Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VII. ĐẠI GIÁO DUYÊN KHỞI ĐỆ TAM
(TT)

Chúng ta học Phật phải học theo đời sống của chư Phật, Bồ Tát. Kinh Hoa Nghiêm nói có mười loại tự tại, đây đều là tánh đức:

1. Mạng Tự Tại

Bồ Tát đắc tuệ mạng trường thọ, trải qua vô lượng A-tăng- kỳ kiếp trụ trì thế gian chẳng có chướng ngại”. Trái lại phàm phu chúng ta do nghiệp lực xoay chuyển nên thọ mạng rất ngắn ngủi.

Người xem tướng đoán mạng có thể đoán mạng bạn rất chuẩn xác, chứng tỏ bạn vẫn là phàm phu chưa phải Thánh nhân. Đối với chư Phật, Bồ Tát họ không thể đoán được. Vì sao? Vì các ngài không có mạng! Không có mạng mới là trường thọ; có mạng đều là đoản mạng!

– Làm thế nào chuyển đoản mạng thành trường thọ?

– Chỉ có trong Phật pháp, ngoài Phật pháp ra, bất cứ phương pháp khoa học nào cũng không làm được. Phật pháp đích thật có thể chuyển đoản mạng thành Vô Lượng Thọ.

– Phương pháp ở chỗ nào?

– Chính ngay trên bộ Kinh Vô Lượng Thọ này!

– Thọ mạng vì sao không được tự tại?

– Vì do nghiệp lực xoay chuyển nên không tự tại! Bạn đến thế gian để nhận chịu quả báo đời trước: hoặc đến để hưởng phước, hoặc đến để chịu tội. Muốn tự tại, bạn phải có năng lực chuyển nghiệp lực thành nguyện lực.

– Cách chuyển như thế nào?

– Khi chưa chuyển, mỗi niệm đều vì ta, vì sở hữu của ta, vì quyến thuộc của ta v.v… đó là “nghiệp lực”. Bạn phải đem những ý niệm này chuyển thành mỗi niệm vì tất cả chúng sinh, mỗi niệm vì Phật pháp cửu trụ thế gian. Ý niệm vừa chuyển, cái ta trong bạn không còn nữa, “nghiệp lực” trước đây của bạn đã kết thúc một giai đoạn, kế tiếp là “nguyện lực tái sinh”; “nguyện lực tái sinh” thì bạn được tùy ý tự tại. Bạn muốn ở thế gian này bao lâu đều không có chướng ngại, muốn vãng sinh lúc nào cũng đều tùy ý. Vì sao? Vì nguyện lực của bạn đã làm chủ! Then chốt chính là ý niệm này. Phàm thánh chỉ cách nhau một niệm.

– Đạo lý “chuyển phàm thành Thánh” đã rõ rồi, sao bạn không chịu chuyển?! Sao bạn không làm được?!

– Do tập khí quá nặng của vọng tưởng, phân biệt, chấp trước từ vô lượng kiếp đang khống chế bạn! Thế nhưng nên biết, tập khí đó vẫn là hư vọng không thật, nhất định có thể đoạn.

Bồ Tát Mã Minh trong “Khởi Tín Luận” nói: “Bất giác vốn không”, “vốn không” đương nhiên có thể đoạn; “Bổn giác vốn có” thì chắc chắn có thể hồi phục. Ý niệm vừa chuyển, “bổn giác vốn có” liền hiện tiền. Phải lý giải thấu triệt sự lý này, bạn mới thật tin, mới chịu thật làm. Nếu nói:

– Tôi tin nhưng không thể làm được!

– Cái tin đó là giả không phải thật! Thật tin thì nhất định phải làm được.

2. Tâm Tự Tại

Bồ Tát dùng trí tuệ phương tiện điều phục tự tâm, nhập được vô lượng đại tam-muội, du hí thần thông không chướng ngại”. Đoạn này nói với chúng ta tâm phải Định, tự tánh vốn bổn Định. Đại sư Huệ Năng nói: “Nào ngờ tự tánh vốn không dao động”. Chân tâm là bất động, vọng tâm là động. Tâm tự tại thường ở trong Định, thường sinh trí tuệ. “Đại tam-muội” là đại Định; trong thập pháp giới họ “du hí thần thông” không có chướng ngại. “Du hí thần thông” là giáo hóa chúng sinh, giúp chúng sinh phá mê khai ngộ.

