NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

23. CHA MẸ NUÔI NẤNG DẠY DỖ, NHƯNG THÀNH NHÂN CHI MỸ HAY KHÔNG LÀ HOÀN TOÀN TÙY THUỘC NƠI CÁC BẠN

Các bạn trẻ thân mến,
Từ khi dựng nước đến nay, đất nước chúng ta đã có một nền văn hóa trên bốn ngàn năm, và cha anh chúng ta đã bơi lội trong nền văn hóa ấy mà giữ nước. Thế nhưng tại sao hôm nay, cả trong quốc nội lẫn nơi hải ngoại, đạo đức và trật tự gia đình Việt Nam chúng ta đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng ? Phải chăng những phức tạp của đời sống trong thế kỷ 21 đang xô đẩy chúng ta vào những bế tắc ? Cha mẹ hoang mang không biết phải dạy con cái thế nào cho thích hợp ? Chồng vợ cũng hoang mang không biết phải đối xử với nhau ra sao ? Và con cái hụt hẫng không biết phải lắng nghe cha mẹ làm sao cho phải đạo ? Sự khủng hoảng hàng dọc nầy đang manh nha bộc phát trong các gia đình Việt Nam, giữa cha con, chồng vợ, và ông bà con cháu, ngày càng nghiêm trọng, khiến cho những ai hãy còn một chút thao thức đều cảm thấy đau buồn.

Các bạn trẻ thân mến,
Trong xã hội Âu Mỹ, sự thành công được đếm đo bằng tiền bạc, địa vị và tài sản. Trong xã hội nầy, các thành viên trong gia đình không cùng nhìn về một hướng, không dựa lưng vào nhau để tồn tại. Ngược lại, vì giá trị con người được tính bằng tài sản, địa vị và tiền bạc, nên thời gian cũng được tính bằng tiền. Chính vì thế mà con người phải đắn đo suy nghĩ trong việc sử dụng thời gian của mình. Chính vì thế mà thời giờ cha mẹ dành cho con cái, chồng dành cho vợ, hoặc vợ dành cho chồng cũng phải nhường chỗ cho thời gian kiếm tiền. Cũng chính vì thế mà tình thân thiết giữa những thành viên trong gia đình ngày càng trở nên xa cách và lạnh nhạt. Cha mẹ quên bẵng con cái vì mãi lo kiếm tiền. Chồng quên vợ, vợ quên chồng cũng vì tiền. Ngay cả những bữa ăn trong gia đình cũng không còn. Sau những giờ làm việc mệt nhọc, về nhà mạnh ai nấy ăn, ăn xong phòng ai nấy về. Mỗi người tự thu về cái thế giới riêng biệt của chính mình. Ngày xưa ông bà chúng ta thường nói: “xa mặt cách lòng.” Bây giờ trong xã hội Âu Mỹ, dù chung sống trong một nhà, nhưng có hơn chi “xa mặt” đâu hở các bạn ? Mạnh ai nấy nhìn về hướng đi và cách sống của riêng mình. Cha mẹ thì sống hưởng thụ theo cha mẹ. Con cái thì ngoài những giờ học ở trường ra, nếu không lêu lổng ngoài đường với bạn bè, cũng chỉ làm bạn với phim ảnh hay truyền hình. Nghĩa là làm bạn với thế giới buông thả của bạo lực, thị dục và tình dục. Còn ông bà già thì phải gửi thân vào viện dưỡng lão vì lý do con cái quá bận nên không có thì giờ chăm sóc cho những đấng sinh thành. Các bạn hãy suy gẫm lại coi, sinh ra lớn lên trong lêu lổng, lập gia đình và lập nghiệp để hưởng thụ, rồi đến lúc già phải vào viện dưỡng lão. Cuộc sống như vậy hình như thật là trục trặc đối với người Việt Nam chúng ta lắm các bạn ạ !

