PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 7
ĐẠO ĐỨC 

THƯỢNG TỌA BỘ

Thiện và bất thiện hành

Th.102 Thiện và bất thiện hành cùng căn bổn của chúng

Đoạn này làm rõ một số hành động thân, ngữ và ý là akusala – bất thiện, không thiện xảo, không khéo (không được dẫn bởi trí tuệ) – và việc tránh xa chúng là kusala, thiện, thiện xảo. Bất thiện xuất phát từ một hoặc nhiều hơn trong ba căn: động cơ tham hoặc sân, và một xu hướng si (xem *Th.26). Thiện xuất phát từ những động cơ đối nghịch lại: vô tham, vô sân, và vô si.

Chư Hiền, bất thiện là gì, và căn của bất thiện là gì? Bất thiện là những gì? Đó là, sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, ác khẩu, nói phù phiếm, tham dục, ác tâm, tà kiến.

Căn của bất thiện là gì? Tham, sân, si.

Thiện là gì? Từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói phù phiếm, không tham dục, không ác tâm, chánh tri kiến là thiện.

Căn bổn thiện là gì? Vô tham, vô sân, vô si là căn bổn thiện.

Sammā-diṭṭhi Sutta: Majjhima-nikāya I.47, dịch Anh P.D.P.

Th.103 Không hành động gây hại cho mình và cho người khác

Trong đoạn này, đức Phật dạy con trai là Rāhula khi còn là sa-di, chú tiểu tập sự. Thay vì tập trung vào gốc rễ bên trong của hành động xấu và tốt, như trong đoạn trên, Phật tập trung vào hậu quả của chúng như là những lý do để làm hoặc không làm: hoặc gây khổ cho chính mình hoặc người. Suy ngẫm về những điều này hỗ trợ cho thiện hành.

‘Này Rāhula, mục đích của cái gương là gì?’ ‘Bạch Thế Tôn, mục đích là để nhìn thấy mình.’ ‘Cũng vậy, này Rāhula, sau khi nhìn lại mình nhiều lần rồi hãy làm bằng thân nghiệp; sau khi nhìn lại mình nhiều lần rồi hãy làm bằng ngữ nghiệp; sau khi nhìn lại mình nhiều lần rồi hãy làm bằng ý nghiệp. Này Rāhula, trước khi con muốn làm một việc gì bởi thân, hãy suy xét việc làm bởi thân ấy như sau: “Việc mà tôi muốn như bởi thân này có khiến hại mình, hại người, hại cả hai không? Việc làm này là không khéo chăng? Nó đưa đến hậu quả khổ, chín muồi trong khổ chăng?” Sau khi suy xét, nếu con biết, “Việc mà tôi muốn làm bởi thân này có thể khiến hại mình… quả khổ”, này Rāhula, như vậy con nhất định chớ có làm một việc bởi thân như vậy.

Này Rāhula, nếu sau khi suy xét, con biết rằng, “Việc mà tôi muốn làm bởi thân này không khiến hại mình, hại người, hại cả hai; nó là việc làm khéo, có kết quả an lạc, chín muồi trong an lạc.” Rāhula, con nên làm một việc bởi thân như vậy.

Ngay trong khi đang làm một việc bởi thân, con cần phải suy xét việc làm bởi thân ấy như sau: “Việc tôi đang làm bởi thân này có khiến hại mình… đau khổ chăng?” Rāhula, nếu có, con hãy từ bỏ việc làm bởi thân vậy… Nhưng nếu con biết như sau, “Việc mà tôi đang làm bởi thân này không khiến hại mình…”, con nên tiếp tục làm.

Cũng vậy, sau khi con đã làm một việc bởi thân, con cần phải suy xét việc đã làm bởi thân ấy như sau. “Việc tôi đã làm bởi thân này có khiến hại mình… đau khổ chăng?” Nếu sau khi suy xét, con biết là có, con cần phải nói ra, cần phải phát lộ, cần phải thú nhận việc đã làm bởi thân như vậy trước các vị giáo thọ, hay trước các vị đồng phạm hạnh có trí. Sau khi đã nói ra, đã phát lồ, đã thú nhận, con cần phải phòng hộ trong tương lai. Rāhula, nếu trong khi suy xét, con biết “Việc tôi đã làm bởi thân này không khiến hại mình…”, con nên an trú trong đó với hỷ lạc tự mình ngày đêm tu tập trong các phẩm thiện.’ [Tương tự lặp lại cho ngữ và ý.]

Này Rāhula, những sa-môn hay bà-la-môn nào tịnh hóa những việc đã làm bởi thân, ngữ, ý trong quá khứ, các vị ấy cũng suy xét nhiều lần như vậy. Những sa-môn hay bà-la- môn nào tịnh hóa những việc sẽ làm bởi thân, ngữ, ý trong vị lai, các vị ấy cũng sẽ suy xét nhiều lần như vậy. Những sa- môn hay bà-la-môn nào tịnh hóa những việc đang làm bởi thân, ngữ, ý trong hiện tại, các vị ấy cũng suy xét nhiều lần như vậy. Do vậy, này Rāhula, con cần phải học như sau:  “Sau khi suy xét nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa những việc đã làm bởi thân, ngữ, ý.”

