NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

23. DẠY DỖ CÁC EM THEO TRUYỀN THỐNG NÀO?

Các bậc cha mẹ thân mến,
Đức Thích Tôn Từ Phụ đã từng khuyên nhủ những Phật tử tại gia là hãy ân cần dạy dỗ con cái hơn bất cứ thứ gì trên đời nầy, vì con cái chính là hình ảnh của cha mẹ trong thế hệ tương lai. Bỏ bê con cái là tự bỏ bê mình. Muốn cho con cái nghe mình, cách tốt nhứt là phải dùng lời lẽ mà khuyên răn một cách ân cần và dịu dàng. Muốn cho con cái không lang thang lêu lổng, cách tốt nhất là các bậc cha mẹ phải biến gia đình thành một tổ ấm, vì ai trong chúng ta cũng khao khát một tổ ấm để đi về và nương tựa, về cả vật chất lẫn tinh thần. Nếu các bậc cha mẹ dành hết thì giờ để kiếm tiền thì con cái quý vị sẽ không còn thấy thứ gì quan trọng hơn tiền, đối với các em tiền là trên hết, tiền là tất cả. Các em sẽ lớn lên trong sự thiếu vắng của tình gia đình, bản tánh và nhân phẩm của các em sẽ là bản tánh và nhân phẩm của đám trẻ bụi đời. Vì vậy bổn phận làm cha mẹ không thể nào buông lung bỏ mặc cho con cái được đâu. Các em cần lắm sự ân cần dạy dỗ của quý vị.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Muốn tạo được một mái ấm gia đình, điều tiên quyết là các bậc cha mẹ phải sống thuận hòa với nhau. Chính quý vị phải nêu gương thật tốt cho con trẻ noi theo. Quý vị phải tập sống làm sao mà trong đó chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng nghe, quý vị phải quảng đại bao dung với nhau trong mọi tình huống. Các bậc cha mẹ thân mến, chúng ta là những phàm nhân thì thế nào cũng phạm phải những lỗi lầm; tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta có dám nhận lỗi và sửa lỗi hay không mà thôi. Nếu quý vị dám nhận lỗi và sửa lỗi là chẳng những quý vị tự cải thiện, mà quý vị còn tập cho con em mình phương cách cải thiện một cách toàn diện về cuộc sống gia đình. Nếu quý vị chỉ biết đi làm đem tiền về để lo vật chất, hoặc giả quý vị nuôi con cho ăn học cốt để sau nầy có bằng cấp và địa vị trong xã hội, thì quả tình ý tưởng ấy quá cạn cợt. Dẫu biết rằng mọi người trong xã hội đều phải học và phải cố thành đạt, nhưng mục đích cao cả của những gia đình Phật tử là xây dựng nhân cách của cá nhân và gia đình để phụng sự, trước nhất cho chính cá nhân và gia đình mình, và sau là phụng sự cho người và cho đời. Như vậy nếu quý vị lơ là với con cái thì sau nầy con cái quý vị sẽ đi vào đời y như quý vị vậy, nghĩa là các em sẽ lơ là với mọi người, các em sẽ chẳng lo lắng cho ai ngoài các em.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Như trên đã nói, dạy dỗ các em không chỉ về kiến thức, mà còn về đạo đức và văn hóa, cũng như phong tục tập quán cao đẹp của dân tộc Việt Nam nữa. Đồng ý có những hủ tục cần phải bỏ, nhưng có ai cấm cản trẻ em Việt Nam khoanh tay cúi đầu chào các bậc trưởng thượng đâu ? Đâu có ai cấm cản những người con Phật chắp hai tay sá những bậc tôn túc ? Có người cho rằng bắt các em làm như vậy là một sỉ nhục cho các em, vì khoanh tay cúi đầu là một dấu hiệu của sự nô lệ. Theo thiển ý, đó chỉ là thái độ chống chế vô căn cứ của những con người sắp sửa mất gốc. Quý vị ơi ! Chính nhờ sự lễ độ đó mà dân tộc Việt Nam chúng ta biết kính trên nhường dưới trong suốt 48 thế kỷ dựng nước và giữ nước, như vậy có đáng cho con em chúng ta noi theo không quý vị ?

