Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VI. ĐỨC TUÂN PHỔ HIỀN ĐỆ NHỊ
(TT)

KINH VĂN:

Đắc vô sinh diệt chư tam-ma-địa, cập đắc nhất thiết đà-ra- ni môn, tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm tam- muội, cụ túc tổng trì bách thiên tam- muội, trụ thâm thiền định, tất đổ vô lượng chư Phật. Ư nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ.

VIỆT DỊCH:

Đắc các tam-ma-địa (Samadhi) vô sinh vô diệt, và đắc hết thảy đà-ra-ni môn, tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm tam- muội, đầy đủ tổng trì, trăm ngàn tam-muội, trụ thiền định sâu, đều thấy vô lượng chư Phật. Trong khoảng một niệm, qua khắp hết thảy cõi Phật.

GIẢNG:

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Trong kinh, chỗ này tiếp ngay theo câu “nhi hiện diệt độ” (mà hiện diệt độ) là câu “đắc vô sinh vô diệt chư tam-ma-địa”. (đắc các tam-ma-địa vô sinh vô diệt) là ý nói: Các Đại Sĩ tuy thị hiện tướng Niết Bàn, nhưng thật sự chẳng sinh chẳng diệt, bình đẳng thường trụ Như Như Pháp Thân. Các vị Đại Sĩ này đều tuân theo Phổ Hiền đức, từ quả hướng nhân.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không, đoạn kinh văn này là nói “Định Tuệ đẳng trì”, kinh văn tuy không dài, nhưng ý nghĩa rất sâu rộng. Những Bồ Tát này vì tất cả chúng sinh thị hiện tám tướng thành đạo. Công phu của họ là đã đoạn được “Kiến, Tư phiền não”, “Trần Sa phiền não”, phá được một phẩm vô minh, liền có năng lực ứng hóa trăm ngàn ức thân, đáng dùng thân gì để độ, họ liền hiện ra thân đó. Công đức, lợi ích này thật vô cùng thù thắng.

Thực tại, chúng ta biết được người vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc tuy một phẩm phiền não họ cũng chưa đoạn, cho dù là “hạ hạ phẩm vãng sinh” cũng được oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì, đều đắc A Duy Việt trí Bồ Tát nên trí tuệ, thiền định, thần thông đạo lực của họ gần giống như Bồ Tát Thất Địa, Bát Địa. Thật là rất khó được! Người khác dùng ba đến năm năm theo học ở “Phật Học Viện”, khi ra trường họ vẫn là phàm phu sinh tử.

Trong Niệm Phật Đường niệm Phật từ ba đến năm năm, họ làm Phật. Lợi ích này không gì có thể sánh được!

Ở Niệm Phật Đường ba đến năm năm, bạn được “Niệm Phật tam-muội” rồi. “Công phu thành khối” là “hạ phẩm” trong “Niệm Phật tam-muội”; “sự nhất tâm bất loạn” là “trung phẩm Niệm Phật tam-muội”; “lý nhất tâm bất loạn” là “thượng phẩm Niệm Phật tam- muội”. Chỗ này nói “đắc vô sinh vô diệt chư tam-ma-địa”, đây là nói rõ đức dụng vô lượng vô biên của chư Bồ Tát, là “tự thọ dụng”.

Sinh diệt là khổ! Được không sinh không diệt thì tự tại. Người niệm Phật ở Niệm Phật Đường hạ quyết tâm sẽ đạt đến cảnh giới không sinh không diệt, chẳng phải đợi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc mới không sinh không diệt. Cảnh giới này là cảnh giới hiện chứng ngay trong hiện tiền mà chúng ta có thể đạt được như chư Phật, Pháp Thân Đại Sĩ đã chứng.

