CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

21. NGUYỄN THỊ THÀNG (1935  – 2015) 80 Tuổi

Bà Nguyễn Thị Thàng sinh năm 1935, nguyên quán: Giồng Riềng Kiên Giang. Song thân là cụ ông Nguyễn Văn Thành và cụ bà Dương Thị Ba. Bà đứng thứ Hai trong gia đình có 10 chị em.

Năm bà lên 12 tuổi, địa phương bà sống có chiến tranh nên cha đã đưa gia đình di tản ra Thạnh Phú, Thốt Nốt. Cũng nhờ cơ hội này mà cha bà đã quy y Tam Bảo, tu học Phật Pháp. Vì vậy bà đã phát tâm ăn chay kỳ mỗi tháng 4 ngày, sớm chiều hai thời lễ Phật từ thuở đó.  

Khi đến tuổi trưởng thành bà kết hôn với ông Trần Văn Tống, sanh được 7 người con, 2 trai 5 gái. cư trú tại: ấp Thạnh Phước, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ. Gia đình bà sinh sống bằng nghề làm ruộng rẫy. Ông chồng của bà còn làm “Ủy viên canh nông”, sau làm “Phó xã trưởng” xã Thạnh Phú mãi cho đến 30 tháng 4 năm 1975 mới nghỉ việc.

Tính tình của bà hiền từ chân thật, vui vẻ, thích yên tịnh.

Mặc dù chồng bà có chức vụ trong xã hội nhưng riêng bản thân bà chưa hề chưn dọn se xua, thích ăn mặc theo cổ lệ, chẳng màng bao lời mỉa mai của các bạn đồng trang lứa.

Sau những năm 1975, hoàn cảnh sống phải đối diện với rất nhiều cảnh duyên trái ngang khó kham nhẫn, bà giác ngộ nỗi khổ của cuộc đời nên đã phát tâm trường chay, quyết chí tu hành, những mong thoát khỏi vĩnh viễn vòng trầm luân sanh tử luân hồi. Nhưng ăn chay chỉ được một thời gian thì bà bị bệnh khá nặng về đường tiêu hóa, vì thế chồng và vài người con mới cực lực lên tiếng ngăn cản, không cho bà tiếp tục ăn chay nữa, tất cả đều bảo rằng tại ăn chay mới xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy. Lâm vào tình trạng này bà vô cùng buồn tủi cho thân phận phước mỏng nghiệp dày của mình!

Cô con gái thứ Năm đã có chồng, nhà cô cách nhà bà khoảng vài trăm mét, thấy bà khóc thương thảm não, cô bèn khuyên cha và nói với em trai Út rằng:

-Em hãy suy nghĩ kỹ lại xem! Má từ hồi nào tới giờ cực khổ vì chồng vì con mấy chục năm nay, cho đến giờ phút này mà má có được gì đâu? Thôi, hãy cho má ăn chay đặng má kiếm một mớ số vốn để má về xứ. Còn nếu em với ba mà khó khăn với má quá thì chị sẽ rước má về đằng đẳng chớ không để đằng này!

Cô nói vậy chú liền nghe theo, đồng thời cũng năn nỉ với ông, cuối cùng ông cũng chấp thuận, không còn can ngăn la mắng bà dùng chay lạc nữa.

Thời khóa thường nhật của bà là hai thời lễ nguyện sớm chiều, và ngồi niệm Phật vào giữa trưa mỗi ngày. Băng đĩa bà thường xem nghe phần lớn là “Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ”.

Thỉnh thoảng bà cũng khuyên dạy con cháu phải ăn hiền ở lành, xa lánh điều dữ, đừng nên gian tham trộm cắp… Cần nhất là rán nhịn nhục ở trong cuộc sống chung đụng này.

Mỗi khi thấy các con cháu tụm năm tụm ba nói cười bông lông, bà thường khuyên bớt lại đặng để thời gian mà lo niệm Phật.

