NGŨ SẮC VÂN THỦ NHÃN

 

Ngũ Sắc Vân Thủ (Tay cầm mây ngũ sắc):

Tay thứ tám trong tám tay thuộc Yết Ma Bộ của Mật Pháp, là Pháp Câu Triệu.

Câu thứ 26 trong Chú Đại Bi là:Ma Hê Ma Hê dịch nghĩa là Đại Tự Tại  tức Ngũ Sắc Vân  Thủ Nhãn trong tượng tay Đại Bi.

Đại Bi xuất tướng câu 26: Ma Hê Ma Hê 

– Thiên Thủ Thiên  Nhãn Đại Bi Tâm Đà La Ni: Bản dịch của Tam Tạng BẤT KHÔNG Pháp Sư ở Đời Đường, là tướng tay thứ 26 trong Kinh Văn:

“Nếu vì cầu thành tựu Phật Đạo thì nên cầu nơi tay Ngũ Sắc Vân (đám mây năm màu )”.

Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh: Bản dịch của Tây Thiên Trúc GIÀ PHẠM ĐẠT MA Pháp Sư ở Đởi Đường, là tướng tay thứ 23:

“Nếu người nào vì Tiên Đạo thì nên cầu nơi bàn tay cầm mây ngũ sắc”.

Thiên Quang Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Bí Mật Pháp Kinh: Tướng tay Ấn thứ 23 là:

Nếu người vì thành tựu pháp Tiên nên tu pháp đám mây ngũ sắc, tượng TIÊN VÂN QUÁN TỰ TẠI….xong tay phải cầm đám mây ngũ sắc, tay trái nâng lên trên cầm đầu cái áo khoác ngoài (Thiên Y) để mặc,vẽ tượng xong.

Tướng Ấn đó là  hai tay phải trái kết Vũ Khế (ấn múa) làm tướng bay.

Tiên Vân Quán Tự Tại Bồ Tát

23) Ngũ-Sắc-Vân Thủ Nhãn Ấn Pháp

Kinh nói rằng: “Nếu muốn được đạo tiên, nên cầu nơi Tay cầm hóa hiện Mây-Ngũ-Sắc”.

Thần-chú rằng: Ma Hê Ma Hê [26]

𑖦𑖫𑖱 𑖦𑖫𑖱
MAŚĪ MAŚĪ

MAŚĪ (Nhìn về , trông vào, xem xét)

MAŚĪ MAŚĪ: Quán sát Tâm mình và Tâm người để tu thành thân Kim Cương Pháp được ngồi trên Toà Hoa Sen báu.

Ma Hê Ma Hê” là tiếng Phạn, dịch ra là “vô ngôn cực ý”. Vô ngôn là không cần nói; cực ý là ý niệm đã đến cực điểm, tức cũng là “diệu”, lại dịch ra là “tự tại”. Có ai tự tại chăng? Có vị Ðại Phạm Thiên Vương rất tự tại, chẳng sầu chẳng lo, chẳng suy chẳng nghĩ, suốt ngày đều hoan hỉ. Thủ Nhãn này là Ngũ Sắc Vân Thủ Nhãn, trong tay nâng mây năm màu, cho nên rất tự tại. Nghĩ ra thì dụng đồ này cũng vô lượng vô biên, cũng tự tại diệu dụng vô cùng.

Kệ:

Ứng cơ thị hiện vô lượng thân
Đại tiểu quyền thật hiển uy thần
Kim cương bất hoại thường tự tại
Thiên nhãn diêu quán thiên nhĩ văn

Dịch:

Do cảm ứng thân thân cùng thị hiện
Đạo biến, thường, lớn, nhỏ, lộ uy nghiêm
Như kim cang kiên cố thuận theo duyên
Mắt trời rộng, tai trời nghe thấu suốt.

Chơn-ngôn rằng: Án– phạ nhựt-ra, ca rị ra tra hàm tra.