Các bạn trẻ thân mến,
Đồng ý trong cuộc sống hằng ngày, khó lòng tránh khỏi những hiểu lầm hay bất đồng vì không ai suy nghĩ và hành động giống ai cả. Tuy nhiên, dù muốn hay không muốn, chúng ta không thể nào tự tồn trong riêng lẻ như thời thượng cổ được nữa rồi. Ngược lại, chúng ta phải sống hợp đoàn trong gia đình, xã hội và quốc gia; chúng ta phải có những liên hệ tương quan; chúng ta phải ngày ngày gặp gỡ từ những người thân đến những người không thân. Trong những tương quan hằng ngày đó, cách duy nhứt để tránh những đố kỵ, xung đột và hận thù là mỗi người chúng ta phải lắng nghe và hành trì những lời Phật dạy về từ, bi, hỉ, xả, vì chỉ có từ bi hỉ xả mới tạo được tình thương chân thật, mới mang con người lại gần với nhau trong mọi hoàn cảnh mà thôi. Hãy can đảm hơn lên hỡi các bạn trẻ ! Bây giờ không còn là lúc cho chúng ta đổ lỗi cho ai nữa rồi. Mà tự các bạn phải tích cực nhủ mình, tự cãi sửa lấy bản thân mình theo chiều hướng thượng, thì tự nhiên gia đình và xã hội cũng như đất nước sẽ được cải thiện. Hãy cố gắng hơn lên hỡi các bạn trẻ ! Chìa khóa “cãi sửa tự thân” đang nằm trong tay các bạn, được hay không được đều do nơi các bạn !

Các bạn trẻ thân mến,
Thật tình mà nói, chúng ta đã sống quá nhiều cho chúng ta. Chúng ta đã vị kỷ và chỉ đòi hỏi quá nhiều, nhưng ít khi nào chịu nghĩ đến người khác. Chúng ta cứ tưởng rằng hạnh phúc phải là tự mình sở hữu đủ thứ, là mọi người phải phục vụ cho mình. Từ những suy nghĩ đó khiến cả đời chúng ta phải sống trong ích kỷ, bỏn sẻn, nhỏ nhen, chỉ biết có mình, còn thì sống chết mặc ai. Chỉ biết gom góp cho được phần mình, còn ai mặc kệ. Các bạn trẻ muốn sống đời thanh cao hướng thượng, xin hãy lắng nghe lời Phật dạy về hạnh “bố thí lợi tha” để chuyển đổi con người từ ích kỷ bỏn sẻn, chưa bao giờ cho ai một đồng một cắc… trở thành một con người biết mở rộng tâm hồn, dang rộng đôi tay ra trao tặng cho tha nhân những gì có thể trao tặng được. Các bạn trẻ hãy thử một lần sống cho tha nhân rồi các bạn sẽ thấy cuộc đời nầy thật ý vị và thật đáng sống vô cùng !

Các bạn trẻ thân mến,
Hãy trao cho những tha nhân gần các bạn nhứt là các bậc cha mẹ của các bạn một tâm hồn “mở rộng.” Chỉ có một tâm hồn mở rộng mới có đủ công năng làm ấm và làm vui lòng mình và lòng người các bạn ạ ! Chính nhờ “tâm hồn mở rộng” mà các bạn mới có thể thấy được những ưu khuyết của mình và của người. Thấy để phản quang tự kỷ, nghĩa là thấy để tự sửa, chứ không phải thấy để khởi lòng phân biệt khen chê. Chỉ có tâm hồn mở rộng mới tạo cho các bạn có được một nụ cười cảm thông với những người quanh bạn. Chỉ có một tâm hồn mở rộng mới tạo cho bạn đức tính chia sẻ, giúp đỡ và phục vụ tha nhân. Một khi các bạn mở rộng tâm hồn ra được thì các bạn sẽ cảm thấy ngay sự tăng trưởng ý chí chịu đựng với một sự nhẫn nhục tuyệt vời. Lúc đó các bạn không còn cảm thấy mình là trung tâm vũ trụ, mình là nhất, mình làm được tất cả, mình đúng còn tất cả đều sai. Ngược lại, khi đó trong lòng các bạn sẽ tràn ngập tính khiêm nhường và bản tánh các bạn sẽ dần trở nên hiền lành hơn. Lúc đó các bạn sẽ chế ngự được những tánh xấu ác vì các bạn luôn bình tĩnh nhìn thấy cái hay của người mà bắt chước và cái dở của mình mà buông bỏ. Lúc đó các bạn sẽ có khả năng học hỏi chẳng những qua việc làm của cha me, mà các bạn còn có khả năng biện biệt và gạn lọc những lời chỉ dạy của cha mẹ. Tâm hồn mở rộng chính là hành trang quý báu cho tuổi trẻ các bạn mang vào đời.