********

Ban đầu bà bị bệnh “xuất huyết đường tiêu hóa”, kế đến là “rung tâm nhỉ”, điều trị qua các bệnh viện đa khoa ở Thốt Nốt, Cờ Đỏ, rồi đến Cần Thơ. Trãi suốt năm bảy năm trời, ban đầu ít, sau nhiều dần, trung bình mỗi tháng bà phải nhập viện một lần, thời gian là vài ba ngày. Sự đi đứng của bà lúc này rất khó khăn, dần dần đến độ phải bò lếch và phạm vi sinh hoạt cũng thu hẹp dần.

Vào khoảng giữa năm 2014, Bệnh Viện Đa Khoa Trung Ương Cần Thơ phát hiện bà bị “ung thư tử cung” nên liền chuyển bà sang Bệnh Viện Ung Bướu Cần Thơ. Khi sang bên này các bác sĩ kiểm duyệt xong bèn đề nghị xạ trị cho bà, các con bà mới hội lại cùng nhau bàn bạc. Bàn bạc xong mới hỏi ý kiến của bà:

-Bệnh của má nặng như vậy đó, bác sĩ yêu cầu xạ trị, ý của má thế nào, ở đây điều trị hay về nhà mình uống thuốc Nam?

-Tùy mấy đứa,… tính làm sao thì tính!

-Không được, má ơi! Các con bổn phận làm con…Thí dụ như: Nếu má muốn trị, thì tụi con lo cho má điều trị, cho dù không tiền bán đất cũng được; Còn như má nói ‘không’ thì tụi con chở má về, chứ tụi con không dám quyết định vì có tội!

-Nếu như vậy thì thôi mình đi về! Về mình kiếm thuốc Nam uống.

Từ đó bệnh mỗi lúc càng thêm trầm trọng. Cứ mỗi tháng tái khám một lần rồi mang thuốc về nhà, khi nào xuất huyết nhiều thì nhập viện truyền máu. Đôi khi có dùng thuốc Nam để hổ trợ thêm. Bà thường nằm, đến giờ ăn hay vệ sinh mới ngồi dậy, dần dần không tự ngồi được mà phải nhờ con cháu đỡ, cuối cùng nằm luôn không dậy nữa!

“Cảnh hồng trần dù lắm mến ưa,
Rốt cuộc cũng chỉ đưa đến mộ.
Ăn của thổ thì huờn lại thổ,
Xác phàm nhơn có số định rồi.
Tạo cho nhiều cũng chỉ thế thôi,
Thân khi mất sự đời cũng mất.
Thật nào khác chiêm bao một giấc,
Tiêu tan không sự vật nào còn.
Kể ra nào vợ đẹp hầu non,
Nào cát tía lầu son lộng lẫy,
Nào xe cộ tàu bè bóng bẩy,
Nào bạc vàng của cải dư muôn,
Dứt thở rồi vạn sự đều buông,
Sự vật bỏ còn thân cũng rã;
Cõi tạm giả xác thân cũng giả,
Đến cuối cùng đều hóa ra không;
Mưu mẹo gì cũng chỉ luống công,
Càng thêm tội chớ không tồn tại.
Tội càng lắm càng làm ngu dại,
Sự khổ đau càng phải chịu nhiều.
Kiếp luân hồi nối mãi không tiêu,
Đường sống chết cứ theo chẳng cuối.
Đó không phải tại nơi may rủi,
Mà tại người tự trói buộc vào.
Bởi say mê nơi cõi trần lao,
Phải vào đó không sao chạy khỏi.
Phật xưa đã nhiều lần kêu gọi,
Lòng say mê buộc trói chúng sanh.
Chuyển luân trong sáu nẻo bất lành,
Chịu thống khổ tự mình không biết.
Say mê ấy sớm lo trừ tiệt,
Thì chuyển luân cũng diệt liền theo.
Khổ sáu đường sẽ chẳng còn đeo,
Thần chết hết đuổi theo bắt bớ.
Cũng hết bị ai theo đòi nợ,
Chẳng còn mang cái sợ trong lòng.
…Ở mười phương chư Phật ngóng trông,
Tất cả chúng sanh đồng bước tới.
…Ngày tháng cứ trôi qua không đợi,
Gần lâm chung mới hối muộn màng.
…Sớm tỉnh ra chớ để trễ tràng,
Bồi công đức xả trần thế trược.
…Cứ tiếc của mà mong có phước,
Phước làm sao có được cho mình.
Không chịu tu mà muốn được linh,
Linh không thể nào sinh ra được.
Cho nên muốn cho mình có phước,
Bố thí đi chớ tiếc đồng tiền.
Còn muốn cho mình được linh thiêng,
Thì là phải tu hiền đúng đắn.
Thú vật biết tu còn linh đặng,
Người thật tu chắc chắn nhiệm mầu.
Phải dầy công tu luyện cho lâu,
Chớ lòng muốn cho mau không được.
Sấu tu phải nằm lâu dưới nước,
Mới thành rồng bay vượt lên mây.
Người tu thì nhịn việc trần ai,
Mới thành Phật ra ngoài sanh tử.
Cọp dữ lúc tu thì hết dữ,
Người hung khi tu phải bỏ hung.
Đã tu mà còn tánh hung sùng,
Sánh với loại thú hùm còn kém.
Gánh trần tục hãy mau quăng ném,
Để rảnh tay gói ghém sự tu.
Nào vùa hương bát nước công phu,
Nào tịnh niệm A Di Đà Phật,
Các ô nhiễm tâm vô nhứt vật,
Chỉ một lòng phước đức vun bồi.
Nơi Liên Hoa cửu phẩm chưa ngồi,
Thì nhứt định chưa thôi niệm Phật”.

