LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

GIẢI THÍCH: PHẨM NHƯ HUYỄN THỨ 28

(Kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật ghi: Phẩm Huyễn Thính)

(Kinh Đại Bát-nhã ghi: Phần 2, Phẩm Tín Thọ thứ 26)

KINH: Bấy giờ các Thiên tử tâm nghĩ rằng: Nên dùng hạng người nào nghe Tu-bồ-đề nói?

Tu-bồ-đề biết tâm niệm của các Thiên tử, nói với các Thiên tử rằng: Như người huyễn hóa nghe pháp, tôi dùng hạng người như vậy, vì sao? Vì hạng người ấy không nghe, không thính, không biết, không chứng.

Các Thiên tử nói với Tu-bồ-đề rằng: Chúng sinh ấy như huyễn, như hóa, người nghe pháp cũng như huyễn như hóa ư?

Như vậy, như vậy! Các Thiên tử! Chúng sinh như huyễn nên người nghe pháp cũng như huyễn; chúng sinh như hóa nên người nghe pháp cũng như hóa.

Các Thiên tử! Ta như huyễn như mộng, chúng sinh cho đến kẻ biết kẻ thấy cũng như huyễn như mộng.

Các Thiên tử! Sắc như huyễn như mộng; thọ, tưởng, hành, thức như huyễn như mộng; mắt cho đến thọ do ý và xúc làm nhân duyên sinh như huyễn như mộng; nội không cho đến vô pháp hữu pháp không; Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật như huyễn như mộng.

Các Thiên tử! Bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung như huyễn như mộng; quả Tu-đà-hoàn như huyễn như mộng; quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, đạo Bíchchi Phật như huyễn như mộng. Các Thiên tử! Phật đạo như huyễn như mộng.

Bấy giờ các Thiên tử hỏi Tu-bồ-đề: Ông nói Phật đạo như huyễn như mộng, ông nói Niết-bàn cũng như huyễn như mộng ư?

Tu-bồ-đề đáp các Thiên tử: Tôi nói Phật đạo như huyễn như mộng, tôi nói Niết-bàn cũng như huyễn như mộng, nếu có pháp gì hơn Niết-bàn, tôi nói cũng như huyễn như mộng, vì cớ sao? Các Thiên tử! Vì huyễn mộng và Niết-bàn không hai không khác.

LUẬN: Trên kia đã nói như huyễn như mộng, không có người nói, không có người nghe. Nay sao còn hỏi nên dùng hạng người nào theo ý Tu-bồ-đề nghe pháp?

Đáp: Các Thiên tử trước kia nói Tu-bồ-đề thuyết pháp không thể hiểu, trong đây Tu-bồ-đề nói ví dụ người huyễn hóa. Nay các Thiên tử lại nghĩ rằng: Hạng người nào nghe, ứng hợp với lời Tu-bồđề nói mà tín thọ, thực hành theo thì được đạo quả ư?

Tu-bồ-đề đáp: Người như huyễn hóa, nghe thời ứng hợp với pháp của tôi nói.

Hỏi: Người huyễn hóa ấy không có tâm tâm số pháp, không thể nghe lãnh thọ, cần gì phải thuyết pháp?

Đáp: Chẳng phải khiến chính người huyễn hóa nghe, chỉ muốn khiến hành giả đối với các pháp dụng tâm không vướng mắc; như người huyễn hóa, người huyễn hóa ấy không nghe cũng không chứng. Chúng sinh như huyễn như mộng, nghe pháp cũng như huyễn như mộng.

Chúng sinh là người thuyết pháp, người nghe pháp là người lãnh thọ pháp, Tu-bồ-đề nói không những người nói pháp, người nghe pháp như huyễn như mộng, mà ta cho đến kẻ biết kẻ thấy đều như huyễn như mộng. Sắc cũng như huyễn như mộng, cho đến Niết-bàn cũng như huyễn như mộng, tức là pháp được nói như huyễn như mộng.

Trong tất cả chúng sinh, Phật là đệ nhất, trong tất cả pháp, Niếtbàn là đệ nhất, khi nghe nói hai việc ấy đều như huyễn như mộng thời tâm kinh ngạc nghi ngờ. Phật và Niết-bàn tối thượng tối diệu làm sao như huyễn như mộng, vì vậy nên lại còn hỏi việc kia: Phật và Niếtbàn xét đúng như huyễn như mộng ư? Tu-bồ-đề sẽ không nói lầm! Chúng tôi sẽ không nghe lầm! Vì thế nên lại hỏi cho chắc.