Các bạn trẻ thân mến,
Đồng ý tuổi trẻ luôn bồng bột và nóng nảy. Các bạn sẽ chẳng bao giờ chịu nhường chịu thua ai đâu. Bây giờ cho dù có nói gì đi nữa, các bạn cũng sẽ không nghe vô. Tuy nhiên, nếu các bạn bình tâm suy nghĩ thì ai trong các bạn cũng sẽ công nhận rằng đã nhiều lần các bạn phải hối hận và đau khổ vì sự bồng bột và nóng nảy của mình. Nhiều lúc các bạn cũng tự nhủ là phải khiêm tốn và nhẫn nhục, nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Khiêm tốn và nhẫn nhục ở đây không có nghĩa là ươn hèn khiếp nhược. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Thế Tôn đã dạy: “Nhẫn nhục mạnh hơn cả.” Thật vậy, mọi khổ đau phiền não đến với mình đa phần là tại mình không “nhẫn” được những chướng duyên nghịch cảnh bên ngoài. Hãy cố gắng lên hở các bạn trẻ! Muốn đến được ốc đảo tươi mát, các bạn phải cố gắng vượt qua vùng đất khô cằn của sa mạc mênh mông.

Các bạn trẻ thân mến,
Nếu câu nói của Đức Khổng Phu Tử về “nhân chi sơ, tánh bổn thiện” không hoàn toàn đúng theo chơ lý nhà Phật, cũng không sai với cuộc sống ngoài đời. Đức Khổng Tử thì cho rằng khi lọt lòng mẹ, đứa trẻ có bản chất tốt tự nhiên, còn Đức Phật thì dạy rằng chúng sanh và con người sanh ra với mớ nghiệp báo sẵn có của mình. Tuy nhiên, cũng phải dây mơ rễ má lắm mới sanh làm con làm cháu trong gia đình ông A bà B, vì tất cả tâm tánh cá nhân từ tốt đến xấu, từ ôn hòa đến bạo động đều phát sinh trong môi trường gia đình. Gia đình là trường học đầu đời của mọi cá nhân. Kế đến mới là những tiêm nhiễm ngoài xã hội.

Các bạn trẻ thân mến,
Đồng ý trẻ con lang thang lêu lổng là tội của người lớn, nhưng phần lớn những hư hỏng của các bạn là do sự tiêm nhiễm bạn bè và sự cãi cha cãi mẹ mà ra. Theo thống kê mới nhứt của Bộ Xã Hội thì có đến 83% các bạn trẻ hư hỏng vì tiêm nhiễm những thói hư tật xấu trong học đường và ngoài xã hội. Chơi với bạn bè xấu ác, một ngày chưa hư, một tháng chưa hư thì một năm, hai năm cũng phải hư. Bên cạnh sự tiêm nhiễm nầy, sự phát triển về sinh lý trong tiến trình trưởng thành của các bạn cũng góp phần không nhỏ trong việc không kềm chế được bản thân của các bạn. Còn học đường thường chỉ dạy cho các bạn về khoa học kỹ thuật mà thiếu hẳn về phần đạo đức. Tới trường các bạn muốn làm gì cũng được, miễn đừng làm gì quá phiền phức cho nhà trường là được. Thêm vào đó, luật lệ kỳ quái của các xứ văn minh Âu Mỹ cũng bó tay các thầy cô không ít. Ở đây thầy cô phạt vạ học trò có thể bị ghép vào những tội hành hạ trẻ em. Chính vì thế mà như các bạn thấy đó ! Ngày nay có quá nhiều bạn trẻ sa chân vào băng đảng, chẳng những gây lo ngại cho thầy cô, cha mẹ, mà còn gieo rắc nhiều tội ác kinh hoàng cho gia đình và xã hội nữa.