*************

Thời gian nằm bệnh suốt nhiều năm tháng trôi qua nhưng lòng bà vẫn còn lo lắng cho gia đình, lo lắng đủ mọi chuyện, lo chuyện này chuyện kia, chẳng hạn như: “Ngày mai không biết có tiền mua đồ ăn hay không?”, “Ba mấy đứa đâu rồi?”… Các con mới mới xúm lại khuyên: “Thôi má ơi! Má đừng có lo nữa…” Vì có nghĩ ngợi lo lắng bao nhiêu cũng chẳng giải quyết được gì, uổng công phí sức thôi không lợi ích chi hết; Vả lại cái chết chắc chắn sẽ đến không hạn định thời gian, nó không nhân nhượng buông tha cho một chúng sanh nào, nó không chừa một ai cả. Cho nên việc quan trọng cấp thiết nhất trong giây phút này của bà chẳng gì hơn là cần phải chuyên tâm niệm Phật, cầu sớm được vãng sanh về An Dưỡng Quốc, tức là sẵn sàng dự bị đầy đủ hành trang cho chuyến ra đi cuối đời được thuận gió xuôi buồm.

Duyên may là cô con gái thứ Năm của bà thường nghe đĩa “Khuyên Người Niệm Phật” của cư sĩ Diệu Âm, nên hiểu được cách thức trợ niệm, giá trị lợi ích của sự trợ niệm rất cần thiết cho người tu niệm Phật cầu vãng sanh đặc biệt ở giai đoạn già bệnh, giai đoạn cận kề với cái chết, nhất là bệnh nhân khi còn tỉnh táo sáng suốt hiệu quả rất cao so với bệnh nhân khi đã hôn mê. Nên ngày mùng 7 tháng 8, cô cùng con gái của mình đến cộng tu với bà từ 7 tới 8, 9 giờ tối mỗi đêm, gia đình cô cách nhà bà vài trăm mét.

Cứ niệm xong 30 phút thì cô Năm nguyện lớn cho bà nương nguyện thầm theo:

-Nam Mô A Di Đà Phật!

Cầu xin Đức Phật A Di Đà cảm ứng chứng minh tiếp dẫn đệ tử là Nguyễn Thị Thàng, tám mươi tuổi, khi mãn kiếp hồng trần được vãng sanh về cõi nước của Ngài. Trước lúc ra đi Ngài độ cho con biết ngày biết giờ, thân trang nghiêm, không bệnh khổ bức bách, tâm thanh tịnh, tỉnh táo sáng suốt.

