Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VII. ĐẠI GIÁO DUYÊN KHỞI ĐỆ TAM

KINH VĂN:

Nhĩ thời Thế Tôn oai quang hách dịch, như dung kim tụ, hựu như minh kính, ảnh sướng biểu lý, hiện đại quang minh sổ thiên bách biến. Tôn giả A Nan tức tự tư duy: “Kim nhật Thế Tôn sắc thân chư căn duyệt dự thanh tịnh, quang nhan nguy nguy, bảo sát trang nghiêm, tùng tích dĩ lai, sở vị tằng kiến”. Hỉ đắc chiêm ngưỡng, sanh hi hữu tâm, tức tùng tọa khởi, thiên đản hữu kiên, trường quì hiệp chưởng, nhi bạch Phật ngôn:

– Thế Tôn kim nhật nhập đại tịch định, trụ kỳ đặc pháp, trụ chư Phật sở trụ, đạo sư chi hạnh, tối thắng chi đạo. Khứ lai hiện tại Phật Phật tương niệm, vị niệm quá khứ vị lai chư Phật da? Vị niệm hiện tại tha phương chư Phật da? Hà cố oai thần hiển diệu, quang thụy thù diệu nãi nhĩ, nguyện vị tuyên thuyết.

VIỆT DỊCH:

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn oai quang rạng rỡ như khối vàng nung, lại cũng như gương sáng trong ngoài sáng tỏ, hiện quang minh lớn, biến hiện ra mấy trăm ngàn thứ. Tôn giả A Nan liền tự suy nghĩ: “Hôm nay Thế Tôn sắc thân, các căn vui sướng thanh tịnh, quang nhan vòi vọi, cõi báu trang nghiêm, từ xưa đến nay ta chưa từng thấy”, mừng rằng mình được chiêm ngưỡng, sinh tâm hi hữu. Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo vai phải, quì dài, chấp tay mà bạch Phật rằng:

– Thế Tôn ngày nay nhập đại tịch định, trụ pháp kỳ đặc, trụ hạnh đạo sư của chư Phật trụ, là đạo tối thắng. Quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật nghĩ đến nhau. Ngài nghĩ đến quá khứ   vị lai chư Phật hay chăng? Ngài nghĩ đến chư Phật hiện tại ở phương khác hay chăng? Vì sao ngài lại có oai thần sáng đẹp, tướng lành trong quang minh tuyệt vời đến mức như thế? Xin tuyên nói cho.

GIẢNG:

Nhĩ thời Thế Tôn oai quang hách dịch như dung kim tụ, hựu như minh kính, ảnh sướng biểu lý, hiện đại quang minh sổ thiên bách biến” (Lúc bấy giờ đức Thế Tôn oai quang rạng rỡ như khối vàng nung, lại cũng như gương sáng trong ngoài sáng tỏ, hiện quang minh lớn, biến hiện ra mấy trăm ngàn thứ): Đoạn này nói Thế Tôn phóng quang, hiện tướng lành dẫn khởi nhân duyên thù thắng của lần Pháp hội này, tạo đầu mối cho A Nan thưa hỏi, khiến kẻ được nghe liền sinh ý tưởng hi hữu khó gặp, y giáo phụng hành, cầu sinh Tịnh Độ. “Nhĩ thời” là lúc bấy giờ, khi giới thiệu phần chứng tín xong, cũng chính là Pháp hội bắt đầu. Trong phần “Tự” chứng tín, tán thán trí tuệ, đức năng của Bồ Tát dự hội.

Thế Tôn là chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật, Phật là đấng tôn quí nhất của thế gian, nên xưng là Thế Tôn .

“Thế Tôn oai quang hách dịch”:“Oai” là oai đức, oai thần.“Quang” là quang minh: Tự tỏa sáng là“quang”, chiếu soi vạn vật là “minh”, cũng có nghĩa là phóng quang chiếu rạng ngời. “Quang minh” có hai công dụng: Một là phá tối; hai là biểu thị tướng trí tuệ của Phật. “Hách dịch”, chữ “hách” là sáng rất tường tận; “dịch” là tràn trề, ý nghĩa tươi tốt; “oai quang hách dịch” có thể tạm dịch là oai quang rạng rỡ, biến chiếu pháp giới.

Chính lúc này, mọi người đều nhận rõ quang nhan của Thích Ca Mâu Ni Phật hiển lộ rất thù thắng, rất khác thường so với mọi khi. Phía sau nêu ra ví dụ rất hay:

“Như dung kim tụ” (Như khối vàng nung): Chúng ta thấy trên kinh thường dùng sắc vàng để hình dung sắc tướng của Phật. Vàng là một trong số bảy báu. Vàng sở dĩ được người rất trân trọng, ưa thích vì vàng không biến sắc trong bất cứ tình huống nào. Màu sắc của vàng vĩnh viễn là tươi đẹp, nhất là khi vàng ròng tan chảy ở nhiệt độ cao, màu sắc lại càng đẹp hơn. Dùng hình ảnh vàng được nung chảy để ví von dung nhan, quang minh của Phật sáng đẹp thù thắng không chút khiếm khuyết.

“Hựu như minh kính, ảnh sướng biểu lý” (Lại như gương sáng chiếu suốt trong ngoài).

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Ảnh” là ảnh tượng, “quang ảnh”, là nói biểu thị bên ngoài của Phật. “Sướng” là trong suốt, một chút chướng ngại cũng không có. “Ảnh sướng biểu lý” hàm nghĩa biểu thị bên ngoài có thể thấy được bên trong. Đây là hình dung thân thể của Thế Tôn trong, ngoài đều nhất như trong suốt, nói lên hình tướng rất khỏe mạnh.

– Phàm phu vì sao trong ngoài không trong suốt?

– Vì phàm phu có vọng tưởng, phiền não, có lo lắng vướng bận v.v… nên sắc tướng của phàm phu tối tăm mờ mịt, bồn chồn, không có năng lực thấy được người khác. Chư Phật, Bồ Tát đã đoạn dứt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên trong ngoài của các ngài đều trong suốt.