Các bạn trẻ thân mến,
Đồng ý những biến đổi lớn lao và nhanh chóng trong xã hội hôm nay cũng góp phần không nhỏ trong tác phong hành sử của các bạn. Chính vì nhu cầu cá nhân ngày càng tăng, nên đa phần cha mẹ các bạn không thể nào vừa lo cho các bạn ăn học và vừa thỏa mãn những nhu cầu vật chất khác. Thế nên có nhiều bạn vừa phải đi làm vừa đi học. Do những bức bách đó mà cả tâm lý và thể lực của các bạn ngày càng phải chịu một sức ép lớn lao. Để tạm quên những bức bách đó, nhiều bạn đã tìm đến quán rượu phòng trà, hoặc tìm quên bằng rượu hay sì ke ma túy, nhưng các bạn ơi ! Rượu và sì ke ma túy là con đường tuyệt lộ, là con đường gần nhứt đưa các bạn đến chỗ hư hỏng, bạo động, sa đọa, tội ác, và tù đày.

Các bạn trẻ thân mến,
Đồng ý cha mẹ có trách nhiệm nuôi nấng và dạy dỗ các bạn thành người, nhưng thành người hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào các bạn. Bây giờ dù có nói gì cũng khó lọt được vào tai các bạn, nhưng các bạn ơi, lên non mới biết non cao, nuôi con mới biết công ơn mẫu từ. Cha mẹ nào cũng muốn nuôi nấng và dạy dỗ cho con cái được thành nhân chi mỹ, nhưng trớ trêu thay, cha mẹ không có ảnh hưởng nhiều đến các bạn như ảnh hưởng của bạn bè và xã hội. Mỗi ngày các bạn có tám giờ ở trường, tám giờ ngủ nghỉ, bốn giờ học bài, còn lại bốn giờ thì hai giờ dành cho ăn uống, chỉ còn có hai giờ là gần gũi gia đình cha mẹ anh em. Như vậy số giờ các bạn gần gũi bạn bè gấp bốn lần số giờ các bạn gần gũi cha mẹ anh em ở nhà. Như vậy đa phần các bạn phải tự tạo cho mình một khuôn mẫu theo những đứa trẻ khác. Thì giờ gần gũi cha mẹ đã không có mà các bạn còn tìm cách nầy hay cách nọ để khỏi phải gần gũi, để khỏi phải nghe những bài giảng về luân lý và đạo đức làm người thật khô khan và buồn chán từ cha mẹ

Các bạn trẻ thân mến,
Không có cha mẹ nào muốn rầy rà hay cằn nhằn con cái, nhưng khổ nỗi trước những tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng từ sì ke, ma túy, nghiện ngập, đến băng đảng và sa đọa… nên các bậc cha mẹ vừa hoảng hốt vừa lo sợ cho tương lai của con em mình. Phải thành thật mà nói rằng nguyên nhân của những tệ nạn nầy một phần là do sự thiếu sót săn sóc cũng như kiểm soát con cái lỏng lẻo của các bậc cha mẹ, nhưng phần lớn cũng là do sự bướng bỉnh của các bạn. Các bạn tưởng rằng các bạn đã hiểu và đã biết tất cả, nhưng thực ra sự hiểu biết của các bạn còn hạn hẹp và thô thiển lắm các bạn ạ ! Các bạn tưởng rằng những bạn đồng tuổi (peer) là những thần tượng mà các bạn phải theo. Nhưng các bạn thân thương ơi ! Các bạn chỉ là những con người non trẻ, thiếu kinh nghiệm đang bị lôi cuốn vào cơn lốc bão táp của đủ thứ tệ nạn xã hội.

