TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

LUẬN VỀ TÍCH CỰC

Có người hỏi tôi: “Thưa thầy, con đã đọc rất nhiều sách bàn về tích cực để giúp mình không ngừng nỗ lực phấn đấu. Nhưng, càng đọc nhiều càng cảm thấy phản tác dụng, vì mỗi cuốn sách đưa ra một hướng tích cực khác nhau. Vì thế khi không làm được con cảm thấy mình yếu đuối hơn.”

Thực ra, những người viết và giảng giải cho mọi người nghe về vấn đề này đều trích dẫn từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, đồng thời kết hợp với những suy nghĩ, quan sát của bản thân họ mới đưa ra lí luận về tích cực. Bất quá đó chỉ là công trình nghiên cứu về tích cực chứ bản thân họ chưa hẳn đã làm được, cũng có thể là họ sẽ rất vất vả, phiền muộn để thực hiện chúng.

Ở đây không phải tôi phê phán lối sống tích cực, điều tôi muốn nói là tích cực đến hoàn mĩ mà họ đã diễn giảng hoặc viết trong sách là điều chính bản thân họ còn không thể thực hiện được. Theo quan điểm của họ, tích cực là phải vạch sẵn mục tiêu, kế hoạch cho mình, đồng thời phải cố gắng hoàn thành đúng thời gian mà mình đã quy định, nếu không, họ sẽ phủ nhận sự tích cực của mình cũng chứng tỏ rằng cuộc đời họ không trọn vẹn.

Tích cực theo quan điểm đó thực vất vả, họ phải không ngừng chạy đua với bản thân, ép mình phải thực hiện được một mục tiêu nào đó. Thoạt nhìn ta cứ ngỡ họ giàu sức sống, có triển vọng tốt đẹp. Trên thực tế, đấy là cuộc sống đầy áp lực, nhất định đó là một cuộc sống đau khổ! Chính vì thế mà không ít chuyên gia tâm lí diễn thuyết về tích cực khi tiếp chuyện với tôi lại thường hỏi về cách giải quyết và giảm nhẹ áp lực cho mình.

Đặt ra mục tiêu cho mình là điều rất tốt, nhưng nếu không biết cách quân bình, hài hòa tâm lí và tìm phương án phụ thì cuối cùng vẫn sẽ bất lực, không thể giải quyết chu toàn. Hơn nữa khi mục tiêu trở thành áp lực không thể gỡ nổi thì dù đó là mục tiêu tốt đẹp thế nào cũng sẽ là nguyên nhân đau khổ cho bạn. Bạn thử nghĩ kĩ xem, đời người vốn đã quá nhọc nhằn đau khổ, cớ gì chúng ta lại tạo thêm đau khổ cho mình?

Vì thế, bất luận thế nào chúng ta cũng cần phải tạo cho mình một không gian thoải mái để hài hòa tâm lí, xoa dịu căng thẳng trong lòng. Bạn đừng tự mua dây buộc mình, làm hết sức mình nhưng đừng để công việc trở thành gánh nặng, như thế mới là sự tích cực đích thực.

Tích cực đúng nghĩa đòi hỏi bạn phải biết kết hợp với năng lực bản thân, làm những việc trong tầm tay mà mình thích thú. Hoàn thành công việc vừa sức giúp bạn cảm thấy mãn nguyện, thư thái trong lòng, khi đó tự nhiên bạn sẽ thấy tích cực là điều dễ làm.

Tuy nhiên không phải ai cũng có cơ hội như thế, vì phần lớn mọi người thường phải làm những việc không như mong đợi, ví như học một ngành làm một ngành, thích việc này nhưng phải làm việc khác, mong muốn điều này nhưng được điều khác… Thường thì những việc mình thích chỉ trở thành “nghề tay trái” và ngược lại. Người ta có câu “làm việc bạn thích, nếu không được hãy thích việc mà bạn đang làm”. Làm công việc đúng như mình mong muốn là một diễm phúc, tuy nhiên nếu không được bạn hãy học cách chấp nhận công việc trước mắt, từ từ tạo hứng thú cho mình. Chuyển tâm lí từ không thích sang thích một việc nào đó chính là sự tích cực.