tóc mọc lại đen huyền giống như một chàng trai. (Trích Hải Nam Nhứt chước).

22. Triều nhà Tống, có người tên Trương Hiếu Thuần. Thuần có đứa cháu đã lên năm tuổi nhưng vẫn chưa đi được. Bà con hàng xóm đến mách bảo rằng: “Vừa rồi ở Hoài Diện có một nông phu chân bị bệnh đã lâu năm, chạy chữa nhiều phương thuốc nhưng không hiệu nghiệm. Nông phu ấy tuy thất học nhưng lại là người hết lòng tin tưởng Quan Âm Bồ Tát nên Ông phát nguyện trì niệm Thánh hiệu Đại bi Quán thế Âm Bồ tát ngày đêm không dứt, nhờ đó mà cảm đến Bồ tát. Ngài thị hiện và để lại bài kệ bốn câu như sau:

ÂM:

Đại Trí phát ư tâm
Ư Tâm vô sở tầm
Thành tựu nhất thiết nghĩa
Vô cố diệc vô cân.

NGHĨA:

Đại trí phát nơi Tâm
Nơi Tâm không thể tầm
Thành tựu mọi ý nghĩa
Không nghĩ cũng không bàn.

Người nông phu trì tụng bài kệ trên đúng trăm ngày thì chân bị tật liền lành hẳn.

Hiếu Thuần nghe nói vậy, liền bảo đứa cháu và bà Vú phát tâm trai giới thanh tịnh, tụng bài kệ trên thì trải qua ba tháng, đứa bé đi đứng như những đứa trẻ bình thường khác. Không chỉ những người có con cháu bị bệnh về chân như con của Hiếu Thuần mà cả những người tâm trí kém cõi, Thuần đem bài kệ trên bảo họ học và thành tâm trì tụng thì cũng đều có kết quả linh nghiệm. (Trích Quán Âm Từ Lâm).

23. Triều nhà Tống, niên hiệu Thuần Hy, năm thứ 5, có Quan Đô tuần kiểm tên La Sanh tại Nhiêu Châu. Nhân lúc tỵ nạn lụt đến nhà Vương Mẫn Tài mục kích được một việc thật hy hữu. Trong nhà ấy có một tỳ nữ tên là Đại Hỉ, đôi mắt bị mù đã lâu năm lại thường bị đau nhức. Một hôm, Cô nằm mộng thấy có một Lão Tăng đến bảo rằng: “Đại Hỉ, Thầy rất mừng cho con. Con thật có phước duyên nên mới được đến ở trong nhà này, nếu không đến ở đây, con sẽ thành một phế nhân vĩnh viễn. Hôm nay Thầy đem thuốc này đến cứu con.” Nói dứt lời, Lão Tăng liền trao cho Đại Hỉ một chén thuốc, Cô liền bưng lấy uống, thì sau đó bổng thấy đôi mắt mình đã sáng lại trở lại. Cô kính cẩn cúi đầu chào lão Tăng rồi hỏi: “Thưa Đại sư, Ngài từ đâu đến?” Lão Tăng đáp: “Thầy là người ở trong nhà này đã lâu lắm rồi, nghe con đau mắt ngày đêm la khóc, Thầy rất thương xót nên đem thuốc cứu bệnh cho con.” Đại Hỉ giật mình tỉnh giấc thì trời đã sáng, Cô mở mắt ra thì chẳng những mắt sáng lại như xưa mà còn long lanh trong suốt rất đẹp và các chứng đau nhức cũng khỏi hẳn. Mọi người trong nhà thấy vậy đều lấy làm lạ, và bàn tán cho là việc chưa từng có. Họ cùng nhau đến hỏi thăm nên Đại Hỉ đem việc trong mộng thuật lại, Mẫn Tài đem việc ấy thưa với Mẫu thân thì Bà bảo rằng: “Đây là Đấng Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát! Con nên biết nhà của Mẹ thành kính thờ phụng Ngài đã nhiều năm, khi nào có tai nạn cấp bách, nếu lễ bái cầu đảo đều được linh hiển.” (Trích Linh Nghiệm Ký).

24. Tại xứ Đài Châu có vị Tăng tên là Sử-Thao, lúc trung niên Thầy bị bệnh mắt nên thường trì tụng Chú Đại Bi. Một hôm, Thầy nằm mộng thấy Quán Âm Đại Sĩ truyền dạy cho Thầy bài kệ tụng, lại bảo mỗi ngày sớm mai thức dậy múc một chén tịnh thủy, đốt hương lễ bái rồi tụng bảy biến kệ xong, đem nước ấy đi rửa mắt. Thầy Sử Thao vâng lời làm theo sư chỉ bảo; thì bệnh mắt liền sáng lại và lành hẳn. Thầy hưởng thọ 88 tuổi.

GHI CHÚ: Người ghi lại sự tích này chính bản thân bị bệnh mắt đã hơn một tháng, nhờ Y sư Tôn-Chấn-Nguyên truyền dạy cho bài kệ ấy, Tôi đã thực hành đúng như lời hướng dẫn và quả nhiên cũng được linh nghiệm. Vì thế, Tôi không dám yên lặng và vì muốn lợi ích cho mọi người nên kính cẩn ghi vào sách bài Kệ tụng ấy như sau để cho người có lòng tin nơi đức Quan Âm được nhiều lợi ích:

ÂM:

Cứu khổ Quán Thế Âm
Tứ ngã đại an lạc
Dữ ngã đại phương tiện
Diệc ngã ngu si ám
Hiền kiếp chư chướng ngại
Vô minh chư tội ác
Xuất ngã ám thất trung
Sử Ngã thị Phật quang
Ngã kim thuyết tổng pháp
Sám nhãn thích tội trọng
Phổ phóng Tịnh quang minh
Nguyện đắc vi diệu tướng.

NGHĨA:

Đại bi Cứu khổ Quán Thế Âm
Xin ban cho con đại an lạc
Xin ban cho con đại phương tiện
Diệt trừ ngu si con hết tội
Tất cả chướng ngại trong hiền kiếp
Vô minh cùng với các tội ác
Ra khỏi trong nhà tối của con
Khiến con mắt sáng trông thấy Phật
Con nay trì tụng pháp rửa mắt
Sám trừ tội ác của nhãn căn
Phóng Tịnh quang minh khắp soi sáng
Nguyện được thấy rõ tướng vi diệu.

25. Triều nhà Tống, đời vua Độ Tôn, niên hiệu Hàm Thuần, tháng ba năm Bính dần, có một vị quan Thái Úy bị bệnh mắt. Ông là người tin tưởng Đức Quan Âm Bồ Tát nên sai con đến Động Triều Âm, núi Phổ Đà để cầu khẩn Quán Âm Đại Sĩ, và múc nước suối nơi ấy để đem về rửa mắt. Người con vâng lời, đến nơi múc nước suối đem nước về cho Ông rửa mắt thì bệnh mắt Ông liền lành. Để tỏ lòng thành kính với ân đức cứu độ của Quan Âm Bồ Tát, quan Thái Úy lại bảo con sắm lễ vật đến núi Phổ Đà để cúng tạ. Khi người con đến nơi, thiết lễ trang nghiêm để cúng bái thì Đức Quan Âm hiện thân. Toàn thân Ngài phưởng phất như khói nhạc và tấm áo lụa xanh mờ ảo như thể một tấm màn xanh ngăn cách. Người con sau đó đi tiếp đến động Thiện Tài Đồng tử, thì thấy Thiện Tài Đồng tử bỗng nhiên xuất hiện, tiếp theo thì Đại Sĩ cũng hiện thân. Ngài khoác chiếc áo lụa trắng, có đường viền xanh đỏ, tay Ngài mang chuổi anh lạc, nét mặt Đại Sĩ nhân từ dường như có điều muốn dạy bảo. (Trích Phổ Đà Sơn ký).

26. Triều nhà Tống có Phật tử Vương Nhật Hưu là người có tâm thành Kính với Phật pháp. Một lần nọ, Ông đến Chùa mượn bộ Kinh Di Đà, sao chép lại và có ý muốn hiệu chính để khắc bản phổ biến khắp các nơi. Khi vừa cầm bút sắp chép kinh, bỗng nhiên tay phải bị bệnh phong rút, ngón tay Ông co giật liên hồi, không thể nào viết được. Nhật Hưu liền đưa ngón tay lên, thành kính trì niệm danh hiệu Đức A Di Đà Phật và Quán thế âm Bồ Tát xin được lành bệnh phong để thực hiện tâm nguyện sao chép và khắc bản Kinh A Di Đà. Mầu nhiệm thay, chỉ cầu nguyện có mấy câu, ngón tay của Ông không còn co giật nữa nên viết được trọn bộ kinh A Di Đà, bệnh phong từ đó cũng dứt hẳn, không tái phát nữa. (Trích Long Thơ Tịnh Độ).

GHI CHÚ: Sự tích 26 này y cứ theo Bộ Long Thơ Tịnh Độ. Trong Bộ sách ấy, theo lời của Phật tử Quốc học Tiến Sĩ Vương Nhật Hưu tự thuật: “Thời gian gần đây vì có duyên sự, Tôi quá giang thuyền đi. Lúc tới chổ cái Áp (tức là cái trạm được dựng như hình cái cổng có thể đóng mở để chắn nước, khi thuyền bè đến thì người ta mở cổng, cho thuyền đi qua, sau đó cánh cửa sẽ được đóng lại), vì nước sông nơi ấy đang lúc chảy quá mạnh không thể đi được nên chúng tôi neo thuyền lại. Tôi đến chùa Kim Sơn mượn bốn bộ Kinh A Di Đà, vì Tôi có ý muốn hiệu chính bốn bộ này và đóng lại thành một bộ để khắc thành ấn bản và phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên nhưng khi mới cầm bút lên, tay phải Tôi bỗng bị phong rút co giật liên tục, không thể viết được. Tôi liền đưa ngón tay ấy lên thành kính xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà và Quan Thế Âm Bồ tát xin được lành bệnh phong để thực hiện tâm nguyện sao chép và khắc bản Kinh A Di Đà. Chỉ cầu nguyện có mấy câu, ngón tay của Tôi tự nhiên hết co giật và bệnh phong trong người cũng dứt hẳn.” Theo như lời Vương Nhật Hưu, chúng ta có thể thấy rõ đức A Di Đà cùng Đại bi Quán Thế Âm luôn ở trước mắt mình nhưng chỉ vì lòng tin của mỗi người chưa đến mức độ kính thành nên không nhận được sự cảm ứng của các Ngài đó thôi. Ở đây, chúng tôi cũng xin giải thích thêm về bốn bộ kinh A Di Đà. Kinh A Di Đà tức là Kinh Đại bổn A Di Đà, vì trong khi dịch, các dịch giả chia thành nhiều đề mục khác nhau nên gọi là bốn bộ, gồm có:

(1) Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh do Ngài Chi Lăng Ca, triều hậu Hán dịch.

(2) Vô Lượng Thọ Kinh do Ngài Khang Tăng Khải, triều Tào Ngụy dịch.

(3) A Di Đà Kinh, đồng tên với bổn A Di Đà được đọc tụng hàng ngày trong các thời cầu siêu do Ngài Ngô Chi dịch. (4) Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh do Ngài Pháp Hiền, nhà Tống dịch.

27. Triều nhà Tống, niên hiệu Nguyên Phong năm thứ hai, có quan Thị Lang tên Biên Tri Bạch. Ông là vị quan hết lòng vì nước, do phải xông pha nắng gió mà mắc chứng bệnh cảm nắng. Tuy chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm. Quan Thị Lang vốn là một Phật tử thuần thành nên phát tâm thành kính chuyên xưng niệm Thánh hiệu Quán Âm Đại sĩ rất chuyên cần. Một hôm, Ông nằm mộng thấy một người mặc Bạch Y dùng nước rưới từ đầu đến chân Ông. Khi thức dậy, Ông thấy trong người thân thể nhẹ nhàng khỏe khoắn, tinh thần lại rất sảng khoái. Bấy giờ, Phật tử Tri Bạch biết rằng lòng thành kính của Ông đã được cảm ứng với Đức Quan Âm, và Ngài đã cứu Ông khỏi bệnh nên từ đó Ông phát nguyện sưu tập tất cả những sự tích linh nghiệm của Đức Quan Âm có từ xưa đến nay làm thành một bộ sách, đề mục là Quán Âm Cảm Ứng và cho lưu hành phổ biến trong nhân gian. (Trích Phật tổ thống ký).