Ambalaṭṭhikā-rāhulovāda Sutta: Majjhima-nikāya I.415–420, dịch Anh P.D.P.

Th.104 Chuẩn vàng đạo đức trong giáo pháp của Phật

Trong đoạn đầu trích dịch, những người tại gia thỉnh cầu chỉ dẫn làm sao để thành công trong đời này và hạnh phúc đời sau, đức Phật nêu ra một ‘chuẩn vàng’ đạo đức: không gây ra cho người khác điều mà ta không muốn người khác gây ra cho mình (xem *V.62). Đoạn thứ hai diễn đạt ngắn gọn chuẩn vàng này.

Này các gia chủ, thế nào là pháp môn tự lợi? Ở đây, này các gia chủ, thánh đệ tử suy nghĩ như sau, ‘Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Nếu có ai đến tước đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là việc làm không khả ái, không khả ý đối với ta. Và nếu ta tước đoạt mạng sống một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là việc làm không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Những gì không khả ái, không khả ý cho ta, những thứ ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Sao ta lại buộc ràng người khác những gì không khả ái, không khả ý cho ta?’ Sau khi suy nghĩ như vậy, thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, tán thán từ bỏ sát sanh. Như vậy, vị ấy ba mối thanh tịnh thân hành.

Lại nữa, này các gia chủ, thánh đệ tử suy nghĩ như sau, ‘Nếu có ai trộm lấy của không cho của ta, như vậy là việc làm không khả ái, không khả ý cho taNếu có ai tà dâm với những người vợ[1] của taNếu có ai nói dối gây tổn hại taNếu có nói hai lưỡi gây chia rẻ các thân hữu của taNếu có ai nói lời thô bạoNếu có ai nói lời phù phiếm.’ Nên vị  ấy tự mình từ bỏ lời nói phù phiếm, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời phù phiếm, tán thán từ bỏ nói lời phù phiếm. Như vậy, vị ấy ba mối thanh tịnh ngữ hành.

Veḷudvāreyya Sutta: Saṃyutta-nikāya V.353–355, dịch Anh P.D.P.

Ai cũng sợ bị đánh; ai cũng sợ bị giết. So người dụ với mình, chớ giết chớ bảo giết.

Dhammapada 130, dịch Anh P.H.

Bố thí

Th.105 Quả bố thí

Đoạn văn này nhấn mạnh đến lợi ích của bố thí.

Này các tỳ-kheo, nếu các chúng sanh biết, như Ta biết, quả dị thục của bố thí chia sớt, chúng sẽ không thụ hưởng mà không bố thí, không an trú với tâm không gột sạch cáu bẩn xan tham; cho dù đó là vắt cơm cuối cùng, miếng ăn tối hậu của mình sẽ không thụ hưởng mà không chia sớt; nếu có người nhận chia sớt. Dāna Sutta: Itivuttaka 18, dịch Anh P.H.

Th.106 Bố thí với tấm lòng rộng mở

Thánh đệ tử sống tại gia với tâm không bị nhiễm bởi cáu bẩn của xan tham, dễ dàng buông xả, bàn tay trong sạch, ưa thích buông xả, là người dễ xin cho, là người vui thích phân chia vật bố thí.

Patta-kamma Sutta: Aṅguttara-nikāya II.66, dịch Anh P.H.

Và này các tỳ-kheo, thế nào là hạng người như không mưa? Ở đây, này các tỳ-kheo, có hạng người không bố thí cho ai cả, không bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người bần cùng, người lỡ đường, người ăn xin, không cho đồ ăn, thức uống, y phục, xe cộ, tràng hoa, hương, dầu xoa, giường ghế, nhà ở, đèn đuốc,.Và này các tỳ-kheo, thế nào là hạng người như chỉ mưa trong một địa phương? Ở đây, này các tỳ-kheo, có người bố thí cho một số sa-môn, bà-la-môn, người bần cùng, người lỡ đường, người ăn xin, nhưng không bố thí cho những người khác.Và này các tỳ-kheo, thế nào là hạng người như mưa đổ xuống khắp tất cả? Ở đây, này các tỳ-kheo, có hạng người bố thí cho tất cả sa-môn, bà-la-môn, người bần cùng, người lỡ đường, người ăn xin

Hạng đáp ứng lời cầu xin, thương tưởng mọi chúng sanh, tâm hoan hỷ phân chia, luôn nói cho, và cho. Như mây, chớp, sấm rền, mưa tuôn thấm đồi đất; tài sản kiếm như pháp, như vậy đầy bát nghèo.

Vuṭṭhi Sutta: Itivuttaka 64–66, dịch Anh P.H., and P.D.P.