Thế gian có số người tu hành được chút định lực, có năng lực hàng phục được phiền não, thông thường chúng ta gọi là đạt đến công phu thành khối. Loại người này tâm thanh tịnh, phiền não ít, họ có công lực đặc biệt thấy được tất cả nội, ngoại sắc thân của chúng sinh. Nói cách khác, họ có cặp mắt X-quang; trong Phật pháp gọi là có “Thiên nhãn thông”. Nếu thân thể trong suốt, chứng tỏ công phu tu hành của người này rất cao, không phải người phàm, chí ít phiền não của họ đã không còn khởi hiện hành.

Năm xưa, khi tôi giảng kinh ở Maine, Hoa Kỳ, từng gặp qua một người Mỹ có thiên nhãn, cũng chính là có công năng đặc dị. Lúc tôi giảng kinh, ông có đến nghe. Vừa xem thấy phía trước quyển chú giải Kinh Vô Lượng Thọ của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có in hình lão cư sĩ Hạ Liên Cư, ông liền nói: “Thân thể lão cư sĩ này trong suốt, con người này không phải người bình thường”. Tôi cảm thấy kỳ lạ! Nếu thấy thân thể là trong suốt thì có thể tin, đằng này chỉ thấy diện mạo trên tấm hình mà nói, thì thật là khó hiểu được! Ông còn nói: “Lão Hạ Liên, ông chưa từng thấy mặt, cũng chưa từng nghe qua, người này hiện tại không còn nữa, đây là người tái sinh, năm xưa khi còn ở đời, người này cũng gặp một số khó khăn”. Trên tổng thể, ông nói ra đều gần với sự thật. Cho nên, ngay trong lời nói của ông có thể phán đoán là đáng tin, không phải giả.

Ngài Hải Đông Cảnh Hưng giảng: “Ánh sáng của gương chiếu ra ngoài gọi là ‘ảnh biểu’, giống như thân Phật có quang minh tỏa ra ngoài. Hình ảnh bên ngoài được chiếu rõ bởi ánh sáng hiện rõ trong gương, cũng giống như quang minh đã phóng ra soi ngược lại khiến vẻ mặt rạng rỡ. Do vậy, bảo là biểu lý”.

Ngài Tịnh Ảnh giảng: “Ánh sáng chiếu ra ngoài gọi là ‘ảnh biểu’. Ánh sáng chiếu ra ngoài rồi lại hiện rõ trong gương gọi là ‘ảnh lý’. Thân Phật giống như vậy: Quang minh chiếu ra ngoài là “biểu”, chiếu rạng thân Phật là lý”.

Câu “diện sắc viên mãn, bảo sát trang nghiêm” (sắc mặt viên mãn, cõi báu trang nghiêm) trong bản Tống dịch chỉ rõ trong quang minh của Phật hiện bóng mười phương cõi báu như gương báu tròn đầy hiện bóng mười phương. Sách Bình giải giảng: “Trong ánh quang minh vằng vặc, hiện bóng tướng trang nghiêm các cõi báu mười phương, giống như trong gương châu báu hiện ra tướng sum la vạn hữu”. Thuyết này xác thật là đang nói về cảnh giới Hoa Nghiêm.

“Hiện đại quang minh sổ thiên bách biến” (Hiện quang minh lớn biến hiện mấy trăm ngàn thứ): Ý nói ngay trong đại quang minh biến hóa vô lượng. Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Câu này khiến chúng ta thể hội Phật quang phổ chiếu không hề khác với cảnh giới trên Kinh Hoa Nghiêm biến chiếu pháp giới. Phật hiện ra cảnh giới thù thắng này quyết không phải là ngẫu nhiên mà có đại nhân duyên.“Sổ thiên bách biến” (Mấy trăm ngàn thứ) cũng giống như câu“tự nhiên quang sắc tham hồi, chuyển biến tối thắng” (tự nhiên màu sắc của từng tia quang minh xen lẫn nhau, chuyển biến tối thắng) trong phẩm “Thọ Lạc Vô Cực” của kinh này, cũng biểu thị Phật quang tự nhiên xen lẫn nhau, xoay chuyển, màu sắc của quang minh biến hóa, càng biến hiện càng thù thắng chẳng cùng cực.

“Tôn giả A Nan tức tự tư duy” (Tôn giả A Nan liền tự suy nghĩ): Tôn giả A Nan là đương cơ của kinh này.

– Nếu xét về Bổn (quả vị tu chứng thật sự), ngài là vị Pháp Thân Đại Sĩ từ quả hướng nhân.

Trong Kinh Pháp Hoa, Phật bảo các Bồ Tát rằng: “Ngã dữ A Nan đẳng ư Không Vương Phật sở, đồng thời phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm. A Nan thường nhạo Đa Văn, ngã thường cần tinh tấn. Thị cố, ngã dĩ đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, nhi A Nan hộ trì ngã pháp, diệc hộ tương lai chư Phật pháp tạng, giáo hóa thành tựu Bồ Tát chúng”. (Ta cùng nhóm ông A Nan ở chỗ Không Vương Phật đồng thời phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. A Nan thường ưa Đa Văn, ta thường siêng tinh tấn. Vì vậy ta đã đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà A Nan hộ trì Pháp của ta, cũng sẽ hộ trì Pháp tạng của chư Phật trong tương lai, giáo hóa thành tựu các Bồ Tát).

– Nếu xét về Tích (thị hiện trong thế gian), A Nan là người kết tập kinh tạng, được truyền tâm ấn của Phật (làm vị Tổ thứ hai của Thiền tông), truyền thọ Mật thừa, là nhân vật cốt lõi trong việc truyền thừa Đại giáo. Cho nên, truyền trì Phật pháp là bổn nguyện của ngài A Nan, hiện đang thị hiện làm thị giả của Phật, tiếp nối tuệ mạng của Phật từ quá khứ dẫn đến tương Trong kinh này, ngài là đương cơ, lại có thể suy nghĩ phát ra lời hỏi hay khéo ấy.

Kinh Liên Hoa Sanh Đại Sĩ Ứng Hóa Nhân Duyên nói: “Từ ngài A Nan, Sơ Tổ Mật Giáo là Liên Hoa Sanh Đại Sĩ, nhận lãnh mật pháp do đấng Thích Tôn phó chúc truyền trao lại”.

Sách Thai Tạng Giới Mạn Đà Ra Ni Sao, quyển ba chép: “A Nan mật hiệu là Tập Pháp Kim Cang”. Điều này chứng tỏ rằng về Bổn, ngài A Nan chính là “kim cang tức Phật” vậy.

