Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VII. ĐẠI GIÁO DUYÊN KHỞI ĐỆ TAM
(TT)

KINH VĂN:

A Nan! Đương tri Như Lai Chánh Giác kỳ trí nan lượng, vô hữu chướng ngại, năng ư niệm khoảnh, trụ vô lượng ức kiếp, thân cập chư căn, vô hữu tăng giảm. Sở dĩ giả hà? Như Lai Định Tuệ, cứu sướng vô cực, ư nhất thiết pháp, nhi đắc tối thắng tư tại cố. A Nan đế thính, thiện tư niệm chi, ngô đương vị nhữ, phân biệt giải thuyết.

VIỆT DỊCH:

A Nan nên biết: Chánh Giác của Như Lai là trí khó lường, chẳng có chướng ngại, có thể trong một niệm trụ vô lượng ức kiếp, thân và các căn chẳng bị tăng, giảm. Vì cớ sao thế? Định Tuệ của Như Lai đã trọn vẹn cùng tột đến vô cực, do với hết thảy pháp đều được tự tại tối thắng. A Nan nghe kỹ, khéo nghĩ nhớ lấy ta sẽ vì ông phân biệt giải nói.

GIẢNG:

“A Nan! Đương tri Như Lai Chánh Giác, kỳ trí nan lượng, vô hữu chướng ngại” (A Nan! Nên biết Chánh Giác của Như Lai là trí khó lường, chẳng có chướng ngại). Bốn câu này là “Bát Nhã Đức” trong Tam Đức. Đức Thích Ca Mâu Ni vì chúng ta chế định giới luật, cấm kỵ chúng ta chớ tự khen mình, chê người mà phải khiêm tốn; vì sao chỗ này, Phật hình như chính mình lại tự khen mình? – Đây là Phật từ bi đến tột đỉnh! Thực tế là bất đắc dĩ, lo cho bạn không tin tưởng, Phật đành phải tán thán mình vài câu, hy vọng bạn hiểu rõ mà sinh khởi tín tâm kiên định đối với Phật. Có sinh khởi tín tâm bạn mới có thể được lợi ích chân thật. Nếu tín tâm đối với Phật không đủ, đại pháp có tốt thế mấy cũng sẽ lỡ qua ngay trước mặt! Đó mới là thật đáng tiếc!

Kinh Hoa Nghiêm nói:“Tín là chiếc nôi của mọi công đức”, câu này rất quan trọng! Hơn nữa, tín tâm cũng là căn nguyên để thành Phật đạo. Trí tuệ Như Lai “Vô sở bất tri, vô sở bất năng”, là trí tuệ viên mãn cứu cánh nên nói khó lường. Hai chữ “nan lượng” (khó lường) này rất sâu. Công năng của thức thứ sáu trong tám thức rất lớn: Đối với bên ngoài là “Pháp tướng” nó có thể duyên đến hư không pháp giới; đối với bên trong, có thể duyên đến A-lại-da, nhưng không duyên đến được tự tánh.

Chúng ta biết, khoa học hiện nay phát triễn về cả hai phương diện: Phương diện lớn là “thế giới vĩ quan” nghiên cứu về đại vũ trụ hư không vật lý, “thế giới vi quan”là nghiên cứu từ chỗ nhỏ nhất là lượng tử lực học, khảo sát nguyên tử, điện tử, hạt căn bản v.v… Trên thực tế, sự nghiên cứu và phát triễn của họ về “thế giới vĩ quan”và “thế giới vi quan” đã đến tận cùng, không thể nào phát triễn thêm được nữa. Về “vũ trụ vĩ quan”, họ nói chỉ thấy được mười phần trăm của toàn thể vũ trụ, còn chín mươi phần trăm của vũ trụ thì hoàn toàn không thấy! Về thế giới vi quan họ khảo sát đến nguyên tử, điện tử, lượng tử. Trong kinh Phật nói là “cực vi chi vi” (vi tế trong cực kỳ vi tế) cũng có thể liên quan đến lượng tử.

Nhưng trong lượng tử có thế giới, điều này khoa học chưa phát hiện. Trong vi trần có thế giới, trong thế giới còn có vi trần, trong vi trần lại có thế giới, trùng trùng vô tận. Nó nhỏ đến không có bên trong! Việc này khoa học càng chưa thể phát hiện được! Họ chỉ biết, biến pháp giới hư không giới, bất luận là hiện tượng vật chất hay hiện tượng tinh thần đều do tiểu quang tử biến hiện ra. Họ còn nói thế giới này chỉ có ba thứ: Năng lượng, tin tức và vật chất. Trong khi đó đức Phật nói về “Tam tế tướng” của A-lại-da gồm:

– “Nghiệp tướng” của A-lại-da (khoa học gọi là năng lượng).