Các bạn trẻ thân mến,
Theo thống kê mới nhứt của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 1998 thì những bạn trẻ vị thành niên nào có liên hệ chặt chẽ với gia đình và trường học, thường là những trẻ có thái độ và hành động ít bị nguy hại vì các tệ nạn xã hội, ít bị những lôi cuốn của bạn bè và sa đọa nhứt. Ngược lại, đa số các em học hành dang dở, tương lai mờ mịt vì nghe theo lời dụ dỗ của bạn bè để dấn thân vào con đường hư hỏng vô định của rượu, thuốc, cần sa, ma túy và hậu quả cuối cùng là thân tàn ma dại. Đồng ý giữa cha mẹ và các bạn luôn có những mâu thuẫn vì cả hai có những nhu cầu hoàn toàn khác nhau. Trong khi cha mẹ muốn các bạn cắp sách đến trường học hỏi, về nhà ngoài những giờ ăn uống ngủ nghỉ ra, các bạn nên có những giờ sinh hoạt và giải trí chung với gia đình… Còn các bạn thì muốn ngược lại, muốn bỏ học đi rong, về nhà ăn xong là chạy ngay vào phòng và sinh hoạt cô lập với máy điện toán, hoặc truyền hình hay những sách báo, phim ảnh mà bạn thích. Chính vì thế mà sự gia cảm giữa các bạn và cha mẹ vốn dĩ đã thiếu vắng, trở nên thiếu vắng hơn. Các bạn có thấy không sự trục trặc truyền thông trong gia đình đang là một mối đe dọa không nhỏ cho mối tương quan giữa các bạn và cha mẹ ? Đồng ý các bạn cũng đang gặp phải những khó khăn riêng của các bạn mà các bậc cha mẹ không tài nào hiểu nỗi, nhưng các bạn nên cân nhắc lại đi, con đường các bạn đang dấn bước quả là đầy bấp bênh và trục trặc. Các bạn không thể nào thành nhân chi mỹ mà thiếu sự giáo dục của cha mẹ và thầy cô nơi học đường đâu các bạn ạ !