“Kim nhật Thế Tôn sắc thân chư căn duyệt dự thanh tịnh” (Hôm nay Thế Tôn sắc thân các căn vui vẻ, thanh tịnh). Chữ “chư căn” chỉ cho năm căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của thân sắc tướng.

Gia Tường Sớ giải thích chữ “thanh tịnh” là quang hiển (sáng ngời, rõ rệt).

Kinh Bảo Tích lại chép:

Như Lai thân giả, tự tánh thanh triệt, hà dĩ cố? Như Lai cửu dĩ viễn ly nhất thiết phiền não chư cấu uế cố. Như Lai thân giả, xuất quá thế gian. Hà dĩ cố? Bất vị thế pháp chi sở nhiễm ô cố, nãi chí Như Lai thân giả, như tịnh kính trung vi diệu chi tượng, như tịnh thủy trung minh mãn chi nguyệt” (Thân Như Lai tự tánh trong trẻo, vì cớ sao? Vì Như Lai từ lâu đã xa lìa hết thảy phiền não và các cấu uế. Thân Như Lai vượt khỏi thế gian. Vì cớ sao? Chẳng bị pháp thế gian làm ô nhiễm cho đến thân Như Lai như hình ảnh vi diệu trong tấm gương sạch, như vầng trăng tròn sáng (hiện bóng) trong nước sạch).

Hòa Thượng Tịnh Không giảng chữ “duyệt dự” là an vui nên gọi là lỗ chân lông cũng mỉm cười, hiển lộ sự an vui, thanh tịnh không gì bằng, chữ “thanh tịnh” ở đây là chỉ cho tâm thanh tịnh. Lại nữa, vì sao Phật vui? Tịnh Ảnh Sớ chép: “Vui vì có hai lý do:

– Nghĩ đến hạnh đức đáng ưa đã thành tựu của A Di Đà Phật cho nên

– Nghĩ đến chúng sinh đã đến lúc đạt được lợi ích cho nên vui”.

“Quang nhan nguy nguy” (Quang nhan vòi vọi): “Quang” là quang minh, “nhan” là vẻ mặt, “nguy nguy” là vòi vọi. Ý nói vẻ mặt của Phật cao quí, vĩ đại, đáng tôn trọng nhất.

Gia Tường Sớ giảng: “Nguy nguy là ý nói đức rộng lớn, cao quí, rạng ngời”. Câu“quang nhan nguy nguy” diễn tả vẻ mặt của Phật viên mãn các đức, rạng ngời quang minh hơn hẳn hết thảy các thứ.

“Bảo sát trang nghiêm”: Câu này trích từ bản Tống dịch, trước câu này có bốn chữ “diện sắc viên mãn”. Ý nói: Trong quang minh vi diệu phóng ra từ khuôn mặt đức Phật, hiện bóng cõi nước báu (bảo sát) trang nghiêm của cõi Phật mười phương.

“Tùng tích dĩ lai sở vị tằng kiến, hỉ đắc chiêm ngưỡng, sanh hi hữu tâm” (Từ xưa đến nay chưa từng được thấy, mừng rằng mình được chiêm ngưỡng, sanh tâm hi hữu). Câu này ý nói ngài A Nan tuy hầu cận Phật đã lâu, nhưng các tướng lành như thế, từ trước đến nay Ngài chưa từng được thấy qua. Nay vui mừng lẫn khâm phục, được ngắm nhìn quang nhan của Phật, liền khởi ý tưởng hi hữu, khó gặp.

Kể về ngài A Nan, Hòa Thượng Tịnh Không giảng rằng: Trong kinh điển ghi chép, ngày Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành đạo dưới cội Bồ Đề, đêm nhìn sao sáng, đại triệt đại ngộ; chính lúc này, A Nan chào đời. Cùng một lúc vua Tịnh Phạn nghe em trai mình sinh được con trai, lại nghe hôm nay thái tử thành Phật. Song hỉ lâm môn! Liền đặt tên cho con trai của em mình là A Nan.

A Nan dịch thành ý Trung văn là Khánh hỷ. A Nan, hai mươi tuổi xuất gia, cũng chính là nói: Trước đó hai mươi năm, Phật giảng kinh nói pháp ông chưa được nghe. Thế nên, sau khi xuất gia làm thị giả của Phật, ông yêu cầu Phật sắp xếp thời gian trùng tuyên lại tất cả những bài pháp mà Thế Tôn đã giảng trước đây cho ngài được nghe, Thế Tôn đồng ý. Do vậy mà có thể nói: Tất cả pháp đức Phật giảng trong suốt bốn mươi chín năm, mỗi hội A Nan đều được nghe. Sau khi Phật diệt độ, A Nan trở thành nhân vật quan trọng trong kỳ kết tập kinh điển. Tất cả kinh điển đều do A Nan giảng lại. Ngài có sức ghi nhớ rất sâu, nghe qua một lần thì vĩnh viễn không quên.

– Thế Tôn năm xưa giảng kinh nói pháp, tuyệt nhiên không có ghi chép, A Nan giảng lại có giảng sai không?

– Điểm này chúng ta không cần hoài nghi, Thế Tôn sớm đã biết rõ. Cho nên, khi A Nan giảng trùng tuyên lại, bên dưới có năm trăm vị A-la-hán làm tác chứng cho ngài. Nếu có vị nào nêu ra ý khác thì câu đó không thể ghi chép lại. Cho nên, kết tập kinh tạng không phải là số ít phục tùng số nhiều mà nhất định phải được tất cả năm trăm vị A la hán đều đồng ý chấp nhận khẳng định đó chính là lời của Thế Tôn đã tuyên giảng trước đây thì mới được ghi chép lại. Đó là “chứng tín” giúp người sau, khi mở kinh điển ra đều có thể đoạn nghi sanh tín, quyết không hoài Thực tế, A Nan trùng tuyên lại cũng y như Thế Tôn năm xưa nói pháp, không hề khác biệt.

“Tức tùng tọa khởi, thiên đản hữu kiên, trường quì hiệp chưởng” (Liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo vai phải, quì dài, chấp tay mà bạch Phật): Đây là lễ tiết. Trước khi thỉnh pháp, nhất định phải hành lễ. “Lễ” đại biểu chính mình trọng pháp, người Trung Quốc gọi là tôn sư trọng đạo. Cho nên, “lễ” không thể thiếu. Người hiện tại tuy không nói “lễ”, thế nhưng khi gặp người có lễ phép, mọi người đều hoan hỉ.

