PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 6
ĐẠO TÍCH VÀ ĐẠO HÀNH

THƯỢNG TỌA BỘ

Trách nhiệm cá nhân – tự thân nỗ lực

Th.79 Đức Phật, người chỉ đường; tự ta tự mình đi

Làm ác do chính ta; nhiễm ô do chính ta. Không làm ác do ta; tự thanh tịnh do ta. Tịnh, không tịnh do ta; không ai tịnh cho ai

Các ngươi tự nỗ lực; Như Lai chỉ thuyết dạy. Thiền giả đã hành đạo, thoát khỏi lưới tử ma.

Dhammapada 165 and 276, dịch Anh P.D.P.

Th.80 Sức mạnh tỉnh giác

Không buông lung, đường đến bất tử; sống buông lung, đường đến tử ma. Không buông lung, không chết; buông lung, như chết rồi.

Nỗ lực, không buông lung, tự chế, tự điều phục, bậc trí xây hòn đảo (an toàn cho mình), nước lũ khó ngập tràn.

Dhammapada 21 and 25, dịch Anh P.H.

Th.81 Tự uốn nắn

Người trị thủy dẫn nước; người làm tên nắn tên; người thợ mộc uốn gỗ; hiền trí tự chế ngự.

Dù thắng trên chiến trường, chiến thắng ngàn quân địch, không bằng tự chiến thắng, đây chiến thắng tối thượng.

Chút ít, từng sát-na, hiền trí trừ cấu uế, như người  thợ kim hoàn, đãi cặn từ quặng bạc.

Dhammapada 80, 103 and 239, dịch Anh P.H.

Th.82 Đừng phung phí đời mình, lãng phí cơ hội tu đạo

Dù sống một trăm năm, ác giới, không tu định, chẳng bằng sống một ngày, trì giới, tu tâm định

Người ít học già tuổi, sống khác gì trâu cày: chỉ lớn thêm khối thịt, trí tuệ không lớn thêm

Trẻ không tu phạm hạnh, cũng không kiếm bạc tiền: ủ rủ như cò già, bên bờ ao không cá.

Dhammapada 110, 152 and 155, dịch Anh P.H.

Th.83 Nỗ lực chân chánh hướng tâm và dẫn đến chấm dứt khổ đau

Đoạn này nhấn mạnh rằng nỗ lực là cần thiết cho việc tu đạo, mặc dù lưu ý rằng *L.32 khuyến khích nỗ lực đó không nên quá căng và cũng không nên quá chùng.

Này các tỳ-kheo, với ba trường hợp, cần phải nỗ lực nhiệt hành. Ba trường hợp gì? Các pháp ác bất thiện chưa sanh, cần phải nỗ lực nhiệt hành, khiến không sanh. Các pháp thiện chưa sanh, cần phải nỗ lực nhiệt hành, khiến cho sanh. Cảm thọ thân khổ, kịch liệt, mãnh liệt, đau nhức, không thoải mái, không thích ý, không thích ý, cướp đoạt mạng sống đa sanh, cần phải nỗ lực nhiệt hành, nhẫn thọ. Này các tỳ-kheo, trong ba trường hợp này, cần phải nỗ lực nhiệt hành.

Ātappa-karaṇīya Sutta: Aṅguttara-nikāya I.153, dịch Anh P.D.P.

Th.84 Cơ sở phát khởi và nỗ lực

Đoạn này cho thấy, mặc dù giáo pháp của Phật không chấp nhận ý niệm về một bản ngã thường hằng, nhưng những khái niệm về sách tấn và nỗ lực cá nhân, cùng cơ sở tâm lý cho những điều này, được công nhận là thích đáng.

Bấy giờ, có một bà-la-môn đi đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi thân thiện, rồi ngồi xuống một bên và nói: ‘Thưa Tôn giả Gotama, tôi có tri kiến này, rằng: “Không có tự tác, không có tha tác.”’ – ‘Này bà-la-môn, Ta không bao giờ thấy và nghe thuyết như vậy, kiến như vậy: Sao một người tự mình bước tới, tự mình bước lui, lại có thể nói rằng: “Không có tự tác, không có tha tác?” Này bà-la-môn, có phát khởi giới hay không?’ ‘Có, thưa Tôn giả.’ ‘Này bà-la-môn, trong khi có phát khởi giới, có chúng sanh phát khởi được biết đến, đây tự tác của chúng sanh ấy, đây tha tác của chúng sanh ấy. Này bà-la-môn, trong khi có xuất ly giớitrong khi có nỗ lực giớikhi có cương nghị giớian trụ giớitrong khi có hành động giới, có chúng sanh hành động được biết đến, đây tự tác của chúng sanh ấy, đây tha tác của chúng sanh ấy.

Attakārī Sutta: Aṅguttara-nikāya III.337–338, dịch Anh P.D.P.

