27 Câu Hỏi Phật Học

Tác Giả: Ấn Quang Đại Sư

Trả lời những câu hỏi của cư sĩ Khúc Thiên Tường (hai mươi bảy câu)
(năm Dân Quốc 21 – 1932)
Trích Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

1) Hỏi: Nguyên nhân khiến đệ tử tin Phật bắt nguồn từ việc nghiên cứu thuật Thôi Miên. Xưa kia con đã nghe tục ngữ có câu: “Chín lần tu làm thiên tử, mười lần tu làm Phật”, nghĩ rằng tu mười đời mới thành tựu được, thường sợ bỏ dở giữa đường, phí sạch hết công lao [tu tập] từ trước. Nếu sớm biết sẽ thành tựu ngay trong đời này thì đã sớm niệm Phật rồi. Tuổi con đã hai mươi bảy, rất hối hận đã phát tâm trễ tràng.

Đáp: “Chín lần tu làm thiên tử, mười lần tu làm Phật” chính là lời nói nhảm của kẻ chẳng biết gì về Phật pháp. Người biết Phật sẽ trọn chẳng nói câu đó. Pháp môn Tịnh Độ chính là cậy vào Phật lực để liễu sanh tử, đều phải có đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, quyết định mong cầu đến lúc lâm chung vãng sanh Tây Phương. Nếu chẳng cậy vào Phật lực mà muốn liễu sanh tử thì ngàn đời vạn kiếp chẳng thể liễu thoát rất nhiều!

2) Hỏi: Con tin tưởng tịnh tâm sẽ thành Phật, giống như trong thuật Thôi Miên ắt phải trầm tĩnh rồi sau đấy mới có hiện tượng chẳng thể nghĩ bàn.

Đáp: Tịnh tâm niệm Phật quán Phật sẽ dễ tương ứng với Phật. Nếu có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, chắc chắn được vãng sanh, rồi sẽ dần dần tấn tu, ắt sẽ thành Phật. Đừng nên nói “hiện tại tịnh tâm sẽ được thành Phật!”

3) Hỏi: Con tin tưởng nhờ cậy vào Phật lực, như trong thuật Thôi Miên tự thôi miên chính mình sẽ khó hơn bị người khác thôi miên. Vì thế biết là Tự Lực chẳng bằng Tha Lực.

Đáp: Hết thảy pháp môn đều phải cậy vào Tự Lực để đoạn Hoặc chứng Chân hầu liễu sanh thoát tử, như người thọt chân tự đi, một ngày khó đi được trăm dặm. Pháp môn Tịnh Độ nương vào sức Từ của Phật sẽ có thể đới nghiệp vãng sanh, giống như kẻ thọt chân ngồi trên bánh xe báu của Chuyển Luân Thánh Vương, trong một ngày đến khắp bốn châu, làm sao có thể lấy chuyện Thôi Miên để chứng minh cho được!

4) Hỏi: Miệng niệm Phật, tâm tưởng Phật, [vậy thì] đức Phật được tưởng ấy có giống như [đức Phật được tưởng trong] phép Quán thứ tám[6] của Quán Kinh hay không?

Đáp: Quán tưởng phải bắt đầu tu tập từ phép Quán thứ mười ba[7]. Nếu không, cảnh tế tâm thô, khó thể thành tựu, hoặc nếu như dụng tâm không thích đáng sẽ dấy lên ma sự.

5) Hỏi: Như khi gặp nguy hiểm, lâm vào tình thế chẳng thể cùng một lúc kiêm tụng các chú thì hãy nên ứng dụng như thế nào?

Đáp: Gặp phải tai nạn cực nguy hiểm, chỉ nên niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát là đỡ tốn tâm lực nhất, [lại] có cảm ứng nhiều nhất.

6) Hỏi: Nếu chuyên tụng Phật hiệu, hiệu lực so với thần chú như thế nào?

Đáp: Phật hiệu và thần chú có công đức giống hệt như nhau, chỉ do lòng chí thành thì mới có cảm ứng. Nếu trong tâm trước hết đã khởi lên ý niệm coi thường Phật hiệu thì sẽ chẳng có lợi ích gì, vì đã không chí thành lại còn ngờ vực nên chẳng được lợi ích chân thật.

7) Hỏi: “Duy tâm Tịnh Độ tự tánh Di Đà” với “Tịnh Độ và đức Phật ở Tây Phương” là một nhưng mà hai, là hai nhưng mà một phải không?