Ngày trước, tôi ở Đài Trung thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thầy giảng cho chúng tôi nghe“Lễ Ký”. Biên độ của “Lễ Ký” rất rộng, thầy tuyển giảng cho chúng tôi nghe “Lễ Ký” không phải là muốn chúng tôi học “lễ”, vì học “lễ” rất khó; chỉ dạy cho chúng tôi hiểu được chút ít thường thức về “lễ”, hy vọng tương lai đối nhân xử thế, tiếp vật đừng để người khác chán ghét. Người xưa thường nói: “Bất học lễ, vô dĩ lập”, không hiểu được lễ mạo, bạn sẽ không có chỗ đứng trong xã hội.

Trung Quốc ngày xưa là đất nước chú trọng lễ nghĩa, lễ giáo. Giáo dục của “lễ” vào thời xưa là quá trình mà trẻ thơ từ bảy tuổi đến trường đã bắt đầu học. Có thể nói, quá trình giáo dục tiểu học chính là học lễ, là dạy con em biết qui củ đối nhân xử thế tiếp vật. Xã hội ngày nay đề xướng dân chủ tự do, mở rộng nhân quyền, những thứ này rất thời trang, quyết không thể phản đối, kỳ thật đó là thiên kiến! Những khẩu hiệu này tuyệt nhiên không thể mang đến an định hòa bình cho cả thế giới phồn vinh, hưng vượng. Trái lại, dường như còn mang đến tai nạn, rất đáng được chúng ta sâu sắc phản tỉnh. Đây là chúng ta từ trên “lễ tiết”mà nghĩ đến.

“Tức tùng tọa khởi”: Ngay lúc này, ngài A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước mặt Phật lễ bái để thỉnh pháp.

“Thiên đản hữu kiên” là trật áo vai phải: Đây chính là cách bày tỏ tâm cung kính cùng cực, cách nghi lễ của người Ấn Độ   thời xưa. Ca-sa mà hiện tại Tiểu Thừa mặc chính là vào thời Thích Ca Mâu Ni Phật, đó là một tấm vải quấn trên thân. Thông thường hai vai đều được quấn bên trong, đến khi hành lễ mới để lộ vai phải ra. Ca- sa hiện tại của Tiểu thừa là màu vàng, có người mặc màu đỏ thì không đúng, phải là nhiễm sắc mới đúng. Sau khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, cương vực của Trung Quốc ở phía Bắc Ấn Độ, nên khí hậu Trung Quốc phải lạnh hơn so với Ấn Độ. Ba y nhất định không đủ dùng nên phải hiện đại hóa, bổn thổ hóa từ y phục, ăn uống cho đến rất nhiều thứ khác.

Áo tràng là y phục của người thời nhà Hán, trong nhân gian hiện tại không còn, chỉ có người xuất gia mới mặc áo tràng này. Xưa kia, khác biệt giữa người tại gia và xuất gia là: Áo tràng người xuất gia mặc chỉ thuần sắc không có thêu hoa. Áo tràng người tại gia mặc có thêu hoa, ít nhất là thêu trên cổ hoặc trên ống tay áo. Người giàu sang, có địa vị, toàn thân áo tràng đều thêu hoa văn. Hoa văn cũng không phải tùy tiện thêu mà đều có qui định, đại biểu cho mỗi tầng lớp, địa vị của họ như: Sĩ, nông, công, thương gọi là “chương phục”, y phục không thể mặc sai! Khi ra ngoài, người khác biết bạn thuộc thành phần nào, để tiện việc hành lễ. “Mão” cũng vậy, trên hoa văn đều có tiêu chí địa vị.

Khi giảng kinh, nghe kinh đều phải đắp y. Nhưng, y này không cần phải lớn như nguyên gốc, đắp bên ngoài sẽ rất phiền phức, nên chúng ta rút gọn chỉ còn lại phân nửa so với nguyên gốc! Lúc trước buộc dây không có móc y. Về sau, không biết người nào phát minh ra cái móc y này rất thuận tiện so với buộc dây. Đây là Trung Quốc hóa, bổn thổ hóa.

Khi Phật giáo truyền đến Nhật Bản, người Nhật còn giản tiện hơn; ca-sa họ rút gọn lại chỉ còn ba tấc. Pháp sư Nhật Bản mặc tây phục, không mặc áo tràng. Bình thường ca-sa họ để trong túi áo; khi làm pháp hội, họ mới mang vào, một miếng ba tấc để phía trước ngực có sợi dây đỏ quàng phía sau cổ, vậy là họ đã đắp y rồi. Họ còn đơn giản hơn chúng ta nhiều. Đây chính là tính chất của kỹ niệm. Chúng ta đắp y là kỷ niệm Thích Ca Mâu Ni Phật, kỷ niệm Pháp hội thời đó, mỗi niệm không quên ân đức của Phật Đà.

“Trường quì hiệp chưởng” (Quì dài, chấp tay):

“Trường quì”, thông thường là quì một chân, đầu gối trái quì xuống, đầu gối phải không quì. Đây là lễ tiết bày tỏ sẵn sàng đợi Phật sai bảo, đứng dậy dễ dàng, động tác sẽ nhanh nhẹn. “Trường quì hiệp chưởng” là bày tỏ sự cung kính, nhất tâm. Bình thường tâm chúng ta tán loạn, biểu thị mười ngón tay rời rạc; chúng ta đem nó hợp lại thành một chấp tay. Khi chấp, hai mặt bàn tay phải khít lại mới biểu thị sự nhất tâm. Tất cả tạp niệm, vọng tưởng đều buông xả, chuyên tâm chí kính nghe thầy chỉ dạy. Người Trung Quốc quì là hai đầu gối đều quì. Cách quì của người nước ngoài khác với người Trung Quốc. Trong kinh Phật thường dùng chữ “hồ quì”; ”hồ” là người nước ngoài, “hồ quì” chính là quì chỉ một đầu gối chấm đất.

“Nhi bạch Phật ngôn”: “Bạch” là một kính từ, một ngôn từ cung kính, ý nghĩa là thưa bày.

