Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VI. ĐỨC TUÂN PHỔ HIỀN ĐỆ NHỊ
(TT)

“Cụ túc tổng trì, bách thiên tam-muội” (Đầy đủ tổng trì, trăm ngàn tam-muội): “bách thiên tam-muội” hay “vô lượng tam- muội”, đây là “Dụng” giống như trên Kinh Bát Nhã nói: “Bát Nhã vô tri”, “vô tri” là “căn bản trí”, Hoa Nghiêm tam-muội là căn bản. Lại nói: “vô sở bất tri”; đây là đức dụng, đức năng của nó cũng chính là “tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp”. Tuy “tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp” trong tâm một chút ô nhiễm cũng không có, đó gọi là “bách thiên tam-muội”, vô lượng tam-muội.

Tổng trì”, phía trước đã nói là “đà-ra-ni” môn. “Đà-ra-ni” là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung Quốc là “Tổng trì”. “Trì” là nắm lấy. “Tổng trì” là nắm lấy cương lĩnh, tổng nguyên tắc. Như trên đã nói: Kinh Vô Lượng Thọ là tinh hoa của Kinh Hoa Nghiêm, do đây có thể nói: Tổng trì của Kinh Hoa Nghiêm là Kinh Vô Lượng Thọ. Tổng trì của Kinh Vô Lượng Thọ là phẩm thứ sáu: “Phát đại thệ nguyện”. “Phát đại thệ nguyện” là bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà, trong đó các Tổ Sư, đại đức đã công nhận nguyện thứ mười tám là nguyện quan trọng nhất trong bốn mươi tám nguyện. Hay nói cách khác, “Tổng trì” của bốn mươi tám nguyện là nguyện thứ mười tám.

– Nguyện thứ mười tám nói cái gì?

– Là mười niệm ắt sinh, đó là sau cùng qui kết về công đức danh hiệu, công đức không thể nghĩ bàn! Cứ như vậy mà qui nạp lại thì “pháp môn tổng trì” là danh hiệu A Di Đà Phật. Nhất tâm xưng niệm bốn chữ A Di Đà Phật, trong đó không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; lực dụng của “nhất tâm” này là vô hạn, bao trùm tận hư không khắp pháp giới. Nếu có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tâm này liền hẹp, liền có giới hạn.

Cho nên, bước vào Niệm Phật Đường phải buông bỏ vạn duyên, buông bỏ tất cả thân tâm thế giới, không nghĩ tưởng điều gì, chỉ nhất tâm xưng danh, nhất tâm niệm Phật, tâm này mới tương ưng với chư Phật Như Lai, trong tự nhiên, sóng tâm này liền sẽ kết nối được với tâm chư Phật thành một thể kênh đài. Có liên thông thì có gia trì, bảo hộ. Như vậy, chúng ta đã nắm bắt được đỉnh cao của “Pháp môn tổng trì”, liền hiểu rõ vì sao mọi người ở nơi khác niệm Phật so với chúng ta ở Niệm Phật Đường này niệm Phật, thọ dụng không như nhau.

– Do đạo lý gì?

– Từ trường không như nhau! Nơi đây có rất nhiều người niệm Phật, họ chân thật thấu hiểu được lời Phật dạy, họ minh bạch mà niệm Phật, nhất tâm mà niệm Phật, không hàm hồ tán loạn mà niệm Phật. Ngày ngày chúng ta đều giảng kinh; ngày ngày chúng ta đều niệm Phật không gián đoạn. Làn sóng âm này cùng với kênh đài của A Di Đà Phật, và chư Phật Như Lai là tương thông lẫn Như chúng ta xem truyền hình, nơi đây làn sóng không có quấy nhiễu nên hình ảnh rất rõ ràng; đến nơi khác cũng có thể xem thấy nhưng hình ảnh chỉ lờ mờ không rõ ràng.

– Quấy nhiễu là gì?

– Là nghĩ tưởng xằng bậy!

Mọi người nơi đây đều dùng tâm thanh thịnh, nên từ trường không có quấy nhiễu, bạn sẽ cảm thấy rất tường tận niềm an lạc, thanh tịnh khi bước vào Niệm Phật Đường này.