Đáp: Có duy tâm Tịnh Độ thì mới sanh về Tây Phương Tịnh Độ. Nếu tự tâm chẳng tịnh, làm sao vãng sanh được? Dẫu là kẻ tội nhân nghịch ác nhưng do niệm Phật mười tiếng bèn được vãng sanh là vì tịnh tâm niệm Phật mà cảm được [quả báo] vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Trong đời lắm kẻ tưởng “duy tâm là không có cõi nước”, trở thành tri kiến của tà ma, ngoại đạo! Loại tà kiến tựa hồ là đúng nhưng thật ra là sai ấy chiếm hơn quá nửa đến nỗi người niệm Phật chẳng được lợi ích thật sự, mà vẫn tưởng mình là cao minh, chẳng biết đấy là tà kiến “chấp lý phế sự, tự lầm, lầm người!” Do tự tánh Di Đà nên phải niệm đức Di Đà ở Tây Phương để cầu vãng sanh hòng tấn tu dần dần để có đích thân chứng được Di Đà nơi tự tánh. Nếu chỉ chấp vào tự tánh Di Đà, chẳng niệm đức Di Đà ở Tây Phương, dẫu có ngộ thật sự vẫn không thể liễu sanh tử được! Huống chi những kẻ nói lời ấy toàn là bọn chấp chặt một bề, toàn là phường nói xuông! “Là một nhưng hai” là chuyện trước khi thành Phật, “tuy hai nhưng một” là chuyện sau khi đã thành Phật.

8) Hỏi: “Sanh thì quyết định sanh, đi thì chẳng thật sự đi”, sanh và đi đều chỉ cho điều gì?

Đáp: “Sanh thì quyết định sanh” là nói theo mặt Sự. “Đi chẳng thật sự đi” là nói theo mặt Lý. Chẳng biết cội nguồn của Sự – Lý thì tốt hơn là hãy chất phác niệm Phật theo sự tướng. Nếu không, ắt sẽ trở thành bọn tà ma, ngoại đạo chấp lý phế sự.

9) Hỏi: Người tên X… nọ khi mạng chung chợt nói: “Tịnh Độ ngay trong góc sân”, vậy cõi đất này là Tịnh Độ ư?

Đáp: Đấy chính là nghĩa lý “duy tâm Tịnh Độ” phát hiện. “Duy tâm Tịnh Độ” chính là cảnh của một mình người đó, ngoài ra đều là duy tâm uế độ. Há có nên dựa theo cái thấy của người ấy để phán đoán ư?

10) Tụng kinh có phải là để làm cho chính mình sanh tâm hoan hỷ, chán lìa, hay là còn có tác dụng chi khác?

Đáp: Ông tụng kinh chỉ biết cầu hoan hỷ cho chính mình, đáng tiếc là vô biên diệu nghĩa bị ông xem chẳng đáng một đồng!

11) Hỏi: Hiểu Đệ Nhất Nghĩa là như thế nào?

Đáp: Hiểu Đệ Nhất Nghĩa tức là triệt ngộ diệu lý Thật Tướng, duy tâm tự tánh.

12) Hỏi: Cái tánh còn lại sau khi chết, [cái tánh đi] vãng sanh, và Phật tánh có những điểm giống nhau, khác nhau như thế nào?

Đáp: Cái tánh của hết thảy chúng sanh trước khi sanh ra sau khi chết đi, cái tánh vãng sanh và Phật tánh [ba tánh ấy] đồng nhưng bất đồng, bất đồng nhưng đồng. Gọi là đồng vì bản thể của tâm tánh không hai. Nói là bất đồng vì do mê hay ngộ nên sai khác vời vợi một trời, một vực! Do có nghĩa này nên dạy người đoạn Hoặc chứng Chân để mong đích thân chứng được tâm tánh vốn đồng ấy. Chỉ có Thể là đồng, nhưng do mê chưa chứng nên bày ra đủ mọi pháp khiến cho họ bỏ vọng về với chân, trái trần hiệp giác hòng đích thân chứng được. Cách tu rất nhiều, chỉ có niệm Phật cầu sanh Tây Phương là dễ thực hiện nhất, dễ thành tựu nhất!