Yêu cầu đồng hành thiện tri thức tài đức

Th.85 Tu bồi thiện hữu

Dễ thấy lỗi của người, khó thấy lỗi của mình. Vạch lỗi người, như sàng trấu; giấu lỗi mình như bạc lận. Như gặp người hiền trí, thấy lỗi mình, chỉ lỗi; nên thân cận người ấy, như gặp người chỉ vàng. Thân cận người như vậy, chỉ tốt chứ không xấu.

Chớ thân cận bạn xấu; chớ thân cận người xấu. Hãy thân cận bạn hiền; hãy thân cận người hiền.

Dhammapada 252, 76 and 78, dịch Anh P.H.

Th.86 Thiện hữu có giới có trí như người đồng hành dẫn đường

Những đoạn này nhấn mạnh rằng đời sống tăng viện, với hàm nghĩa rộng hơn, đời sống tu đạo, hoàn toàn nương tựa những người bạn đồng tu và những vị cố vấn hoặc đạo sư thân hữu: kalyāṇa-mitta, ‘thiện hữu’ theo nghĩa là những thiện tri thức tài đức, với đức Phật là vị đại thiện tri thức như vậy.

Này Đại vương, một thời Ta sống ở thôn Nāgaraka của những người họ Thích Sakka. Bấy giờ tỳ-kheo Ānanda đi đến Ta, đảnh lễ, ngồi xuống một bên và bạch rằng: ‘Bạch Thế Tôn, một nửa đời sống phạm hạnh này là thiện bằng hữu, thiện đồng hành, thiện thân hữu. Đại vương, khi được nói vậy, Ta nói với tỳ-kheo Ānanda: ‘Này Ānanda, chớ nói như vậy! Không phải một nửa mà toàn bộ, chẳng phải một nửa mà hoàn toàn là đời sống phạm hạnh này là thiện bằng hữu, thiện đồng hành, thiện thân hữu. Này Ānanda, tỳ-kheo nào có thiện bằng hữu, thiện đồng hành, thiện thân hữu, tỳ-kheo ấy được kỳ vọng tu tập, tu tập nhiều thánh đạo tám chi

Này Ānanda, đến với Ta như là thiện tri thức, những chúng sanh lệ thuộc sanh giải thoát sanh, những chúng sanh lệ thuộc già giải thoát già,… những chúng sanh lệ thuộc chết giải thoát chết, những chúng sanh sầu, bi, khổ, ưu, não giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não.

Kalyāṇa-mitta Sutta: Saṃyutta-nikāya I.87–88 <197–199>, dịch Anh P.D.P.

Ở đây, thế nào là thiện tri thức? Hãy giao thiệp, kết giao, tương giao với những người có tín, có giới, đa văn, thí xả và tuệ; thân cận, tiếp cận với những người ấy, thân kính, ái kính, thân giao với những người ấy. Dhammasaṅgaṇi, section 1328, dịch Anh P.H.

Này các tỳ-kheo, hãy kết giao, làm bạn, thân cận tỳ-kheo có bảy phẩm tánh; hãy giao thiệp, kính phụng tỳ-kheo ấy dù bị từ chối. Bảy pháp ấy là gì? Dễ thân thiện, hợp ý, được tôn kính, được sùng kính, là người khéo nói; kham nhẫn lắng nghe người khác; đàm luận sâu sắc; và không xúi giục làm những điều không hợp lý. Aṅguttara-nikāya IV.32. dịch Anh P.H.

Th.87 Ảnh hưởng lan tỏa của người tốt

Hương các loài hoa không bay ngược gió, hương chiên-đàn, đa-già-la (tagara), mạt-lị, cũng vậy. Nhưng hương của người hiền thiện bay ngược gió; hương thiện sĩ bay khắp mọi phương.

Dhammapada 54, dịch Anh P.H.

Th.88 Lợi ích của việc tìm được vị Đạo sư tốt và trí tuệ

Đoạn này đề cập một người sau khi thẩm định các phẩm chất của một vị thầy, và thấy vị ấy không có tham chi phối, sân hay si chi phối.

Khi người này thấy rằng vị ấy được trong sạch không có tham chi phối, sân chi phối, si chi phối, người này phát sanh tín tâm nơi vị ấy. Với tín tâm đã sanh, người này đến gần, ngồi cạnh vị ấy; khi ngồi cạnh, lắng tai nghe; với tai lắng nghe pháp; nghe rồi, ghi nhớ pháp; quán sát sâu xa nghĩa lý của pháp được ghi nhớ. Sau khi quán sát sâu xa nghĩa lý, người này hoan hỷ thọ trì; sau khi hoan hỷ thọ trì, ước muốn phát sanh; khi ước muốn rồi nỗ lực; nỗ lực rồi tư duy; tư duy rồi tinh cần; tinh cần rồi tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý, bằng chánh trí mà thực chứng, thể nhập.

Caṅkī Sutta: Majjhima-nikāya II.174, dịch Anh P.D.P and P.H.

Chức năng và bản chất của tín

Th.89 Tín: thứ nhất trong năm thiện căn

Tín, theo ý nghĩa là một niềm tin chân thành – một  phẩm tánh thiên về tình cảm hơn là lý trí – có một vai trò quan trọng trong Phật giáo, mặc dù nói chung không phải là trọng tâm như trong một số tôn giáo.

