Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Pháp Sư Càn Quang [2]

CHÁNH VĂN:

(18) Pháp sư Càn Quang hỏi: Kinh Kim Cang Bát-nhã nói: Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì đọc tụng kinh này hoặc bị người khinh chê, thì tội nghiệp đời trước của người này, lẽ ra phải rơi vào ác đạo, nhưng do đời này bị người khinh chê, nên tội nghiệp đời trước của người này ắt được tiêu diệt. Nghĩa này như thế nào?

Đáp: Người trì kinh đều được mọi người cung kính lễ bái. Ngày nay tuy đọc tụng kinh, nhưng do trước kia lúc chưa trì kinh đã có tội chướng quá nặng nề. Ngày nay do oai lực trì kinh chiêu cảm bị người đời khinh chê, hay khiến tội chướng sâu nặng của người trì kinh thảy đều tiêu diệt. Vì tội được tiêu trừ, nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

GIẢNG:

Đây là lý giải theo kinh Kim Cang. Trong kinh Kim Cang Bát-nhã nói, nếu người trì kinh có tội nghiệp quá khứ bị người khinh chê, về sau tội nghiệp sẽ hết. Nghĩa là nếu không trì kinh có thể bị quả báo nặng hơn, nhưng nhờ công đức trì kinh nên tội nghiệp giảm đi, chỉ bị người khinh chê chút ít thôi, dần dần nghiệp cũ sẽ hết luôn.

Nhưng Ngài lại lý giải khác. Dưới đây là lý giải của Ngài.

CHÁNH VĂN:

Lại có lý giải thích rằng: Tội nghiệp đời trước, dụ cho niệm trước khởi vọng tâm. Người đời nay khinh chê, là dụ niệm sau giác ngộ, sau giác ngộ là ăn năn vọng tâm trước. Nếu tâm trước đã diệt thì hối sau cũng diệt. Hai niệm đã không còn, tức là công đức của người trì kinh đầy đủ, liền được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

GIẢNG:

Ngài quan niệm khác: Tội nghiệp đời trước là chỉ cho trước khởi các vọng tâm, các nghĩ tưởng bậy. Bị người khinh chê là sau giác ngộ, ăn năn chừa bỏ niệm trước. Niệm trước đã diệt thì tâm ăn năn hối hận cũng hết. Do trì kinh này hai niệm đều hết thì công đức đầy đủ, được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là lý giải thứ hai.

Đến lý giải thứ ba.

CHÁNH VĂN:

Lại nói: Giác sau dụ cho người khinh chê, là do niệm trước khởi vọng tâm. Nếu khởi giác sau cũng là khởi tâm, tuy gọi là giác, giác cũng không lìa phàm phu, dụ cho người đời khinh chê vậy.

GIẢNG:

Nói giác sau là chỉ cho người khinh chê, vì niệm trước khởi vọng tâm. Nếu khởi giác sau cũng là khởi tâm, nếu có giác sau đó cũng là khởi tâm. Tuy gọi là giác, giác cũng không lìa phàm phu, dụ cho người đời khinh chê vậy. Tuy giác nhưng do khởi tâm nên không lìa phàm phu, vì vậy cũng bị khinh chê luôn.

Nên nhớ vọng trước không theo, không chấp nhận, nhưng giữ cái biết vọng hoài cũng không được. Chỉ khi nào vọng dấy lên, mình biết nó là vọng liền buông, vọng lặng rồi thì cái biết vọng cũng lặng luôn. Nếu giữ cái biết vọng khi không có vọng cũng là bệnh. Ví như nhà có trộm moi vách cạy cửa, chủ nhà chỉ mặt la lên “ăn trộm”, nó hoảng chạy lui. Sau đó chủ nhà cứ ngồi nhìn lom lom chỗ cửa bị cạy từ đầu hôm tới sáng. Nhìn như vậy chừng mười bữa chắc chủ nhà chết mất. Khi kẻ trộm chạy rồi thì thôi, ta đề phòng nhưng vẫn sống thảnh thơi, chớ tội gì phải nhìn lom lom vào vách vào cửa. Chừng nào nó cạy nghe động nữa thì mới nhìn, mới canh giữ.

Cũng vậy, vọng dấy lên chúng ta biết liền buông. Buông rồi nó lặng, tự nhiên yên tĩnh, ta cũng không chú tâm nhìn vào chỗ yên tĩnh ấy hoài. Nhìn như vậy mệt lắm, chớ có an ổn chi. Cho nên khéo tu một chút thì không sanh bệnh, ngược lại không khéo rất dễ sanh bệnh. Vì vậy người muốn tu hành đến nơi đến chốn, phải chịu khó nghiền ngẫm kỹ, thấu suốt cho rõ thì công phu tu mới không sai.