Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VII. ĐẠI GIÁO DUYÊN KHỞI ĐỆ TAM
(TT)

“Khứ lai hiện tại Phật Phật tương niệm” (Quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật nghĩ đến nhau): Tôn giả A Nan nghĩ ngay đến: Trong mười pháp giới, Phật là đấng phước trí viên mãn thù thắng nhất. Phải chăng, đức Thích Ca Mâu Ni Phật cũng đang niệm Phật? Chân thật là Thích Ca Mâu Ni Phật đang niệm Phật. Cho nên, ngài nói: “Khứ lai, hiện tại Phật Phật tương niệm”. “Khứ” là quá khứ; “lai” là vị lai. Chỗ này chính là nói ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, tất cả chư Phật đều nhớ nhau. Nói cách khác, trong tâm Phật thường hay nhớ tất cả chư Phật. Phật dạy chúng ta niệm Phật có đạo lý rõ ràng, vì chính ngài cũng niệm Phật. Với câu “khứ lai, hiện tại Phật Phật tương niệm” (quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật nghĩ đến nhau), đây là “trí quang phổ chiếu”.

Gia Tường Sớ giảng: “Điều mà vị quá khứ, vị lai, hiện tại Phật nào cũng nghĩ nhớ là tam thế chư Phật đều có ý niệm hóa độ chúng sinh. Ánh sáng của mỗi vị chiếu lẫn nhau, trí từng vị chiếu soi lẫn nhau nên bảo là nghĩ nhớ lẫn nhau”.

– Ý niệm hóa độ chúng sinh như thế nào?

– Quan tâm tất cả chúng sinh, thương yêu tất cả chúng sinh, tùy lúc, tùy nơi, tận tâm tận lực giúp đỡ tất cả chúng sinh. “Phật thị môn trung bất xả nhất nhân”, đây là chỗ chúng ta phải học tập.

– Chúng ta giúp người, họ không chịu tiếp nhận, vậy phải làm sao?

– Vậy thì không cần phải giúp họ! Nhà Phật thường nói

“Phật không độ người vô duyên”.

– Người thế nào gọi là vô duyên?

– Họ không thể tin tưởng, họ không có lòng tin đối với bạn, hơn nữa thậm chí còn hoài nghi đối với bạn, không bằng lòng tiếp nhận bạn, vậy thì quyết không nên miễn cưỡng!

– Phật chỉ độ người có duyên. Người như thế nào gọi là  có duyên?

– Chịu tin tưởng, chịu thân cận, chịu học tập!

“Vị niệm quá khứ, vị lai chư Phật da? Vị niệm hiện tại tha phương chư Phật da?” Tôn giả A Nan tự nghĩ: Thích Ca Mâu Ni Phật đang niệm quá khứ chư Phật hay niệm vị lai chư Phật, hay niệm hiện tại chư Phật phương khác? Chúng ta đều biết, mỗi thế giới chỉ có một vị Phật. Trong vô lượng vô biên thế giới, tất nhiên hiện tại tha phương chư Phật cũng là vô lượng vô biên.

“Hà cố oai thần hiển diệu, quang thụy thù diệu nãi nhĩ”. (Vì sao oai thần ngài lại sáng đẹp, tướng lành trong quang minh tuyệt vời đến như thế). A Nan do thấy đức Phật hiện tướng tốt lành, phóng quang minh mầu nhiệm sáng ngời, tuyệt luân đẹp đẽ chưa từng thấy, ngài rất vui mừng thầm nghĩ việc này ắt có nguyên nhân.

Trong quang minh của Phật hiện bóng mười phương Bảo sát trang nghiêm, hiển hiện Hoa Nghiêm huyền môn nhiệm mầu chẳng thể nghĩ bàn. Tôn giả A Nan không hề biết hiện tại Thích Ca Mâu Ni Phật đang nhớ nghĩ đến Phật A Di Đà nên mới hiện ra tướng tốt như thế. Chữ “thần” là thần kỳ; kỳ diệu không thể nghĩ tưởng; “hiển diệu” là sáng đẹp; “thụy” là tướng lạ, tướng tốt; “thù” là thù thắng; “diệu” là vi diệu. Vừa rồi tôi nhắc với mọi người:

– Ngày ngày ở Niệm Phật Đường niệm A Di Đà Phật, tướng hảo quang minh của bạn có thể sánh được với Thích Ca Mâu Ni Phật không?

– Chắc chắn là không như nhau!

– Vì sao không như nhau?

– Thích Ca Mâu Ni Phật thật niệm; bạn ở nơi đây là giả niệm, khác biệt chính ngay chỗ này! Niệm Phật của chúng ta còn xen tạp quá nhiều vọng tưởng, cho nên nếu không thể được dung nhan phát sáng, chính mình phải sám hối, phải hổ thẹn, phải thường hay phản tỉnh nhắc nhỡ mình, hi vọng chính mình dõng mãnh tinh tấn.

“Nguyện vị tuyên thuyết” (Xin tuyên nói cho):

A Nan thỉnh cầu đức Phật nói nguyên nhân vì sao tướng Phật hôm nay đẹp lạ đến như vậy? Chúng ta đều muốn nghe. Ngôn từ thỉnh giáo của A Nan đến đây là hết.

KINH VĂN:

Ư thị Thế Tôn Cáo A Nan ngôn:

– Thiện tai, thiện tai! Nhữ vị ai mẫn lợi lạc chư chúng sinh cố, năng vấn như thị vi diệu chi nghĩa. Nhữ kim tư vấn, thắng ư cúng dường nhất thiên hạ A-la-hán, Bích Chi Phật, bố thí lũy kiếp chư thiên nhân dân, quyên phi nhuyễn động chi loại, công đức bách thiên vạn bội. Hà dĩ cố? Đương lai chư thiên nhân dân, nhất thiết hàm linh giai nhân nhữ vấn nhi đắc độ thoát cố.