– “Chuyển tướng” của A-lại-da (khoa học gọi là tin tức).

– “Cảnh giới tướng” của A-lại-da (khoa học gọi là vật chất).

“Tam tế tướng” của A-lại-da mà Đức Phật đã nói từ ba ngàn năm về trước, ba ngàn năm sau các nhà khoa học mới phát hiện được, cũng rất đáng nể. Hiểu được điều này mới thật sự tin phục trí tuệ của Như Lai là từ tự tánh vốn có, phát hiện từ trong Định.

Chữ “Chánh Giác” ở đây là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, là giác trí chân chánh, chứng ngộ hết thảy các pháp, là chân trí của Như Lai, nên thành Phật gọi là thành Chánh Giác.

Tịnh Ảnh Sớ viết: “Như lai Chánh Giác gọi chung là Phật trí”. Trí ấy rất sâu không thể nghĩ bàn nên bảo là “nan lượng”(khó suy lường) chỉ có Phật với Phật mới hiểu được tường tận, “Duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh”, ngay đến Bồ Tát Đẳng Giác cũng không cách nào hoàn toàn hiểu được. Chữ Như Lai ở đây bao gồm tất cả mười phương chư Phật, không riêng gì đức Thích Ca Mâu Ni Phật.

Gia Tường Sớ viết: “Nói ‘trí Chánh Giác của Như Lai khó lường’ là ý nói: Chân trí mầu nhiệm đến cùng tuyệt, chiếu soi tột cùng pháp giới, chẳng phải là điều kẻ hạ căn, phàm tình hòng biết được nổi”.

– Vậy ai có thể cảm nhận được?

– Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát trở lên mới cảm nhận được. Tuy tập khí vô thỉ vô minh của họ chưa đoạn nhưng nó ảnh hưởng không lớn! Đối với cảnh giới sáu trần, họ không còn khởi tâm động niệm, họ siêu việt mười pháp giới. Phật trong mười pháp giới thì không được! Bởi họ vẫn còn khởi tâm động niệm, vẫn còn dùng A-lại-da không phải dùng tự tánh, tự tánh mới là chân tâm. Từ Viên giáo Sơ Trụ Bồ Tát trở lên mới chuyển A-lại-da thành Đại Viên Cảnh Trí, tức là đã chuyển “Thức” thành “Trí”. Họ đã tỉnh giấc mộng trong “Thập pháp giới”, “Thập pháp giới” không còn thì trí-tuệ chân thật tuyệt diệu mới hiển bày, chiếu soi cùng tận pháp giới.

Sách Bình Giải viết: “Như lai Chánh Giác là nương vào Nhất Như của Phật Di Đà để thành Chánh Giác. Ứng Thân ấy chính là bổn địa thân. Trí ấy khó lường … Niệm Phật tam-muội là sở trụ (chỗ để an trụ, pháp để an trụ), do trụ vào đấy bèn phát sinh được diệu trí thù thắng”.

“Nương vào Di Đà Nhất Như” là nương vào A Di Đà Phật gia trì mà đến thị hiện. Đây cũng lộ ra một chút tin tức: Pháp Thân Đại Sĩ từ thế giới Cực Lạc đến thị hiện giúp tất cả chúng sinh khổ nạn; bất luận họ hiện thân gì đều là “thừa Di Đà Nhất Như” tức là nương theo sức oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì mà đến. Cho nên, trí-tuệ đức năng của họ đều không khác với Phật A Di Đà. Đức Thích Ca Mậu Phật cũng có thể là “thừa Di Đà Nhất Như”, mà “lai thành Chánh Giác”.

Trí tuệ của Ứng Thân Như Lai không khác gì với Pháp Thân và Báo Thân; trí tuệ này rất khó lường. “Niệm Phật tam-muội là sở trụ”, do trụ trong tam-muội này mà phát trí tuệ thắng diệu. “Thắng” là thù thắng; “diệu” là vi diệu. Do thắng diệu chân trí chiếu soi Chân Như, lại có thể thông đạt tất cả các pháp không có trở ngại nên gọi là “vô hữu chướng ngại”. Chân Như là “Thật Trí”; thông đạt tất cả pháp là “Quyền Trí”. Cả hai loại trí-tuệ này trong tự tánh đều vốn đủ, không phải từ ngoài vào. Cho nên, Phật giáo Đại thừa thường nói:“Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”.