Các bậc cha mẹ thân mến,
Ai trong chúng ta không nhiều thì ít, đang phải trải qua một cơn khủng hoảng về sự dị biệt giữa hai nền văn hóa. Cây bứng đem trồng chỗ khác còn ngất ngư, huống là con người ? Tuy nhiên, các em là những cây nhỏ chồi non nên dễ bén rễ vào lòng đất mới hơn là những cây già của chúng ta. Thấy biết như vậy để thương yêu các em nhiều hơn, vì tất cả những gì các em làm chưa chắc đã sai hoàn toàn, và tất cả những gì chúng ta nghĩ chưa chắc gì đã đúng và hợp thời với hoàn cảnh và xã hội mới. Như vậy việc trước tiên và cấp thiết nhứt là các bậc cha mẹ nên xem xét coi mình phải sống và hội nhập thế nào và xã hội mới nầy cho kịp với đà tiến bộ của họ, mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa của chính mình. Các bậc cha mẹ hãy can đảm dẹp bỏ những mặc cảm tự ti cũng như những tự tôn cố hữu, hãy tự thành thật với chính mình để tìm ra một đường hướng thích hợp cho chính mình và con em mình. Những cái hay của mình, không ai có quyền bắt mình phải bỏ, chẳng hạn như cuộc sống đạo đức, chị ngã em nâng, kính trên nhường dưới, vân vân. Những cái dở tệ của người, cũng như vậy, không ai có quyền bắt mình phải học lấy, chẳng hạn như chủ nghĩa cá nhân, hẹp hòi, ích kỷ, vân vân. Các bậc cha mẹ phải giải thích cho con em mình một cách tường tận rằng tại sao chúng ta nên giữ gìn nếp sống cao đẹp cổ truyền, không phải giữ vì đó là nếp sống được truyền từ đời nọ đến đời ta. Đức Phật đã không từng dạy chúng ta như vậy hay sao? “Đừng tin những gì đã được lưu truyền lại từ đời nầy sang kiếp nọ, mà phải xem lại coi nó có hợp với chân lý hay không mà thôi.” Cũng như vậy, chúng ta sẽ giữ gìn nếp sống cổ truyền của cha anh, nếu nếp sống ấy có những giá trị giúp cho cuộc sống của chúng ta, bây giờ và ở đây, được an vui và hạnh phúc.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Đồng ý câu nói của cổ nhân là cha mẹ sinh con chớ chẳng sinh lòng, nhưng dù thế nào đi nữa, cha mẹ có bổn phận và trách nhiệm vun trồng cho tấm lòng con trẻ trở nên lương hảo và hữu ích cho nhân quần xã hội sau nầy. Các bậc cha mẹ Việt Nam đang sinh sống ở các xứ Âu Mỹ phải luôn nhớ rằng trẻ con Âu Mỹ đã quen rồi lối học khô khan của khoa học kỹ thuật, các em chỉ cần đến trường là học được kiến thức phổ thông. Tuy nhiên, học luân lý, đạo đức, lối sống và học làm người không đơn giản như vậy đâu. Quý vị phải hòa vào những bài học nầy với tất cả tình thương yêu chân thật và sự cảm thông không cùng, quý vị phải tỏ ra cho các em thấy da thịt và máu huyết của các em cần lắm cái gia tài văn hiến quý báu của cha anh để lại, và điều cần nhất là quý vị phải trao truyền lại cho các em trong một bầu không khí gia đình thật hạnh phúc và đầm ấm. Quý vị phải cho các em thấy rằng sống kính trên nhường dưới là hạnh phúc, sống lương hảo và biết tôn trọng kỷ luật là hạnh phúc. Quý vị phải giải thích cho các em biết khi sống kính trên nhường dưới sẽ được sự yêu mến của mọi người nên được hạnh phúc. Sống lương hảo và biết tôn trọng kỷ luật sẽ không gây phiền chuốc não cho ai nên hạnh phúc. Các bậc cha mẹ cũng nên tìm hiểu về sự phát triển tâm sinh lý của con trẻ ở từng lứa tuổi, hiểu để có đủ kiên nhẫn hơn khi dạy dỗ các em. Các bậc cha mẹ cũng nên hiểu rằng trẻ con trong các trường học Âu Mỹ không dễ dàng chấp nhận bất cứ thứ gì, ngay cả những lời dạy dỗ của cha mẹ. Các em sẽ hỏi quý vị là “tại sao” phải làm như vậy như kia, trước khi các em làm. Nếu quý vị trả lời không xong, các em sẽ không làm theo quý vị đâu. Quý vị phải vô cùng cẩn trọng và nên tránh những câu nói uy quyền không còn hợp thời nữa, vì chính những câu ấy sẽ phá mất đi nhịp cầu cảm thông giữa quý vị và con cái. Thí dụ con trẻ có gạn hỏi tại sao các em phải làm như vậy, chúng ta không chịu giải thích mà chỉ nói gọn lỏn: “Cha mẹ bảo sao con cứ làm y như vậy chứ đừng có lý sự dong dài.” Nói như vậy là tự chúng ta hủy diệt đi nhịp cầu thông cảm và không khí đầm ấm trong gia đình.