NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

21. THÁI ĐỘ VÀ HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ CỦA CHA MẸ TRONG VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI

Các bậc cha mẹ thân mến,
Trên đời nầy không có ai toàn thiện toàn mỹ cả. Hãy nhìn lại chúng ta vào lứa tuổi con em chúng ta bây giờ, chúng ta thế nào ? Nhìn để thấy mà thông cảm và tha thứ, cũng như để có một đường hướng giáo dục con cái tích cực hơn. Có mấy ai trong chúng ta đã từng qua một trường lớp làm cha mẹ nào đâu ? Cũng như vậy, có mấy ai trong con em chúng ta đã được qua trường lớp dạy cho các làm con cái đâu ? Thế mà chúng ta vẫn phải làm cha mẹ và các em vẫn phải làm con cái trong những tình huống và hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Của cải tiền bạc không bao giờ thay thế được tương lai của con em chúng ta đâu ! Con em chúng ta dù sanh ra trong gia đình giàu có hay nghèo nàn, đều cần sự uốn nắn dạy dỗ của các bậc cha mẹ. Sự dạy dỗ ấy phải được bắt đầu ngay từ lúc trẻ vừa mới tập tễnh đi những bước chân đầu đời đến lúc các em đủ trưởng thành để tự quyết định cho mình một hướng đi vào đời. Các bậc cha mẹ có trách nhiệm phải tích cực dạy dỗ con cái từ cách ăn, cách uống, cách đi, đứng … một các hợp tình hợp lý, chứ không thể nào nuông chiều con trẻ một cách thái quá. Các bậc cha mẹ có trách nhiệm phải theo dõi con cái từ cử chỉ hành động, không phải theo dõi để rầy la đánh mắng mỗi khi các em làm lỗi, mà theo dõi để kịp thời chận đứng những hành động xấu ác, cũng như dạy dỗ các em những hành động thiện lành. Các bậc cha mẹ phải có thì giờ nói chuyện và nghe con em mình nói chuyện, một cách cởi mở, như hai người bạn đang tâm sự với nhau. Có như vậy chúng ta mới tạo được cơ hội cho các em cảm thấy thoải mái thổ lộ hết tâm sự với cha mẹ, hoặc chia sẻ với cha mẹ những khó khăn mà các em đang gặp phải. Điều cần nhất là các bậc cha mẹ phải giữ thái độ bình tĩnh trước mọi tình huống, chứ đừng tỏ thái độ khó chịu giận dữ, vì làm như vậy chúng ta vô tình lấp mất con đường cảm thông giữa các em và cha mẹ.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Đồng ý ai trong chúng ta cũng đều thương yêu con cái, nhưng chúng ta phải thương yêu con cái chúng ta trong hiểu biết và cảm thông chứ không mù quáng. Cái gì nên dạy thì dạy, cái gì nên cho thì cho; còn cái gì không nên cho thì chúng ta phải nói thẳng với các em là không. Dù cho hay dù không, thái độ của chúng ta với các em lúc nào cũng là thái độ yêu thương trìu mến. Nếu cần, các bậc cha mẹ cũng nên bỏ chút thì giờ ra theo học những lớp dạy khuyên về cách làm cha mẹ (parenting) sao cho thích hợp với tập quán của xứ sở nầy. Nếu cần các bậc cha mẹ cũng phải cố gắng hội nhập vào xã hội Âu Mỹ cũng như con em chúng ta vậy !