Ngày nay, tâm chúng ta không tự tại, phiền não âu lo rất nhiều! Chân thật muốn tự tại, phải buông bỏ hết tất cả mọi vọng tưởng, phiền não, lo lắng, vướng bận v.v…, trong tâm chỉ trụ trong câu A Di Đà Phật. Tâm tự tại có được là do công phu niệm Phật, khi sáu căn vừa tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, ý niệm vừa khởi thì “A Di Đà Phật” đánh bạt đi vọng niệm, đây chính là bạn hàng phục được vọng tâm. Mỗi niệm trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, tâm trụ ở câu “A Di Đà Phật” thì làm gì không thấy được Phật chứ!

Trên Kinh Lăng Nghiêm nói: “Ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai tất định kiến Phật”. Bao gồm tất cả ý niệm đều là nghiệp luân hồi. Cho nên, đối với tất cả thế gian, ở mọi lúc mọi nơi, đối nhân xử thế tiếp vật nên xem tất cả đều là A Di Đà Phật: Người tốt là A Di Đà Phật, người xấu cũng là A Di Đà Phật; đó là bạn biết dụng công, tâm bạn có năng lực biến họ thành A Di Đà Phật – “Tướng tùy tâm chuyển”. Thuận cảnh là A Di Đà Phật; nghịch cảnh cũng là A Di Đà Phật, tâm bạn mới tự tại vào được Niệm Phật tam-muội.

3.  Tư Cụ Tự Tại

Bồ Tát có thể dùng vô lượng trân bảo, các thứ vật dụng để trang nghiêm hết thảy thế giới một cách thanh tịnh vô ngại. “Tư cụ” ở đây chính là những thứ cần thiết cho đời sống như: Vật chất, cả đến những sinh hoạt có thể mang đến sự thọ dụng về tinh thần cũng được xem là “tư cụ”.

Trang nghiêm” là tốt đẹp. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu cho chúng ta về thế giới Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Điều tốt đẹp của thế giới đó nói mãi cũng không hết, chỉ lược nói ra đây vài điều:

– Thế giới Cực Lạc không có ô nhiễm: Trong khi đó toàn thể trái đất chúng ta đều đã bị ô nhiễm, cả đến tinh thần chúng ta cũng đều bị ô nhiễm!

– Đại địa của thế giới Cực Lạc đều bằng lưu ly, không phải là bùn đất. Lưu ly, người Trung Quốc gọi là ngọc bích, ngọc tốt nhất màu xanh. Cho nên, thế giới Cực Lạc cũng là đại địa màu

– Cỏ cây hoa lá ở thế giới Cực Lạc vô cùng mềm mại đều do vô lượng trân bảo thành tựu.

– Vàng là thứ người thế gian xem trọng nhất, ở thế giới Cực Lạc, vàng dùng để trải đường đi.

– Tài nguyên ở thế giới Cực Lạc vô cùng phong phú: đây là “tư cụ tự tại”. Cuộc sống nhân dân giàu có, không cần phải lo lắng chút nào.

– Nước uống là cam lộ, là nước tám công đức, uống vào vừa bổ dưỡng thân thể vừa giúp tăng trí tuệ; nước của thế giới chúng ta là nước có nhiễm độc, uống vào thì sinh bệnh.

– Ở thế giới Cực Lạc, gió thổi hoa lá đều phát ra âm thanh vô cùng mỹ diệu. Suối reo, chim hót diễn nói pháp âm.

– Đức Phật A Di Đà ngày ngày ở nơi đó dạy học, chư thượng thiện nhânđều câu hội nhất xứ, sung sướng và vui đẹp xiết bao!

Khi xưa, lúc Thế Tôn còn tại thế, đời sống của ngài rất đơn giản, chỉ có ba y một bát, mỗi ngày ăn một bữa, ngủ dưới gốc cây. Ngài trải qua đời sống vật chất thấp nhất nhưng tự tại nhất. Tri   túc thường lạc! Trong tâm không một chút gánh nặng. Đây là tâm lý khỏe mạnh dẫn đến sinh lý cũng rất khỏe mạnh.