𑖌𑖼_ 𑖪𑖕𑖿𑖨  𑖎𑖨𑖰  𑖨𑖘𑖿 𑖦𑖘𑖿
OṂ_ VAJRA  KARI  RAṬ MAṬ

OṂ_ VAJRA  KARI(Quy mệnh Kim Cương Chưởng) RAṬ (quát hét) MAṬ (trì hoãn, chậm chạp)

Mây Ngũ Sắc là điều lành kỳ lạ của đạo Tiên, biểu thị cho nghĩa: “Đạo Pháp được thành tựu, thành Ngũ Thông Tiên” Năm màu là tinh sắc của năm Tạng (màu trắng thuộc lá phổi, màu vàng thuộc tuỵ tạng, màu đỏ thuộc trái tim, màu đen thuộc trái thận, màu xanh thuộc lá gan, nên biểu thị cho thọ mệnh 14 chi , 5 tạng đều giúp ích cho sự mau chóng phát triển của thọ mệnh.

Trong Chân Ngôn tuy có nói về Đức của Diên Thọ (Sống lâu), nhưng trong 40 tay không có Diên Thọ Khế . Vì thế tay hóa hiện Mây Ngũ Sắc biểu thị cho Diên Thọ Khế.

Do tinh thần con người như mây nổi, nên Quán Thế Âm Bồ Tát dùng bản nguyện Từ Bi hóa hiện tay này để giữ lại không cho ly tán nhằm giúp cho chúng sanh được sống lâu và khoẻ mạnh như chư Thiên.

Hành Giả muốn thành tưu Pháp này thì phải vào nơi núi sâu rừng thẳm – ngưng ăn lúa nếp, thân cây Tùng với thảo dược, không phạm vào ba nghiệp ác, hướng về Bản Tôn, quán tưởng tay, tụng Chú từ một đến ba năm thì thành Trường Mệnh Tiên.

Kệ tụng:

Vị đạo cầu tiên nguyện trường sinh
Thọ dữ thiên tề bất giảm tăng
Toại tâm như ý thông biến hóa
Ngũ sắc tường vân túc hạ đăng.

[“ĐẠO TIÊN”, cầu trường sanh thì có, cầu “BẤT TỬ” thì không,
Tưởng rằng Thọ-mạng sánh bằng “TRỜI ĐẤT”, không tăng không giảm.
Dù có thần thông biến hóa toại tâm như ý, nhưng vẫn còn ở trong “TAM GIỚI” mà thôi.
Khi Trì NGŨ SẮC VÂN THỦ NHÃN, thì bỏ được ngã chấp, RA KHỎI TAM GIỚI.]

Trong KINH LĂNG NGHIÊM có nói: “Có 10 chúng TIÊN, họ tu để được “TRƯỜNG SANH BẤT TỬ”,  như chẳng theo chánh giác tu Tam Ma Địa,  mà tu theo vọng niệm, giữ tâm củng cố hình hài, kiên cố dùng đồ bổ chẳng ngừng nghỉ, nên thành tựu đạo thực, gọi là Địa Hành Tiên.[1] .Kiên cố dùng cỏ cây chẳng ngừng nghỉ, nên thành tựu đạo thuốc, gọi là Phi Hành Tiên.[2]…”

( xin xem KINH LĂNG NGHIÊN giảng thuật của HT. TUYÊN HÓA  về 10 chúng TIÊN ở phần sau cùng của THỦ NHÃN)

Họ tự cho mình là “TRƯỜNG SANH BẤT TỬ, THỌ MẠNG SÁNH BẰNG TRỜI ĐẤT, KHÔNG TĂNG KHÔNG GIẢM”, nhưng thật ra họ vẫn còn trong vòng LUÂN HỒI SANH TỬ.

Dù họ có “THẦN THÔNG BIẾN HÓA NHƯ Ý”, nhưng cũng chỉ ở trong TAM GIỚI mà thôi, tuổi thọ có hàng VẠN NĂM, nhưng khi hết phước TIÊN, phải chịu đọa lạc trong SANH TỬ.