28. Triều nhà Nguyên ở tại Bình Giang, có vị Tăng Pháp hiệu là Huệ Cang. Từ lâu Thầy mắc phải chứng bệnh phiên vị (bao tử bị lộn ngược) rất nguy hiểm khiến Thầy không thể ăn uống gì được. Một đêm nọ, Thầy nằm mộng thấy có một con mèo chui vào trong bụng mình. Từ ấy bệnh tình càng nặng thêm, lại thêm trong lòng bỗng thấy thèm ăn thịt cá. Giữa lúc tư tưởng loan động như vậy, thì Thầy Huệ Cang chợt phản tỉnh, tự trách mình đã không giữ được chánh niệm Thầy biết ý nghĩ thèm ăn cá thịt là do nghiệp chướng từ nhiều đời khiến bị như vậy nên Thầy liền phát tâm trì niệm Thánh hiệu đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát trăm vạn biến và mỗi ngày trì tụng chú đại bi 108 biến. Chẳng bao lâu, Thầy lại nằm mộng thấy mình đi vào trong núi gặp một vị Tăng nhân tướng mạo trang nghiêm, bảo Thầy rằng: “Ta cho ngươi thứ thuốc này để trị chứng bệnh phiên vị của ngươi.” Ngay lúc ấy bỗng có một đồng tử mặc áo xanh, tay xách một cái lồng, trong ấy có con gà đến trước mặt Thầy. Đồng tử đến trước mặt Thầy Huệ Cang, mở chiếc lồng ra, liền khi đó con mèo từ trong bụng Thầy Huệ Cang nhảy ra khỏi miệng Thầy và vồ lấy con gà đang ở trong lồng. Thầy Huệ Cang giật mình thức dậy thì mới biết đó chỉ là giấc mộng, nhưng thật lạ lùng, chứng bệnh bao tử của Thầy từ đó dứt hẳn. (Trích Báo ứng Lục).

29. Triều nhà Nguyên, thầy Thích Mộng Nhuận tự Ngọc Cương, người ở Gia Hòa. Thầy xuất gia từ lúc 14 tuổi nhưng do sự tu học rất khắc khổ nên Thầy mắc phải chứng suy nhược rất trầm trọng. Thầy phát nguyện tu pháp thỉnh Quán Thế Âm Sám bốn mươi chín ngày. Sau khi sám hối xong thì tật bệnh liền khỏi hẳn. Chẳng những thế, tâm trí của Thầy cũng trở nên sáng suốt và phát triển trí huệ. Thầy lại phát nguyện tu các sám pháp khác như Pháp Hoa, Đại bi v.v… và được linh ứng không thể nghĩ bàn. (Trích Cao Tăng truyện – Tập 4).

30. Triều nhà Nguyên, Thầy Thích Chân Tịnh, tự Như Am, con của họ Đào ở xứ Hoa Đình, tỉnh Giang Tô. Mẫu thân của Thầy nằm mộng thấy bạch nguyệt (mặt trăng trắng) sa vào lòng mà có thai, sau đó thì sanh ra Thầy. Lúc mới thụ thai thì có một vị Tăng từ trước đến giờ không ai biết, đến nhà và bảo rằng: “Thai nhi trong bụng của Đào Thị chính là Hải Nguyệt Pháp sư tái lai”. Lúc lên chín tuổi thì Thầy đến Chùa xin xuất gia, y chỉ theo Vô Cực Độ Pháp sư tu học, tất cả các Kinh nói về pháp tánh đều học thông suốt. Niên hiệu Thái Định, lúc đang ở chùa Hạ Thiên Trúc, Thầy Chân Tịnh mắc bệnh nặng nên Thầy chuyên tâm trì niệm Thánh hiệu Quan thế Âm. Một đêm, Thầy nằm mộng thấy Bạch Y Đại Sĩ bưng bình cam lồ đến, dùng nhành dương liễu rưới nước vào miệng mà nói rằng: “Bệnh Ông từ nay sẽ khỏi hẳn.” Khi thức dậy, Thầy cảm thấy trong người nhẹ nhàng, chứng bệnh trước đây đã không còn nữa. (Trích Cao Tăng truyện – Tập 4).

31. Triều nhà Nguyên có Thiên Nham Thiền Sư, họ Đổng, người ở tỉnh Chiết Giang. Lúc nhỏ, Thiền Sư hay bị bệnh nên mẫu thân của Ngài thường ở trước Quán Âm Đại Sĩ chí thành cầu đảo, lễ bái xưng niệm danh hiệu Đại Sĩ. Bà còn phát nguyện: “Cúi xin Bồ Tát đại từ đại bi gia hộ cho đứa trẻ này được mạnh khỏe, tật bệnh tiêu trừ, sau này con nguyện sẽ cho nó xuất gia tu hành”. Lời nguyện của Bà được cảm ứng, đứa trẻ quả nhiên mọi tật bệnh đều hết, sau đó, cậu bé được thân mẫu cho đi xuất gia theo Linh Chi Luật Sư học tập giới luật Phật pháp, tiếp theo lại được Trung Phong Hòa Thượng truyền tâm ấn. Thiền sư Thiên Nham sau về ẩn tu nơi chùa Thiên Long, hoằng truyền Phật pháp. Đức độ của Thiền Sư được nhiều người ngưỡng mộ. Tương truyền rằng, một ngày nọ, lúc Ngài đang tĩnh tọa thì có hai con rắn thật lớn đến quanh quẩn nơi pháp tòa, Thiền sư vì chúng mà giảng nói Tam quy ngũ giới. Hai con rắn ngóc đầu lên và cúi xuống lễ bái Thiền sư rất lễ kính. Sau khi lễ bái xong thì chúng bò đi nơi khác. (Trích Thính Thị Khể Cổ lược).

32. Triều nhà Minh, tại Ngô Quận có Phật tử tên là Từ Minh Phu. Phật tử này rất thâm tín Tam bảo, nhất là với Quán Âm Đại Sĩ. Ông thường ngày đêm lễ kính, xưng niệm danh hiệu của Đại Sĩ rất chí thành. Ông có đứa con tên Quán mới lên mười tuổi, bỗng nhiên mắc bệnh nguy hiểm. Hai vợ chồng Ông bèn đối trước tượng Đại sĩ, ngày đêm chí thành khẩn thiết cầu đảo, xưng niệm danh hiệu của Quán Âm Bồ Tát. Đến ngày thứ bảy thì xảy ra chuyện vô cùng lạ lùng. Vào đêm ấy, cả hai vợ chồng Ông đều nằm mộng thấy Bồ Tát đến dạy: “Ngươi hãy yên tâm, đừng quá buồn rầu. Con của hai ngươi sáng ngày mai sẽ ngồi dậy được”. Ngay lúc ấy bỗng nhiên trên bàn thờ Phật có tiếng động mạnh, hai vợ chồng giật mình thức giấc, đến trước bàn thờ Đại Sĩ thì thấy lư hương, chân đèn, bình hoa, dĩa trái cây đều bị rơi xuống đất nhưng không đồ vật nào bị hư bể. Ngay lúc ấy cả hai bỗng nghe trong miệng đứa nhỏ có tiếng nói lâm râm: “Xin Bồ Tát cứu con! Xin Bồ Tát cứu con!”. Vợ chồng ông gọi con nhưng nó vẫn ngủ say, không đáp. Đến sáng vợ chồng ông hỏi duyên cớ thì đứa trẻ cho biết: “Tối qua trong lúc đang ngủ thì con thấy Đại Sĩ đến trước giường con và nói “Con trai, Ta đến cứu con đây.” Nói rồi Bồ Tát cho con một chén nước bảo uống. Con vừa uống xong thì liền thấy nhẹ nhàng khắp xương tủy, toàn thân toát mồ hôi, đầu óc nhẹ nhàng tỉnh táo.” Cả hai vợ chồng nghe con kể lại rất vui mừng, lại càng hết lòng tin tưởng vào thần lực của Đức Đại Sĩ, mấy ngày sau thì bệnh của đứa trẻ lành hẳn. (Trích Từ Thị Đình huấn).

33. Triều nhà Minh tại chùa Thiên Đồng có Thầy Thích Tăng Chiếu là người có rất nhiều bệnh. Vào niên hiệu Hồng Vũ, năm Bính Thìn, bệnh tình của Thầy ngày càng trở nên nặng. Vị Thượng Tọa trong chùa thấy vậy, khuyên Thầy nên thành kính trì tụng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ được tiêu trừ tật bệnh. Thầy Tăng Chiếu vâng lời, mỗi ngày trì niệm danh hiệu của Đức Quan Thế Âm đến hàng vạn câu. Qua năm ngày sau, lúc giờ Ngọ, Thầy tự nghĩ: bệnh tình của mình chắc khó lòng qua khỏi, có lẽ không bao lâu sẽ chết, chi bằng ngưng trì niệm Danh hiệu Đức Quan Thế Âm, mà đổi sang trì niệm Danh hiệu Từ phụ A Di Đà Phật để cầu vãng sanh thì chắc có kết quả tốt hơn. Khi Thầy vừa dấy khởi niệm tưởng này lên thì liền thấy có một phụ nữ tuyệt đẹp, thân mặc Pháp y, tay cầm Tịnh bình, từ ngoài cửa đi vào, đến trước mặt Thầy. Lúc ấy, Thầy Tăng Chiếu rất kinh ngạc, chẳng biết làm gì, sau khi Thầy định tâm nhìn kỹ lại, biết đó là Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân. Thầy Tăng Chiếu quá sức cảm động, rơi nước mắt, Thầy liền thành kính quỳ xuống, cầu xin sám hối thật bi thiết, chỉ trong chốc lát thì người phụ nữ ấy biến mất. Trải qua năm ngày sau thì bệnh của Thầy tự nhiên khỏi hẳn. (Trích Sơn Am tạp lục).

34. Triều nhà Minh ở tại Đàm Hưng, Cư sĩ Nguyễn Ứng Kiệt là một Phật tử tại gia. Ông vốn là người rất tin tưởng và luôn thành kính lễ bái trì niệm đức Quán Thế Âm. Vào niên hiệu Vạn Lịch, nhà Thanh, năm Nhâm Dần, ông mắc phải chứng bệnh đàm ứ lên chận cổ, một giọt nước gần như cũng không thể uống được. Trải qua bảy ngày, sức lực Ông hoàn toàn suy kiệt. Vào giờ Tý đêm ấy, Ông mê man, thần thức Ông thấy mình đang khiêng một chiếc kiệu đi dọc theo bờ con sông lớn, bỗng nhiên trượt chân té xuống nước. Ngay lúc ấy các loài thủy tộc có vảy, có mai hiện đến trước mắt và xúm vào đòi mạng. Lúc đó Ông tự nghĩ: chắc là Ta từ nhiều đời đã từng ăn thịt những loài này nên hôm nay mới lâm nạn như vậy. Trong lúc hốt hoảng, đột nhiên Ông cảm thấy dường như có người nắm hai tay mình dắt lên bờ, Ông ngước đầu lên xem thì thấy có một vầng thái dương đỏ thắm lửng lơ trên không trung tựa bên chân núi, Quán Âm Đại Sĩ đang ngồi trên đài sen, trang nghiêm lộng lẫy, lại có Thiện Tài Long nữ hai bên cùng với chim anh vũ và các đồ vật tịnh bình, nhành dương liễu,… như trong các bức tranh Ông thường lễ bái chiêm ngưỡng. Cư Sĩ dùng tay sờ y phục thấy vẫn khô ráo, liền đến trước Bồ tát cúi đầu lễ tạ. Đại Sĩ bèn dạy: “Ông vốn là thiện tri thức chuyển thân, lại thêm thờ Ta chí thành cung kính nên Ta đến đây để cứu Ông, nhưng vì sát nghiệp của Ông quá lớn mới mắc phải chứng bệnh nan y ấy. Vì vậy nếu Ông hoàn toàn không sát sanh nữa thì bệnh của Ông sẽ được lành.” Vương Cư Sĩ thưa: “Kính bạch Đại Sĩ, đây cũng là bổn ý của con, con xin thành kính vâng lời răn dạy của Người”. Đại Sĩ lúc ấy nói: “HIện Ta có thứ đề hồ này cho Ông uống”. Vương Cư sĩ kính cẩn bưng chén đề hồ lên uống cạn. Chén đựng đề hồ ấy giống như pha lê, trong ngoài thông suốt, đề hồ có màu sắc vàng và trong, mùi vị thanh tao không thơm gắt như vị ở thế gian. Uống xong, Vương Cư sĩ cúi đầu lễ tạ Đức Quan Âm thì liền thức giấc, trong miệng vẫn còn hương vị ngan ngát của đề hồ, toàn thân Ông ướt đẫm mồ hôi, chỉ trong giây lát, bỗng cảm thấy thân thể mát mẻ nhẹ nhàng, nơi chổ tim ngực thấy sảng khoái, cổ họng thông suốt. Người nhà Cư sĩ mang nước cháo đến uống thì khi dùng xong, Ông cảm thấy tinh thần minh mẫn, sức khỏe hồi phục lại như trước. Từ ấy về sau, Vương cư sĩ từ bỏ việc sát sanh, lại tự thân trước tác bộ Ký Linh Giới Sát Trung Ngôn (tức là dùng lời chân thật ghi chép sự linh ứng và lời răn dạy cấm sát sanh của Quán Thế Âm Bồ Tát). (Trích Từ Tâm Bảo Giám).

