Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

III. TẤT THÀNH CHÁNH GIÁC ĐỆ THẤT
(TT)

Tất xả tam đồ khổ, diệt chư phiền não ám(Đều bỏ tam đồ khổ, diệt các tối phiền não): Tiêu trừ ba độc thì thoát khỏi ba ác đạo. Do sự khổ trong tam đồ rất nặng nên Đại Thánh chạnh lòng thương, nguyện khiến cho tất cả chúng sinh đều được xa lìa. Vì vậy, trong bốn mươi tám nguyện, hai nguyện đầu tiên là “Quốc vô ác đạo” (Trong cõi nước không có ba ác đạo) và “Bất đọa ác thú” (Chẳng còn đọa vào ác đạo) cùng với câu “tất xả tam đồ khổ” ở đây có cùng một ý nghĩa. “Ám” là thí dụ cho vô minh, phiền não che lấp nguồn tâm khiến chúng sinh tăm tối, mù lòa không thấy được lẽ thật nên bảo là “ám”. “Phiền não ám” cũng đồng nghĩa với “tam cấu minh” phía trước.

Trong Du Già Sư Địa Luận, Phật đem vô lượng vô biên phiền não qui nạp thành hơn một trăm loại, đối với người sơ học vẫn là quá nhiều. Bồ Tát Thiên Thân bèn qui nạp thành hai mươi sáu loại gồm: Sáu “căn bản phiền não” và hai mươi cái “tùy phiền não”. “Căn bản phiền não” chính là “tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến”. “Ác kiến” là kiến giải sai lầm, chúng ta luôn phải rõ ràng tường tận, chính mình ngay trong cuộc sống thường ngày khi khởi tâm động niệm liền biết được đó là niệm thiện hay niệm ác, từ đó mà hạ thủ công phu đoạn ác tu thiện. Đây chính là những gì Tổ Sư, đại đức thường dạy chúng ta tu hành phải tu từ căn bản.

Giáo huấn của Phật ví như mặt trời, Trí Tuệ quang của Phật chính là Bát nhã, là chánh trí của tự tánh vốn đủ trong mỗi người chúng ta, Trí tuệ này có thể phá vô minh phiền não. Cho nên, “diệt chư phiền não ám”, nếu như không dùng Trí tuệ Bát Nhã, chắc chắn không thể diệt được, cho dù bạn có học rộng nghe nhiều, cái trí đó chỉ là “Thế trí biện thông” vay mượn bên ngoài không phải từ tự tánh.

Cho nên bạn có thể thuyết giảng đến hoa trời rơi rụng nhưng phiền não, tập khí trong bạn vẫn còn, năng lực chuyển biến nghiệp báo của bạn không có, làm sao có thể giải quyết được vấn đề sinh tử của chính bạn! Vả lại, e rằng “Thế trí biện thông” còn mang đến cho bạn nghiệp báo càng nghiêm trọng hơn! Đây là Phật dạy! Chúng ta nhất định phải cầu Trí tuệ chân thật, cầu Trí tuệ Bát Nhã vốn có trong tự tánh của mình, từ đó mới thật sự là lìa khổ được vui, thọ dụng thanh lương an lạc tự tại.

Khai bỉ trí tuệ nhãn, hoạch đắc quang minh thân(Mở được mắt trí tuệ, đạt được thân quang minh). “Nhãn”, tác dụng của nó là thấy, nên thường dùng mắt để tiêu biểu cho cái thấy. Kinh thường ví Bát Nhã như con mắt. Nhà thiền thường nói: “Hễ tham thiền phải nắm được tròng mắt của lẽ thiền; hễ học hỏi kinh giáo phải nắm được con mắt của kinh giáo”. Đây đều dùng mắt để ví cho chánh kiến Bát Nhã.

“Khai bỉ trí tuệ nhãn”: Ngày nay chúng ta cầu học, khó khăn rất lớn ở chỗ không có “căn bản trí”. Tuệ nhãn chưa khai lại bắt đầu học rộng nghe nhiều, việc này không học còn tốt hơn! Vì sao? Vì bạn còn trung thực, còn đơn thuần, còn cứu được! Vừa học rộng nghe nhiều, trong đầu lắm ư hỗn tạp, vô lượng vô biên tà tri tà kiến thì hết cứu rồi! Xã hội hiện tại là như vậy! Cho nên, “một môn thâm nhập trường thời huân tu” không phải tôi nêu ra, đây là Tổ sư đại đức đời đời truyền nhau: “Tuệ nhãn chưa khai phải “một môn thâm nhập, trường thời huân tu”.

– Đến lúc nào mới từ một môn chuyển đến nhiều môn?

– Trí tuệ nhãn khai rồi mới được! Trí tuệ nhãn chưa khai, bạn không đủ tư cách tham học. Khi trí tuệ nhãn khai rồi, bạn liền có năng lực trong tất cả pháp phân biệt chân vọng, phân biệt tà chánh, phân biệt phải quấy. Lúc bấy giờ, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần đều sinh trí tuệ, không sinh phiền não, như Huệ Năng nói với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn: “Trong tâm đệ tử thường sinh trí tuệ”.

Trong phẩm Ly Thế Gian của Kinh Hoa Nghiêm có nói đến Thập Nhãn. Ngoài Ngũ Nhãn, con mắt thứ sáu là Trí Nhãn vì nó thấy được các pháp. Con mắt thứ bảy là Quang Minh Nhãn thấy được quang minh của Phật. Con mắt thứ tám là Xuất Sanh Tử Nhãn vì thấy được Niết Bàn. Con mắt thứ chín là Vô Ngại Nhãn vì thấy được mọi pháp vô ngại. Con mắt thứ mười là Nhất Thiết Trí Nhãn, còn gọi là Phổ Nhãn, vì thấy được phổ môn pháp giới.

Trí Tuệ Nhãn nói trong kinh này có thể hiểu là Tuệ Nhãn và Trí Nhãn trong Thập Nhãn vừa nói trên, cũng có thể hiểu là Phật Tri Phật Kiến, Chánh tri Chánh Kiến, Như Lai trí tuệ đức tướng mà chúng sinh sẵn có tức là Phật Nhãn.