“Tam-ma-địa” là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung văn là “chánh thọ” hay “chánh định”. “Thọ” là hưởng thọ, cảm thọ. “Tam- ma-địa” là sự hưởng thọ bình thường. Cảm thọ của phàm phu trong sáu cõi không bình thường, họ có vô số cảm thọ. Phật đem vô lượng vô biên cảm thọ này qui nạp thành năm loại thọ: Khổ thọ, lạc thọ, ưu thọ, hỉ thọ, và xả thọ. Năm loại thọ này phân thành cảm thọ của thân và cảm thọ của tâm. Thân có: Khổ thọ, lạc thọ; tâm có: Ưu thọ, hỉ thọ (lo, mừng). Ngoài ra còn một loại nữa là “xả thọ”: thân không có khổ, vui; tâm không có lo, mừng; lúc này “khổ, vui, lo, mừng” tạm thời dừng lại gọi là “xả thọ”. Thực tế mà nói, “xả thọ” cũng chính là “chánh thọ”.

– Vì sao không gọi là “chánh thọ”?

– Vì “xả thọ” này rất ngắn, không thể giữ được dài lâu, chỉ tạm thời xả “khổ, vui, lo, mừng”, không phải là thiền định chân thật, nên không gọi là “chánh thọ”.

Người trời Sắc giới và Vô Sắc giới đều trụ ở “xả thọ”. Trời “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng” là cao nhất trong Vô Sắc giới, thọ mạng của họ là tám vạn đại kiếp, thời gian đó quá dài thật không cách chi tưởng tượng! Nên biết, một đại kiếp là một lần “thành, trụ, hoại, không” của thế giới. Cái thế giới này “thành, trụ, hoại, không” đến tám vạn lần, họ mới hết thọ mạng, đủ thấy “xả thọ” của họ dài lâu đến dường nào! Tuy nhiên, sau tám vạn đại kiếp, họ lại khởi tâm động niệm, lại có “khổ, vui, lo, mừng” nên cảm thọ của họ cũng không phải vĩnh hằng.

Do vậy mà “Tứ thiền, Bát định”, cũng gọi là “Thế Gian Thiền Định” thảy đều thuộc về “xả thọ”. “Tứ Thiền, Bát Định”: Chữ “Bát Định” này chỉ cho bốn thiền định của cõi “Sắc giới” (Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền) và bốn “Không Định” của “Vô Sắc giới” (Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ).

– Đến lúc nào mới có thể trở thành “Chánh Thọ”?

– Siêu việt sáu cõi luân hồi mới trở thành “Chánh Thọ”.

– Trên hội Lăng Nghiêm, Thế Tôn nói: A-la-hán chứng được “Cửu thứ đệ Định” (Định thứ chín). “Bát Định” là trời “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ”. Định thứ chín là thiền định ngưng dẹp tất cả mọi tâm thức, mới siêu việt ba cõi sáu đường, lúc này gọi là “Chánh Thọ”, không còn thoái chuyển.

Thông thường, tất cả thiền định đều có thể nhiếp tâm, giúp thân tâm an ổn đều gọi là “tam-ma-địa”. “Tam-ma-địa” ở chỗ này là cao cấp không phải thông thường, vì không sinh không diệt, cái “Chánh thọ” này cao. Phàm phu chúng ta, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, nếu muốn được cảnh giới này, pháp môn thuận tiện nhất chỉ có niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ. Chỉ cần sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, loại “tam-ma-địa” này lập tức liền chứng được. Cái chứng đắc này không phải chỉ nương vào công phu của bạn mà nương vào “Pháp môn nhị lực” tức là “Pháp môn Tịnh Độ”, bao gồm:

– Sức mạnh của chính bạn là nhớ Phật niệm Phật, khống chế được tập khí phiền não của tự thân, đạt đến công phu thành khối, đây là “tự lực”.

– Sức mạnh của A Di Đà Phật nhiếp thọ bạn, đó là “tha lực”.

“Cập đắc nhất thiết đà-ra-ni-môn”:

Theo Trí Độ Luận: “Đà-ra-ni, Hán dịch là ‘Năng Trì’ hoặc ‘Năng Giá’: Năng trì là nhóm họp, gìn giữ các thiện pháp khiến chúng chẳng tan, chẳng mất; ví như đồ đựng hoàn hảo đem đựng nước, nước chẳng rò rỉ mất. Năng Giá là có thể ngăn chặn khiến cho ác tâm bất thiện chẳng sinh. Nếu toan gây tội ác thì khiến cho chẳng thực hiện được. Do vậy gọi là đà- ra- ni”.