Có đồng tu từ nơi khác đến đây niệm Phật, muốn trở về xây dựng Niệm Phật Đường giống hệt nơi đây để mọi người cùng nhau niệm Phật. Hiệu quả nếu so với nơi đây vẫn còn kém hơn một bậc. Nguyên nhân này do đâu? Phải mỗi ngày giảng kinh, ngày ngày khế nhập, giải hành phải tương ưng thì mới được. Chỉ có “hành môn”, không có “giải môn” vẫn là có phiền não! Đại Sư Thanh Lương nói trong Kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao: “Có giải không hành tăng thêm tà kiến; có hành không giải tăng thêm vô minh”. Do đó, nhất định phải “giải hành tương ưng”. Chỗ tốt của đạo tràng chúng ta ngày nay chính là “giải hành tương ưng”.

Có lẽ đồng tu nghe lời nói này lại khởi hoài nghi: Ngày trước, nghe nói Niệm Phật Đường của lão Pháp Sư Ấn Quang không có giảng kinh, chỉ thuần một câu Phật hiệu niệm đến cùng! Việc này giải thích ra sao? Thời đại của lão Pháp Sư Ấn Quang thì được! Chúng ta ngày nay thì không được! Vì sao? Do căn tánh khác nhau!

Người thời đó bước vào Niệm Phật Đường, tuy không hiểu sâu về giáo lý của Phật, nhưng họ không có vọng tưởng, họ chân thật có thể buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nhất tâm bước vào Niệm Phật Đường niệm Phật, vậy thì không cần phải giảng kinh. Tâm chúng ta ngày nay nghi hoặc, phân biệt, chấp trước quá sâu, quá nặng, nếu không nương nhờ giáo nghĩa của kinh để tiêu trừ hóa giải thì có bước vào Niệm Phật Đường cũng là tâm tán loạn không được lợi ích! Cho nên, con người ở mỗi thời điểm, nơi chốn không như nhau, nhất định phải hiểu được khế cơ, khế lý mà ứng dụng thích nghi, phương tiện khéo léo.

Trong “bách thiên tam-muội”, “tam-muội” này cùng ý nghĩa của Hoa Nghiêm tam-muội không như nhau. Hoa Nghiêm tam-muội có thể gọi là “Chánh Thọ”. Thế nhưng, “Chánh Thọ” có cạn, sâu, rộng, hẹp không đồng. Hoa Nghiêm tam-muội là đạt đến cứu cánh viên mãn. Thực tế mà nói: Chỉ cần “ngộ nhập Hoa Nghiêm tam- muội”, con người này chính là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, trong Tịnh Tông gọi họ là “lý nhất tâm bất loạn”, không phải “sự nhất tâm”. “Lý nhất tâm bất loạn” mới là Hoa Nghiêm tam-muội. Cho nên, Hoa Nghiêm tam-muội, ý nghĩa của “tam-muội” này rất sâu. Ý nghĩa “tam-muội” trong “bách thiên tam-muội” thì cạn, hiện tại chúng ta có thể học tập. Đó là gì? Đơn giản mà nói “bách thiên tam-muội” là “thiện tâm nhất xứ trụ bất động”.

– Cái gì là thiện? Tiêu chuẩn của thiện thế nào?

– Chúng ta dùng năm giới, mười thiện đơn giản nhất trong nhà Phật để biểu trưng cho cái thiện này. Trong tất cả thời, tất cả nơi, tất cả hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất, tâm thiện này tuyệt đối không dao động, luôn luôn gìn giữ:

– Thân: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm.

– Miệng: Không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác, không nói lời thêu dệt.

– Ý: Không tham, không sân, không si.

Cứ như thế mà giữ mãi kiên trì mười thiện, đó gọi là “bách thiên tam-muội”, cũng gọi là “vô lượng tam-muội”, chúng ta phải nên học tập.

Hoa Nghiêm tam-muội, chúng ta đích thật hiểu rõ ý nghĩa này nhưng không dễ gì ngộ nhập. Nhưng “bách thiên tam-muội” có thể giúp chúng ta ngộ nhập Hoa Nghiêm tam-muội.

Trụ thâm thiền định, tất đổ vô lượng chư Phật(Trụ thiền định sâu, đều thấy vô lượng chư Phật).