– Ngày nay chúng ta bị vô số tật bệnh là do đâu?

– Do tâm lý không khỏe mạnh! Thức ăn thì nghi thật, nghi ngụy! Ý niệm thì thường nghĩ đến: Chỗ này đau, chỗ kia đau, quả nhiên liền đến!

– Bệnh từ do đâu mà có?

– Do suy nghĩ vọng tưởng mà có!

Người tâm lý khỏe mạnh ăn rồi, một niệm cũng không khởi, không nghĩ tưởng thức ăn ngon dở, không có chọn lựa, không có ý niệm về mình, nên thân thể họ khỏe mạnh. Người học Phật, bất luận là tại gia hay xuất gia; bất luận giàu sang hay bần hèn, nếu chân thật có đạo tâm, nên trải qua mức sống rất bình thường, quyết không xa xỉ, không cầu hào hoa, không mong nâng cao phẩm chất đời sống của chính mình; chúng ta có dư phải nên san sẻ, giúp người khác. Đây là “tài Bố thí”, cách bố thí này chỉ có thể giúp họ giải quyết vấn đề ăn mặc đi đứng, không thể nào giúp họ liễu sinh tử, xuất tam giới. Cho nên, Bố thí pháp vẫn quan trọng và cấp thiết nhất.

Ngày nay, chúng ta tu pháp cúng dường, có thể đem thành tích tâm đắc của bản thân tu hành, đem pháp hỉ tu tập, lợi dụng mạng “internet” và truyền hình chuyển đi khắp thế giới, cùng chia sẻ học tập với đại chúng. Nếu có năng lực, bất luận người tại gia hay xuất gia, trong đạo tràng nhất định phải ráp đặt ít nhất là mười trang mạng “internet” quốc tế. Mỗi ngày chăm chỉ học tập tu hành, đây là thật sự báo ân Phật, thật sự biết sử dụng “tư cụ tự tại” thù thắng nhất của thế gian để nghiêm sức tất cả thế giới (“nghiêm” là trang nghiêm, “sức” là trang sức) thanh tịnh vô ngại như thế giới Cực Lạc.

4. Nghiệp Tự Tại

Bồ Tát có thể tùy theo các nghiệp để ứng thời thị hiện, thọ các quả báo không chướng không ngại”. “Nghiệp” là tạo tác, người thế gian gọi là sự nghiệp. Ngay khi tạo tác thì gọi là “sự”, kết quả về sau thì gọi là “nghiệp”. “Nghiệp” rất phức tạp, Phật đem nó qui nạp thành ba loại: Thiện nghiệp, ác nghiệp và vô ký nghiệp. “Vô ký” chính là không thiện, không ác. Thiện nghiệp có thiện báo, ác nghiệp có ác báo, vô ký nghiệp đọa ngay trong vô minh, đó là tạo nghiệp.

Phật, Bồ Tát cũng tạo tác, nhưng tạo tác của các ngài là tịnh nghiệp, “Tịnh” là thanh tịnh. Quả báo của tịnh nghiệp chỉ có ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, không có ở sáu cõi luân hồi. Do vậy, muốn vãng sinh đến thế giới Cực Lạc, nhất định phải tu tịnh nghiệp, đem tất cả những thiện nghiệp, ác nghiệp, vô ký nghiệp thảy đều chuyển biến thành tịnh nghiệp. Nếu bạn có trí tuệ, có phương tiện khéo léo sẽ biết chuyển. Trên Kinh Lăng Nghiêm, nói: “Nhược năng chuyển vật tức đồng Như Lai” (Nếu có thể chuyển được cảnh giới tức đồng với Như Lai). Chữ “chuyển”, thuật ngữ trong nhà Phật gọi là “hồi hướng”.

– Hồi hướng như thế nào?

– Hồi hướng chúng sinh, hồi hướng thực tế, hồi hướng Bồ Đề. Hồi hướng chính là chuyển biến. Trong cuộc sống thường ngày, khởi tâm động niệm, từ việc nhỏ nhất không đáng kể như sợi lông, hạt bụi cũng đều chuyển biến thành tịnh nghiệp, đó chính là bạn chân thật hiểu được hồi hướng, biết đem phiền não chuyển thành Bồ Đề, đem sinh tử chuyển thành Niết Bàn, chuyển nhiễm thành tịnh, chuyển tà thành chánh, chuyển vọng thành chân.