“Năng ư niệm khoảnh, trụ vô lượng ức kiếp” (Có thể trong một niệm trụ vô lượng ức kiếp): Chữ “niệm khoảnh” chỉ thời gian rất ngắn. Bản dịch Kinh Hoa Nghiêm đời Tấn có câu: “Tri vô lượng kiếp thị nhất niệm, tri nhất niệm tức thị vô lượng kiếp” (Biết vô lượng kiếp là một niệm, biết một niệm chính là vô lượng kiếp). Theo cụ

Hoàng Niệm Tổ: “Sự kéo dài hay rút ngắn đồng thời nói trên giống với kinh này. Điều này đủ chứng minh Kinh Vô Lượng Thọ chẳng khác gì Kinh Hoa Nghiêm. Thích Tôn là Tỳ Lô, Ứng Thân Giáo Chủ nơi thế giới này của chúng ta cũng chính là Pháp Thân Vô Lượng Thọ Phật. Thích Ca và Tỳ Lô, Di Đà chẳng một, chẳng khác!

“Năng ư niệm khoảnh, trụ vô lượng ức kiếp” là nêu ra thí dụ. Cổ đức nói: Cảnh giới này là “sự sự vô ngại” diễn biến đồng thời, đó là đột phá được hiện tượng thời gian. Đây là chân tướng sự thật! Sự việc này thật không dễ hiểu!

– Làm sao có thể đem thời gian rút ngắn được?

– Kỳ thật, việc này cũng không khó thể hội. Ví như một người nằm mộng, trong Bút Ký nói về “giấc mộng hoàng lương”, thời gian người đó nằm mộng rất ngắn. Trong mộng thấy mình đã trải qua mấy mươi năm. Khi tỉnh dậy, hoàng lương vẫn chưa nấu chín (hoàng lương là một loại gạo tiểu mễ, đem tiểu mễ nấu cơm). Đây há chẳng phải là thu gọn mấy mươi năm trong vài mươi phút đó sao?

Cho nên con người có thể trở về với quá khứ cũng có thể sớm đi vào tương lại. Hiện nay, trong tiểu thuyết khoa học giả tưởng nói về “Đường hầm của thời gian và ánh sáng”. Đây là biểu tượng nói lên tất cả pháp từ tâm tưởng sinh. Người này khi tưởng về tương lai thì tương lai cũng có thể biến thành sự thật. Cho nên, bản năng tự tánh của chúng sinh siêu việt thời gian lẫn không gian.

Nếu đột phá được hiện tượng thời gian, hiện tượng không gian đó chính là “vô lượng thọ” mà thế giới Tây Phương Cực Lạc đã nói. Không những chỉ tuổi thọ vô lượng mà thứ nào cũng đều vô lượng: Trí tuệ vô lượng, đức năng vô lượng, thị hiện vô lượng, nói pháp vô lượng v.v…. Hiện tại mọi người ưa thích của cải, vàng bạc; vàng bạc, của cải ở thế giới cực lạc cũng vô lượng! Muốn có tất cả vô lượng viên mãn, bạn phải nỗ lực tu học pháp môn này, nhất định sẽ có thể thành tựu; pháp môn khác thì chưa chắc, vì cái bạn đạt được chỉ là có hạn!

“Năng ư niệm khoảnh trụ vô lượng ức kiếp”: Sự diễn biến đồng thời này hiện tại khoa học gọi là siêu việt “Thời Không” (tức là siêu việt cả thời gian lẫn không gian). Siêu việt“Thời Không”, con người có thể tùy tiện quay về quá khứ hoặc bước đến tương lai. Quá khứ, hiện tại, tương lai sẽ không có; muốn nghe Phật Di Đà giảng kinh nói pháp, hiện trường của thế giới Cực Lạc ra sao? Lập tức liền hiển hiện ngay trước mặt,“thập vạn ức cõi Phật” xem như chẳng cách một tơ hào đoạn.

– Làm thế nào mới có thể siêu việt?

– Lìa tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì siêu việt! Có phân biệt, chấp trước mới có thời gian và không gian. Khi “minh tâm kiến tánh” thì không gian và thời gian không còn nữa, họ đã đột phá được “Thời không”.

Ngày nay, chúng ta không cách nào siêu việt “Thời Không”, do trùng trùng chướng ngại của không gian và thời gian chi phối, lại không thể buông bỏ được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên không được tự tại. Tường tận hiểu rõ, phải mau buông xuống thì Niệm Phật mới được tương ưng. “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”, mỗi danh hiệu Phật đều tương ưng với tâm tánh của bạn, tương ưng với Phật A Di Đà, tương ưng với mười phương Như Lai, cảnh giới liền sẽ hiện tiền, sự việc này đáng để chúng ta tỉ mỉ mà suy xét.