35. Triều nhà Minh niên hiệu Sùng Trinh, năm Tân Tỵ, tại huyện Đương Đô, có một người từ tỉnh Sơn Đông đến, người này mắc bệnh bại liệt hai chân nên không có phương sinh kế, bèn phải dùng hai tay thay chân lết đi xin ăn trong chợ. Bất hạnh cho Ông, đa số người qua đường trông thấy Ông là người nghèo khổ, tàn tật nên đều khinh khi, xa lánh, ít người giúp đỡ mà nhiều người còn lại buôn lời nhục mạ, khiến Ông rất khổ tâm không thể chịu nổi. Có người thấy vậy mách bảo cho Ông biết: nghe nói ở Am Đường Kiều có một vị Tăng, pháp danh là Thủy Cốc rất giàu lòng thương người. Ông bèn tìm đến nơi đó để tỏ bày hoàn cảnh và nổi khổ nhục của mình. Nghe kể xong, Thầy Thủy Cốc ôn tồn khuyên bảo: “Nếu Ông phát tâm xuất gia thì có thể nương nhờ sức đại từ đại bi của Phật gia hộ, nhờ đó có thể có thí chủ phát tâm bố thí”. Người bệnh nghe xong thì vâng lời, thỉnh Thầy Thủy Cốc làm lễ tế độ cho mình và phát nguyện thọ trì trai giới. Từ ấy về sau, Ông nương nhờ nơi cửa Phật, ngày ngày an nhẫn đi khất thực dù bị người hạ nhục, và hoàn toàn không ăn mặn. Thầy Thủy Cốc thấy thế rất thương xót nên dạy Ông hàng ngày chuyên niệm Thánh hiệu của Quán Thế Âm và trì tụng chú Chuẩn Đề. Ông thọ trì hơn hai năm thì vào mùa thu năm ấy, vào lúc ban đêm, Ông nằm mộng thấy một lão bà gọi Ông đến bảo rằng: “Ngươi hãy mau đứng lên”. Ông trả lời: “Tôi là người bị bệnh bại liệt, làm sao đứng dậy được?”. Lúc ấy Ông thấy bà lão đến kéo hai chân Ông thẳng ra, thật lạ lùng là hai chân của Ông không còn bị co quắp như trước nữa. Sáng ngày sau thức dậy thì Ông thấy đôi chân mạnh hẳn lên, chứng bại liệt đã lành hẳn. Ông đi đứng đường hoàng mạnh mẽ, và tự đặt cho mình pháp hiệu là Bán Nhai. Từ ấy trở đi, có nhiều thí chủ phát tâm đến cúng dường và Ông tiếp tục con đường tu hành của mình đến ngày tạ thế. (Trích Đường Nghi Chi kỷ Cầu thơ).

36. Ở Dương Châu có một người bị bệnh tê bại đã hơn vài chục năm. Một hôm, Ông đang làm ở bên mé ao thì bỗng nhiên nhặt được một bức tượng Quán Thế Âm bằng sành. Ông vô cùng mừng rỡ bèn đem về rửa tắm thật sạch, xông hương tinh khiết và đem đến Am Đồng Ẩn cúng dường. Hàng ngày lúc canh năm, Ông đến Am dóng chuông thành kính trước tượng Quan Âm và đốt hương, lễ bái. Tu hành cần khổ như vậy trong suốt năm năm thì một hôm, Ông nằm mộng thấy có một bà lão đến dùng tay xoa bóp toàn thân, đoạn gọi Ông đứng dậy. Ông trả lời: “Tôi bệnh tê bại làm sao đứng lên được”. Bà cụ bèn nói: “Không sao, Hôm nay ngươi đi được rồi.” Ông giật mình thức giấc, khi bỏ chân xuống giường thử đứng lên thì thật linh nghiệm, hai chân Ông đã mạnh và cứng lên, Ông mang dép vào và đi như người thường. Quá xúc động trước lòng Từ bi vô lượng của Quan Âm Bồ Tát, Ông liền đến Am Đồng Ẩn xin xuất gia làm Tăng. Lúc bấy giờ có huyện lệnh Thái Phó ở Giang Tô, là người rất kính tin sự cứu khổ của Quán Âm Đại Sĩ, nghe chuyện của Ông thành tâm cần khổ tu niệm nên phát tâm kiến tạo một ngôi Tịnh thất rất trang nghiêm đề hiệu là Tồn Tế. Trong Tịnh thất ấy, vị quan có cúng dường tượng của Quán Thế Âm Bồ tát và từ ấy trở đi Ông suốt đời ở đó tinh tấn tu hành. (Trích Giác Thế Kinh thuyết chúng).

37. Triều nhà Minh, niên hiệu Sùng Trinh, năm thứ 11, nhằm năm Mậu Dần, ở tại Dương Châu có một vị Tăng hiệu là Thùy Kế. Từ lâu Thầy đã bị chứng đau lưng rất nặng, ngày đêm bệnh tình hành hạ làm Thầy rên la khổ sở, đến hơn một tháng sau thì bỏ luôn ăn uống. Có một vị đồng tu từ xa đến thăm thấy thế nói với Thầy: “Tôi nghe thường ngày Thầy khuyên mọi người chuyên niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm, hôm nay chính Thầy bị nạn sao không nhất tâm quy mạng Đại Sĩ để cầu xin đức đại từ đại bi của Ngài cứu độ để thoát được chứng bệnh này”. Thầy Thích Thùy Kế nghe lời nói của người bạn đồng tu thì tỉnh ngộ. Thầy lập tức nhờ người sắm hương đăng, hoa quả để cúng dường và chuyên tâm trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát không dứt. Đến lúc canh tư, đại chúng không nghe tiếng trì niệm của Thầy nữa, lấy làm lạ, liền sanh nghi Thầy đã tắt hơi nên mở cửa phòng vào xem thì thấy Thầy đang ngủ ngon giấc nên đồng trở ra để Thầy yên giấc. Đến chiều, bỗng mọi người nghe tiếng Thầy gọi lớn: “Tôi đói quá, xin mau làm cơm cho tôi ăn”. Mọi người đem cơm đến cho Thầy dùng. Sau khi dùng xong, Thầy bước xuống giường đi đứng bình thường và không còn đau đớn nữa. Đại chúng thấy vậy kinh ngạc hỏi Thầy duyên cớ gì mà bệnh lại mau lành nhanh như vậy. Thầy thành thật kể lại: “Lúc đầu khi Tôi mới niệm Thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì thấy người đau nhức như bị dao cắt, một lúc sau thì thấy có một vầng mây đỏ hiện ra trong không trung và Quan Âm Bồ Tát đứng trên vầng mây đó, Ngài dùng nước cam lồ trong bình rưới trên đầu Tôi. Trong giây lát, Tôi cảm thấy mát mẻ từ đầu xuống tới chân, ngắm vào tận xương tủy, toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Sau đó Tôi ngủ mê mệt, khi thức giấc thì thấy bụng đói cồn cào, bây giờ khi dùng cơm xong thì thấy trong người khỏe khoắn lạ lùng, cảm giác đau ở lưng đã không còn nữa. Thật là sự nhiệm màu không thể tưởng tượng được.” (Trích Quán Âm Trì Niệm Ký).

38. Triều nhà Thanh, Phật tử Bành Xích Mộc có người cháu dâu là Đào Thị, bị chứng bệnh sưng lá lách như bướu, chạy chữa khắp nơi nhưng không hiệu quả. Đào Thị liền phát tâm chí thành cung kính trì niệm Chú Đại Bi. Một đêm nọ, Cô nằm mộng thấy có một bà lão đem đến trao cho Cô một cành hoa thật đẹp. Cô vui mừng nhận lấy, ngay tức khắc Đào Thị liền cảm thấy thân tâm mình nhẹ nhàng như chiếc lá, tưởng chừng có thể bay được. Khi thức dậy, Cô cảm thấy cơn bệnh không còn hoành hành nữa, từ ấy bệnh tự nhiên lành hẳn. (Trích Nhứt Hạnh Cư tập).

39. Triều nhà Thanh có Phật tử Tạ Trọng Hoa là người có tâm sùng kính ngôi Tam bảo. Ông có một đứa con gái còn ở trong nôi nhưng mắc chứng bệnh thời dịch đến mức hôn mê thác loạn, chứng bệnh ngày một trở nên nặng và không có phương pháp gì chữa trị. Đang lúc lo âu bối rối, Trọng Hoa bỗng nhớ đến Quán Thế Âm Bồ tát đại từ đại bi tầm thinh cứu khổ, phổ độ chúng sanh, nếu có chúng sanh nào chí thành lễ bái, trì niệm danh hiệu Ngài chắc chắn sẽ được linh ứng. Ông liền nhất tâm thành kính lễ bái xưng niệm danh hiệu của Bồ Tát, lại nguyện ấn tống Kinh Quán Âm nghìn quyển. Đứa con gái bị bệnh, đêm ấy được ngủ yên và đến sáng ngày thì bệnh hoàn toàn lành hết. (Trích Hải Nam Nhứt Chước).

40. Triều nhà Thanh có Phật tử tên là Như Lâm thường kể cho mọi người nghe chuyện lúc bình sinh của thân phụ Ông. Nguyên cụ Ông là một người nhân hậu tánh tình cương trực, thích làm các thiện sự và ưa bố thí. Hằng ngày, thân phụ của Ông thường cúng dường, lễ bái trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm rất kiền thành. Đến khi hơn bốn mươi tuổi thì bỗng mắc chứng bệnh cổ trướng, bụng nổi gân xanh chằng chịt như có người dùng dây quấn quanh cái trống trông rất đáng sợ, người nhà tìm thầy thuốc khắp nơi đều không khỏi. Một ngày nọ, thân phụ Ông nằm mộng thấy có một bà lão tay cầm một cây kim, đến bảo thân phụ Ông rằng: “Bịnh nhà ngươi rất nặng, ngồi cũng khó khăn chứ đừng nói chi đi đứng, tuy nhiên hôm nay Ta sẽ giúp cho ngươi đi lại một cách dễ dàng”. Dứt lời thì Bà dùng kim khều những sợi gân trong bụng Ông ra, khều hết sợi này đến sợi khác, sau đó dùng kéo bén cắt tất cả gân ấy vứt bỏ đi. Thân phụ Ông lúc ấy sợ hãi kêu la rồi giật mình thức dậy. Người nhà chạy đến hỏi nguyên do thì thân phụ Ông bèn kể lại câu chuyện trong mộng, ai nấy đều kinh ngạc. Đến sáng thức dậy thì thấy bụng của thân phụ Ông nhỏ lại như người bình thường, những gân xanh nơi bụng quả nhiên không còn, chứng bệnh cổ trướng lành hẳn, và cụ Ông đi đứng như bình thường. (Trích Miền Giới thuyết Yếu Luận).

41. Triều nhà Thanh, Hà Thế Kiệt là người ở huyện Sơn Âm, tỉnh Chiết Giang. Đến niên hiệu Càn Long thứ mười ba, vào tháng 9 thì bỗng nhiên mắc chứng bệnh sâu cổ (đây là chứng bệnh do ăn phải độc chất từ loài độc trùng. Người ta chế thuốc độc này bằng cách nhốt các loại độc trùng như rắn, rít, bò cạp, cùng nhau để chúng tàn sát nhau, con nào còn sống sót thì bị giết chết, sau đó đốt thân tan thành tro tạo thành dạng bột. Chất bột cực độc này nếu bỏ vào đồ ăn, thức uống của người mà kẻ chủ mưu muốn hãm hại thì người ăn trúng độc nếu không chết ngay lập tức thì cũng mắc phải các chứng bệnh không thể chữa trị được). Mẫu thân của Thế Kiệt là Điền Thị ngày đêm chí thành lễ bái ở trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và xưng niệm danh hiệu của Ngài, Bà lại phát nguyện tụng kinh Cao Vương(*) một nghìn biến, ấn tống 1,200 quyển Kinh này, đến tháng 3 năm sau, chứng bệnh sâu cổ của Thế Kiệt hoàn toàn hết hẳn. (Trích Quán Âm Linh cảm lục).