Th.107 Bố thí người có giới

Đoạn trích thứ nhất nói rằng ngay dù chỉ bố thí chút ít cũng tạo ra nghiệp quả công đức trong tương lai, tuy bố thí cho người có giới mang lại nhiều công đức hơn. Đoạn trích thứ hai nhấn mạnh về điểm này. Khi bố thí cho người có giới, người thí càng có tin tưởng hơn, rằng vật thí sẽ được sử dụng hữu ích, vì vậy càng bố thí thêm nữa mà không hề dè dặt. Hơn nữa, bố thí với sự tin tưởng vào những kết quả tốt đẹp của hành vi cho cũng tăng gia không ngừng ảnh hưởng tác động lên người cho, và bố thí cho người có đức hạnh càng lúc càng thắt chặt mối liên hệ giữa người cho và người nhận. Ta nói, này Vaccha, thậm chí một người đổ nước rửa bát hay chén xuống hố có sinh vật, trong cống rãnh, hay vũng nước, nghĩ rằng, ‘Mong thứ này nuôi sống chúng sanh trong đây’, do nhân duyên này mà có phước báo, hà huống là cho con người. Nhưng Ta cũng nói rằng cho người có giới có quả lớn, và cho kẻ ác giới thì không bằng như vậy.

Vaccha Sutta: Aṅguttara-nikāya I.161, dịch Anh P.H.

Người có giới thí người ác giới, vật như pháp với  tâm tịnh tín; chí tín nghiệp quả này sẽ lớn, đây thí thanh tịnh bởi người cho.

Người ác giới thí người có giới; tâm không tịnh, vật không như pháp, không tin nghiệp quả này sẽ lớn, đây thí thanh tịnh bởi người nhận.

Người không giới, thí người không giới; tâm không tịnh, vật không như pháp, không tin nghiệp quả này sẽ lớn; Ta nói thí này không quả lớn.

Người có giới thí người có giới, vật như pháp với tâm tịnh tín, chí tín nghiệp quả này sẽ lớn, Ta nói thí này có quả lớn.

Dakkhiṇā-vibhaṅga Sutta: Majjhima-nikāya III.257, dịch Anh P.H.

Th.108 Thí Pháp: thí tối thắng

Trong mọi thí, Pháp thí tối thắng. Trong các vị, Pháp vị tối thắng. Trong mọi hỷ, Pháp hỷ tối thắng. Ái tận, chiến thắng hết thảy khổ.

Dhammapada 354, dịch Anh P.H.

Th.109 Hồi hướng công đức

Trong *Th.49, chúng ta thấy rằng việc vì cha mẹ quá cố mà bố thí cúng dường, đây được xem là tốt. Trong khi nói một cách chung chung thì nghiệp quả tốt thông qua hành động tốt phải được trực tiếp thực hiện bởi chính mình, cũng có ý tưởng cho rằng trong một số trường hợp, người ta có thể  chia cho người khác phước mà ta đã làm, nếu người ấy biết có hành động đó và tùy hỷ. Ngạ Quỷ Sự (Petavatthu) có nhiều trường hợp giúp đỡ người thân đã chết tái sinh vào  ngạ quỷ nhờ vậy mà tình cảnh trở nên tương đối tốt hơn. Điều này thường được thực hiện bằng cách bố thí cho một sa-môn có đức hạnh, rồi hồi hướng công đức bố thí này cho người cần cứu giúp. Bài kệ sau đây là lời một ngạ quỷ đau khổ nói với người đàn ông đã từng là chồng của cô trong quá khứ, và những người muốn giúp cô.

Vật chàng trao tay em, không ích gì cho em. Dâng ẩm thực đầy đủ, cho tỳ-kheo đa văn, có giới, không phiền não, hồi hướng thí cho em. Thời em được thọ lạc, thành mãn điều mong ước.

Nandā-petavatthu: Petavatthu 23, dịch Anh P.H.

Trì giới Th.110 Tam quy và Ngũ giới

Để trở thành Phật tử, là phải quy y Phật, Pháp và Tăng, xem đó là nơi nương tựa an toàn cho những bất an trong đời sống và cũng là nguồn suối cho cảm hứng tu đạo. Hầu hết các nghi lễ bái dành cho Phật tử tại gia trong Thượng tọa bộ bao gồm việc xướng tụng bằng tiếng Pāli văn thọ Tam quy (xem đoạn *Th.93) và sau đó là văn thọ Ngũ giới bằng phát thệ rằng ‘Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa …’ nêu từng hành vi trong năm giới cấm. Những phát thệ này là tránh: giết chết bất kỳ sinh vật sống nào; trộm cướp hoặc gian lận; hành vi tình dục sai trái như ngoại tình; nói dối; và dùng các chất say dẫn đến buông lung. Phá giới là khi có cố ý. ‘Bạch Đại Đức, như thế nào mới là một ưu-bà-tắc (nam cư sỹ)?

‘Này Mahānāma, khi nào một người quy y Phật, Pháp, Tăng, cho đến như vậy, người ấy thành một ưu-bà-tắc.’ ‘Bạch Đại Đức, như thế nào là ưu-bà-tắc có giới?