Sách Hội Sớ viết: “Trí tuệ nhãn chính là trí tuệ, nghĩa là con mắt trí tuệ sẵn có trong tâm chúng sinh. Do vô minh hư huyễn che lấp nên nhận lầm là tối tăm, mê muội (tự lầm lạc tưởng mình mù tối). Trụ trong tối tăm, mê muội nên lầm tưởng Phật nhãn ở nơi khác (tưởng rằng chỉ đức Phật mới có Phật nhãn). Phật quang phổ chiếu khai mở con mắt sẵn có trong tâm chúng sinh, diệt tan sự tối tăm, hôn ám từ vô thỉ đến nay nên bảo là khai”.

Sách Tam Tạng Pháp Số, quyển mười ba có nói ba thứ quang minh:

1. Ngoại quang minh: Như quang minh của mặt trời, mặt trăng, châu, lửa v.v… trừ được tăm tối.

2. Pháp quang minh: Diệu pháp trừ được sự tối tăm do ngu si.

3. Thân quang minh: Thân chư Phật, Bồ Tát và chư thiên có quang minh trừ được tối tăm như kinh nói: “Thân đảnh giai hữu quang minh chiếu diệu” (Thân và đảnh đều có quang minh chói ngời). Nếu chỉ hiểu “thân quang minh” là thân có quang minh thì chỉ là hiểu ở mức độ nông cạn. Hiểu sâu hơn, câu “hoạch đắc quang minh thân” (đạt được thân quang minh) có đến ba nghĩa:

Một là như Kinh Thiên Thủ Đà Ra Ni nói:

Đương tri kỳ nhân tức thị Quang Minh Tạng, nhất thiết Như Lai quang minh sở chiếu cố”. (Nên biết kẻ ấy chính là Quang Minh Tạng vì được quang minh của hết thảy Như Lai chiếu đến). Do Phật Quang phổ chiếu nên chúng sinh cấu (phiền não) diệt, thiện sinh, tuệ nhãn mở sáng, tịnh tâm trì niệm. Ngay khi ấy được quang minh của mười phương Như Lai chiếu soi, hộ trì, tự thân của hành giả liền trở thành tạng quang minh.

Hai là như sách Vãng Sinh Luận Chú nói:

“Quang minh của Phật là tướng trí tuệ” nên thân quang minh và mắt trí-tuệ là bất nhị. Mắt trí-tuệ được mở sáng nên thấy tánh rõ ràng, thành tựu “thân quang minh” một cách nhanh chóng.

Ba là như Kinh Tư Ích bảo:

Như Lai thân giả, tức thị vô lượng quang minh chi nghĩa” (Thân Như Lai chính là tạng vô lượng quang minh) nghĩa là nguyện tất cả chúng sinh đều do chân thật trí tuệ mà chứng được Pháp Thân Như Lai vậy.

Nói về “Quang Minh thân”, Hòa Thượng Tịnh Không giải thích như sau: Phàm phu chúng ta trên thân cũng có ánh sáng. Chúng ta gặp những người luyện khí công, họ biết xem “Khí”. Mỗi người trên thân đều có “Khí”, màu sắc của “Khí” không giống nhau, lớn nhỏ cũng không đồng; xấu nhất là màu đen hoại sắc, con người này sức khỏe không bình thường. Khỏe mạnh nhất là sắc vàng ròng; sắc vàng cũng không tệ, màu trắng đều rất tốt; màu hồng, màu lam, màu xanh đều có bệnh. Người nước ngoài gọi là “từ trường”, không gọi là “khí”; trong Phật pháp gọi là “quang”, kỳ thật đều là một sự việc. Người phiền não đoạn hết, quang minh tướng hảo của họ liền hiển lộ, cũng đại biểu cho thân thể khỏe mạnh. Phật nói: Bồ Tát ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không để chút nào bất thiện xen tạp, đây là tâm thuần thiện, thân thể chắc chắn khỏe mạnh.

– Người hiểu được nguyên lý này, khi thân bệnh có cần gặp bác sĩ không?

– Không cần thiết! Nếu họ thật sự có bản lĩnh chuyển đổi ý niệm thì được rồi!

Tâm thanh tịnh, tư duy thiện khiến các tổ chức tế bào trên thân họ liền hồi phục bình thường. Trái lại, tâm “tham, sân, si, mạn” sẽ gây độc tố phá hỏng các tế bào trong cơ thể họ, phải sinh bệnh thôi! Trường hợp này họ phải tìm bác sĩ, tìm thuốc thang chữa trị căn bệnh. Thế nhưng phải biết: Bác sĩ, thuốc thang chỉ là trợ duyên; đem tâm lý chính mình chuyển đổi mới là quan trọng.

Người chân thật tu hành, thân họ là quang minh trong suốt như thủy tinh, pha lê. Đây là do tâm thanh tịnh, thân liền thanh tịnh; thân tâm thanh tịnh đó gọi là “quang minh thân”. Cho nên, chúng ta phải cầu chứng được Pháp Thân. Pháp Thân là thanh tịnh quang minh không có giới hạn, không có bờ mé nên gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân.

Bế tắc chư ác đạo (Đóng lấp các đường ác): “Ác đạo” là ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Có kinh xếp A-tu-la cũng là ác đạo, gọi chung là “tứ ác đạo”. Kinh Địa Trì nói: “Thừa ác hạnh vãng, danh vi ác đạo” (Đi theo hạnh ác gọi là ác đạo) tức là làm ác sẽ sa vào đường ác.

Sách Hội Sớ lại viết:” Lục đạo đều bị lưu chuyển nên gọi là ác đạo”. Thuyết của Hội Sớ giải thích câu này ở mức độ sâu sắc hơn và có kinh văn làm chứng, bản Ngụy dịch kinh này ghi:“Hoành tiệt ngũ ác thú” (Cắt ngang năm đường ác). Do tính gộp “Tu-la” vào trong các đường khác nên sáu đường trở thành năm đường, gọi chung là “Ngũ ác thú”. Cho nên, “bế tắc chư ác đạo” là đoạn trừ nẽo luân hồi trong sáu đường khiến chúng sinh thoát biển sinh tử. Phẩm ba mươi hai trong Hội bản cũng bảo: “Hoành tiệt ư ngũ thú, ác đạo tự bế tắc” (Cắt ngang khỏi năm đường, ác đạo tự đóng lấp) câu này tổng hợp từ hai bản Hán dịch và Ngụy dịch. Chữ “bế” là đóng chặt, ngăn lấp; chữ “tắc” là tắc nghẽn.

