Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

IV. TÍCH CÔNG LŨY ĐỨC ĐỆ BÁT
(TT)

4. Thế nào là Bồ Tát Tùy Phật Giáo Nhẫn?

“Lúc Bồ Tát khởi tâm sân não, ác độc, liền suy nghĩ rằng: thân này từ đâu mà sinh, từ đâu mà diệt? Nếu từ Ngã sinh thì Ngã là cái gì? Nếu từ cái khác sinh ra thì cái khác đó là cái gì? Pháp tướng cũng vậy, từ nhân duyên nào sinh ra? Lúc Bồ Tát suy nghĩ như vậy, chẳng thấy sinh ra từ cái gì, cũng chẳng thấy duyên khởi từ cái gì, cũng chẳng thấy từ Ngã sinh, cũng chẳng thấy từ cái khác khởi, cũng chẳng thấy từ nhân duyên sinh. Suy nghĩ như vậy nên chẳng sân, cũng chẳng não, cũng chẳng độc, sức sân nộ liền giảm bớt. Đấy gọi là Tùy Phật Giáo Nhẫn”.

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích: “Tùy” là tùy thuận, “Giáo” là giáo huấn. Làm thế nào tùy thuận giáo huấn của Phật Đà? Trong thế pháp, cầu học từ tiểu học, trung học, đại học đến tốt nghiệp tiến sĩ, tùy theo ngành học, phải mất ít nhất là hai mươi năm. Không có hai mươi năm nhẫn nại này thì học nghiệp của bạn không thể nào hoàn thành. Trong Phật pháp cầu học không có niên hạn. Từ sơ phát tâm đến Như Lai địa, kinh Phật thường nói phải mất ba đại A-tăng- kỳ kiếp, một con số thiên văn, bạn có thể nhẫn chịu nổi thời gian quá dài này chăng?

Tôi năm xưa học Phật với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, nghe nói ông là người có đại trí tuệ, có đại tu hành, trong tâm tôi rất ngưỡng mộ, liền đến Đài Trung bái ông làm thầy. Trong sự việc này có hai người giới thiệu: Một vị là xuất gia, một vị là tại gia. Hai vị đại đức này giới thiệu tôi đến Đài Trung. Khi vừa gặp mặt, ông liền đưa ra ba điều kiện:

Thứ nhất, anh đến Đài Trung học với tôi, bắt đầu từ hôm nay chỉ nghe mỗi mình tôi giảng kinh nói pháp; ngoài tôi ra, bất cứ pháp sư, đại đức nào nói pháp cũng không được phép nghe!

Thứ hai, anh muốn xem văn tự, sách giảng, không luận là sách Phật hay sách thế gian, nếu không được sự đồng ý của tôi, không được phép xem!

Thứ ba, mấy năm trước, những gì anh đã học, tôi không thừa nhận! (một mực phế bỏ), bắt đầu ngày hôm nay học lại từ đầu! Ông nói: Anh có thể tiếp nhận hay không? Nếu có thể tiếp nhận thì tôi nhận anh; không thể tiếp nhận thì anh đi chỗ khác!

Nghe những lời này của ông, đích thật lúc đó tôi cảm thấy vì sao ông này cao ngạo đến thế?! Nghĩ lại, đã đến đây rồi, hơn nữa lại có hai vị đại đức đặc biệt giới thiệu, tôi đành tiếp nhận. Sau khi tiếp nhận, ngữ khí của ông liền hòa ái hơn nhiều. Đây là “Tùy Phật Giáo Nhẫn”. Nếu không có “Tùy Phật Giáo Nhẫn” không thể nào có được thành tựu như ngày hôm nay. Sau này, tôi sâu sắc thể hội được đại đức xưa dạy học nghiêm khắc như vậy, đích thật là cao minh bắt chúng ta phải y theo qui củ của các ngài, không ngoài mục đích giúp chúng ta “một môn thâm nhập, trường thời huân tu”. Dùng phương pháp này ràng buộc, khiến tâm chúng ta từ tạp loạn chuyển hướng đến tinh thuần.

Trải qua thời gian dài tu tập như vậy, bất tri bất giác đi vào thiền định. Thiền định không phải chéo chân quay vào vách mới xem là thiền định. “Thiền” là bên ngoài không dính tướng; “Định” là bên trong không động tâm. Thầy kỳ hạn tôi năm năm, chưa đến năm năm, khoảng năm thứ tư, tôi liền nói với thầy: Phương pháp này rất tốt, con bằng lòng làm mười năm, thầy mỉm cười! Đích thật phải có ít nhất mười năm, gốc mới chân thật cắm chắc và ổn định, không có mười năm, gốc của chúng ta không đủ sâu. Đây là “Tùy Phật Giáo Nhẫn”; việc này cần phải có công phu nhẫn nại rất lớn! “Tùy Phật Giáo Nhẫn” là những gì Phật dạy, ta phải thực hành. Trên đây là Phật dạy dùng phương pháp quán tưởng, quán pháp duyên sinh để đối trị với tâm sân não, ác độc.