(*) Cao Vương Kinh còn gọi là Cao Vương Quan Thế Âm Kinh.

Đời Đông Ngụy, niên hiệu Thiên Bình, người ở xứ Cao Vương, cảm được sự linh ứng của đức Quan Âm trong Kinh Quán Âm, nên gọi là Cao Vương Kinh. Trong bộ Cao Tăng Truyện, quyển 29 cùng với bộ Pháp Uyển Châu Lâm quyển 25 đều gọi là Quán Thế Âm Cứu Sanh Kinh hay là Cao Vương Quán Thế Âm Kinh. Trong Bộ Phật tổ thống ký quyển 54 gọi là Thập Cứu Quán Âm Kinh. Trong bộ Kê Cổ Lược quyển 2 thì gọi là Cứu Khổ Quan Âm Kinh. Trong tục Cao Tăng truyện, có chuyện Tôn Đức Kính là một Phật tử, thường ngày rất siêng năng, chí thành lễ bái trì niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm. Về sau, bị người bắt và đem nhốt tại ngục ở Kinh Đô. Ông bị tra khảo đánh đập rất tàn nhẫn để ép phải nhận tội mà bọn chúng gán ghép cho Ông. Tôn Đức Kính do không chịu nổi những cực hình tàn ác ấy nên dù không tội vẫn phải nhận tội. Trong lúc bị cực hình đến ngất đi trong ngục thì mộng thấy có một vị Sa môn đến bảo Ông tụng Quán Thế Âm Cứu Sanh Kinh, trong bộ kinh ấy có danh hiệu Phật. Sa môn dặn kỹ rằng phải tụng cho đủ ngàn biến thì mới thoát khỏi nạn tử hình. Khi thức giấc, Đức Kính vâng lời tụng kinh rõ ràng không sai sót, đến lúc gần sáng đã tụng sắp đủ năm trăm biến thì quan Hữu Ty đến bắt trói để đem đi xử trảm. Trên đường dẫn đi, Đức Kính vẫn thành tâm vừa đi vừa tụng. Đến giờ gia hình thì cùng lúc trì tụng đủ nghìn biến. Khi đao phủ cầm dao lên chém thì dao liền gãy thành ba khúc, ba lần đổi dao đều giống như vậy. Những người chứng kiến tại Pháp trường đều kinh ngạc. Quan Hữu Ty đem sự việc ấy tâu về triều, Quan Thừa Tướng Cao Hoàng cũng dâng biểu lên Hoàng thượng triều Ngụy xin tha tội chết cho Đức Kính. Hoàng thượng chuẩn tấu tha chết cho Đức Kính, lại hạ chiếu truyền cho Đức Kính phải cố gắng viết Kinh để phổ biến khắp mọi nơi để cho toàn dân trong nước đều trì tụng. Hiện nay, Kinh này được gọi là Cao Vương Quan Thế Âm Kinh.

42. Triều nhà Thanh có người tên Diệp Kiến An bị bệnh sốt rét rất nặng. Mỗi khi lên cơn sốt và cơn lạnh hoành hành thì khổ không kể xiết, chứng bệnh ngày càng nặng mà không thầy nào chữa được. Kiến An vô cùng lo luồn, nghĩ rằng chắc không qua khỏi. Một ngày nọ, Ông bỗng nhìn thấy trên giá sách có quyển Đại Bi Chú, trong tâm phát khởi niệm: người ta thường nói trong thế gian không gì linh nghiệm và quý báu bằng Phật Pháp, vậy nếu nay Ta trì tụng chú này, chắc sẽ được giảm bớt bệnh khổ. Sáng hôm sau, Ông đến trước Phật đài, đốt hương thành kính lễ bái cầu nguyện phát thệ chuyên tâm trì tụng Chú Đại Bi. Trong ngày ấy, chứng sốt rét bớt hẳn và dần dần thân thể Ông khỏe mạnh trở lại như xưa. (Trích Khuyến Giới Lục).

43. Triều nhà Thanh, Vương Ngự Đương tự thuật lại như sau: Vương Kính Tổ người ở tại Bảo Đê, quận Kinh Triều, lúc lên mười bảy tuổi thì đôi mắt bị mù. Kính Tổ phát nguyện hàng ngày thành tâm trì tụng Thần Chú Bạch Y và danh hiệu Đức Quán Âm. Đến niên hiệu Khang Hy, vào đêm 26 tháng 4 năm Kỷ tỵ, Kính Tổ nằm mộng thấy một phụ nữ mặc áo lụa trắng, dùng tay vạch mắt trái của Kính tổ, rồi dùng chiếc kềm nhỏ kẹp cho gân lòi ra chừng một tấc, tiếp theo lại vạch mắt phải ra rồi cũng dùng kềm làm như vậy. Sau đó, người phụ nữ bảo Kính Tổ rằng: “Mắt của ngươi đã hết bệnh rồi”. Sáng hôm sau thức dậy, Kính Tổ rất vui mừng vì đã nhìn thấy mọi vật rõ ràng như lúc chưa mù. Từ đó, đức tin của Kính Tổ càng sâu dầy, tụng niệm càng tin tấn hơn. Cả gia đình Anh sau đó đều nguyện trì chú Bạch Y rất tinh tấn, cúng dường Đại Sĩ rất kiền thành. Chiết An Thiền Sư là bậc Cao Tăng ở Bồng Sơn là người biết rõ việc này nên đã trước tác chuyện Vương Kính Tổ, ghi lại sự tích này để rộng khuyến hóa mọi người trì tụng Chú Bạch Y để được nhiều lợi ích. (Trích Cư Dị Lục).

44. Triều nhà Thanh có Phật tử tên là Đinh Triều là người rất tin tưởng Phật pháp. Ông thường kể cho mọi người nghe về chuyện Bà nội của mình. Bà nội của Ông là Khổng Thái Quân, hai mắt bị mù đã hai chục năm. Vào niên hiệu Càn Long nhà Thanh, lúc mùa Xuân năm Nhâm Tý, mọi người trong nhà đang vui vẻ đón mừng năm mới thì bà lão rất buồn khổ, tâm trạng giống như là người bị nhốt trong ngục tối. Quá buồn tủi, Bà nói với đứa cháu nội: “Triều ơi, Nội không thấy gì cả, sống mà như đã chết. Nội chỉ mong sao Trời Phật chỉ cho một con mắt của Nội được sáng thôi để nhìn thấy mọi người xung quanh thì cũng được mãn nguyện trước khi chết rồi.” Triều nghe bà Nội nói thì trong lòng rất xúc động, rưng rưng nước mắt thưa với bà rằng: “Nội đừng quá bi quan! Con nghe rằng Thần Chú Đại Bi rất linh nghiệm, người nào bị bất cứ tai nạn bệnh khổ nào mà thành tâm trì tụng, chắc chắn mọi sự đều được như ý nguyện. Nhưng con nghĩ Thần chú này rất nhiều chữ nên con dạy Nội cũng sẽ lâu thuộc, chi bằng Nội hãy chuyên tâm thành kính trì niệm bảy chữ Thánh hiệu “Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát” thì con chắc rằng mắt Nội sẽ sáng lại.” Bà nghe cháu nội của mình nói xong thì sanh tâm thành kính, ngày đêm kiền thành trì niệm Thánh hiệu Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát không gián đoạn. Chưa được một tháng thì con mắt của Bà quả nhiên sáng lại như xưa, Bà tự nhìn được những đường chỉ tay trên bàn tay rất rõ ràng. Một hôm, Bà bảo tất cả con cháu trong nhà và gia nhân đến đứng dưới lầu, bà đứng trên lầu nhìn xuống nhận diện từng người một rồi vô cùng hoan hỉ khi thấy rõ tất cả. Bà nói: “Hai đứa cháu dâu về nhà này đã lâu mà Già chưa biết mặt, hôm nay luôn cả cháu chắt đều đủ mặt, Ta có thể trông thấy rõ từng mảng tóc vá trên đầu của chúng. Sự việc này nếu không phải sức đại từ đại bi của Quan Âm Bồ Tát thì không ai có thể giúp cho Ta được.” Sau đó, Bà bảo Đinh Triều viết lại câu chuyện của Bà và khắc bản lưu bố các nơi để giúp mọi người tăng thêm lòng tín ngưỡng với Đức Quan Âm Đại Sĩ. (Trích Quán Thế Âm Trì Nghiệm ký).

45. Tại Lâm Giang có Phật tử tên Đinh Triệu Hy thường đi buôn bán ở đất Thục. Mẫu thân của Triệu Hy là Diệp thị ở nhà bị liệt hai chân rất là đau khổ, chạy chữa mãi vẫn không hết. Triệu Hy ở xa nghe tin dù, tâm luôn hướng về Mẹ già ở quê nhà, nhưng không biết phải làm sao nên chỉ biết thành kính xưng niệm Thánh hiệu Quán Âm Đại sĩ cầu xin cho bệnh của Mẹ mau lành. Ít lâu sau, có người ở trong làng của Ông đến đất Thục, Triệu Hy hỏi thăm mới biết mẫu thân của mình nhờ sức Từ bi của Đại sĩ linh ứng hiển hiện trong điềm mộng nên bệnh được lành. Theo người này kể lại, đúng vào ngày Ông đang trì niệm Thánh hiệu Quan Âm thì Mẹ Ông ở nhà mộng thấy đức Đại Sĩ đến dùng nước cam lộ rưới lên đôi chân Bà. Sáng ngày tỉnh giấc thì Bà cảm thấy đôi chân có cảm giác trở lại, sau đó bà đứng lên đi lại được như bình thường. Thế mói biết nhờ tâm thành cầu khẩn của Triệu Hy, dù đường xa vài nghìn dặm, có cảm liền có ứng nên Mẹ ông được hết bệnh. Qua năm Đinh Dậu, Triệu Hy hồi hương nhằm ngày sinh nhật lục tuần của mẫu thân, Ông tắm gội sạch sẽ, thực hành trai giới, thanh tịnh phát nguyện chí thành cung kính tụng kinh Phổ Môn một trăm biến để cầu nguyện cho mẫu thân được khang kiện. Quả nhiên, về sau mẫu thân của Ông tuy lớn tuổi nhưng thân hình vẫn tráng kiện, tinh thần minh mẫn, hưởng thọ cao niên. Riêng Triệu Hy thì việc làm ăn cũng phát đạt, mọi việc đều như ý. (Trích Khuyến giới thiết yếu lục).

46. Tại xứ Triều Châu, tỉnh Phước Kiến, có người họ Vương, từ lúc niên thiếu đã bị bệnh mắt gần như mù. Bấy giờ, có một vị Tăng nhân thương xót tình cảnh cậu bé nên đến khuyên Cậu nên cung kính chí thành trì tụng Bạch Y Thần Chú vạn biến thì bệnh sẽ tự lành. Cậu bé vâng lời, cố gắng chuyên tâm trì tụng đến số mười ngàn biến thì đôi mắt của Cậu không người chữa trị thì tự nhiên sáng lại. Lúc lớn lên, vào một dạo nọ, Cậu lại bị người ác tâm vu khống nên bị kết tội vào trọng án. Trong lúc bị tù đày thì ngày đêm, Cậu vẫn hết lòng thành kính trì tụng Chú Đại Bi. Một thời gian sau, Cậu được quan huyện xét lại sự việc và cho được trắng án. Về sau họ Vương được bổ nhiệm làm quan tri huyện, Ông hết sức tín ngưỡng thần lực của Đức Quan Âm nên cho người khắc bản Thần Chú Bạch Y và ấn tống, lưu truyền khắp nơi. Ông cật lực khuyến hóa dân trong huyện đồng phát tín tâm sâu dày với Tam bảo và trì tụng Thần Chú Bạch Y để được nhiều lợi lạc. (Trích Bạch Y Thần Chú Thiên sự).