‘Này Mahānāma, khi nào ưu-bà tắc ấy từ bỏ: sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói dối, đắm say rượu men, rượu nấu, cho đến như vậy, đó là ưu-bà-tắc có giới.’ Mahānāma Sutta: Aṅguttara-nikāya IV.220, dịch Anh P.H.

Th.111 Mười thiện nghiệp đạo

Đoạn này liệt kê mười hành vi thiện: ba nghiệp đạo thuộc thân, đồng nhất với ba điều đầu tiên trong năm giới, và với chi ‘chánh nghiệp’ trong tám chi thánh đạo (xem đoạn *Th.99); bốn nghiệp đạo thuộc ngữ, đồng nhất với chi ‘chánh ngữ’ trong tám chi thánh đạo, và nghiệp đạo ngữ thứ nhất đồng nhất với giới thứ tư trong năm giới; và ba thuộc ý, hai nghiệp đạo đầu của ý gần với chi ‘chánh tư duy’ của thánh đạo, và nghiệp thứ ba của ý đồng nhất với hình thức thông thường của chi ‘chánh kiến’ trong thánh đạo (xem *Th.100). Ở đây, này các tỳ-kheo, có những nghiệp đã được tạo tác bởi tư thiện (cố ý thiện), được tích tập, dẫn đến lạc, cho quả dị thục lạc: ba thành tựu bởi thân, bốn thành tựu bởi ngữ nghiệp, ba thành tựu bởi ý.

Và như thế nào là ba nghiệp thành bởi thân, được tạo tác bởi tư thiện (cố ý thiện), dẫn đến lạc, cho quả dị thục lạc? Ở đây, có người dứt trừ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ gậy, bỏ kiếm, biết tàm quý, có nhân từ, sống thương xót đến lợi lạc của tất cả sanh loại và các loài hữu tình. Dứt trừ lấy của không cho, tránh lấy của không cho, bất cứ tài sản, tư cụ gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi, không được cho người ấy không lấy trộm tài vật ấy. Dứt trừ sống tà hạnh trong các dục, tránh xa tà hạnh trong các dục, không hành tà hạnh với hạng nữ nhân có mẹ thủ hộ, có cha thủ hộ, có mẹ cha thủ hộ… cho đến những nữ nhân được quàng một vòng hoa.

Và thế nào, bốn nghiệp được thành tựu bởi ngữ, đã được tạo tác bởi tư thiện (cố ý thiện), được tích tập, dẫn đến lạc, cho quả dị thục lạc? Ở đây, có người dứt trừ nói dối, tránh xa nói dối; đến chỗ tập hội của đại chúng, hay trong chúng hội khác, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các công hội, hay  đến giữa các vương tộc, khi bị dẫn ra làm chứng và được hỏi hãy nói những gì mình biết, nếu biết, người ấy nói ‘tôi biết’, nếu không biết, người ấy nói ‘tôi không biết’; hay nếu thấy, người ấy nói ‘tôi thấy’; nếu không thấy, người ấy nói ‘tôi không thấy’. Như vậy lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc nguyên nhân vì mình, hoặc nguyên nhân vì người, hoặc nguyên nhân vì lợi lộc gì.

Dứt trừ lời nói chia rẽ, tránh xa lời nói chia rẽ. Nghe điều gì  ở chỗ này, không đến chỗ kia nói, gây chia rẽ giữa những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đến nói với những người này, gây chia rẽ giữa những người kia. Như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ đã hòa hợp, vui trong sự hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Dứt trừ lời nói thô ác, tránh xa lời nói thô ác; nói những lời nhu hòa, êm tai, dễ thương, cảm động đến tâm, thanh nhã, đẹp lòng nhiều người, vui ý nhiều người, người ấy nói những lời như vậy. Dứt trừ lời nói phù phiếm,[2]tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được ghi nhớ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có lợi ích.

Và thế nào, ba nghiệp thành tựu bởi ý nghiệp, đã được tạo tác bởi tư thiện (cố ý thiện), được tích tập, dẫn đến lạc, cho quả dị thục lạc? Ở đây, có người không tham lam, không tham cầu tài vật của người khác, không nghĩ rằng, ‘Ôi, mong sao tài vật của người khác trở thành của ta!’ Lại có người không có tâm sân hại, không khởi lên ý ác hại, nhưng nghĩ rằng, ‘Mong cho các chúng sanh này sống không thù, không oán, không não hại, được an lạc, tự thủ hộ!’; người ấy có chánh kiến, không có tư tưởng điên đảo, nghĩ rằng,[Ngược với các tà kiến được nêu trong *Th.56]

Do nhân bởi ba nghiệp thành tựu bởi thân, bốn nghiệp thành tựu bởi ngữ, ba nghiệp thành tựu bởi ý, đã được tạo tác bởi tư thiện (cố ý thiện), được tích tập, dẫn đến lạc, cho quả dị thục lạc, các chúng sanh ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, sanh thiên giới. Sañcetanika Sutta: Aṅguttara-nikāya V.294–297, dịch Anh P.H.