Trong Trung Quán Luận nói: “Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị không”, khi duyên tụ thì có, duyên tán thì không còn; tụ tán vô thường! Khắp biến pháp giới, hư không giới, y chánh trang nghiêm trong cõi nước chư Phật cũng đều như vậy. Trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thế Giới Hoa Tạng và phẩm Thế Giới Thành Tựu có nói về nguyên khởi của vũ trụ hư không từ đâu mà có? Hiện tại khoa học cũng đi theo phương hướng này: Vũ trụ vĩ quan, vật lý hư không; thế giới vi quan: Lượng tử lực học chính là trong Phật pháp nói đến A-lại-da. Giới khoa học công nhận toàn thể vũ trụ chỉ là tổ hợp của ba thứ: năng lượng, tin tức và vật chất. Ba thứ này phù hợp với trên kinh Phật nói về “Tam tế tướng” của A-lại-da là: nghiệp tướng, chuyển tướng và cảnh giới tướng. Trong Hoàn Nguyên Quán, Quốc sư Hiền Thủ gọi là “xuất sanh vô tận”.

Sao gọi là “xuất sanh vô tận”? Đột nhiên tôi nhớ lại ống vạn hoa chơi hồi nhỏ. Trong ống vạn hoa chỉ có ba miếng vụn: màu hồng, màu vàng, màu lam; ngoài ra không có gì cả. Vậy mà khi xoay chuyển, nó biến hóa vô cùng, chính là hiện tượng này. Thế giới vi quan, phần trước chúng ta đã học: Vật chất nhỏ nhất trong chánh báo như đầu sợi lông; hạt bụi là vật chất nhỏ nhất trong y báo. Trên kinh Phật nói đến hạt bụi, mắt thịt chúng ta không thể thấy được.

– Vậy hạt bụi là gì?

– Trong khoa học gọi là nguyên tử, điện tử, hạt căn bản, hạt vi lượng.

Ba mươi năm gần đây, khoa học vượt xa hơn một bước, phát hiện “vi trung tử”, vật chất nhỏ nhất không thể phân chia, phân chia nữa sẽ không còn, đây là trong Phật pháp gọi là “lân hư trần”, thể tích của nó là một phần trên một trăm ức (tức một phần trên mười tỷ) của một điện tử. Nói cách khác, một trăm ức hay mười tỷ “vi trung tử” mới tổ hợp thành một điện tử. Hiện tượng này trong không khí chúng ta không thể nào phát giác được!

Chúng ta biết: Hạt nhân nguyên tử giống như một Thái dương hệ, có rất nhiều điện tử vây quanh; thật sự giống như một mô hình tiểu tinh hệ trong đó có mặt trời, có hành tinh bao quanh mặt trời, có vệ tinh bao quanh hành tinh. Nguyên tử đúng là mô hình nhỏ của vũ trụ. Tốc độ dao động của “vi trung tử” rất nhanh, giới khoa học không xác định được.

Nhưng trên kinh, Bồ Tát Di Lặc nói: Trong một khảy móng tay có ba mươi hai ức một trăm ngàn niệm. Nếu trong một giây khảy được năm lần thì tần suất chấn động của nó là một triệu sáu trăm lần, mỗi lần là thời gian sinh diệt của nó. Phật bảo: Trong mỗi lần sinh diệt đó có đủ cả “thành-trụ-hoại-không”, điều này càng không thể nghĩ bàn! Đó gọi là “sát-na sinh diệt” bất khả đắc! Phật còn nói: Trong vật chất nhỏ này chứa cả đại thiên thế giới; đại thiên thế giới không thu nhỏ lại; vật chất nhỏ này cũng không phóng to; nó có thể hổ tương, “tương tức tương dung”. Điều này cũng thật không thể nghĩ bàn! Đây là chân tướng, thật tướng của vạn pháp trong vũ trụ.

Nếu không có khoa học hiện đại chứng minh chắc chúng ta không thể hoàn toàn tin tưởng những lời Phật dạy trong kinh, mặc dù biết rằng Phật, Bồ Tát không có vọng ngữ, nhưng sự việc này quá ư vượt khỏi tầm nhận biết của chúng ta! Đức Phật dạy: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”. Tâm địa chúng ta chân chánh, lương thiện, từ bi, nhẫn nhục thì mọi hiện tượng vật chất đều biến thành tốt đẹp nhất. Nếu tâm tự tư tự lợi, tham sân si mạn, sát đạo dâm vọng thì những vi điểm, vật chất nhỏ bé này sẽ theo ý niệm chúng ta mà sinh ra độc bệnh, biến thành bệnh truyền nhiễm lan khắp trong không khí. Đây là vấn đề nghiêm trọng nhất trong đại thiên tai! Nó không phải núi lửa, không phải động đất mà là những thứ này! Chúng ta không thể không biết.

Thân chúng ta có bệnh tật, đây là nói về “nội nhẫn”. Có “Nội Nhẫn”, công phu này cũng không tệ! Nhưng làm cách nào để hóa giải những bệnh tật này? Chính là từ ý niệm! Phải buông bỏ, cải sửa ý niệm sai lầm, tư tưởng sai lầm, nhận định sai lầm. Trong tâm phải thường nghĩ đến luân lý, đạo đức, nhân quả.