Sách Hội Sớ giảng: “Thiền định sâu là trụ trong tam-muội vi diệu, sâu xa, u huyền, chẳng phải là pháp Nhị Thừa và sơ tâm Bồ Tát có thể thực hành nổi”.

Xét trong kinh này việc hành giả được thấy Phật trong khi nhập định, chính là đại nguyện thứ bốn mươi lăm của Phật Di Đà: “trong Định cúng Phật”. Lời nguyện này như sau: “Ngã tác Phật thời, thập phương Phật sát, chư Bồ Tát chúng, văn ngã danh dĩ, giai tất đãi đắc thanh tịnh, giải thoát, Phổ Đẳng tam-muội, chư thâm tổng trì, trụ tam-ma-địa, chí ư thành Phật. Định trung thường cúng vô lượng, vô biên nhất thiết chư Phật, bất thất định ý.”

(Lúc tôi thành Phật, các chúng Bồ Tát trong các cõi Phật mười phương nghe danh hiệu tôi đều đạt được Phổ Đẳng tam-muội thanh tịnh, giải thoát, các tổng trì sâu, trụ tam ma địa cho đến khi thành Phật. Trong Định thường cúng vô lượng, vô biên hết thảy chư Phật, chẳng mất Định ý). Do thường trong Định cúng dường hết thảy chư Phật nên được “tất đổ vô lượng chư Phật” (đều thấy vô lượng chư Phật).

Sách Bình Giải giảng: “Phổ Đẳng tam-muội” là thâm định môn,tam-muội này do trí nguyện của Phật Di Đà tạo thành, rất sâu không bờ đáy, nên gọi là thâm thiền định. ‘Tất đổ châu biến’ (đều thấy trọn khắp) là nói nghiệp dụng của nó”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Thâm thiền định” này là “tánh định” tự tánh vốn định, như trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Thủ Lăng Nghiêm đại định”, đó là “thâm định” là cảnh giới của quả địa Như Lai, cũng gọi là “lý Định” là Định trên lý, là thiền định chân chánh. “Vô lượng chư Phật” là quá khứ chư Phật, hiện tại chư Phật, vị lai chư Phật. Trong mắt phàm phu đều thấy mọi người là phàm phu. Trái lại, chư Phật nhìn thấy chúng sinh đều là chư Phật, chúng ta tự mình vẫn không thừa nhận! Cho nên, muốn biết bạn thuộc về cảnh giới gì, không cần hỏi người khác nếu bạn xem mọi người đều là Bồ Tát thì tự biết mình đã là Bồ Tát. Nếu tu hành nhiều năm vẫn thấy chúng sinh là phàm phụ, vậy nhất định bạn là phàm phu rồi.

Trụ thâm thiền định, tất đổ vô lượng chư Phật”. Phía trước là nói “Định Tuệ Đẳng Trì”; câu kinh văn này là nói “từ thể khởi dụng”.

– Thâm thiền định là gì?

– Thế Tôn nói trên Kinh Đại Tập: “Một câu danh hiệu A Di Đà Phật chính là “thâm diệu thiền”. “Thâm diệu thiền” không phải là thiền thông thường. Chỗ này “trụ thâm thiền định” chính là dạy ta đem tâm trụ ngay danh hiệu A Di Đà Phật. Vào mọi lúc, ở mọi nơi, trong tâm đều có A Di Đà Phật.

Trong Kinh Kim Cang, tôn giả Tu Bồ Đề thỉnh giáo với Thích Ca Mâu Ni Phật hai vấn đề:

– Một là: “Vân hà hàng phục kỳ tâm? “(Làm thế nào hàng phục được tâm?). Cái tâm này là vọng tâm, vọng tưởng, vọng niệm của chúng ta quá nhiều! “Làm thế nào hàng phục được vọng tâm?” Đây là vấn đề lớn!

– Hai là: “Vân hà ưng trụ?”, tâm phải an trụ vào chỗ nào?

Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai thị, giảng giải hai vấn đề này suốt một bộ Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Chúng ta sau khi khế nhập vào pháp môn Tịnh Độ, xem thấy Phật trả lời tôn giả Tu Bồ Đề hai vấn đề này sao quá dài dòng, rối rắm đến như vậy?! Sự thật không phải thế! Thế Tôn làm gì có nói lời thừa! Phật giảng kinh nói pháp là ứng với căn tánh của chúng sinh, không phải tùy tiện mà nói. Đó là Phật “ứng cơ nói pháp”, chúng ta không phải là căn cơ trên hội Bát Nhã nên nghe rồi cũng không hiểu, còn trách Phật nhiều lời!

Thật sự, với căn tánh phàm phu chúng ta, nếu thỉnh giáo với Phật: Làm thế nào hàng phục vọng tâm? Phật sẽ rất đơn giản mà nói: “A Di Đà Phật!” Một câu “A Di Đà Phật”, hết thảy vọng niệm đều tiêu hết. Bạn xem rất đơn giản làm gì có nói nhiều lời! Lại hỏi: Làm thế nào an trụ tâm? “A Di Đà Phật”! Tâm an trụ trên câu A Di Đà Phật thì tốt rồi! Một câu “A Di Đà Phật” tất cả vấn đề đều giải quyết hết, giải quyết viên mãn tròn đầy, cao minh hơn nhiều so với Kinh Kim Cang. Vậy mới thể hội công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn!

Tụng Kinh Kim Cang, tụng hết nửa ngày vẫn chưa hiểu được! Trụ trên câu “A Di Đà Phật” thật có hiệu quả liền có thể đánh bạt được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình, đó là “trụ thâm thiền định”. Cho nên, pháp môn này vì sao tất cả chư Phật Như Lai đều không ngừng giới thiệu, tán thán, cực lực đề xướng đến tất cả chúng sinh trong chín pháp giới. Đây chân thật là pháp môn đơn giản dễ hiểu, ổn định, dễ dàng, thành tựu vượt hơn rất nhiều so với các pháp môn khác.

Trong Thiền Tông hay trong pháp môn Bát Nhã, tu hành đạt đến “minh tâm kiến tánh”, đó mới chỉ là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát; tu đến “Thập Hồi Hướng” phải trải qua một A-tăng-kỳ kiếp; lại tu đến Thất Địa phải hai A-tăng-kỳ kiếp; tu đến Pháp Vân Địa phải ba A-tăng-kỳ kiếp; mới biết được thật khó khăn dường nào!

Nói thế, tuyệt đối không phải chúng ta tu Tịnh Độ nên khoa trương chính mình, mà thật sự là như vậy! Các pháp môn khác không phải không tốt mà các pháp đó chỉ nhằm đáp ứng được một số ít căn cơ nhất định. Chỉ có pháp môn Tịnh Độ là “ba căn trùm khắp, lợi độn gồm thâu”. Phàm phu chúng ta, sanh đến Cực Lạc Thế Giới dù ở cõi “Phàm Thánh Đồng Cư, hạ hạ phẩm vãng sinh”, hàng ngày vẫn được thân cận, tiếp xúc với Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền cùng các vị Bồ Tát Đẳng Giác khác, cùng xếp hàng ngồi nghe A Di Đà Phật giảng kinh nói pháp. Trong mười phương thế giới không có sự bình đẳng này; nếu không đồng một giai tầng thì không cách chi ở chung được.

– Sự bình đẳng ở Thế Giới Cực Lạc do đâu mà có?

– Do tất cả đều niệm A Di Đà Phật mà được vãng sinh về. Đây là “nhân” bình đẳng, đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, “quả” cũng bình đẳng, thọ dụng cũng bình đẳng. Tất cả đều bình đẳng, pháp môn này mới gọi là không thể nghĩ bàn!

Tất đổ vô lượng chư Phật”: Vô lượng chư Phật Như Lai họ đều thấy được. Việc này, chỉ có Bồ Tát ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc mới có thể làm được. Trong “vô lượng chư Phật” bao gồm cả chúng ta trong đó.

Tôi dạy các đồng tu phải xem tất cả chúng sinh đều là chư Phật, đích thật là Phật thật. Phàm phu chỉ có mình ta; tất cả người khác đều là chư Phật Như Lai. Không luận họ làm thiện hay ác, chúng ta đều phải nghĩ: Đó là các ngài “tùy loại hóa thân, tùy cơ thị  hiện” để thử thách ta, chúng ta cần phải nỗ lực trong cảnh giới thị hiện này mà tu hành.

