NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

22. GƯƠNG HIẾU HẠNH

Các bạn trẻ thân mến,
Thái dương hệ và cả vũ trụ dù nói là bao la, nhưng hãy còn có giới hạn, hãy còn tính đếm được bằng số hay diễn tả được bằng lời, chứ tình cha mẹ thương con biết lấy gì sánh được, có viết cũng không cùng, có nói cũng không cạn. Thế nhưng trên thế gian nầy lại có quá nhiều người con bất hiếu bất nghĩa. Trong kinh Tâm Địa Quán, Đức Phật đã dạy : “Thảng hoặc có con trai hay con gái nào bất hiếu bất nghĩa, bội ân và không hiếu thuận với cha mẹ, kẻ đó đã bị coi như tự đọa vào địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh ngay từ lúc vừa khởi tâm bất hiếu, chứ không phải đợi chi đến lúc chết.” Không riêng gì Đức Phật đã dạy như vậy, mà trong sách Luận Ngữ, Đức Khổng Tử cũng đã từng nhắn nhủ : “Đã làm người hiếu thảo thì không hề xúc phạm đến người trên, đã không hề xúc phạm đến người trên thì chẳng lẽ lại làm việc trái loạn ? Người quân tử đã dựng nết hiếu làm gốc nhân thì suy ra trăm nết tự nhiên hoàn toàn.”

Xin chia xẻ với các bạn trẻ câu chuyện về gương hiếu hạnh của các bậc hiền nhân. Tử Lộ, người nước Lỗ, lúc vào chầu Thầy Khổng Phu Tử, đã gục đầu nức nở khóc như mưa mà tâm sự với Thầy rằng: “nhớ những hồi rau cháo muối dưa, con vừa đội gạo đường xa vừa nuôi cha mẹ, vừa đi học. Nhưng hỡi ôi ! Hôm nay công thành danh toại, có xe song mã, có vàng đầy kho, thì cha mẹ đã không còn.” Các bạn trẻ có thấy không? Còn hình ảnh nào cao đẹp hơn hình ảnh một thanh niên trẻ hiếu hạnh, vừa đội gạo mướn để nuôi cha mẹ, lại vừa đi học cho đến khi công thành danh toại. Hình ảnh hiếu thảo của thầy Tử Lộ quả là một tấm gương rạng ngời cho ngàn đời hậu thế về sau nầy noi theo.

Các bạn trẻ thân mến,
Cha mẹ các bạn hôm nay không bao giờ mong mỏi các bạn phải vừa đi làm để nuôi cha mẹ, và vừa đi học vất vả như Thầy Tử Lộ năm xưa. Lòng cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, như núi Thái Sơn cao chất ngất. Các người chỉ mong mỏi một điều ở các bạn: mong sao cho các bạn lớn lên, trở thành những con người đạo đức và hữu ích cho nhân quần xã hội. Thế là các người vui và mãn nguyện lắm rồi. Tuy nhiên, xã hội văn minh vật chất hôm nay đã làm đảo lộn tất cả. Nền văn minh vật chất nầy chưa thấy mang đến lợi lạc gì cho nhân loại, nhưng trước mắt nó đã cướp mất hầu như tất cả những truyền thống cao đẹp ngàn đời của một dân tộc đáng yêu như dân tộc Việt Nam chúng ta. Từ ngàn xưa, dân tộc ta đã được biết tiếng là một dân tộc hiếu hạnh; tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, nhứt là sau ngày chúng ta di cư ra nước ngoài sau cơn đại hồng thủy, sự thể đã thay đổi nhiều quá. Quá nhiều người trẻ chúng ta bắt đầu một cuộc phiêu lưu hội nhập, mà đánh mất đi gốc rễ của chính mình. Thậm chí có những người vừa quọt quẹt được dăm ba chút bã vật chất đã vội khinh rẻ hoặc bỏ rơi không ngó ngàng đến cha mẹ. Xin kể thêm cho các bạn một tấm gương hiếu hạnh của một đại chánh khách trong thời kỳ hiện đại. Đây là tấm gương hiếu thảo và sống động không thua gì Thầy Tử Lộ hoặc Nhị Thập Tứ Hiếu năm xưa. Chắc các bạn có từng nghe qua danh tiếng của ông U-Thant, cựu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc vào thập niên 60s. Ông U-Thant là một nhà chánh khách tài ba lỗi lạc, đã một đời tận tụy vì hạnh phúc của nhân loại. Ông đã nổi tiếng khắp thế giới không chỉ vì tài ba xuất chúng, mà vì tấm gương sống hiếu thảo có một không hai của ông. Là một Tổng Thư Ký của một cơ quan cực kỳ quan trọng trên toàn cầu, ông đã phải ngày đêm suy tính để đương đầu và giải quyết những vấn đề nan giải từ chiến tranh, chính trị, giáo dục, đến khủng hoảng kinh tế thế giới. Thế mà ông vẫn không hề xao lãng bổn phận một đứa con hiếu thảo với mẹ già. Ông đã mỗi ngày quỳ lạy và dâng cơm bưng nước cho mẹ. Có người bảo với ông rằng tại sao ông không mướn người làm để lo cơm nước và hầu hạ mẹ thay thế cho ông. Ông đã thản nhiên cảm ơn sự quan tâm của họ mà rằng: “thân nầy sở dĩ có được vinh hiển hôm nay là nhờ ai ? Nếu không có sự hy sinh của cha, sự dưỡng dục của mẹ thì làm gì có một UThant hữu ích cho nhân quần xã hội hôm nay ? Trọng ơn cha mẹ mà con cái phải mang trong lòng thật không thể nào lường được, thì có sá gì việc dâng cơm bưng nước?”