Vì vậy, BỒ-TÁT QUÁN-THẾ-ÂM thương sót khởi lòng ĐẠI-BI, dùng “ỨNG THÂN”,  “HÓA THÂN”  làm TIÊN để DẠY HỌ TRÌ “NGŨ SẮC VÂN THỦ NHÃN ẤN PHÁP” nầy,  để giúp họ THÀNH TỰU TÂM NGUYỆN BAN ĐẦU CỦA MÌNH.(Thọ dữ thiên tề bất giảm tăng)

Cũng như Phật Thích Ca tu khổ hạnh không ăn, cho đến chỉ còn xương với da, mà vẫn không chứng đạo, là để giáo hóa người tu khổ hạnh thời bấy giờ và trong vị lai.

 “ỨNG THÂN” thì có lịch sử rõ ràng, như PHẬT THÍCH CA ứng thân trong cõi TA-BÀ, còn “HÓA THÂN” thì không có lịch sử, không biết từ đâu đến và đi về đâu, như BỒ-TÁT QUÁN THẾ- ÂM, hóa hiện vô-lượng thân, vô-lượng hình tướng khác nhau như làm kẽ ăn xin, bà già, cư-sĩ, Tỷ-khưu…để cứu khổ hoặc khai thị, xong rồi thì không biết NGÀI đi đâu mất dạng.

Lại nữa, khi Trì NGŨ SẮC VÂN THỦ NHÃN, thì không còn trụ ở ÂM THANH SẮC TƯỚNG , không còn trụ ở TAM TÂM TỨ TƯỚNG vì biết rằng đương thể là không, không cần đợi có thời gian hoại diệt mới biết là “KHÔNG”, là “HUYỄN”, thì bỏ được ngã chấp, RA KHỎI TAM GIỚI. Cũng như KINH KIM CANG nói:

Nhược  dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thinh cầu ngã,
Thị nhơn hành tà đạo,
Bất năng kiến Như-Lai.

[Nếu dùng sắc-tướng thấy PHẬT,
Dùng âm-thanh cầu PHẬT,
Người nầy hành theo TÀ-KIẾN,
Chẳng thấy được NHƯ-LAI.]

TAM TÂM là Tâm qúa khứ, Tâm hiện tại, và Tâm vị lai.

TỨ TƯỚNG là Tướng ngã, Tướng nhơn, Tướng chúng sanh và Tướng thọ giả.

…bất luận về THÂN hay TÂM trong thế gian cùng xuất thế gian, mà do nhân duyên hòa hợp làm thành, đều là pháp hữu vi, đều là không thật thể, như mộng, huyễn, bào,  ảnh…

Nhứt thiết hữu-vi pháp.
Như mộng, huyễn, bào ảnh.
Như lộ, diệc như điển,
Ưng tác như thị quán!

[Tất cả pháp hữu-vi do nhân duyên sanh.
Khác nào huyễn cảnh, khác nào chiêm bao.
Như trăng dưới nước, như ảnh trong gương.
Khác nào bọt nước, hiệp tan khó lường.
Như ánh chớp, như điểm sương.
Thường hay Quán xét như vầy, chứng được thật tướng, mới là vô-sanh.]

Kinh Kim Cang

Pháp-sư Cưu-ma-la-thập phiên dịch vào thời Diêu Tần
Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng
 

Phần 27: VÔ ĐOẠN VÔ DIỆT 

Tu-Bồ-Đề! Nhữ nhược tác thị niệm, Như-Lai bất dĩ cụ túc tướng cố, đắc A-nậu-đa-la tam miệu tam bồ-đề. Tu Bồ Đề!  Mạc tác thị niệm: Như-Lai bất dĩ cụ túc tướng cố, đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Tu-Bồ-Đề!  Nhữ nhược tác thị niệm: Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, thuyết chư pháp đoạn diệt. Mạc tác thị niệm! Hà dĩ cố? Phát A nậu đa la tam miệu tam-bồ-đề tâm giả; ư pháp bất thuyết đoạn diệt tướng.