47. Vương Đạo Hạnh ở Giang Lăng, là người hay say sưa chè chén. Một hôm sau khi uống say, trên đường về nhà, chân bên nọ đá bên kia, quơ tay dậm chân mồm kêu la lảm nhảm, thì không may Anh trợt chân té xuống vực núi cao, bị gãy lưng, may nhờ những người đi ngang qua giúp đưa về nhà. Gia đình đi tìm rước Thầy thuốc giỏi đến điều trị nhưng không thuyên giảm chút nào. Đạo Hạnh phát nguyện tụng kinh Phổ Môn một năm nhưng bệnh vẫn y nhiên, không thuyên giảm, nên trong ý tự nghĩ là Kinh không linh nghiệm nên không muốn tụng nữa. Đêm ấy, Anh ta nằm mộng thấy một Thần nhơn đến quở trách: “Nhà ngươi tụng kinh mà tâm hoàn toàn không chí thành, chỉ y theo văn tự mà tụng cho lấy có, thế mà lại còn hờn trách Kinh không linh nghiệm. Sao không tự xét lại bản tâm mình.” Giật mình thức dậy, Đạo Hạnh vô cùng hối hận, từ ấy quyết tâm gột rửa tạp niệm trong tâm, kiền thành trì tụng. Trải qua hai tháng, Anh lại nằm mộng thấy vị Thần nhơn trước kia đến dùng tay vỗ vào lưng. Lúc giật mình thức giấc thì thấy lưng đã thẳng, không còn đau nhức, có thể đứng lên đi lại và mạnh khỏe như trước. Bấy giờ lòng tin của Anh càng sâu dầy, trì tụng Kinh càng tinh tấn, vợ của Anh hơn bốn mươi tuổi mà chưa có con, nay nhờ Anh trì tụng Kinh đã liên tiếp sanh hai đứa con trai trong hai năm. (Trích Quán Thế Âm linh nghiệm ký).

48. Tại Khuy Châu có người tên Thanh Vân, lúc tráng niên bị bệnh rất nặng, không thể ngồi được. Ông liền phát nguyện ấn tống một nghìn quyển Kinh Quán Âm. Đêm hôm ấy, Vân nằm mộng thấy hai vị thần nhơn, một vị bưng bồn tắm, một vị cầm dao, đến mổ bụng Ông rồi lấy nước trong bồn rửa các bộ phận trong bụng Ông thật sạch. Vân sợ hãi giật mình thức giấc, toàn thân toát mồ hôi ướt đầm, đến sáng hôm sau thì bệnh được lành hẳn. Từ ấy thân thể khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, tinh thần tráng kiện, Vân chuyên tâm trì tụng Kinh Quan Âm và tinh tấn tu hành đến suốt đời. (Trích Hải Nam Nhứt Chước).

49. Trong Lời tựa của Bộ Nam Hải Từ Thuyền, Phật tử Tự Cảnh Hiền tự thuật lại câu chuyện như sau: “Hiền này trước kia đã cho rằng trong Phật giáo thường nói tụng kinh được phước là điều không có, chỉ là do những người trong Phật giáo đặt điều mà nói. Sau đó Tôi tỉnh ngộ và thấy mình hoàn toàn sai lầm khi nghĩ như vậy, nguyên nhân giúp Tôi giác ngộ là do câu chuyện sau: Tôi cưới vợ đã hơn tám năm nhưng vẫn không có con, cha mẹ vợ bảo vợ tôi phát nguyện ấn tống Kinh Quán Âm và trì trai Quán Âm thì sẽ thấy sự linh nghiệm. Vợ tôi vâng lời thực hành theo lời chỉ bảo thì sau đó nằm mộng thấy điềm lành và có thai. Lúc sắp sanh thì lại mộng thấy một bà lão mang trao cho đứa bé bảo đặt tên là Tích. Đến lúc sanh cháu bé vì thấy giấc mộng đã ứng nên vợ tôi đặt tên đứa bé là Tích. Mặc dù vậy, Tôi vẫn mỉa mai chê cười không tin, cho là sự huyễn hóa. Liên tiếp sau đó, trong nhà Tôi, mỗi khi ai bị tật bệnh tai nạn, gia đình đều thành tâm cầu đảo Đức Quan Âm thì đều được ứng nghiệm rõ ràng, nhưng Tôi vẫn ngoan cố, bán tín bán nghi cho là không có sự linh nghiệm. Đến năm Giáp Tuất thì đứa con thứ hai bị bệnh thổ tả, cho uống thuốc vào thì ói ra, nhìn đứa bé tứ chi rủ rượi, nằm thiêm thiếp trên giường khó bề qua khỏi, mẫu thân tôi vì quá thương cháu ngày đêm khóc than, chính tôi cũng không cầm được nước mắt và không biết cầu cứu nơi đâu. Lúc ấy Tôi mới đến trước Quán Âm Đại Sĩ, chí thành cầu đảo, thành tâm sám hối lỗi lầm đã báng bổ lòng tin của những người tin tưởng Đức Đại Sĩ trước kia. Tôi lại phát thệ nguyện biên tập Bộ Nam Hải Từ Thuyền để chừa bỏ lỗi xưa và thực hành tất cả các thiện sự. Vừa cầu nguyện xong thì chứng thổ tả của con tôi đột nhiên giảm sút, đứa trẻ bắt đầu đòi ăn. Có điều lạ là vợ tôi trước đó vì buồn lo do bệnh của con, bỏ ăn vài ngày nên sữa đã tắt, thế mà sau khi Tôi cầu nguyện và lập thệ thì tự nhiên sữa lại có trở lại thật nhiều. Chứng kiến sự linh nghiệm rõ ràng này, Cảnh Hiền này tự hận mình vì phước đức thiển bạc, bị vô minh che lấp nên không có tín tâm với Phật pháp, lại còn dám cả gan bắt chước bọn cuồng huệ si mê, sanh tâm chê bai, bài xích việc tụng kinh cầu phước trong Phật pháp cho đó là điều hư dối. Tội lỗi ấy nói không kể xiết nhưng than ôi! sự việc đã rồi, có hối hận cũng chẳng làm sao được nên nguyện dùng chút tâm thành này mà biên tập lại bộ Nam Hải Từ Thuyền này để khắp khuyến hóa mọi người, phát tâm hướng về đức Quán Âm Đại Sĩ để được nhiều phước lạc. Khi biên tập xong thì nguyện khắc bản in thành tập, thành kính ghi lại duyên khởi nói trên để những vị xem bộ sách này được rõ. (Trích Nam Hải Từ Thuyền).

50. Tại Kinh Sơn có người tên Vạn Văn Ngọc là Phật tử rất tin tưởng vào thần lực của Quan Thế Âm Bồ Tát, Ông tự thuật lại sự linh ứng của Đại Sĩ như sau: Tôi thành kính trì tụng Thần Chú Đại bi thần chú và tâm Kinh, sự linh nghiệm không sao nói hết được. Những khi gặp nguy hiểm thì hóa thành cát tường, lại có cả việc cải tử hồi sinh. Sự việc này chính tôi đã trải qua. Lúc thân sinh của tôi bị bệnh nặng, người nằm thiêm thiếp trên giường, thân thể lạnh buốt, tất cả hậu sự lo cho Cha, Tôi đều đã chuẩn bị sẳn sàng. Những giờ phút cuối cùng này khiến lòng tôi đau như cắt, nước mắt tuôn rơi như mưa, Tôi đến trước tượng Quán Âm Bồ Tát chí thành đảnh lễ, đoạn quì xuống thành kính tụng Đại bi thần chú. Vừa xong một biến thì Thân sinh của tôi hơi ấm dần trở lại, nói năng cử động trở lại như thường, sau đó thì đòi ăn uống và vài ngày sau thì được khỏe mạnh an ổn như thường. Quả đúng là “Phật từ quảng đại vô lượng vô biên” – câu tán thán ấy đúng như thật, không phải lời hư dối. (Trích Quán Âm Linh Cảm lục).

51. Phật tử Lưu Sơn tự thuật về sự linh cảm của Đức Quan Thế Âm như sau: “Bản thân Tôi vào mùa Đông năm Nhâm Thìn may mắn được gặp Bộ Sách Viên Công Liễu Phàm Tứ Huấn và truyện Du Công Tịnh Ý ngộ Táo Thần Ký(*). Sau khi đọc xong, lòng khởi niệm sự thâm tín về lý thiên đạo, phước thiện, họa dâm (tức là sự may mắn cát tường, rủi ro, tai họa của đạo lý thiên nhiên hay còn gọi là Luật Nhơn quả), Tôi nhận thức được rằng số mạng là do mình tự lập, phước đức cũng do mình cầu nên lòng Tôi rất vui vẻ. Đầu năm Quý Tỵ, Tôi tự thảo sớ sám hối tội lỗi, lại mỗi ngày phát nguyện quì trước Phật đài, trì tụng kinh Phổ Môn, chú Chuẩn đề… để cầu nguyện cho mẫu thân được sống lâu. Ngoài ra, với các thiện sự giúp người, lợi vật, Tôi đều hoan hỉ phụng hành. Mẫu thân Tôi từ lâu mắc phải chứng bệnh đàm hỏa khí, đến năm nay lại bị tái phát liên miên và có chiều hướng nặng hơn trước. Mẫu thân gọi tôi đến bảo rằng: “Mẹ mang chứng bệnh này đã ba mươi mốt năm, trước kia bệnh không đến nổi nhiều, mỗi khi phát bệnh liền lành, nhưng có một điều Mẹ không hiểu vì sao từ lúc con phát nguyện lễ Phật, tụng kinh chú thì bệnh của Mẹ càng thêm nặng, không lẽ Già này bạc phước không thể thọ nhận được công đức ấy hay sao?” Vừa nghe qua mấy lời ấy, tôi đau đớn nghẹn ngào, hai dòng lệ tuôn rơi, quỳ dưới chân Mẹ thưa rằng: “Thưa Mẹ, con nghĩ là lỗi ở con, vì tâm của con chưa đến mức chí thành, vọng tưởng chưa trừ diệt nên sự cầu nguyện chưa đạt kết quả.” Nói rồi, Tôi liền từ giã Mẹ đến trước Phật đài đốt hương cúng dường lễ bái, nước mắt tuôn rơi, năm vóc sát đất, cầu Phật chứng dám, quyết thệ trừ vọng niệm và chí thành trì tụng danh hiệu Đức Quan Thế Âm cầu cho Mẹ, được mau lành bệnh. Bấy giờ mẫu thân Tôi đã trải qua năm ngày không ăn uống thì hôm nay bỗng dưng đòi ăn cháo. Đêm ấy, tôi nằm mộng thấy Đại sĩ vẫy tay bảo Tôi đến bên Ngài rồi trao cho Tôi một chén nước đậu xanh bảo đưa cho Mẹ tôi uống. Tôi giật mình thức dậy, vội đến thăm Mẹ thì thật nhiệm màu, bệnh tình Mẹ tôi thuyên giảm hẳn. Độ hơn tuần lễ sau, thì hoàn toàn khỏi hẳn. Thế là căn bệnh kéo dài ba mươi mốt năm nay của Mẹ tôi đã dứt hẳn, tôi thật vui mừng và càng thâm tín lý cảm ứng và thần lực của Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Từ đó về sau mỗi khi tụng kinh niệm Phật, Tôi đều tụng niệm bằng tất cả tâm chí thành tuyệt đối. (Trích Tín tâm lục).

(*) Dịch giả thành kính y cứ trong Bộ An Sĩ Toàn thư, ở phần cuối quyển thượng, dịch bài văn Du Công Tịnh ý Ngộ Táo Thần Ký, kính hiến cho quý vị để làm chiếc gương báu tự soi.

Triều nhà Minh niên hiệu Gia Tình, tại tỉnh Giang Tây, có vị Tú tài tên Du Công Húy Đô tự Lương Thần, là một nhân vật cao tài bác học đương thời.

Vào năm mười tám tuổi, Ông đậu Tú tài. Mỗi lần khảo thí, Ông đều đậu hạng cao. Đến lúc tráng niên, vì nhà quá nghèo nên Ông mở lớp dạy học trò để nuôi sống bản thân, lại cùng các bạn đồng học hơn mười người kết thành Văn Xương Xã, tự lập ra qui điều như sau:

(1) Kính Trọng giấy chữ

(2) Thực hành phóng sanh

(3) Trừ tuyệt tà dâm

(4) Tuyệt đối không sát

(5) Sửa lổi khẩu nghiệp.

Thực hành được khoảng một năm thì Ông trước sau ứng thí Cử nhân cả bảy khoa đều bị trượt, sanh được năm con trai thì chết yểu hết bốn đứa. Đứa thứ ba thông minh tuấn tú phi thường, dưới lòng bàn chân bên tả có hai nốt ruồi được vợ chồng ông cưng quý như ngọc, thì lúc lên tám tuổi khi đi chơi trong xóm tự nhiên mất tích, trải qua nhiều năm tìm kiếm vẫn không tìm ra. Bốn đứa con gái sanh ra sau này cũng chết ba, chỉ còn một đứa. Vợ ông vì buồn rầu thương nhớ các con, ngày đêm thương khóc nên đôi mắt bị mù. Du Công suốt năm lận đận, đảo điên, gia đình ngày càng cùng quẩn. Ông tự xét lại bản thân mình không tạo tội ác gì lớn nhưng không biết tại sao trời phạt ở trong hoàn cảnh thê thảm như thế này. Vì thế, lúc Du Công ngoài bốn mươi tuổi, mỗi năm vào ngày hăm ba cuối tháng Chạp, tự tay viết sớ giấy vàng đến trước bàn thờ Táo thần lễ bái cầu đảo rồi đốt Sớ để nhờ Ngài tâu cùng Thượng đế.

