NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Quách Hán Nho
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Quách Hán Nho

(thư thứ nhất)

Phật pháp mênh mông, phàm phu sát đất muốn liễu sanh thoát tử trong đời này, trừ tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương ra, chẳng có pháp nào khác có thể thỏa được nguyện ấy. Cõi đời có bao nhiêu kẻ thông minh đặc biệt thông đạt chuyên lấy việc nghiên cứu kinh luận Đại Thừa làm chí hướng, sự nghiệp; nhưng đối với pháp giản tiện, viên đốn nhất này lại ngược ngạo xem là pháp thiển cận, chẳng chịu tu tập. Ấy là vì họ chỉ chú ý nơi Lý Tánh sâu mầu, không xét kỹ Phật lực chẳng thể lường được. Vì thế, bỏ Phật lực để cậy vào tự lực, tự phụ là đại thông gia, rốt cuộc đến nỗi chỉ được cái Danh, hiếm khi được cái Thật! Đâm ra nhường cho kẻ ngu phu ngu phụ vô tri vô thức vượt ngang ra khỏi ba cõi, cao đăng chín phẩm sen; còn chính mình vẫn tự trầm luân trong biển khổ sanh tử không thoát khỏi được, há chẳng đáng buồn lắm ư? Ấy là căn bệnh chung của đại đa số người học Phật trong thế gian này!

Quang túc nghiệp sâu nặng, sanh ra mới được sáu tháng liền mắc bệnh mắt. Suốt cả sáu tháng không mở được mắt, trừ lúc ăn, ngủ ra, thường khóc suốt ngày đêm. Do nhân duyên ấy, mắt chẳng bằng người khác. Sau này xuất gia, được thấy pháp môn Tịnh Độ, liền chuyên tâm nơi một chuyện này. Nếu có ai chẳng coi tôi là hạng tầm thường, ngu dốt thì đều đem những điều này nói với họ. Nếu ai tự phụ là đại thông gia, cũng mặc cho người ấy làm đại thông gia! Ông muốn quy y, hễ có chí mong liễu sanh tử thì được; chứ nếu muốn làm đại thông gia thì chẳng được! Nay đem lầm đáp lạc, đặt cho ông pháp danh là Huệ Dung; nghĩa là nương theo trí huệ của Phật, do nơi pháp môn Tịnh Độ này mà dung hội quán thông hết thảy các pháp, khiến cho hết thảy mọi người từ chỗ giản ước mà nhập đạo để khỏi đến nỗi than thở: “Ngày đã xế chiều mà đường vẫn còn xa!”

Nay tôi gởi cho ông mấy loại sách, hãy đọc sẽ biết rõ cội nguồn của pháp môn Tịnh Độ. Tịnh Độ Ngũ Kinh, Thập Yếu phải đặc biệt chú ý! Đối với lời tựa của Quang [viết cho những sách ấy], càng phải nên dốc lòng tin tưởng. Chớ nên vì văn chương không tao nhã, trôi chảy, mà xem thường! Đối với kinh ấy, sách ấy, tin cho tột bậc sẽ đáng gọi là đệ tử thật sự của đức Phật, có thể tự lợi, lợi người. Đang trong lúc nguy hiểm khôn lường này, nhằm lúc không có pháp gì cứu được mà bỏ một pháp này thì Phật cũng chẳng thể lập được cách nào khác! Xin hãy đọc kỹ. Quang mục lực không đủ, xin đừng thường gởi thư đến để khỏi bị nhọc nhằn! (Ngày Hai Mươi tháng Sáu năm Bính Tý – 1936)

(thư thứ hai)

Đề xướng Phật học, hãy nên lấy “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành” làm gốc. Làm được như thế thì pháp thế gian lẫn pháp xuất thế đều chẳng trái nghịch. Nếu không, đối với Danh Giáo còn là tội nhân, nào kham học Phật để mong liễu sanh thoát tử ư? “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”; đấy chính là giới đại lược trong giới kinh nhà Phật. Văn Xương Âm Chất Văn trích dẫn câu này; người ta chỉ biết Âm Chất Văn có câu này, chẳng biết lai lịch của nó sâu xa như thế! Điều phải nên chú trọng của người học Phật trong đời Mạt là biết nhân quả và tu Tịnh Độ. Bởi lẽ, biết nhân quả sẽ chẳng dám lừa mình, dối người, làm chuyện thương thiên, hại lý, tổn người, lợi mình!

Tu Tịnh Độ thì tuy là phàm phu đầy dẫy triền phược vẫn có thể cậy vào Phật từ lực để vãng sanh Tây Phương. Các pháp môn khác đều phải đoạn hết sạch phiền não (tức Kiến Hoặc và Tư Hoặc trong tam giới) mới có thể liễu sanh thoát tử. Nếu không, dù đại triệt đại ngộ, có đại trí huệ, đại biện tài, hiểu được quá khứ, vị lai, muốn đi liền đi, muốn tới liền tới, vẫn chẳng thể liễu được, huống là kẻ đầy dẫy phiền não ư? Giảng Tịnh Độ thì phải nói cặn kẽ đạo lý: “Tịnh Độ là pháp môn đặc biệt trong Phật pháp, là đạo để hạ phàm lẫn thượng thánh cùng tu. Chúng sanh đời Mạt chẳng biết chẳng tu pháp này thì chỉ gieo được thiện căn trong đời vị lai, trọn khó thể thoát luân hồi trong đời này” v.v…