Phía trước đã nêu, ví như có người đến tìm bạn, bạn hoan hỉ tiếp họ, cung kính họ như đối với A Di Đà Phật, tức là tâm bạn đã chuyển biến họ thành A Di Đà Phật, đó gọi là hồi hướng. Nếu bạn vẫn xem họ là chúng sinh, là oan gia, vừa thấy liền tức giận, bạn không thể vượt qua! Vừa thấy thì phiền não khởi hiện hành, nghiệp chướng hiện tiền, lập tức liền đọa lạc! Tâm bạn vừa chuyển, bạn liền thành Phật chỉ trong một niệm.

Đại Sư Ngẫu Ích nói rất hay: “Cảnh duyên không tốt xấu”, “cảnh” là hoàn cảnh vật chất, “duyên” là hoàn cảnh nhân sự, đều phải bình đẳng, quyết không có tốt xấu. Vì sao?- Duy tâm sở hiện! Tôi thường nói: “Tất cả người, tất cả vật, tất cả việc đều là thị hiện của chư Phật Như Lai”. Bạn nghe rồi không tin tưởng! Tôi nói lời thật bạn không tin, nói lời giả thì bạn lại tin! Nói lời giả là: Những chúng sinh này quá khứ đã tạo nghiệp: thiện nghiệp có thiện báo, ác nghiệp có ác báo thì bạn tin; nhưng đó chỉ là lời giả không phải chân thật, là tùy thuận chúng sinh mà nói. Nếu tùy thuận Phật, Bồ Tát mà nói thì không phải vậy: Sơn hà, đại địa, tất cả người, tất cả sự vật đều là Pháp Thân, Báo Thân, Hóa Thân của chư Phật, Bồ Tát thị hiện, đây là nói lời chân thật với bạn.

Nếu bạn có thể tin, đem cảnh giới chuyển đổi lại thì chúc mừng bạn! Bạn đã vào được “Pháp giới Nhất Chân” rồi! Thành Phật không khó chỉ trong một niệm! Vạn pháp nhất như! Vạn pháp bình đẳng! Bao gồm tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, khói tan mây tán, không gì có được! Vấn đề chính là bạn có nhận biết, có thấy được hay không? Có thể chuyển đổi được hay không? Vừa chuyển bạn liền được tự tại.

Tổ tông hướng dẫn chúng ta, khởi tâm động niệm, nói năng tạo tác nhất định phải tuân thủ đạo đức, rất đơn giản chỉ có mười hai chữ: “Hiếu để trung tín, lễ nghĩa liêm sĩ, nhân ái hòa bình”. Nếu triễn khai ra cũng rất đơn giản, đều có thể nhớ được như:

– “Ngũ luân” gồm có: Phụ tử hữu thân, phu phụ hữu biệt, quân thần hữu nghĩa, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín.

– “Ngũ thường” gồm có: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

– “Tứ duy” có: Lễ, nghĩa, liêm, sĩ.

– Bát đức có: Trung, hiếu, tín, nghĩa, nhân, ái, hòa, bình. Đây là văn hóa truyền thống xưa, nhất định không được làm trái!

– Phải bắt đầu thực hiện từ đâu?

– Từ “hiếu thân tôn sư

Thân ta có được là từ cha mẹ; trí tuệ ta có được là nhờ thầy. Đức Phật dạy ta phải “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Lời Phật dạy và văn hóa truyền thống là cùng một gốc “hiếu thân, tôn sư”, dùng lời hiện tại mà nói là giáo dục yêu thương. Sự thân ái giữa cha mẹ và con cái là tánh đức, hi vọng tánh đức này có thể duy trì bất biến, phát huy rộng lớn: Từ yêu thương cha mẹ phát huy đến yêu thương anh, chị em; yêu thương bà con, bạn bè thân thích, yêu thương láng giềng hàng xóm; yêu xã hội, yêu quốc gia v.v.. cho đến cuối cùng: Phàm là người đều phải yêu thương! Đây là mục đích của giáo dục, dạy bạn thật sự làm thánh nhân, làm hiền nhân. Con người là thánh hiền, quốc gia chánh trị là thánh hiền, gia đình là thánh hiền, sự nghiệp của họ cũng là thánh hiền.