Hình ảnh của ông U-Thant quỳ lạy dâng cơm dâng nước cho mẹ già tuy đơn giản, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng làm được. Ngoài giờ làm việc mệt nhọc, thay vì nghỉ ngơi hoặc tìm nơi giải trí cho riêng mình, nhưng ông đã không làm như vậy, ông đã dành hết thì giờ nào có được để cạnh kề và phụng dưỡng mẫu thân, phụng dưỡng với trọn lòng kính cẩn. Làm tới chức Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, mà khi về nhà thì hầu hạ mẹ với tất lòng thành. Các bạn trẻ hôm nay nên nhìn lại tấm gương người con hiếu U-Thant để đừng vội cho rằng mình bận việc nầy việc nọ nên không chăm sóc cho cha mẹ được. Ai là người trên đời nầy có thể bận việc hơn ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc ? Các bạn hãy cố thấy cho được điều nầy để đừng vội cho rằng quỳ lạy, khiêm cung với cha mẹ là cổ lỗ sỉ, không còn phù hợp với lối sống văn minh hôm nay. Ai là người dám nói rằng mình có lối sống văn minh hơn ông U-Thant ? Kỳ thật, không có nền văn minh nào bắt buộc con người phải bất hiếu bất nghĩa với cha mẹ, chỉ có những con người vong bản, vong thân và mất gốc mới cam tâm làm một con người bất hiếu mà thôi. Một con người đã dám bất hiếu bất nghĩa với cha mẹ, thì không có chuyện gì mà người ấy không dám làm ở trên đời nầy. Người ấy sẽ sẵn sàng vong ân bội nghĩa với bất kỳ ai khác. Trong Kinh Báo Ân, Đức Phật đã dạy dỗ tứ chúng rằng: “Cái trọng ân đối với cha mẹ mà con cái phải mang trong lòng thật không lường được. Ví dầu con phải cõng cha trên vai mặt, cõng mẹ trên vai trái, đi khắp thế gian và cung phụng đầy đủ cho cha mẹ trong vô lượng kiếp. Ví dầu phải đặt cha mẹ trên một mâm đầy vàng bạc, ngọc ngà châu báu rồi thành kỉnh quỳ lạy như lạy một vị hoàng đế thống trị cả nhân loại, dù có lạy ngày lạy đêm đi nữa, vị tất con đã đền đáp được muôn một công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.” Thế nhưng trong xã hội văn minh vật chất hôm nay, có lắm người khi đã được cha mẹ nuôi nấng cho nên danh nên phận thì họ lại không dám nhìn cha mẹ của mình chỉ vì cha mẹ họ xuất thân từ giai cấp nghèo hèn. Hỡi những người trẻ hôm nay ! Hãy nhìn về cử chỉ hiếu hạnh của U-Thant như một gương hạnh sống động cho mọi người noi theo. Ông U-Thant dù lúc đó đang nắm giữ một vai trò tối ư quan trọng trên chính trường quốc tế và được cả nhân loại nể vì, nhưng khi về đến nhà ông vẫn là một người con hiếu thảo, vẫn săn sóc phụng dưỡng và hầu hạ mẹ như hầu hạ một vị Phật. Hỡi những bạn trẻ hôm nay ! Bây giờ vẫn chưa muộn để các bạn đến bên cha mẹ và nói với các ngài một câu : “Thưa cha mẹ, kể từ nay con quyết chí nối gót ông U-Thant, quyết làm một người con hiếu thảo, quyết vâng lời và cung dưỡng cha mẹ như cung dưỡng những vị Phật.”