– Tu hạnh gì?

– Tu hạnh bình đẳng, tu tâm thanh tịnh, tu tâm chánh giác; đó là thành tựu Phật đạo của chính mình. Cho nên tất cả cảnh duyên dù thuận hay nghịch đều giúp ta thành tựu hạnh “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, họ không phải là thiện tri thức, chư Phật Như Lai thị hiện giúp ta là gì?

Mặt khác nếu có thể thường hay đem tâm mình chuyển đổi được như vậy, tập giống như tâm A Di Đà Phật, lâu ngày dài tháng, trong bất tri bất giác, thật có thể “tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm tam- muội”.

Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: “Xét về quả, Hoa Nghiêm tam-muội còn được gọi là “Hải Ấn tam-muội”; gọi là “Ấn” vì dùng ấn chương của thế gian để làm thí dụ. Văn tự khắc trên “Ấn” có thể ngay lập tức cùng lúc hiện ra, chẳng có sai biệt trước sau, toàn thể cùng phơi bày chẳng có điểm nào ẩn dấu. Gọi là “Hải” vì giống như biển cả, đồng thời hiện bóng hết thảy các tướng sai biệt. Hình tượng sai khác dẫu muôn ngàn nhưng thể của nước nào khác. Muôn tướng khởi lên đầy dẫy, nhưng nước vẫn trong lặng. Có vạn tướng thì nước vẫn vậy, không có tướng, nước vẫn như thế. Không có thời gian trước sau, nên kéo dài hay rút gọn đều cùng một lúc. Ba đời xưa nay chẳng ngoài cái niệm hiện tiền, cùng hiện trong nước nên rộng, hẹp tự tại, mười phương thế giới chẳng ngoài ngay chốn này.”

– Chúng ta ở Niệm Phật Đường niệm Phật, sức mạnh này rất lớn, có thể chuyển biến làn sóng tư tưởng bất thiện của chúng sinh thế gian này không?

– Khẳng định có thể làm được! Tuy tai nạn hiện tại chúng ta không có khả năng giải trừ, nhất định cũng có thể làm cho tai nạn này giảm nhẹ hoặc kéo lui về sau. Tín tâm chúng ta khẳng định như thế, một chút hoài nghi cũng không có!

Chúng ta bước vào Niệm Phật Đường niệm Phật, chân thật là tự độ, độ người, cứu mình cứu người. Giả như chúng ta ngay trong cuộc sống thường ngày nếu không thể “trụ thâm thiền định”, không thể “tất đổ vô lượng chư Phật”, công phu tu tập của chúng ta sẽ không có lực; muốn có lực phải thực tiễn hai câu trên.

Ư nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ(Trong khoảng một niệm, qua khắp hết thảy cõi Phật): Cái ý này rất sâu, tác dụng này rất rộng, trong đây cũng hàm chứa vô lượng nghĩa. Kinh văn nói với chúng ta về tình hình sinh hoạt của đại chúng sau khi họ ngộ nhập Hoa Nghiêm tam-muội:

– Đại dụng thứ nhất: Họ có thể thấy vô lượng chư Phật. “trụ thâm thiền định, tất đổ vô lượng chư Phật”. Phần này phía trước đã nói

– Đại dụng thứ hai: Họ có năng lực trong “ư nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ”. Câu này nói rõ không gian đời sống của họ rất rộng lớn. Có thể biết được Hoa Nghiêm tam-muội đích thật là cảnh giới không thể nghĩ bàn!

“Nhất niệm khoảnh” là nói thời gian rất ngắn, nhưng ngắn chừng bao lâu thì các thuyết không đồng nhất. Như quyển thượng của Kinh Nhân Vương Bát Nhã bảo: “Cửu thập sát-na vi nhất niệm, nhất niệm trung chi nhất sát-na, kinh cửu bách sinh diệt”, Có nghĩa là: Chín mươi sát-na là một niệm. Một sát-na trong một niệm trải qua chín trăm lần sinh diệt.

Vãng Sinh Luận Chú, quyển thượng lại chép: “Một trăm lẻ một lần sinh diệt là một sát-na, sáu mươi sát-na là một niệm”.