Các nhà khoa học hiện đại vẫn dùng tâm ý thức phân biệt mà nghiên cứu vũ trụ nên khám phá của họ chỉ phát hiện được mười phần trăm của vũ trụ, còn chín mươi phần trăm của vũ trụ thì hoàn toàn không thấy!

– Vậy chín mươi phần trăm của vũ trụ này ở đâu?

– Trong kinh Phật nói: Đã trở về tự tánh! Đẳng Giác vừa đạt đến Diệu Giác liền đi vào“Thường Tịch Quang”; vào Thường Tịch Quang thì không thể nào nhìn thấy. Vì Thường Tịch Quang không phải là hiện tượng tinh thần, cũng không phải là hiện tượng vật chất nên không thể nào truy cứu được nó. Đây giống như một đại tuần hoàn. Ý này rất sâu sắc! Trên thực tế chúng ta vẫn chưa thể thấu triệt!

Trong phẩm “Thọ lượng” trên kinh Tối Thắng Vương có bài kệ: “Nhược nhân trụ ức kiếp, tận lực thường toán số, diệc phục bất năng tri, Thế Tôn chi thọ lượng” (Nếu ai trụ ức kiếp, tận lực thường tính toán, cũng chẳng biết được nổi thọ lượng của Thế Tôn). Nay kinh này dạy trong khoảng một niệm trụ vô lượng kiếp thì đây chính là môn “Thập thế cách pháp dị thành môn” trong mười huyền môn “sự sự vô ngại” pháp giới của Kinh Hoa Nghiêm. Nên nhớ: “Hoa Nghiêm” có “thập huyền”, Kinh Vô Lượng Thọ cũng có “thập huyền” nên cùng với Kinh Hoa Nghiêm là đồng một bộ, trong những kinh khác không có “thập huyền”.

“Thân cập chư căn, vô hữu tăng giảm” (Thân và các căn chẳng có tăng giảm): Biểu trưng thân Phật thù diệu chẳng thể nghĩ bàn (thù là thù thắng, diệu là vi diệu). Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Vô hữu tăng giảm’ đồng nghĩa với “bất sinh bất diệt”. Siêu việt thời gian, không gian thì vô hữu lai khứ, bất lai bất khứ. Đây là bản năng của tánh đức, cũng là trên sự mà nói: Phật đã chứng đắc nên sự thị hiện của ngài rất tự tại, không có chướng ngại.

“Thân cập chư căn”: “Thân” là thân thể, “chư căn” là sáu căn. Thân và các căn không tăng không giảm, đó cũng chính là vô lượng thọ. Chúng ta đã đọc qua kinh này, người của thế giới Tây Phương Cực Lạc không có già yếu, chúng ta có già yếu. Già yếu chính là có tăng, có giảm, có biến hóa. Căn thân chúng ta mỗi năm không như nhau, năm sau già hơn năm trước, già đi rất nhanh.

Con người thế gian đích thật là “say sống mộng chết” mơ mơ hồ hồ mà trải qua ngày tháng! Thời gian qua nhanh, cơ hội này nếu không nắm bắt thì phải làm sao?! – Phải mau nắm lấy! Bạn không nắm lấy, qua vài ngày thì bạn đã già, thể lực đều suy, có muốn làm cũng không thể làm được ! Cơ hội qua đi thì duyên bị cắt đứt, muốn tạo một ít phước cũng không có cơ hội! Loại người này thật đáng thương!

“Thân cập chư căn, vô hữu tăng giảm” còn có một thâm nghĩa áo mật: “Thân” Pháp thân. Pháp thân là một hiện tượng, hiện tượng này chúng ta không cách gì lý giải được, nhưng nó thật sự tồn tại. Pháp Thân không phải là tinh thần cũng không phải là vật chất. Tiến Sĩ Giang Bổn Thắng dùng nước làm thí nghiệm.

– Nước có thân hay không?

– Có thể nói: Phân tử nước chính là thân của nó. Nước không có mắt nhưng biết nhìn; không có tai nhưng nghe được, thậm chí cũng hiểu ý nghĩa của con người. Nói cách khác, tuy nước không có hình tướng, nhưng tác dụng sáu căn nó vẫn có. Cùng một đạo lý như vậy, chúng ta hiểu được: Một hạt bụi cũng có thể xem, nghe, hiểu biết ý nghĩ của con người. Cho đến trạng thái nguyên tử, lượng tử v.v… mắt chúng ta không thể nhìn thấy nhưng tác dụng lục căn của nó vẫn là viên mãn. Nếu hỏi:

– Quỉ có thân thể không?