Tu-bồ-đề! Ví như ông có ý này: Như-lai chẳng do các tướng đầy đủ để được a nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Đừng nghĩ như thế, rằng Như-lai chẳng nhờ các tướng đầy đủ để được a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Nếu ông có ý tưởng ấy, kẻ phát tâm a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề ắt nói rằng các pháp đoạn diệt. Đừng nghĩ như vậy! Tại sao? Người phát tâm a-nậu đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nơi pháp chẳng nói tướng đoạn diệt.

Lược giải:

Tới đây, Phật e rằng các chúng sanh có thể hoài nghi, mà tự hỏi nếu chẳng thể lấy ba mươi hai tướng để quán Như-lai thì Phật lấy gì để chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cho nên Phật mới thuyết giảng đoạn văn kinh này.

Phật bảo: “Tu-bồ-đề! Ví như ông khởi ý nghĩ rằng Như-lai chẳng do các tướng đầy đủ phước đức và trí huệ để chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tu bồ-đề! Ông nên nhớ, đừng có khởi lên ý nghĩ đó. Tại sao vậy? Nếu cho là a-nậu đa-la tam-miệu tam-bồ-đề là đoạn diệt của các tướng, tức có nghĩa là Như-lai không có các tướng đầy đủ phước huệ mà chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác, ý tưởng đó chính là tướng đoạn diệt.”

Phật sợ mọi người có thể rơi vào tướng đoạn diệt nên nói: “Người phát tâm cầu vô thượng chánh đẳng chánh giác, không thể nói rằng các pháp là đoạn diệt.

Không nên như vậy! Tại sao? Bởi người phát tâm cầu vô thượng chánh đẳng chánh giác, đối với mọi pháp đều giữ lẽ trung đạo, chẳng nói pháp đoạn, chẳng nói pháp thường, chẳng rơi vào hai kiến chấp thường và đoạn. Nếu bị vướng mắc hai chấp thường đoạn, tức không hợp với pháp Phật, chẳng thể thành Phật được. Bởi các lý do đó, người tu học pháp Phật, phải hết sức minh bạch lẽ trung đạo, và cố xa lìa chấp thường cũng như chấp đoạn.”

Hiện nay, Phật-giáo tại các nước Tây phương hãy còn mới mẽ, nên mỗi người trong chúng ta phải hết lòng hoằng dương. Tất cả những ai ưa thích Phật pháp, đều phải tự gánh lấy trách nhiệm này, không nên tìm cách lảng tránh coi như đây là nhiệm vụ của người khác. Mỗi cá nhân đều phải lấy việc truyền bá, giảng kinh, thuyết pháp, làm công việc của chính mình, coi như thiên chức của mình vậy.

Ngày đêm, sáu thời, tự hỏi lòng mình: “Ta là một Phật tử, đã quy y Tam-bảo, ta có gì để cống hiến cho Phật-giáo? Ta đã đóng góp được gì?” Nếu đã góp phần rồi thì ta hãy góp thêm; nếu chưa có, ta lại càng phải cố gắng. Phật-giáo chưa được phổ biến rộng lớn, cũng do chúng ta chưa hết lòng vì đạo. Chúng ta có tận tâm trong việc hoằng dương Phật-pháp, mới có thể nói là làm tròn trách vụ của chúng ta, hoàn thành thiên chức đã được giao phó. Chúng ta không thể lười biếng, cầu an cho riêng mình. Người Tây phương chưa hiểu biết về Phật-giáo cũng vì thái độ lười biếng của chúng ta, bởi vậy quý vị hãy nỗ lực thêm lên.

Lời bàn: Thật ra tất cả các cõi uế-độ và Tịnh-độ trong 10 phương đều là mộng huyễn, nhưng ở TỊNH ĐỘ thì chứng được bất thoái chuyển cho đến khi thành Phật.

Tóm lại, nếu “Qúy-vị” trì Ngũ Sắc Vân Thủ Nhãn Ấn Pháp, thì không còn trụ ở ÂM THANH SẮC TƯỚNG, không còn trụ ở TAM TÂM TỨ TƯỚNG, nên “ĐƯỢC TRƯỜNG SANH BẤT TỬ”, và cũng có khả năng như Bồ-tát Quán-thế-âm giúp cho 10 chúng TIÊN LÌA NGÃ CHẤP, chứng được “THẬT TƯỚNG”, như tâm nguyện họ mong cầu.  Hữu cầu tắc ứng là đây chăng?