“Thế Tôn kim nhật, nhập đại tịch định” (Thế Tôn ngày nay nhập đại tịch định): Kinh Niết Bàn, quyển ba mươi chép: “Ngã ư thử gian Sa-La song thọ, nhập đại tịch định, đại tịch định giả, danh Đại Niết Bàn” (Ta ở Sa-La song thọ nơi cõi này, nhập đại tịch định, đại tịch định có tên là Đại Niết Bàn).

Sách Bình Giải lại nói: “Phổ Đẳng tam-muội và Đại Tịch Định chỉ là tên khác của Niệm Phật tam-muội. Nay đức Phật vì để nói pháp môn Niệm Phật nên trụ Niệm Phật tam-muội”.

Cụ Hoàng Niệm Tổ tóm lược các ý trên như sau: “Đại Tịch Định” nói chung là một thứ thiền định của Phật mang tên Đại Niết Bàn. Nếu xét theo kinh này, “Đại Tịch Định” chỉ “Niệm Phật tam- muội”.“Niệm Phật tam-muội” được gọi là “Bảo Vương tam-muội”, là vua trong các tam-muội. Giờ đây, đức Thế Tôn khai diễn pháp môn Tịnh Độ nên ngài nhập “Niệm Phật Bảo Vương tam-muội”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Đại Tịch Định” chính là thiền định sâu thẳm. Nên biết: Định không phải ngồi xếp bằng quay vào vách, nhắm mắt lại. Loại nhập định này chỉ là “tiểu Định”, không phải “đại Định”. “Tiểu Định” sau khi vào Định thì không khởi được tác dụng. “Đại Định”, đi đứng nằm ngồi đều trong Định. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh nói pháp đều ở trong Định. Ý nghĩa của Định là: Ngoài không dính mắc, trong không động tâm. Tuy mắt Ngài vẫn thấy, tai vẫn nghe v.v…, sáu căn vẫn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần nhưng không bị cảnh giới bên ngoài nhiễu loạn, trong tâm vẫn như như bất động.

Phàm phu thấy sắc, tai nghe tiếng liền bị cảnh giới xoay chuyển, vậy thì rất khổ! Chư Phật, Bồ Tát có công phu định lực, các ngài có thể thấy như không thấy; nghe như không nghe, phân biệt minh bạch tất cả mọi vấn đề nhưng không hề nhiễm trước; định lực này là “Đại Tịch Định”. “Đại Tịch Định” người xưa gọi là “Bảo Vương tam-muội”, cũng gọi là “Phổ Đẳng tam-muội”. “Phổ” là phổ biến, “Đẳng” là bình đẳng. Tất cả các pháp chư Phật, Bồ Tát chứng được là bình đẳng; không những trên “lý” bình đẳng, trên “tánh” bình đẳng mà trên “sự” cũng bình đẳng, khi ứng dụng cũng bình đẳng; cảnh giới này rất sâu.

Chúng ta nghe nói trên“lý” bình đẳng, trên “tánh” bình đẳng thì gật đầu. Nhưng, nói trên “tướng” bình đẳng, trên “sự” bình đẳng thì không đồng ý. Vì sao? Năm ngón tay đưa ra dài ngắn không đều làm sao bình đẳng ?! Chỉ có sinh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân tướng mỗi người đều giống Phật A Di Đà như trên Kinh Vô Lượng Thọ nói, vậy mới là bình đẳng.

Thế gian này nói bình đẳng, mọi người rất khó tiếp nhận! Tuy nhiên, trên thực tế vẫn là bình đẳng. Vì sao? Trên kinh Bát Nhã nói “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”: Hảo tướng là hư vọng, ác tướng cũng là hư vọng; hư vọng cùng hư vọng chẳng phải là bình đẳng hay sao? Lại nữa “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng, huyễn bào ảnh”. Tất cả pháp đều như mộng, vậy là bình đẳng rồi. Cho nên, nói trên tướng bình đẳng, trên sự cũng bình đẳng.

Vào cảnh giới bình đẳng, tâm bạn sẽ được Định, trong tất cả pháp tuyệt đối sẽ không khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước. Chư Phật, Bồ Tát tuy tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp, tâm các ngài lúc nào cũng ở trong Định, đó mới thật là “Đại Tịch Định”. Trên Kinh Đại Thừa thường nói: “Na già thường tại Định, vô hữu bất Định thời”.“Na già” là tiếng Phạn, ý nghĩa của nó là rồng, voi. Rồng chúng ta chưa thấy, nhưng voi thì đã thấy. Dáng voi to lớn, mỗi ngày từ sớm đến tối, trông nó thong dong dường như trong Định, đi đứng rất chậm rãi, không vội vàng, không khẩn trương. Cho nên, dùng nó để biểu trưng đời sống của Phật, Bồ Tát lúc nào cũng ở trong Định.

“Trụ kỳ đặc pháp”: “kỳ” là kỳ diệu; “đặc” là đặc thù. “Trụ kỳ đặc pháp” chính là “Trụ chư Phật sở trụ, đạo sư chi hạnh, tối thắng chi đạo”. Là đệ tử Phật, phải biết “Trụ Phật sở trụ, hành Phật sở hành, niệm Phật sở niệm”. Trụ, hành và niệm này chính là áp dụng tâm Bồ Đề. Nếu có thể trụ vào nơi của Phật Di Đà trụ, làm việc của Phật Di Đà làm, nghĩ điều của Phật Di Đà nghĩ thì chúng ta liền khế nhập được Pháp môn Tịnh Độ, chứng được viên mãn Vô Thượng Bồ Đề. Đây gọi là biết trụ vào đạo tối thắng nơi chư Phật trụ.

Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta, quan trọng nhất là tám chữ “Phát Bồ Đề tâm, một lòng chuyên niệm”, đó là cương lĩnh tu hành của Bổn Kinh. Tám chữ này phải song hành hợp nhất thì viên tu viên chứng, trong hai không thể thiếu một mới chắc chắn được vãng sinh.

Trong Quán Kinh nói: “Chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm, đó là tâm Bồ Đề.

Trong Khởi Tín Luận nói “Trực tâm, thâm tâm, Đại bi tâm”. Nếu phối hợp Kinh, Luận lại xem thì “Trực tâm” chính là “chí thành tâm”, tâm chân thành đến tột đỉnh.

– Thế nào là chân thành?