Cả hai thuyết cùng cho rằng trong một niệm có nhiều Sát-na (Kshanas), nhưng Trí Độ Luận cho rằng: “Trong khoảng khảy ngón tay có sáu mươi niệm”.

Quyển mười tám sách Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký ghi: “Sát-na, Hán dịch là Niệm, trong khoảng khảy ngón tay có sáu mươi sát-na”. Hai thuyết này cùng cho rằng một niệm chính là một sát-na. Thuyết này giản dị, dễ nhớ nên đời sau hay dùng thuyết này: Một niệm là một sát-na.

Vậy thì, “nhất niệm khoảnh” gọi là một sát-na. Một khảy móng tay có sáu mươi sát-na. Một phần sáu mươi của một khảy móng tay gọi là một sát-na, cũng gọi là một niệm. Trong thời gian ngắn đến như vậy, họ có năng lực “biến du nhất thiết Phật độ”. Chữ “nhất thiết” ở đây không những bao gồm hết mười phương mà còn gồm cả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai; tất cả cõi nước chư Phật họ đều có thể “biến du” (“biến” là không có sót lọt); mười phương ba đời vô lượng, vô biên cõi nước chư Phật, họ ngay trong một niệm viên mãn đạt đến.

Ư nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ”, chỉ trong một sát-na hay một niệm mà có thể qua khắp các cõi Phật; đây chính là nguyện thứ mười một của Phật A Di Đà: “Ư nhất niệm khoảnh, bất năng siêu quá ức na-do-tha bách thiên Phật sát, châu biến tuần lịch, cúng dường chư Phật giả, bất thủ Chánh Giác”. (Trong khoảng một niệm, chẳng thể vượt qua ức na-do-tha trăm ngàn cõi Phật, đi giáp khắp tất cả các chốn cúng dường chư Phật thì chẳng lấy Chánh Giác).

Lại nữa, Sách Bình Giải viết: “Trong khoảng một niệm đi khắp trọn vô lượng cõi Phật là đã đạt đến thế giới Vô Lượng Thọ Nhất Thừa thanh tịnh, qui kết về Niệm Phật tam-muội”. Thuyết này rất sâu sắc, do bởi niệm Phật được sinh Cực Lạc, liền có thể nương vào sức gia bị phát xuất từ nguyện thứ mười một trong Nhất thừa nguyện hải của Di Đà Như Lai mà hiển thị thần thông diệu dụng chẳng thể nghĩ bàn như vậy. Trong khoảng một niệm qua khắp các cõi Phật, đó chẳng phải là điều Nhị Thừa hay phàm phu chúng ta mà có thể thấu hiểu được nổi!

Mục tiêu của việc học Phật là để hồi phục bản lai diện mục của chính mình. Nếu nói cạn một chút, mục đích của học Phật chính là dạy bạn nhận biết được chính mình, và hoàn cảnh đời sống của chính mình. Nếu không nhận biết, không rõ hiểu, Phật pháp gọi đó là phàm phu mê hoặc. Khi tường tận, giác ngộ rồi, tự nhiên bạn sẽ có được năng lực này, không gian đời sống của bạn không còn bị hạn cuộc trong khu vực nhỏ bé, mà vô cùng rộng lớn, là tận hư không khắp pháp giới, nơi nào có “cảm” thì nơi đó bạn liền có “ứng”.

Chư Phật, Bồ Tát hiện thân biến du mười phương cõi nước, không phải các ngài có ý mà đi; đạo lý này nhất định phải hiểu: chúng sinh có “cảm”, các ngài liền có “ứng”, cảm ứng tương thông!

Người hiện tại tin tưởng khoa học, trên thực tế họ có thật hiểu khoa học hay chưa?- Cũng chưa chắc hiểu! Chưa chắc hiểu mà vẫn tin, cái tin đó gọi là mê tín! Họ nói chúng ta mê tín Phật pháp! Chúng ta nói họ mê tín khoa học! Đều là mê tín! Hiểu cho tường tận mới tin thì không gọi là mê tín; chưa hiểu rõ mà tin, đó là mê tín!

Người học Phật thông thường đầu óc tương đối bình lặng sáng suốt, người khác nói chúng ta mê tín; chúng ta nghe rồi cũng rất tức cười! Chính mình nghĩ lại:

– Chúng ta có phải mê tín không?