Tu-bồ-đề nói với các Thiên tử: Tôi nói Phật và Niết-bàn chính tự như huyễn như mộng, hai pháp ấy tuy diệu, đều từ pháp hư vọng xuất ra cho nên không, vì cớ sao? Vì từ pháp hư vọng cho nên có Niết-bàn, từ phước đức và trí tuệ cho nên có Phật, hai pháp ấy thuộc nhân duyên, không có chân thật nhất định, như đã nói trong nghĩa niệm Phật, niệm Pháp.

Tu-bồ-đề nghĩ rằng: Như lực Bát-nhã ba-la-mật, thời giả sử có pháp gì hơn Niết-bàn còn có thể làm cho như huyễn, huống gì Niếtbàn, vì sao? Vì nói Niết-bàn hết thảy ưu sầu khổ não đều rốt ráo diệt, vì thế nên không có pháp gì hơn Niết-bàn.

Hỏi: Nếu không có pháp hơn Niết-bàn, cớ sao nói nếu có pháp hơn Niết-bàn cũng lại như huyễn?

Đáp: Pháp dùng ví dụ hoặc lấy việc có thật, hoặc có khi giả thiết, theo nhân duyên mà nói. Như Phật dạy: Nếu khiến cây cối hiểu lời Ta nói, Ta cũng thọ ký cho được Tu-đà-hoàn; nhưng cây cối không có thể hiểu được, Phật vì giải ngộ cho ý người nên dẫn dụ như vậy thôi.

Niết-bàn là pháp rốt ráo vô thượng trên hết thảy pháp; như biển lớn là trên các sông muôn dòng, Tu-di là trên các núi, hư không là trên hết thảy pháp. Niết-bàn cũng như vậy, không có khổ, già, bệnh, chết, không có các tà kiến, tham, sân, các suy hoại, không có khổ yêu thích bị xa lìa, không có khổ oán thù gặp gỡ, không có khổ cầu mong không được, không có hết thảy vô thường, hư dối, bại hoại, biến dị. Nói cốt yếu, Niết-bàn là tất cả khổ hết, rốt ráo thường vui, nơi quy về của mười phương chư Phật và chúng đệ tử Bồ-tát, an ổn thường vui không có gì hơn, trọn không bị ma vương ma dân phá hại; như trong A-tỳ-đàm nói: Pháp hữu thượng là pháp hữu vi, hư không, và phi trạch diệt vô vi (phi trí duyên tận); pháp vô thượng là trạch diệt vô vi (trí duyên tận) tức là Niết-bàn. Thế nên biết không có pháp gì hơn Niết-bàn.

Tu-bồ-đề khen lực Bát-nhã ba-la-mật to lớn, nên nói: Nếu có pháp hơn Niết-bàn, cũng như huyễn; ví như lấy hoàn sắt lớn cháy nóng bỏ trên lông tay, đốt cháy ngay, không tổn một chút sức nóng, chỉ không còn gì để đốt nữa thôi. Trí tuệ Bát-nhã ba-la-mật phá hết thảy pháp có, cho đến Niết-bàn thẳng qua không chướng ngại mà trí lực không giảm, chỉ không còn pháp gì để có thể phá nữa thôi. Thế nên nói nếu có pháp hơn Niết-bàn, lực trí tuệ cũng phá được.

KINH: Bấy giờ Tuệ mạng Xá-lợi-phất, Ma-ha Mục-kiềnliên, Ma-ha Câu-hy-la, Ma-ha Ca-chiên-diên, Phú-lâu-na Di-đala-ni-tử, Ma-ha Ca-diếp và vô số ngàn Bồ-tát hỏi Tu-bồ-đề rằng: Bát-nhã ba-la-mật sâu xa khó thấy, khó hiểu, khó biết, tịch tịnh vi diệu như vậy, ai sẽ tín thọ?