VIỆT DỊCH:

Khi ấy, đức Thế Tôn bảo A Nan rằng:

Lành thay! Lành thay! Ông vì thương xót, lợi lạc các chúng sinh nên có thể hỏi nghĩa vi diệu như vậy. Ông nay hỏi như thế hơn cả công đức cúng dường một thiên hạ A-la-hán, Bích Chi Phật, bố thí suốt nhiều kiếp cho chư thiên, nhân dân, các loài ngọ nguậy, bay lượn, bò trườn đến trăm ngàn vạn lần. Vì cớ sao? Vì chư thiên, nhân dân, hết thảy hàm linh trong tương lai sẽ đều do lời hỏi của ông mà được độ thoát!

GIẢNG:

“Ư thị Thế Tôn cáo A Nan ngôn” (Khi ấy đức Thế Tôn bảo A Nan rằng). Chữ “cáo” là người trên nói với kẻ dưới; thầy nói với trò thì dùng chữ“cáo”. Học trò nói với thầy phải dùng chữ “bạch”, đây là “kính từ”, là ngữ khí tôn kính. Đoạn kinh trên là lời đáp của đức Bổn Sư.“Thiện” là tốt.“Thiện tai!” (Lành thay – Sadhu) là lời khen ngợi.

Theo Trí Độ Luận: “Lành thay, lành thay, nói đến hai lần là tỏ sự vui mừng vậy”.

Sư Tịnh Ảnh bảo lời hỏi của A Nan “xứng cơ, đương pháp, hợp thời” nên đức Phật khen ngợi.

Sách Bình Giải cho rằng “vì lời hỏi đó tương xứng tâm Phật”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Phật hai lần dùng chữ “Thiện tai” chính là khen ngợi ngài A Nan hỏi rất hay, rất có ý nghĩa. Chữ “Thiện tai” thứ nhất khen ông đã thể hội, nhận ra được tâm tư của Phật. Chữ “Thiện tai” thứ hai, khen ngợi lời hỏi của A Nan rất đúng lúc, phù hợp với cơ duyên chúng sinh chín muồi, nhân câu hỏi này mà Phật giảng về Pháp môn Tịnh Độ.

“Nhữ vị ai mẫn, lợi lạc chư chúng sinh cố, năng vấn như thị vi diệu chi nghĩa” (Ông vì thương xót, lợi lạc các chúng sinh nên có thể hỏi nghĩa vi diệu như thế). “Ai mẫn”là thương xót, là bi tâm dẹp khổ; “lợi lạc” là từ tâm ban vui. Chúng sinh từ vô lượng kiếp đến nay đã mê mất đi chính mình. Người giác ngộ thấu suốt sự việc này nên khởi tâm đồng cảm thương xót vô hạn. Phật khen A Nan: Ông nay vì muốn dẹp tan nỗi khổ của hết thảy chúng sinh nên mới hỏi nghĩa vi diệu như vậy.

Từ câu “nhữ kim tư vấn” (ông nay hỏi như thế) cho đến hết đoạn kinh đều nói về công đức lời hỏi của Ngài A Nan.

Nên biết “nhất thiên hạ” (một thiên hạ) là một đại châu tức là một tinh cầu. “Nhất thiên hạ”chính là một trong “tứ thiên hạ”. “Tứ thiên hạ” chính là bốn đại châu vây quanh bốn phía núi Tu Di: Một là Nam Thiệm Bộ Châu (tức là địa cầu), hai là Đông Thắng Thần Châu, ba là Tây Ngưu Hóa Châu, bốn là Bắc Uất Đan Châu.

Sau này, trong lần giảng “Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa” (tức Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ mười một), Hòa Thượng Tịnh Không có giải thích về “tứ thiên hạ”như sau: “Tứ thiên hạ” tức trú trong bốn phương của núi Tu Di. Nhà Phật nói vũ trụ là đơn vị thế giới; đơn vị thế giới đó chính là “hệ Ngân Hà” mà các khoa học gia hiện nay đề cập đến. Một ngàn đơn vị thế giới như thế cũng chính là một ngàn hệ Ngân Hà gọi là một“Tiểu thiên thế giới”. Một ngàn“Tiểu thiên thế giới”là  một “Trung  thiên thế giới”.   Một ngàn “Trung thiên thế giới” là một “Đại thiên thế giới”. Đây là phạm vi giáo hóa của một vị Phật.

– Phạm vi này lớn bao nhiêu?

– Mười ức“hệ Ngân Hà” (1000x1000x1000=10 ức) nên khu vực giáo hóa của Thích Ca Mâu Ni Phật là mười ức “hệ Ngân Hà”. Núi Tu Di là trung tâm của “hệ Ngân Hà”, hiện nay khoa học gọi trung tâm này là “Hắc Động”. Lực dẫn của “Hắc Động” này rất lớn, đến ánh sáng cũng bị nó hút vào, vẫn không thể tồn tại.

Trong dự ngôn của người Maya (danh từ này có thể viết sai!), Châu Mỹ thì năm 2012 là năm “Ngân Hà đối tề”, sẽ xảy ra hiện tượng thiên văn này, nghĩa là trung tâm của hệ Ngân Hà cùng Thái Dương và địa cầu sẽ sắp thành một hàng thẳng. Cơ hội này mấy vạn năm mới có một lần. Lần này, năm 2012 chúng ta sẽ gặp. Các nhà khoa học rất lo lắng về hiện tượng này có thể phát sinh ra thảm họa, do lực dẫn của Hắc Động quá lớn.

– Thảm họa này là gì?

– Bão mặt trời tức thái dương hắc tử dẫn phát sẽ gây sức ảnh hưởng đến địa cầu như phun trào núi lửa và sóng thần nghiêm trọng. Đây là Phật pháp nói về thiên văn học, so với thiên văn học ngày nay cũng rất thú vị. Nhưng Phật pháp, trong Kinh Hoa Nghiêm nói quá lớn, không phải điều mà các nhà thiên văn học hiện nay có thể vươn tới!