Các bạn trẻ thân mến,
Các bạn đang lớn lên trong một xã hội, một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt và xa lạ với xã hội và văn hóa Việt Nam. Ngày trước cha anh các bạn được nuôi nấng và dạy dỗ trong một xã hội Việt Nam nông nghiệp, nơi mà nhịp độ sinh hoạt không vội vã như xã hội kỹ thuật Âu Mỹ, nơi mà luân lý đạo đức được đặt lên trên tất cả mọi thứ khác. Thế nên trong đầu óc cha anh các bạn luôn mong thấy được một đàn con dễ dạy, ngoan ngoãn và hiền hòa. Tuy nhiên, thực tế đã hoàn toàn khác hẳn những gì họ mong ước. Sau hơn hai thập niên ở hải ngoại, các bạn trẻ đã biến dạng hoàn toàn và biến dạng trong một tiến trình tự nhiên. Các bạn đã hội nhập đến tận xương tủy những nền văn hóa ngoại chủng. Các bạn đã trở nên những con người năng động và dạn dĩ, lắm khi còn năng động và dạn dĩ hơn dân bản xứ nữa là khác. Thật tình mà nói, không ai có thể trách được sự biến dạng của các bạn vì hễ ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Đó là định luật tất nhiên của vũ trụ. Sống trong xã hội Âu Mỹ thì phải hội nhập để sinh tồn, nhưng điều mà tôi muốn nói ở đây là các bạn nên hội nhập thế nào cho khoảng trống cách biệt giữa các bạn và cha mẹ không ngày càng xa, ấy là sự hội nhập khôn khéo. Thường thì các bạn cho rằng cha mẹ lỗi thời, không theo kịp những đổi thay của văn minh tiến bộ. Còn cha mẹ thì cho rằng các bạn đã vong bản mất gốc. Chính vì sự suy nghĩ khác biệt nầy đã làm cho khoảng trống cách biệt giữa cha mẹ và các bạn ngày càng lớn. Cha mẹ các bạn sang đây ở lứa tuổi trung niên, nên các người đã mang theo cả một gia tài truyền thống, cả một vùng kỷ niệm êm đềm của tuổi ấu thơ trong cảnh gia đình nề nếp đạo đức. Thế nên các người muốn giữ lại tất cả những gì cao đẹp của quê hương và chỉ hội nhập một cách hời hợt, lừng khừng bên ngoài để sinh tồn. Còn các bạn, nhiều bạn sinh ra và lớn lên ở đây, nên các bạn có gì đâu để mà giữ lại ? Thế nên mặc dù hình hài vóc dáng các bạn vẫn là Việt Nam, nhưng tâm tư tình cảm của các bạn đã nhuốm nhiều Âu Mỹ rồi. Cả cha mẹ lẫn các bạn đều đúng trong hoàn cảnh lớn lên của từng thế hệ. Nhưng các bạn trẻ thân mến, các bạn có biết người Tàu và người Do Thái đã đến đất nước nầy trước chúng ta lâu lắm, trước đến hàng thế kỷ. Họ đã sống với dân bản địa Âu Mỹ và những chủng tộc khác qua hằng bao thế kỷ, nhưng họ vẫn không mất gốc, mà ngược lại họ vẫn giữ được bản sắc đặc thù của dân tộc họ. Họ có những phương cách riêng của họ. Tuy nhiên, lý do dễ hiểu là dù có hội nhập thế mấy, mặt mũi nầy, vóc dáng nầy vẫn là mặt mũi và vóc dáng Việt Nam. Thế nên không thể nào tránh được sự kỳ thị từ những sắc dân da trắng. Như vậy dù muốn chối bỏ Việt Nam để làm Âu Mỹ cũng không xong. Nếu các bạn không giữ được cái gốc của các bạn, e rằng các bạn sẽ không được là cái gì hết. Càng chối bỏ gốc gác của mình, các bạn sẽ càng cảm thấy hụt hẫng trong các xã hội Âu Mỹ các bạn ạ !

