NHÁT KIẾM SAU CÙNG
 (Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
 Hạnh Đoan 

RƯỚC NHÂN TÀI

Xưa, có một thầy muốn tổ chức lễ hội, thấy cần dùng nhiều đồ gốm sứ nên kêu đệ tử tới, đưa tiền và cẩn thận dặn dò:

– Con hãy mang tiền này đi thỉnh gốm sư về đây cho ta, nhớ phải mời cho được bậc nhân tài xuất cách, khéo tay, nhanh lẹ, vì pháp hội ta cần rất nhiều đồ gốm, nếu đi mua thì tính ra không tiện lợi bằng thỉnh thầy về đây giúp ta chế tạo đồ mỹ nghệ, hiểu không?

Đệ tử vâng lệnh, sốt sắng đi tìm thầy. Sau nhiều lần hỏi thăm, bôn ba vất vả, chú được người mách cho là có một gốm sư tài giỏi hiện ở làng kế bên.

Đệ tử tới trước cổng nhà thì gốm sư đi vắng, chú vừa xoay mình quay ra thì bắt gặp gốm sư đang cưỡi lừa về, mặt ủ mày ê. Chú ngạc nhiên hỏi:

– Sao ông rầu rĩ thế? Có chuyện gì ư?

Gốm sư nói như muốn khóc:

– Tôi nhọc nhằn hơn cả năm nay mới làm ra lô hàng rất đẹp, ưng ý. Chắc mẩm khi đem ra chợ bán sẽ kiếm được nhiều tiền. Ai dè cái con lừa quỷ này, nó chở đồ gốm mà nhảy càn nhảy nai như bị giựt kinh phong, làm đổ bể cả lô hàng quý giá. Công trình cả năm của tôi bị nó phá tan trong phút chốc…

Đệ tử nghe nói, mắt sáng lên, nhìn con lừa chăm chú rồi e dè hỏi gốm sư:


Gốm sư đang cưỡi lừa về, mặt ủ mày ê.

– Thề… Ông bán cho tôi con lừa này có được không?

Gốm sư hơi bất ngờ, bật cười bảo:

– Chú mày muốn mua ư?… Được! Được lắm! Ta đang muốn tống khứ nó đây!

Thế là không cần trả giá, chú đệ tử đưa hết số tiền “thỉnh sư” cho thầy. Kẻ bán người mua đều hoan hỉ. Chú đệ tử ngồi ngất ngưỡng trên lưng lừa, khoan khoái nghĩ thầm:

“Con lừa này tuyệt hết biết! Gốm sư phải mất cả năm mới chế tạo ra lô hàng, vậy mà trong tích tắc nó có thể phá tan hết trọi. Mà tính ra nó theo gốm sư đâu có lâu, song thủ pháp nhanh nhẩu lẹ làng coi mòi ăn đứt ông ta! Mình đã rước đúng nhân tài như thầy mong muốn rồi!”…


Chủ cao hứng huýt sáo, thúc lừa chạy nhanh về.

Nghĩ đến đây, chú cao hứng huýt sáo, hí hửng thúc lừa chạy nhanh về.

Thấy đệ tử dẫn lừa về, thầy ngạc nhiên hỏi:

– Gốm sư đâu? Sao lại đem lừa về?

-Sư phụ à, thành tích con lừa này hơn gốm sư gấp trăm lần! Do vậy mà con thỉnh nó về đấy!

– ???….

Đệ tử kể lại toàn bộ sự việc, hí hửng ca tụng:

– Con lừa này nhanh lẹ hơn gốm sư nhiều, việc ông ta làm mất cả năm, nó chỉ cần vài giây là xong!…

Thầy nghe nói, giận tím người, giận đến không thốt ra được lời nào. Phải một lúc lâu ông mới lắp bắp thét lên:

– Đồ ngu! Đồ chúa ngục!… Mi… mi… đúng là đại ngốc… mới đi so sánh kiểu đó! Đành là con lừa này chỉ cần vài giây là có thể phá vỡ hết đồ, song dù có cho nó thời gian một năm, mười năm hay cả đời… Nó cũng không tài nào làm ra được lô hàng quý giá như gốm sư. – “Kẻ phá hoại giỏi không gọi là có tài, không làm nên trò trống gì và chẳng bao giờ hay hơn người sáng tạo – hiểu chưa?!”…

(Phỏng theo Kinh Bách Dụ)

BÌNH:

Đúng là chẳng có ai đi thần tượng trật lắt như chú đệ tử trong truyện. Nhưng mà… nếu không khéo, không giỏi phân biệt thì ta cũng sẽ giống như chú đệ tử này! Trong đời, những người có đức tính khéo nhẫn nhịn, tức là trong họ đã có tiềm tàng khả năng xây dựng, làm nên… họ có thể xây dựng một cuộc sống hòa bình an ổn, song sự nhẫn nhịn đôi lúc lại bị cho là nhu nhược nhát gan. Thực sự thì nhẫn nhịn khác xa với nhu nhược nhát gan. Vì trong sự nhẫn nhịn không có sự quỳ lụy, quy phục, mà nó bao hàm sự buông xả, không để lòng, không chấp nệ… Người nhẫn giỏi luôn có sức mạnh vạn năng, bởi họ luôn tỉnh táo và làm chủ được cơn giận. Chỉ có cái tâm độ lượng mới nhẫn giỏi. Vì vậy mà người nhẫn giỏi xứng đáng được tôn làm Sư, được thỉnh, được mời, được rước… được quy kính… Các bậc Thánh thường là những vị có khả năng siêu nhẫn. Thế nhưng, trong cái nhìn cạn cợt thường tình của nhân gian, đôi lúc lại ái mộ tính cách kém nhẫn nhịn, còn cho rằng bộc lộ cơn giận hung hãn mới là anh hùng! Thật sự thì khi trụ trong cơn giận trông ta oai phong và đằng đằng khí thế lắm, lúc đó ta không sợ trời, không sợ đất, không ngán ai, dám làm những việc mà lúc bình tĩnh ta không bao giờ làm… Mà những hành động trong lúc giận đều có tính chất đạp đổ phá hoại… và chưa hẳn là những hành động đó không tìm ra kẻ thán phục nể nang. Vì vậy, hành trang đi vào đời buộc ta phải có đầy đủ trí bi. Bi để nhẫn giỏi và trí để phán đoán sự việc không sai lệch.