Tóm lại, nhẫn nhục Ba-la-mật là then chốt của tu hành và cầu học, nó quyết định sự thành, bại của chúng ta. Có nhẫn lực chắc chắn sẽ thành tựu; không nhẫn được, không thể thành công!

5. Thế nào là Bồ Tát Vô Phương Sở Nhẫn?

“Trong Kinh nói: Có người ban ngày có thể nhẫn, ban đêm không thể nhẫn, hoặc có lúc đêm nhẫn được, ngày không nhẫn được. Có người ở nơi đây có thể nhẫn, đổi một hoàn cảnh khác thì không thể nhẫn. Hoặc nhẫn được bậc tri thức nhưng không nhẫn được với kẻ chẳng phải là tri thức. Bồ Tát chẳng giống vậy: Trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, thường sinh tâm nhẫn, nên gọi là Vô Phương Sở Nhẫn”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Phương” là bốn phương; “Sở” là sở tại. “Vô Phương Sở Nhẫn” là không có lúc nào, nơi nào, việc gì mà không thể nhẫn. Người bây giờ đều cảm nhận một cách sâu sắc: Môi trường sống không tốt, bất luận hoàn cảnh vật chất hay đời sống tinh thần đều không thể hoàn toàn như ý, khổ nhiều vui ít!

– Khổ từ đâu mà có?

– Đều tự làm tự chịu! Không phải người khác gây cho ta mà bản thân ta ngày ngày đang tạo!

Những gì ta đang lãnh chịu, trong Phật Giáo gọi là “hoa báo”, như thực vật nở hoa trước, sau mới có quả. Nếu hoa hiện tại của chúng ta không tốt, quả báo đời sau sẽ rất đáng sợ! Hoa hiện tại tốt, quả báo đời sau nhất định tốt. Nếu lo lắng, phiền não nhiều, đây không phải là việc tốt! Chứng tỏ chúng ta cách ba đường ác không xa! Nếu tâm địa thanh tịnh, hỉ lạc nhiều như vậy rất tốt sẽ đến thiên đường! Nếu mỗi ngày thường xuyên nhớ Phật, niệm Phật, sẽ đến gần Phật A Di Đà, có hy vọng vãng sinh Cực Lạc.

“Nhẫn” biểu hiện ở “Lễ kính chư Phật” trong hạnh Phổ Hiền: Bình đẳng cung kính, bình đẳng tán thán, bình đẳng cúng dường; không bình đẳng thì không phải Phật đạo.

Người khác có gạt ta, ta quyết không thể gạt họ. Người khác nhục mạ ta, ta quyết không thể nhục mạ họ. Vì sao? Họ đang mê muội, chưa có giác ngộ! Hiện tại ta chưa giác ngộ nhưng ta đang học Phật. Phải lấy Phật là tấm gương giác ngộ tốt nhất để chúng ta học tập. Ở Phật, không việc gì mà không thể nhẫn nại, đây gọi là “Vô Phương Sở Nhẫn”.

6. Thế nào là Bồ Tát Tu xứ xứ Nhẫn?

“Có người nhẫn chịu được cha mẹ, sư trưởng, thê thiếp, con cái, kẻ lớn, người nhỏ, thân thuộc nội ngoại, nhưng chẳng thể nhẫn được kẻ khác. Lòng Nhẫn của Bồ Tát chẳng như vậy, nhẫn chịu hạng Chiên-đà-la hệt như nhẫn chịu cha mẹ. Đấy gọi là Tu Xứ Xứ Nhẫn”.

Chiên-đà-la” là tiếng Phạn, là một tộc quần ti tiện nhất thời ở Ấn Độ xưa, hiện tại chúng ta gọi là nô lệ. “Nhẫn chịu hạng Chiên- đà-la hệt như nhẫn chịu cha mẹ”: Đây là đối đãi bình đẳng, trong Phật pháp gọi là “Tu Xứ Xứ Nhẫn”. Do đây có thể biết: Cái “Xứ Xứ Nhẫn” này là ở trong hoàn cảnh nhân sự, còn “Vô Phương Sở Nhẫn” chủ yếu là tâm nhẫn nại đối với cảnh giới bên ngoài trong tất cả không gian và thời gian.

7. Thế nào là Bồ Tát Phi Sở Vị Nhẫn?

“Chẳng vì sự mà nhẫn, chẳng vì lợi mà nhẫn, chẳng vì sợ mà nhẫn, chẳng vì chịu ân người khác mà nhẫn, chẳng vì bạn bè thân thiết mà nhẫn, chẳng vì thẹn thùng mà nhẫn (Bất dĩ sự cố sinh nhẫn, bất dĩ lợi cố sinh nhẫn, bất dĩ uý cố sinh nhẫn, bất dĩ thọ tha ân cố sinh nhẫn, bất dĩ tương thân hữu cố sinh nhẫn, bất dĩ tàm quí cố sinh nhẫn). Bồ Tát luôn tu nhẫn, đấy gọi là Bồ Tát Phi Sở Vị Nhẫn”.

