NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

20. VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG SỰ GIÁO DỤC CHO TUỔI TRẺ

Các bậc cha mẹ thân mến,
Cho dù chúng ta đang sống ở bất cứ đâu, trong bất cứ xã hội nào, văn minh hay không văn minh, vai trò của gia đình luôn là một vai trò tối quan trọng trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Ai trong chúng ta cũng phải công nhận rằng những lời giáo dục của Đức Khổng Phu Tử năm xưa, dù đã trải qua mấy ngàn năm, vẫn còn hợp lý: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Hoặc “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.” Hoặc “công, dung, ngôn, hạnh.” Hoặc nhiều thứ nữa. Tuy nhiên, trong xã hội hôm nay, đã có nhiều thay đổi, các bậc cha mẹ cũng phải huyền biến trong việc dạy dỗ con cái. Ngày xưa con được cha dạy dỗ rất kỹ càng, nhưng cha con vẫn cách biệt nhau với hai chữ “nghiêm đường” và “hiếu tử.” Ngày nay cha mẹ dạy con trong quy tắc “tương kính” nhau trong mọi sinh hoạt của gia đình. Các em kính trọng cha mẹ đã đành, cha mẹ cũng phải tôn trọng các em như những con người. Phật đã không từng dạy như vậy hay sao ? Tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau. Mong các bậc làm cha mẹ luôn nhớ lời Phật dạy trong việc đối xử tương kính ngay với con cái của mình. Hơn nữa, khi cha mẹ tỏ ra tôn trọng con cái, các em sẽ đến gần với chúng ta hơn, các em sẽ sẵn sàng chia sẻ với chúng ta nhiều hơn. Lúc đó chẳng những cha mẹ nói, con cái nghe; mà con cái nói, cha mẹ cũng nghe và cũng tôn trọng những gì các em nói nữa.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Chúng ta có rất nhiều điều cần dạy trẻ, cần nói cho trẻ nghe. Tuy nhiên, trẻ cũng có rất nhiều điều mà chúng ta cần nghe và cần biết lắm. Xin quý vị hãy nói hãy dạy, nhưng cũng lắng nghe những tâm tư tình cảm và những thao thức của các em. Đừng bao giờ phán đoán bằng thành kiến, cũng đừng bao giờ cho rằng mình đã hoàn toàn hiểu con cái mình. Có thể thành kiến của mình không đúng, có thể những gì mình tưởng mình hiểu về con là sai hoàn toàn. Xin hãy vô cùng cẩn trọng quý vị ạ ! Cuộc sống chạy đua với thời gian của chúng ta ở đây vốn dĩ đã tạo cho chúng ta quá nhiều khó khăn. Cha mẹ vì bận rộn công ăn chuyện làm nên ít có thì giờ nói chuyện với con cái. Con cái cũng vậy, các em cũng bận rộn trong việc học nên ít có thì giờ tâm tình được với mẹ cha. Ngoài ra, sự dị biệt giữa hai thế hệ cũng là một trở ngại lớn trong việc xích lại gần nhau giữa cha mẹ và con cái. Vậy thì cơ hội nào có được, các bậc cha mẹ hãy cố hòa mình với con em. Con em chúng ta có thể vì những suy nghĩ nông cạn nên khó hòa mình với cha mẹ. Nhưng các bậc cha mẹ, dù muốn hay không muốn, bổn phận của quý vị là phải giúp đỡ và hướng dẫn con em mình. Quý vị phải vì tương lai của con trẻ mà hy sinh những dị biệt của chính mình, hầu tạo một bầu không khí cảm thông và yêu thương. Hãy cố gắng thêm nữa quý vị ạ !

