Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

IV. TÍCH CÔNG LŨY ĐỨC ĐỆ BÁT
(TT)

Chuyên cầu bạch pháp huệ lợi quần sinh” (Chuyên cầu bạch pháp, ban bố cái lợi cho quần sanh). “Bạch pháp” là “Bạch tịnh pháp” (Pháp trắng sạch), chỉ cho hết thảy các pháp lành.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Trong kinh gọi “Bạch pháp” là đối với “Hắc pháp” mà nói. Trong từ ngữ chúng ta gọi là thiện pháp, ác pháp. Người Ấn Độ xưa kia không gọi là thiện, ác mà gọi là hắc, bạch. “Hắc” chính là ác pháp, “bạch” chính là thiện pháp. Ở đây nói “chuyên cầu bạch pháp” chính là “chuyên cầu thiện pháp”. Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Phật nói: “Bồ Tát có một pháp có thể đoạn tất cả khổ của thế gian” (phía trước chúng ta đã nói qua các khổ rồi).

– Đó là phương pháp gì?

– Ngày đêm thường niệm thiện pháp, đây chính là “cầu bạch pháp”.

– Những gì là thiện pháp?

–  Trên  nghĩa  hẹp  mà  nói:  Đó  là  thập  thiện  nghiệp đạo.

Thường niệm mười nghiệp thiện như: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm v.v… Cách tu này là tiêu cực. Từ tiêu cực chuyển thành tích cực chính là “huệ lợi quần sinh”. “Huệ” là ân huệ, là phụng hiến, là dâng cho. Phải bố thí ân huệ, lợi ích chúng sinh, đem mười thiện thực tiễn ngay trong cuộc sống hàng ngày, thực tiễn trong công việc đối nhân xử thế tiếp vật.

“Quần sinh” là tất cả chúng sinh, không phân biệt cõi nước, không phân biệt tộc loại, bao gồm: hữu tình, vô tình, động vật, thực vật. Đối với những động vật nhỏ, không những không sát hại, chúng ta còn thực tiễn yêu thương chúng, có thể cùng chúng hòa thuận cùng sống, đối đãi bình đẳng, thế giới này mới có thể hòa bình, xã hội mới an định phồn vinh, con người mới có thể hạnh phúc. Chúng ta chân thật giác ngộ, chân thật hồi đầu, sẽ không còn tổn hại sinh vật, biết được tổn hại chúng sinh là tổn hại chính mình; yêu thương chúng sinh là yêu thương chính mình. Tự, tha là một không phải hai. Thiện pháp đến chỗ cứu cánh chính là Trì Danh Niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ. Chúng ta phải thật làm, phải thật tu thì khuyên người khác mới có hiệu quả.

Sách Tịnh Ảnh Sớ giảng: “ Ý nói pháp ấy xa lìa tà kiến, phỉ báng nên bảo là thanh bạch”.

Gia Tường Sớ lại giảng: “Là vô lậu minh nên gọi là thanh bạch”. “Vô lậu minh” là trí tuệ chân thật, “lậu” là đại danh từ của phiền não; “vô lậu” là không có phiền não ( kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não).

Sách Hội Sớ giảng: “Pháp Đại thừa là pháp thanh bạch”. “Huệ” là thí cho. Như vậy “chuyên cầu bạch pháp, huệ lợi quần sanh” có nghĩa là chuyên cầu pháp vô lậu Đại thừa thanh tịnh để thí cho khắp các hữu tình, nhằm lợi lạc quần sinh. Kinh Vô Lượng Thọ là Đại thừa trong Đại thừa có thể giúp chúng ta trong một đời này chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề, chúng ta phải chuyên cầu. Kế đến phải toàn tâm toàn lực “huệ lợi quần sinh”, cung cung kính kính hành Bố thí Ba-la-mật. Chữ “huệ” ở đây, theo Hòa Thượng Tịnh Không còn bao hàm ý nghĩa cung kính, chân thành, không có ý niệm nào vì tự tư tự lợi!