Bấy giờ A-nan nói với đại đệ tử và các Bồ-tát rằng: Bồ-tát ma-ha-tát ở địa vị bất thối chuyển, có thể tín thọ Bát-nhã ba-lamật sâu xa khó thấy khó hiểu khó biết, tịch tịnh vi diệu ấy. Hạng người thành tựu chánh kiến, A-la-hán lậu tận đã mãn sở nguyện, cũng có thể tín thọ Bát-nhã đó.

* Lại nữa, thiện nam tử, thiện nữ nhân thường thấy Phật nơi chỗ Phật cúng dường gieo trồng thiện căn nhiều, thân cận thiện tri thức có lợi căn, hạng người ấy có thể tín thọ, không nói thị pháp phi pháp.

Tu-bồ-đề nói: Không lấy “không” phân biệt sắc, không lấy sắc phân biệt “không”; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Không lấy vô tướng, vô tác phân biệt sắc, không lấy sắc phân biệt vô tướng, vô tác; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Không lấy vô sinh, vô diệt, tịch diệt, viễn ly phân biệt sắc, không lấy sắc phân biệt vô sinh, vô diệt, tịch diệt, viễn ly; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Mắt cho đến thọ do ý và xúc làm nhân duyên sinh cũng như vậy. Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, tất cả môn Tam-muội, tất cả môn Đà-la-ni, Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán, Bích-chi Phật, Phật, Nhất thiết trí, cũng không lấy “không” phân biệt Nhất thiết trí, không lấy Nhất thiết trí phân biệt không, không lấy không phân biệt Trí nhất thiết chủng, không lấy Trí nhất thiết chủng phân biệt không. Vô tướng, vô tác, vô sinh, vô diệt, tịch diệt, viễn ly cũng như vậy.

Tu-bồ-đề nói với các Thiên tử: Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm ai thọ thì được? Trong Bát-nhã ba-la-mật ấy, không có pháp có thể chỉ, không có pháp có thể nói; nếu không có pháp có thể chỉ, không có pháp có thể nói thời người tín thọ cũng không có thể được.

Bấy giờ, Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề: Trong Bát-nhã bala-mật nói rộng giáo pháp ba thừa và nhiếp thủ pháp Bồ-tát từ địa vị Sơ phát tâm cho đến địa thứ mười, Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo phần, Phật mười lực cho đến mười tám pháp không chung là giáo pháp hộ trì Bồ-tát. Bồ-tát ma-ha-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, thường hóa sinh, không mất thần thông, dạo qua các nước Phật, đầy đủ căn lành, tùy theo ý muốn cúng dường chư Phật, liền được như nguyện, từ chỗ chư Phật nghe thọ pháp giáo, đến khi được Trí nhất thiết chủng chưa bao giờ đoạn tuyệt, chưa có lúc nào lìa Tam-muội, sẽ được biện tài nhanh nhẹn, biện tài lanh lợi, biện tài bất tận, biện tài không thể dứt, biện tài tùy ý, biện tài đúng nghĩa, biện tài tất cả thế gian tối thượng.

Tu-bồ-đề nói: Như vậy, như vậy! Như Xá- lợi-phất nói: Bátnhã ba-la-mật nói rộng giáo pháp ba thừa và giáo pháp hộ trì Bồtát, cho đến Bồ-tát ma-ha-tát được biện tài tối thượng hết thảy thế gian, đều không thể có được.

Ta cho đến kẻ biết, kẻ thấy đều không thể có được; sắc, thọ, tưởng, hành, thức, Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật đều không thể có được. Nội không cho đến vô pháp hữu pháp không cũng không thể có được.

Bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo phần, Phật mười lực cho đến Trí nhất thiết chủng cũng không thể có được.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Vì nhân duyên gì trong Bát-nhã ba-la-mật nói rộng ba thừa mà không thể có được? Vì nhân duyên gì trong Bát-nhã ba-la-mật hộ trì Bồ-tát? Vì nhân duyên gì Bồ-tát ma-ha-tát được biện tài nhanh nhẹn cho đến biện tài tối thượng trong hết thảy thế gian cũng không thể có được?

Tu-bồ-đề đáp Xá-lợi-phất: Vì nội không nên trong Bát-nhã ba-la-mật nói rộng ba thừa, không thể có được, vì ngoại không cho đến vô pháp hữu pháp không nên nói rộng ba thừa, không thể có được. Vì nội không nên hộ trì Bồ-tát cho đến biện tài tối thượng trên hết thảy thế gian, không thể có được. Vì ngoại không cho đến vô pháp hữu pháp không, nên hộ trì Bồ-tát cho đến biện tài tối thượng trên hết thảy thế gian, không thể có được.