Thực hành như thế trong vài năm cũng không thấy báo ứng gì tốt. Đến lúc bốn mươi bảy tuổi vào đêm Giao thừa, Du Công cùng với bà vợ mù và cô con gái nhỏ ngồi trong túp nhà tranh quạnh hiu vắng vẻ, nhìn lên bàn Phật không có lấy một thẻ nhang, đôi đèn, trên bàn thờ ông bà không một bình hoa hay dĩa trái cây để cúng rước. Cảnh thê lương thảm não, buồn thương này không sao nói hết được thì bỗng nhiên bên ngoài có tiếng gõ cửa, Du Công bưng đèn ra mở cửa thì nhìn thấy một nhân sĩ mặc y phục màu đen, đầu đội khăn đóng, râu tóc hoa râm, nhân sĩ đưa tay vái chào Du Công rồi bước vào nhà ngồi xuống ghế. Vị nhân sĩ này nói: “Tôi đây tên Hộ Trương, từ đường xa về, đi ngang qua đây, nghe trong nhà này có tiếng buồn than nên đặc biệt đến đây để an ủi nhau vậy.” Du Công đối với người khách lạ, tâm sanh cung kính giữ lễ, nhơn dịp này thuật lại lúc bình sinh của mình nào là đọc sách thi học, thực hành thiện sự nhưng đến nay công danh vẫn không toại, lại còn gặp nhiều biến cố long đong, con chết gần hết còn vợ thì bị mù lòa, cơm không no bụng, áo chẳng đủ che thân, liên tiếp bị khốn khổ. Thời gian gần đây vào mỗi cuối năm đều đốt sớ trước bàn thờ Táo thần để nhờ Ngài tâu đạt việc này lên Thượng đế nhưng vẫn không có kết quả nào.

Ngài Hộ Trương bèn nói: “Tôi biết sự việc này của Ông đã lâu rồi. Thật ra, nhìn bề ngoài thì không có tội ác nào hiện hữu nhưng trong tâm, ác niệm của Ông quá sâu nặng. Ông làm việc lành chỉ chú trọng đến hư danh bề ngoài mà bên trong không phải như vậy. Ông không biết rằng những sớ giấy Ông đốt để nhờ Tôi tâu trình với Thượng đế thì trong ấy toàn những lời oán trách. Tôi sợ rằng nếu tâu lên Thiên đình thì Ông càng bị phạt nặng hơn chứ không phải chừng ấy thôi đâu.”

Du Công vừa nghe vị khách nói thì kính cẩn thưa rằng: “Thưa Ngài, tôi nghe nói trong minh minh làm lành dù một giây cũng có ghi chép, thế thì tôi thệ nguyện thực hành thiện sự, kính phụng theo qui điều đã lâu rồi, đâu có lý nào chỉ là vì hư danh mà thôi?” Vị khách lại từ hòa đáp lại: “Xin Ông hãy nghe kỹ những lời Tôi nói sau đây: quy điều kính trọng giấy chữ mà Ông đã lập, học trò cùng với bạn tri giao của Ông thường dùng giấy đã có chữ, sách cũ cho hồ vào dán cửa sổ, gói đồ vật, thậm chí còn dùng giấy có chữ để lau bàn lau ghế, trong khi làm như vậy thì mượn cớ rằng lau rồi sẽ đem đi đốt không để cho nhơ. Sự việc ấy chính Ông nhìn thấy mà không hề nhắc nhở răn dạy, Ông chỉ gặp những giấy chữ vứt bỏ ở vệ đường rồi nhặt lên đem về đốt thì làm thế có ích gì đâu?

Trong Văn Xương xã có vạch rõ quy điều thực hành phóng sanh, mỗi tháng phải có, thế mà Ông không thực tâm chăm chú làm. Nếu có người làm thì Ông phụ họa theo cho có, nếu mọi người không thực hành thì Ông cũng bỏ qua. Ông nên biết vì sao phải phóng sanh? Ấy là vì tâm từ bi thương xót chúng sanh, không nở để chúng phải vào trong chảo nước sôi hay bị bằm xắt trên dao thớt, chết một cách thảm thê. Trong nội tâm của Ông, không hề có một niệm từ bi phát động để làm việc phóng sanh. Hơn thế nữa những loại tôm cua trong nhà trù Ông bắt để dành, chúng nó bị chết thảm quá nhiều. Thưa Ông, các loại vật ấy chẳng phải là sanh mạng hay sao?

Còn nói đến khoản Lìa lỗi khẩu nghiệp thì ôi thôi không thể nào nói hết được. Vì tài biện luận của Ông diệu xảo muôn phần nên người nào đàm luận với Ông đều bị khuynh đảo. Những lúc ấy, miệng Ông thốt ra những lời mà nội tâm đều biết rõ là làm tổn thương người khác nhưng do tập quán đã quá quen rồi. Khi đàm luận với người, tùy hoàn cảnh mà Ông thốt ra những lời khinh miệt chê bai, không khác nào lưỡi dao đâm vào vào người khác, mũi dao ấy quơ múa đến đâu thì xúc phạm đến quỷ thần đến đó, những vị ấy ghi chép tâm ác của Ông không sao kể xiết, thế mà Ông vẫn cho mình là nhân hậu. Thưa Ông, Ông dối ai được, chứ làm sao dối Trời cho được.

Giờ đây tôi muốn nhắc Ông về qui điều trừ tuyệt tà tâm. Dù không thực có bên ngoài nhưng khi Ông trông thấy mỹ nữ của nhà người thì khỏi nói, mắt nhìn đăm đăm không biết chán, trong tâm thì rạo rực không thể cản ngăn. Chỉ vì không đủ tà duyên để gần gũi thế thôi, chứ nếu đủ duyên cũng dám phá bỏ qui điều. Xin Ông tự xét lại bản thân mình khi gặp cảnh duyên với sắc đẹp, Ông có thể được như chàng trai nước Lỗ – Liễu Hạ Huệ hay không?, Thế mà dám bảo rằng mình suốt đời không có mống niệm tà sắc. Thật có thể nói Ông dám đối với Trời đất, quỷ thần mà vọng ngữ. Thưa Ông, những điều Tôi vừa lược nói trên chính là từ trong qui điều mà Ông đã phát thệ thực hành mà còn như vậy huống chi là những việc khác. Tôi xin nhắc lại liên tiếp mấy năm, các sớ giấy mà Ông đốt đều được tâu trần ở chốn Thiên đình. Thượng đế sau khi xem xong thì bảo Nhật Du sứ giả (vị thần kiểm soát việc thiện ác trong nhân gian hàng ngày) giáng hạ trần gian để kiểm soát việc thiện ác của Ông. Đã trải qua vài năm rồi, nhưng Ông không có việc lành nào thành thật đáng ghi mà các vị ấy chỉ thấy ở trong nơi tâm, Ông khởi lên các niệm như tham lam, dâm nhiểm, tật đố, dối gạt, cống cao, tự ỷ, dè bịp khinh người, mơ tưởng dĩ vãng, mong mỏi tương lai sẽ được trả thù trả oán,… Các niệm ấy hiện rõ trong tâm Ông không thể nào ghi hết cho được, chư thần ghi chép quá nhiều nên tôi chắc Thượng đế sẽ phạt Ông càng nặng. Tai họa Ông trốn còn không được huống chi là mong cầu phước báu.

Du Công nghe khách nói xong thì kinh ngạc hãi hùng, toàn thân rởn ốc, liền dập đầu sát đất, nước mắt tuôn rơi rồi thưa rằng: “Thưa Ngài, Ngài đã biết hết tất cả việc khuất lấp trong tâm Tôi mà người thế gian không biết được thì chắc chắn Ngài là một đấng thiện thần đáng tôn kính, cúi xin Ngài thương xót cứu hộ cho tôi.” Vị khách nói: “Ông là một người học vấn quảng bác, đọc nhiều sách lại hiểu rõ lễ nghĩa, biết kính trọng việc lành và ưa thích làm điều thiện. Khi nghe lời thiện hay thấy một việc lành thì Ông vui mừng hớn hở, khuyến khích cổ vũ người khác thực hiện, nhưng có điều qua rồi thì quên mất, do tính căn Ông không thâm sâu vì thế tâm tính không được bền vững. Bình sinh với lời nói lành, việc thiện đều chỉ là phù phiếm, không có việc nào là chắc thực, hơn thế nữa, do nội tâm Ông đầy ác ý, những thứ ấy dẫy đầy triền miên, khi ẩn khi hiện, thế mà Ông trách tại sao Trời không ban cho quả báo tốt. Sự việc ấy khác nào trồng gai cỏ khắp ruộng mà mong mỏi sẽ thu hoạch được lúa thóc, hoa trái, đây nếu không là sự si mê thì cũng là sự lầm lạc to lớn vậy. Tôi mong Ông từ nay trở đi, khi nào trong Tâm có những vọng tưởng tạp niệm như tham lam, dâm dật dấy lên như Tôi đã vừa nói thì Ông phải đủ dũng mãnh mà diệt trừ cho đến khi nào thật sạch không còn một niệm xấu nào, phải cố gắng làm sao trong tâm niệm luôn hướng về một khía cạnh thiện pháp mà thực hành. Nếu đối với tất cả thiện sự, có thể làm được thì phải cố gắng dũng mãnh mà làm. Có điều cần lưu ý là khi thực hành thiện sự thì đừng mong cầu quả báo, cũng đừng mong cầu hư danh. Tất cả những thiện sự ấy bất luận lớn hay nhỏ, khó hay dễ phải thật tâm mà làm, lấy tâm nhẫn nại mà làm. Nếu tự mình không đủ năng lực làm được, thì phải cầu khẩn thiết tha, khiến cho thiện tâm ấy viên mãn.Thứ nhất là phải có tâm nhẫn nại, thứ hai là phải có tâm vĩnh cửu thường hằng, không được biếng lười và không được tự dối. Cố gắng thực hành cho lâu thì tự nhiên sẽ có sự hiệu nghiệm không thể lường. Ông là một vị học vấn cao thâm, cần gì Tôi phải nói dài dòng. Tôi chỉ lấy ví dụ như khi làm ruộng, người ta phải cấy lúa bốn tháng mới gặt hái nhưng làm vườn thì phải năm-bảy năm mới thu hoạch hoa trái. Thưa Ông, trong nhà này Ông thờ phụng hết sức thành kính thanh khiết, vì thế Tôi đặc biệt đến đây để nhắc nhở Ông, vậy xin Ông cố gắng thực hành thì chắc chắn có thể chuyển đổi thiên ý”.