Chí nguyện vô quyện” (Chí nguyện không mõi mệt) là tinh tấn bất thoái. Bố thí hữu tình, làm lợi ích chúng sinh, thù thắng không gì bằng “Chí nguyện vô quyện”. “Quyện” là mệt mõi, chán nãn, “vô quyện” là chân tinh tấn. Thế gian thông thường khi mới phát tâm, cái nguyện của họ dường như rất kiên định. Thực tế mà nói, không vượt khỏi khảo nghiệm của thời gian! Người xưa có câu: Học Phật năm đầu, Phật ở trước mặt, rất thành tâm! Học Phật hai năm, Phật ở chân trời! Cự ly cách xa rồi! Học Phật ba năm, Phật hóa mây khói, không còn nữa! Đây là nói rõ tâm bạn phát ra là đạo tâm sương sớm, làm sao có thể thành tựu?! Không thành tựu thì thôi vậy! Thế nhưng bạn không biết được di chứng về sau rất phiền phức, việc này rất ít người nghĩ đến!

– Di chứng về sau là gì?

– Khiến cho xã hội đại chúng nhìn thấy việc làm của bạn mà sinh tâm khinh mạn hủy báng đối với Phật pháp, tạo thành khẩu nghiệp rất là nghiêm trọng!

– Chúng ta có trách nhiệm hay không?

– Không thể nói không có trách nhiệm! Phật pháp, xuất gia không dễ đùa! Việc này nhất định phải biết! Làm không đúng pháp chính là phá hòa hợp tăng! Tuy không phá hòa hợp tăng nhưng bạn làm không như pháp! Người xưa nói: “Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều!” Lời nói này không phải không có nguyên nhân.

Cho nên, chí nguyện nhất định phải kiên định không thể nào mệt mõi, chán nãn. Mỗi nguyện trong mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Đại Sĩ trong Kinh Hoa Nghiêm luôn được kết thúc như sau: Hư không giới hết, chúng sinh giới hết, chúng sinh nghiệp hết, phiền não của chúng sinh cùng tận, thì sự lễ kính (cho đến hồi hướng) của tôi mới hết, nhưng cõi hư không cho đến phiền não chẳng cùng tận nên sự lễ kính (cho đến hồi hướng) của tôi cũng chẳng cùng tận, “niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp, vô hữu bì yếm” (niệm niệm tiếp nối không hề gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp chẳng có nhọc mõi). Đây chính là ý nghĩa của câu “chí nguyện vô quyện”, cũng hiển thị ra tâm hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát” bất luận là tự hành hay hóa tha đều không mệt, không chán. Đại thừa Bồ Tát không tu hạnh Phổ Hiền thì không thể thành Phật Đạo.

– Phổ Hiền nghĩa là gì?

– Chính là phía trước đã nói: “Chuyên cầu bạch pháp, huệ lợi quần sinh”. Đây chính là đại căn đại bổn của Phổ Hiền thập nguyện.

Nhìn lại chúng ta, thoái duyên quá nhiều! Chúng ta không có sức Định, không có năng lực khuất phục hoàn cảnh. Nói cách khác, chúng ta chưa làm được nhìn thấu, buông xả. Tuy ngày ngày cũng dụng công nỗ lực, nhưng khó được tiến triễn. Nếu có thể nhìn thấu, buông xả, cái tiến bộ đó là một ngày ngàn dặm, không có hạn lượng.

Nhẫn lực thành tựu”: “nhẫn lực” là sức nhẫn nại, nhẫn chịu được hoàn cảnh. Sư Pháp Trụ giảng: “nhẫn có ba thứ: Một là An Khổ Nhẫn tức là chịu đựng được những thứ trái ý trong đời; hai là Tha Bất Nhiêu Ích Nhẫn tức là chịu đựng được những điều người khác gây tổn hại cho mình; ba là Pháp Tư Duy Nhẫn tức là chẳng phân biệt các pháp”.Thành tựu được ba thứ Nhẫn này, nên bảo là “nhẫn lực thành tựu”.

An khổ nhẫn” là nhẫn được những thứ trái ý với sự yêu thích của mình. Nói cách khác, những vấn đề ta không thích đều có thể nhẫn thọ được. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ba y một bát, đêm ngủ dưới gốc cây, đây là “An Khổ Nhẫn”. Ngài thị hiện cho chúng ta thấy con người có thể an bần lạc đạo, xã hội sẽ an định hòa bình. Người có nhẫn nhục thì đối với người không tranh, đối với thế gian không cầu, tâm họ luôn an định sẽ sinh trí tuệ, không sinh phiền não.

Tha Bất Nhiêu Ích Nhẫn”: “Tha” là người khác. Người khác đối với mình “không nhiêu ích”. Nói như hiện nay là người khác đối với mình: Hoặc hủy báng, hoặc sĩ nhục, hoặc hãm hại v.v… Đây đều thuộc về “không nhiêu ích”, vẫn có thể nhẫn. Câu kế tiếp nói rất rõ ràng “chịu đựng những điều người khác gây tổn hại cho mình”.