Chánh mạng và các giới khác

Th.112 Chánh mạng

Đoạn trích thứ nhất liệt kê năm điều vi phạm (bất luật nghi) xảy ra trong‘chánh mạng’, và đoạn thứ hai mô tả đức Phật thực hành điều này trong nhiều đời trước.

Này các tỳ-kheo, có năm nghề buôn bán này ưu-bà-tắc không nên làm. Năm điều ấy là gì? Buôn bán vũ khí,[3] buôn bán chúng sanh, buôn bán thịt, buôn bán rượu và buôn bán thuốc độc.

Vanijjā Sutta: Aṅguttara-nikāya III.208, dịch Anh P.D.P.

Này các tỳ-kheo, trong bất cứ đời trước nào… Như Lai, khi ấy là con người, đã từ bỏ tà mạng, tự nuôi sống bằng chánh mạng; tránh xa gian lận cân, gian lận tiền, gian lận đo lường, nhận hối lộ, lừa đảo và gian trá, và tránh xa những hành vi bạo lực như gây tổn thương, đánh đập, cột trói, chặn đường cướp giựt. Do tạo tác và tích lũy nghiệp ấy, tăng trưởng và khuếch đại, sau khi thân hoại mạng chung, tái sanh vào thiện thú, sanh thiên giới. Lakkhaṇa Sutta: Dīgha-nikāya III.176, dịch Anh P.H.

Th.113 Giới cận sự cho tại gia thọ vào những ngày trai

Cũng như năm giới cho cư sĩ, tám giới cận sự được các đệ tử tại gia thọ trì vào bốn ngày của tháng âm lịch. Ở đây, giới thứ ba cho tại gia là tránh tà dâm, được thay thế bằng tránh hành dâm, sau đó thêm hai giới phòng hộ kiêu mạn, phóng dật, và một giới (không ăn phi thời) là thể của giới cận sự.

Ta nói cho các ông, nghĩa vụ của gia chủ, hành thế nào để thành, vị đệ tử hiền thiện. Tại gia nhiều lợi đắc, và cũng nhiều sản nghiệp, khó thành tựu đầy đủ, toàn bộ pháp tỳ-kheo.

– Chớ giết các hữu tình, chớ bảo người khác giết, không tán thành kẻ khác giết hại các hữu tình. Từ bỏ các hình phạt, cho mọi loài trong đời, dù kẻ mạnh hay yếu.

– Rồi hãy quyết từ bỏ, lấy của không được cho. Vị đệ tử biết rõ, vật gì, vật của ai. Chớ khiến người khác lấy, không tán thán. Hãy tránh xa tất cả, những vật không được cho.

– Tránh xa phi phạm hạnh, như hiền trí tránh né hố than đang rực cháy. Nếu tự mình không thể, tu hành Phạm hạnh này, thời chớ có xâm phạm vợ con của người khác.

– Khi đến giữa đại chúng, hay đến chỗ tập hội, hoặc chỉ ta với người, chớ nói lời dối gạt, chớ khiến người nói dối, không tán thán nói dối. Hãy tránh xa, từ bỏ, những lời không chân thật,.

– Cư sỹ mộ pháp này, không uống các thứ rượu.

Biết rượu khiến buông lung, chớ khiến người khác uống, không tán thán uống rượu.

Người ngu phạm tội ác, do bởi đã uống rượu, và khiến người khác uống, người khác cũng buông lung. Hãy từ bỏ, tránh xa, môi trường phi phước này, khiến điên cuồng, si mê, làm kẻ ngu thỏa thích.

Chớ có giết hữu tình, chớ lấy của không cho, chớ nói dối không thật, chớ uống rượu say sưa. Từ bỏ phi Phạm hạnh, không hành trì dâm dục.

– Không ăn lúc phi thời.[4]

– Chớ mang các vòng hoa, chớ dùng các nước thơm.(8) Hãy nằm trên mặt đất, trên thảm chiếu trải dài. Đây là tám chi trai (cận trụ), do đức Phật thi thiết, để chấm dứt khổ đau.

Mồng tám, mười bốn, rằm, là những ngày thần biến (pāṭihāriya-pakkha), [5] nửa tháng hành bố-tát

(uposatha: cận trụ), tâm hoan hỷ thọ trì, giới cận trụ tám chi.

Do vậy, vào buổi sáng, hiền trí thọ cận trụ, tâm tịnh tín, tùy hỷ, cúng dường tỳ-kheo tăng, thức ăn thức uống, thích hợp theo khả năng.

Hãy nuôi dưỡng mẹ cha, hợp Pháp và có Pháp, và cũng đúng với Pháp, mà làm nghề buôn bán; người gia chủ như vậy, sở hành không phóng dật, được sanh làm thiên nhân, tên là ‘Tự chói sáng’.

Dhammika Sutta: Sutta-nipāta 393–404, dịch Anh P.D.P.

