TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm hai mươi tám: Bát nhã Ba la mật

[Giải]    Bát nhã, âm Phạn, dịch là trí tuệ. Có người cho rằng, lúc tu nhân gọi là tuệ, lúc chứng quả gọi là trí. Ở đây biện minh tuệ độ, là phẩm cuối cùng.

C6. Tuệ độ
D1. Thiện Sinh hỏi

Thiện Sinh bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát tu Bát nhã Ba la mật thanh tịnh như thế nào?”

D2. Như Lai trả lời
E1. Nêu rõ hành tướng của trí tuệ

Thiện nam tử! Nếu có Bồ tát trì giới, tinh tiến, đa văn, chánh niệm, tu hạnh nhẫn nhục, thương xót chúng sinh, tâm thường hổ thẹn, xa lìa sự đố kỵ, chân thực biết rõ các phương tiện lành, vì chúng sinh chịu khổ mà không hối tiếc, thoát lui, ưa làm việc bố thí, có thể điều phục chúng sinh, khéo biết chỗ phạm tội là nặng hay nhẹ, siêng năng khuyên nhắc chúng sinh làm việc phước thiện, biết chữ biết nghĩa, tâm không kiêu mạn, gần gũi bạn lành, có thể làm lợi ích cho mình và người; cung kính Tam bảo, sư trưởng Hòa thượng, các bậc trưởng lão đức hạnh, đối với thân Bồ đề, không khởi tâm khinh rẻ, có thể quán sát công đức thâm diệu của Bồ đề; biết rõ tướng thiện ác, biết tất cả thanh luận của thế gian và xuất thế gian, biết rõ nhân quả, biết phương tiện đầu tiên và căn bản, nên biết kẻ ấy có thể được trí tuệ.

Trí tuệ có ba loại: (1) từ văn phát sinh, (2) từ tư phát sinh, (3) từ tu phát sinh. Từ văn tự mà hiểu nghĩa, gọi là từ văn phát sinh; từ sự suy ngẫm mà hiểu nghĩa, gọi là từ tư phát sinh; từ sự tu tập mà hiểu nghĩa, gọi là từ tu phát sinh.

Có thể đọc tụng mười hai phần giáo của Như Lai, phá trừ lưới nghi, đọc tụng tất cả thế luận, thế sự, khéo léo phân biệt nẽo tà nẽo chánh, đây gọi là trí tuệ.

Có thể phân biệt mười hai phần giáo, nhân quả, chữ nghĩa của ấm, nhập, giới, v.v…, tướng của tỳ bà xá na, xa ma tha, thiện, ác, vô ký và tứ điên đảo, kiến đạo, tu đạo, có thể khéo léo phân biệt những sự việc như vậy, gọi là trí tuệ.

[Giải]    Từ văn phát sinh, tức là do sự nghe pháp mà phát sinh trí tuệ. Từ tư phát sinh, tức là do sự tư duy nghĩa lý mà phát sinh trí tuệ. Từ tu phát sinh, tức là do sự tu tập mà phát sinh trí tuệ.

Đọc kinh phá trừ sự nghi ngờ, tức là nội minh. Có thể đọc sách vở, cùng hiểu biết các sự việc thế gian, gọi là thanh minh, nhân minh, y dược minh và công xảo minh. Ở đây chỉ cho Bồ tát chỗ để cầu học ngũ minh.

E2. Thành tựu công đức của trí tuệ

Thiện nam tử! Người trí muốn chứng đắc thập lực, tứ vô sở úy, đại bi, tam niệm xứ, phải thường gần gũi Đức Phật và đệ tử Phật. Trong đời không có Phật pháp, thường theo ngoại đạo xuất gia tu học, tuy theo tà đạo, thường cầu Chánh pháp; thường tu tập từ, bi, hỷ, xả và pháp ngũ thông. Sau khi chứng được ngũ thông, quán sát bất tịnh và sự vô thường; có thể nói rõ tội lỗi của pháp hữu vi. Vì chánh ngữ, dạy chư chúng sinh học tập thanh luận. Có thể làm cho chúng sinh xa lìa bệnh khổ của thân tâm, ưa đem việc đời dạy dỗ kẻ khác; thành tựu sự nghiệp không ai hơn được, chẳng hạn, chú thuật,các loại thuốc thang, khéo làm ra tiền của, có được, biết cách giữ gìn, tiêu dùng đúng chỗ, như pháp bố thí. Tuy hiểu biết tất cả, không sinh lòng kiêu mạn, được công đức lớn, vẫn không tự mãn; có thể dạy dỗ chúng sinh: chánh tín, bố thí, trì giới, đa văn, trí tuệ. Biết rõ phương tiện là thiện ác hoặc vô ký, khéo biết nhân duyên học học thứ lớp; biết rõ đạo Bồ đề và sự trang nghiêm Bồ đề; biết rõ căn cơ thượng, trung, hạ của chúng sinh. Biết “ngoại thanh luận”, tâm không đắm nhiễm; biết rõ chúng sinh, tùy căn cơ mà điều phục; biết rõ thế gian hữu tình và vô tình, biết từ đâu đầy đủ sáu Ba la mật.