Chúng ta tu hành, giúp xã hội đại chúng, làm chút việc tốt sẽ gặp nhiều chướng ngại mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Chúng ta dùng tâm ý tốt giúp họ, ngược lại họ hỏi ta: -Sao lại giúp tôi? Anh có ý đồ gì?! Mục đích của anh là gì?. Nếu bạn nói: Tôi không có ý đồ gì, không có mục đích gì. Vậy chẳng phải tâm bạn có vấn đề ư?! Sao lại làm chuyện ngu ngốc như thế?! Đây là vấn đề bao nhiêu năm nay tôi thường gặp, nên tôi rất hiểu.

Pháp Tư Duy Nhẫn” là đối với các pháp không có phân biệt. Những điều trong kinh điển là từ trong tự tánh, trí tuệ, thanh tịnh của Phật, Bồ Tát lưu xuất ra nên không có ý. Chúng ta phải lìa tâm vọng tưởng, phân biệt chấp trước để lãnh hội, tiếp xúc kinh điển, đó mới thật sự là tiếp xúc ý nghĩa trong kinh; ý nghĩa đó không phải là ý của ta mà là ý của tự tánh tự nhiên hồi ứng, gọi là “Pháp vốn như vậy”, không có thêm, bớt chút nào. Nếu có thêm bớt là ý của ta, đó là chướng ngại sẽ không thấy được tự tánh.

Phật, Bồ Tát là hằng thuận chúng sinh, tùy tâm ứng hóa mà tự nhiên hiển lộ (“Tùy chúng sinh tâm ứng sở tri lượng”) cho nên không có ý, không có cạn, sâu, rộng, hẹp. Đây là thật không phải giả! Chúng sinh do căn tánh khác biệt nên tiếp thu kinh điển cũng có sâu, cạn khác nhau, nhưng tất cả đều có được lợi ích. Cổ nhân nói: “Như người uống nước, nóng lạnh tự biết”. Vi diệu là ở chỗ này! Cho nên Pháp gọi là diệu Pháp. Nghe kinh, nghe Pháp có được lợi ích bao nhiêu đều do nơi chính mình không phải ở thầy, cũng không liên quan gì đến bên ngoài. Thầy giảng dạy, cảnh giới của thầy chúng ta không biết nhưng thầy giáo thế gian nói ý nghĩa thì rất thiển cận. Thầy giáo có tu, có chứng giảng ý nghĩa mới thâm sâu khôn lường, chắc chắn được lợi ích.

Bồ Tát Mã Minh dạy: Khi nghe kinh, đọc tụng phải hiểu được ba nguyên tắc: Không chấp trước tướng ngôn thuyết, không chấp trước tướng văn tự, không chấp trước tướng tâm duyên. Cứ đọc một cách cung kính, đọc một cách thành khẩn, không nghĩ đến ý nghĩa trong văn tự, đọc tụng như thế là cùng một lúc tu “Giới-Định- Tuệ”. Tuân thủ theo phương pháp này để nghe, để đọc là “Trì giới”. Không phân biệt, không chấp trước là tu “Định”. Không phân biệt là không dùng thức thứ sáu, Diệu Quan Sát Trí sẽ hiện tiền. Không dùng thức thứ bảy, Bình Đẳng Tánh Trí sẽ hiện tiền. Tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác gọi là tam-muội. Lâu dần tự nhiên khai ngộ. Sau khi khai ngộ, xem kinh văn từng câu, từng chữ đều có vô lượng nghĩa, đây là “Pháp hỉ sung mãn”.

– Vì sao nói là vô lượng nghĩa?

–  Vì tự tánh vô lượng! Tức trí tuệ vô lượng, đức năng vô lượng, tướng hảo cũng vô lượng.

Tóm lại, thành tựu ba loại nhẫn trên đây gọi là “nhẫn lực thành tựu”. Loại thứ nhất là “An khổ nhẫn” tức an bần lạc đạo. Loại thứ hai là “Tha bất nhiêu ích nhẫn”, có thể nhẫn thọ được tất cả sự phê bình của mọi người, đặc biệt là đối với người có ác ý với ta. Không những phải nhẫn chịu, không khởi tâm oán hận mà còn có tâm cảm ân đối với họ mới đạt được lợi ích, điều này rất khó!.