Kinh Địa Tạng nói nhân quả khá rõ ràng, rộng rãi; chú giải kinh ấy chỉ có sách Khoa Chú[1] là đáng xem. Dương Châu Tàng Kinh Viện có khắc sách Địa Tạng Khai Mông[2], chẳng đáng xem! Bởi lẽ, nguyên bản đã không hay lắm, lại bị kẻ không thông hiểu sửa chữa nên càng kém hay hơn! Mười mấy năm trước có người tặng bản chú giải kinh ấy cho Quang, Quang bảo kẻ ấy hãy cầm đi vì Quang chẳng dám tặng lại cho người khác. Nay gởi cho ông cuốn Khoa Chú do Quang còn giữ được, bản này chú giải rất rõ ràng, tường tận. Do chưa đủ để xếp thành một bưu kiện, nên đem bản chú giải Hiếu Kinh do một đệ tử đã tặng cho Quang bỏ thêm vào. Người này học rộng nhưng ham danh, vì thế khi chú giải đã chú trọng diễn giảng cho thật rộng; nhưng dùng sách ấy để làm tài liệu tham khảo thì cũng chẳng phải là vô ích. Còn kèm thêm hai cuốn Tịnh Độ Ngũ Kinh, nếu đọc kỹ hai lời Tựa và lời Bạt của Quang in ở đầu sách và cuối sách thì đề xướng Phật học sẽ chẳng đến nỗi bỏ pháp môn cậy vào Phật lực, đề cao pháp môn cậy vào tự lực vậy!

Lại gởi cho ông một gói Vô Lượng Thọ Kinh Tụng; bài tụng ấy tuy chưa thể hiển lộ triệt để ý nghĩa của kinh, nhưng có thể làm trợ duyên cho kẻ sơ cơ. Thiền sư Đạo Xước[3] đời Tùy suốt đời chuyên hoằng truyền Tịnh Độ, giảng ba kinh Tịnh Độ gần hai trăm lượt, đủ biết trong một năm Ngài giảng bốn năm lượt; chẳng nề hà trùng lặp, chỉ mong ai nấy đều hiểu rõ. Người đời nay ắt chẳng chịu giảng trùng lặp nhiều lần như thế. Cổ nhân lấy lợi người làm gốc, người đời nay lấy cầu danh làm gốc. Nếu chuyên giảng Tịnh Độ, chắc người ta sẽ coi thường. Vì thế, chẳng chịu chuyên tinh dốc sức nơi một pháp! (Ngày mồng Năm tháng Sáu)

***

[1] Tức bản Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện Kinh Khoa Chú do ngài Thanh Liên Linh Kiệt soạn vào đời Khang Hy nhà Thanh.

[2] Tác phẩm này có tên đầy đủ là Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khai Mông, gồm ba quyển, do sư Thích Phẩm Cam đời Thanh biên soạn. Trong bài Địa Tạng Bồ Tát Thánh Đức Đại Quan, đại sư Hoằng Nhất đã chê tác phẩm Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khai Mông như sau: “Rối loạn, hỗn tạp, chẳng đáng để lưu thông”.

[3] Đạo Xước (562-645) là một vị cao tăng Tịnh Độ, người huyện Vấn Thủy, Tinh Châu (nay thuộc Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây), có thuyết nói Sư là người Tấn Dương, thường được gọi là Tây Hà thiền sư. Sư kế thừa tư tưởng của ngài Đàm Loan, được coi là người có công khai phá tông Tịnh Độ đầu đời Tùy-Đường. Xuất gia năm mười bốn tuổi, học rộng các kinh luận, đặc biệt yêu thích kinh Đại Niết Bàn, được coi là một học giả hàng đầu về kinh Niết Bàn thời ấy. Sư từng giảng kinh Niết Bàn đến hai mươi bốn lượt. Sau Sư về trụ trì chùa Huyền Trung (do ngài Đàm Loan sáng lập). Năm Đại Nghiệp thứ năm (609) nhân đọc bài văn bia về ngài Đàm Loan ở trong chùa bèn cảm kích, phát tâm chuyên tu và hoằng dương Tịnh Độ. Từ đó cho đến khi mất, mỗi ngày Sư niệm Phật bảy vạn câu. Riêng kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Sư từng giảng hơn hai trăm lần, chủ trương bất luận tại gia hay xuất gia đều nên lấy Niệm Phật làm pháp tu chủ yếu. Sư cũng đề ra cách dùng hạt đậu để nhớ số câu niệm Phật, khởi đầu truyền thống dùng xâu chuỗi để nhớ số câu niệm Phật. Năm Trinh Quán thứ ba (629), biết đã đến lúc vãng sanh, Sư thông báo cho đồ chúng vân tập. Khi mọi người đã đến đầy đủ, chợt đại chúng thấy ngài Đàm Loan hiện thân, cho biết Sư dư báo chưa hết. Đến năm 70 tuổi, Sư mọc răng mới. Đường Thái Tông nghe tin, đích thân ngự giá chiêm ngưỡng, ban tặng Sư nhiều thứ quý báu. Sư thị tịch vào năm sau, diện mạo tươi nhuận, thần trí sáng suốt, giảng diễn Tịnh nghiệp thao thao, ý nghĩa sâu thẳm. Môn nhân nổi tiếng có những vị Thiện Đạo, Đạo Phủ, Tăng Diên, Đạo Ngân v.v… Sư còn để lại các tác phẩm như Tịnh Độ Luận, An Lạc Tập v.v…