Này các tỳ-kheo, có năm căn này. Năm căn ấy là gì? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Và thế nào, này các tỳ- kheo, là tín căn? Ở đây, này các tỳ-kheo, thánh đệ tử là người có tín, chí tín nơi chánh giáo của Như Lai [như trong *Th.1].

Vibhaṅga Sutta: Saṃyutta-nikāya V.196–197, dịch Anh P.H.

Th.90 Bản chất của tín

Đoạn này nêu rõ rằng tín dẫn đến an tĩnh lẫn khuyến khích người ta tầm cầu chứng đạt các giai đoạn thánh quả.

‘Thưa tôn giả Nāgasena, đặc tính của tín là gì?’ ‘Tín, thưa đại vương, có đặc tính là tịnh, và xu hướngKhi tín phát sanh lên, tâm được lắng trong, diệt năm triền cái, xả ly năm triền cái… như minh châu lắng trong nước.Thưa đại vương, hành giả nhiệt thành, khi thấy tâm của kẻ khác được giải thoát, xu hướng (đắc) quả Dự lưu, Nhất lai, rồi Bất hoàn, và quả A-la-háncũng như khi một đám người đông, thấy một lực sĩ vượt qua (dòng nước lụt), cũng sẽ vượt qua như vậy.’

Milindapañha 34–6, dịch Anh P.H.

Th.91 Chức năng của tín và trí

Một người đạt được chứng ngộ đầu tiên hoặc do bởi tùy thuận pháp (tùy pháp hành), hoặc do bởi tùy thuận tín (tùy tín hành). Tuy nói rằng, một số đệ tử thiên trọng trí, số khác thiên trọng tín, nhưng tất cả đều cần đủ sức mạnh của cả năm thiện căn. Đoạn trích thứ hai dưới đây giải thích rằng tín cần phải được hướng dẫn bởi trí, và đặc tánh nhận thức của trí cần được y cứ nơi tâm và tùy thuận tín.

Thế nào là hạng người tùy pháp hành? Ở đây có một hạng ngườilãnh thọ các pháp do Như Lai tuyên thuyết, chỉ bằng một ít tuệ mà tư duy rồi lãnh thọ. Lại nữa, người ấy có các pháp này: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn… Thế nào là hạng người tùy tín hành? Ở đây có một hạng ngườiduy chỉ bằng tín tâm và yêu kính đối với Như Lai. Lại nữa, người ấy có các pháp này: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn

Kīṭāgiri Sutta: Majjhima-nikāya I.479, dịch Anh P.H.

Điều được đặc biệt khuyến cáo là quân bình tín với tuệ, định với tấn. Vì người mạnh về tín nhưng yếu về tuệ thì mơ hồ trong niềm tin, cũng không có sở y tốt cho tuệ. Người mạnh về tuệ mà yếu về tín thì lầm về phía khôn ngoan giả dối và cũng khó trị như người bị lạm thuốc. Với sự quân bình hai căn ấy, một người có tín chỉ khi nào có cơ sở để tin.

Visuddhimagga[1] ch. IV, section 47, p.139, dịch Anh P.H.

Th.92 Tín trở nên mạnh mẽ với ai đạt được thánh quả 

Ở đây, này các tỳ-kheo, vị thánh đệ tử thành tựu tín tâm bất động nơi Phật rằng:[như trong *Th.1].

Vị ấy thành tựu tín tâm bất động đối với Pháp rằng: ‘Pháp hiện kiến (chứng nghiệm chân lý và thực tại ngay trong hiện tại), phi thời (không lệ thuộc thời gian, kết quả không trì hoãn), cận quán (đến để mà thấy), dẫn đạo (hướng dẫn thực hành tiến đến cứu cánh), trí giả nội chứng (chỉ được chứng nghiệm nội tại bởi kẻ trí).

Vị ấy thành tựu lòng tín tâm bất động đối với Tăng rằng:[như trong *Th.199].

Rājā Sutta: Saṃyutta-nikāya V.343, dịch Anh P.H., and P.D.P.

Quy y Phật, Pháp, Tăng

Th.93 Quy y

Đoạn trích dưới đây là thể thức ‘quy y’, thấy trong *L.40, 57, 58 và *Th.110. Được đọc bằng Pāli, sau lời tán thán Phật, thứ đến quy y, tìm đến nương tựa nơi Phật, Pháp (giáo lý,  con đường, và cứu cánh con đường ấy dẫn đến) và Tăng – Cộng đồng tu đạo trong tăng viện. Khái niệm ‘nơi nương tựa’, ở đây, không phải là nơi ẩn nấp, mà là đối tượng mà  khi suy tưởng đến tâm được thanh tịnh, được nâng cao, và vững mạnh. Hướng tới ba nơi nương tựa cho đời sống an toàn này có thể được cảm nghiệm như là một bờ bên vui tươi, bình yên, một hòn đảo vững chắc giữa cơn nước lũ, trái ngược với những khó khăn của cuộc sống. Những ‘nơi nương tựa’ nhắc nhở người tu Phật tâm an tịnh, và trí tuệ, và do đó hỗ trợ làm phát sanh những tâm này. Sự kiện Phật, Pháp, Tăng được gọi là “Tam Bảo”, hay Ba Ngôi Báu, nêu rõ giá trị của những kho báu tinh thần tối thượng. Thể thức quy y được xướng tụng ba lần phân biệt với ngôn ngữ thông dụng thường ngày, và đảm bảo rằng tâm chuyên chú vào ý nghĩa của từng lời để ít nhất một lần đọc là một lời khẳng định. Phật tử tại gia thường tụng ba quy và năm giới (*Th.110) để biểu hiện tín tâm và tùy thuận giáo pháp của Phật.