– Không có thân thể vật chất, cũng chính là không có mắt, tai, mũi, lưỡi. Họ giống như cơn gió, có tụ có tán. Trong các lễ tiết đốt pháo trúc; pháo trúc này sẽ làm họ nổ tung, vừa nổ thì họ phân tán, cũng có cảm giác rất đau khổ. Nhưng, sau khi qua rồi, họ dần dần tụ lại với nhau. Họ có “kiến, văn, giác, tri”, có thể nhìn, có thể nghe và hiểu được ý nghĩ của con người. Nhưng, chúng ta thì không thấy họ.

“Thân cập chư căn, vô hữu tăng giảm” (thân và các căn chẳng có tăng giảm) ý nói: Phật thân tốt đẹp phi thường. Do ngài trụ vào bổn địa Pháp Thân mà thị hiện Ứng Thân nên đầy đủ đức của viên mãn Báo Thân. Thế nên chư Phật, Bồ Tát ứng hóa trong lục đạo, trong mười pháp giới, thân thật của họ là Pháp Thân, Báo Thân. Pháp Thân là thể, Báo thân là tướng cũng khởi tác dụng. Ở cõi Thật Báo, “Ứng hóa thân” gọi là “Phân thân”. Tuy ứng hóa ở thế gian nhưng thân họ ở cõi Thật Báo, vẫn ở trước Phật nghe kinh, cúng dường, tu phước tu tuệ không gián đoạn.

– Ứng hóa là gì?

– Giống như “phân thân”, đồng thời có thể phân trăm, ngàn, vạn ức thân. Đây là “Xuất sanh vô tận”, một trong ba loại chu biến mà trong “Hoàn Nguyên Quán” nói. Nơi nào chúng sinh có cảm, nơi đó lập tức liền có ứng, Không phải là từ đâu đến mà ngay nơi hiện tiền.

Bởi Pháp Thân có khắp cả mọi nơi, nên cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn! Người thật sự giác ngộ, biết được đạo lý này, thấu đáo được chân tướng sự thật, họ khởi tâm động niệm đều rất cẩn trọng. Vì sao? Vì vô lượng vô biên, vô số, vô tận người đều đang nhìn bạn. Bạn làm sao có thể dấu được chư Phật, Bồ Tát, trời đất quỉ thần, muôn sự muôn vật, ngay đến hạt bụi, hạt cát, một đầu sợi lông đều có “kiến, văn, giác, tri”, có “thọ, tưởng, hành, thức”.

Lúc mê gọi là “thọ, tưởng, hành, thức”, lúc ngộ gọi là “kiến, văn, giác, tri”, đây là khởi tác dụng của Pháp tánh. Lúc chưa khởi tác dụng dường như không có gì cả, cũng không thể nói nó không có. Khi khởi tác dụng thì thứ gì cũng có, cũng không thể nói nó là có.

Sum la vạn tượng là huyễn tướng, bao gồm cả cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Cõi Thật Báo Trang Nghiêm là do Pháp Tánh sở sanh, sở hiện, nó bất biến nên gọi là “Nhất Chân Pháp giới”. Ngoài cõi Thật Báo; mười pháp giới y chánh trang nghiêm đều vĩnh viễn không ngừng khởi biến hóa, đây là “xuất sanh vô tận”.

– Thứ gì đang chủ tể tất cả pháp?

– Phật nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”, tâm tưởng chủ tể tất cả pháp. Cho nên, ý niệm rất quan trọng! Bạn ngày ngày niệm A Di Đà Phật thì ở cảnh giới Tây Phương Cực Lạc, cảnh giới A Di Đà Phật bổn địa phóng quang, vậy chẳng phải quá tốt rồi sao?

– Chúng ta niệm Phật vì sao cảnh giới không hiện tiền?

– Vì không biết niệm! Trong câu danh hiệu Phật của bạn có xen tạp, có hoài nghi, có tạp niệm, hơn nữa thường thường gián đoạn, cho nên bạn cảm thấy không có lợi ích! Nói cách khác, danh hiệu Phật của bạn và tâm của Phật A Di Đà không liên kết với nhau!