– Vì sao không có tâm cảm ân?

–  Vì không có được lợi ích!

Được lợi ích, là khi nghe người khác phê bình, liền nỗ lực phản tỉnh: Nếu có liền thay đổi, nếu không có thì cố gắng hơn. Nếu họ phê bình đúng, thật sự ta có lỗi, phải từ đó mà sửa đổi, cảm ân họ đã nhắc nhở. Nếu ta không có lỗi, càng cần phải cảm ân họ, bởi nhờ họ đưa ra thử nghiệm này mới giúp ta nâng cao cảnh giới của chính mình. Chẳng những ta cảm ân họ mà còn hồi hướng công đức tu học của mình cho họ, giúp họ giảm nhẹ khổ báo, đây là điều nên làm. Nếu là người không có trí tuệ chân thật, không thể nhận ra được tầng này.

Ngược lại nếu bị người hủy báng liền sinh tâm oán hận, sẽ sinh ra rất nhiều phiền phức! Tương lai oan oan tương báo không bao giờ dứt, khổ không thể xiết, hai bên đều đau khổ! Cho nên hiện tượng này xảy đến liền lập tức hóa giải không còn nữa. Học Phật bao nhiêu năm, đây là bản lĩnh nhỏ; thông minh nhỏ, nhất định phải có. Bản lĩnh nhỏ này nếu không có, vậy là uổng công học Phật rồi!

Trong Kinh Đại thừa thường xưng Bồ Tát là “nhân giả”, là người nhân từ. “Nhân giả vô địch”. Bồ Tát vĩnh viễn không đối lập với người và sự vật. Vì sao? Vì họ đã phá được biên kiến! Phần trước có nói: Bồ Tát vô nhân, vô ngã, vô chúng sinh, vô thọ giả; đây là Bồ Tát cơ bản. Còn có đối lập, đó chính là phàm phu, chưa đến ranh giới của Bồ Tát. Thân kiến, biên kiến, thành kiến đều buông bỏ, người này là chân Bồ Tát. Tuy chỉ là Bồ Tát nhỏ, nhưng đích thật họ không phải là phàm phu. Nên nhớ, phá được bốn tướng, bạn là Bồ Tát của cõi Phương Tiện; chưa phá bốn tướng là cõi Phàm Thánh Đồng Cư.

Sách Hội Sớ lại nói đến mười Nhẫn như sau: “Nhẫn có những công đức mà trì giới, khổ hạnh chẳng thể sánh bằng nổi. Người có thể nhẫn nhục đáng gọi là bậc đại lực. Nhẫn nhục cốt là để trị sân hận, nhưng nó cũng giúp ta đoạn trừ cả tam độc. Kinh Bảo Vân khi giảng về các pháp Bồ Tát tu tập đã nêu lên mười pháp, trong đó có Nhẫn Pháp. Bồ Tát có mười pháp để an tịnh nơi Nhẫn. Những gì là mười? Ấy là Nội Nhẫn, Ngoại Nhẫn, Pháp Nhẫn, Tùy Phật Giáo Nhẫn, Vô Phương Sở Nhẫn, Tu Xứ Xứ Nhẫn, Phi Sở Vị Nhẫn, Bất Bức Não Nhẫn, Bi Tâm Nhẫn, Thệ Nguyện Nhẫn.

1. Thế nào là Nội Nhẫn của Bồ Tát?

Bồ Tát dẫu bị đói, khát, lạnh,nóng, lo, buồn, đau đớn bức bách thân tâm vẫn tự cam chịu, chẳng thấy khổ não. Đấy là Nội Nhẫn.

“Nội Nhẫn”, cũng là “An Khổ Nhẫn” trong ba loại nhẫn phía trước đã nói. Người xuất gia sống rất thanh bần, đặc biệt là người xuất gia nương tựa đạo tràng tự viện. Qui củ khi mới xuất gia do cổ nhân đặt ra. Trong “Bách Trượng Thanh Qui” gọi là “Mã Tổ kiến Tòng Lâm, Bách Trượng lập Thanh Qui”. Người mới xuất gia năm năm học giới. Nói như hiện nay, ở trong chùa làm công quả, phục vụ đại chúng năm năm. Sau năm năm mới không còn làm những công việc này nữa, để cho người mới xuất gia đảm trách. Thời gian năm năm đầu là tu phước tu tuệ, đâu có chuyện mới xuất gia đã có cơm tận miệng, nước tận tay, sống đời nhàn nhã tự tại như thế, không có đạo lý này!