Kính lễ đức Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

Ðệ tử quy y Phật,
Ðệ tử quy y Pháp,
Ðệ tử quy y Tăng.

Lần thứ hai đệ tử quy y Phật,
Lần thứ hai đệ tử quy y Pháp,
Lần thứ hai đệ tử quy y Tăng.

Lần thứ ba đệ tử quy y Phật,
Lần thứ ba đệ tử quy y Pháp,
Lần thứ ba đệ tử quy y Tăng.

Saraṇā-gamanaṃ: Khuddaka-pāṭha 1, dịch Anh P.H.

Hành vi lễ bái

Th.94 Những tháp xá-lợi Phật (stūpa)

Trong đoạn này, đức Phật giải thích rằng sau lễ trà-tỳ, thiêu nhục thân của Phật, các xá-lợi còn lưu lại từ sắc thân Phật nên được an trí trong stūpa, tháp thờ xá-lợi, để mọi người lễ bái. Xem *V.26,mẫu chuyện Tây Tạng về niềm tin nơi xá-lợi. Tháp của Như Lai được dựng lên tại ngã tư đường. Và nơi đây những ai dâng cúng tràng hoa, hương, hay bột thơm, đảnh lễ, hay khởi tâm hoan hỷ, người ấy sẽ được tăng ích, an lạc lâu dài.

Vì sao, Như Lai, A-la-hán, Chánh Biến Tri, xứng đáng được xây tháp thờ? (Khi nghĩ rằng) ‘Ðây là tháp của Như Lai, A- la-hán, Chánh Biến Tri’, nhiều người sẽ có tâm hoan hỷ. Do tâm hoan hỷ nơi tháp đó, sau này – khi thân hoại mạng chung – sẽ sanh lên thiện thú, sanh thiên giới.

Mahā-parinibbāna Sutta: Dīgha-nikāya II.141–142, dịch Anh P.H.

Tụng các phẩm tánh của Phật, Pháp, và Tăng có thể mang lại sự hộ trì và phước lành

Sau khi Phật diệt độ, năng lực lợi lạc của Ngài đã được truy cầu không chỉ bằng sự tôn kính đối với xá-lợi của Ngài (và bằng thực hành Pháp), mà còn bằng tụng một số kinh văn được gọi là paritta, ‘hộ trì’. Chúng được xem là mang lại phước lành và sự bảo vệ khi thành kính đọc tụng hoặc lắng nghe, đặc biệt khi các sư tụng. Sức mạnh của chúng được  cho là nằm ở chỗ: chúng có Phật làm nguồn cội; chúng thể hiện giáo pháp; chúng được Tăng đọc tụng; chúng khích lệ sức mạnh và sự tỉnh táo cho người nghe; chúng vẽ nên sức mạnh của một sự xác quyết, hay lời nói trang nghiêm, về một chân lý có ý nghĩa đạo đức hoặc tinh thần; chúng thu hút sự chú ý và bảo vệ của các vị thần là đệ tử của đức Phật; và làm cho công đức quá khứ của mình trổ quả ngay bây giờ. Tuy nhiên, người ta nói rằng chúng chỉ có thể đem lại lợi ích cho những người có tín tâm nơi Phật, Pháp và Tăng, và những người không bị cản trở bởi một nghiệp quá khứ và những ô nhiễm hiện tại nào đó (Milindapañha 150–154).

Th.95 Kinh Tam Bảo (Ratana Sutta)

Đây là một bản kinh paritta được nhiều người yêu thích, minh họa ý niệm về năng lực lợi lạc của việc tụng quán các chân lý về Phật, Pháp và Tăng.

Các quỷ thần tụ hội đến nơi đây, dù trên mặt đất hay trong hư không, mong tất cả quỷ thần được hoan hỷ, và cung kính lắng nghe tôi tụng những lời này.

Do vậy, mong hết thảy quỷ thần hãy chú tâm lắng nghe, phát khởi tâm từ đến với mọi người, họ đêm ngày thường hiến cúng, vì vậy xin các vị hãy hộ trì không xao lãng.

Bất cứ tài bảo gì, trong đời này hay nơi đâu, bất cứ bảo vật gì quý nhất trên các tầng trời, không sao sánh được với Như Lai. Tối thắng bảo ấy chính là Phật; bằng sự thật này, cầu mong tất cả an vui.