13) Hỏi: Phật dạy tu Quán chính là vì chúng sanh đời sau ác trược chẳng lành bị năm thứ khổ bức bách mà lập giáo. Nếu dùng Thôi Miên để bộc lộ Thiên Nhãn Thông ngõ hầu nói ra để chứng minh thì hiển hiện cõi nước Cực Lạc cũng chẳng phải là chuyện khó. Huống chi rất cần chứng minh cho việc niệm Phật, sao không khuyên người tu Quán mà lại bảo đó là chuyện khó khăn?

Đáp: Thôi Miên là do sức [huyễn] thuật, há phải là thật sự có Thiên Nhãn Thông ư? Người thật sự có Thiên Nhãn Thông há chịu để cho người khác thôi miên! Ông nay đã học Phật, hãy nên chuyên chí học Phật. [Muốn] hiện cõi Cực Lạc, chỉ dùng tịnh tâm mà niệm cho chuyên nhất thì sẽ làm được. Ví như mài gương, mài đến cùng cực thì [gương] tự nhiên tỏa sáng. Dùng thuật Thôi Miên để hiện thì trước hết tâm đã chẳng tịnh, niệm cũng chẳng chuyên nhất, ví như dùng bột trắng xoa lên gương mà cứ mong gương tỏa sáng, chẳng biết là đã phủ lấp tấm gương càng dầy vậy!

14) Hỏi: Tu Quán có phải là cậy vào Phật lực hay không? Trong phép Quán thứ mười ba [của Quán Kinh] có nói: “Vô Lượng Thọ Phật thân lượng vô biên, tâm lực của phàm phu chẳng thể thấu hiểu được, nhưng do sức túc nguyện của đức Như Lai ấy nên có kẻ ức tưởng ắt được thành tựu”. Điểm khác biệt giữa phép Quán này và tham Thiền là gì? So với tham Thiền có dễ hơn hay không?

Đáp: Tham Thiền chỉ cốt suy cứu tự tâm, niệm Phật kiêm cậy vào Phật lực. Hai pháp đạt đến rốt ráo viên thành thì hoàn toàn giống như nhau, nhưng dụng công trong lúc tu trì thì rất khác biệt. Ví như đi đường ngồi thuyền hay ngồi xe khác nhau, nhưng về đến nhà thì giống như nhau.

15) Hỏi: Tu Quán là tưởng hay là quán, hay dùng cả quán lẫn tưởng? Lấy gần hay lấy xa?

Đáp: Hai chữ “quán tưởng” há nên chia ra làm đôi! Nhiếp tâm để tưởng chính là quán. Ông nghĩ là hai tức là trở thành chỉ biết [mười bằng] một nhân với mười, chẳng biết [con số mười ấy] nó cũng là hai lần năm. Hơn nữa, quán tưởng sao có thể chia ra thành gần hay xa cho được!

16) Hỏi: Mỗi phép Quán phải cần [tu tập] tối thiểu bao nhiêu ngày?

Đáp: Ông cho rằng tu một phép Quán này mấy ngày, rồi sẽ tu pháp Quán khác đó ư? Chẳng biết đức Phật tuy nói mười sáu phép Quán nhưng thoạt đầu hãy nên thực hành phép Quán thứ mười ba thì mới là tu khế lý khế cơ.

17) Hỏi: Thoạt đầu là tưởng tượng thì chẳng phải là lan man ư?

Đáp: Đã biết như trên đã nói thì cứ dựa theo đó mà suy.

18) Hỏi: Phép Quán đầu tiên là nhất tâm tưởng mặt trời, hay là phải ngầm trì danh hiệu?

Đáp: Quán và Trì Danh vốn là một chuyện, ông cho rằng khi quán thì chẳng thể trì danh, chẳng được trì danh hay sao?

19) Hỏi: Khi ngồi thì tu Quán, những lúc khác thì trì danh, so với chuyên trì một thứ thì là hơn hay kém?

Đáp: Có cái tâm trầm tĩnh, kín đáo, thuần túy thì tu Quán cũng tốt mà trì danh cũng hay. Nếu không, so ra trì danh ổn thỏa hơn, bởi tâm chí sôi động, hời hợt, vọng động mà tu Quán thì sẽ bị nhiều ma sự.

20) Hỏi: Quán thấy cõi nước Cực Lạc thì đấy có phải là Tịnh Độ thật sự hay là tướng giả hiện?

Đáp: Quán thấy Cực Lạc chính là do duy tâm biến hiện, bảo đó là giả thì trở thành gã đứng ngoài cửa mất rồi!