Tam-muội là Định. sở đắc do định lực phát tuệ gọi là đà- ra- ni, như sách Trí Độ Luận giảng: “Tu hành tam-muội này phải tu hành lâu rồi mới thành được đà-ra-ni. Các tam-muội ấy cùng trí tuệ Thật Tướng của các pháp sinh ra đà-ra-ni”. Trí Độ Luận còn viết:

“Đà-ra-ni đời đời thường theo Bồ Tát, các tam-muội khác chẳng được như vậy, hễ đổi thân liền bị mất”. Do vậy mà, cũng theo Trí Độ Luận: Tam- muội phải do tâm tương ứng mới hiện 1hữu, giống như bình chén chưa nung, tuy có hình dạng bình, chén mà chẳng đựng được nước. Đà-ra-ni như bình chén đã qua lửa nung nên gìn giữ được vô lượng công đức của Bồ Tát. Tuy có lúc tâm chẳng tương ưng (lúc tâm sinh phiền não), đà-ra-ni vẫn thường theo hành nhân như bóng theo thân.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Đà-ra-ni là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung văn là “tổng trì”. “Tổng trì” là tổng tất cả pháp, trì tất cả ý. Nếu dùng lời hiện tại mà nói: Cương lĩnh, đại cương, tổng cương lĩnh của hết thảy Phật pháp gọi là “đà-ra-ni” môn. Thông thường giải thích “tổng cương lĩnh” này là: Tất cả ác không sinh, tất cả thiện thêm lớn, đó là đà-na-ri môn.

Ngày nay, chúng ta niệm Phật, tất cả “đà-ra-ni” môn chính là chấp trì danh hiệu. Thử nghĩ: Một ngày từ sớm đến tối, chỉ một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, các ý niệm khác thảy đều không có. Ý niệm không có chính là các việc ác không sinh, cả ý niệm ác cũng không có. Một câu vạn đức hồng danh này là đệ nhất thiện pháp của thế và xuất thế gian. Từng câu, từng câu tiếp tục niệm là tăng trưởng tất cả thiện pháp. Được vậy, thì bước vào Niệm Phật Đường niệm Phật, bạn liền được tất cả “đà-na-ri” môn. Tuy sau đó bạn rời khỏi Niệm Phật Đường, công phu liền mất. Nhưng, nếu mỗi tuần bạn đều có được một ngày luyện tập niệm Phật, được không sinh không diệt, được các tam-ma-địa thì cũng rất cừ khôi rồi! Thật không phải dễ dàng! Cứ như thế mà luân phiên luyện tập, được hai ba năm, công phu của bạn sẽ rất cao. Nếu có thời gian rãnh rỗi hơn nữa, mỗi ngày bạn đều đến niệm Phật, sau ba năm bạn liền thành Phật.

Chúng ta thấy trong “vãng sanh truyện”, có rất nhiều người niệm Phật vãng sinh. Có người đứng mà đi, ngồi mà đi, biết trước giờ chết, không lâm bệnh, họ ra đi rất hoan hỉ, tự tại, đều do công phu niệm Phật mà thành tựu. Có người nghe đến Niệm Phật Đường này niệm ba năm thì phải chết, họ không dám đến! Có ý niệm này là mê hoặc, điên đảo! Xả không được ba đường ác, sáu cõi luân hồi, tham sống sợ chết, họ vẫn còn sinh tử!

Trong pháp môn Niệm Phật không có sinh tử. Không nên cho rằng đó là chết, thực sự không chết! Vãng sinh là sống mà ra đi, chết thì không thể vãng sinh. Cho nên, Pháp môn này mới gọi là không sinh không diệt. Vì sao? Khi vãng sinh bạn rất rõ ràng, tường tận, thông suốt thấu đáo: Phật đến tiếp dẫn, ta cùng đi với Phật, cái túi da thối này không dùng nữa, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đổi được thân kim sắc tử ma, tướng hảo trang nghiêm như A Di Đà Phật, thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp.