Đoạn tận ái, ly tham, diệu cam lồ bất tử, pháp thù thắng Thích Tôn bằng nhập định chứng đắc không pháp nào sánh bằng Tối thắng bảo ấy chính là Pháp; bằng sự thật này, mong cho tất cả an vui.

Điều mà được tán thán, bởi Phật Tối Thắng Tôn, định thanh tịnh, vô gián, không có gì sánh định này. Tối thắng bảo ấy chính là Pháp; bằng sự thật này, cầu mong tất cả an vui.

Tám hạng thành bốn đôi[2] được tán thán trong hàng thiện sĩ; đệ tử Thiện Thệ xứng đáng cúng dường, bố thí nơi đây được quả lớn. Tối thắng bảo ấy chính là Tăng; bằng sự thật này, cầu mong tất cả an vui.

Xả ly dục, ý chuyên niệm kiên cố, tín phụng giáo pháp Cù-đàm, chứng đắc quả cao, vào cõi bất tử, thọ lạc tịch tĩnh. Tối thắng bảo ấy chính là Tăng; bằng sự thật này, cầu mong tất cả an vui.

Như trụ cổng cắm chặt xuống đất, không lay động bởi gió bốn phương, tôi nói chơn nhân dụ như vậy, không dao động quán chiếu Thánh đế. Tối thắng bảo ấy chính là Tăng; bằng sự thật này, cầu mong tất cả an vui.

Y trí tuệ sâu xa, thông giải thuyết Thánh đế, dù cho có phóng dật, quyết không thọ sanh lần thứ tám. Tối thắng bảo ấy chính là Tăng; bằng sự thật này, cầu mong tất cả an vui.

Đã thành tựu chánh kiến, cùng đoạn trừ ba pháp: thân kiến, nghi, giới thủ,[3] thoát bốn đọa xứ, trừ sáu ác.[4] Tối thắng bảo ấy chính là Tăng; bằng sự thật này, cầu mong tất  cả an vui.

Không che giấu ác nghiệp, bất thiện, thân, ngữ, ý; không nói là bậc kiến đạo, những ai che giấu tội. Tối thắng bảo ấy chính là Tăng; bằng sự thật này, mong cho tất cả an vui.

Như cây rừng trổ hoa, vào lúc tháng đầu hạ; cũng vậy, vì lợi tha, Pháp thắng diệu được thuyết, dẫn chứng đắc Niết- bàn. Tối thắng bảo ấy chính là Phật; bằng sự thật này, mong cho tất cả an vui.

Thắng nhân biết rõ tối thắng pháp, ban bố, chuyển đạt pháp vô tỷ. Tối thắng bảo ấy chính là Phật; bằng sự thật này, mong cho tất cả an vui.

‘Thọ sanh cũ đã đoạn, thọ sanh mới không khởi’, tâm ly tham trong các hữu vị lai; hạt giống đã hư không mong sanh trưởng, hiền trí như vậy, như ngọn đèn đã tắt. Tối thắng bảo ấy chính là Tăng; với chân lý này, mong an vui.

Chư quỷ thần tụ hội nơi đây, trên mặt đất cũng như trong hư không, hãy cùng kính lễ Như Lai, trời người hằng tán thán. Cầu mong tất cả được an vui.

Chư quỷ thần tụ hội nơi đây, trên mặt đất cũng như trong hư không, hãy cùng kính lễ Pháp, trời người hằng tán thán. Cầu mong tất cả được an vui.

Chư quỷ thần tụ hội nơi đây, trên mặt đất cũng như trong hư không, hãy cùng kính lễ Tăng, trời người hằng tán thán.

Cầu mong tất cả được an vui.

Ratana Sutta: Khuddakapāṭha sutta 8, and Sutta-nipāta 222–238, dịch Anh P.H.,

Th.96 Kinh Cát tường (Maṅgala Sutta)

Bài này nói về maṅgala (cát tường) tối thượng là gì: hành vi mang dấu hiệu tốt báo hiệu mạng lại cát tường hay may mắn. Trước Phật giáo, có nhiều nghi lễ khác nhau được xem là maṅgala. Đức Phật xem thực hành Pháp là maṅgala tốt nhất. Bài kinh này bao gồm nhiều giá trị Phật giáo, và cũng được xem là một kinh tụng paritta – một bản kinh tự nó mang lại sự bảo vệ và phước lành khi được tụng lên.

Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn trú trong vườn ông Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika), rừng Thệ-đa (Jeta), nước Xá-vệ (Sāvatthī). Bấy giờ, khi đêm gần tàn, một thiên tử với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn khu rừng Thệ-đa, đi đến chỗ

Thế Tôn, đảnh lễ, rồi đứng một bên, bạch Thế Tôn bằng bài kệ:

Có nhiều trời và người, nghĩ về những cát tường, mong cầu thời vận tốt. Nguyện Thế Tôn chỉ con, gì cát tường tối thượng.

(Ðức Phật đáp:)

Không thân cận người ngu, gần gũi bậc hiền trí, kính lễ người đáng lễ, là cát tường tối thượng.