Từ ái và kham nhẫn

Th.114 Tu tập tâm từ và giá trị tu tập

Đoạn này là lối diễn đạt có tính kinh điển về phẩm tính của mettā, từ tâm, và thường được tụng, bằng tiếng Pāli, để tu tập phẩm tính này và tạo ra một sức mạnh nội tâm để hộ trì (như một bài tụng paritta: xem tiểu tựa ở trên *Th .95). Lòng từ là tâm đầu tiên được gọi là ‘vô lượng tâm’, những tâm khác là bi, hỷ và xả. *Th.136, 137, *M.113 và *V.65–68 nói về tu tập bốn vô lượng này. Người thiện xảo mục đích, cần phải làm như vầy: Sau khi đã thông, đạo tịch tĩnh Niết-bàn, hãy là  người khả năng, chất trực, thuần chất trực,  thiện ngôn và nhu hòa, không kiêu mạn, quá mạn. Tri túc, dễ hài lòng, ít bận rộn, đạm bạc; căn tịch tĩnh, hiền minh, khiêm, không tham vọng tộc.

Không làm điều ác dù nhỏ, khiến kẻ trí chê trích. Cầu hết thảy chúng sanh, an lạc và an ổn.

Mong tất cả chúng sanh, kẻ yếu hay kẻ mạnh, cao dài hay to lớn, trung, thấp, nhỏ, hay mập; loài được thấy, không thấy, loài sống xa, hay gần, loài đã sanh, sẽ sanh, cầu hết thảy an lạc.

Mong không ai dối ai, không khinh ai dù đâu, không cầu người bất hạnh, do giận hay oán hờn.

Như mẹ yêu con một, liều mình bảo vệ con, đối với con của mình, người tu vô lượng từ, đối tất cả cũng vậy.

Hãy tu từ vô lượng, đối hết thảy hữu tình, sung mãn khắp các phương, trên dưới và bốn phương, không kết không oán hận.

Khi đứng, đi, ngồi, nằm, trong khi còn tỉnh thức, an trú chánh niệm, đây gọi là từ phạm trụ.

Không dấn sâu kiến chấp, có giới và chánh kiến, trị tham trong các dục, không tái nhập thai mẹ.[6] Mettā Sutta: Sutta-nipāta 143–152, dịch Anh P.D.P.

Th.115 Xả sân hận thù oán

‘Nó mắng tôi, đánh tôi, thắng tôi, cướp của tôi.’ Ai ôm oán hận ấy, hận thù không thể nguôi.

‘Nó mắng tôi, đánh tôi, thắng tôi, cướp của tôi.’ Ai không ôm hận ấy, hận thù được tự nguôi.

Không có trong đời này, hận thù diệt hận thù. Đây quy luật ngàn đời.

Ai ngăn giận bộc phát, như dừng xe đang lăn, đây thật người đánh xe. Kẻ khác, cầm cương hờ. Dhammapada 3, 4, 5 and 222, dịch Anh P.H.

Th.116 Kham nhẫn và kiên trì thiện ý

Đoạn *L.40 cho thấy đức Phật dạy ứng xử như thế nào với cơn giận bằng nhẫn nhịn và khéo léo khi bị chỉ trích. Đoạn này chủ trương một lý tưởng cao không thù hận và một thái độ thân thiện ngay cả khi đối mặt với sự khiêu khích lớn  nhất. Tất nhiên để đạt được trình độ này đòi hỏi thay đổi bên trong và sức mạnh nội tâm lớn lao.

Khi người khác nói với các ông, lời nói của họ đúng thời hay phi thờichân thực hay không chân thựcnhu nhuyến hay thô bạoliên hệ mục đích hay không liên hệ mục đíchvới tâm từ hay với tâm sân. Ở đây, này các tỳ-kheo, các ông cần phải học tập như sau: ‘Chúng ta sẽ không để tâm biến đổi, không thốt ra những lời xấu ác; chúng ta sẽ an trú với tâm lân mẫn, với tâm từ, không ôm lòng thù hận. Chúng ta sẽ an trú làm tràn đầy người ấy với tâm câu hữu với từ. Rồi duyên từ người ấy, ta an trú làm sung mãn khắp thế gian với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không oán, không hận.’ Các tỳ-kheo, các ông cần phải học tập như vậy.

Này chư tỳ-kheo, nếu có những tên cướp, những kẻ hành nghề hạ tiện, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân; dầu vậy, nếu ai trong các ông có ý ác hại, người ấy như vậy không hành theo lời dạy của ta. Ở đây, này các tỳ-kheo các ông phải học tập như sau: ‘Chúng ta sẽ không để tâm biến đổi… không ôm lòng thù hận.’ Các ông cần phải học tập như vậy. Kakacūpama Sutta: Majjhima-nikāya I.126–129, dịch Anh P.H.

Giúp mình và giúp người

Th.117 Về việc lợi mình và lợi người

Các đoạn trích dưới đây chủ trương rằng tốt nhất tự mình hành xử thế nào để phục vụ phúc lợi cho ta và cho người khác, thì một người hành xử chỉ để phục vụ cho mình chứ không phải cho người khác vẫn tốt hơn người hành xử vì phúc lợi của người khác mà không nghĩ đến phúc lợi nội tâm của mình. Đấy là vì ta cần phải chuyên cần tu tập cho sự thắng tiến nội tâm trước khi có thể giúp ích người khác.