Các bậc cha mẹ thân mến,
Ai trong chúng ta lại không yêu thương con cái của mình. Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ thương theo kiểu cách của chúng ta, chứ không chịu tìm hiểu xem coi trẻ cần gì muốn gì ? Ở nhà thì chúng ta bắt buộc con cái nhứt nhứt phải làm theo ý mình, bằng ngược lại thì chúng ta cho là con cái ngỗ nghịch. Có nhiều bậc cha mẹ dẫn con cái đi chùa, nhưng không cho các em vô chánh điện, hoặc chạy tới chạy lui, mà bắt các em ngồi như như bất động. Vô tình chúng ta đã bắt ép con em chúng ta làm những đứa trẻ bất bình thường. Trẻ con thì phải năng động, chứ trẻ con mà đi tới đâu chỉ ngồi một đống chỗ ấy, là đã có gì trục trặc rồi đấy. Những bậc cha mẹ có trách nhiệm và quan tâm đến sự phát triển của con em mình nên hướng dẫn sao cho thích hợp, chứ đừng dập tắt bản tánh năng động nơi con trẻ. Đừng bắt con trẻ làm theo ý mình mà không một lời giải thích hợp lý. Cái lối cha mẹ nói gì con nghe nấy, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy đã qua rồi. Con cái chúng ta hôm nay cần lắm những bậc cha mẹ có đầu óc cởi mở. Chúng ta có quyền dạy con chúng ta lễ nghĩa, nhưng quyết không ép buộc gò bó các em phải theo những khuôn phép xét ra không còn hợp lý hợp thời nữa.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Dạy con bằng lý thuyết của những gương hạnh lành, không bằng chính mình sống thật với những gương hạnh lành ấy. Cũng như vậy, dạy con bằng lý thuyết từ, bi, hỉ, xả của nhà Phật không bằng chính mình sống thật với từ, bi, hỉ, xả. Dạy con bố thí lợi tha, mà mình thì ăn ở keo kiết bỏn sẻn và độc ác thì không khác chi chuyện mò trăng đáy biển. Trẻ con rất thực tế, chỉ nghe nói mà không được chính tai nghe mắt thấy là các em không bao giờ tin. Như vậy nhiệm vụ của các bậc cha mẹ là tối quan trọng. Cha mẹ chính là những tấm gương sống cho con cái noi theo. Con ngoan hay con hư đa phần là do gia đình và cha mẹ, chứ đừng đổ thừa cho học đường và xã hội. Các bậc cha mẹ phải sống thật trung thực vì con cái chúng ta nhận xét rất tinh tế về những hành vi của cha mẹ. Các bậc cha me cũng đừng bao giờ tự tôn cho rằng truyền thống của mình là hay là nhất, rồi bắt ép con cái phải mù quáng nghe theo. Hãy sống cho xứng đáng là một con người, hãy cảm thông, yêu thương và mang lại hạnh phúc cho mọi người rồi các em sẽ thấy và sẽ sống như vậy. Có thể lúc các em còn nhỏ, tâm tư tình cảm của các em còn bồng bột, các em chịu ảnh hưởng nhiều ở bạn bè và trường lớp. Các em lúc nào cũng tin tưởng rằng các em phải triệt để hội nhập (assimilate) và đồng hóa với dân bản địa để sinh tồn. Tuy nhiên, chính lối sống cao đẹp của các bậc cha mẹ sẽ có công năng kéo các em trở về sống với truyền thống dân tộc ngay trong những nền văn hóa dị chủng. Các bậc cha mẹ hãy còn thao thức cho tương lai của những thế hệ mai sau hãy cố áp dụng và phát huy những nét cao đẹp của đạo lý Việt Nam ngay chính bản thân và gia đình mình, rồi thì con cái chúng ta cũng sẽ sống y như vậy. Mong lắm quý vị ạ !

Các bậc cha mẹ thân mến,
Các bậc cha mẹ Việt Nam dù ở bất cứ đâu, ở Việt Nam hay ở Tây ở Mỹ, cũng đã ít nhứt một lần đánh dạy con cái. Ở đây không nói ai sai ai đúng, mà chỉ khuyên quý vị nên suy xét lại. Nếu bảo rằng “đánh dạy con cái” là sai, thì không lẽ hằng mấy trăm thế hệ cha anh của chúng ta trải qua gần năm ngàn năm văn hiến đều sai hết hay sao ? Mỗi xã hội mỗi khác. Ở Việt Nam có phong tục tập quán của Việt Nam. Ở Mỹ có phong tục tập quán của Mỹ. Dù ở Tây hay ở Mỹ, “đánh dạy” con cái những mong cho các em được thành nhân chi mỹ, không phải là sai trái, nhưng xin quý vị hãy nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc, để không phải vất vả với những luật lệ quái gở của Âu Mỹ.