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích: “Nhẫn” là đức hạnh trong tu hành của Bồ Tát. Bồ Tát nhẫn một cách rất tự nhiên, vô điều kiện. “Phi Sở Vị” là vô điều kiện, “có sở vị” là có điều kiện. Phàm hễ “có sở vị” đó không phải là nhẫn nại chân thật, là có ý đồ, có mục đích, đây không phải là giáo huấn của Phật Đà. Giáo huấn của Phật Đà dạy chúng ta nhẫn không có ý đồ, không có mục đích. “Có sở vị”, trong nhà Phật gọi là pháp hữu vi; pháp hữu vi thành tựu cao nhất chỉ là Tương Tợ vị, cũng xem là không dễ dàng rồi. Trong “Tương Tợ vị”, “Chân Thật vị” không có phần! Chúng ta phải học chư Phật, Bồ Tát; các ngài vì tất cả chúng sinh khổ nạn, trong tâm không có dính tướng, là vô điều kiện mà làm. Các ngài không cần thù đáp, danh vọng lợi dưỡng thảy đều không cần, tâm địa thanh tịnh không hề lưu lại dấu vết. Đây gọi là “Vô sở vị nhi vi chi”, cũng chính là “Phi Sở Vị Nhẫn”.

Xã hội hiện nay: Mọi lúc, mọi nơi, mọi người, mọi sự đều đang thử thách chúng ta. Thử thách điều gì? Xem rốt cuộc ta có nhẫn được hay không? Nếu thật sự nhẫn được thì như như bất động, đây là Định; rõ ràng minh bạch không chút hồ đồ đó là trí tuệ; bám chặt kinh điển, giáo huấn của thánh hiền, đó là giới luật. Cho nên, hoàn cảnh hiện tại đối với người trí tu hành chân chánh là hoàn cảnh tốt giúp họ nâng cao cảnh giới rất nhanh. Ngược lại, đối với người mê, giải đải, biếng nhác, đó là hoàn cảnh không tốt! Vì sao? Vì họ theo đó mà đọa lạc! Gặp cảnh không xứng tâm mãn ý liền khởi oán hận, phiền não bất bình, việc này không như ý, việc kia không như ý, họ đến đâu cũng không như ý! Vì sao? Vì số mạng họ như thế! Không phải nói đổi một hoàn cảnh mới sẽ tốt, không phải vậy!

Phải nhớ mãi lời Phật dạy “cảnh tùy tâm chuyển”. Nếu tâm tốt, đi đến đâu hoàn cảnh cũng tốt. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhược năng chuyển vật tức đồng Như Lai”, bị hoàn cảnh chuyển là phàm phu. Hoàn cảnh thế gian hiện nay đi đâu để tìm cảnh của Phật, Bồ Tát?! Không tìm thấy! Toàn là ô nhiễm nghiêm trọng! Hiểu rõ đạo lý này, ở yên ổn một nơi, tâm thanh tịnh, tương lai hoàn cảnh nơi đây cũng dần dà thanh tịnh. Nên nhớ: Bố Thí có thể tích lũy công đức; nhẫn nhục có thể duy trì công đức. Công đức tích lũy bao lâu, vừa nổi giận liền bị đốt sạch hết! Cho nên, tu tích công đức không khó, nhưng gìn giữ được công đức quả thật không dễ! Phải tư duy nhiều về đạo lý này, cố gắng thực hiện cho bằng được “Phi Sở Vị Nhẫn” của Bồ Tát.

8. Thế nào là Bồ Tát Bất Bức Não Nhẫn?

“Nếu đã có nhân duyên gây sân hận nhưng phiền não chưa khởi thì chẳng gọi là Nhẫn. Nếu lúc gặp phải nhân duyên gây sân hận như dao vung, gậy đập, tay đấm, chân đá, ngoác miệng chửi bới, chính ngay lúc đó mà tâm chẳng động, mới gọi là Nhẫn. Đấy gọi là Bồ Tát Bất Bức Não Nhẫn”.

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích: Điều đầu tiên nói rõ, giả như gặp phải nhân duyên gây ra sân giận, nhưng phiền não chưa khởi, hành vi của sân giận không có, chỉ có ý niệm, như vậy không gọi là nhẫn. Kế đến, nếu gặp phải nhân duyên gây sân hận như: quyền đánh, đao trượng, tay đấm, chân đá, chửi bới v.v… vẫn không hề động tâm, đây gọi là nhẫn. Lúc này cần phải nhẫn! Vì sao? Vì nếu không nhẫn, lập tức khởi xung đột, khiến đôi bên đều bị tổn hại. Hóa giải xung đột, phương pháp tốt nhất chính là nhẫn.

Khi tôi chưa học Phật, sau khi kháng chiến thắng lợi, đi học tại Nam Kinh. Cùng lớp với tôi có ba lớp: A, B, C. Lúc đó tôi học năm thứ ba cấp hai. Cùng khối khác lớp, tôi học lớp A, người bạn tôi học lớp B, chúng tôi thường chơi với nhau. Lúc trẻ tôi rất thích trêu đùa bạn bè. Trong trường tổ chức cuộc thi vẽ tranh, đề mục là vẽ phong cảnh trường mình. Tác phẩm của tôi được xếp thứ ba trong cuộc thi toàn trường. Có rất nhiều bạn học đến khen ngợi, tôi nói với họ: Bạn biết vì sao tôi đứng thứ ba chăng? Họ nói: Vì bạn vẽ đẹp! Tôi nói: Không phải tôi vẽ đẹp mà nội dung bạn vẽ đều là trạng thái tĩnh, như cây cỏ, hoa lá, kiến trúc trường học. Riêng tôi không phải!