Quốc gia nào cũng có chế độ, chế độ là “pháp”. “Pháp” có thể độc lập tồn tại không? Không thể! “Pháp yếu đắc kỳ nhân”, quan trọng nhất chính là “nhân”, nếu “pháp” đó đạt đến tiêu chuẩn của thánh nhân, thì “pháp” này là “pháp thánh hiền”; nếu đạt đến tiêu chuẩn quân tử thì pháp này là “pháp quân tử”. Nếu là tiểu nhân chấp chính thì pháp này là “pháp tiểu nhân”. Cho nên, cổ nhân có câu: “Nhân tồn chánh cử, nhân vong chánh tức”. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này. Đối với cổ nhân phải có tâm tôn trọng không được xem thường, xem thường là tạo nghiệp! Chớ cho rằng ta rất tài giỏi, cổ nhân chẳng bằng ta! Thật tế, còn thua xa lắm! Chúng ta không bằng cổ nhân!

Ngày nay tuy khoa học kỹ thuật phát triễn, đến cuối cùng là gì? Là trái đất hủy diệt! Lão tổ tông không phải không hiểu khoa học, thật sự họ rất hiểu. Sao họ không phát triễn? Họ biết những thứ này nếu phát triễn mà luân lý đạo đức không theo kịp thì hậu quả chính là trái đất bị hủy diệt, thế giới tận thế, nên họ không làm! Đây là phát xuất từ lòng từ bi, từ tâm yêu thương, đạo lý này chúng ta phải hiểu.

Ngày nay xã hội động loạn, thế giới thiên tai quá nhiều, phải hóa giải ra sao? Có thể tìm lại ba gốc “Nho-Thích-Đạo” của lão Tổ tông, chăm chỉ nỗ lực học tập, thực hành cho được thì thiên tai sẽ không còn, xã hội sẽ an định. Vì sao? Vì “cảnh tùy tâm chuyển”! Tâm con người thiện, cảnh liền biến thành thiện; tâm con người ác, cảnh liền biến thành ác. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: Do tâm tham con người, chiêu cảm đến tai nạn về nước. Do sân nhuế chiêu cảm đến là hỏa tai, nhiệt độ trái đất tăng lên. Do ngu si, ngạo mạn chiêu cảm đến phong tai, động đất; tất cả đều có ứng đối.

– Chúng ta có cách gì cứu trái đất không?

– Giới khoa học nói có!

– Cứu thế nào?

– Phải thay đổi tâm thái!

Họ biết tất cả những thiên tai trên trái đất là do tâm thái không bình thường của con người biến hiện ra. Vô hình trung họ cũng có cái nhìn giống như Phật pháp: “Tham, sân, si, mạn, nghi” là không bình thường.

– Phải cần bao nhiêu người biết tu sửa, địa cầu này mới không đến nổi bị hủy diệt?

– Giới khoa học tính ra một số liệu là: Căn bậc hai của một phần trăm dân số thế giới. Hiện tại, dân số trên địa cầu có khoảng sáu phẩy năm tỷ người; căn bậc hai của một phần trăm dân số là khoảng tám ngàn người. Họ nói: Toàn thế giới thật sự nếu có khoảng tám ngàn người biết quay đầu thì thế giới này liền được cứu.

– Sáu phẩy năm tỷ người, chỉ có tám ngàn người hành thiện mà có thể cứu được sao?

– Điều này chúng ta có thể tin được! Cổ nhân nói: “Tà không thắng chánh”. Tám ngàn người này là chánh, hơn sáu tỷ người kia là “”. “Tà không thắng chánh”, nghĩ lại cổ nhân nói câu này rất có lý!

Khoa học còn nêu ra một con số cụ thể: Một thành phố với một triệu nhân khẩu, chỉ cần có một trăm người biết quay đầu thì thành phố này có thể sẽ ít đi tai nạn. Tai nạn không thể tránh, vì con người tạo nghiệp quá nhiều. Cho nên, giới khoa học phát ra những tín hiệu này, đặc biệt đối với những tín đồ tôn giáo, hy vọng các tôn giáo có thể dẫn đầu hồi tâm hướng thiện.