Này các tỳ-kheo, có bốn hạng người trong đời. Bốn hạng ấy là gì? (1) hạng người không hành trì vì lợi mình lẫn lợi người; (2) hạng người hành trì vì lợi người mà không lợi mình; (3) hạng người hành trì lợi mình mà không lợi người, và (4) hạng người hành trì lợi cả hai, mình và người.

Này các tỳ-kheo, ví như một cột lửa trên giàn thiêu, đang cháy hai đầu với đoạn giữa bị trét phân, không được dùng làm củi cả trong làng lẫn trong rừng; Ta nói hạng người này cũng như ví dụ ấy, tức là hạng người hành trì không lợi mình lẫn lợi người.

Ở đây, này các tỳ-kheo, trong hai hạng người (đầu tiên) này, bất kỳ ai hành trì lợi người mà không lợi mình, người ấy tốt đẹp hơn và vượt trội hơnTrong ba hạng người (đầu tiên) này, bất kỳ ai hành trì lợi mình mà không lợi người người ấy cao đẹp hơn và vượt trội hơnTrong (cả) bốn hạng người này, bất kỳ ai hành trì lợi mình lẫn lợi người, người ấy cao hơn hết, vượt hơn hết, trên tất cả, chóp đỉnh trên tất cả.

Chavālāta Sutta: Aṅguttara-nikāya II.95, dịch Anh P.D.P.

Này Cunda, một người đang bị sa lầy, nhất định không thể thể kéo người khác cũng đang bị sa lầy. Nhưng này Cunda, người không bị sa lầy chắc chắn có thể kéo người khác bị sa lầy. Này Cunda, người không tự nhiếp phục, không tự tu luyện, chưa được tịch diệt (Niết-bàn), nhất định không thể nhiếp phục, huấn luyện, và khiến người khác được tịch diệt. Nhưng này Cunda, một người đã tự nhiếp phục, tự tu luyện, đã được tịch diệt (Niết-bàn), người ấy nhất định có thể nhiếp phục, huấn luyện, và giúp người khác được tịch diệt. Sallekha Sutta: Majjhima-nikāya I.45, dịch Anh P.D.P.

Th.118 Hộ mình và hộ người: hỗ tương tác dụng

Đoạn này nhấn mạnh rằng tự mình chuyên tâm tu tập các thiện phẩm của tâm, và thiện hành là một cách hiệu quả để lợi người, trong khi hãy chăm sóc người khác (cf. *L.53, chăm sóc người bệnh) lại là lợi mình. Tuy nhiên, điều mà người ta không thể làm là trực tiếp kiểm soát người khác.

Thuở trước, này các tỳ-kheo, có một người biễu diễn tạp kỹ với gậy tre, sau khi dựng lên một cột tre, bảo người đệ tử Medakathālikā: ‘Này Medakathālikā, hãy đến đây, leo lên cột tre và đứng trên vai ta.’ ‘Thưa thầy, vâng’, người đệ tử vâng đáp, rồi leo lên cột tre và đứng trên vai của thầy.

Bấy giờ người biễu diễn gậy tre nói với đệ tử: ‘Này Medakathālikā, giờ con canh chừng ta và ta giữ chừng con. Như vậy, thầy trò ta canh chừng nhau, nhờ vậy mà biểu diễn tài nghệ, sẽ nhận được tiền thưởng, rồi leo xuống cột tre một cách an toàn.’

Khi nghe nói vậy, đệ tử Medakathālikā nói với thầy biểu diễn, ‘Thưa thầy, không nên như vậy. Mà nên như vầy: Thầy nên canh chừng mình và con tự canh chừng cho con. Như vậy, chúng ta tự canh chừng mình, nhờ vậy mà biểu diễn tài nghệ, sẽ nhận được tiền thưởng, rồi leo xuống cột tre một cách an toàn. ’

Cũng như điều mà đệ tử Medakathālikā đã nói với thầy là đúng trong trường hợp ấy; cũng vậy, này các tỳ-kheo, thường hành niệm trụ, với ý nghĩ ‘Tôi sẽ tự thủ hộ mình’; thường hành niệm trụ, với ý nghĩ ‘Tôi sẽ thủ hộ người khác.’ Này  các tỳ-kheo, tự thủ hộ mình cũng là thủ hộ người khác; và thủ hộ người khác cũng là tự thủ hộ mình.

Và này các tỳ-kheo, thế nào là tự thủ hộ mình và cũng thủ hộ người khác? Thường hành, tu tập, tu tập nhiều, như vậy là tự thủ hộ mình và cũng thủ hộ người khác. Và này các tỳ-kheo, thế nào là thủ hộ người khác và cũng thủ hộ mình? Kham nhẫn, không gây hại, có tâm từ, có tâm thương xót, như vậy là, này các tỳ-kheo, thủ hộ người khác và cũng thủ hộ mình. Sedaka Sutta: Saṃyutta-nikāya V.169, dịch Anh P.D.P.