[Giải]    Thanh luận, còn gọi là thanh minh, tức là ngữ ngôn văn tự học. Xa lìa bệnh khổ của thân tâm, tức là y dược minh. Khéo làm ra tiền của, tức là công xảo minh. Tất cả đều là phương tiện để cầu trí tuệ bát nhã.

E3. Trí tuệ Ba la mật

Thiện nam tử! Có trí tuệ không phải Ba la mật, có Ba la mật không phải trí tuệ, có trí tuệ vừa là Ba la mật, có không phải trí tuệ vừa không phải Ba la mật.

Trí tuệ không phải Ba la mật, chẳng hạn tất cả trí tuệ của thế gian, trí tuệ của Thanh văn, Duyên giác. Ba la mật không phải trí tuệ, không có nghĩa này. Trí tuệ vừa là Ba la mật, tức là tất cả sáu Ba la mật. Không phải trí tuệ không phải Ba la mật, chẳng hạn như sự bố thí, trì giới, tinh tiến của hàng Thanh văn, Duyên giác.

[Giải]    Phàm thành tựu Ba la mật, đều là trí tuệ, do đó không có Ba la mật nào mà không phải là trí tuệ. Đây là điều khác với năm Ba la mật đầu. Từ đây có thể biết rằng sự thành tựu của năm Ba la mật đầu, đều không thể lìa trí tuệ bát nhã.

E4. Tổng kết sự tu tập Lục độ

Thiện nam tử! Nếu có người siêng năng tu tập sáu Ba la mật, thì đó là người cúng dường sáu phương, có thể tăng trưởng tài sản và thọ mạng.

[Giải]    Có thể tăng trưởng tài sản thế gian, tuổi thọ dài lâu, đồng thời, cũng tăng trưởng tài sản công đức, tăng trưởng trí tuệ. Đến chỗ rốt ráo, ắt thành tựu Phật quả, đấng phước tuệ lưỡng túc tôn.

E5. Sự khó khăn của người tại gia

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng, một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu tập trí tuệ thanh tịnh, điều này không khó; Bồ tát tại gia tu tập trí tuệ thanh tịnh, điều này mới khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

[Giải]    Ở đây biện minh Bồ tát tại gia tu tập Bát nhã Ba la mật khó khăn.

A3. Kết thành

Lúc nói pháp ấy, một ngàn vị ưu bà tắc, trưởng giả Thiện Sinh, v.v…, phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Sau khi phát tâm, từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ Đức Phật, và trở về bổn xứ.

[Giải]    Đoạn này thuyết minh sự thành tựu của bổn kinh, tức là được sự lợi ích. Kết thành hiệu quả, tức là một ngàn vị ưu bà tắc đương cơ.

Ở đây, phát Bồ đề tâm là chân thực phát Bồ đề tâm, tức là Sơ trụ Bồ tát. Mười tám phẩm trước là dưỡng thành các vị Bồ tát có thể phát Bồ đề tâm.

Y vào Đại Thừa Khởi Tín Luận mà nói, trước khi chân thực phát Bồ đề tâm, cần phải tu mười ngàn đại kiếp. Sau khi nhập vào bậc Sơ trụ chân thực phát Bồ đề tâm, mới có thể chánh thức tu hành hạnh lục độ của Bồ tát.

Ở đây, một ngàn vị ưu bà tắc đương cơ phát chân thực Bồ đề tâm, tức là nói lên thành quả của bộ kinh này.

Từ phương diện lý mà nói, “từ tòa đứng dậy kính lễ Đức Phật”, tức là trên cầu Đại giác, “và trở về bổn xứ”, tức là dưới độ chúng sinh. Nhẫn đến sau khi thành Phật, vẫn chỉ là tu hành Bồ tát hạnh mà thôi. Bồ tát hạnh độ tất cả chúng sinh này, vì hư không vô tận nên thế giới vô tận, thế giới vô tận nên chúng sinh vô tận, chúng sinh vô tận nên hạnh Bồ tát độ chúng sinh cũng là vô tận!