– Dùng cái gì để bế tắc?

– Trên “nhân” mà nói: “Đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện” mới có thể bế tắc ác đạo môn.

Thập thiện nghiệp đạo là nền tảng, là phương pháp tốt nhất đóng kín các đường ác. Trên Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Thế Tôn giảng “Tịnh nghiệp tam phước” chính là ba điều kiện cần phải chuẩn bị đầy đủ để học Phật; không luận bạn tu pháp môn nào, dù Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn hay Giáo hạ; nếu rời khỏi ba điều kiện này thì bạn không phải học Phật!

– Không phải học Phật thì làm cái gì?

-Lúc trước, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói một câu rất khó nghe: “Hiện tại, trong cửa Phật có rất nhiều Phật giáo đồ không phải học Phật! Họ không đoạn ác tu thiện, không làm được “Tịnh nghiệp tam phước”, họ ngày ngày vào cửa Phật là đùa cợt Phật pháp.!”

Nghĩ lại, lời của ông rất có đạo lý! Chân thật học Phật thì phải rõ lý, phải y giáo phụng hành, phải thực tiễn ngay từ “Tịnh nghiệp tam phước”. Cái đầu tiên dạy: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, bốn câu này làm không được, đó chính là “đùa cợt Phật pháp” như thầy Lý nói. “Đùa cợt Phật pháp” chắc chắn đọa vào tam ác đạo!

Trên Kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy: “Thiện hộ khẩu nghiệp” (Phải khéo giữ khẩu nghiệp). Đem cái “khẩu nghiệp” này để ở hàng đầu trong ba nghiệp là ý nghĩa gì? Trong “khẩu nghiệp” bao gồm: Không vọng ngữ, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác, không thêu dệt. Tất cả chúng sinh rất dễ dàng vướng phải lỗi này! Bình thường tu tích công đức, có được bao nhiều đều bị “khẩu nghiệp” làm tiêu tán hết! Cho nên, người học Phật phải thật làm, chỉ có thật làm mới đóng bít được các đường ác.

Thông đạt thiện thú môn(Thông đạt các đường thiện): “thông” là thông đạt vô ngại; “môn” là lối đi. Chữ “thiện thú”, thông thường chỉ ba đường lành trong sáu đường. Nhưng, trong kinh này không thể hiểu chữ “thiện thú” như vậy được. Phần trên chúng ta đã dẫn chứng qua “sáu đường đều là ác đạo”, nên “thiên đạo” và “nhân đạo” cũng không được xem là “thiện thú”. Như vậy, “thiện thú” chẳng phải là con đường hướng đến cõi trời, cõi người mà là con đường hướng đến “chí thiện”, điều lành bậc nhất là vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Sách Hội Sớ giảng: “Bồ Đề là chỗ qui hướng của sự lành bậc nhất nên gọi là thiện thú môn”. Nói theo Hòa Thượng Tịnh Không “Siêu vượt tam giới, siêu vượt mười pháp giới mới là chân thật thành tựu, là chí thiện bậc nhất.”

– “Thông đạt thiện thú môn”, tu pháp môn nào để thông đạt?

– Theo Hoàng Niệm lão: Chỉ có phổ độ quần sanh, thành tựu tịnh quốc mà thôi.

Hòa Thượng Tịnh Không cũng tán đồng với quan điểm này: Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, duy nhất Tịnh Độ là Diệu Pháp có thể ban cho chúng sinh lợi ích chân thật, khiến tất cả hàm linh đều được độ thoát. Nên biết: Hàng đầu của “khai pháp tạng” chính là kinh này. Từ những kinh luận trích dẫn ở trên, chúng ta biết được thành Phật, mục tiêu rốt ráo chính là giúp tất cả chúng sinh khắp biến pháp giới, hư không giới , vô điều kiện, đều được độ thoát khỏi biển khổ sinh tử; trong đây bao hàm cả thoát ly “Phần đoạn sinh tử” và “Biến dịch sinh tử”; đây là “Diệu Giác quả Phật”. Chỉ có “Diệu Giác quả Phật” mới cứu cánh viên mãn chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đẳng Giác Bồ Tát vẫn còn một lần “Biến dịch sinh tử”.

Vị chúng khai pháp tạng(Vì chúng khai pháp tạng): “Chúng” là đại chúng, chữ “chúng” chỉ cửu giới chúng sinh gồm: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và hết thảy chúng sinh trong Lục đạo. “Khai pháp tạng” chính là vì người diễn nói, “Diễn” là biễu diễn, làm ra tấm gương mô phạm. “Pháp tạng” là giáo pháp của Phật dạy, còn gọi là Phật pháp tạng, chính là Như Lai Tạng Tánh sẵn có của người nghe pháp. Pháp tánh hàm tàng vô lượng tánh đức nên bảo là “pháp tạng”. Giáo pháp hàm tàng nhiều nghĩa nên gọi là “pháp tạng”; nhiều pháp tích tụ lại có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn nên gọi là “pháp tạng”. Chúng ta học Phật, nhất định phải thực tiễn được những điều trong kinh Phật dạy; đây chính là “Quảng thí công đức bảo(Rộng thí báu công đức): “Quảng” là phổ biến, không có tâm riêng tư, không có mục đích, không có ý đồ; cũng chính là bố thí, cúng dường vô điều kiện. Làm được việc này, phước báo của bạn là viên mãn, vô tận.

Sách Nhân Vương Kinh Sớ của Tông Thiên Thai giảng chữ “công đức” như sau: “Thí cho chúng sinh là công, qui về mình là đức”.

Sách Thắng Man Bảo Quật lại giảng:

Ác hết là Công, viên mãn điều lành là Đức. Đức lại có nghĩa là có được, do tu công mà đạt được nên gọi là công đức”.