Tôi vẽ bạn mình đang vẽ, là vẽ động vật, tôi chế diễu bạn đó như thế. Bạn đó nghe xong cũng không tức giận, nên chúng tôi không phát sinh xung đột. Tình huống như bạn đó không gọi là Nhẫn.

Người bạn này thường khen tôi sau lưng, nhưng tôi thì vẫn thường đưa bạn ấy vào trường hợp bối rối. Sau thời gian một năm, tôi bị bạn này cảm động, liền đến xin lỗi và sám hối với bạn. Thật đáng nễ! Từ bản thân bạn đó trong vòng một năm đã dạy tôi biết nhẫn nhục Ba-la-mật. Từ đó về sau tôi có thể nhẫn. Sau này, ở Đài Loan làm việc tại cơ quan nhà nước. Có lần gặp một việc hiểu lầm, tôi hoàn toàn không có ác ý, là do ngôn ngữ, thái độ khiến một đồng sự ngộ nhận. Anh ta lớn tiếng mắng nhiếc, tay đấm chân đá tôi, tôi không nói lời nào, cứ để anh ta đánh, không đánh trả; anh ta đánh tôi ngã xuống đất, tôi làm như không có việc gì xảy ra, anh ta dù muốn đánh nữa cũng không đánh được! Bên cạnh đó có một đồng sự kéo dậy khuyên nhủ, anh ta liền bỏ đi; hôm sau liền đến xin lỗi tôi, nói mình quá lổ mãng. Tôi nói: Anh rất giỏi! Cách một ngày đã biết xin lỗi. Tôi trước kia bắt nạt bạn học, một năm sau mới biết xin lỗi họ, anh giỏi hơn tôi nhiều; không những không kết oán thù còn trở thành bạn tốt.

Thế nên, chỉ trong một niệm, nếu không học được bản lĩnh này, nhất định khởi xung đột thì sự việc đã nghiêm trọng rồi! Nhất định phải nhẫn! Nhẫn không phải là thua đối phương, nhẫn là thật sự chiến thắng! Đây là việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn thường gặp phải. Trong xã hội, xung đột chủng tộc, xung đột quốc gia v.v…, đa phần đều do việc nhỏ không nhẫn mà hư việc lớn, phải trả một giá rất thảm khốc! Kết thâm thù đại hận, đây là sai lầm lớn!

Sau khi học Phật, chúng ta được thọ dụng biết làm thế nào để hóa giải xung đột, Nhẫn điều mà người khác không nhẫn được, làm điều mà người khác không làm được, đây là đệ tử giỏi của Phật, Bồ Tát. Trước khi Phật diệt độ, ngài để lại hai câu: “Lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”. Giới luật chính là người thầy. Nói cách khác, bất luận là tại gia hay xuất gia, tôn trọng giới luật chính là tôn trọng Phật. Tôn trọng Phật chính là đang trì giới; không trì giới chính là không tôn trọng Phật! Ngày ngày có cúi đầu lễ lạy cũng vô ích, lạy sói trán chỉ hoài công! Không tương ưng!

Bồ Tát Bất Bức Não Nhẫn, tuyệt đối không bức não người khác, không làm tổn thương người khác, bất luận trong tình huống nào. Cho dù người khác có làm tổn thương, Bồ Tát vẫn tha thứ cho họ, biết họ không hiểu hoặc không có ai dạy họ hoặc có người dạy nhưng vì phiền não, nghiệp chướng tập khí của họ quá sâu nên không thể học được. Điều này phải nhìn từ căn bản tập tánh, không phải bản tánh. Họ bất hiếu cha mẹ, không tôn trọng Thánh hiền, không yêu thương bản thân, người này trong kinh Phật gọi là kẻ đáng thương. Đối với kẻ đáng thương thì không nên tính toán, nếu tính toán thì bạn hơi quá đáng! Cần phải tha thứ cho họ. Hành nghiệp của họ tạo trong đời này, quả báo là ba đường ác. Cho nên, người hiểu biết, có đức hạnh, có trí tuệ nhất định thương xót những chúng sinh này.

– Có người từng tiếp thu giáo dục, học Phật rất tốt, thậm chí giảng kinh thuyết Pháp, thính chúng đều khen ngợi. Nhưng nếu họ nổi giận tay đấm, chân đá, việc này phải giải thích thế nào?!

– Họ không có gốc rễ! Người này nên tha thứ cho họ.

Dù họ học tốt đến đâu nhưng không có gốc rễ, cảnh giới hiện tiền vẫn dễ dàng khởi xung đột, vẫn dễ dàng phát tác! Người có gốc rễ vững chắc có thể nhẫn chịu; đối với cảnh giới bên ngoài không khởi tâm, không động niệm, tâm như hồ nước lặng, đạo nghiệp người này hầu như đã thành tựu. Hiểu rõ đạo lý này mới biết vì sao cổ thánh tiên hiền; chư Phật, Bồ Tát xem trọng nền tảng của việc tu học như vậy.