Đức Phật nói: Công đức câu hỏi của ngài A Nan hơn hẳn “Cúng dường ‘Nhất thiên hạ’ A-la-hán, Bích chi Phật; bố thí lũy kiếp chư thiên nhân dân, quyên phi nhuyễn động chi loại, công đức bách thiên vạn bội”.

– Có thật vậy chăng? Chúng ta có thể tin chăng?

– Là thật không phải giả!

Chúng ta giảng kinh nơi đây rất nhiều đồng học ngồi trước màn hình vi tính đều có thể thấy được rõ ràng. Chúng ta trải qua chế phát, dùng vệ tinh truyền đi, trên vệ tinh có thể xem được. Nhưng, đức Phật không cần phiền phức như vậy, bất luận ngài giảng kinh ở đâu, âm thanh và hình ảnh của ngài lập tức được phát ra, tốc độ nhanh hơn tia sóng điện. Trong “Hoàn Nguyên Quán”nói rất rõ là“chu biến pháp giới”. Sóng điện không vượt ra khỏi địa cầu này, cũng không có sức mạnh lớn đến thế.

Đức Phật giảng kinh, ngài không cần đến bất cứ loại máy móc nào, ngài dùng bản năng trong tự tánh, năng lực này rất lớn, lập tức “chu biến pháp giới”, không những mười ức hệ ngân hà, phạm vi giáo hóa của Phật đều nhận được mà trong vũ trụ bao la này còn có không biết bao nhiêu tam thiên đại thiên thế giới khác cũng đều nhận được. Không những nhận được mà còn lập tức nhận được ngay, tuyệt đối không có chênh lệch thời gian. Hiện nay, chúng ta dùng sóng điện, sóng ánh sáng, tốc độ này không nhanh lắm, một giây là ba mươi vạn cây số. Trong tự tánh chúng ta, bản năng của hiện tượng dao động là “nhất niệm chu biến pháp giới”.

“Nhất niệm” này, như Bồ Tát Di Lặc nói: Trong một giây có một ngàn sáu trăm triệu niệm vi tế. Niệm vi tế đó chính là “nhất niệm”.

Nghe nói gần đây các nhà thiên văn học phát hiện cách quả đất chúng ta khoảng một trăm hai mươi mấy năm ánh sáng có một Thái dương hệ, trong đó có năm hành tinh, mà cự ly, sau khi thông qua quan sát tinh mật, sự biến hóa của khí hậu cũng gần giống như chúng ta, nhất định ở đó có người ở. Cho thấy dần dần họ phát hiện sẽ giống như trên kinh Phật nói.

Trên kinh Phật nói trong biến pháp giới, hư không giới có rất nhiều tinh cầu, mỗi tinh cầu đều có chúng sinh cư trú, chỉ là tầng không gian khác nhau, chúng ta không nhìn thấy được. Trong Thái dương cũng có chúng sinh, đó là một đám lửa, họ không có lửa thì không thể sinh tồn! Cho nên, giữa vũ trụ bao la này không có chuyện kỳ lạ gì mà không có!

Hiện nay quốc gia gặp nhiều thiên tai, tôi không thể giảng ở trong nước, Hồng Kông sát cạnh quốc gia, tôi giảng ở đây, đem công đức giảng Kinh Vô Lượng Thọ này hồi hướng cho đất nước. Đó là vì sao tôi ngừng giảng Kinh Hoa Nghiêm để giảng kinh này. Hy vọng có thể giúp khu vực này hóa giải thiên tai, hy vọng đất nước an định, mọi điều bình an; cũng bao gồm phía đông khu vực này; phía Bắc là Hàn quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Phi Luật Tân, bên cạnh là Việt Nam, một khu vực như vậy.

Lần này tôi đặc biệt giảng chú giải của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, ông chú giải quá hay. Khi viết chú giải này, sức khỏe ông không được tốt. Tôi có đến thăm ông mấy lần. Ông ngày đêm không nghỉ. Sau khi hoàn thành chú giải không bao lâu thì ông vãng sinh. Tôi vô cùng cảm tạ ông nên giảng chú giải này một lần lưu lại cho hậu nhân làm kỷ niệm.

Tóm lại, nhờ công đức thỉnh pháp của ngài A nan mà nhân đây Phật mới khai mở pháp môn Tịnh Độ. Công đức đó thật vô cùng thù thắng, chẳng thể nghĩ bàn!

“Bố thí lũy kiếp chư thiên nhân dân, quyên phi nhuyễn động chi loại, công đức bách thiên vạn bội” (Bố thí rất nhiều kiếp cho chư thiên, nhân dân, các loài ngọ nguậy, bay lượn, bò trườn đến trăm ngàn vạn lần):

“Kiếp” là cách gọi tắt của “Kiếp-ba” (Kalpa) của tiếng Phạn, dịch là “Trường thời”. Trí Độ Luận nói: “Núi đá to bốn mươi dặm, có người trường thọ, cứ mỗi trăm năm lại đến một lần, dùng   chiếc áo mềm mại phất qua. Khi hòn đá ấy đã bị phẩy đến mòn nát hết cả rồi mà kiếp vẫn chưa tận”.

“Quyên” là ngọ nguậy, chỉ cho loài trùng nhỏ.

“Quyên phi” là loại trùng nhỏ biết bay.

“Nhuyễn động” còn đọc là “nhụ động” (bò trườn) là loại trùng không chân, chỉ đi bằng cách bò.

– Lời hỏi của A Nan vì sao có công đức đến thế?