Tháng sáu, chúng tôi viếng thăm Vatican, xem thấy giáo hoàng Thiên chúa giáo cùng những đại giáo chủ của họ rất nghiêm túc khuyên răn giáo đồ thiên chúa trên toàn thế giới hãy vì hòa bình thế giới, vì tất cả những thiên tai mà mỗi ngày đều cầu nguyện.

– Có hiệu quả không?

– Có! Chắc chắn có hiệu quả!

Trong Phật giáo không gọi là cầu nguyện mà gọi là hồi hướng, đem công đức chúng ta tu học hồi hướng cho thế giới, cho tất cả chúng sinh khổ nạn. Chúng ta phải nghiêm túc dẫn đầu thực hiện, bắt tay chăm chỉ nỗ lực tu “Lục hòa kính”, đem ba cái gốc “Nho- Thích-Đạo” làm cho tốt. Có cơ sở “Nho-Thích-Đạo” rồi thì tùy ý tu tập pháp môn nào, học bộ kinh luận nào, đều có thể đạt đến địa vị Thánh Hiền: Học Nho có thể thành Thánh, thành Hiền; học Phật có thể thành Phật, thành Bồ Tát; học Đạo có thể thành Thần, thành Tiên. Thật sự có thể làm đến được, đây chính là “nghiệp tự tại”.

Thông thường, người thế gian hay tin lý số, thích xem tướng đoán mệnh. Người học Phật rất nhiều, cũng không ngoại lệ. Có cần xem tướng đoán mệnh không? Trong kinh Phật nói: “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”, “tất cả pháp từ tâm tưởng sinh” v.v… Nếu thật sự hiểu rõ đạo lý này đâu cần phải xem tướng đoán mệnh. Trong Kinh A Nan Vấn Phật Cát Hung nói rất rõ: Chỉ cần tâm thái bạn tốt thì mọi thứ đều tốt; việc không tốt cũng có thể chuyển thành tốt, khả năng này mọi người đều có.

Phật pháp dạy chúng ta “tri mệnh”, “mệnh” chính là nghiệp tạo tác. Hãy xét xem mỗi ngày chúng ta nghĩ gì? Nói những gì? Làm những gì? Đây chính là “nghiệp”. Nếu tâm hành tương ưng với “thập thiện nghiệp đạo”, với bốn đức như trong “Hoàn Nguyên Quán” nói: “Tùy duyên diệu dụng, oai nghi hữu tắc, nhu hòa chất trực, đại chúng sinh khổ” thì quá tốt. Đây là “nghiệp tự tại”, tai nạn gì cũng không còn nữa, không cần phải xem tướng đoán mạng, tiền đồ của bạn sẽ hoàn toàn sáng lạn, có “gặp hung” cũng “hóa cát”, gặp “nạn” cũng thành “kiết tường”. Đây mới thật sự là hiểu được cải tạo vận mệnh.

5. Thọ Sanh Tự Tại

Bồ Tát theo tâm niệm có thể ở trong các thế giới thị hiện thọ sanh không chướng không ngại”. “Thọ sanh” là đầu thai. “Thọ sanh tự tại” là đến đâu đầu thai cũng đều tự tại. Đây là người giác ngộ họ có thể tự chọn lựa, như Quán Thế Âm Bồ Tát nói: Đáng dùng thân gì để độ, ngài liền hiện ra thân ấy để độ. Thị hiện này có hai loại: Một là “Ứng thân thị hiện”, hai là “Hóa thân thị hiện”. “Ứng thân thị hiện” đến đầu thai thường ở thế gian thời gian dài để giúp chúng sinh khổ nạn. “Hóa thân thị hiện” chỉ giúp một hoặc số ít người trong thời gian ngắn.

Trong “Hư Vân Niên Phổ”, chúng ta thấy Hòa Thượng Hư Vân bái Ngũ Đài Sơn, ba bước một lạy, đường xa thăm thẳm, trải thời gian rất dài nhận chịu đói lạnh, giữa đường lâm bệnh, không ai hay biết! Lúc này, Bồ Tát Văn Thù thị hiện là một người ăn xin đi ngang qua đó, thấy lão Hòa Thượng bệnh, bèn đến bên chăm sóc cho ngài. Khi bệnh lão Hòa Thượng thuyên giảm, ông liền đi, đây là “Hóa thân thị hiện”.