Đặc biệt trong đoạn kinh văn này nói là “Công đức bảo”; “Bảo” là bảo tạng, chân thật có thể giúp chúng sinh giải quyết vấn đề viên mãn. Ý nghĩa của chữ “bảo”, chúng ta có thể hiểu là “pháp môn Tịnh Độ”, đây chân thật là “công đức bảo” vô tận. Cho nên, tất cả bố thí, cúng dường, sau cùng đều phải qui kết về: Khuyên người tu học pháp môn Tịnh Độ, lão thật niệm Phật, cầu vãng sinh Cực Lạc, đây mới là giải quyết triệt để viên mãn, là sự nghiệp của Bồ Tát. Câu “Quảng thí công đức bảo” là chuyên chỉ sự việc này.

Theo Hoàng Niệm lão: Chữ “bảo” (của báu) ở cuối đoạn này chính là điểm ta cần phải hết sức lưu ý. Chữ “bảo” này có khác nào như vẽ rồng xong, bèn điểm tròng mắt cho rồng. Chữ “bảo” này có ba nghĩa:

Thứ nhất, “bảo” là mỹ hiệu để tôn xưng, như tôn xưng Phật là Bảo Vương Như Lai, ca tụng “Niệm Phật tam-muội” là “Bảo Vương tam-muội”, tôn xưng ấn khế của chư Phật, Bồ Tát là “Bảo ấn” v.v…

Thứ hai, “bảo” là dịch nghĩa của chữ Phạn “ma-ni”. Nhân Vương Kinh Lương Phận Sớ giảng: “Tiếng Phạn gọi là Ma Ni, Hán dịch là Bảo, nếu dịch theo ý nghĩa là Như Ý Bảo Châu do nó thỏa mãn bất cứ điều mong cầu nào”. Trong quyển chín Kinh Niết Bàn còn bảo: “Ma-ni châu đầu ư trược thủy, thủy tức vi thanh” (Châu Ma-ni bỏ trong nước đục, nước liền trong).

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Trong Phật pháp, Như Ý Bảo Châu là hình dung cho Diệu Pháp. Nếu đạt được Diệu Pháp chẳng khác nào như đạt được Ma-ni bảo châu. Người kiến tánh, khai ngộ là người đạt được Diệu Pháp, chính là khai phát được trí tuệ, đức tướng Như Lai vốn có trong tự tánh”. Điều này là thật không phải giả. Thành ngữ có câu: “Lấy không hết, dùng không tận”, đây là chân thật “Bảo”.

Sách Di Đà Sớ Sao cũng viết: “Minh Châu gieo vào nước đục, nước đục chẳng thể không trong. Phật hiệu gieo vào loạn tâm, loạn tâm không thể chẳng thành Phật”. “Không thể chẳng thành Phật” có nghĩa là “Không thể không khôi phục được tâm thanh tịnh”. Đây cũng là đem bảo châu ví với danh hiệu Phật.

Thứ ba, “bảo” là Pháp Bảo, như Trí Độ Luận, quyển bốn mươi bảy nói: “Trong các pháp, “Pháp Bảo” là của báu chân thật làm lợi ích cho đời này, đời sau, cho đến khi chứng được Niết Bàn”.

Theo Hoàng Niệm Lão: Chữ “bảo”trong kinh này có đủ những nghĩa như trên. Pháp được giảng là Pháp Bảo chân thật, pháp này mầu nhiệm đến cùng tột không chi hơn nổi, nên gọi là “bảo”. Pháp này mãn nguyện chúng sinh nên được ví như báu Như Ý. Nói đích xác, của báu ấy chính là pháp “Trì Danh Niệm Phật”. Tâm ấn của pháp Niệm Phật kiên cố chẳng hoại, khác nào kim cang nên được xưng tụng là “bảo”.

Kinh Quán Phật Tam-Muội Hải, phẩm Quán Phật Mật Hạnh có nói:

Thí như bần nhân, y hào quý y thực. Thời hữu vương tử xuất

du, chấp đại bảo bình, bình nội tàng vương bảo ấn. Bần giả trá lai thân phụ, nã bảo bình đào tẩu. Vương tử giác chi, sử lục đại binh thừa lục hắc tượng truy chi. Trì bình nhân tẩu nhập không dã trạch trung, độc xà tự tứ diện lai, dục xỉ trì bình giả, hoảng cụ nhi Đông Tây trì tẩu. Kiến không trạch trung, hữu nhất đại thọ ông uất, đầu đới bảo bình, phan thọ nhi thượng. Thời lục binh tật trì chí thọ hạ, bần nhân kiến nhi thốn vương bảo, dĩ thủ phú diện. Lục hắc tượng dĩ tỵ giảo thọ đảo chi, bần nhân đọa địa. Thân thể tán hoại, duy kim ấn tại bảo bình phóng quang, độc xà kiến quang tứ tán. Phật cáo A Nan:

Trụ ư niệm Phật giả, tâm ấn bất hoại, diệc phục như thị”. (Ví như có kẻ nghèo dựa dẫm kẻ giàu sang để kiếm cái ăn, cái mặc. Khi ấy, có một vương tử ra ngoài chơi, mang theo bình báu lớn, trong bình đựng ấn báu của vua. Kẻ nghèo vờ đến thân cận, cướp bình bỏ chạy. Vương tử biết được, sai sáu tên lính khỏe mạnh cỡi sáu con voi đen đuổi theo. Kẻ ôm bình chạy vào chốn đầm lầy hoang vắng, rắn độc từ bốn phía bổ tới toan mổ gã ôm bình khiến hắn hoảng sợ chạy rảo Đông, Tây. Thấy trong đồng hoang có một cây to um tùm, hắn đầu đội bình báu, vịn cành leo lên. Khi ấy, sáu tên lính vùn vụt đuổi đến dưới gốc. Gã nghèo thấy vậy liền nuốt ấn vua, dùng tay bưng mặt. Sáu con voi đen dùng vòi cuốn cây quật xuống; gã nghèo té  xuống đất, thân thể nát nhừ, chỉ còn ấn vàng trong bình báu tỏa sáng. Rắn độc thấy ánh sáng chạy tứ tán. Phật bảo: -Người trụ vào niệm Phật thì tâm ấn chẳng hoại cũng giống như thế).