– Vì “đương lai chư thiên nhân dân, nhất thiết hàm linh giai nhân nhữ vấn nhi đắc độ thoát cố” (chư thiên nhân dân, hết thảy hàm linh trong tương lai đều nhân lời hỏi của ông mà được độ thoát). “Hàm linh” là loại có linh tánh, tức là chúng sinh. Nhờ câu hỏi của ngài A-Nan nên hôm nay đức Phật giảng pháp môn Tịnh Độ, pháp môn đại viên mãn mà chư Phật Như Lai đều dùng để hóa độ chúng

Pháp môn này là “Phàm thánh tề thâu, lợi độn tất bị, hoành siêu tam giới, kinh đăng tứ độ” (Thâu trọn phàm thánh, lợi độn cùng được độ, hoành siêu tam giới, chóng lên bốn cõi Tịnh Độ) được chư Phật khen ngợi, được các kinh luận cùng nêu là “nhất thừa liễu nghĩa, vạn thiện đồng qui”chẳng thể nghĩ bàn. Tất cả chúng sinh trong tương lai đều do pháp này mà được độ thoát. Vì vậy, đức Phật khen ngợi công đức lời hỏi của ngài A-Nan thật vô cùng thù thắng. Đặc biệt là trong thời mạt pháp, nếu có thể vì tất cả chúng sinh mà thỉnh pháp, lợi ích này sẽ vô cùng lớn, so với thời quá khứ không hề như nhau.

Ngày trước, khoa học kỹ thuật chưa phát triễn, mời pháp sư giảng kinh nói pháp chỉ có thính chúng ở hiện trường đó được lợi ích, thính chúng ngoài hiện trường không cách chi được lợi ích. Cho dù trong thính chúng đó có người phát tâm ghi chép lại những lời giảng của Pháp sư, sau đó in thành sách để lưu thông trong đời, số lượng này vẫn rất là có hạn nên sức ảnh hưởng không thể nào mở rộng.

Hiện tại, máy móc tiến bộ, ngày càng đại chúng hóa, chúng ta ở một nơi giảng kinh, toàn thế giới đều có thể tiếp sóng nghe được. Đường truyền quốc tế còn có hình ảnh, âm thanh, văn tự gần như đồng thời đều có thể xem thấy. Cho nên, công đức thỉnh pháp so với quá khứ thật không biết là mở rộng đến bao nhiêu lần. Từ chỗ này chúng ta thể hội: Phật nói pháp, sức ảnh hưởng càng lớn, mức ảnh hưởng càng sâu, chúng sinh ảnh hưởng càng nhiều. Tất cả chúng sinh nhờ pháp môn này mà được độ nên công đức A Nan thỉnh pháp trước đây sẽ càng lớn, việc này chúng ta phải nên biết. Cho nên, khi A Nan vừa hỏi, đức Thế Tôn liền tán thán, công đức chân thật chẳng thể nghĩ bàn!

KINH VĂN:

A Nan! Như Lai dĩ vô tận đại bi, căng ai tam giới, sở dĩ xuất hưng ư thế, quang xiển đạo giáo, dục chửng quần manh, huệ dĩ chân thật chi lợi, nan trị nan kiến, như Ưu Đàm hoa, hi hữu xuất hiện. Nhữ kim sở vấn, đa sở nhiêu ích.

VIỆT DỊCH:

A Nan! Như Lai do vô tận đại bi, xót thương tam giới, cho nên xuất hiện trong đời, quang xiển đạo giáo, muốn cứu vớt quần manh, ban cho điều lợi chân thật, khó gặp khó thấy, như hoa Ưu Đàm ít khi xuất hiện. Nay lời hỏi của ông gây lợi ích rất nhiều.

GIẢNG:

Đoạn kinh văn này, đầu tiên Phật nói bổn hoài của Như Lai vì sao ứng hóa ở thế gian này. Nói Như Lai”không nói Thế Tôn , ý nghĩa này rất rộng. Mười phương thế giới có vô số chư Phật Như Lai, có rất nhiều Pháp Thân Đại Sĩ, mỗi giờ mỗi phút ứng hóa ở thế gian này, như trong phẩm “Phổ môn” nói: “Đáng dùng thân gì để độ; Phật, Bồ Tát liền hiện ra thân đó để độ”, chúng sinh có thể nghe được những pháp môn nào, Phật liền vì mọi người nói ra pháp môn đó, đây là ứng cơ nói pháp.

– Vì sao Phật phải thị hiện đến thế gian này?

– “Dĩ vô tận đại bi, căng ai tam giới”. Do vô tận đại bi, xót thương tam giới mà Phật thị hiện đến thế gian này. Chữ “vô tận” chính là ý nghĩa chẳng có cùng tận. “Căng ai”: Chữ “căng” là thương tiếc; “ai” là ai mẫn; chính là thương xót chúng sinh. “Tam giới” là ba cõi: Dục giới, Sắc giới, và Vô Sắc giới. Thiện căn, phước đức của chúng sinh đã đến lúc chín muồi. Chỉ cần chúng sinh có ý niệm tha thiết mong cầu giải thoát, không còn có tâm ưa thích thế gian; chư Phật, Bồ Tát liền sẽ hiện thân đến giúp họ. Hiện thân, đây không phải chỉ hiện một loại thân mà có thể là vô lượng, vô biên thân, có thể đồng thời đồng nơi, đồng thời khác nơi, đồng nơi khác thời. Sự thị hiện của Phật, Bồ Tát rất tự tại, không hề có chút chướng ngại. Chỗ này, trên Kinh Hoa Nghiêm nói là “sự sự vô ngại”.

“Sở dĩ xuất hưng ư thế” (Sở dĩ xuất hiện trong đời): Đức Phật vì thương xót hết thảy chúng sinh trong tam giới nên xuất hiện trong đời. Kinh Pháp Hoa nói: “Chư Phật Thế Tôn duy dĩ nhất đại sự nhân duyên cố, xuất hiện ư thế” (Chư Phật Thế Tôn do một đại sự nhân duyên nên xuất hiện trong đời). Đức Thế Tôn cũng vì một đại sự nhân duyên nên tuyên nói nguyện lực của Phật A Di Đà để phổ độ chúng sinh.