Các bạn trẻ thân mến,
Không có cha mẹ nào sinh con ra mà không muốn vun trồng cho con được tốt đẹp và thành nhân chi mỹ. Khi cho các bạn đi học, các người luôn muốn các bạn học hỏi và trau dồi cả khoa học kỹ thuật lẫn đạo đức để sau nầy trở thành một công dân tốt cho xã hội, dù là công dân Tây hay công dân Mỹ. Vẫn biết xã hội Âu Mỹ luôn tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, suy nghĩ cá nhân và luôn muốn hưởng thụ các nhân. Một khi hội nhập vào xã hội nầy, các bạn vẫn vẫn thích những món ăn Âu Mỹ, thích mặc áo quần Âu Mỹ… nhưng tôi biết trong chiều sâu tâm hồn các bạn, các bạn vẫn thấy sự khác biệt giữa các bạn và văn hóa Âu Mỹ, các bạn vẫn thích được các bậc cha mẹ chia xẻ kinh nghiệm, các bạn vẫn thích được ăn các món ăn truyền thống dân tộc. Ở trường, dù các bạn có kết thân làm bạn với đủ các sắc dân, nhưng đến khi muốn lập gia đình, các bạn vẫn tìm một người tâm đầu ý hợp Việt Nam hơn. Không phải các bạn phân biệt màu da sắc tóc, nhưng trong chiều sâu tâm hồn của các bạn, các bạn vẫn còn một chỗ lắng đọng cho hai chữ Việt Nam thân yêu. Có lắm bạn, dù rằng không còn nói thông thạo tiếng Việt, dù rằng trong cuộc sống hằng ngày, các bạn không còn cung cách lễ độ thật Việt Nam, nhưng so với Tây Mỹ, các bạn hãy còn nặng tình nặng nghĩa với cha mẹ, anh em, bà con hơn họ nhiều lắm. Một điển hình về tình nghĩa là sau hơn hai thập niên nơi đất khách quê người, ngày càng có nhiều bạn trẻ đứng ra lãnh trách nhiệm với những sinh hoạt phúc lợi trong cộng đồng chúng ta nhiều hơn. Như vậy nhiệt tình và khả năng của những người trẻ Việt Nam không ai có thể phủ nhận được. Duy chỉ một điều là các bạn hãy cố gắng làm sao để chỉ hội nhập những cái hay, những cái cao đẹp của người, và phải cố giữ cho được những cái cao đẹp của nền văn hóa Việt Nam thật dễ thương. Mong được như vậy lắm các bạn ạ !

Các bạn trẻ thân mến,
Các bạn đang sống trong một xã hội văn minh vật chất cao tuyệt Âu Mỹ, nơi mà đa phần giá trị gia đình và đạo đức con người luôn bị tiền tài vật chất lấn lướt. Ngược lại với truyền thống đạo đức Đông phương, nơi chịu nhiều ảnh hưởng của Phật, Khổng và Lão. Ngày xưa Đức Phật dạy, muốn làm một con người với tròn đầy nhân đạo, con người ấy phải hội đủ năm điều kiện sau đây:

1) Thứ nhứt là không sát sanh hay có những tư tưởng sát sanh.
2) Thứ nhì là không trộm cắp hay có những tư tưởng trộm cắp.
3) Thứ ba là không tà dâm hay có những tư tưởng tà dâm.
4) Thứ tư là không nói dối, hay không vọng ngữ để che lấp những tội lỗi do mình gây tạo nên.
5) Thứ năm là không dùng những chất cay độc có thể làm di hại chẳng những đến bản thân, mà còn di hại đến gia đình và xã hội nữa.