Kệ tụng Việt dịch:

Vì đạo cầu tiên nguyện trường sinh
Chẳng hề tăng giảm sánh trời xanh
Biến hóa rộng sâu như ý nguyện
Năm sắc mây lành quyện dưới chân.

Ngũ-Sắc-Vân Thủ Nhãn Ấn Pháp
Thứ Hai Mươi Ba

Ma Hê Ma Hê [26]
𑖦𑖫𑖱 𑖦𑖫𑖱
MAŚĪ MAŚĪ

Án– phạ nhựt-ra, ca rị ra tra hàm tra.
𑖌𑖼_ 𑖪𑖕𑖿𑖨  𑖎𑖨𑖰  𑖨𑖘𑖿 𑖦𑖘𑖿
OṂ_ VAJRA  KARI  RAṬ MAṬ


THẬP TIÊN CHÚNG

Kinh văn:

A Nan, lại có chúng sinh từ loài người, không nương theo chánh giác tu Tam ma địa, lại riêng tu theo vọng niệm, để tâm củng cố hình hài, đến nơi rừng núi, những chỗ người ta không đến được, thành mười thứ tiên.

Giảng giải:

A Nan, lại có chúng sinh từ loài người, không nương theo chánh giác tu Tam ma địa. Từ loài người, họ không tu hành chánh định, tu đại định Thủ Lăng Nghiêm, chẳng hành công phu quay trở lại tánh nghe để lắng nghe tự tánh, mà tu tập theo vọng tưởng. Có thể họ sẽ nghĩ, như: “Bây giờ ta tu hành, khi thành công mọi người sẽ thấy pháp thuật của ta; lúc đó họ sẽ tin ta, khâm phục ta, nghe theo lời của ta.” Đấy không phải là mục đích tu hành để thành Phật, họ chỉ muốn phát triển khả năng khéo léo để được mọi người khâm phục, phụng sự. Đấy là cách thể hiện lòng tham và ngu ngốc của chính mình như vậy, để tâm củng cố hình hài, đến nơi rừng núi, những chỗ người ta không đến được, thành mười thứ tiên. Họ vọng tưởng mình sẽ được trường sinh bất tử, thế nên họ đi vào rừng sâu, nơi không ai đến được.

Kinh văn:

A Nan, các chúng sinh kia, kiên cố dùng đồ bổ dưỡng mà không dừng nghỉ, khi đạo ăn được thành tựu thì gọi là Địa hành tiên.[1]

Giảng giải:

A Nan, các chúng sinh kia, kiên cố dùng đồ bổ dưỡng mà không dừng nghỉ. Họ dùng thức ăn, các dược chất, mục đích để được bất tử. “Kiên cố” – chỉ sự kiên trì thực hiện. Có người giải thích đó là lòng tin tuyệt đối khi thực hiện. Họ rất chuyên cần, ngày này qua ngày khác, luôn phát huy khả năng, luyện tập và dùng thuốc, chỉ mong được sống mãi. Khi đạo ăn được thành tựu thì gọi là Địa hành tiên. Kết quả, họ có được thân hình rất nhẹ khi đi đây đó. Họ có thể chạy cực nhanh, nhanh hơn cả đà điều ở nước Úc. Các thần tiên di hành như bay trên mặt đất như thế nên gọi là Địa hành tiên.

Kinh văn:

Kiên cố dùng cỏ cây mà không dừng nghỉ, khi đạo thuốc được thành tựu, gọi là Phi hành tiên.[2]

Giảng giải:

Kiên cố dùng cỏ cây mà không dừng nghỉ. Họ quyết định kiên trì và thực hiện cho bằng được. Nếu ai đó khuyên bảo thôi đi, họ không màng đến. Lòng họ cứng rắn hơn sắt đá. Họ tin vào cách thức tu luyện của chánh mình – đấy là luyện thảo dược, làm thức ăn hàng ngày. Khi đạo thuốc được thành tựu, gọi là Phi hành tiên. Thân thể họ nhẹ nhàng như khói thuốc, họ có thể đi trên mây, bay lơ lửng như sương.