Hiện nay, chúng ta đều cho rằng điều này không quan trọng, học “Đệ tử qui” làm gì, đó là việc của trẻ con, học hay không cũng không sao! Do vậy mà ngũ giới, thập thiện đã học bao nhiêu năm vẫn không thực hiện được điều nào! Không phải không muốn học, rất muốn học, chỉ là không làm được! Nguyên nhân là không có căn bản. Căn bản của ngũ giới, thập thiện chính là “Đệ tử qui” và “cảm ứng thiên”, chúng ta đối với nền tảng này quả thật không có ý hướng tu học, mắt chúng ta chỉ nhìn thấy đỉnh cao nhất mà quên đi phần căn bản sẽ không thể nào thành tựu! Cho nên không thể không nỗ lực học tập bù đắp.

9.  Thế nào là Bồ Tát Bi Tâm Nhẫn?

“Lúc ấy nếu Bồ Tát làm vua hoặc là bậc giống như vua có công nghiệp lớn, vì chúng sinh khổ nên làm chúa họ. Nếu lúc bọn chúng sinh ấy đến mắng chửi, xúc phạm, Bồ Tát chẳng cậy mình là chúa bọn họ mà sinh sân hận (tự nhủ) ta phải cứu vớt những chúng sinh như thế, thường bảo vệ chúng, chứ lẽ đâu lại sinh nóng giận? Thế nên, nay tâm ta bi mẫn thương xót chẳng sinh nóng giận. Đấy gọi là Bồ Tát Bi Tâm Nhẫn”.

Nên biết cho dù chúng ta có làm rất nhiều việc tốt để lợi ích chúng sinh. Nhưng hạnh nghiệp mỗi chúng sinh không tương đồng, không thể có chuyện hoàn toàn như ý người nên nhất định sẽ có người không vừa ý, họ sẽ phê bình hoặc phỉ báng người lãnh đạo. Nếu không phải Bồ Tát mà là phàm phu, phản ứng của họ là dùng pháp luật để trừng phạt những người này. Điều này thường xảy ra trong lịch sử, khép họ vào tội phản nghịch, xử tử hình. Phật, Bồ Tát làm vua, khi nghe những ngôn luận của nhân dân về mình, bản thân họ liền nỗ lực tự kiểm điểm, xem mình có sai sót gì thì lập tức  sửa đổi; nếu không có thì càng cố gắng hơn. Đây là vị minh quân thánh vương, không tùy tiện giết người, luôn dùng giáo dục, dùng đạo đức cảm hóa nhân dân, vị quốc vương như thế, nhất định đã từng tiếp thu nền giáo dục ưu việt của Phật Đà hay của Thánh hiền, mới có thể làm đến được như vậy.

Nghe người khác phê bình ác ý, không khởi tâm sân giận, trái lại còn cảnh giác sợ mình làm sai sẽ khiến nhân dân gánh khổ, chịu nạn, đây là lỗi lầm của họ! Minh quân Thánh Vương nhất định khiến nhân dân sống vô lo, ngày nay gọi là an hòa lợi lạc. Tôi tin rằng: Người lãnh đạo của mỗi quốc gia đều muốn theo đuổi một xã hội này. Cổ thánh tiên hiền làm được; Phật, Bồ Tát làm được; chúng ta vì sao không làm được?! Điều kiện tiên quyết là phải buông bỏ tự tư tự lợi; không buông bỏ điều này thì hoàn toàn không làm được!

Trung Quốc thời cổ đại, có thể nói các triều đại Đế Vương khai quốc họ đều làm được rất tốt, mới truyền được mấy mươi đời. Thời nhà Thương truyền ba mươi mốt đời, thời nhà Chu truyền ba mươi bảy đời. Chúng ta thấy có rất nhiều người một đời cũng không giữ được. Lúc trẻ họ rất phát đạt, đến mười mấy hai mươi năm sau không còn nữa, tiêu tan hết, người mất nhà tan!

– Nguyên nhân vì sao?

–  Vì họ thông minh mà không có đạo đức! Vừa thông minh, vừa có đạo đức mới có thể truyền thừa. Người thời nay, tin vào khoa học, không tin luân lý đạo đức, không tin cổ thánh tiên hiền, cũng không tin Phật, Bồ Tát, cho nên sự nghiệp của họ rất khó bảo toàn, dù chỉ một đời!

“Bi Tâm Nhẫn”, trong “Tịnh Nghiệp tam phước” điều sau cùng, câu thứ nhất dạy chúng ta phát Bồ Đề tâm. Tâm Bồ Đề chính là tâm Đại Bi. Tâm Bồ Đề biểu hiện thực tiễn trên sự tướng chính là yêu thương vô điều kiện, yêu thương tất cả chúng sinh vượt hơn hẳn cả chính mình. Phải nhận thức rõ ràng: Tâm này nếu không thể thực hiện được như trên, đó chính là tâm Bồ Đề chưa phát! Phát tâm Bồ Đề không phải chỉ ở ngoài cửa miệng. Từ trong kinh luận, Phật đã nói: Thể của tâm Bồ Đề là chân thành. Tự thọ dụng của tâm chân thành, danh từ Phật học gọi là “thâm tâm”; “thâm tâm” là hiếu thiện, hiếu đức. Cái “hiếu” này là ưa thích, kiên trì một phương hướng, một mục tiêu mới có được thành tựu.