– Trong tâm không có một vọng niệm nào, đó mới thật là tâm chân thành, mới thật là “trực tâm”. “Đại Tịch Định” chính là chân thành đến tột đỉnh, thực tiễn ngay “Trụ chư Phật sở trụ”. Cho nên, “chí thành tâm” trong tâm Bồ Đề chính là “Trụ chư Phật sở trụ”.

“Thâm tâm” “hành Phật sở hành”, là hiếu thiện, hiếu đức. Thiện và đức đều tương ưng với chân thành, đó mới gọi là “thâm”. Nếu thiện, đức và chân thành không tương ứng thì đó là giả không phải thật. Cho nên, Đại sư Thiện Đạo nói: “Nhất thiết giai tùng chân thật tâm trung tác”, lời khai thị này rất có đạo lý. Khởi tâm động niệm đối nhân xử thế tiếp vật, tất cả phải từ tâm chân thật mà làm, một chút hư vọng cũng không có. Hiếu thiện, hiếu đức là tự hành, tự thọ dụng, tự thành tựu.

Sau cùng, “hồi hướng phát nguyện tâm” chính là “tâm Đại Bi”, tâm lợi tha. Cũng chính là nói: Dùng tâm chân thành, chân tâm đối với chính mình là “thâm tâm”; chân tâm đối với người khác là “tâm Phật sở niệm”, là “tâm Đại Từ Bi”. “Hồi hướng phát nguyện tâm”, chỗ này nói là “tối thắng chi đạo”.

Tóm lại, “Trụ chư Phật sở trụ” là “chí thành tâm”; “đạo sư chi hành” là “thâm tâm”; “tối thắng chi đạo” là “đại bi tâm” là “hồi hướng phát nguyện tâm”, là“tâm Phật Sở niệm”; khởi tâm động niệm đều là lợi ích tất cả chúng sinh. Đây là chúng ta phối hợp, thực tiễn trên tâm Bồ Đề mà nói; trên sự tướng, chúng ta phải dụng tâm mà học tập.

Theo nghĩa rộng: Chỗ Phật trụ chính là bốn mươi tám nguyện. Đức Phật A Di Đà kiến lập thế giới Tây Phương Cực Lạc là vì muốn phổ độ hết thảy chúng sinh khổ nạn trong pháp giới, hư không giới. Khổ nạn này là nói đến lục đạo, trong lục đạo, chúng sinh quá khổ, quá đáng thương; đây là phát xuất từ tâm đại từ bi vô tận, tâm chân thành đến tột đỉnh của đức Phật Di Đà đối với hết thảy chúng sinh. Tâm chân thành, một câu danh hiệu A Di Đà Phật này cũng chính là tánh đức, đức hiệu của chân như bổn tánh, nên gọi là “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Trong tâm có A Di Đà Phật chính là “Trụ Phật sở trụ”. Mười phương tất cả chư Phật Như Lai đều niệm A Di Đà Phật; cái “niệm” này, chớ nên hiểu lầm cho đó là niệm trên miệng, niệm trên miệng chưa hẳn là niệm!

– Thế nào gọi là niệm?

– Tâm tương ưng! Danh hiệu A Di Đà Phật là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung văn là “Vô Lượng Giác”. Thử nghĩ có vị Phật nào mà không tương ưng với “vô lượng giác”? Tương ưng với “vô lượng giác”; không lìa khỏi“vô lượng giác” thì gọi là niệm Phật, đó là niệm A Di Đà Phật. Phải hiểu được đạo lý này!

Ngày nay, chúng ta niệm câu“A Di Đà Phật” là đang học tập, chân thật là học Phật, học Phật một trăm phần trăm. Cho nên, các đồng tu từ nơi khác đến, tôi nhất định khuyên họ đến Niệm Phật Đường để niệm Phật. Nếu họ không đến, tôi cũng không ngần  ngại nói với họ rằng họ đã uổng một chuyến đến Singapore! Cư sĩ Khang Quốc Thái, Đạt La Tư tối nay quay về. Sáng nay tôi hỏi ông:

– Ông có đến Niệm Phật Đường niệm Phật chưa? Ông nói:

– Không có! Tôi nói:

– Ông đã uổng phí khi đến đây rồi!

Cho nên, khi ăn cơm trưa xong, ông liền đến Niệm Phật Đường niệm Phật hai giờ đồng hồ. Sau khi niệm, ông vui vẻ đến nói với tôi:

– Đích thật là khác thường!

Ông muốn quay về sẽ học làm theo. Tôi thành thật nói với ông:

– Học không được đâu! Ông nói:

– Tôi mang máy niệm Phật ở đây về.

– Cũng không được! Máy niệm Phật dù ghi âm ở đây, nhưng sử dụng ở nơi khác thì hoàn toàn không giống ở đây, thậm chí động tác cũng không giống.

– Rốt cuộc không giống ở chỗ nào?

– Từ trường không như nhau, đó là thật!

– Vì sao từ trường không giống nhau?

– Nơi đây có Phật, Bồ Tát niệm Phật. Đạo tràng của bạn không tìm được Phật, Bồ Tát đến niệm Phật, đó là chỗ không giống nhau.

Cho nên, bạn đến đây, chỉ cần đem tâm định lại, khi niệm Phật không nghĩ tưởng xằng bậy, niệm một thời gian liền có cảm thọ. Tôi có nói thế nào cũng không tác dụng bằng đích thân bạn thể nghiệm. Cảnh giới này, nơi đây, bạn không cách gì làm được ở  nơi khác! Vì sao vậy? Xin thành thật nói với bạn: Chủ nhân Niệm Phật Đường này là cư sĩ Lý Mộc Nguyên. Đó là một Bồ Tát, chân thật không có lòng riêng tư, hoàn toàn vì chúng sinh.

Đạo tràng của bạn có thể tìm được người như Lý Mộc Nguyên chăng? Bồ Tát Lý là thiên hạ hiếm có! Là “kỳ đặc pháp”, bạn không thể có được! Ông thật nhìn thấu, thật buông bỏ, mỗi niệm vì chúng sinh, mỗi niệm vì Phật pháp, là tương ưng với tâm Phật, với nguyện của Phật, với hạnh của Phật, nên xây dựng đạo tràng liền cảm động Phật, Bồ Tát đến gia trì. Lại nữa, đồng tu niệm Phật ở đây thật là hiếm có, đích thật là có tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng.

