Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Tư Mã Vương Ấu Lâm

CHÁNH VĂN:

(26) Tư mã Vương Ấu Lâm ở Nhuận Châu hỏi: Thế nào là không pháp có thể nói, ấy gọi là thuyết pháp?

Đáp: Bát-nhã ba-la-mật thể không thể được, ấy là không pháp có thể nói. Bát-nhã ba-la-mật thể tự có trí, chiếu soi thể không thể được, lặng yên thường tịch mà có diệu dụng như hằng sa, đó gọi là thuyết pháp.

GIẢNG:

Câu hỏi này có thể hỏi cách khác: “Thế nào là pháp không thể thuyết, ấy gọi là thuyết pháp?” Câu này dẫn trong kinh Kim Cang để hỏi.

Ngài đáp Bát-nhã ba-la-mật thể không thể được, Bát-nhã ba-la-mật là tiếng Phạn, dịch nghĩa theo tiếng Việt là trí tuệ cứu kính. Thể không thể được là thể của trí tuệ đó không có tướng mạo, không có hình dáng nên gọi là không thể được.

Vậy trí tuệ cứu kính không có tướng mạo, không có hình dáng, ấy là không pháp có thể nói. Nói cho người ta thâm nhập được trí tuệ cứu kính không có tướng mạo, không có hình dáng là không pháp có thể nói. Bởi vì nó đâu có pháp gì, nên gọi là không pháp có thể nói.

Bát-nhã ba-la-mật thể tự có trí, chiếu soi thể không thể được, lặng yên thường tịch mà có diệu dụng như hằng sa, đó gọi là thuyết pháp.

Câu trên dạy, nói cho người ta nghe Bản thể của trí tuệ cứu kính không có tướng mạo, không có hình dáng, đó là không pháp có thể nói. Tuy không có tướng mạo, không có hình dáng nhưng Tự thể của nó có trí chiếu soi. Chiếu soi cái gì? – Chiếu soi cái thể không thể được đó. Nên biết thể không tướng mạo đó lặng yên thường tịch mà có diệu dụng như hằng sa, đó gọi là thuyết pháp.

Ví như chúng ta dùng mắt nhìn thấy nhà, thấy cây, thấy người, thấy vật… đó là thấy những tướng mạo có sanh diệt. Nhưng bây giờ nhìn lên hư không ta thấy không có nhà, không có người, không có vật, không có cây cảnh, trống rỗng không có gì hết. Trên hư không, không có mây trống rỗng thì chúng ta thấy cái trống rỗng. Như vậy cái hay thấy hư không trống rỗng và hư không trống rỗng có tướng mạo không? Cả hai đều không có tướng mạo, nhưng cái hay thấy thấy được hư không trống rỗng. Cho nên nói: “Bát-nhã ba-la-mật thể tự có trí, chiếu soi thể không thể được.” Thể không thể được tức là Tâm thể vắng lặng không có tướng mạo.

Cũng như con mắt chúng ta có công năng, nhìn thấy được hư không trống rỗng. Mắt nhìn thấy hư không trống rỗng, nhưng thật ra trong đó có cả không khí, hơi nước… Trong hư không có rất nhiều thứ mà tại mắt thường chúng ta không thấy. Cũng vậy, tâm lặng lẽ thường tịch của mình có diệu dụng như hằng sa. Nhận biết được như vậy gọi là thuyết pháp.

Thuyết pháp là pháp gì? – Pháp Bát-nhã ba-la-mật. Như vậy cái hay thấy và cái bị thấy, cả hai đều không có tướng. Không có tướng mạo mà hằng biết rõ, hằng thấy được vô số diệu dụng đó gọi là thuyết pháp. Thuyết pháp Bát-nhã ba-la-mật trong kinh Kim Cang.