Kinh văn:

Kiên cố dùng kim thạch và không dừng nghỉ, khi đạo hóa chất được thành tựu, gọi là Du hành tiên.[3]

Giảng giải:

Kiên cố dùng kim thạch và không dừng nghỉ. Tâm ý quyết định kiên trì thực hiện cho được việc. Họ trộn lẫn thủy ngân và chì, hoặc vàng và bạc, sau đó nấu đi nấu lại, luyện liên tục suốt bốn mươi chín ngày, hoặc hai mươi mốt ngày, thành một loại linh dược, gọi là thuốc trường sinh. Mục đích thành công của họ là trường sinh bất tử, thoát thai hóa cốt. Khi đạo hóa chất được thành tựu, gọi là Du hành tiên. Tu luyện được siêu thoát, họ có thể đi khắp đó đây theo ý muốn.

 

Kinh văn:

Kiên cố làm những động tác mà không dừng nghỉ, khi khí tinh thành tựu thì gọi là Du hành tiên.[4]

Giảng giải:

Kiên cố làm những động tác mà không dừng nghỉ, “làm những động tác”, chẳng hạn như luyện quyền thuật, tập Thái cực đạo, và tu hành tịnh công, như luyện tinh hóa khí, luyên khí hóa thần, luyện thần hoàn hư. Họ luyện tinh hóa khi cách nào? Họ ngồi thiền và không để tinh khí thoát ra ngoài. Họ không gần gũi đàn bà. Khi tinh không thoát nó ngược trở lại, người hành công phu làm cho tinh hóa khí, thành luồng khí. Luồng khí này sẽ hòa quyện khắp châu thân.

Đoạn tập trung tư tưởng biến hóa khí thành thần (tinh thần), từ thần lại trở về với hư không – cho đến khi chính mình như hư không. Sách Đạo Gia Ngọc Hoàng Tâm Ấn Kinh, viết: “Thượng dược có ba phẩm: thần và khí, tinh mơ hồ phảng phát, thăm thẳm mông mênh”. Khi khí tinh thành tựu thì gọi là Du hành tiên.

Kinh văn:

Kiên cố luyện nước bọt mà không dừng nghỉ, khi nhuận đức được thành tựu, thì gọi là Thiên hành tiên.[5]

Giảng giải:

Các giai đoạn trên nói về sự bất tử du hành trong không gian, ở đây sẽ thuật sự việc con người có thể đi lên cõi trời. Kiên cố luyện nước bọt mà không dừng nghỉ. Đặt lưỡi cong lên đốc họng để tiết ra nước bọt – nước bọt ấy, Đạo gia gọi là Ngọc dịch, là Cổ thiên trì. Khi nước bọt tiết ra nhiều thì nuốt vào bụng. Lão giáo cho rằng đó là linh đan bất diệt. Họ bảo:

Nếu muốn trường sinh và bất lão

Tất phải hồi tinh để nuôi dưỡng lão

Họ tập trung tâm ý chuyển tinh lên đỉnh đầu, tăng sức mạnh cho não. Khi nhuận đức được thành tựu, thì gọi là Thiên hành tiên. Khi thành công, mặt của họ sẽ hồng hào trẻ lại như đứa bé, mặc dù đã lớn tuổi. Đấy là các Thiên hành tiên.