LUẬN: Luận giả nói: Lúc ấy các đại đệ tử như Xá-lợi-phất v.v… nói với Tu-bồ-đề rằng: Pháp Bát-nhã ba-la-mật ấy sâu xa khó hiểu; vì các pháp không có định tướng nên là sâu xa; vì các tư duy quán hạnh dứt nên là khó thấy; cũng không chấp trước Bát-nhã bala-mật nên gọi là khó hiểu khó biết; diệt ba độc và các hý luận nên gọi là tịch diệt; được diệu vị của trí tuệ nên gọi là thường được đầy đủ; không còn cầu gì nữa, hết thảy trí tuệ khác đều thô sáp chẳng vui, nên gọi là vi diệu. Các đại đệ tử nói lời ấy rằng: Trí Bát-nhã ba-lamật sâu xa, trí tuệ người thế gian cạn mỏng, chỉ tham đắm quả báo phước đức mà không ưa tu. Phước đức đắm có thời tình mạnh, phá có thời tâm khiếp. Vốn đã nghe học tập luyện kinh sách tà kiến, dính chặt không bỏ, người như vậy thường ưa cái vui thế gian. Vì vậy nên nói ai hay tín thọ Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy? Nếu không tín thọ thời nói làm gì?

A-nan giúp đáp: Có bốn hạng người có thể tín thọ. Thế nên lời Tu-bồ-đề nói chắc chắn có người tín thọ, chẳng phải nói suông. Bốn hạng người có thể tín thọ là: 1. Vị Bồ-tát ma-ha-tát, ở địa vị bất thối, biết hết thảy pháp chẳng sinh chẳng diệt, chẳng thủ tướng, không chấp đắm, thời có thể lãnh thọ.

1. Vị A-la-hán hết lậu hoặc, vì hết lậu hoặc, không chấp đắm, được pháp vô vi tối thượng, sở nguyện đã mãn, không còn cầu gì, thường trú không, vô tướng, vô tác Tam-muội, tùy thuận Bát-nhã bala-mật, thời có thể tín thọ.

2. Ba hạng học nhân, thành tựu chánh kiến, tuy chưa hết lậu hoặc, vì lực của bốn đức tin Phật, Pháp, Tăng, Giới cũng có thể tín thọ.

3. Có Bồ-tát tuy chưa được địa bất thối chuyển, nhưng có phước đức lợi căn, trí tuệ thanh tịnh, thường theo thiện tri thức, người ấy cũng có thể tín thọ.

Tướng mạo của sự tín thọ là không cho rằng pháp ấy chẳng phải Phật, Bồ-tát, đại đệ tử nói. Tuy nghe Bát-nhã ba-la-mật nói các pháp đều rốt ráo không, cũng không vì đã tín thọ pháp trước mà cho pháp rốt ráo không ấy là phi pháp.

Hỏi: Từ trước lại đây, A-nan hoàn toàn không luận nói gì, sao nay lại đáp thế cho Tu-bồ-đề?

Đáp: A-nan là vị tướng Chuyển pháp luân thứ ba, hay làm thầy đại chúng, là thị giả hầu cận Thế Tôn, tuy được Sơ quả, vì lậu hoặc chưa hết, nên tuy có trí tuệ đa văn, tự cho mình chưa có thiện xảo đối với trí tuệ không, nếu nói pháp không, mà tự mình chưa chứng nhập, thì đều là nói việc người khác, cho nên không nói. Hoặc khi nói về việc có, thời có thể hỏi có thể đáp được, như trong phẩm sau A-nan hỏi Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Cớ sao chỉ tán thán Bát-nhã ba-la-mật, mà không tán thán năm Ba-la-mật kia. Còn trong phẩm này hỏi ai là người có thể tín thọ Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, đây chẳng phải là việc “không” nên A-nan liền đáp: Tu-bồ-đề thường ưa nói việc không, không ưa nói việc có.

Lại vì A-nan lúc ấy tâm ưa nói phát sinh, cho nên Phật cho phép đáp. A-nan phiền não chưa hết, nên lực trí tuệ chậm, nhưng lực tin tưởng mãnh lợi, cho nên đối với Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm có thể như pháp hỏi đáp.