Ngày nay, làm việc tốt cũng bị người mắng, sĩ nhục; làm việc xấu lại được người khen, giúp đỡ. Làm việc tốt chẳng những họ không giúp mà còn muốn phá hoại! Việc này xem ta có nhẫn được hay không?! Nếu vô tình hay cố ý có chúng sinh đến mắng chửi, xúc phạm, chúng ta cũng phải nhẫn chịu, chỉ khởi tâm bi mẫn thương xót họ mà chẳng sinh tâm nóng giận. Đây gọi là “Bồ Tát Bi Tâm Nhẫn”. Chính mình không có tâm hiếu thiện, hiếu đức, đối với người khác, không có tâm yêu thương vô điều kiện, đây là bạn chưa có “Bi Tâm Nhẫn”, tâm Bồ Đề của bạn chưa phát khởi!

10. Thế nào gọi là Bồ Tát Thệ Nguyện Nhẫn?

“Bồ Tát nghĩ như sau: Ta trước đây từng đối trước chư Phật hiện sư tử hống phát thệ nguyện rằng: – Con sẽ thành Phật, ở trong đầm lầy sinh tử để cứu vớt các chúng sinh khổ sở. Mình nay muốn cứu vớt họ thì chẳng nên nóng giận làm khổ họ. Nếu mình chẳng nhẫn được thì còn chẳng độ nổi chính mình, huống là lợi lạc chúng sinh”.

Điều này rất khó! Một khi đã phát nguyện thì phải thực tiễn. Muốn thực tiễn, đòi hỏi bạn phải có công phu nhẫn nại tu trì. Rõ ràng nhất “Tứ Hoằng Thệ Nguyện”, đồng tu học Phật, không luận là tại gia hay xuất gia; thời khóa sớm tối ngày ngày đều ở trước mặt Phật, Bồ Tát phát ra lời nguyện này: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện  độ; phiền não vô tận thệ nguyện đoạn; Pháp môn vô lượng thệ nguyện học; Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Thử hỏi:

– Bạn đã thực hiện chưa?

– Một điều cũng không thể thực hiện!

– Nguyên nhân vì sao?

– Vì không có “Thệ Nguyện Nhẫn”!

Nhẫn lực thành tựu” (Thành tựu nhẫn lực): Chúng ta xem thấy trên kinh nói mười loại Nhẫn này, thành thật mà nói: Một chính là mười; mười chính là một. Nếu thành tựu được một điều thì chín điều kia thảy đều đầy đủ; một điều không có thì chín điều kia cũng không có! Kinh Kim Cang nói: “Tất cả pháp đắc thành ở nhẫn”. Ngày nay, chúng ta tu hành, công phu không có lực! Tu hành đã lâu, cầu sinh Tây Phương Cực Lạc, tin tức vẫn mờ mịt! Thử hỏi:

– Chúng ta có nắm chắc chưa?

– Chưa được! Vẫn không nắm chắc!

–  Vì sao người trước tu ba đến năm năm thì thật có nắm chắc; ngày nay chúng ta tu ba đến năm mươi năm vẫn không nắm chắc, là do đâu?!

–  Không có công phu nhẫn nại! Mới biết nhẫn nại quan trọng đến dường nào! Thế nhưng, trước khi “nhẫn lực thành tựu”, trong bổn kinh có nói ra một số điều kiện tiên quyết, đó là: “Bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc” (Chẳng nề hà các khổ, ít ham muốn, biết đủ), đây đều phải nhẫn nại.

–   Ham muốn hưởng lạc, không thể chịu khổ, con người này không có nhẫn nại; nói cách khác, họ không có thành tựu; cho dù có thành tựu cũng rất  có  hạn. Tám chữ này rất  quan trọng, chúng   ta quyết không thể xem thường. Ở đây, Bồ Tát Pháp Tạng trọn vẹn các Nhẫn, nên bảo là “nhẫn lực thành tựu”.

Trước đây tôi đề xuất năm khoa mục: Tịnh độ tam phước, Lục hòa kính, Tam học, Lục độ, Phổ Hiền thập nguyện, đến nay ít nhất cũng đã ba mươi năm.

– Ba mươi năm qua có ai làm theo chăng?

– Có! Nếu không có ai thực hành theo, ngày nay Tịnh Tông đâu được chư Phật hộ niệm, thiện thần ủng hộ.

Chỉ cần có hai, ba người y giáo phụng hành “nhẫn lực thành tựu”, chúng ta đều nhờ hào quang của họ. Bộ chú giải Kinh Vô Lượng Thọ này đích thật là bộ kinh điển hàng đầu, độ chúng sinh trong chín ngàn năm thời mạt pháp. Muốn học tập, học trong CD cũng có thể thành tựu, như cư sĩ Lưu Tố Vân là tấm gương điển hình nhất. Bà ở nhà một mình, chỉ một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, một câu A Di Đà Phật, tất cả nghiệp chướng nặng nề của bà đều tiêu hết. Bà mắc bệnh lao da ban đỏ còn nghiêm trọng hơn bệnh ung thư. Bác sĩ nói bà có thể chết bất cứ lúc nào. Bà không hề sợ hãi, chỉ nhất tâm nhất ý cầu vãng sinh Tịnh Độ. Hơn một tháng sau thì bệnh lành, bà càng khởi tín tâm.