Cho nên, huân đạo thì cảm thọ không như nhau. Bạn đến đây niệm Phật cũng chính là tiếp nhận từ trường của họ. Nơi khác, người niệm Phật có thể nhiều hơn, nhưng trong đó không chắc có người chân thật phát tâm niệm Phật, từ trường đó tất sẽ không có cảm ứng. Tôi cảm nhận rất rõ ràng: Niệm Phật Đường nơi đây có Phật, Bồ Tát và chư thần hộ pháp. Hơn nữa, thần hộ pháp rất nhiều, họ xếp thành hàng. Không khí từ trường của đạo tràng nơi đây đích thật không giống đạo tràng ở nơi khác, hi vọng bạn đến đây sẽ có thể cảm thọ. Thời gian niệm Phật ở đây càng lâu, sự cảm thọ thanh tịnh, an lạc sẽ càng nhiều. Đích thật là nhân duyên đời này hi hữu khó gặp!

“Trụ chư Phật sở trụ, đạo sư chi hạnh, tối thắng chi đạo” (Trụ hạnh đạo sư của chư Phật trụ, là đạo tối thắng). Nơi đây, trụ “chư Phật chi sở trụ” chính là “Trụ Di Đà chi sở trụ”.

“Đạo sư chi hành” “hành Di Đà chi hành”. Nói rõ hơn, pháp môn Niệm Phật, Niệm Phật tam-muội, thân tâm thế giới, vạn duyên buông bỏ, một lòng niệm Phật; nơi Niệm Phật Đường này niệm Phật chính là “tự hành hóa tha”, hai thứ thảy đều có đủ. Bạn ở nơi đây Niệm Phật là“tự hành”, đồng thời biểu diễn, làm mẫu  mực cho các đồng tu từ các nơi khác đến tiếp nhận sự huân đạo của từ trường này, đó chính là“hóa tha”.Đạo tràng này huân tu rất mạnh, nếu có thể ở đây ba tháng liên tục niệm Phật, thiện căn dù mỏng cũng biến thành dày; nhân duyên ít cũng biến thành đầy đủ, thật không thể nghĩ bàn! Nơi đây, “tín-giải-hành-chứng” đều đang thực hiện, đích thật không dễ dàng, chân thật là “kỳ đặc pháp”.

“Kỳ đặc pháp”, cũng chính là chỉ pháp môn này. Trong kinh thường nói: Đây là phương pháp khiến người“Ngũ thừa” bình đẳng vào Báo độ, chính là cõi “Thật Báo Trang Nghiêm Độ”, bình đẳng thành Phật.“Kỳ đặc pháp” của Tây Phương Cực Lạc là bốn Độ đều đồng một chỗ: Cõi Đồng Cư, cõi Phương Tiện, cõi Thật Báo, cõi Tịch Quang cùng ở một nơi. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc liền thấy Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền. Những vị Bồ Tát Đẳng Giác này ngày ngày cùng sinh hoạt với mọi người, cùng nghe Phật thuyết pháp.

Ở các thế giới chư Phật khác, bốn cõi không chung nhau, nên phàm phu không thể thấy thánh nhân. Ở Thế giới phương khác có thoái chuyển; ở Tây Phương Cực Lạc không có thoái chuyển mà tất cả đều viên chứng“Tam Bất Thoái”, thù thắng không gì bằng! Đây là ý nghĩa “Đạo sư chi hành” mà A Di Đà Phật chính là Đạo sư.

Sách Bình Giải viết: “Hạnh Đạo Sư chính là Di Đà Thế Tôn bình đẳng dẫn dắt không để sót vậy” và “Đại đạo sư chính là Di Đà Thế Tôn dùng bổn nguyện nhiếp dẫn năm thừa”.

Tối thắng chi đạo” (Đạo tối thắng) là khiến cho tất cả chúng sinh vãng sinh bất thoái thành Phật. Đạo là chỉ pháp môn Tịnh Độ, pháp môn Đại Thừa trong Đại Thừa; Nhất thừa trong Nhất thừa, là Phật pháp cứu cánh viên mãn. Không những thế, “tối thắng chi đạo”còn chỉ pháp môn Tịnh Độ, một phẩm phiền não cũng không cần“đoạn”mà chỉ“phục”phiền não.“Phục”dễ hơn “đoạn”. Phiền não tuy chưa đoạn, nhưng bạn có năng lực khống chế nó, khiến chúng không khởi tác dụng là được. “Phục” phiền não có thể “đới nghiệp vãng sinh”; sinh đến cõi “Phàm thánh Đồng Cư”, cho dù là “hạ hạ phẩm” vãng sinh đều cùng đứng, ngồi với Văn thù, Phổ Hiền và những Bồ Tát Đẳng Giác .

Đại sư Ngẫu Ích cho rằng: Người vãng sinh tuy không phải là Bồ Tát vì một phẩm phiền não họ cũng chưa đoạn, nhưng họ cũng không phải là phàm phu vì họ cùng đứng, ngồi với Bồ Tát Đẳng Giác. Thật sự là cảnh giới không thể nghĩ bàn! Đây là “kỳ đặc pháp” và “tối thắng chi đạo”.

Tối thắng chi đạo” được Tịnh Ảnh sớ giảng:“Vô thượng Bồ Đề là đạo tối thắng”.

Sách Hội Sớ giảng: “Là pháp mà hết thảy thế gian, xuất thế gian chẳng thể sánh được.”

Sách Bình Giải giảng: “Đạo tối thắng là một đạo Niệm Phật Vãng Sinh, vì trong hết thảy phương tiện nó là vô thượng tối thắng”. Lại còn viết: “Đạo tối thắng là giải thoát đức. Kinh Niết Bàn dạy: ‘Vô thượng thượng, chân giải thoát’. Vì vậy “vô thượng thượng nghĩa là tối thắng”.

Nói tóm lại, Niệm Phật chính là đạo tối thắng vô thượng thượng. Khi vãng sinh ắt chứng Niết Bàn, Hơn nữa, ngay lúc đang niệm Phật, tâm là Phật, tâm làm Phật, ngay khi ấy chính là Phật, chính là lúc Vô thượng thượng giải thoát.