Khi tôi mới xuất gia, ở trong chùa nhìn thấy có những người không biết tích phước, vì nhận sự cúng dường quá dễ, khiến họ tăng trưởng tập khí xa xỉ, lãng phí. Đây là tổn phước báo! Tôi từng nói rất nhiều lần: Trong xã hội này ngành nghề nào cũng dễ, duy nhất ngành xuất gia không dễ! Vì sao? Vì chịu trách nhiệm rất lớn! Nhân quả báo ứng đều ở trong đó. Bất luận tín đồ cúng dường nhiều hay ít, họ đều dùng chân tâm cúng dường, hy vọng tu phước. Chúng ta tu phước gì?! Nhận sự cúng dường này có thể tiêu hóa được hay không? Chư vị Cổ Đức nói “Một hạt gạo của thí chủ lớn như núi Tu Di, đời  này không đạt đạo, mang lông đội sừng để trả!”. Như vậy có thể tiếp nhận tùy tiện chăng?!

Chúng ta thấy hành nghi một đời của Tổ Sư Ấn Quang (ngài cách chúng ta chỉ khoảng sáu, bảy mươi năm mà thôi), ngài tiếp nhận tiền cúng dường của mười phương, một đồng ngài cũng không dùng đến, hoàn toàn đem ra để ấn tống kinh sách tu pháp Bố Thí giúp người trồng phước. Ngài thành lập một nơi lưu hành kinh sách gọi là Hoằng Hóa Xã tại chùa Báo Quốc ở Tô Châu. Khi gặp thiên tai như hạn hán, lũ lụt v.v… Ngài trích ra một phần trong khoản tiền in kinh để cứu tế. Ngoài việc này ra, không dùng bất cứ việc nào khác. Xây chùa chiền, không nghe nói Tổ Sư Ấn Quang xây dựng chùa chiền. Từ việc này chúng ta liền nghĩ đến: Tổ Sư Ấn Quang đối với vấn đề nhân quả, ngài rất xem trọng. Ngày nay, đa phần người xuất gia chúng ta đều sơ xuất.

Ngày xưa, khi mới xuất gia bất kể là xuất thân từ địa vị nào, xuất gia là bình đẳng, từ việc lao động nặng nhọc, cho đến việc bếp núc, may vá v.v… đều phải luân phiên làm hết. Cho nên ở trong chùa bất kỳ việc gì cũng biết làm. Hàng trưởng bối thường nói người xuất gia có ba cây dao: Cái thứ nhất là dao cạo tóc; thứ hai là dao làm rau, tự mình phải biết nấu ăn; thứ ba là cây kéo, phải biết may quần áo. Đây là cơ bản trong cuộc sống có thể không cần đến người khác.

Hiện nay, chùa chiền không như ngày xưa. Trước đây, trong chùa không có người ngoài làm công quả, mọi việc người xuất gia đều phải tự làm; cho nên, chú tiểu mới xuất gia, năm năm đầu rất gian khổ. Đây chủ yếu là tu phước báo, bằng không, khi mình già lấy ai chăm lo?! Ta từng chăm sóc cho người khác, đến khi tuổi già sẽ có người khác chăm sóc lại ta, điều này rất công bằng.

Ngày xưa, chùa có thu nhập kinh tế cố định, không dựa vào Phật tử, không tổ chức Kinh Sám Phật Sự, cũng không có Pháp hội.

Mỗi chùa đều có ruộng đất, có núi đồi, cho nông dân thuê trồng trọt, lấy tiền thuê, khi nông dân thu hoạch họ chia cho chùa một phần, cho nên sinh hoạt kinh tế trong chùa rất ổn định, tâm an thì đạo thịnh. Chùa thời nay không có bất động sản, kinh tế thu nhập có vấn đề cho nên phải dựa vào việc Kinh Sám Phật Sự và Pháp hội.

Đạo tràng này của chúng ta thù thắng hơn tất cả đạo tràng Phật giáo khác. Ở đây, bạn không cần phải ra ngoài quyên góp vận động, cũng không cần làm Kinh Sám Phật sự. Mỗi người ở đây đều có thể chuyên tâm nghiên cứu một môn kinh luận, nương chúng, dựa chúng, khuyến khích, sách tấn lẫn nhau, đặt ra thời khóa biểu, mục tiêu năm năm tôi phải hoàn tất những môn nào, phải phát nguyện mười năm không hạ sơn, chuyên tâm ở Đồ Văn Ba hoàn thành đạo nghiệp đây là Nội Nhẫn.