(Trong quyển chín mươi lăm sách Tông Kính Lục có chú giải đoạn kinh này tường tận, chẳng dẫn ra đây).

Nay chỉ bàn về câu cuối của đoạn kinh trên:

Phật cáo A Nan: Trụ ư niệm Phật giả, tâm ấn bất hoại, diệc phục như thị” (Phật bảo A Nan: Trụ trong niệm Phật, tâm ấn chẳng hoại, cũng giống như thế). Rõ ràng pháp môn Niệm Phật là pháp bảo chân thật chẳng hoại. Diệu pháp Niệm Phật “tâm này là Phật, tâm này làm Phật” đều từ tự tánh khởi tu, tự tâm khởi niệm để niệm trở lại tự tâm, dùng Quả Giác của Phật làm cái nhân tâm của chúng ta, nên cái nhân tâm ấy mau chóng đồng nhất với Quả Giác.

Trụ ư Niệm Phật, tâm ấn bất hoại” (Trụ trong niệm Phật, tâm ấn chẳng hoại). Cũng theo Hoàng Niệm lão: “Báu công đức chính là tâm này nên tâm ấn này được gọi là “bảo ấn”. Đại nguyện của A Di Đà Phật là nguyện phổ độ chúng sinh thành Phật. Để thực hiện nguyện này, ngài mở toang pháp tạng, rộng thí báu vô thượng trang nghiêm bằng vô tận công đức. Báu ấy chính là pháp bảo chân thật “tín, nguyện, trì danh”. Câu “Trụ ư Niệm Phật, tâm ấn bất hoại” đúng là tròng mắt của cả một Đại Tạng giáo.

Lúc trì danh niệm Phật chính là lúc tâm ấn phóng quang nên: “Một tiếng niệm Phật là một tiếng tâm”. Do vậy, Kinh Đại Tập dạy: “Nhược nhân đản niệm A Di Đà, thị tức vô thượng thâm diệu thiền” (Nếu ai chỉ niệm đức A Di Đà thì đó chính là vô thượng thâm diệu thiền). Nếu có thể tin nhận được lời nói này, chính là hưởng được thâm ân của Phật, được ngài mở con mắt trí tuệ, đắc thân quang minh. Tâm ấn vừa nói chính là tâm ấn của chư Phật, cũng chính là “dĩ tâm truyền tâm” (lấy tâm truyền tâm) của chư Tổ. Được nghe ấn báu này, nát thân khó thể báo đền nổi.

KINH VĂN:

Như Phật vô ngại trí
Sở hành từ mẫn hạnh
Thường tác thiên nhân sư
Đắc vi tam giới hùng
Thuyết pháp sư tử hống
Quảng độ chư hữu tình
Viên mãn tích sở nguyện
Nhất thiết giai thành Phật.

VIỆT DỊCH:

Như Phật vô ngại trí
Thực hiện hạnh từ mẫn
Thường làm thầy trời người
Làm đấng tam giới hùng
Thuyết pháp sư tử hống
Rộng độ các hữu tình
Viên mãn nguyện xưa kia
Hết thảy đều thành Phật.

GIẢNG:

Hai bài kệ trên đây diễn tả ý nguyện cầu thành tựu Phật đức, nguyện phước tuệ của mình được như Phật.

Như Phật vô ngại trí là nguyện trí tuệ mình giống Phật. “Vô ngại trí” chính là Phật trí thông đạt, không úng trệ, tự tại, dung thông. Đại Sư Thanh Lương trên Kinh Hoa Nghiêm nói bốn loại vô ngại: Lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Đây mới chân thật là viên mãn vô ngại trí của chư Phật Như Lai cùng Pháp Thân Đại Sĩ. Hiện tại chúng ta là phàm phu, trí tuệ đức năng này không thể hiển lộ như trên Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói:”Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ, đức tướng Như Lai, bởi vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc”. Chúng ta học Phật, không gì khác hơn là phải có quyết tâm “chuyển phiền não thành Bồ Đề”; Bồ Đề chính là “Vô ngại trí”. Ngài Pháp Tạng phát nguyện cầu được trí vô ngại chính là vì cửu giới chúng sinh diễn thuyết diệu pháp khế lý, khế cơ hết thảy vô ngại.

Sở hành từ mẫn hạnh(Thực hiện hạnh từ mẫn): “Hạnh” là hành vi, trong hành vi bao gồm tư tưởng, ý niệm: Hành vi của ý nghiệp, hành vi của khẩu nghiệp, hành vi của thân nghiệp. Chư Phật Như Lai, Pháp Thân Bồ Tát, các ngài khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là từ mẫn tất cả chúng sinh. Trong Phật pháp thường nói: “Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, lân mẫn chúng sinh, cứu tế bình đẳng, hiệp trợ bình đẳng; tối trọng yếu trong việc cứu trợ tất cả chúng sinh, chính là đem Phật pháp dạy cho họ, giúp họ phá mê khai ngộ. “Sở hành từ mẫn hạnh(Thực hiện hạnh từ mẫn): Đây chính là hành “Phật sở hành”, nguyện cầu hạnh của mình cũng được như hạnh từ mẫn của đức Thế Tôn . Đức Thế Tôn do “vô duyên đại từ” thương xót chúng sinh như con một nên cứu vớt, gánh vác khiến họ đều được lên bờ kia. Do vậy, Pháp Tạng nguyện thực hành hạnh của Phật đã hành. Câu kệ trước là cầu trí tuệ của Phật, câu này cầu đạt lòng từ bi của Phật. Trí, bi song hành, khế hợp Bồ Đề trọn vẹn. Bi và Trí như hai cánh chim không thể thiếu một.

Thường tác thiên nhân sư, đắc vi tam giới hùng (Thường làm thầy trời, người; được làm đấng tam giới hùng): Hai câu này chính là sư phạm trời, người. “Sư” là ý nghĩa gương mẫu. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là gương mẫu cho người thế gian “Thường tác thiên nhân Sư”: “Thiên nhân Sư” là một trong mười hiệu của Phật. “Tam giới hùng” cũng là một đức hiệu của Phật. “Tam giới” là Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Phẩm Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa có câu: “Thế Hùng bất khả lượng” (Đức Thế Hùng chẳng thể lường được). Ngài Tịnh Ảnh bảo: “Thế Hùng là danh xưng khác của Phật”. Phật đoạn sạch hết thảy phiền não nên là bậc Đại Hùng trong Tam giới.