Bên cạnh đó, Đức Khổng Phu Tử đã khẳng định trong Tứ Thư Ngũ Kinh rằng làm người mà thiếu một trong năm thứ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín chỉ là một con người què quặt, không đáng ngửng đầu lên cùng thiên hạ. Ngay cả những nhà hiền triết Tây Phương cũng đồng ý với Phật, Khổng, Lão rằng: “tội ác tày trời của một con người là dám xem mạng sống, địa vị và quyền uy trọng hơn danh dự của mình.” Thế mà trong xã hội Âu Mỹ hôm nay, có người vừa điêu ngoa xảo trá, vừa ăn gian nói dối và mang đủ thứ thói hư tật xấu của xã hội, vẫn được tôn vinh và ủng hộ. Trong cuộc sống hằng ngày, họ không sống theo được một điều Phật và Khổng đã dạy, thế mà họ vẫn vinh thân phì da. Họ đã quen rồi lối sống vô hồn vô nhân nên họ không cảm thấy một chút hối hận về những việc làm sai quấy của mình. Ngược lại, lắm khi họ còn lớn tiếng khinh chê những ai sống có đạo đức nữa là khác. Với họ, đạo đức con người và giá trị gia đình chỉ là phụ thuộc, điểm chính yếu là phải làm ra cho thật nhiều của cải vật chất. Với họ, cuộc sống là kinh tế. Hễ kinh tế phát triển cao và cuộc sống phồn thịnh là đủ. Còn thì luân lý, đạo đức và giá trị gia đình chỉ là những thứ yếu. Chắc hẳn ai trong các bạn cũng đều biết và đều nghe nói đến những sự cố vừa mới xảy ra mấy lúc gần đây tại Mỹ. Cuộc sống riêng tư lăng nhăng của vị lãnh đạo với những xì căn đan tình ái và làm ăn bất chánh, đối với truyền thống Á Đông là không chấp nhận được, nhưng thôi ở đây là Mỹ nên tạm không nói làm gì. Tuy nhiên, chuyện đáng buồn ở đây là những vị tai to mặt lớn ấy đã nêu những gương xấu, đã để lại những vết chàm khó tẩy trong đầu óc đang hụt hẫng của các bạn trẻ. Là những gương mặt lớn của quốc gia, thế mà họ sống bất cần nhân nghĩa, thành tín, thử hỏi các bạn trẻ lấy ai để noi gương ? Thật là tội nghiệp cho các bạn trẻ quá ! Những gì đang xảy ra trước mắt các bạn đã đặt các bạn trước một ngả rẽ khó xử. Tại sao lại có trạng huống những vị tai to mặt lớn, dù sống đời vô luân, kém đạo đức và thiếu hẳn giá trị gia đình vẫn được nhiều người tôn vinh và ủng hộ ? Sở dĩ có trạng huống nầy là vì đa phần con người của xã hội văn minh vật chất luôn tôn vinh đời sống vật chất, luôn đặt những yếu tố phát triển kinh tế lên trên tất cả những yếu tố đạo đức và giá trị gia đình. Trong xã hội nầy, nếu cần phải sát sanh để đạt được mục tiêu khoát khẩu họ vẫn làm. Nếu cần tà dâm để thỏa mãn khoái lạc họ vẫn làm. Và nếu cần nói dối để thành công hay để che lấp tội lỗi họ vẫn không nao núng. Thử hỏi trong xã hội mà ngay cả những tai to mặt lớn cũng không đếm xỉa gì đến danh dự, sống không thành tín với bạn bè, ăn gian nói dối với quốc dân và xem chuyện bội thệ như giỡn chơi, giá trị đạo đức đã bị lung lay ngay bởi những người lãnh đạo, làm sao biểu xã hội nầy không băng hoại ?

Các bạn trẻ thân mến,
Đó là quan niệm sống hời hợt và vô hồn của những kẻ xem trọng cuộc sống văn minh vật chất. Còn chúng ta, chúng ta là những con người Việt Nam, ngoài truyền thống nhân hậu chí thành của cha anh để lại, chúng ta đã và đang thừa hưởng hai kho tàng văn hóa vĩ đại của Phật, của Khổng. Dù các bạn đang sống trong bất cứ xã hội nào, dù các bạn cần lắm cái vốn kiến thức của xã hội Âu Mỹ, nhưng các bạn cũng cần lắm một cuộc sống đạo đức. Ngày xưa cụ Khổng đã khẳng định: “Sáng nghe và làm theo đạo lý rồi đến chiều có chết cũng cam.” Ngài muốn nhắn gì với chúng ta ? Cái sống ta cũng cần, mà cái nhân, nghĩa, lễ, trí, tín ta cũng cần. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn một trong hai, thì ta thà bỏ cái sống để giữ lấy nhân nghĩa, tín thành của một con người biết ngẩng đầu lên để sống. Mong cho các bạn trẻ hãy cố gắng rèn luyện sao cho thành một con người thật giỏi giang. Mong cho các bạn trẻ hãy đi thẳng vào lòng của xã hội văn minh Âu Mỹ mà thành công, nhưng bên cạnh đó, hãy giữ cho được một cuộc sống đạo đức với đầy đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của một con người. Mong cho các bạn được như vậy lắm !!!