– Không sai! Đích thật là mê tín!

– Vì sao nói là mê tín?

– Phật nói ra những sự việc mà đích thật chúng ta chưa thấy hiểu tường tận. Cho dù trên lý luận, chúng ta hiểu, nhưng thực tế chúng ta vẫn chưa tận mắt thấy. Như hai câu ở chỗ này: “Trụ thâm thiền định, tất đổ vô lượng chư Phật”, chúng ta chưa có được “thâm thiền định” cũng chưa thấy được chư Phật, nhưng chúng ta vẫn tin tưởng Phật không lừa dối chúng ta. “Ư nhất niệm khoảnh biến du nhất thiết Phật độ”, câu này lại càng không thể nghĩ bàn! Chúng ta càng không thể làm được, nhưng chúng ta vẫn tin tưởng! Cái tin này gọi là mê tín! Người ta nói chúng ta mê tín A Di Đà Phật, không phải là mắng chúng ta, mà đó là sự thật. Chúng ta đích thật là mê tín, sao có thể trách người! Thế nhưng, nên biết:

Họ nói chúng ta mê tín, nhưng họ mê còn đáng lo hơn chúng ta nhiều! Bạn hiểu được cái ý này không?

Chúng ta mê là “một loại mê”; họ mê là “hai loại mê”. Họ không biết tí gì về Phật pháp mà dám nói ta là mê tín, nên họ là “mê mê tín”! Nhất định phải làm cho rõ ràng việc này.

Phải hiểu tường tận mới có thể xác quyết cái tin của họ là chánh tín hay mê tín. Phật dạy chúng ta chớ vội tin điều gì, nếu sự việc đó chính mình chưa chứng thực. Sau khi chứng thực rồi mới tin, đây gọi là Chánh tín. Nói cách khác, Phật khuyên chúng ta, nhất định phải vào Hoa Nghiêm tam-muội, thì sự việc này mới chứng thực, mới hòa nhập vào cảnh giới chân thật của chính mình, điểm này rất quan trọng!

Trên kinh Đại Thừa thường nói: “Dài, ngắn đồng thời, rộng hẹp tự tại”, “dài ngắn đồng thời” là nói thời gian; “rộng hẹp tự tại” là nói không gian. Không gian cùng thời gian đều không thật! Trong Pháp Tướng Tông đem không gian, thời gian định vị ở “bất tương ưng hành pháp”.

– Cái gì gọi là “bất tương ưng hành pháp”?

– Nếu dùng lời hiện tại mà nói, “bất ương ưng hành pháp” chính là một loại khái niệm trừu tượng không phải sự thật. Người hiện tại, do khoa học phát triễn, tầm nhìn của họ đối với sự việc không giống như người trước. Người thời trước nếu nói thời gian là giả, họ rất khó lý giải; hiện tại nói thời gian là giả, mọi người đều dễ dàng hiểu được. Vì sao vậy? Vì có sai biệt thời gian! Hiện tại, chúng ta ở đây (Singapore) là tám giờ; ở Úc Châu thêm hai giờ, bên đó là mười giờ. Mỗi khu vực có thời gian khác nhau, cho nên thời gian là giả không phải thật! Phương vị không gian bốn phương cũng là giả không phải thật, không phải định pháp, chỉ là một khái niệm trừu tượng. Nói cách khác, căn bản không có sự thật này.

Nhà Khoa học Einstein từng nói: “Quá khứ, hiện tại, vị lai đồng thời tồn tại”. Có thể nói ra câu này, thật không đơn giản! Ông biết được nó đồng thời tồn tại, nhưng không cách gì trở ngược lại quá khứ, cũng không cách gì bước đến tương lai! Trên lý luận thì rõ, nhưng dùng phương pháp gì có thể đột phá được trục đạo thời gian, hiện tại vẫn chưa tìm ra biện pháp! Thế nhưng, trong Phật pháp đã đột phá từ rất sớm. Trong Thiền định, họ có thể trở về quá khứ, hay bước vào tương lai, có thể biến du tất cả cõi Phật. Trong tất cả cõi Phật bao gồm cả ba đời, mười phương thế giới.

– Thiền định là gì?