Trú địa phương thích hợp, phước nghiệp trước đã làm, tự chân chánh thệ nguyện, là cát tường tối thượng.

Học rộng, nghề nghiệp tinh, khéo học, tự chế ngự, nói những lời êm đẹp, là cát tường tối thượng. Hiếu dưỡng mẹ và cha, nhiếp hộ vợ và con, nghề nghiệp không rối loạn, là cát tường tối thượng.

Bố thí, hành đúng Pháp, nhiếp hộ các thân quyến, nghề nghiệp không sai quấy, là cát tường tối thượng. Nhàm chán, từ bỏ ác, tự chế rượu say sưa, cảnh tỉnh trong mọi pháp, là cát tường tối thượng.

Cung kính và khiêm tốn, tri túc và tri ân, tùy thời nghe Chánh Pháp, là cát tường tối thượng.

Nhẫn nhục, chịu nhận lỗi, cầu kiến các sa-môn, tùy thời đàm luận Pháp, là cát tường tối thượng.

Nhiệt hànhvà phạm hạnh, thấy được lý Thánh đế, và thực chứng Niết-bàn, là cát tường tối thượng.

Tâm không hề dao động, khi xúc pháp thế gian (tám gió), ly nhiễm, lạc, an ổn, là cát tường tối thượng.

Làm những việc như vầy, không đâu không thắng lợi, đến đâu cũng an toàn, là cát tường tối thượng. Maṅgala Sutta: Khuddaka-pāṭha, Sutta 5, and Sutta-nipāta 258–269, dịch Anh P.H.

Giới, định, tuệ

Các thứ ô nhiễm tâm, như tham, sân và si, tồn tại ở ba cấp độ: như thể hiện trong hành động công khai bởi thân hoặc ngữ; trong các chuỗi hoạt động của tư duy hoặc các trạng thái có ý thức của tâm; và các tùy miên (phiền não trong trạng thái ngủ) và các lậu (ô nhiễm) tiềm phục không hiện hành, trong chiều sâu của tâm. Tu đạo trong Phật giáo cần phải giải quyết cả ba cấp độ. Giới (sīla) kiềm chế những hành động bất thiện ở thân và ngữ. Định (samādhi) luyện tâm để làm suy yếu các trạng thái bất thiện và nuôi dưỡng những trạng thái thiện, và tuệ (paññā), được hỗ trợ bởi thiền định, có thể tìm ra gốc rễ của tùy miên và các lậu ô nhiễm.

Th.97 Giới là nền tảng tu đạo

Như vậy, này Ānanda, thiện giới có nghĩa là không hối tiếc, có công đức là không hối tiếc; không hối tiếc có nghĩa là hân hoan; có công đức là hân hoan; hân hoan có nghĩa là hỷ, có công đức là hỷ; hỷ có nghĩa là khinh an, có công đức là khinh an; khinh an có nghĩa là lạc, có công đức là lạc; lạc có nghĩa là định, có công đức là định; định có nghĩa là như thật tri kiến, có công đức là như thật tri kiến; như thật tri kiến có nghĩa là yểm ly, có công đức là yểm ly; yểm ly có nghĩa là giải thoát tri kiến, có công đức là giải thoát tri kiến. Như vậy, này Ānanda, các thiện giới theo thứ lớp dẫn đến tối thượng. Ānisaṃsa Sutta: Aṅguttara-nikāya V.2, dịch Anh P.H.

Th.98 Khai thị đạo lộ thuận thứ theo ba bậc tu hành

Đoạn này tập trung vào các bậc thứ lớp tu tâm liên quan đến giới và định, làm cơ sở cho tuệ. Một bà-la-môn nói rằng có từng bước thứ lớp trong việc tu hành của các bà-la-môn, cung thủ và kế toán, nên hỏi Phật:

‘Thưa Tôn giả Gotama, tuần tự học, tuần tự hành, tuần tự đạo tích, cũng thấy trong các bà-la-môn, trong Pháp và Luật này có thể thấy tuần tự học, tuần tự hành, tuần tự đạo tích như vậy chăng?’

‘Này bà-la-môn, trong Pháp và Luật này cũng có thể thấy tuần tự học, tuần tự hành, tuần tự đạo tích như vậy. Ví như một người huấn luyện ngựa lão luyện, sau khi được một con ngựa nòi, trước tiên luyện tập nó bằng dây cương, sau đó luyện cho nó với các động tác khác. Cũng vậy, Như Lai sau khi nhận được một người đáng được điều phục, trước tiên huấn luyện người ấy như sau: “Hãy đến đây, tỳ-kheo, hãy là người có giới, hãy sống phòng hộ bằng sự phòng hộ của ba- la-đề-mộc-xoa (kỷ luật tu đạo), đầy đủ chánh hành trong phạm vi sở hành, thấy đáng sợ trong những lỗi nhỏ, thọ trì và học tập trong các học xứ.”