“Quang xiển đạo giáo, dục chửng quần manh, huệ dĩ chân thật chi lợi” (Quang xiển đạo giáo, muốn cứu vớt quần manh, ban cho điều lợi chân thật). Ba câu này có thể nói là sự nghiệp cả đời của đức Thích Ca Mâu Ni Phật. “Quang” là quang đại, sáng sủa, rộng lớn, “xiển” là xiển dương, mở bày. “Đạo”, ý nghĩa của chữ này có rất nhiều như: Phật đạo, Bồ Tát đạo, Thanh Văn đạo, Thiên đạo, nhân đạo v.v…, đây là chánh thuyết. Nếu nói một cách khái quát, có thể bao gồm tất cả pháp môn. Chữ “dục” là sở nguyện đại bi của đức Thích Ca. “Chửng” là cứu giúp; “quần manh” là chỉ cho chúng sinh trong sáu cõi, đặc biệt là trong ba đường ác. Chúng sinh trong sáu cõi do mê mất tự tánh, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều trái ngược với chân tướng sự thật, đó chính là tạo nghiệp. Nghiệp mà họ tạo tác nhất định sẽ chiêu cảm thành quả báo.

Hiện tượng của sáu cõi là do nghiệp lực mà biến hiện ra. Nghiệp lực có thiện, có ác: Thiện nghiệp biến hiện ra ba đường thiện, ác nghiệp biến hiện ra ba đường ác. Tiêu chuẩn của thiện ác là tự lợi và lợi tha. Nếu trong cuộc sống thường ngày chúng ta tạo tác chỉ vì “tự lợi”, không màng đến “lợi tha”, thậm chí còn tổn hại người khác, đó là ác nghiệp. Nếu tự lợi đồng thời cũng quan tâm đến lợi tha, đây là “tiểu thiện”. Nếu có thể xả mình vì người, chỉ cần xã hội đại chúng có được lợi ích, nếu phải hy sinh chính mình cũng cam tâm tình nguyện, đó là “đại thiện”. Thiện nghiệp cảm phước báo trời người. Ác nghiệp cảm địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Sáu cõi do đây mà có.

Có người hỏi: – Địa ngục, thiên đường ở đâu? Nếu khoa học không trưng ra chứng cứ, họ sẽ không tin!

Vào thế kỷ trước, có người nêu ra: Địa cầu nầy là quả đất hình tròn đang chuyển động, lúc ấy tuyệt nhiên không có người tin còn đem người này đi treo cổ, xử tử hình, cho rằng họ nói xằng bậy! Hiện tại hoàn toàn đã chứng minh rồi! Người đó bị chết oan   uổng!

Địa ngục đích thật có người thấy, cũng có người đi qua. Nhưng họ nói, mọi nguời vẫn không tin, cho rằng họ đang gạt! Muốn chính mình phải đích thân nhìn thấy mới tin, đó là người rất khó độ!

Gần đây, khoa học gia phát hiện có nhiều tầng không gian khác nhau, gọi là: Không gian ba độ, không gian bốn độ v.v… Duy thứ không gian càng cao, cảnh giới càng không thể nghĩ bàn! Thực tế, không gian của địa ngục, ngạ quỉ, chư thiên v.v… không cùng không gian duy thứ với chúng ta, nên chúng ta không thể nào nhìn thấy họ. Chư Phật, Bồ Tát có năng lực siêu việt tất cả không gian duy thứ, có thể tự do, tự tại bước vào không gian bốn độ, không gian năm độ v.v…thậm chí đến không gian vô hạn độ. Họ có thể rộng độ tất cả chúng sinh. Theo cách nói này, khoa học gia chấp nhận, tuy họ không hoàn toàn tin tưởng, nhưng trên lý luận là có thể.

Ngày nay, khoa học tuy không ngừng tiến bộ, phát triễn, nhưng mong cầu tìm ra phương pháp có thể đột phá được tầng không gian duy thứ, vẫn chưa tìm ra. Nếu tìm được, họ có thể chứng minh có sáu cõi luân hồi.

– Phật pháp dùng phương pháp gì để đột phá?

– Sự việc này chỉ có Phật biết!

– Không gian duy thứ phải chăng vốn dĩ đã có? Do đâu mà hình thành? Phật nói:

– Vốn dĩ không có! Pháp giới chỉ là “Nhất Chân”, làm gì có nhiều thời không cách biệt lớn đến như vậy, không hề có! Thế nhưng, ngày nay nó vẫn là sự thật! Phật nói: Đó là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng sinh mà biến hiện ra. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng sinh vô lượng, vô biên nên không gian duy thứ cũng vô lượng, vô biên. Trên kinh Phật nói mười pháp giới, chính là mười không gian duy thứ khác nhau. Giống như chúng ta xem kênh đài truyền hình có mười kênh đài khác nhau. Kỳ thật kênh đài là vô lượng, vô biên. “Mười” là đại biểu cho vô tận, không phải là số tự thật.

– Làm thế nào đột phá?

– Đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông bỏ thì đột phá! Ngay khi ấy, chín pháp giới, tất cả hàm linh bạn đều thấy cả; tận hư không khắp pháp giới bạn cũng đều tiếp xúc được.

“Huệ dĩ chân thật chi lợi”: “Huệ” là ban cho, cũng có nghĩa là “ân tứ” (thưởng cho).