Thuyết pháp sư tử hống”: “sư tử hống” là thí dụ: sư tử rống lên một tiếng, muôn thú đều run rẫy. Vì vậy trên kinh thường dùng “Sư tử hống” để ví cho oai đức nói pháp của Thế Tôn có thể khuất phục tà tri, tà kiến của hết thảy thế gian.

Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời, Ấn Độ lúc bấy giờ đích thật là một quốc gia tôn giáo. Trong những tôn giáo đó, người tu hành cũng có đẳng cấp rất cao. Họ chân thật tu Định, tu Tuệ. Cảnh giới của họ trong Định là cảnh giới “hiện lượng”, không phải là “tỷ lượng”, cũng không phải do suy tưởng, mà đích thật trong Định họ thấy được quá khứ, hiện tại, vị lai. Thế nhưng, sáu cõi từ đâu mà có thì họ không biết được! Cho nên, họ chỉ biết được cái đương nhiên mà không biết được sở dĩ nhiên của nó. Đức Phật xuất hiện ở thế gian để giáo hóa họ: Sức tu đến Bát Định của họ vẫn chưa đủ, phải tiến sâu thêm đến Cửu Định (Định thứ chín) mới siêu việt sáu cõi luân hồi. Như trên Kinh Lăng Nghiêm, chúng ta thấy A-la-hán đạt được Cửu Định thì siêu việt tam giới. Tuy nhiên, dù đạt đến Cửu Định, chứng quả A-la-hán vẫn chưa cứu cánh. Đúng là có câu “Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”, Phật có trí tuệ và năng lực này.

– Trí tuệ, năng lực này do đâu mà có?

– Chính là không có tự tư tự lợi, như Kinh Kim Cang nói: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng”, do vậy mà “Phiền não chướng” và “Sở tri chướng” đều đoạn hết. “Phiền não chướng” đoạn dứt liền siêu việt sáu cõi luân hồi. “Sở tri chướng” đoạn dứt liền siêu việt mười pháp giới. Những đại đạo lý, chân tướng sự thật này nếu Phật không nói, thế gian sẽ không có người biết. Cho nên, người chân thật giác ngộ phải phát tâm làm “Thiên nhân Sư”, phải phát tâm nói pháp “Sư tử hống”, phải đoạn phiền não, phải cầu trí tuệ.

Kinh Niết Bàn, quyển hai mươi lăm có câu: “Sư tử hống giả, danh quyết định thuyết” (Sư tử hống là nói một cách quyết định). Theo Hòa Thượng Tịnh Không: ba chữ “quyết định thuyết” này quả là rất khó được.

– “Quyết định thuyết” là nói cái gì?

– Nói về chân lý! Những gì họ nói ra là vĩnh viễn bất biến!

– Ai dám nói câu này?

– Người minh tâm kiến tánh mới dám nói câu này. Người chưa minh tâm kiến tánh tuyệt đối không dám! Họ chỉ có thể nói: Những gì tôi nói, cung cấp cho mọi người tham khảo, có thể tôi đã thấy sai hoặc nói sai, xin mọi người chỉ giáo. Họ không dám quyết định! Chư Phật và Pháp Thân Bồ Tát không như vậy! Mỗi câu mỗi chữ các ngài nói ra đều là “Quyết định thuyết”, không ai có thể thay đổi, cho dù chỉ một chữ.

Ngài Tăng Triệu (đây là đệ tử ưu tú nhất của ngài Cưu Ma La Thập), trong chú giải Kinh Duy Ma của ngài, có câu: “Diễn pháp vô úy, do như sư tử hống” (Diễn nói pháp không sợ hãi, ví như sư tử rống). Ngài Tăng Triệu giảng rằng: “Sư tử hống là tiếng vô úy.  Lời nói nào (của Đức Phật) cũng chẳng e sợ quần tà, dị học, ví như sư tử rống lên, muôn thú đều nép phục. Những gì Phật nói ra đều là chân lý, là thật tướng của các pháp. Đối với những kẻ dị học có tà tri tà kiến trái với giáo huấn của thánh hiền, chánh pháp của Phật có năng lực ứng phó mọi vấn đề nan giải, có sức chế phục nhiếp thọ lớn khiến họ cung kính, ngoan ngoãn vâng theo. Thuyết pháp được như thế mới có thể “Quảng độ chư hữu tình”, đây là căn bản đại nguyện của Pháp Tạng. Đại nguyện này, người thông thường không thể phát ra!

–  Vì sao không thể phát ra?

–  Không biết được hư không pháp giới, tất cả hữu tình chúng sinh với ta đều có quan hệ mật thiết, đều cùng một thể.

Thường tình thế gian: Sự việc nhà người, ta không quản lấy! Họ có gặp nạn, không liên quan gì đến ta! Do vậy mà nguyện tâm không thể phát! Thực tế mà nói: Mê chính ngay chỗ này! Kinh Đại thừa nói: “Thân, độ nhất như”, thân cùng độ là một, y chánh không hai, tánh tướng nhất như, chân vọng không hai, lý sự không hai. Đây là cảnh giới của chư Phật Như Lai thân chứng, chúng ta thì mù mịt!

Sự việc này cũng giống như trong thân ta: Tế bào này không thừa nhận tế bào khác, cũng không thừa nhận cả thân thể này là nó! Con người chúng ta cũng vậy, không biết mối liên quan giữa ta và vũ trụ vạn hữu là cùng đồng một thể. Nay nhờ Phật chỉ dạy, được chư đại đức giảng bày, chúng ta cũng không cách chi thân chứng được! Cho nên, tình yêu thương của chúng ta đối với mọi người, muôn vật rất là tan nhạt! Chắc chắn không làm đến được xả mình vì người, yêu thương người như chính mình. Đây là mê nên không giác!