Cổ nhân nói: Nếu con thật sự nhớ mẹ, mẹ cũng thật sự nhớ con. Lúc họ nhớ nhau liền có cảm ứng. Chúng ta và Phật A Di Đà phải giống như liên hệ mẹ con thì mới được. Cổ Đức nói: “Nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Cho nên, trên hình thức không phải rất quan trọng mà thực chất mới quan trọng. Phải xem thế giới Cực Lạc là nhà xưa của mình, xem Phật A Di Đà là cha mẹ mình.

Chúng ta xa rời nhà xưa, lạc mất phương hướng, đến đây làm việc luân hồi lục đạo. Hiện tại nghe được giáo huấn của đức Thích Ca Mâu Ni Phật, mới rõ ràng tường tận. Sau khi hiểu rõ, phải nhanh chóng nhận tổ qui tông, việc này rất quan trọng! Nhất định không nên đem việc sinh tử để vào tâm. Niệm niệm đều phải tương ưng với Phật A Di Đà. Ta ở đây phát ra sóng niệm Phật, sẵn sàng chờ đợi, nghe theo sự sắp đặt của Phật A Di Đà, bao giờ ngài đến đón, ta sẽ đi theo ngài. Phật chưa đến, nhất định ta còn một số công việc chưa hoàn thành cần ở lại:

– Một là ở thế gian này tiếp tục tu hành, nâng cao cảnh giới của chính mình, vẫn thù thắng hơn ở thế giới Cực Lạc. Đây là điều trong kinh Phật nói: “Ở Thế giới Ta Bà thật sự tu hành một ngày bằng ở thế giới Cực Lạc tu một trăm năm”. Vì sao? Vì ở thế giới Cực Lạc không có sự cám dỗ. Nơi đây, sức cám dỗ quá nhiều! Nếu không bị cảnh giới bên ngoài mê hoặc thì bản thân ta tuy chưa đại triệt đại ngộ nhưng thanh tịnh, bình đẳng đã đạt được rồi.

– Hai là tiếp tục giúp chúng sinh khổ nạn. Thế giới này, người có duyên với Phật A Di Đà không ít. Chúng ta phải làm tấm gương tốt để tiếp dẫn họ, giúp họ nhận biết được Phật A Di Đà, nhận biết thế giới Tây Phương Cực Lạc. Khi nhận biết rồi, họ cũng có thể phát nguyện, cũng có thể thật làm. “Chánh pháp cửu trụ, tục Phật tuệ mạng” rất cần chúng ta nghiêm túc thực hành, đây không phải khẩu hiệu mà phải làm cho được.

Trong “Hoàn Nguyên Quán” có nêu ra bốn đức phải làm cho được, ấy là “Tùy duyên diệu dụng, oai nghi hữu tắc, nhu hòa chất trực, đại chúng sinh khổ”.

Ngày nay, Phật pháp suy thoái, xã hội đại chúng không tin tưởng là do tự thân chúng ta chưa làm được, nên xã hội đại chúng chưa nhìn thấy Chánh pháp thật sự, đạo lý là ở đây.

Chúng ta do mê thất tự tánh quá lâu nên “trí-tuệ, đức năng, tướng hảo” vốn có của chính mình đã biến thành “vọng tưởng, tạo nghiệp, tướng luân hồi lục đạo”! Từ thế giới Cực Lạc biến thành lục đạo; từ Báo Thân có vô lượng tướng hảo, vô lượng vẻ đẹp thành tướng địa ngục; ngạ quỉ, súc sinh, A-tu-la v.v… đều là tự làm tự chịu, tự mình gây ra, chẳng do nơi người khác! Ý niệm vừa chuyển thì người khác đều là Phật, Bồ Tát, đều đại từ bi thị hiện đến để độ ta, khiến ta giác ngộ; thấy được mỗi chúng sinh đều trụ trong bổn địa Pháp thân. Đây là bạn đã nhập vào được thế giới của Thiện Tài Đồng tử. Cảnh giới của Thiện Tài rất đơn giản: “Phàm phu chỉ có mình ta, ngoài ta ra đều là Phật, Bồ Tát” nên ngài một đời thành Phật.

Tóm lại, nếu chúng ta niệm Phật vãng sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, bốn câu“năng ư niệm khoảnh, trụ vô lượng ức kiếp, thân cập chư căn, vô hữu tăng giảm” (Có thể trong một niệm trụ vô lượng ức kiếp, thân và các căn chẳng bị tăng giảm) chúng ta đều có phần. A Di Đà Phật như vậy, thế giới Tây Phương Cực Lạc mỗi một nguời vãng sinh cũng đều như vậy. Rất không thể nghĩ bàn!