21) Hỏi: Quán thấy cõi Cực Lạc và được nghe pháp thì có phải là Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông hay không?

Đáp: Đấy chính là do sức Quán tạo nên. Nếu là Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ thì không cần quán cũng vẫn thấy nghe được.

22) Hỏi: Có người nói thấy Phật chính là [thấy] vị Phật ở trong tâm chứ không phải là [thấy] vị Phật ở Tây Phương. Nếu đúng như vậy thì khi vãng sanh, vị Phật trong tâm có hiện ra hay không? Hay là A Di Đà Phật đến tiếp dẫn?

Đáp: Lâm chung thấy Phật chính là đức Phật do tự tâm cảm thành, chớ nên quy hết về tự tâm rồi nói rằng “không có chuyện Phật đến đón!”

23) Hỏi: Còn như khi tu phép Quán thứ mười ba, lúc ấy có thể tùy ý vãng sanh hay không? Hay phải đợi đến khi lâm chung mới có thể vãng sanh?

Đáp: Nghiệp báo chưa tận, làm sao vãng sanh ngay được? Xưa kia cũng có người [làm được như vậy], nhưng không thể áp dụng cho hết thảy mọi người được!

24) Hỏi: Quán đến khi thấy Phật nghe pháp rồi, mỗi ngày lại quán có cần phải bắt đầu quán từ phép Quán đầu tiên hay không?

Đáp: Quán tưởng thì chỉ cần quán sao cho đắc lực, cần gì phải từ đầu đến đuôi, hằng ngày tập đi tập lại! Phật nói ra mười sáu phép Quán thì những phép Quán đầu nhằm khiến cho con người biết đến sự trang nghiêm của Cực Lạc, [các phép Quán] về chín phẩm vãng sanh ở phần sau nhằm làm cho con người biết nhân quả của phép được tu. Mỗi phép Quán đã biết thì qua một phép quán Phật sẽ có thể quán trọn vẹn các phép Quán kia.

25) Hỏi: Từ phép Quán thứ mười bốn trở đi chính là [quán] các phẩm vãng sanh. Đã không có cảnh để hiện mà dạy quán, nghĩa là làm sao?

Đáp: Nghĩa này đã nói rồi. Hãy xem những điều đã nói ở phần trên.

26) Hỏi: Những người vãng sanh trên đây dường như chẳng phải là những vị do tu Quán mà vãng sanh, chẳng biết nên tưởng sự vãng sanh của người tu Quán như thế nào?

Đáp: Phẩm vị của người vãng sanh muôn sai ngàn khác, trong kinh chỉ dùng chín phẩm để nói tóm gọn, sao ông biết những người vãng sanh trên đây chẳng do tu Quán mà được vãng sanh? Phải biết: Căn tánh con người bất đồng, dẫu chỉ [cùng là] một pháp mà vẫn có cao – thấp rất khác nhau, há nên câu nệ nơi pháp được tu ư? Ấy là do khả năng trong tâm địa của mỗi người, ông cho rằng các vị như Văn Thù, Phổ Hiền… chẳng tu Quán ư?

27) Hỏi: Nhớ số niệm Phật: Hít vào niệm sáu câu, thở ra niệm bốn câu là như thế nào? Tâm đã nhớ số lại niệm Phật, rồi lại phải tưởng Phật nữa ư?

Đáp: Niệm Phật nhớ số là từ một đến ba, từ bốn đến sáu, từ bảy đến mười, sao lại hạn định trong hơi thở? Ông là kẻ học luyện đan vận khí nên mới thấy một hai chữ hơi tương tự, liền nói đó là công phu của họ. Cách niệm Phật nhớ số là vì kẻ vọng tâm khó chế ngự mà đặt ra. Niệm được như thế, ghi nhớ như thế, lắng nghe như thế, chắc chắn tâm sẽ dần dần điều phục. Ở đây có ai dạy ông thêm vào hai chữ “tưởng Phật” đâu? Ở đây là tùy tiện niệm, nào phải bận tâm thở ra hay hít vào? Nếu hít thở như thế lâu ngày sẽ bị tổn khí mắc bệnh, chẳng thể không biết [điều này]!