Đức Phật rất từ bi, mỗi giờ mỗi phút đều không quên nhắc nhở, khai phát trí tuệ này trong chúng ta. Cái y này là ca-sa.

– Cái gì gọi là ca-sa?

– Ca-sa là tiếng Phạn, phiên dịch là “y nhiễm sắc”, màu sắc của y không phải là một chánh sắc mà do rất nhiều màu sắc phối hợp nhau tạo thành.

Trung Quốc cùng Ấn Độ đều công nhận: hồng, vàng, lam, trắng, đen là năm màu chánh sắc. Năm loại màu sắc này hòa lẫn với nhau tạo thành màu ca-sa. Cách nói của người hiện tại gọi là “đa nguyên văn hóa”. Chúng ta mặc y này là đa nguyên văn hóa. Bạn mặc một loại màu sắc, đó là “đơn nguyên văn hóa. Phật dạy chúng ta mặc y nhất định phải nhuộm loại màu sắc ca-sa, chính là mỗi giờ, mỗi phút đều nhắc nhở chúng ta: Tộc loại khác nhau, văn hóa khác nhau v.v… nhưng hư không pháp giới tất cả chúng sinh đều là một.

Cho đến bữa ăn phối hợp cơm, rau vào chung một bát, không phải phân ra từng món cũng gọi là “ca-sa vị”. Từng li, từng tí trong cuộc sống thường ngày, Phật đều phương tiện nhắc nhỡ, dạy bảo chúng ta. Thế nhưng, chúng ta ngày nay đã vô cảm! Căn bản đã quên mất đi ý nghĩa của Phật dạy rồi!

Đức Phật không những chỉ dạy chúng ta mặc màu ca-sa mà còn đem chiếc y này cách ra từng ô. Ý nghĩa này càng sâu hơn: Mỗi ô là đại biểu cho một tộc loại, một tộc quần, một văn hóa, một tôn giáo khác nhau v.v… đắp lên thân là một thể; hư không pháp giới tất cả chúng sinh là một không phải hai. Kinh Đại thừa thường nói: “Mười phương ba đời Phật, cùng đồng một Pháp Thân, một thân một trí tuệ” là ý nghĩa này.

Tôi đến thư viện lịch sử của Bắc Kinh, xem thấy tượng Phật lấy ra từ lòng đất ở Thanh Châu (đã nói ở phần trước). Tượng Phật Tỳ Lô Giá Na đã có hơn một ngàn bảy trăm năm, màu sắc vẫn còn rõ nét. Trên ca-sa, họa tiết của mỗi ô vẽ mười pháp giới: Tầng trên là pháp giới Phật, bên dưới là pháp giới Bồ Tát, pháp giới Duyên Giác, pháp giới Thanh Văn; bên dưới nữa là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Tôi xem thấy họa đồ này mới biết được chiếc y mà chúng ta đắp là “phước điền y”.

–  Cái gì gọi là phước điền?

–  Thế gian, xuất thế gian, bao gồm tất cả chúng sinh có thể hòa thuận cùng sống, bình đẳng đối đãi đây mới gọi là phước điền. Cho nên, Phật biểu đạt trên chiếc y này từng ô là: Chủng tộc khác nhau, quốc gia khác nhau, tôn giáo khác nhau, đắp lên người là hòa thuận cùng sống. Mỗi ô đều như nhau đại biểu cho bình đẳng: Bình đẳng đối đãi, bình đẳng cùng sống, con người này có phước.

–  Người nào không có phước?

–  Đối với tất cả mọi người không bình đẳng, cống cao, ngã mạn, xem thường người khác, sinh ra hiểu lầm, oán hận, đấu tranh lẫn nhau. Nhà Phật thường nói: Oan oan tương báo không hề kết thúc! Đây đều do không hiểu chân tướng sự thật mà sinh ra. Cho nên, “Quảng độ chư hữu tìnhđòi hỏi con người phải có tâm giác ngộ, rõ biết được tất cả chúng sinh với ta là một, không khác. Từ đó mới có thể phát được thệ nguyện này.

Viên mãn tích sở nguyện” (Viên mãn nguyện xưa kia). Hoàng Niệm lão giải thích: “Bồ Tát Pháp Tạng trong năm kiếp siêng năng tu tập, chọn lọc, tạo nên bốn mươi tám đại nguyện. Mỗi nguyện đều được công viên quả mãn, nên bảo là “Viên mãn tích sở nguyện”. Một điều rất tuyệt diệu, rất lạ lùng là câu nói:

Nhất thiết giai thành Phật” (Hết thảy đều thành Phật), nát thân khắp hư không khó thể đáp đền! Câu này là bản thể của bốn mươi tám đại nguyện. Từ câu này biến thành bốn mươi tám đại nguyện, mỗi một nguyện cũng chỉ nhằm thể hiện câu này: “Nhất thiết giai thành Phật”, cũng chính là trên Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”.

Vãng Sinh Luận nói ba thứ trang nghiêm: Cõi Phật, Phật và Bồ Tát. (Thông thường chúng ta nói y chánh trang nghiêm: Cõi Phật trang nghiêm là y báo. Phật, Bồ Tát trang nghiêm là Chánh báo). “Vào trong một pháp cú. Một pháp cú là thanh tịnh cú. Thanh tịnh cú là chân thật trí tuệ vô vi Pháp Thân”.

Hòa Thượng Tịnh Không nói câu này là để giải thích câu: “nhất thiết giai thành Phật”, rất hay! “Chân thật trí tuệ” là chánh báo; “vô vi pháp thân” là y báo. Chánh báo là hữu tình, y báo là vô tình, y chánh là một không phải hai. Đây chính là: “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”.

Vãng Sinh Luận cũng giải thích: “Nên biết rằng sự thanh tịnh ấy có hai loại; những gì là hai loại? Một là khí thế gian thanh tịnh (khí thế gian là những gì thuộc về vật chất hay loài vô tình). Hai là chúng sinh thế gian thanh tịnh”.