Theo Thiện Đạo Đại Sư: “chân thật chi lợi” là cái lợi chân thật phát xuất từ thệ nguyện của Phật Di Đà.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Chân thật chi lợi”, ý nghĩa câu này rất sâu. Chữ “chân thật” biểu thị phải tương ứng với Chân như Bổn tánh, lợi ích này mới chân thật. Nếu không tương ứng với Chân Như tự tánh, lợi ích này không phải chân thật; nói cách khác: Không được viên mãn. Ví như bạn đang chịu khổ ở đường ác; Phật, Bồ Tát liền đến giúp bạn thoát khỏi đường ác, sanh đến nhân thiên. Lợi ích này tuy có nhưng không chân thật; vì đến nhân thiên, con người vẫn còn phải luân hồi đọa lạc! Nhân gian gặp được Phật pháp Đại thừa, có thể y giáo phụng hành, vượt thoát ba cõi, sáu đường, chứng quả A-la-hán, Bích Chi Phật hay Bồ Tát, đó là lợi ích rất lớn nhưng vẫn chưa viên mãn nên không xem là lợi ích chân thật. Lợi ích chân thật phải giúp bạn “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Cho nên, hai chữ “chân thật” ở đây, xác quyết là chỉ cho Đại thừa giúp bạn kiến tánh, đoạn hết “Kiến tư phiền não”, “Trần sa phiền não”, “Vô minh phiền não”, lợi ích này mới chân thật.

Người Trung Quốc trí tuệ, hơn hai ngàn năm về trước, Phật pháp từ Ấn Độ truyền đến Trung Quốc, họ chỉ tiếp nhận Phật pháp Đại thừa, không tiếp nhận Tiểu thừa, đây là lợi ích chân thật. Trong lợi ích của Phật pháp Đại thừa, trình độ “chân thật” cũng không như nhau. Bồ Tát có bốn mươi mốt giai đoạn, đầu tiên là “Thập Tín” thì không nói đến, vì “Thập Tín” chưa phá được vô minh. Nói cách khác, “Viên giáo Thập Tín Vị” có thể nói là được đại lợi ích nhưng chưa phải là lợi ích chân thật. Từ Sơ Trụ trở lên mới là chân thật. Từ Sơ Trụ đến Đẳng Giác có bốn mươi mốt ngôi thứ; “chân thật” có lớn, nhỏ không như nhau; “chân thật” cứu cánh viên mãn là “Viên giáo Phật quả”. Cho nên, “chân thật chi lợi” bốn chữ này nếu nói theo nghĩa rộng là đã “phá được một phẩm vô minh, chứng được một phần Pháp Thân”; nếu nói theo nghĩa hẹp là chứng được “Viên giáo Phật quả”, mới là lợi ích chân thật.

– Thích Ca Mâu Ni Phật có ban cho chúng ta “chân thật chi lợi” hay không?

– Có!

– Sao tôi vẫn chưa tiếp nhận được?! Phật đưa hồi nào? Sao tôi không biết?!

– Phật đưa rồi mà bạn vẫn không biết, làm sao bạn có được thọ dụng!

– Lợi ích chân thật này là gì?

– Là bộ Kinh Vô Lượng Thọ dạy bạn ngay trong đời này thành tựu Phật quả cứu cánh viên mãn, không giống như pháp Đại thừa khác không làm được.

Ngày nay, bổn kinh này theo tôi ước tính số lượng hiện tại lưu thông đã vượt qua con số mười triệu quyển. Bạn có được bổn kinh này, chính là Thế Tôn đã đem lợi ích chân thật này tặng cho bạn. Phía trước đã nói qua, mỗi ngày bạn đem kinh này, từ đầu đến cuối đọc qua một lần. Mỗi lần đọc là một lần mười phương tất cả chư Phật Như Lai quán đảnh cho bạn. Thử xem, bạn được bao nhiêu phước báo? Tôi nói như vậy bạn cũng chưa tin!

– Phật quán đảnh cho tôi, sao tôi không hề có cảm giác?!

– Không sai! Bạn không có cảm giác Phật quán đảnh cho bạn vì bạn không có tiếp nhận!

– Làm thế nào mới có thể tiếp nhận?

– Phải có tín tâm, có nguyện tâm, phải biết lý giải: “Tín, giải, hành, chứng”. Cái “chứng” này chính là tiếp nhận, cảm thọ được sự thương yêu gia trì của Phật đối với bạn, đó là “lợi ích chân thật”.

Đại Sư Thiện Đạo nói rất hay: “Chư Phật sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải”. Đó chính là “huệ dĩ chân thật chi lợi”. Đây mới là Như Lai trên quả địa thực hiện đại nguyện: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”, ngài không nói suông. Có thể nói: Chư Phật Như Lai ở thế gian, nếu không nói bộ kinh này thì trái với bổn nguyện của các ngài. Các kinh khác có thể không giảng, nhưng bộ kinh này không thể không giảng. Vì sao? Vì các kinh khác, pháp môn kinh luận, mức độ ứng cơ không rộng, chỉ dành cho một số đối tượng đặc thù.

Trong Thiền tông, Đại Sư Huệ Năng đã nói rõ trên Đàn Kinh: Đối tượng của ngài là người “thượng thượng căn”. Hay nói cách khác, người thượng, trung, hạ căn nhất định không có phần! Đó không phải là pháp môn phổ độ, hơn nữa thành tựu cũng không phải là cứu cánh viên mãn. Họ có thể giúp bạn “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, cao nhất cũng không vượt qua Bồ Tát Thập Trụ,Thập Hạnh vị, chỉ cao đến đó. Đây không phải là bổn hoài của chư Phật độ chúng sinh.

Tất cả chư Phật độ chúng sinh, luôn hy vọng chúng sinh mau thành Phật, bình đẳng làm Phật giống như các ngài. Không như người thế gian chỉ thành tựu chính mình; nếu có giúp người khác, chỉ mong sự thành tựu của họ phải kém hơn mình một chút. Đó là tâm luân hồi của phàm phu. Riêng tôi, cũng mong muốn học trò tôi mau thành tựu, tất cả đều có thể vượt qua tôi, vậy là tôi thoái hưu được rồi! Ngày ngày du sơn ngoạn thủy, thật an vui, tự tại dường nào! Tôi hy vọng mọi người vượt qua tôi, đã nghĩ như vậy đến mười mấy năm rồi!