————————————————

[1] Ý nói: Phải tích cực làm lành (tức là có thực hiện điều thiện thì mới là làm lành), chứ không phải như bọn Lý học rêu rao “hễ có làm gì để làm lành thì là ác”. Các nhà Lý Học không hiểu thánh hiền đạo Nho dạy “không có gì để làm mới là làm lành” chính là làm lành nhưng không chấp trước vào việc làm lành, làm lành với tâm không phân biệt, tự nhiên làm lành như đói cần ăn, khát cần uống, nên làm lành mà cũng như không làm lành.

[2] Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử và 72 môn đệ (Thất Thập Nhị Hiền). Tại Văn Chỉ (một hình thức thu gọn của Văn Miếu tại mỗi làng), những người có chí khí, danh tiết cao đẹp trong làng cũng được thờ trong gian bên cạnh hoặc nơi bàn thờ phụ, gọi là “thờ phối hưởng”.

[3] Câu nói này vốn dựa theo ý một câu nói của La Thiệu Uy vào cuối đời Đường. Theo Tư Trị Thông Giám, nguyên văn câu nói của La Thiệu Uy là: “Hợp lục châu tứ thập tam huyện thiết bất năng chú thử thác” (Gộp sắt của bốn mươi ba huyện trong sáu châu cũng không đúc được lỗi lầm này). Nguyên lai, vào cuối đời Đường, các phiên trấn (những tướng lãnh nắm giữ binh quyền tại các địa phương) thế lực rất lớn. Khi Điền Thừa Tự giữ chức Tiết Độ Sứ vùng Ngụy Bác (bao gồm sáu châu Ngụy, Bác, Tương, Vệ, Bối, Đàn, nay thuộc vùng duyên hải của Bột Hải thuộc phía Bắc Hoàng Hà) đã tuyển lựa những quân sĩ thân tín, chu cấp hậu hĩnh, huấn luyện kỹ càng, tổ chức thành một đội quân tự vệ, gọi là Nha Quân. Đến khi La Thiệu Uy làm Tiết Độ Sứ vùng Ngụy Bác, Nha Quân thế lực quá lớn, kiêu binh tung hoành không thể kiềm chế được, thậm chí đôi khi còn làm loạn, giết cả Tiết Độ Sứ. Năm Thiên Hựu thứ hai đời Đường Chiêu Tông, một viên chỉ huy của Nha Quân là Lý Công Toàn gây binh biến, La Thiệu Uy bèn cầu cứu viên Tiết Độ Sứ có thế lực mạnh nhất thời ấy là Vũ Châu Ôn (ông này làm Tiết Độ Sứ vùng Tuyên Vũ, nay thuộc huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam). Châu Ôn liền phái bảy vạn nhân mã tiến vào Ngụy Bác, giết được tám ngàn Nha Quân, dần dần dẹp tan sự đối kháng của Nha Quân. Để cung cấp cho quân đội của Châu Ôn, La Thiệu Uy đã phải tốn hơn nửa ức tiền, giết đến gần bảy chục vạn trâu dê cho quân Châu Ôn ăn trong nửa năm, tốn kém lương thảo vô số. Lúc quân Châu Ôn rút đi, lại còn phải biếu tặng cả trăm vạn quan tiền. Từ đấy, vùng Ngụy Bác suy sụp, kiệt quệ, hoàn toàn không còn sức đối kháng ngoại địch. Như vậy, tuy La Thiệu Uy trừ được mối lo do Nha Quân gây ra, nhưng cũng đồng thời tự diệt sạch lực lượng chính bảo vệ vùng Ngụy Bác, hoàn toàn chịu sự chi phối của Châu Ôn. Do đó, La Thiệu Uy mới hối hận thốt lên thời than thở như vậy. Từ câu nói ấy đã phát sanh thành ngữ ‘chú thành đại thác’ vốn thường được dùng để chỉ lỗi lầm chết người do ham mối lợi nhỏ trước mắt mà ra.

[4] Theo thiên Nghệ Văn Chí trong Tống Sử và sách Quận Trai Độc Thư Phụ Chí, ẩn sĩ Lý Xương Linh đời Tống đã biên soạn cuốn Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, thác danh Thái Thượng Lão Quân giáng cơ. Tuy thế, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đồng ý ai thật sự là tác giả của cuốn sách này. Do nội dung sách này khuyến thiện làm lành rất tích cực, nó được người Trung Hoa rất ngưỡng mộ, cũng như được rất nhiều người viết lời chú giải. Sách càng được nổi tiếng lưu hành mạnh mẽ hơn khi được học giả Huệ Đống đời Thanh chú giải tường tận, cho đến hiện thời cuốn sách này vẫn được lưu hành rất rộng và được Phật môn Trung Hoa rất coi trọng.