– Là trạng thái tĩnh lặng, hoàn toàn bặt dứt phân biệt, chấp trước. Ý niệm vọng tưởng phân biệt, chấp trước thảy đều đoạn tận, đó gọi là “thâm thiền định”.

Thiền định thế gian gọi là “Tứ thiền, Bát định” không làm được vì vẫn còn có ý niệm thiền định. Họ có thể phục hồi một phần năng lực, nhưng không thể biến du tất cả cõi Phật.Ở thế gian này, chỉ cần có được chút định nhỏ; trong thiền định họ cũng có thể nhìn thấy được sự việc xảy ra trong hiện tại hoặc trong quá khứ, hay những sự việc sẽ xảy đến trong tương lai. Việc này không cần phải có thiền định rất sâu, định nhỏ cũng có thể làm được.

Khi xưa, có một lão cư sĩ, ông là một quân nhân, một tướng quân, kể cho tôi nghe một sự việc: Vào thời kháng chiến, quân đội đóng ở Giang Tây, bên cạnh có một đạo quán, trong đó có một lão đạo rất tiên phong đạo cốt, có tu hành, tuổi tác cũng đã cao. Họ rất kính ngưỡng lão đạo này. Một hôm, lão đạo phái người đến thông báo cho họ; bảo họ nên dọn nhà. Họ hỏi tại sao? Lão đạo nói: Ba ngày sau chỗ này sẽ bị hồng thủy nhận chìm hết! Nghe qua lời này, họ rất khó tin tưởng, bởi thời tiết rất tốt, không có dấu hiệu gì của nước lụt. Thật kỳ lạ! Họ liền phái người đi nghe ngóng xem lão có dọn nhà không, vì địa thế nơi lão ở cũng không cao. Quả thật lão đã dọn rồi! Họ cũng đành nghe theo. Sau ba ngày, quả nhiên sơn hồng bạo phát, nơi đó thật đã bị nhận chìm. Lão đạo đích thật có chút năng lực, sự việc mấy ngày sau ông có thể thấy được.

Ngoài ra, còn một việc nữa: Có một hôm, lão đạo nói với họ: Khi nhập định, lão xem thấy có một trận chiến rất tàn khốc xảy ra ở hướng Đông của Trung Quốc, cự ly tương đối khá xa. Là những tướng quân cao cấp, đối với tin tức này họ đều rất linh thông, cho rằng không có hiện tượng này. Thế nhưng, sau ba tháng, chính phương vị mà lão đạo nói đã xảy ra chiến tranh: Người Nhật tập kích Trân Châu Cảng. Họ cảm thấy rất kỳ lạ! Vì sao lão đạo này có thể nhìn thấy được sự việc trước ba tháng? Việc này chứng tỏ lão đã đột phá được thời gian, có thể thấy được vị lai.

Đích thật “Thời không” có thể siêu việt, nhưng chỉ là siêu việt nhỏ thôi. Không như trong Phật pháp, năng lực rộng lớn, chân thật là không có bờ mé như trên kinh nói: “Ư nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ”.

Trong “Thần tăng truyện” có câu truyện của một vị nào đó tôi không còn nhớ, vì đọc sách này cũng khoảng bốn mươi năm trước. Có một pháp sư từ Ấn Độ đến Trung Quốc truyền đạo giảng kinh nói pháp. Pháp duyên của Pháp sư này rất thù thắng. Khi Pháp sư này sắp quay về Ấn Độ, có rất nhiều người muốn cung thỉnh Pháp sư đến nhà mình để thọ trai. Pháp sư đều nhận lời. Hôm sau đến thập lý trường đình tiễn đưa, mọi người đều hồ hởi khoe nhau: “Hôm qua Pháp sư đã đến nhà tôi ứng cúng”. Tổng cộng ngày hôm đó có khoảng mấy trăm người khoe được Pháp sư đến nhà. Mới hay ra Pháp sư này có bản lĩnh phân thân: Đồng một lúc giữa trưa ăn cơm, ông có thể phân thân đến nhà mỗi người. Phật nói chúng ta đều có năng lực này. Pháp sư có năng lực này, chí ít ngài cũng là bậc A-la-hán, tứ quả Tiểu Thừa. Việc này nói rõ: “Ư nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ” là sự thật.