Các bậc cha mẹ thân mến,
Những gia đình Việt Nam nơi hải ngoại của chúng ta đang đứng trước một ngả rẽ quan trọng, mà muốn vượt qua chúng ta phải mất nhiều nghị lực và kiên nhẫn của cả cha mẹ lẫn con cái. Quý vị ạ ! Không những chỉ ở các quốc gia Âu Mỹ là có đường lối giáo dục thực nghiệm cởi mở và dễ dãi, mà hầu như các quốc gia đang phát triển về kỹ nghệ ở Á Châu cũng đang theo đuổi nền giáo dục kiểu nầy. Hệ thống giáo dục chỉ nghĩ đến việc phát triển khoa học kỹ thuật, mà quên hẳn về đức dục và luân lý, quả là không hợp với truyền thống Á Đông chút nào cả. Đồng ý là cây Vải Giang Tây, đem lên Giang Bắc trồng thì nó vẫn có thể sống và cho quả được, nhưng quả ấy không còn hương vị “vải” Giang Tây tí nào cả. Con em chúng ta cũng vậy, nếu chỉ buông mặc cho các em chạy theo văn minh vật chất, mà không nghĩ gì đến nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, hoặc công dung, ngôn, hạnh thì e rằng dù không mất gốc, các em cũng sẽ cảm thấy lạc loài trong những nền văn minh ngoại chủng xa lạ. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phải khư khư giữ lấy tất cả những gì của ta và chối bỏ tất cả những gì của người. Nói như vậy là đề nghị các bậc cha mẹ nên giúp đỡ và hướng dẫn con cái mình trở về tìm lại kho tàng kỷ niệm của cha anh đã để lại, xem coi cái nào còn thích hợp thì giữ, cái nào không còn thích hợp nữa thì không giữ, từ đó cha mẹ và con cái sẽ cùng giúp đỡ nhau phát huy những ưu tú và sữa đổi những sai lầm. Làm được như vậy, cả cha mẹ lẫn con cái sẽ cùng nhau nhìn về một hướng: hội nhập những cái ưu tú của người và đồng thời giữ lấy những cái ưu tú của mình. Làm được như vậy, cả cha mẹ lẫn con cái sẽ có khả năng tự hòa mình với mọi người trong mọi hoàn cảnh với tất cả cảm thông và yêu thương của một con người hướng thượng. Làm được như vậy thì cho dù con em chúng ta có ở chân trời góc bể nào của địa cầu nầy, các em vẫn là những hậu duệ tuyệt vời của một dân tộc hiếu hòa, hiếu học, hiếu khách với đầy lòng từ bi nhân bản và khai phóng, cũng như vị tha hỉ xả của nhà Phật. Xin các bậc cha mẹ, nhứt là những người con Phật, hãy cố dìu dắt con em mình để kể từ bây giờ và mãi mãi về sau nầy, con đường đi của các em là con đường tương lai rạng sáng với muôn ngàn kỳ hoa dị thảo của yêu thương và thông cảm. Đáng làm như vậy lắm quý vị ạ !

Các bậc cha mẹ thân mến,
Dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa, bổn phận của các bậc cha mẹ là phải nuôi nấng, lo lắng, hướng dẫn và dạy dỗ con em mình. Thông thường không có cha mẹ nào nỡ đan tâm ruồng bỏ con cái, cũng không có con cái nào muốn cãi cha mắng mẹ. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình và xã hội, mà lắm thảm trạng đã xảy ra. Phải đồng ý rằng cha mẹ nào cũng thương con, nhưng vì thái độ thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông hoặc thiếu tìm hiểu, đã đưa cha mẹ đến chỗ chỉ biết trách cứ mà không chịu vỗ về, chỉ biết chỉ trích mà không chịu xây dựng, chỉ biết bắt lỗi các em chứ không chịu tìm xem coi những lỗi lầm ấy của các em do đâu mà có. Lắm khi các bậc cha mẹ cũng đã góp phần không nhỏ vào những lỗi lầm của con em mình. Lắm khi cha mẹ la mắng, quát tháo, nóng nảy, gắt gỏng hoặc phạt vạ con cái một cách khắt khe quá đáng để tỏ ra mình có quyền làm cha mẹ, chứ không phải vì một lý do chánh đáng nào. Mong các bậc cha mẹ hãy vì tương lai của chính con cái mình mà cố nhẫn, nhẫn, nhẫn, như lời dạy của Đức Phật năm xưa. Nhẫn những cái dễ nhẫn, và nhẫn luôn những cái khó nhẫn. Xin hãy cố gắng nhiều hơn nữa quý vị ạ !

Các bậc cha mẹ thân mến,
Con cái chúng ta chỉ có hai con đường để lựa chọn: một là gia đình, hai là ngoài gia đình. Nếu các em tìm thấy gia đình là tổ ấm của yêu thương và cảm thông thì các em sẽ hướng về cái tổ ấm ấy. Ví bằng ngược lại thì các em sẽ chạy theo những lời đường mật của bạn bè. Cũng như chúng ta, một ngày phải ở sở tám giờ, thì các em cũng ở trường tám tiếng. Nếu các bậc cha mẹ không tế nhị dịu dàng, không nhẫn nhục chinh phục con cái bằng tình thương và lẽ phải, các em sẽ tìm một nơi khác để nương tựa, nơi đó chắc chắn là những bạn bè trang lứa, mà bạn tốt thì ít, ngược lại đa phần là bạn xấu. Hậu quả của sự nương tựa đầy trục trặc nầy, không nói chắc quý vị cũng dư biết, các em sẽ sẵn sàng nghe lời xúi giục của bạn bè để làm những điều xằng bậy. Thấy như vậy, các bậc cha mẹ nên cố tạo cho gia đình một bầu không khí cảm thông, cởi mở và yêu thương, trong đó mọi người đều quan tâm và lo lắng cho nhau. Cha mẹ nên cho con cái tình thương mà các con cần, chứ không nuông chiều một cách mù quáng, cũng không khắt khe một cách thái quá. Nếu chúng ta bảo các em về công cha nghĩa mẹ cao như núi Thái Sơn, rộng như biển Thái Bình, chúng ta phải thực sự biểu lộ cho các em thấy sự cao rộng của công cha nghĩa mẹ