Tóm lại, bình đẳng làm Phật chỉ có Pháp môn Tịnh Độ, Cổ đức nói: “Có thể khiến cho người ‘ngũ thừa’ được vào Báo độ”, đó là tán thán cực điểm đối với pháp môn Tịnh Độ. Hơn nữa, tán thán không chút nào khoa trương, Thế Tôn cũng như A Di Đà Phật trên kinh này đều nói: Chỉ cần sinh đến Tây Phương Cực Lạc, không luận bạn thuộc đẳng cấp nào, đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát. A Duy Việt Trí, đại đức xưa chú giải rất rõ, đó là Thất Địa trở lên. Nên biết: phải đời đời kiếp kiếp khó nhọc tu hành mới có thể chứng được quả vị Sơ Trụ. Từ Sơ Trụ đến Thất Địa phải trải qua hai A-tăng-kỳ kiếp tu hành; mới thấy được các pháp môn khác tu khổ cực dường nào!

Trong Niệm Phật Đường này của chúng ta, người niệm Phật căn tánh lanh lợi chỉ mấy ngày liền có thể thành tựu. Người căn tánh chậm lụt, từ ba đến năm năm cũng thành tựu, chứng tỏ người thế gian niệm Phật từ ba đến năm năm, kết quả vượt qua Pháp Thân Đại Sĩ hai A-tăng-kỳ kiếp. Đây mới gọi là “chân thật chi lợi”.

Niệm Phật hồng danh thật quá ư huyền diệu! Phương pháp này dạy ta phải “phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Nếu chỉ “một lòng chuyên niệm”, không “phát tâm Bồ Đề” thì ngay đời này bạn chưa thể thành tựu, chỉ là kết thiện duyên với Phật A Di Đà mà thôi. Nếu “phát tâm Bồ Đề”, niệm Phật dù ít cũng có thể vãng sinh.

Đại Sư Ngẫu Ích trong Kinh Di Đà Yếu Giải nói: “Người niệm Phật có thể vãng sinh hay không là do có tín nguyện hay không. Tín, nguyện là tâm Bồ Đề, sinh đến thế giới Tây Phương Cực   Lạc, phẩm vị cao thấp là do công phu niệm Phật sâu hay cạn. Công phu niệm Phật cạn, phẩm vị vãng sinh thấp. Công phu niệm Phật sâu, phẩm vị vãng sinh cao?”. Lời của Đại Sư nói chính là ý của Phật Di Đà.

– Làm sao biết được là ý của Phật A Di Đà?

– Ấn Tổ nói với chúng ta: “Kinh A Di Đà mà Đại Sư Ngẫu Ích chú giải đích thật là bổn ý của Phật A Di Đà” cho nên, tâm Bồ Đề phải phát.

– Làm thế nào phát tâm Bồ Đề?

– Đại Sư Ngẫu Ích nói trong Yếu Giải: “Một lòng chuyên chú cầu sinh Tịnh Độ, tâm này chính là tâm Vô thượng Bồ Đề”. Nếu đối với thế gian còn có vướng mắc, bận lòng, tâm Bồ Đề của bạn chưa phát! Bạn chưa triệt để buông bỏ! Cho nên, người phát tâm Bồ Đề, đối với thế, xuất thế gian pháp đều phải buông bỏ, tâm địa thanh tịnh, một trần không nhiễm. Sau đó, một lòng chuyên niệm, trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật, rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, như vậy mà niệm Phật, quyết được vãng sinh. Đây là lợi ích chân thật. Chỉ có phương pháp này mới chân thật mãn hoằng nguyện của tất cả chư Phật cứu hộ chúng

“Quang xiển đạo giáo” là hoằng pháp, “dục chửng quần manh, huệ dĩ chân thật chi lợi” là lợi sanh, quyết không vì chính mình. Có thể lợi ích tất cả chúng sinh mới chân thật là lợi ích chính mình. Mỗi niệm vì quang đại Phật pháp, chỉ có Phật pháp mới có thể cứu độ tất cả chúng sinh trong mười pháp giới.

– Chúng ta phát tâm xuất gia là vì mục đích gì?

– Chính vì sự việc “hoằng pháp lợi sinh”. Cho nên, nhất định phải làm tốt, phải “y giáo phụng hành”, cụ thể là: Năng tín, năng giải, năng nguyện, năng hành. Những gì trên kinh Phật dạy nên làm, chúng ta quyết tâm nỗ lực mà làm. Những gì Phật dạy không nên làm, chúng ta nhất định tuân thủ; không những thân không làm mà ý niệm cũng không khởi, vậy mới chân thật là học Phật. Học Phật là học tập với Phật.

“Nan trị, nan kiến” (khó gặp, khó thấy): “Nan trị”: “trị” là gặp, “kiến” là thấy; “nan trị nan kiến” là khó gặp, khó thấy. Chúng ta từ trong Di Lặc Hạ Sinh Kinh có thể thấy: Sau khi đức Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, sức ảnh hưởng của ngài suốt bốn mươi chín năm hành đạo, trong Phật pháp gọi là “Pháp vận”. “Pháp vận” của Thích Ca Mâu Ni Phật là mười hai ngàn năm.