Các bạn trẻ thân mến,
Bây giờ dầu có nói gì đi nữa, cũng rất khó làm cho các bạn thấu đáo được đức hy sinh cao dầy của cha và mối thâm tình của mẹ. Tình cha mẹ thương con nào khác chi nước mưa Cam Lồ của chư Phật rơi xuống từ không trung, thấm nhuần và lặng lẽ trôi đi, không màng chi đến sự đền ơn đáp nghĩa của các con. Tuy nhiên, bổn phận làm con phải sống cho xứng đáng là một con người hiếu thuận, đạo đức, nếu chưa được như Thầy Tử Lộ hay ông U-Thant, thì ít ra trong khả năng của các bạn, các bạn phải cố gắng bằng bất cứ giá nào, phải học hành nghiêm chỉnh, phải vâng giữ những lời dạy dỗ vàng ngọc của các ngài, và không làm phật ý các ngài. Dù đôi khi lời nói của các ngài không hợp với ý mình đi nữa, bổn phận làm con là phải chờ đến khi các ngài vui mới đem vấn đề ra phân trần cho các ngài cảm thông. Ngoài ra, theo tinh thần đạo Phật, hiếu thuận không chỉ hạn hẹp trong việc phụng dưỡng và vâng lời cha mẹ không thôi, hiếu thuận còn bao gồm cả việc tự mình sống theo chánh đạo và hướng dẫn cha mẹ cùng sống đúng theo chánh đạo. Nghĩa là hiếu thuận không đơn thuần phụng dưỡng vật chất, mà còn phải làm thế nào cho tinh thần của cha mẹ luôn được nhẹ nhàng thanh thản nữa.

Các bạn trẻ thân mến,
Ngoài hai tấm gương hiếu hạnh rạng ngời của Thầy Tử Lộ và ông U-Thant ra, còn nhiều lắm những tấm gương hiếu hạnh. Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ xin được chia xẻ thêm với các bạn về một tấm gương hiếu hạnh âm thầm của một người bạn tôi lúc còn đi học. Thuở còn đi học ở Vĩnh Long, tôi có một người bạn học tên Cương. Cương nhà nghèo, nghèo lắm, cha lại mất sớm, nhưng Cương rất hiếu học và hiếu thảo với mẹ vô cùng. Năm tôi thi đậu vào đệ thất thì Cương cũng đậu, nhưng Cương phải nghỉ học để về quê mẹ ở Long An, vì năm đó mẹ Cương lâm trọng bệnh. Mới mười một tuổi đầu mà Cương phải vừa đi làm nuôi mẹ bệnh, vừa giúp nuôi nấng các em, và cũng vừa đi học. Nhà Cương cách trường Trung học tỉnh Long An chừng vài cây số. Ban ngày thì Cương đi câu, mót lúa, cấy mướn hoặc làm cỏ vườn để kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi em, chiều đến thì Cương đi bộ ra đầu lộ, chép bài học của các bạn, rồi về nhà chong đèn học đến khuya. Thế mà Cương học rất giỏi các bạn ạ! Năm thi Trung học, Cương đậu tối ưu, rồi Tú Tài I và II Cương cũng đều đậu tối ưu. Nhưng vì nhà nghèo, nên Cương không đành bỏ mẹ và các em để một mình ra đi du học. Cương đã theo học Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và sau nầy trở về làm hiệu trưởng một trường trung học ở Long An. Tiền lương của hiệu trưởng trung học thời đó, cũng tạm gọi là lo được đầy đủ cho mẹ và các em của Cương có một đời sống sung túc. Các bạn thấy tấm gương hiếu hạnh của Cương nào có thua chi gương hiếu hạnh của Thầy Tử Lộ hay ông UThant năm xưa.