Dứt lời thì vị khách đứng dậy, tiến vào nhà trong, Du Công cũng đứng dậy đi theo, vừa đến nơi bếp bỗng nhiên không thấy vị khách ấy nữa. Bấy giờ, Du Công mới biết vị khách ấy chính là vị Táo Thần, liền đốt hương cúi đầu tạ lễ. Qua ngày hôm sau tức là ngày Nguyên Đán, Du Công đặt bàn hương án giữa trời, lễ bái cầu đảo thiên địa thánh thần và phát thệ cải hối. Từ ấy, Ông cố gắng thực hành thiện sự, tự lấy biệt hiệu là Tịnh Ý Đạo nhơn, thề quyết trừ các vọng tưởng. Những ngày đầu mới thực hành, tạp niệm vẫn lăng xăng chờ dịp hiện khởi, nếu không là ý nghĩ nghi ngờ thì cũng là tư tưởng biếng nhác làm cho thời gian vàng ngọc trôi qua mà mọi thứ vẫn như cũ. Du Công càng thấy tự hổ thẹn và hận mình tại sao không làm chủ được mình. Nhân trong nhà từ trước có cúng dường Đức Quán Âm Đại sĩ, Du Công bèn đối trước Bồ tát, thành tâm lễ bái, nước mắt tuôn rơi, cầu xin Bồ tát từ bi gia hộ. Sau khi lễ bái, Du Công thành tâm cung kính phát nguyện: “Duy nguyện Bồ tát thùy từ minh gia cho con thiện niệm chơn thuần, thiện lực tinh tấn, từ đây nếu như con mảy may có một niệm tự dung thứ thì xin vĩnh viễn đọa địa ngục, thọ kịch khổ để cho chừa tội biếng nhác tự dung.” Từ đó, mỗi ngày sớm mai thức dậy, Du Công súc miệng, rửa mặt, y phục chỉnh tề, chí thành lễ bái đức Quan Âm rồi cung kính quỳ trước Phật đài, trì niệm Thánh hiệu của Đại từ Đại bi Cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát 108 biến để cầu xin Bồ tát thùy tư minh gia. Cũng từ đây, mỗi lời nói, một động niệm, mỗi giờ mỗi phút đều coi như có quỷ thần bên cạnh, không dám tự dối, buông lung. Với các thiện sự giúp người lợi vật, dù lớn hay nhỏ, người biết hay không biết, bản thân mình đang bận rộn hay rảnh rổi, có năng lực để tiếp tục hay không, Ông đều sẳn sàng hoan hỉ mà làm và tìm nhiều phương tiện để làm cho bằng được mới thôi. Ông lại siêng vun bồi âm đức và chuyên tâm đọc các Kinh và sách khuyến thiện để trong tâm thường nhớ đến lời vàng của Phật và lời răn dạy của Thánh hiền. Với mọi người, Ông luôn giữ hạnh khiêm nhường nhẩn nhục, gặp người thì đem lý Nhân quả báo ứng khuyến hóa dẩn dắt mọi người không biết nhàm chán mệt mỏi. Mỗi tháng đến ngày 30 thì Ông kiểm điểm lại những việc làm, lời nói trong tháng rồi đến trước bàn thờ Táo thần đốt sớ để nhờ Ngài thượng tâu lên thiên đình. Giữ gìn thực hành đến mức thuần thục, lúc động thì muôn việc dành theo bên mình, lúc tịnh thì để tâm niệm Phật không mong một vọng niệm. Thực hành như vậy trải qua ba năm, bấy giờ Ông đúng năm mươi tuổi. Vào niên hiệu Vạn Lịch thứ 2 triều nhà Thanh, năm Giáp Tuất, tại trường thi hội Giang Lang, có quan Trương Giám khảo hỏi thăm các bạn đồng lưu để tìm kiếm một người dạy cho con mình thì mọi người đồng giới thiệu Du Công. Quan Trương Giám khảo vì kính đức hạnh của Du tiên sinh liền rước cả gia đình đến Kinh sư, sau đó lại tiến cử Ông vào làm việc tại Quốc học viện. Vào niên hiệu Vạn Lịch năm thứ tư nhà Thanh, năm Bính Tý, Ông đến Kinh đô dự thi thì liền đậu Cử nhân, năm kế thì đậu Tiến sĩ. Một ngày nọ, Ông đến yết kiến quan Nội giám Dương Công. Dương Công Công bảo năm đứa con nuôi ra lễ bái Du Công thì trong năm đứa trẻ con nuôi từ khắp nơi mà Dương Công Công đem về nuôi, có một đứa trẻ mười sáu tuổi mà khi Du Công nhìn kỹ thì thấy tướng mạo của nó có phần hơi nghi hoặc. Ông bèn hỏi nó về quê quán thì đứa trẻ cho biết là đã từng ở Giang hữu. Lúc nhỏ đi chơi, bị lạc vào thuyền chở lương thực nên lạc mất gia đình, tên của xóm làng đã ở đều không còn nhớ. Du Công bán tính bán nghi bảo trẻ ấy cởi giầy bên tả ra cho xem lòng bàn chân thì quả nhiên có hai nốt ruồi. Du Công liền xúc động tâu với Dương Công Công rằng: “Đây chính là con tôi đã bị thất lạc từ lúc tám tuổi.” Sau đó kể lại cho Dương Công Công nghe việc con bị thất lạc cho đến nay. Nghe qua, quan Nội giám Dương Công Công rất kinh ngạc và bảo: “Nay nếu Ngài tìm được con thì xin đưa nó về nhà sống với Ngài.” Du Công vui mừng đưa con trở về. Đến nhà, Ông thuật lại mọi sự với phu nhân. Gặp lại Con, Bà tức thì ôm con vào lòng khóc òa, huyết lệ tuôn rơi. Đứa trẻ cũng ôm lấy Mẹ khóc nức nở, khi thấy giọt máu từ mắt Mẹ rớt xuống, nó dùng lưỡi liếm đôi mắt của Mẹ thì bỗng nhiên Bà nhìn thấy lại như trước.

Du Công giờ phút này lòng buồn vui lẩn lộn, không còn một niệm muốn làm quan, Ông trở lại Kinh thành xin từ biệt quan Giám Khảo Giang Lang trở về quê quán. Quan Trương Giám Khảo vì trọng đức hạnh tài cao của Du Công nên tặng bạc vàng và lễ vật rất hậu hĩnh và cho người đưa về quê. Du Công sau khi về đến quê nhà thì phát nguyện trường trai, tụng kinh niệm Phật, gắng sức thực hành thiện sự nhiều hơn trước. Riêng đứa con trai học hành rất giỏi, lúc đứa con trai thành nhân, cưới vợ thì sanh liên tiếp bảy đứa con đều khỏe mạnh và đều tiếp nối nề nếp của nho gia.

Du Công cảm nhận sự linh nghiệm của công đức tu hành nên sau đó chính tự tay mình viết lại câu chuyện gặp Táo thần và những việc thực hành cải hối tự tâm để răn dạy con cháu. Du Công và vợ Ông khang kiện sống lâu, hưởng thọ đến 88 tuổi. Đương thời tất cả từ quan đến dân mục kích đời sống của Du Công đều ngợi khen tán thán rằng thực hành thiện sự có thể hồi chuyển được nghiệp chướng và thiên ý, nên đều quy hướng về chánh pháp của Như lai để kết quả càng thêm to lớn. Người hậu học đồng xóm là La Tinh đã ghi lại câu chuyện của Du tiên sinh viết để truyền dạy lại cho con cháu đời sau.

LỜI BÌNH: 

Quý vị đọc truyện Du Công Ngộ Táo Thần Ký nói trên nên lưu tâm điểm này. Du Công có thể nói là người tài đức đương thời, sự học lại sâu rộng, biết trọng đạo nghĩa, ưa thích việc lành, dù chỉ chuộng làm việc lành cho hư danh, không xuất phát từ nội tâm chân thật. Với các tội ác sát đạo, tà dâm… chưa phạm tội thật sự thế mà còn bị Táo thần chỉ trích toàn là tội ác, không một điểm lành đáng ghi. Thật là điều đáng sợ! Nhìn lại chúng ta ngày nay, hãy dùng gương sáng Chánh pháp soi lòng, xem có điều thiện nào chân thật đáng ghi không? Khi đến chùa; cúng dường Tam bảo, lạy Phật tụng Kinh là điều quý hóa vô cùng nhưng có nhiều trường hợp bề ngoài thì như vậy mà trong nội tâm lại không như vậy. Quý vị đến chùa vì theo tư ý của mình, chùa nào có vị Tăng nào thích hợp với mình thì tới lui không chán, cúng dường không sợ tốn hao, nhiều người thậm chí bỏ công ăn việc làm, bỏ gia đình, mỗi ngày đều đến chùa lo Phật sự khiến cho chồng con đối với chư Tăng sanh tâm chán ghét, với Phật pháp thối thất tín tâm. Lại nữa, ỷ mình cúng dường nhiều rồi sanh tâm ngạo nghễ, khinh miệt người cúng ít. Không ít người còn làm nhơ đến Phật giáo, đi chùa cúng dường gặp những vị Tăng trẻ tuổi thích ý với mình, ban đầu thì còn giữ lễ cung kính theo bổn phận Phật tử, sau đó thì lôi kéo các Tăng ấy hoàn tục, bỏ tu. Kính mong quý vị đọc kỹ lời răn nhắc của Táo thần với Du công mà cố gắng gột rửa những điều xấu ác, rèn luyện những điều tốt để khỏi phụ danh Phật tử.

Điểm trọng yếu thứ hai trong câu chuyện này mà chúng ta nên lưu ý là Du Công trước kia sống trong hoàn cảnh điêu đứng quẩn bách vô cùng, dù Ông là một người thông minh tài trí, vậy mà đến bữa ăn, không có được chén cơm, dĩa rau. Nhờ gột rửa những xấu xa, cấu uế trong tâm, nhất quyết tiến bước trên con đường phước thiện, gắng sức làm thiện sự, giúp người lợi vật, đã chuyển từ hoàn cảnh bần hàn khổ nhục sang phú quý hiển vinh như lời của Phật tử Lưu Sơn Anh tự thuật trong tích truyện thứ 51 đã nói “số mạng do mình lập, phước đức do tự mình cầu” và cũng phù hợp với lời Phật dạy “Nhất thiết duy tâm tạo.”

Điểm quan trọng thứ ba mà quý vị nên lưu ý là sau khi Du Công đã dứt khoát và mạnh tiến trên con đường quang minh, quyết lìa xa các thứ hắc ám, ẩn núp trong nội tâm từ trước, để được sự gia hộ của Thánh thần trong minh minh giúp sức để việc làm được vĩnh cửu, Du Công đã đặt bàn hương án khấn vái hoàng thiên, hậu thổ cùng với các thánh thần nhưng không hiệu quả vì việc hành thiện chẳng những không có kết quả mà tâm lại sanh việc bán tính bán nghi. Chỉ đến khi Ông quy hướng về Phật pháp, nhất tâm trì niệm lễ bái thánh hiệu của Quán Âm Đại sĩ, thì từ ấy việc hành thiện càng có kết quả đến mức nội tâm không còn niệm xấu xa.

Dịch giả vì thế thành tâm khuyên quý vị đừng trái lời Phật dạy. Trong khi làm lễ quy y đã nguyện quy y Phật rồi thì suốt đời không quy y với thiên thần, quỷ vật. Như trong tích truyện Đảo Vũ thuộc Thiên thứ 3 có kể: vào triều đại nhà Minh, niên hiệu Gia tình, khi bị đại hạn trong nước thì trên từ Quốc vương đại thần xuống đến dưới là nhân dân đều cùng nhau thành kính cầu đảo khấn vái các thần sông, thần núi,… chẳng những vô hiệu mà còn bị nắng hạn dữ dội, chỉ đến khi cầu nguyện Đại sĩ thì mới có kết quả như nguyện.

Điểm trọng yếu thứ tư chúng ta nên lưu tâm là: Du Công là người thế nào chúng ta đã biết, tự mình kết hợp với bạn đồng liêu đề xướng Văn Xương Xã, lại tự lập qui điều soạn thảo những điều cần thực hành. Tuy vậy Ông chỉ làm cho có, không có một thiện sự nào đáng ghi nhận. Người có tài đến mức ấy mà còn như thế thì những người học vấn nông cạn hay hoàn toàn tối dốt lại mặc tình buông lung theo việc ác thì sẽ thế nào. Việc này cũng thật là điều đáng sợ!

52. Triều nhà Thanh có quan Thái thú là Đổ Tiến Viên, người ở huyện Tiền đường, tỉnh Chiết Giang là người rất tin tưởng Phật pháp. Vào mùa Thu năm Tân Tỵ, Ông bị bệnh nguy kịch, dù chạy chữa đủ thầy, đủ thuốc cũng không hiệu quả. Đổ Thái thú tự nghĩ: nếu là bệnh xuất phát từ thân thể thì cần phải uống thuốc nhưng uống thuốc lại không có hiệu quả thì đây không phải là thân bệnh, như vậy chắc phải là bệnh nghiệp, mà đã là bệnh nghiệp thì không thể dùng thuốc bình thường để trị mà phải là thuốc công đức mới trị được lành bệnh. Sau khi nghĩ như vậy thì Ông tự phát thệ, lấy việc giúp người lợi vật làm phương pháp sám hối tiêu trừ nghiệp chướng. Không phát nguyện suông, Đổ Thái thú dốc toàn tâm lực thực hành rất tinh tấn. Một đêm nọ, Ông nằm mộng thấy Đức Quán Tự tại Bồ Tát bảo rằng: “Kiếp trước, Ông làm quan ở nước Sở, đối với việc xử lý thì Ông quá nghiêm khắc đến mức không còn lòng nhân ái, dù không cố tình nhưng đã giết hại nhiều sinh mạng khiến Ông bị giảm nhiều lộc vị ở kiếp trước rồi, mà hiện đời này chẳng những bị bệnh tật nguy hiểm mà lại còn phải bị quả báo đoản mạng. Rất may là trong lúc bị bệnh, Ông không có một mảy may oán trách Phật trời, Thánh thần, lại còn phát thệ nguyện kiên cố, lấy việc giúp người lợi vật làm bản hoài. Do phước ấy nên minh phủ lấy phước đức của Ông mà trừ giảm tất cả tội ác, nhờ vậy mà ông được tăng thêm tuổi thọ và thêm phước lộc, từ nay Ông nên cố gắng tinh tấn thực hành những điều đã phát thệ thì sẽ được nhiều phước huệ.” Sau khi thức dậy, Đổ Thái thú vô cùng vui mừng liền gọi tất cả gia nhân, vợ con đến khuyên dạy, từ đây phải cố gắng trường trai, không sát sanh, mua vật phóng sanh và phát tâm tín hướng Tam bảo, siêng năng tu trì. Qua đến mùa Xuân năm sau thì bệnh tình của Ông được lành hẳn. (Trích Phóng Sanh Lục Thủ Hậu).