“Sở dĩ giả hà? Như Lai Định Tuệ, cứu sướng vô cực” (Vì cớ sao thế? Định Tuệ của Như Lai đã trọn vẹn cùng tột đến vô cực). Đây cũng là “Báo Thân Đức”. “Như Lai Định Tuệ” là tự tánh Định Tuệ. “Định” là Thiền định, “Tuệ” là trí tuệ. “Giới-Định-Tuệ” gọi là “Tam vô lậu học”. Trong tất cả pháp thế, xuất thế gian đều phải giữ qui củ, giữ pháp tắc đó chính là “Giới”. “Cứu” là cứu cánh, rốt ráo cùng tột.

“Sướng” là thông suốt, hanh thông không chướng ngại. Ý của câu “Như Lai Định Tuệ cứu sướng vô cực” là chỉ cho thiền định, trí tuệ của Phật đã thông suốt trọn vẹn đến cùng cực, chẳng phải là điều mà hết thảy các Đại Sĩ còn ở địa vị tu nhân (chỉ cho Thập Tín Bồ Tát) có thể đạt đến nổi.

Từ Sơ Tín đến Lục Tín vẫn chưa rời khỏi lục đạo, “Thất Tín” mới xa rời lục đạo. “Thất Tín” ngang bằng với A-la-hán. “Lục Tín” là Tam Quả thánh nhân chưa siêu việt lục đạo. “Bát Tín” là Bích Chi Phật. “Cửu Tín” là Bồ Tát. “Thập Tín” là Phật trong mười pháp giới, chưa ra khỏi mười pháp giới; nếu đoạn được khởi tâm động niệm, họ liền chứng Sơ Trụ nhập vào cõi Thật Báo mới siêu việt mười pháp giới.

Kinh Hoa Nghiêm nói: Từ Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa đến Đẳng Giác có bốn mươi mốt vị thứ gọi là Pháp Thân Đại Sĩ. Những ngôi vị này đã chứng được quả vị “Phần chứng tức Phật” trong “lục tức Phật” như Đại Sư Thiên Thai nói. Từ Bồ Tát Viên Giáo Sơ Trụ trở lên, giống như trăng non lưỡi liềm, đó là ánh sáng thật của trăng không phải giả. Thế nhưng, ánh trăng của ngày mười lăm tròn đầy viên mãn, mới là quả vị cứu cánh cao tột. Do vậy mà bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ cũng có năng lực thị hiện tám tướng thành đạo, đủ mười đức hiệu Như Lai. Nhưng, chỉ có Như Lai Phật quả cứu cánh mới là quả vị viên mãn.

Nên biết: Người thấy tánh (kiến tánh), Định-Tuệ của họ tuyệt đối không giống như Nhị thừa hay Bồ Tát trong mười pháp giới. Bồ Tát trong mười pháp giới chưa kiến tánh; Phật trong mười pháp giới cũng chưa kiến tánh, chỉ tương đương với Bồ Tát Viên Giáo Thất Tín. Nhưng trí tuệ, đức tướng của Bồ Tát Thất Tín vị cao hơn họ rất nhiều. Do đây có thể biết: Phật trong Tạng giáo chỉ có thể đến Bồ Tát Cửu Tín, Thập Tín vị, vẫn chưa đến Sơ Trụ, cũng chính là nói “vô minh” của họ chưa phá. Bồ Tát Sơ Trụ đã phá được một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân nên được đại tự tại. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát trong Pháp giới Bốn Thánh chỉ được tự tại nhỏ.

“Cứu sướng vô cực” là từ trên quả vị mà nói; “quả vị” ở đây là thành Phật, cũng chính là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. “Cứu sướng” chính là vô ngại. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói “Pháp giới tứ vô ngại” là: Lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại và sự sự vô ngại. Hai chữ “vô cực” này rất quan trọng, cho thấy chữ “Như Lai” phía trước không phải là Như Lai thông thường mà là Như Lai cứu cánh viên mãn; Pháp Thân Đại Sĩ đối với câu này vẫn chưa làm được. “Ư nhất thiết pháp nhi đắc tối thắng tự tại cố” là “Giải Thoát Đức”. “Tự tại” ở đây chính là “Chân Ngã”, là chủ tể, là “Ngã” trong tứ Tịnh Đức: “Thường-Lạc-Ngã-Tịnh”.

– “Chân Ngã” đến lúc nào mới chứng được?

– Trong Viên giáo là Sơ Trụ Bồ Tát, trong Biệt giáo là Sơ Địa Bồ Tát mới chứng được.