Khi vị tỳ-kheo đã thành tựu trì giới, Như Lai mới huấn luyện thêm như vầy: “Hãy đến đây, tỳ-kheo, hãy thủ hộ căn môn. Khi mắt thấy sắc chớ có nắm giữ các đặc điểm chung, chớ có nắm giữ các đặc điểm riêng. Do bởi nguyên nhân gì mà, vì nhãn căn không được phòng hộ, khiến tham, ưu, các pháp ác bất thiện khởi lên, hãy tu tập để phòng hộ nguyên nhân ấy, tu tập phòng hộ nơi căn con mắt bằng thủ hộ căn con mắt. Khi tai nghe tiếng…, mũi ngửi hương…, lưỡi nếm vị…, thân cảm xúc…, ý nhận thức các phápthực hành phòng hộ nơi ý căn bằng thủ hộ ý căn.”

Khi vị tỳ-kheo đã thành tựu thủ hộ căn môn, Như Lai lại huấn luyện thêm như vầy: “Hãy đến đây, tỳ-kheo, hãy tiết độ trong ăn uống, như lý giác sát thọ dụng món ăn: không phải để vui đùa, không phải để say mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp, chỉ để duy trì thân tồn tại, không  bị tổn hại, để tư trợ phạm hạnh, nghĩ rằng, ‘Như vậy ta diệt trừ các cảm thọ cũ (đói) và không phát sinh các cảm thọ mới (quá no); khỏe mạnh, không phạm lỗi lầm, sống được an ổn’.”

Này bà-la-môn, sau khi tỳ-kheo đã thành tựu tiết chế  ăn uống, Như Lai lại huấn luyện thêm như vầy: “Hãy đến đây, tỳ-kheo, hãy chú tâm cảnh giác. Ban ngày, khi kinh hành, khi đang ngồi, tịnh trừ tâm sạch các pháp chướng ngại. Ban đêm, canh đầu,, tịnh trừ tâm sạch các pháp chướng ngại. Canh giữa, nằm xuống hông phải, như dáng nằm sư tử, chân chồng lên nhau, chánh niệm chánh tri, tác ý muốn ngồi dậy. Canh cuối, sau khi thức dậy, khi đi kinh hành, và khi đang ngồi, tịnh trừ tâm sạch các pháp chướng ngại.”

Này bà-la-môn, sau khi vị tỳ-kheo thành tựu những điều này, Như Lai lại huấn luyện thêm nữa như sau: “Hãy đến đây, tỳ- kheo, hãy thành tựu chánh niệm chánh tri. Chánh tri khi bước tới, chánh tri khi bước lui; chánh tri khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh; chánh tri khi co, khi duỗi; khi mang y kép, bình bát, thượng y; khi ăn, uống, nhai, nuốt; khi đại tiện, tiểu tiện; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói năng, im lặng, tất cả đều với chánh tri.”

Khi vị tỳ-kheo thành tựu những điều này, Như Lai lại huấn luyện thêm như sau: “Hãy đến đây, tỳ-kheo, chọn lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, trong rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời trống, trên đống rơm.” Vị ấy làm theo, sau khi đi khất thực về và ăn xong, ngồi kiết già, lưng thẳng, tại những chỗ nói trên, đặt niệm trước mặt.’ [Đoạn văn tiếp tục mô tả việc diệt trừ năm triền cái và lần lượt chứng đắc năm thiền, như trong đoạn *Th.127 và 140, rồi nói rằng, một số đệ tử tiếp tục chứng đạt mục đích cứu cánh, trong khi số khác thì không, cũng như một số người thành công theo hướng mà đến đích, và một số thì không.] Gaṇaka-moggallāna Sutta: Majjhima-nikāya III.1–3, dịch Anh P.D.P.

Trung đạo: Thánh đạo tám chi

Con đường truyền thống cổ xưa, và Thượng tọa bộ là con đường tám chi dẫn đến dứt khổ. Như đã thấy trong phần mở đầu của đoạn *L.27, đó là con đường giữa tránh hai cực đoan: theo đuổi dục lạc và khổ hạnh hành xác. Đó là con đường trung dung chế ngự tham đắm dục lạc, dù là người xuất gia hay tại gia.

Th.99 Các yếu tố của thánh đạo tám chi

Đoạn này giải thích các chi của thánh đạo. Đây không phải hoàn toàn là ‘các bước trên đạo tích’ như tất cả những yếu  tố cần phải được tập họp rồi phát triển đến mức độ đủ để đạo tích có tác dụng.

Và, này các tỳ-kheo, thế nào là Chánh kiến? Biết Khổ (dukkha), biết Khổ tập, biết Khổ diệt, biết đạo tích dẫn đến Khổ diệt. Này các tỳ-kheo, đây gọi là Chánh kiến.

Và, này các tỳ-kheo, thế nào là chánh tư duy? Tư duy xuất yếu, tư duy vô sân, tư duy bất hại: đây gọi là chánh tư duy. Và, này các tỳ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Tránh xa nói dối, nói hai lưỡi, ác khẩu, nói lời phù phiếm: đây gọi là chánh ngữ.

Và, này các tỳ-kheo, thế nào là chánh nghiệp? Tránh xa sát sanh, lấy của không cho (trộm cướp), tà hạnh trong các dục (tà dâm): đây gọi là chánh nghiệp.