Các bạn trẻ thân mến,
Tôi xin chia xẻ cùng các bạn những nét sống đẹp của người trẻ Tích Lan. Những người trẻ Tích Lan có một phong tục sống rất đáng cho chúng ta suy gẫm. Hằng ngày sau khi lễ bái Tam Bảo, họ thường đến quỳ trước cha mẹ và nói với cha mẹ những lời đơn giản nhưng vô cùng dễ thương như sau:

“Thưa cha mẹ,
Cha mẹ là những người mà con không thể nào dùng ngôn ngữ của loài người để diễn tả ra, cũng không thể lấy tiếng người để nói lên được hết bao công lao khổ cực khó khăn và bao la như trời biển. Nay con xin chấp hai tay và quỳ hai chân dưới gối của cha mẹ để tỏ lòng tôn kính và cầu xin cha mẹ tha thứ cho những lỗi lầm hôm nay của con. Để đáp lại phần nào công ơn của cha mẹ, con xin luôn vâng lời cha mẹ dạy dỗ, và con luôn cầu nguyện cho cha mẹ sớm thành Phật, để tiếp tục bủa rộng tình thương vô tận chẳng những cho con, mà còn cho chúng sanh muôn loài.”
Lời tự tình cao đẹp, dễ thương, đáng cho chúng ta suy gẫm và bắt chước quá phải không các bạn?

Các bạn trẻ thân mến,
Qua những tấm gương hiếu hạnh rạng ngời tự cổ chí kim, cũng như rất nhiều tấm gương hiếu hạnh âm thầm, chúng ta mới thấy lời dạy vàng ngọc của Đức Thế Tôn là chí lý vô cùng: “Điều thiện tối cao không gì hơn là Hiếu, điều ác vô cùng không gì hơn là Bất Hiếu.” Hiếu hạnh phải được coi là một vấn đề tối quan trọng của con người vì ngay trong gia đình nhỏ của chúng ta, hiếu hạnh là nguồn gốc của mọi niềm an vui hạnh phúc. Các bạn trẻ Phật tử phải luôn thắp sáng ngọn đèn Hiếu Hạnh nơi mình cũng như những thế hệ tương lai sau nầy. Mong được như vậy lắm các bạn ạ !!!

Các bạn trẻ thân mến,
Các bạn có từng nghe qua câu tục ngữ: “Con không cha như nhà không nóc” bao giờ chưa? Người xưa đã ví sự quan trọng của cha mẹ như cái “nóc nhà” dùng để che nắng che mưa cho con người vậy. Các bạn hãy thử tưởng tượng, nếu các bạn đang trú ngụ trong một căn nhà không có nóc thì các bạn sẽ khổ sở biết dường nào với nắng mưa, gió bão. Nếu cha mẹ mất sớm thì bất hạnh đã đành, đàng nầy nếu còn cha còn mẹ mà không biết vâng giữ những lời dạy dỗ của các người thì nào có khác chi “nhà không nóc.” Muốn tránh được thảm trạng nầy, các bạn trẻ hãy lắng nghe sự dạy dỗ của cha mẹ. Nếu có điều gì mâu thuẫn hay trái ý, các bạn nên ngồi lại cùng giải quyết với cha mẹ. Sự cách biệt giữa các bạn và cha mẹ các bạn chỉ có thể được san bằng bởi chính các bạn. Chìa khóa đang nằm trong tay các bạn, hãy mở cửa cảm thông ngay từ bây giờ các bạn ạ !