Lập lại ba lần như vậy. Thỉnh thoảng cô hay hỏi bà:

-Con đọc như vậy mà má đọc theo có kịp không, má?

-Má đọc theo kịp!

-Cõi này là cõi khổ, mình ở đây bệnh hoạn khổ quá má ơi! Thôi, bây giờ mình phát nguyện sanh về Cực Lạc cho nó khỏe!

Mỗi ngày trước khi cộng tu, cô Năm và cháu ngoại thường khuyên bà hãy nên buông xả muôn duyên, quyết tâm niệm Phật để sớm sanh về cõi nước an lành của Đức Từ Phụ A Di Đà. Bà cũng hay nói:

-Ngoại chuyến này rán cố gắng niệm Phật để vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Một hôm cô Năm hỏi bà:

-Má ơi, má! Từ hồi nào tới giờ má có biết hình Đức Phật A Di Đà không má?

 -Không! Từ đó tới giờ má không biết.

Cô bèn nhờ người thân thỉnh về một bức chân dung Phật A Di Đà. Khi mang về mở ra đưa trước mặt bà, bà chăm chú ngấm nhìn, gương mặt vô cùng hoan hỷ, tươi cười tắm te tắm tét. Các con còn chỉ vào cánh tay Ngài đang nâng tòa sen mà giải thích với bà  rằng:

-Má ơi! Tay Ngài cầm hoa sen này là để rước mình về Cực Lạc đó má. Nữa má theo Đức Phật A Di Đà chớ đừng theo ai hết, nghen má!

Rồi cũng từ đó mỗi khi cộng tu với bà bức chân dung ấy đều mở ra cho bà ngấm nhìn.

*******

Cộng tu được gần một tháng, vào khoảng 11 giờ đêm mùng 4 tháng 9 bà chìm vào hôn mê, cứ sôi bụng vang thành âm thanh nghe ồ ồ, trong người bài tiết ra phân lẩn máu liên tục, mùi hôi thật là vô cùng nồng nặc. Thân quyến bu xung quanh hộ niệm mãi đến hơn ba tiếng đồng hồ sau bà mới tỉnh hẳn trở lại bình thường.

Sáng ngày mùng 5 bà vui vẻ lạ thường, gương mặt lúc nào cũng vui tươi rạng rỡ, thân thuộc viếng thăm bà đều nhận biết chính xác rõ ràng.

Khoảng gần 2 giờ chiều, hai người con gái và cô cháu ngoại vây quanh niệm Phật với bà. Cháu bà đưa hình Phật A Di Đà ra, bèn hỏi:

-Ngoại! Ngoại biết ai đây không, ngoại?

-Biết!

-Ai vậy ngoại?

Bà vừa cười vừa đáp:

-Đức Phật A Di Đà!

-Đây là Đức Phật A Di Đà. Rồi chừng nữa khi ra đi ngoại theo Phật không?

-Có chớ!

-Thôi, rán niệm Phật đi nghen ngoại! Đằng này con với mấy dì niệm Phật tiếp ngoại nè, ngoại rán niệm theo nghen! Đặng khi Đức Phật A Di Đà đến rước ngoại, ngoại theo Ngài về Cực Lạc nghen, ngoại! Ngoại phải buông bỏ mọi thứ, đừng nắm níu gì hết!

-Ừ!

Thấy bà vừa nói chuyện mà vừa cười hoài, cô mới hỏi bà:

-Ngoại ơi! Tại sao mà ngoại cười hoài vậy ngoại? Ngoại vui không mà ngoại cười?

-Vui chớ!

-Tại sao mà ngoại vui?… Ngoại được cái gì không mà ngoại vui?… Có cái gì đâu mà ngoại vui, vậy ngoại?

Bà mỉm cười, đáp:

-Ngoại được tòa sen rồi!… Mà còn có nhiều người ngồi tòa sen lắm!