Kinh văn:

Kiên cố hấp thụ tinh hoa mà không dừng nghỉ, khi hấp thụ được thành tựu, gọi là Thông hành tiên.[6]

Giảng giải:

Kiên cố hấp thụ tinh hoa mà không dừng nghỉ. Tâm ý của họ rất kiên định, vững chãi. Họ chuyên tâm hấp thụ tinh hoa của nhật, nguyệt để luyện pháp trường sinh. Khi hấp thụ được thành tựu, gọi là Thông hành tiên. Thông hành tiên có thể lên đến cõi trời, hoặc đi bất cứ nơi nào họ muốn. Họ thực hiện pháp ấy như thế nào? Có thể ví dụ: Buổi sáng, họ ngẩng nhìn mặt trời và hít thở ba trăm sáu mươi lần, buổi chiều tối, họ nhìn mặt trăng cũng làm như vậy. Họ dành hết thời gian để tu luyện cái bọc da của họ. Hòa thượng Hư Vân có viết: “Bài ca Cái Bọc Da” diễn tả điều ấy. Tu luyện để được bất diệt chánh là vận dụng năng lực tự thân để phát triển khả năng khéo léo, tinh tế.

Họ không biết đó cũng là năng lực tự tính. Sự khác biệt giữa Lão giáo và Phật giáo là Lão giáo muốn hiển bày cái khả năng đó, còn Phật thì không. Một đàng là trước nhiễm, vướng mắc, một đàng thì chủ trương vô trước. Sự trước nhiễm chánh là trở ngại, chướng ngại, nó khiến người ta không sao thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử được. Họ không đạt được chân lý tuyệt đối, không giải thoát được chính mình.

Năm hạng thần tiên như trên đã thuật qua và đều nói về sự “di hành”, chủ yếu là trên mặt đất, họ không vượt đến tầm cao hơn. Năm hạng tiên trình bày sau có tính cách khác hơn, mục đích hướng đến của họ cao xa hơn.

Kinh văn:

Kiên cố làm thuật phù chú mà không dừng nghỉ, khi thuật pháp được thành tựu thì gọi là Đạo hành tiên.[7]

Giảng giải:

Kiên cố làm thuật phù chú mà không dừng nghỉ. Đây là những kẻ kiên tâm trì tụng chú thuật. Chẳng hạn Lạt Ma ở Tây tạng, họ hành pháp rất tinh tế, khéo léo. Kiên cố làm thuật phù chú mà không dừng nghỉHọ trì tụng chú và luôn giữ giới cấmKhi thuật pháp được thành tựu thì gọi là Đạo hành tiên.

Kinh văn:

Kiên cố chuyên chú tư niệm mà không dừng nghỉ, khi chuyên niệm được thành tựu thì gọi là Chiếu hành tiên.[8]

Giảng giải:

Kiên cố chuyên chú tư niệm mà không dừng nghỉ. Họ quay trở lại chính mình và tập trung tư tưởng – không dừng nghỉ, chú yếu là phát triển tử tưởng. Khi chuyên niệm được thành tựu thì gọi là Chiếu hành tiên. Khi tu luyện thành công thì thân có thể ra vào tự tại, khí có thể giao thông trên dướihình và thần tướng chiếu nhau, hóa ra ánh sáng.

 

Kinh văn:

Kiên cố về thủy hỏa giao cấu mà không dừng nghỉ, khi cảm ứng được thành tựu, thì gọi là Tinh hành tiên.[9]

Giảng giải:

Thông thường, “giao cấu” là nói đến sự quan hệ của nam và nữ, nhưng ở đây không có nghĩa như vậy. Hơn nữa, sự giao cấu lại xảy ra tự chính mình. Đạo Lão gọi điều ấy là “bé trai và bé gái”. Trong cá nhân người nào cũng có khả năng như vậy. Đấy không phải là vấn địa có thể tìm kiếm từ  bên ngoài. Mỗi người đều có một đứa con trai và một bé gái trong chính mình.

Theo kinh Dịch, con trai thuộc quẻ ly, con gái thuộc quẻ khảm. Quẻ ly là “Trung hư”, quẻ khảm là “Trung mãn”.

Tám quẻ trong kinh dịch như sau: từ 1 đến 8

Đầu tiên là quẻ Càn, gồm có ba vạch dài, tức vạch dương. Càn thuộc yếu tố nam. Khôn có ba vạch dứt, tức vạch âm, thuộc yếu tố nữ. Quẻ Càn tượng trưng người đàn ông ba mươi sáu tuổi, là cực thịnh. Sau đó dần suy yếu và trở thành quẻ Ly. Từ quẻ Ly, các vạch âm dương thay đổi, biến ra thành quẻ Khôn, quẻ Khảm.