Căn cứ theo ghi chép của người Trung Quốc, Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ đến nay là ba ngàn, không trăm hai mươi mấy năm. Như vậy, “Pháp vận” của ngài còn khoảng chín ngàn năm. Sau chín ngàn năm, thế gian này không có Phật pháp. Mãi đến khi Bồ Tát Di Lặc hạ sinh, thị hiện ở nhân gian thành Phật, phải đợi đến gần năm mươi bảy ức vạn năm. Khoảng trống thời gian này quá dài không có Phật pháp, chân thật là “nan trị, nan kiến” (khó gặp, khó thấy). Lại nữa, chúng ta trôi lăn trong sáu cõi luân hồi, đời đời kiếp kiếp xả thân, thọ thân, không thể nói mỗi lần được thân người đều được nghe Phật pháp. Không thể nào có! Nếu dễ có như vậy chúng ta đều sớm đã thành Phật rồi, đâu còn là phàm phu. Cho nên, Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, cơ hội này quá ít!

Khi tôi học Phật, tôi theo lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam mười năm. Thầy Lý mỗi tuần giảng kinh hai lần, suốt ba mươi tám năm không hề gián đoạn. Mỗi lần thầy lên lớp giảng kinh, tôi chưa từng để lỡ qua một lần nào. Thỉnh thoảng bên ngoài mời thầy đi giảng, chúng tôi cũng đi theo. Chúng tôi phát tâm làm chúng thường tùy của thầy, đại khái có khoảng hai, ba mươi người hoàn toàn không vắng mặt buổi giảng nào. Đó là chúng tôi sâu sắc hiểu rõ cơ hội này hi hữu khó gặp, trừ khi lâm bệnh thì hết cách! Bất cứ nhân duyên nào cũng đều không thể trở ngại.

Như Ưu Đàm hoa, hi hữu xuất hiện”: Hoa Ưu Đàm (Udumbara) còn gọi là hoa Đàm. Loại hoa Đàm ở thế gian chúng ta nở vào nửa đêm, thời gian nở rất ngắn; chỉ sau hai, ba giờ đồng hồ thì úa tàn. Muốn xem hoa Đàm, nhất định phải đợi đến nửa đêm mới có thể xem thấy. Đây là hình ảnh biểu trưng cho sự hi hữu khó gặp. Sau này, trong lần giảng “Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa”, Hòa Thượng Tịnh Không lại một lần nữa đề cập đến hoa Ưu Đàm này, có thêm vài chi tiết có phần mới mẻ và khác biệt hơn trước, xin nêu ra đây:

Hoa Ưu Đàm có chỗ dịch là Linh Thụy Hoa. Lá nó giống như lá cây lê, quả lớn bằng nắm tay, vị ngọt, không hoa mà kết trái. Tuy có hoa nhưng rất ít khi thấy được hoa. Hoa Ưu Đàm xuất hiện ở vùng nhiệt đới, gần đường xích đạo như ở Mã Lai, Úc Châu v.v… đều có hoa này. Hoa nở lúc mười hai giờ đêm, vừa nở chỉ khoảng trong mười phút nó liền khép lại.

Kinh Bát Niết Bàn chép: “Hữu tôn thụ vương, danh Ưu Đàm Bát, hữu thực vô hoa, nhược kim hoa sanh giả, thế nãi hữu Phật”(Có loại cây tôn quí là vua của các loài cây, tên là Ưu Đàm Bát, có trái, không hoa. Nếu nó sinh kim hoa, trong cõi đời bèn có Phật).

Kinh Văn Thù Hiện Pháp Tạng lại chép: “Vô Phật thế, hữu thực vô hoa”(Nhằm đời không có Phật, cây ấy chỉ có trái chớ không có hoa).

Vì thổ nhưỡng và khí hậu không giống nhau, Hòa Thượng tin rằng chắc chắn không phải chỉ có một loại Ưu Đàm, mà rất nhiều loại: Có loại kết trái, có loại không kết trái, có loại hoa Đàm mỗi năm đều nở, thời gian nở rất ngắn cũng vào lúc mười hai giờ đêm. Căn cứ vào kinh điển cho thấy hoa này rất hi hữu, khó gặp, chỉ khi Phật xuất thế mới nở, được ví như giáo pháp chân thật của Phật khó có thể gặp gỡ. Quả thật là khó thể gặp được.

Kinh điển từ xưa đến nay, số lượng lưu thông không lớn. Nhờ sự tiến bộ khoa học, những năm gần đây, tuy việc lưu thông so với trước kia thù thắng hơn nhiều, nhưng trong toàn cả Phật môn, số đông đại chúng tu hành, khi nghe đến bộ kinh này hoan hỉ tín thọ phụng hành vẫn là thiểu số!

– Do nguyên nhân gì?

– Nhất định phải do cơ duyên thành Phật đã đến, họ gặp kinh này mới có thể sinh tâm hoan hỉ. Đông đảo đại chúng có mấy ai mong muốn trong một đời này thành Phật? Đương nhiên là số rất ít! Thử nghĩ: Cư dân trên địa cầu có khoảng sáu mươi lăm ức người. Trong số đó, người tín ngưỡng Phật chỉ có trên dưới sáu ức người. Trong sáu ức người này, có bao nhiêu người thật sự gặp được Phật pháp? Nếu phân tích đến tận cùng, thật chẳng còn lại bao nhiêu! Thầm nghĩ chính mình là một trong thiểu số nhóm người đó. Thật vô cùng may mắn, không phải dễ dàng!

“Nhữ kim sở vấn, đa sở nhiêu ích” (Nay lời hỏi của ông, gây nhiều lợi ích): Phật nói lời này thật không chút quá đáng. Nhân lời hỏi của A Nan mà bổn hoài của đấng Thích Tôn được mở toang, hoằng nguyện của Phật Di Đà được tỏ rõ, nên Phật bèn đem pháp chân thật này giải bày hầu lợi ích tất cả chúng sinh. Hiểu được đạo lý này, chúng ta có thể đem Pháp môn, kinh điển này tái bản, in ấn càng nhiều càng tốt để lưu thông giới thiệu cho mọi người thì lợi ích này cùng lợi ích của lời A Nan khải thỉnh Phật không hai, không khác.