2. Thế nào là Ngoại Nhẫn của Bồ Tát?

“Bồ Tát nghe người khác dùng lời mắng chửi, nhục mạ, chê bai, hoặc nhục mạ đến cha, mẹ, vợ, con, anh em trai, chị em gái, thân quyến, hòa thượng, A-xà-lê, bạn bè đồng học hoặc nghe kẻ khác hủy nhục Phật, Pháp,Tăng, với bao nhiêu lời hủy nhục, chê bai như vậy, Bồ Tát đều nhẫn nhục, chẳng sinh nóng giận gọi là Ngoại Nhẫn”.

Chúng ta gặp những tình huống như trên có nhẫn chịu được không? Sau đó, tỉ mỉ mà suy xét: Chúng ta có được thành tựu hay không? Đúng như người xưa đã nói: Việc nhỏ không nhẫn thì hỏng việc lớn! Việc nhỏ không thể nhẫn, loại người này không có tiền đồ! Đây là khẳng định! Có người nói nhẫn nhục là có hạn độ. Đúng vậy! Cái hạn độ đó nói lên sức nhẫn chịu và sự thành tựu của bạn lớn hay nhỏ. Nhẫn nhục của Phật, Bồ Tát không có hạn độ, cho nên thành tựu của các ngài thật quá vĩ đại không ai có thể sánh được. Người tu Bồ Tát đạo trong bất cứ tình huống nào đều phải nhẫn. Có nhẫn mới có thể hóa giải được mọi ngộ nhận, hóa giải đối lập, hóa giải sự xung đột. Hiểu rõ đạo lý này, chúng ta phải hoan hỉ, cố gắng học tập. Trường hợp không thể nhẫn cũng phải nhẫn, đây là nhân thiện sẽ được quả thiện về sau.

3.  Thế nào là Pháp Nhẫn của Bồ Tát?

“Với những nghĩa vi diệu do Đức Phật đã nói trong các kinh như chư pháp tịch tĩnh, chư pháp tịch diệt như tướng Niết Bàn… chẳng kinh, chẳng sợ, nghĩ như thế này: ‘Nếu ta chẳng hiểu nổi kinh này, chẳng biết được pháp này thì trọn chẳng đắc Bồ Đề’. Vì vậy Bồ Tát siêng cầu hỏi han, đọc tụng. Đấy gọi là Pháp Nhẫn”.

Trong phần này Hòa Thượng Tịnh Không giải thích rất cặn kẽ và khai thị một số vấn đề như sau:

Pháp Nhẫn nghĩa là tu học Phật pháp phải có Nhẫn, đặc biệt là đối với Đại thừa.

Thông qua lịch sử một đời dạy học của Đức Thế Tôn, chúng ta có thể thấy được: Sau khi Đức Thế Tôn khai ngộ, ngài đến vườn Lộc Uyển độ năm vị tỳ kheo, đây là khởi đầu việc dạy học. Về sau học trò càng nhiều, có đến một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị, những người này là đệ tử thường đi theo Phật. Mười hai năm đầu tiên, Phật giảng Kinh A Hàm, tức kinh điển Tiểu thừa. Trong Tiểu thừa đa phần là thế pháp, là Tục Đế; Chân Đế rất ít cho nên các pháp tịch tĩnh, pháp tịch diệt trong giai đoạn này Phật ít khi đề cập đến. Sau mười hai năm, kết thúc giai đoạn Tiểu thừa, Phật nói qua Phương Đẳng tám năm. Phương Đẳng ví như trung học dẫn dắt ta vào Đại thừa. Thật sự vào Đại thừa, Phật mới nói đến nghĩa vi diệu Bát Nhã; Bát Nhã ví như Đại học, Phật nói hai mươi hai năm; tám năm sau cùng Phật giảng Kinh Pháp Hoa và Kinh Niết Bàn.

Kinh Pháp Hoa tương đương với nghiên cứu sở. Giáo nghĩa của Kinh Pháp Hoa và Kinh Hoa Nghiêm là thông suốt, nhất trí. Tuy Kinh Hoa Nghiêm nói sớm nhất, nhưng không ai biết đến vì Phật nói trong “Định”. Phàm phu chỉ thấy Thích Ca Mâu Ni Phật nhập định suốt hai mươi mốt ngày dưới cội Bồ Đề đâu biết rằng Phật đang giảng kinh trong Định cho bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ, nhân số vô lượng vô biên. Người Tiểu thừa không nhìn nhận Kinh Hoa Nghiêm là do Phật thuyết. Vậy ai tạo ra? Bồ Tát Long Thọ truyền ra từ Long Cung! Bồ Tát Long Thọ có thể tạo ra Kinh Hoa Nghiêm sao?