Và, này các tỳ-kheo, thế nào là chánh mạng? Ở đây thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng: đây gọi là chánh mạng.

Và, này các tỳ-kheo, thế nào là chánh tinh tấn? Ở đây, tỳ- kheo phát khởi ý dục, nỗ lực, tinh tấn, sách tấn tâm, duy trì tâm, đối với các pháp ác, bất thiện chưa sanh, khiến không cho sanh khởiđối với các pháp ác, bất thiện đã sanh, trừ diệtđối với các thiện pháp chưa sanh, khiến cho sanh khởi(và) đối với các thiện pháp đã sanh, khiến cho an trú, không cho tiêu mất, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn: đây gọi là chánh tinh tấn.

Này các tỳ-kheo, thế nào là chánh niệm?[5] Ở đây tỳ-kheo sống quán thân nơi thân, nhiệt hành, chánh tri, chánh niệm, chế ngự tham ưu ở đời. Vị ấy sống quán thọ trong các cảm thọ, nhiệt hành…; sống quán tâm trong tâm, nhiệt hành…; sống quán pháp trong các pháp, nhiệt hành… đây gọi là chánh niệm.

Này các tỳ-kheo, thế nào là chánh định? Ở đây tỳ-kheo – ly dục, ly các pháp ác bất thiện – chứng nhập và an trú thiền thứ nhất[Tiếp theo mô tả về bốn thiền, xem *Th.140]. Đây gọi là Khổ diệt đạo thánh đế.

Mahā-satipaṭṭhāna Sutta: Dīgha-nikāya II.311–313, dịch Anh P.H.

Th.100 Hai cấp đạo

Đoạn này chỉ rõ rằng đạo có cấp sơ bộ, gia hành, trong đó chánh kiến là tin có nghiệp và tái sinh, đây gọi là thế gian đạo (hay hữu lậu đạo); và cấp cao hơn, gọi là xuất thế đạo hay vô lậu đạo, trong đó chánh kiến là tuệ, chỉ cho nhận thức chân chánh bốn Thánh đế, như trong đoạn trước.

Chánh kiến, Ta nói, có hai: có chánh kiến hữu lậu, thuận phước phần, dị thục quả của chấp thủ hữu y; và có chánh kiến, thuộc Thánh, vô lậu, xuất thế, thuộc đạo chi.

Và này các tỳ-kheo, thế nào là chánh kiến hữu lậu? (Đó là tin rằng:) ‘Có bố thí, có cúng dường, có tế tự[tiếp theo là điều trái ngược với tà kiến được mô tả trong đoạn *Th.56, đoạn này phủ nhận giá trị của bố thí và thiện quả, rằng có các nghiệp quả dẫn đến tái sanh thiện thú, có thể được biết bởi hiền giả có trí.]

Và thế nào là chánh kiến thuộc Thánh? Là tuệ, tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chánh kiến đạo chi của một vị tu tập Thánh đạo, thành tựu Thánh đạo, tâm vô lậu, thuộc Thánh tâm.

Mahā-cattārīsaka Sutta: Majjhima-nikāya III.72, dịch Anh P.H.

Th.101 Các đạo chi và ba học

Đoạn này bao hàm các đạo chi trong ba học (giới-định-tuệ). Ba học này được tu tập ở cấp phổ thông bình thường theo  thứ tự: giới, định, tuệ. Khi ba học thuộc trong thánh đạo vào giai đoạn hiện quán, thì trước tiên là thành tuệ (vô lậu tuệ), kế đó khởi phát thánh giới (vô lậu giới) và thánh định (vô lậu định). Vị mà sau khi thực chứng thánh đạo, bấy gờ thành vị thánh đệ tử (xem *Th.201), và trong số đó, những vị Dự lưu đã thành tựu giới viên mãn, những vị Bất hoàn thành tựu định viên mãn, và những vị A-la-hán thành tựu tuệ viên mãn (Aṅguttara-nikāya I.231–232).

Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng: những pháp này được thâu nhiếp trong giới uẩn. Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định: những pháp này được thâu nhiếp trong định uẩn. Chánh kiến và Chánh tư duy: những pháp này được thâu nhiếp trong tuệ uẩn.

Cūla-vedalla Sutta: Majjhima-nikāya I.301, dịch Anh P.H.

***

[1] Đây là một văn bản, không thuộc trong tam tạng (Pāli), có ảnh hưởng vào khoảng thế kỷ thứ V Tây lịch của chú giải sư Thượng tọa bộ là Buddhaghosa.

[2] Các hạng thánh nhân, hoặc những vị chứng đắc giải thoát sơ cấp hoặc cao hơn: xem *Th.199 và 201.

[3] Xem *Th.200.

[4] Giết người mẹ, giết cha, giết A-la-hán, làm tổn thương thân Phật, phá hòa hiệp Tăng, hoặc tuyên thuyết giáo lý ngoại đạo.

[5] Xem *Th.138 để biết mô tả đầy đủ về điều này.