Bà có thể thành tựu, chúng ta cũng có thể thành tựu. Ở đây, Bồ Tát nghĩ: “Ta từng đối trước chư Phật phát thệ nguyện: Khi con thành Phật (vãng sinh chính là thành Phật), sẽ ở trong bùn lầy sinh tử (bùn lầy là ví cho con đường rất khó đi) để bạt trừ khổ nạn cho chúng sinh. Nếu ta không nhẫn không thể tự độ huống hồ làm lợi ích cho chúng sinh!”. Muốn hành Bồ Tát đạo phải biết “lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”; làm được hai điều này mới có thể lợi ích chúng sinh; khổ tự mình chịu, vui nhường cho người.

Trước đây tôi cầu học ở Đài Trung, gặp rất nhiều nghịch duyên, nếu không nhẫn thì cũng không thể thành tựu. Dù hoàn cảnh ác liệt đến đâu, người ta có xem thường tôi, hủy báng, sĩ nhục tôi đều phải tiếp nhận. Nếu không tiếp nhận, nổi giận bỏ đi nghĩa là đã cắt đứt cơ duyên học tập của mình! Đến đâu để học?! Đến đâu để tìm được người thầy như thầy Lý?! Tìm không ra! Dù có, họ cũng không chịu dạy! Thầy phải chịu dạy mới được!

Lúc tôi ở Đài Trung, mấy người quan tâm chăm sóc tôi, tôi thể hiện rõ thái độ: Chỉ cần thầy Lý không bảo tôi đi, bất kỳ ai gây khó khăn cho tôi, tôi đều tiếp nhận, tuyệt đối không đi. Nếu sở học thành tựu, tự nhiên tôi sẽ đi, chưa học xong tôi không đi. Tôi ở Đài Trung tròn mười năm, sau cùng học xong bộ Kinh Hoa Nghiêm tôi mới ra đi. Rời Đài Trung, tôi đến Đài Bắc giảng Kinh Hoa Nghiêm lần đầu tiên, tôi nhớ năm đó là năm Dân Quốc sáu mươi. Thành tựu này của tôi đều do sức nhẫn nại rất lớn, bằng tất cả tâm chân thành, cung kính học tập, sự nghiệp học tập là phụ, đức hạnh mới là hàng đầu. Do vậy mà đối với tất cả mọi chướng nạn đó tôi đều cảm ân. Vì sao? Vì họ đang thử thách tôi! Mỗi cửa ải tôi đều thuận lợi thông qua!

Ở Đài Trung, hoạt động Phật Giáo của thầy Lý, chính qui chỉ có hai lần: Giảng kinh hai tiếng đồng hồ, bao gồm cả phiên dịch; trên thực tế chỉ có một tiếng. Dạy học mỗi tuần một lần ba tiếng. Nói cách khác, môn học Phật một tuần chỉ có bốn tiếng. Rất nhiều người đến Đài Trung ở một, hai tháng hoặc ba, bốn tháng là ra đi. Vì sao? Vì thời gian học quá ít, cần phải ở đây thời gian rất dài, họ chịu không được đành ra đi! Không đi chỉ có mỗi mình tôi. Vì sao tôi không đi? Thầy dạy một tuần bốn tiếng, đối với tôi mà nói thì rất thích hợp. Tôi có thể tiêu hóa tất cả những gì mình học được. Nếu một tuần, thầy giảng mười tiếng, hai mươi tiếng, tôi tiêu hóa không nổi, đây là thật!

Mỗi lần trước khi nghe giảng, công việc chuẩn bị của tôi ít nhất là mười tiếng đồng hồ làm công tác chuẩn bị. Tôi tìm tài liệu tham khảo, xem trước thật kỹ càng, sau đó mới nghe thầy giảng. thầy giảng có điều nào giống hoặc không giống với chú giải của chư vị Tổ sư đại đức? Vì sao thầy giảng như vậy? Nghiền ngẫm những vấn đề này. Nói cách khác, mỗi tuần học tập của tôi có sở đắc, pháp hỉ sung mãn. Họ học tập khác tôi, chỉ là đến để nghe thầy giảng kinh, viết lại lời giảng của thầy. Tôi không như vậy! Thầy biết nên không cho phép tôi ghi chép bài, khi nghe giảng chỉ cần chuyên tâm lắng nghe, không cần ghi chép lại. Vì sao? Vì cảnh giới mỗi năm không giống nhau, bài viết này sẽ hoàn toàn vô dụng, lãng phí rất nhiều thời gian lại bị phân tâm. Chỉ cần chuyên chú lắng nghe, nghe hiểu thì tốt, không hiểu cũng đừng nghiên cứu, cứ tiếp tục lắng nghe, tâm thanh tịnh dần dần sẽ hiển lộ. Tâm thanh tịnh sinh trí tuệ, dùng tâm thanh tịnh để nghe kinh dễ được sở ngộ, điều này rất quan trọng!