Vẫn biết rằng quý vị đánh trẻ là vì muốn dạy cho trẻ được nên người, nhưng nếu được, xin quý vị hãy đừng đánh mà vẫn dạy được con, bằng cách ngồi lại với con trẻ, gây cho con trẻ những cảm thông thật sự, những thương yêu chân thành. Làm được như vậy, con trẻ đỡ khổ thân, quý vị đỡ khổ tâm, mà không khí gia đình có lẽ sẽ ấm áp hạnh phúc hơn. Bất đắc dĩ lắm, chúng ta chỉ nên dùng hình phạt bắt trẻ đứng xây mặt vào tường, rồi sau đó ngồi lại giải thích cho con trẻ nghe những lỗi lầm nên tránh. Làm được như vậy, quý vị đã làm được một cuộc cách mạng lớn về giáo dục con cái. Làm được như vậy, con cái sẽ có nhiều cơ hội sửa chữa những sai lầm hơn.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên thẳn thắn và thành thật nhận những khuyết điểm, nếu cần chúng ta cũng nên “xin lỗi” con cái chúng ta về những khuyết điểm ấy. Nói như vậy không có nghĩa là yếu hèn, không có gì yếu hèn khi phải xin lỗi con cái về một khuyết điểm do chính mình tạo ra. Cổ nhân đã không từng dạy chúng ta “lấy chí nhơn thắng cường bạo” hay sao ? Tuy nhiên, tình thương và sự hiểu biết cũng như cởi mở ở đây không có nghĩa là nhu nhược yếu hèn. Cha mẹ cùng hòa đồng với con cái trong mọi sinh hoạt của gia đình không có nghĩa là chấp nhận con cái hỗn xược, dùng những chữ “you” “me” với cha mẹ. Khi ra đường với Tây với Mỹ thì thế nào cũng được, cứ việc “you” “me” vì họ không còn tiếng nào khác, chứ về nhà vẫn phải “thưa má,” “thưa ba.” Quý vị phải cố mà dạy dỗ con cái thế nào cho văn minh vật chất không cướp mất tư cách đạo đức nơi các em.

Tóm lại, trách nhiệm của các bậc cha mẹ quả là nặng nề và khó khăn vô cùng, nhưng chỉ quý vị mới có thể làm được mà thôi. Xin quý vị hãy lắng nghe, tìm hiểu và tìm cách nói chuyện với các em một cách cởi mở. Nói chuyện với các em và làm cho các em hiểu cũng là cả một nghệ thuật đòi hỏi nhiều tế nhị, hiểu biết và kiên nhẫn, mà chỉ có sự cảm thông thật sự và tình thương chân thành mới có thể thuyết phục được các em mà thôi. Xin các bậc cha mẹ hãy vì tương lai con cái mà lưu tâm nhiều hơn nữa trong cách dạy con và trong những sinh hoạt gia đình, phải biết con cái mình giao du với những ai và làm những gì, biết mà không làm tổn hại đến sự giao du tốt cũng như những sinh hoạt cần thiết của các em. Ngay cả các bậc cha mẹ, xin hãy tự kiểm điểm lấy mình vì mình chính là những tấm gương cho con cái noi theo. Hãy vâng giữ lời Phật dạy là đi theo con đường trung đạo ngay trong việc dạy dỗ con cái, nghĩa là không lơ là thiếu sót bổn phận, không quá khắt khe vô lối với con cái, mà cũng không quá nuông chiều. Quả tình trách nhiệm của quý vị thật nặng nề và khó khăn vô cùng, nhưng không phải là không làm được. Hãy vì tương lai nhiều thế hệ mai sau mà cố gắng thật nhiều quý vị ạ !