Ngày nay, chúng ta may mắn trong đại vận, gặp được Bồ Tát Lý Mộc Nguyên xây dựng Niệm Phật Đường cùng thôn Di Đà. Chỉ cần có đạo tràng như vậy, người thành tựu sẽ rất nhiều. Phàm hễ bước vào đạo tràng, thân tâm thế giới tất cả đều buông xuống, ba năm nhất định vãng sinh. Chúng ta xem thấy trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, trong Vãng Sinh Truyện, họ ba năm công phu thành tựu. Không phải họ mạng chung mà thọ mạng của họ vẫn còn dài, nhưng họ không muốn ở lại chịu khổ, thế giới Cực Lạc quá tốt, họ muốn di dân qua đó sớm.

Tôi giảng kinh nhiều năm, ngày ngày luôn mộng tưởng về một đạo tràng như vậy, nhưng không dám nghĩ tương lai sẽ thành sự thật. Khi đến đây tôi mới cảm nhận: Chân thật là có thể gặp, không thể cầu! Thật tế mà nói là rất khó được! Đây cũng là chư Phật, Bồ Tát an bày cho chúng ta, cũng một phần do thiện căn, phước đức, nhân duyên của chúng ta đã chín muồi nên chư Phật Bồ Tát đến hộ trì. Rất nhiều đồng tu hỏi tôi:

– Thôn Di Đà bao giờ mới xây xong?

– Tôi nghĩ Cư sĩ Lý làm việc tốc độ rất nhanh, có thể khoảng hai, ba năm nữa sẽ hoàn tất. Năng lực của ông rất mạnh! Từ lúc Niệm Phật Đường khai trương đến nay, ông ngày đêm đều nghĩ đến thôn Di Đà. Ngoại trừ thôn Di Đà ra, ông nói một vọng niệm khác cũng không có. Tâm kiền thành, chuyên chú tất được chư Phật, Bồ Tát gia trì. Cho nên cảm ứng tương thông không thể nghĩ bàn!

Khứ lai hiện tại, Phật Phật tương niệm. Vị niệm quá khứ, vị lai chư Phật da? Vị niệm hiện tại tha phương chư Phật da? Hà cố oai thần hiển diệu, quang thụy thù diệu nãi nhĩ. Nguyện vị tuyên thuyết” (Quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật nghĩ đến nhau. Ngài nghĩ đến quá khứ vị lai chư Phật chăng? Ngài nghĩ đến chư Phật hiện tại ở phương khác chăng? Sao oai thần Ngài lại sáng đẹp, tướng lành trong quang minh tuyệt vời đến như thế? Xin tuyên nói cho):

Đoạn này tiếp theo đoạn trước, tôn giả A Nan trong Pháp hội, thay chúng ta thỉnh Pháp. Tôn giả A Nan trong tâm tự nghĩ: Quang sắc của Thích Ca Mâu Ni Phật hôm nay quá kỳ diệu, quá tối thắng. Từ trước đến giờ chưa hề thấy qua phong thái đức Thế  Tôn “oai quang hách dịch” hiện ra tướng lạ hi hữu đến như vậy. Cho nên, trong lời xưng tán, ông nói: “Thế Tôn kim nhật, nhập đại tịch định, trụ kỳ đặc Pháp, trụ chư Phật Sở trụ, đạo sư chi hạnh, tối thắng chi đạo”. Cái “trụ” này là trong tâm an trụ. Thế gian thường nói: “Tướng tùy tâm chuyển”, cho nên tướng sẽ thay đổi. Vì sao thay đổi? Quyết không phải hóa trang, đi làm đẹp, cái đó thì không thể thay đổi được! Biến đổi đó còn có tác dụng phụ, mang đến rất nhiều phiền não! “Tướng tùy tâm chuyển”, đây chính là tâm bạn chuyển đổi thì tướng bạn cũng chuyển biến. Không những tướng biến đổi mà thể chất cũng thay đổi. Có người hỏi:

– Niệm Phật có cái gì tốt?

– Bạn phải biểu hiện cho họ xem! Thích Ca Mâu Ni Phật niệm Phật thì “oai quang hách dịch, như dung kim tụ, hựu như minh kính, ảnh sướng biểu lý”, còn bạn ở Niệm Phật Đường niệm như thế nào? Nếu bạn niệm Phật được dung nhan phát sáng, quang sắc hơn người, khiến ai nấy vừa thấy bạn liền sinh tâm hoan hỉ. Vậy thì công phu niệm Phật của bạn đã có biểu hiện tốt: Càng niệm càng hoan hỉ, càng niệm càng trẻ trung, càng niệm càng khỏe mạnh. Đây là thật không phải giả.

– Bệnh của bạn từ đâu mà có?

– Từ nơi vọng tưởng mà có! Trên kinh Phật nói: Tham, sân, si là ba độc. Trong tâm có ba độc, hoàn cảnh bên ngoài lại trược ác (trược ác là ô nhiễm, không tốt). Trong, ngoài giao cảm, bạn làm sao không bệnh! Nếu bạn hiểu rõ, nhanh chóng tẩy trừ hết bệnh độc, gốc rễ tham, sân, si thì hoàn cảnh bên ngoài lập tức liền thay đổi. Tâm địa thanh tịnh, quang minh thì bạn sẽ không bị ô nhiễm.

Nhà Phật dạy phải sinh tâm đại từ bi. Tâm đại từ bi có thể giải độc, hóa giải được tất cả độc tố trong con người bạn. Muốn thế, bạn phải chân thật niệm Phật thì công phu mới có lực, mới có thể nhiếp phục tất cả mọi cấu ô phiền não.

Niệm Phật quan trọng nhất là tâm và miệng phải tương ưng, một vọng tưởng cũng không có. Bạn thấy chữ “niệm” bao gồm chữ “kim” ở bên trên và chữ“tâm” ở bên dưới. Có thể thấy“niệm”không phải là miệng niệm, miệng niệm thì không được! Trong tâm hiện tại chân thật “có”, mới gọi là “niệm”. Nếu trong tâm hiện tại không có, chỉ ngoài miệng “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật…” thì người xưa gọi là “đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công!

Hãy xem! Những bà cụ thương yêu con cháu, không phải mỗi ngày từ sớm đến tối gọi: Cháu ơi! Cháu ơi! ngoài miệng, mà trong tâm họ lúc nào cũng thật nghĩ đến con cháu, đó gọi là niệm. Nếu có thể đem cái niệm này chuyển đổi thành niệm A Di Đà Phật thì tốt biết mấy, vấn đề liền được giải quyết.