Phẩm Tuyền Trì Công Đức trong Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Kỳ thủy nhất nhất tùy chúng sinh ý… Ba dương vô lượng vi diệu âm thanh, hoặc văn Phật Pháp Tăng thanh, Ba La Mật thanh… cam lộ quán đảnh thọ vị thanh. Đắc văn như thị chủng chủng thanh dĩ, kỳ tâm thanh tịnh, vô chư phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục thiện căn, tùy kỳ sở văn, dữ pháp tương ứng. Kỳ nguyện văn giả, triếp độc văn chi. Sở bất dục văn, liễu vô sở văn, vĩnh bất thoái chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm” (Nước ấy thuận ý của mỗi chúng sinh…Sóng vang ra vô lượng âm thanh vi diệu, nghe tiếng Phật, Pháp, Tăng hoặc tiếng Ba La Mật… tiếng cam lộ quán đảnh nhận lãnh địa vị… Được nghe các âm thanh như thế xong, tâm thanh tịnh không có các phân biệt, chánh chân, bình đẳng, thành tựu thiện căn. Điều gì được nghe cũng tương ứng với pháp. Ai muốn được nghe, tai liền nghe thấy. Ai chẳng muốn nghe, trọn chẳng nghe thấy, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Chỗ này, Hoàng Niệm lão giải thích:

“Nước là vật chất vô tình sao lại có được vô lượng diệu dụng đến thế, biết tùy nghi thích ứng căn cơ, muốn nghe liền được nghe, lại có đầy đủ công đức chẳng thể nghĩ bàn như khiến người nghe trọn chẳng bị thoái chuyển. Rõ ràng, trong Nhất Chân pháp giới, một hạt bụi, một mãy lông, không thứ nào chẳng viên minh cụ đức, một thứ là chân thì hết thảy thứ là chân. Một mảy trần, một sợi lông không thứ nào chẳng là viên viên quả hải”. Theo sách Hiển Mật Viên Thông, “viên viên quả hải” chính là biển thánh giác quả đức vô thượng viên mãn. Chúng sinh thế gian và khí thế gian đều thanh tịnh. Hữu tình, vô tình đều thành Phật nên nói “Nhất thiết giai thành Phật” (Hết thảy đều thành Phật). Câu nói này đã bốc trần tâm tủy của Tam Tạng và mười hai bộ kinh, mở toang huyền chỉ của một ngàn bảy trăm công án trong nhà thiền, bộc lộ thẳng thừng mật ý “đại viên thắng tuệ, đại viên mãn” của Mật Tông. Câu “Nhất thiết giai thành Phật” chính là một pháp cú, một thanh tịnh cú, cũng có thể gọi theo nhà thiền là “mạt hậu cú” (câu sau cùng hết), vạn đức cùng được phơi bày; một pháp chẳng lập (vạn đức tề chương, nhất pháp bất lập), nói năng, suy nghĩ đều chẳng nhằm, chỉ đành lặng im lãnh hội”.

Ở đây, Hòa Thượng Tịnh Không nêu ra vấn đề và giải thích như sau:

– “Vạn đức tề chương” (vạn đức cùng được phô bày) là gì?

– Đại Sư Huệ Năng khai ngộ nói câu sau cùng: “Nào ngờ tự tánh năng sinh vạn pháp”, đó chính là “vạn đức tề chương”, trong đó thật sự không lập một pháp nào. Trên Kinh Đại thừa gọi đây là “Đệ Nhất Nghĩa của Trung Đạo.

– Thập pháp giới y chánh trang nghiêm có chăng?

– Có

– Có thật chăng?

– Tướng có, lý không! Tướng là “huyễn hữu”, thể là “chân không”. “Chân Không” không chướng ngại “Diệu Hữu”; “Diệu Hữu” không chướng ngại “Chân Không”, cũng giống như ta xem nghe âm thanh, sắc tướng trên màn hình, một pháp cũng chẳng lập.

– “Nhất pháp bất lập” (một pháp chẳng lập) là gì?

– Là bản thân của màn hình! Nó đúng là “nhất pháp bất lập”, nhưng vạn đức đều đầy đủ, chỉ cần bật kênh, âm thanh sắc tướng đều hiện ra.

– Sắc tướng có chướng ngại màn hình chăng?

– Không có!

– Màn hình có chướng ngại sắc tướng chăng?

– Cũng không có!

Từ màn hình Ti-vi, chúng ta thể hội được “vạn pháp tề chương, nhất pháp bất lập”, từ chỗ này mà khai ngộ. Đem những gì khai ngộ ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày: Sáu căn tiếp xúc với sáu trần giống như mối liên quan giữa màn hình và sắc tướng, “bất tức, bất ly”! “Đầy đủ vạn đức, một pháp chẳng lập”, đó chính là thành Phật. Đây là chân tướng sự thật, không phải do ai sáng tạo, nó vốn là như vậy. Màn hình ví như chân tánh, nó “năng sinh, năng hiện”; vọng tưởng, phân biệt chấp trước là “năng biến”. Bất luận biến như thế nào cũng không ra khỏi phạm vi màn hình. Bất luận biến ra sao cũng không chướng ngại màn hình; màn hình vẫn như như bất động. Cho nên, “Nhất thiết giai thành Phật” (Tất cả đều thành Phật) là thật không phải giả! Bạn là Phật, họ cũng là Phật; bàn ghế, cây cỏ hoa lá, sơn hà đại địa cũng là Phật, vi điểm của sợi lông, hạt bụi đều là Phật.

– Phật là gì?

– Phật là chân tánh! Nhất pháp bất lập! Nhất pháp bất xả! Ngôn ngữ, tư duy đều không thể diễn tả, duy chỉ có “mặc khế” (im lặng mà lãnh hội). Chữ “mặc” ở đây là buông bỏ tất cả khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước. Tịnh Mặc, tiếng Phạn gọi là Niết Bàn. Chữ “Mặc” này là Niết Bàn, lúc này liền khế nhập chính mình và tất cả đều thành Phật, dung hợp thành một thể; biến pháp giới, hư không giới và tự tánh là nhất thể, đó chính là thấy được “tự tánh thanh tịnh viên minh thể, khởi nhị dụng, thị tam biến”; hoàn toàn thấu triệt: Nhất thể chính là nhị dụng; nhị dụng chính là tam biến; Tam biến nghĩa là tứ đức, tuyệt đối không thể tách rời.