“Ứng thân thị hiện” như đức Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện ở thế gian này suốt bảy mươi chín năm, với bốn mươi chín năm hoằng dương Chánh pháp. Người mê luôn phải tùy nghiệp lực của họ mà lưu chuyển. Người giác ngộ đến nhân gian đầu thai, họ biết nhìn và có thể chọn lựa. Họ nhìn cái gì? Không phải nhìn cha mẹ hiện tại có của cải, có địa vị hay không, mà nhìn họ hiện tại và tổ tông của họ có tích đức hay không, họ nhìn điều này. Lại hướng lên trên tổ tiên của gia đình này có bao nhiêu đời tích đức, ít nhất cũng phải năm đời trở lên thì gia đình này mới xuất hiện Thánh nhân. Thật không phải dễ dàng! Linh tánh biết nhìn!

Nhạc phụ của phụ thân Khổng lão phu tử, đem con gái mình gả cho ông ấy. Thật sự mà nói, phụ thân của Khổng Tử lúc tại thế là bình dân, rất nghèo khó.

– Vì sao nhạc phụ của phụ thân Khổng Tử lại đem con gái mình gả cho ông ấy?

– Vì tổ tông nhà họ cả năm đời đều có tích đức, cho nên lão nhạc phụ nói với ông ta, trong nhà họ nhất định sẽ có nhân tài, nên đem con gái mình gả cho ông ấy sinh ra Khổng Tử.

Lúc tại thế, tuy Khổng Tử không có thành tích gì, nhưng hậu thế xưng ông là “Vạn Thế Sư Biểu”, tôn phụng ông là Đại Thánh nhân số một của Trung Quốc. Cho nên, tổ tông tích đức là quan trọng. Nếu tổ tông không tích đức, phải bắt đầu từ bản thân. Thử nghĩ xem cha mẹ chúng ta có tích đức không? Không có tích đức! Tôi nói bản thân cha mẹ tôi không có tích đức! Vì sao? Vì sinh vào thời hoạn nạn! Thời kỳ Dân Quốc, lúc nhà Thanh mất nước, xã hội động loạn. Năm xưa mới mười một tuổi nên tôi không hiểu. Đến thời kỳ kháng chiến bản thân tôi cũng đã khôn lớn mới hoàn toàn hiểu. Tôi ngày nay đọc sách Thánh Hiền, biết được cha mẹ tôi không có tích đức, đời này tôi chịu khổ cũng đáng thôi!

Phụ thân tôi qua đời rất sớm! Sự việc trong nhà, tôi đều không biết. Tổ tông tôi có tích đức hay không, theo lời bạn học cũ của phụ thân tôi, ông ấy ở Đài Loan. Thời đó, mỗi năm tôi đều đến viếng thăm ông ấy, thỉnh giáo với ông, đặc biệt là hỏi về những chuyện trong thời ông nội tôi. Ông cũng biết ông nội tôi là vãng bối, ông nói với tôi, ông nội tôi là một người tốt, cũng làm quan, là một vị thanh quan.

Lại hướng lên trên nữa, tôi tin rằng cũng có tích một chút phước đức nên đời này tôi mới có thể gặp được Phật pháp , gặp được thiện tri thức chân chánh. Nếu không gặp được, không những đời này tôi khổ mà đời sau lại càng khổ hơn. Gặp được những bậc thầy hướng dẫn, tôi hiểu được chân tướng sự thật, liền giác ngộ biết được nên làm người thế nào, phải làm việc ra sao để quang minh về sau được vô lượng; sống đời loạn lạc phải sống tốt như thế nào mới đáng là mô phạm, muốn đem giáo huấn của Thánh Hiền, từ bản thân mình thực hành cho được để mọi người thấy. “Thân hành, ngôn giáo”, có thấy họ mới tin, mới có thể chăm chỉ học tập. Đây là phải tích cực từ bản thân mình.

Thọ sanh tự tại” là sự việc của hàng Bồ Tát. Trong kinh nói: A la hán tuy có năng lực chọn lựa, nhưng vừa ra đời vẫn còn mê khi cách ấm, nên phải bắt đầu trở lại từ đầu, phải học lại từ đầu. Chỉ có Bồ Tát nhập thai, xuất thai đều không mê hoặc.