[5] Âm Chất Văn tên gọi đầy đủ là Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, chưa rõ ai là tác giả. Châu Khuê đời Thanh khi giảo chánh cuốn Âm Chất Văn Chú đã nhận định: “Âm Chất Văn nói những chuyện liên quan đến đời Tống, ắt phải do người đời Tống biên soạn”. Học giả Tửu Tỉnh Trung Phu của Nhật lại cho rằng tác phẩm này phải được hình thành vào cuối đời Minh, nhưng không đưa bằng chứng đủ tính thuyết phục nào. Dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của Âm Chất Văn, các đạo sĩ đã biên soạn Văn Đế Cứu Kiếp Kinh và Văn Đế Diên Tự Kinh để tiếp tục xiển dương tư tưởng khuyến thiện trừng ác trong Âm Chất Văn. Âm Chất Văn thác danh Văn Xương Đế Quân giáng cơ. Văn Xương Đế Quân vốn còn gọi là Tử Đồng Đế Quân, theo truyền thuyết vốn là Trương Á Tử, làm quan đời Tấn, chết trận, được dân chúng lập miếu thờ, rất hiển linh. Do các đạo sĩ đời Tống – Nguyên viết truyện nói ông Trương được Thượng Đế sắc phong làm Tử Đồng Đế Quân và đã nhiều lần giáng thế, được thiên đình giao cho nhiệm vụ chưởng quản phủ Văn Xương chuyên coi về việc học hành, thi cử, quan chức của thế gian nên còn có tên là Văn Xương Đế Quân. Do vậy, năm Diên Hựu thứ ba (1316) đời Nguyên, vua đã sắc phong cho Văn Xương Đế Quân một tước hiệu thật dài “Tử Đồng Thần Vi Phụ Nguyên Khai Hóa Văn Xương Tư Lộc Hoằng Nhân Đế Quân”. Chữ Âm Chất phát xuất từ thiên Hồng Phạm sách Thượng Thư: “Duy thiên âm chất hạ dân” thường được giải thích là “trời ngấm ngầm bảo vệ, che chở muôn dân”. Từ đó, Âm Chất được hiểu là làm những việc công đức ngấm ngầm, không khoe khoang, rêu rao cho người khác biết. Đặc điểm của Âm Chất Văn là dung thông những quan điểm của Tam Giáo, đặc biệt đề cao nhân quả, luân hồi, báo ứng, nên rất được Phật môn Trung Hoa coi trọng.

[6] Phép Quán thứ tám là tổng quán Tây Phương Tam Thánh cùng với cảnh giới trang nghiêm của cõi Cực Lạc, kinh dạy: “Muốn quán Phật Vô Lượng Thọ trước phải tưởng hình tượng làm sao cho khi nhắm mắt, mở mắt đều thấy một tượng báu như sắc vàng Diêm Phù Ðàn, ngồi trên tòa sen kia. Lúc thấy Phật tượng rồi, tâm nhãn tự được mở mang rõ ràng sáng suốt. Bấy giờ hành giả thấy cõi Cực Lạc bảy báu trang nghiêm, như: đất báu, ao báu, hàng cây báu, trên cây có mành báu của chư thiên che phủ, các lưới báu giăng khắp giữa hư không. Khi đã thấy được cảnh tướng rất rõ ràng như nhìn vào bàn tay rồi, lại tưởng hai hoa sen lớn, một ở bên trái, một ở bên phải của Phật, cả hai đều giống như tòa sen trước. Xong lại tưởng hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ngồi tòa sen bên trái, tượng Đại Thế Chí Bồ Tát ngồi tòa sen bên mặt, thân tướng đều rực rỡ như sắc vàng Diêm Phù Đàn…”

[7] Phép Quán thứ mười ba chỉ quán thân Phật cao một trượng sáu đứng bên ao thất bảo, thân của hai vị Bồ Tát cũng đồng phân lượng, đồng thời giảm bớt rất nhiều chi tiết cho phàm phu dễ quán, chẳng hạn chỉ quán hai vị Bồ Tát khác nhau ở chỗ đức Quán Âm có hóa Phật đứng trên đảnh đầu, còn Đại Thế Chí là bảo bình trên nhục kế.

buddha symbol