Nếu có thể tạo ra Kinh Hoa Nghiêm thì người đó chính là Phật rồi! Không còn gì để nói nữa!

Chúng ta học Phật, nếu không có nhẫn nại lâu dài, làm sao có thể thành tựu?! Trong kinh nói: “Nhẫn lực thành tựu”, nhẫn được là thành tựu được, đây là Pháp Nhẫn của Bồ Tát. Người học Phật phải có thái độ như vầy: “Nếu tôi không hiểu kinh này, không biết pháp này, vĩnh viễn không chứng được Bồ Đề”. Phải thường có tâm này động viên chính mình; cho nên Bồ Tát cần cầu thỉnh giáo đọc tụng, nỗ lực tinh tấn cầu học.

Ngày xưa không có thuật in ấn, sách phải viết tay, điều này quá khó! Lúc đó số lượng sách rất ít! Hiện nay không cần lo điều này, điển tịch có được quá dễ. Trong Tịnh Tông Học Viện nhỏ bé này của chúng ta có mười hai Đại Tạng Kinh khác nhau, có mười bộ Tứ Khố Toàn Thư. Việc này ngày xưa không ai dám mơ tưởng. Hiện nay, có máy “photo”, vi tính, phương tiện biết bao, những thứ ta cần có thể đưa từ trong Tứ Khố vào vi tính in ra giống y như bản gốc, tiện lợi hơn cổ nhân rất nhiều. Vấn đề là chúng ta phải có tinh thần, sức nhẫn nại kiên trì học tập như cổ nhân vậy mới thành công.

– Hiện nay có người thành công chăng?

– Có! Tôi từng thấy, cũng từng nghe qua.

Có mấy người tôi chưa từng gặp mặt, đều qua mạng internet, qua truyền hình vệ tinh, họ nắm bắt được bí quyết “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, mười năm, tám năm họ thành tựu. Đương nhiên trong đây quan trọng nhất là hoàn cảnh tu học. Tôi cảm nhận một cách sâu sắc, người hộ pháp rất quan trọng; không có người hộ trì chúng ta rất khó thành công. Có người hộ pháp, bản thân ta phải nỗ lực tinh tấn, kiên trì học tập, nhất định sẽ thành công.

Ngày nay tôi nghĩ, chấp sự trong Học viện chúng ta, tức là nhân viên phục vụ, chúng ta phải mời họ để người xuất gia không cần làm gì cả, ngoài việc tu học. Tôi đứng ra cúng dường mọi người mười năm, mười năm các bạn thật sự hiểu, không khó! Nắm giữ ba nền tảng học văn cổ; văn cổ có thể dùng kinh điển để học, cũng có thể dùng tác phẩm của chư vị Tổ Sư đại đức như : Ấn Quang Đại Sư Văn Sao; của Đại Sư Ngẫu Ích; Đại Sư Liên Trì. Đây là những tác phẩm cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh. Trúc Sông Tùy Bút của Đại Sư Liên Trì viết rất hay, không khó hiểu; Tông Luận của Đại Sư Ngẫu Ích; văn chương mỗi bài trong Linh Phong Tông Luận đều rất hay, người xuất gia chúng ta học những cuốn sách này. Phật tử tại gia muốn đến đây đọc sách cầu học, cũng hoan nghênh, chúng tôi đều phát tâm cúng dường.

Các bạn đến đây tâm an định, mười năm không ra khỏi cửa. Kinh luận Nho, Thích , Đạo chuyên tham cứu một bộ. Đạo giáo thì học Trang Tử, văn chương của Trang Tử hay, là tác phẩm hàng đầu. Đạo Đức Kinh của Lão Tử không dài, tám mươi mốt bài, tổng cộng chỉ có khoảng năm ngàn chữ. Học những bài văn này rất hay, đều có thể làm cơ sở nhập môn của văn cổ.