Trong lục đạo, thập pháp giới nói “Ngã”, đó chỉ là “giả Ngã” không phải thật. Khi đạt đến “Chân Ngã” mới vào được cõi Thật Báo, vĩnh viễn thoát ly thập pháp giới. “Thường” là “Đức Niết Bàn”, là bất sinh bất diệt. Huệ Năng Đại Sư nói: “Nào ngờ tự tánh vốn không sinh diệt”, đó là “Thường”. “Lạc” là vĩnh viễn xa lìa tất cả mọi khổ não từ vật chất cho đến tinh thần, “Ngã” là tự tại tối thắng, tự tại chủ tể, “Tịnh” là tự tánh vốn là thanh tịnh. Huệ Năng Đại Sư nói: “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”.

Hiện tại, tu hành quan trọng nhất là phải bắt tay từ trì giới. Không trì giới mà niệm Phật, công phu sẽ không đắc lực. Không trì giới mà học kinh giáo, cái học đó là “Phật học”, không phải trí tuệ! Ngày nay, chúng ta phải thật làm, không thể làm giả. Giới luật như tấm vé tàu hỏa. Tấm vé này phải giữ đến cuối cùng không được vứt bỏ, sẵn sàng cho bất cứ lúc nào họ muốn kiểm tra vé cũng đều có. Lúc đến tận nơi, vé này sẽ trả lại họ. Cũng thế, lúc chưa thành Phật, Đẳng Giác Bồ Tát vẫn còn phải trì giới, mãi đến quả vị Diệu Giác, “Giới-Định-Tuệ” Tam Học mới viên mãn, việc này không thể sơ suất được.

Ư nhất thiết pháp nhi đắc tối thắng tự tại cố” (Đối với hết thảy các pháp đều được tự tại tối thắng). Chữ “tối thắng” cùng với ý nghĩa của “cứu sướng vô cực” ở phía trước là như nhau, đều chỉ cho quả vị cứu cánh. Tâm thoát khỏi sự trói buộc của phiền não, thông đạt vô ngại, đó là “tự tại”. Hơn nữa, chẳng toan tính mà đạt được, hết thảy vô ngại nên gọi là “tự tại”. Đối với tất cả pháp đều “tối thắng tự tại”, chính là “sự sự vô ngại”.

Thế gian hiện tại động loạn bất an, người người cảm thấy không an toàn, chân thật là tâm cuồng ý loạn, đau khổ không kể xiết!

Thân này, hoàn cảnh này đều là giả không thật thì có gì phải ưu tư cho lắm! Nơi nơi đều bình an! Bom nguyên tử có nổ trên không trung cũng xem như là đốt pháo bông. Có như vậy mới tự tại bình an không việc gì. Cho nên, tất cả không bình an đều do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà ra.

Kinh Kim Cang nói: “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”, không thứ nào là thật. Thân giả, thế giới giả, ngay đến Phật pháp cũng giả, Phật nói: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Pháp còn phải xả, huống là phi pháp). Chữ “pháp” này là Phật pháp. Chữ “xả” chính là không chấp trước, không phân biệt, không vọng tưởng. Đó là Phật dạy chúng ta phương pháp được tự tại.

Mặt khác, Phật còn dạy chúng ta phải sinh tâm hoan hỉ, đó là chất bổ dưỡng tốt nhất không gì bằng. Khoa học ngày nay điều chế rất nhiều thứ dinh dưỡng, vẫn chưa thể sáng chế được “pháp hỉ dinh dưỡng”! Chỉ trong Phật pháp mới có. Cổ nhân nói: “Người gặp việc vui tinh thần thoải mái”. Trong kinh Phật nói: Người trời Sơ thiền trở lên, không cần ăn uống ngủ nghỉ. Họ đã xả bỏ hết năm dục: Tài, sắc, danh, thực, thùy.

Vậy từ trời Sơ thiền trở lên, dùng thứ gì để nuôi dưỡng thân họ? Thiền duyệt vi thực! “Thiền duyệt” là niềm vui trong Thiền định. Niềm vui này chính là thức ăn dinh dưỡng tốt nhất cho họ. Đời sống nhân gian cũng có thể như vậy, nếu bạn đối với công việc có sinh tâm ưa thích, hứng thú thì được. “Tâm sinh pháp, pháp sinh tâm”: “Tâm sinh pháp” chính là chân tâm. “Pháp sinh tâm” là vọng tâm. Phật, Bồ Tát cùng chúng sinh khác nhau ở chỗ này. Các ngài dùng là chân tâm nên tự tại, an lạc trong tất cả mọi cảnh giới. Chúng sinh dùng là vọng tâm, luôn bị hoàn cảnh mê hoặc, áp chế điên đảo nên không được tự tại.