Hỏi: Bát-nhã ba-la-mật không có gì, không có pháp nhất định, làm sao bốn hạng người có thể tín thọ mà chẳng cho là phi pháp?

Đáp: Nay Tu-bồ-đề trong đây tự nói nhân duyên rằng: Chẳng lấy không phân biệt sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, vì vậy nên Bát-nhã ba-la-mật không bị lỗi, không bị phá; nếu không bị phá thời không có tội lỗi, cho nên không cho là phi pháp. Không tức là Bát-nhã ba-la-mật, chẳng lấy trí tuệ không để phá sắc làm cho không, cũng chẳng lấy nhân duyên phá sắc nên có không, vì không tức là sắc, sắc tức là không. Vì Bát-nhã ba-la-mật phá các hý luận, có công đức như vậy, nên không ai không tín thọ. Vô tướng, vô tác, vô sinh, vô diệt, tịch diệt, viễn ly cũng như vậy, cho đến Trí nhất thiết chủng đều nên nói rộng.

Hỏi: Các đại đệ tử hỏi nghĩa ấy, cớ sao Tu-bồ-đề lại đáp với các Thiên tử?

Đáp: Các đại đệ tử đã được A-la-hán, chỉ hỏi điều mình nghi, việc lợi ích ít, còn các Thiên tử phát tâm vì Bồ-tát, lợi ích sâu, cho nên nói với các Thiên tử.

– Lại nữa, tuy nói cho chư thiên tức là đáp lời các đại đệ tử. Trên kia nói các pháp không, đây nói trong Bát-nhã ba-la-mật chúng sinh rốt ráo không. Vì vậy nên trong Bát-nhã ba-la-mật không có người nói, huống gì có người nghe và tín thọ. Nếu hiểu được các pháp không như vậy, tâm không vướng mắc, thời có thể tín thọ.

Bấy giờ Tu-bồ-đề nói Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, Xá-lợi-phất tán thán giúp thành việc ấy. Bát-nhã ba-la-mật chẳng phải chỉ vì không nên có thể tín thọ, trong Bát-nhã cũng rộng nói ba thừa. Nghĩa ba thừa như trước đã nói.

Nhiếp thủ Bồ-tát là vì Bát-nhã ba-la-mật lợi ích các Bồ-tát, khiến được tăng trưởng.

– Lại nữa, nhiếp thủ là trong Bát-nhã ấy có mười địa khiến Bồ-tát từ một địa đến một địa, cho đến địa thứ mười. Nghĩa mười địa, từ sáu Ba-la-mật cho đến nghĩa Trí nhất thiết chủng như trước đã nói.

Hóa sinh là nói hành báo của Bát-nhã. Hành Bát-nhã ba-la-mật đối với hết thảy pháp không ngại, nên được biện tài nhanh nhẹn. Có người tuy có thể nhanh nhẹn, mà vì độn căn nên không thể thâm nhập, do thâm nhập được nên lợi, ấy là biện tài lanh lợi. Nói thật tướng các pháp vô biên vô tận, nên gọi là vui nói không tận. Trong Bát-nhã không có các hý luận, nên không thể vấn nạn làm đoạn tuyệt; ấy gọi là biện tài không thể dứt. Dứt pháp ái nên tùy chúng sinh thích ứng mà nói pháp cho, nên gọi là biện tài tùy ứng. Nói việc đưa đến Niết-bàn lợi ích ấy gọi là biện tài về nghĩa nói việc đệ nhất của hết thảy thế gian, tức là Đại thừa; ấy gọi là biện tài tối thượng thế gian.

Tu-bồ-đề cho lời hỏi ấy đúng, nói: Như vậy, như vậy!

Xá-lợi-phất nghĩ rằng: Tu-bồ-đề thường ưa nói không, cớ sao nay nhận lời tôi nói rằng trong Bát-nhã ba-la-mật có nói rộng giáo pháp ba thừa, nên phải còn có nhân duyên?

Tu-bồ-đề đáp: Bát-nhã ba-la-mật tuy có rộng nói pháp ba thừa, mà chẳng phải có định tướng vì đều hòa hợp với mười tám không. Nói nhiếp thủ Bồ-tát, bảy thứ biện tài cũng như vậy, vì “trí tuệ không” vậy.