Chúng tôi là nửa đường xuất gia, không phải có nền tảng từ nhỏ. Có nền tảng từ nhỏ thì dễ hơn. Bây giờ chúng ta đều trên ba mươi, bốn mươi mới phát tâm, vẫn còn kịp! Bốn mươi tuổi phát tâm, năm mươi tuổi ra hoằng pháp là vừa. Năm mươi tuổi phát tâm, sáu mươi tuổi thành tựu. Cư sĩ Lưu Tố Vân năm mươi lăm tuổi phát tâm sáu mươi lăm tuổi thành tựu, làm tấm gương tốt cho mọi người. Tôi đứng ra nghĩ phương pháp, bất luận tại gia hay xuất gia, lợi dụng đạo tràng này, mọi người đều cố gắng học tập, để các bạn buông bỏ vạn duyên, ở đây nhất tâm đọc sách cầu học, thành tựu cho các bạn.

Thế pháp hay Phật pháp, cổ nhân thường nói “Bất hiếu có ba, vô hậu lớn nhất.” “Hậu” ở đây không phải nhiều người. Số lượng không ngừng tăng lên nhưng không có thánh nhân xuất hiện, đây gọi là “vô hậu”, không có người thừa kế truyền thống văn hóa, không có người duy trì tuệ mạng Phật pháp; đây gọi là “vô hậu”. Chúng tôi phát đại tâm cúng dường hậu nhân. Thật sự phát tâm này, mọi công việc trong thường trụ tuyệt đối không để bạn làm, để bạn chuyên tâm tu học, học Nho giáo, Phật giáo, hay Đạo giáo đều được cả. Ngày nay “Nho-Thích-Đạo” đều thiếu nhân tài. Học “Nho-Thích-Đạo” phải giữ qui củ của tiền nhân. Nho giáo nói “Đạo dạy học quí ở chuyên”. Phật pháp nói “Nhất môn thâm nhập trường thời huân tu”. Tôi ở đây hoan hỉ, quan sát thành tựu của bạn. Hy vọng các bạn chú ý những gì tôi nói. Tôi không phải nói trò, nói chơi mà tôi thành tâm thành ý đang mong cầu các bạn thật sự phát tâm. Hoàn cảnh sinh hoạt phí hiện tại một năm của các bạn là bao nhiêu, đưa ra một tiêu chuẩn, tôi sẽ tìm người hộ pháp đứng ra hộ trì.

Đại học Nam Queensland, tôi tặng học bổng cho họ, mỗi sinh viên là một vạn trong một năm. Bốn năm tốt nghiệp, tôi tặng họ bốn vạn. Tôi giúp cho nam sinh viên không nhiều, một năm hai mươi vạn, cũng bốn năm tốt nghiệp.

Ở đây, Học Viện này, tôi ủng hộ các bạn thời hạn mười năm. Nếu một vạn một năm, một người là mười vạn; mười người là một trăm vạn; một trăm người một ngàn vạn, tôi vẫn có thể làm được.

Các bạn không cần làm gì cả ngoài việc tu học, giống như sinh viên ở trường. Đại chúng hộ pháp khắp mười phương, công đức này không thể nghĩ bàn! Thật ra, họ tiêu tiền cũng không nhiều. Nếu trong mười năm mỗi bạn đều thành tựu, họ chỉ dùng mười vạn mà đào tạo được một bậc Thánh nhân, điều này thật quá tuyệt! Công đức vô lượng! Tìm đâu ra?.

Thường trụ có sự thu thập này, có thể mời vài nhân viên làm việc cho đạo tràng, hoàn toàn phát lương. Mời vào làm việc, họ phải nỗ lực hộ trì, siêng năng làm việc. Nếu không lập chế độ, sợ tương lai lại bỏ phí mười năm này, như vậy thì thật đáng tiếc! Mười năm này để chúng ta kiểm điểm lại mình một cách sâu sắc: có vấn đề gì? Lỗi lầm gì? Mất bò làm chuồng cũng không đến nỗi trễ! Mười năm tương lai chúng ta nhất định phải nắm bắt.

Nếu chế độ này có được hiệu quả cao thì sự phát triễn của nó ngày càng sẽ sáng lạn hơn. Theo tôi tương lai tự viện am đường không còn làm công việc Kinh Sám Phật Sự nữa, không còn tổ chức Pháp hội mà nỗ lực vì Chánh Pháp cửu trụ, đào tạo nhân tài, đào tạo giáo sư cho nền văn hóa truyền thống ưu tú. Đây là việc lớn quan trọng trước mắt của chúng ta, cũng là Pháp Nhẫn của Bồ Tát.