Mọi người vẫn ngồi bên cạnh tiếp tục niệm Phật với bà, nhưng thấy bà cứ chốc lát mỉm cười, cứ chốc lát mỉm cười. Cô bèn hỏi bà như trước:

-Ngoại! Ngoại! Sao mà ngoại cười hoài vậy ngoại? Có gì vui mà ngoại cười?

-Vui chớ!

-Ngoại có niệm Phật không?

-Có!

-Sao mà ngoại vui vậy ngoại?

-Ngoại sắp thoát được cái cảnh xích xiềng này rồi!

– Ngoại sắp thoát được cái cảnh xích xiềng này rồi, ngoại sanh về đâu mà ngoại vui?

-Ngoại sẽ được sanh về Cực Lạc!

-Ngoại ơi! Ngoại được sanh về Cực Lạc, ngoại nhớ quay lại độ cho con tu với nghen ngoại? Đặng sau này con theo con hầu ngoại nghen?

Bà xoay mặt nhìn thẳng vào đôi mắt của cháu ngoại mình một hồi lâu, rồi mỉm cười chậm rãi thong thả đáp:

-Độ chớ!… Ai chớ… con thì… ngoại độ tới bờ tới bến luôn!

Cô nghe ngoại mình hứa khả như thế, lòng cảm nghe phủ trùm một khối tình cảm ấm áp bao la mà ngoại đã dành cho mình, một thứ tình cảm thiêng liêng làm cho con tim cô chợt dâng tràn nỗi niềm hạnh phúc vô tận vô biên. Bất giác hai hàng nước mắt vui mừng lăn dài trên đôi má, cô vội vã rời chỗ ngồi nhẹ nhàng chạy vụt ra nhà sau.

*********

Cũng từ đó sức lực của bà cạn kiệt dần, nước cũng không còn uống được nữa, con cháu chia ca thay nhau hộ niệm suốt ngày đêm, bà nằm im lặng lắng nghe niệm thầm theo.

Đến 7 giờ sáng ngày mùng 8 tháng 9 năm 2014, bà nhẹ nhàng trút hơi thở sau cùng, không một tí xíu gì lộ nét khó khăn và đau khổ cả. Trước khi ra đi bà mở mắt to ra, rồi khép lại, mà lập lại 3 lần mở khép như vậy, có lẽ bà từ giã mọi người bằng cách thức như thế. Bà hưởng thọ 80 tuổi.

Qua hơn tám tiếng đồng hồ sau đó, thân quyến thay y phục bắt đầu lo phần nhập mạch để an táng, thì thấy gương mặt của bà hồng hào rất đẹp, tràn đầy niềm hoan hỷ vui tươi, miệng như mỉm cười, các khớp xương mềm mại, da thịt có độ đàn hồi y như người còn sống, đặc biệt là chỉ có hai bàn chân lạnh, còn từ bắp đùi trở lên trên chỗ nào cũng đều nóng rất nóng!

* Lúc còn nằm ở bệnh viện các y bác sĩ cho biết trước về tình trạng diễn tiến bệnh của bà, là đến chừng bà mất khối ung thư sẽ vỡ và bài tiết ra bên ngoài, vì vậy người thân phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý cũng như đầy đủ dụng cụ làm vệ sinh để xử lý kịp thời mà không phải bối rối khi lâm chuyện.

Thường thì cháu ngoại thay tã mỗi ngày cho bà hai lần sớm tối, chất bài tiết rất hôi. Nhưng vào giữa đêm mùng 4 phải thay tả cho bà gần như liên tục suốt đêm, cứ khoảng 30 hoặc 60 phút một lần, trọng lượng tăng nhiều, và mùi tanh hôi lại vô cùng nồng nặc so với mọi khi. Sang sáng mùng 5 sự bài tiết bắt đầu giảm dần, cho đến ngày mùng 7 thân thể bà trở nên gần như hoàn toàn sạch sẽ và cũng không còn một chút mùi hôi nào nữa cả!

(Thuật theo lời của Trần Thị Sắc – con gái thứ Năm  Và cô cháu ngoại tên Thanh của bà)