Chăm sóc thú vật và môi trường

Kinh điển Phật giáo cho thấy sự tôn trọng các chúng sinh không phải con người và môi trường tự nhiên hộ trì con người và mọi loài. Đức Phật cho phép các tỳ-kheo và tỳ- kheo-ni nhận và ăn một số thịt động vật, nhưng chỉ khi con vật không bị giết để dâng cho họ: (*L.56). Về các đoạn khác trong cuốn sách này: *Th.30 có ý niệm rằng thời tiết và sự sinh trưởng cây trồng có thể bị ảnh hưởng bởi những suy hoại đạo đức của con người; *Th.32 cho rằng một trong những nhiệm vụ của ông vua Phật tử tốt là bảo vệ ‘thú vật và chim chóc’; *Th.143 kể chuyện một vị tỳ-kheo đã giải thoát nói lên cảm nghiệp hoan lạc trước những vẻ đẹp của thiên nhiên; và đoạn *Th.198 cho thấy tăng lữ sơ kỳ luân chuyển sử dụng các loại y được cúng dường để không lãng phí.

Th.119 Không gây hại các chúng sanh khác

Bài kệ này được cho là đức Phật đã nói lên khi Ngài thấy một số trẻ nhỏ đang hành hạ một con rắn bằng một cây gậy.

Mọi loài đều cầu an lạc, ai dùng gậy gộc gây hại, mong cầu an lạc cho mình, sẽ không an lạc trong đời sau.

Dhammapada 131, dịch Anh P.H.

Th.120 Loại bỏ tế tự hiến sinh, đối xử từ ái với thú vật

Trong đoạn này, bà-la-môn Kūṭadanta, đang muốn tổ chức một đại tế đàn hiến sinh, được tin là mang lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng, trong đó dự định giết 700 con bò đực, 700 con bò thiến, 700 con bò cái, 700 con dê và 700 con cừu. Ông đi đến đức Phật để hỏi ý, tổ chức đại tế đàn thế nào tốt nhất. Đáp lại, đức Phật kể cho ông nghe câu chuyện quá khứ, một ông vua muốn tổ chức đại tế đàn đẫm máu, nhưng được vị tư tế (tiền thân của Phật) khuyên, trước hết đảm bảo không vì tế đàn mà nhân dân thành nghèo khốn dẫn đến bạo loạn (xem *Th.33). Sau đó vua mới thực hiện đại tế đàn, nhưng không sử dụng bạo lực theo lời khuyên của vị tư tế.

‘Này bà-la-môn, trong tế đàn này, không có trâu bò, dê cừu, gà lợn bị giết, không có các loại sinh vật nào khác bị giết. Không có cây rừng bị chặt để làm cột tế đàn, không có loại cỏ cát tường bị cắt để rải xung quanh tế đàn. Các nô tỳ hay những người sưu dịch không làm công việc vì sợ bị đánh đập hay bị dọa nạt, không làm việc trong than khóc với đôi mắt đẫm lệ. Ai muốn tham dự thì tham dự, ai không muốn làm thì không bắt họ phải làm. Tế đàn này được thành tựu chỉ với dầu, sanh tô, thục tô, mật và đường miếng.’… [Đức Phật sau đó giải thích, để trả lời câu hỏi của Kūṭadanta, rằng ‘tế đàn’ tốt nhất là những hành trì theo Phật, bắt đầu bằng bố thí cho các sa-môn, cho đến những vị đã giác ngộ. Kūṭadanta sau đó bày tỏ tín tâm đối với Phật, Pháp, Tăng và nói:]

‘Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy y Phật, con xin thả hết bảy trăm con bò đực, bảy trăm con bò cái, bảy trăm con dê và bảy trăm con cừu, để cho chúng được sống. Mong chúng được ăn cỏ xanh và uống nước mát, mong chúng được hưởng gió mát.’

Kuṭadanta Sutta: Dīgha-nikāya I.144–148, dịch Anh P.H.

***

[1] Mặc dù chế độ một vợ một chồng là tiêu chuẩn trong hầu hết các vùng đất Phật giáo.

[2] Chuyện phiếm về các chủ đề như được nêu ở đầu *L.47.

[3] Tức là bán binh khí.

[4] Luật tu đạo (Vinaya IV.85–86) giải thích ‘phi thời’ là ‘sau khi đã qua trưa (đứng bóng) cho đến khi mặt trời mọc hôm sau’.

[5] Ngày thần biến (pāṭihāriya), theo truyền thuyết, trong những ngày này chư thiên tuần thú thế gian để quan sát thiện ác của loài người.

[6] Điều này có thể có nghĩa là chứng quả A-la-hán giải thoát vĩnh viễn không còn tái sanh, hoặc quả Bất hoàn giải thoát không tái sinh trở lại Dục giới.