53. Triều nhà Thanh có Phật tử Đặng Thừa Chiếu, hiệu Thần Phong, người ở Phiên Ngung, tỉnh Quảng châu, phát tâm quy y Tam bảo, thọ Ngũ giới từ lúc nhỏ. Niên hiệu Khang Hy nhà Thanh, vào tháng 5 năm Mậu Thân, người trưởng túc của Ông là Huỳnh Thị, nơi cổ bỗng nhiên bị mọc mục ghẻ, bệnh hành hạ khốn khổ không sao nói được. Hơn tuần lễ sau, Ông gặp Hoàng Tân Hòa thượng trên đường đi ngang qua nhà, Thừa Chiếu vội vàng chạy ra xin Ngài dừng bước. Thừa Chiếu bước đến lễ bái vấn an Hoà Thượng, đoạn đem bịnh trạng nguy ngập của Huỳnh Thị bạch lên Hòa thượng và xin Ngài chỉ dạy phương pháp cứu chữa cho bệnh nhân. Sau khi nghe Thừa Chiếu tác bạch, Hòa Thượng Hoàng Tân từ bi khuyên dạy: “Lão Tăng này cũng chưa có cách gì để cứu chữa, nhưng ngươi nên biết Quán Âm Đại Sĩ oai thần bất khả tư nghì, Ngài thường đem pháp vô úy, bố thí cho chúng sanh. Nếu ai thành kính tin tưởng nơi Ngài và hết lòng cầu khẩn xin cứu giúp thì chắc chắn sẽ được cảm ứng.” Dứt lời, Hòa thượng đem quyển Quán Âm Cứu sanh Thập cú Kinh trao cho Thừa Chiếu. Thừa Chiếu mang Kinh về để trên bàn, trước giường bệnh của người chị dâu và bảo Chị tự tụng. Vì bệnh nhân không còn khả năng đứng lên được nữa, nên không thể đến trước bàn Phật, chỉ có thể ngồi trên giường bệnh xem Kinh mà tụng, tuy vậy Bà rất thành tâm tụng Kinh. Vào lúc ban đêm khi Bà tụng, thì những chữ trong Kinh dường như lớn gấp bội, giúp Bà có thể nhìn thấy dễ dàng. Qua ngày kế tiếp thì Bà thấy thân thể nhẹ nhàng, tinh thần tỉnh táo, Bà thành tâm tiếp tục trì tụng đến ngày thứ ba thì đến lúc nửa đêm, mục ghẻ trên cổ tự nhiên bể miệng, máu mủ lan tràn khắp cả người, sau đó Bà cảm thấy người nhẹ nhàng, khỏe khoắn. Quá vui mừng, Bà bật kêu lớn “Bệnh của Tôi đã khỏi rồi”. Mọi người kéo đến hỏi thăm, Bà xin người nhà cho nước súc miệng thật sạch rồi đến trước tượng Đại sĩ, chí thành lễ bái, cảm tạ ân đức Từ bi vô lượng của Ngài. Cả nhà chứng kiến sự nhiệm màu này nên đều vui mừng khôn xiết, bà con láng giềng cũng như tất cả những người xa gần nghe thấy việc ấy đều khen ngợi việc này và tán thán Từ lực vô cùng màu nhiệm của đức Quan Âm Đại sĩ. (Trích Quán Âm Từ Lâm tập).

54. Ở huyện Hưu Lâm, tỉnh An Huy, có một Phật tử tên là Mông Cư Kính. Lúc lên mười tuổi thì mắc bệnh đậu mùa, rất hiểm nghèo, các thầy thuốc đều bảo không thể chữa trị. Mẫu thân của Kính nghe vậy thì buồn rầu vô hạn, Bà đến trước tượng Quán Âm Đại Sĩ dâng hương chí thành lễ bái, đoạn quỳ xuống trước Phật đài chuyên niệm Thánh hiệu của Bồ tát từ chiều đến sáng hôm sau. Cư Kính trong lúc hôn mê thì thấy một người mặc Bạch Y tay cầm phất trần, phất nhẹ lên khắp toàn thân Kính. Lúc tỉnh dậy, các nốt đậu trên người Kính đã biến mất, Cậu bé hoàn toàn khỏi bệnh một cách kỳ diệu mà không cần đến thuốc men gì. (Trích Hữu Minh Tâm chí).

55. Xã Tây Hương, huyện Tân Kiến, tỉnh Giang Tây có dòng họ Lý gồm khoảng mười ngàn nhà, sống tụ tập trong một khu vực rộng lớn. Vào năm Mậu Dần, xã ấy bị bệnh dịch lan tràn khắp nơi. Dân trong xã thì cứ mười gia đình thì có đến tám,chín gia đình mắc bệnh, chỉ mỗi gia đình của họ Lý thì lớn nhỏ đều được an toàn không mắc bệnh. Dân chúng trong xã sanh nghi, đua nhau dò hỏi nguyên do, một số người cho rằng gia đình đó có phương thuốc gia truyền đặc trị. Chủ gia họ Lý đáp: “Hoàn toàn không có. Trong nhà tôi chỉ kiền thành cúng dường Quán Âm Đại Sĩ, hàng ngày xưng niệm lễ bái Đại sĩ và phát nguyện ấn tống Kinh Bạch Y nghìn quyển, nhờ đó chúng tôi đều thoát khỏi chứng bệnh nguy hiểm này.” Bấy giờ, mọi người nghe nói xong thì phát tâm tin tưởng, đua nhau thành kính cúng dường Đức Quan Âm Bồ tát và xưng niệm Danh hiệu của Ngài tinh tấn. Từ đó về sau, mọi nhà đều được an ổn, không còn ai bị bệnh dịch nói trên nữa. (Trích Bạch Y Kính Cẩn Niệm).

56. Quan Thị Ngự Châu Hòa Khanh ở tỉnh Sơn Đông, tuổi trên bốn mươi mới có được hai đứa con trai. Hai đứa bé ấy đều thông minh đỉnh ngộ, tâm tánh lại hiền hậu không giống những trẻ con đồng trang lứa khác nhưng thật bất hạnh, một độ nọ thì cả hai lại mắc chứng bệnh đậu mùa nguy hiểm, càng ngày càng nặng khó bề qua khỏi. Vợ chồng quan Thị Ngự rất đau buồn, ngày đêm quên ăn bỏ ngủ, luôn ngước mặt lên trời khóc than bi thảm và quyết lòng chết theo hai đứa trẻ nếu chúng không thể bình phục được. Vào một đêm, hai vợ chồng Ông nằm mộng thấy một Tăng nhân đến bảo hai Ông bà rằng: “Ta thấy nhà ngươi làm việc không phù hợp nên không có kết quả nên đến đây khuyên bảo. Các ngươi không nghe người ta bảo con người có thể làm thay đổi thiên ý hay sao, chỉ có cách làm phước thiện mới mong cải số, tuy nhiên muốn làm phước thiện, phải biết cách mới đạt được ý nguyện. Nếu các ngươi ấn tống Kinh Quán Âm một tạng thì hai đứa trẻ có thể hết bệnh.” Sáng hôm sau, hai Ông bà nhớ lời dạy của Tăng nhân dạy nên phát thệ nguyện gột rửa những điều xấu xa trong nội tâm và từ bỏ lỗi xưa. Cả hai đều gắng sức thực hành thiện sự, y theo lời dạy của Tăng nhân trong mộng, ấn tống Kinh Quán Âm một tạng. Quả nhiên, bệnh tình của hai đứa con đều khỏi hẳn. Từ đấy, hai Ông bà quan Thị Ngự đối với Phật pháp càng sanh lòng tin tâm sâu nặng. Trong nhà thờ Quán Âm Đại Sĩ rất trang nghiêm, hàng ngày đều đến lễ bái cúng dường và tụng kinh Quán Âm thật tinh tấn. Sau đó, hai vợ chồng Ông lại tiếp tục ấn tống Kinh nhiều hơn để phổ biến khắp nơi. Hai đứa trẻ lớn lên đều mạnh khỏe và học hành tấn phát, về sau cả hai đều đậu cao và ra làm quan vinh hiển. (Trích Nam Hải Từ Thuyền).

57. Phía trước ngọn núi xã Tây Hương, huyện Hựu Nguyên tỉnh An Huy có một gia đình cư ngụ, chủ nhân tên là Hồng Trạch. Mẫu thân của Hồng Trạch là Đặng Thị, bình nhật thờ Quán Âm Đại Sĩ trong nhà và thường lễ niệm rất thành kính. Đặng Thị lại phát nguyện mỗi năm tự pha chế một thứ thuốc gọi là cứu khổ thần cao để bố thí cho dân nghèo bị tật bệnh khắp mọi nơi. Niên hiệu Đạo Quang năm thứ 17, vào lúc tháng sáu, cháu họ của Hồng Trạch mới sáu tuổi mắc chứng bệnh đậu mùa, khắp người đều đầy những nốt đậu đen bầm, mắt bên tả bị mù hẳn do tác hại của bệnh. Mẫu thân của đứa bé ấy vào ban đêm nằm mộng thấy một bà lão bước vào nhà bảo rằng: “Chứng bệnh đậu mùa này không phải thế nhơn có thể trị được, người nên thành kính cầu nguyện lễ bái Đức Quán Âm Bồ Tát để xin Ngài cứu độ cho.” Mẹ đứa bé liền hỏi phải đi đến nơi nào để cúng dường lễ bái thì bà lão đáp rằng: “Đặng Thị là người có tâm chí thành, đã ba năm nay lễ bái Đức Quan Âm và đã được Đại Sĩ cảm ứng. Tại sao ngươi không đến nhà Đặng Thị xin cứu khổ thần cao?” Người mẹ của đứa trẻ đến sáng thì liền đi đến nhà Hồng Trạch để lễ bái cầu nguyện. Trong khi ấy, ở nhà có một Thầy thuốc từ đâu đến, tự xưng tên Hứa Nguyên và nói rằng mình có thể chữa bệnh này được. Ông ta dùng đèn lửa áp vào con mắt bị mù của đứa bé để trị bệnh thì tròng mắt đứa bé đột nhiên bị lòi ra, dính tòn ten với các sợi gân và mạch máu.

Nhìn thấy vậy cả nhà đều kinh hãi, tên thầy thuốc hoảng kinh hồn vía bỏ trốn mất. Mẹ đứa bé khi về đến nhà nhìn thấy con mình như thế thì bay hồn bạt vía, tức tốc trở lại nhà Hồng Trạch, đến trước Thánh tượng Đại sĩ chí thành lễ bái cầu xin. Đêm hôm ấy, Mẹ đứa bé mộng thấy Bà lão hôm trước đến bảo: “Người phải trì niệm Tâm kinh đủ hai ngàn biến trong vòng hai ngày và phải tụng cho đủ số.” Nhưng người Mẹ này trước giờ chưa biết tụng kinh nên bà Đặng Thị nghe nói bèn phát nguyện thay Mẹ đứa bé trì niệm Tâm kinh trong suốt hai ngày cho đủ số hai ngàn biến, lại dùng thuốc cao sẳn có của mình để dán vào đôi mắt mù của đứa trẻ. Tròng mắt phía tả của đứa bé dần dần thục vào, và mắt mù trở lại sáng như thường. Ngày hôm sau, chứng bệnh đậu mùa của đứa bé cũng được hoàn toàn khỏi hẳn. (Trích Hải Nam Nhứt Chước).

PHỤ LỤC: Nếu người nào trong lúc bệnh khổ quá nguy kịch mà không thể nhẩn thọ được thì ngoài việc chuyên tâm niệm Phật, phát nguyện hồi hướng vãng sanh, nên chí thành khẩn thiết xưng niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Đức Quán Thế Âm hiện thân khắp vi trần sát độ trong mười phương, Ngài hằng tầm thinh cứu khổ, cứu nạn. Vì thế những ai trong lúc bị khổ nạn cấp bách, nếu chí thành trì niệm danh hiệu và lễ bái đều được cảm ứng và được Ngài thùy từ gia hộ. (Trích Ấn Quang Pháp sư phúc đáp Thơ của Phật tử Đặng Bá Thành).