Quẻ Ly thuộc tâm, quẻ Khảm thuộc thân. Vậy, giao cấu là chỉ sự giao cấu giữa thân và tâm, sự hòa hợp của thân và tâm. Quẻ Ly thuộc dương, nhưng trong dương có âm.Quẻ Khảm trong âm có dương.

Bé trai bé gái gặp nhau, tại sân vàng. Sân vàng là gì? Đấy là tâm, và pháp môn tu luyện của Đạo gia chủ yếu là hòa hợp, là giao cấu như vậy.

Kinh văn:

Kiên cố tập luyện biến hóa mà không dừng nghỉ, khi giác ngộ được thành tựu thì gọi là Tuyệt hành tiên.[10]

Giảng giải:

Kiên cố tập luyện biến hóa mà không dừng nghỉ. Đây là chuyên tâm tu luyện, nghiên cứu sự biến hóa vật lý. Khi thành công sẽ phát sinh kỳ ngộ. Khi giác ngộ được thành tựu thì gọi là Tuyệt hành tiên. Đây là thần tiên có khả năng dời non lấp biển. Họ có thể di chuyển ngọn núi từ nơi này sang nơi khác, hoặc chuyển đổi biển cả từ Đông sang Tây. Các tiên còn có quyền năng thay đổi mùa màng, thời tiết, biến mùa Xuân thành mua Thu…Họ biết được huyền cơ của trời đất, họ trở thành đấng sáng tạo từ chính họ, đấy gọi là Tuyệt hành tiên.

Kinh văn:

A Nan, bọn ấy ở trong loài người mà luyện tâm, mặc dù không tu chánh giác, nhưng riêng được lẽ sống, thọ ngàn vạn tuổi, nghỉ nơi núi sâu, hoặc trên đảo trong biển cả, cách tuyệt chỗ người ở, đấy cũng là vọng tưởng luân hồi lưu chuyển. Nếu như không tu pháp Tam muội thì khi quả báo hết rồi, quay trở lại tản vào trong các nẻo.

Giảng giải:

A Nan, bọn ấy ở trong loài người mà luyện tâm, mặc dù không tu chánh giác. Những người tu ấy tu luyện thân tâm, họ không tu pháp thiền Lăng Nghiêm của Như Lai – họ không tu hành theo chánh giác, nhưng riêng được lẽ sống, thọ ngàn vạn tuổi. Có nhiều pháp môn khác nhau, nhưng họ chọn pháp dưỡng sinh, nắm được đạo lý trường sinh, thọ mạng rất lâu dài, sau khi thành công, họ nghỉ nơi núi sâu, hoặc trên đảo trong biển cả, cách tuyệt chỗ người ở, những nơi ấy người thường không đến được. Đấy là cảnh non bồng nước nhược, nơi có bảy ngọn núi vàng, chung quanh núi là biển cả, đặc biệt, nước biển ở đây rất mềm, không có ghe thuyền nào đi được, cả một cọng lông chim rơi xuống nước cũng chìm sâu xuống. Nơi đấy chỉ có hàng phi tiên mới đến được. Tuy nhiên, đấy cũng là vọng tưởng luân hồi lưu chuyển. Nếu như không tu pháp Tam muội. Mặc dù thọ mạng có kéo dài hàng nghìn năm, họ vẫn ở trong vòng luân hồi, chưa chấm dứt con đường sinh tử. Lý do luân hồi là vì con trước nhiễm, còn tham muốn, đặc biệt là muốn trường sinh bất lão. Đấy là vọng tưởng, và họ cũng không tu hành chánh định, thì khi quả báo hết rồi, quay trở lại tản vào trong các nẻo. Khi thọ mạng chấm dứt, họ lại tái sinh, trở thành người bình thường, hoặc quỷ A Tu La, hoặc chư Thiên, hoặc sa vào địa ngục. Đấy là những nơi họ phải đến.