Cho nên tôi thường nói, pháp môn này là pháp môn không già, không bệnh, không chết, bạn đến đâu mà tìm?! Tôi nói thảy đều là thật, chỉ cần bạn niệm Phật, tâm địa niệm đến thanh tịnh, niệm đến tiêu hết tập khí phiền não, bạn sẽ không còn bệnh, không còn già yếu, ngày ngày hoan hỉ; hoan hỉ thì trẻ trung. Cho nên, trong Niệm Phật Đường, thân tâm thế giới đều buông bỏ, nhất tâm niệm Phật thì Pháp hỉ sung mãn. Đạt đến công phu thuần thục rồi thì sinh tử tự tại: Muốn đi lúc nào thì đi, muốn ở thêm vài năm cũng không ngăn ngại. Ngày nay, khi thọ mạng đến, chúng ta muốn ở thêm vài năm cũng không được; thọ mạng chưa đến, muốn chết cũng không chết được, phiền phức này rất lớn!

Tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm tam-muội: “Hoa Nghiêm tam-muội” là tên gọi khác của Phật Hoa Nghiêm tam-muội: Dùng Nhất Chân Pháp giới vô tận duyên khởi làm lý thú. Thấu đạt lý thú ấy thì liền từ tri giải khởi ra vạn hạnh, trang nghiêm Phật quả nên gọi là Hoa Nghiêm. Do nhất tâm tu nên gọi là tam-muội.

Sách Pháp Giới Ký viết: “Hoa Nghiêm tam-muội được giải thích như sau: Hoa là vạn hạnh của Bồ Tát,vì sao? Do công dụng của hoa là có thể kết trái (chỉ quả đức), hạnh có khả năng cảm được quả. Tuy là pháp nội, ngoại khác nhau, nhưng lực dụng sanh cảm tương tự.

Dùng sự để tỏ bày pháp nên gọi là Hoa. Nghiêm là hạnh thành, quả mãn, khế hợp tương ứng, cấu chướng vĩnh viễn tiêu  trừ, chứng lý viên mãn. Dựa trên Dụng để khen ngợi Đức nên gọi là Nghiêm. Tam-muội là lý trí vô nhị, triệt để dung hội; đây, kia đều chẳng còn; năng sở dứt bặt nên nói là tam-muội”.

Sách Hợp Tán lại viết: “Pháp giới duy tâm gọi là Phật Hoa Nghiêm. Dùng hoa nhân hạnh trang nghiêm khiến cho tướng trạng của quả đức được hiển hiện. Nhập tam-muội này sẽ thấy thập phương Phật và cõi Phật trong hiện tại”. Gia Tường Sớ lại viết: “Tam-muội này dùng để trang hoàng Pháp Thân nên gọi là Hoa Nghiêm”.

Các thuyết như trên đều tỏ rõ ý nghĩa của Hoa Nghiêm tam- muội. Theo cụ Hoàng Niệm Tổ:

Thuyết “pháp giới duy tâm gọi là Phật Hoa Nghiêm” của Sách Hợp Tán ngụ ý: Nhất Chân Pháp Giới chỉ là tự tâm. Thấu đạt được điều này thì đó chính là “Hoa Nghiêm tam-muội”. Còn thuyết “tam-muội này dùng để trang hoàng Pháp Thân” của Gia Tường Sớ ngụ ý:tam-muội đều dùng để trang nghiêm Pháp Thân, Pháp Thân chính là tâm diệu minh vốn có, cũng chính là tự tâm.Vì vậy, hết thảy các pháp không pháp nào chẳng từ pháp giới lưu xuất, lại cũng qui về pháp giới ấy.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không:

– Cái gì gọi là Hoa Nghiêm tam-muội?

– Lược nói chính là “Pháp Giới Nhất Chân”, cũng chính là chân tâm của ta. Có thể thông đạt tường tận chân tướng của vũ trụ nhân sinh thì gọi là Hoa Nghiêm tam-muội.

Đó là đại đức xưa giải thích đơn giản về danh tướng này. Chúng ta nghe rồi vẫn không hiểu! Cái gì là Pháp giới? Cái gì là tự tâm? Cái gì là liễu đạt? Nếu không hiểu tường tận những danh xưng, thuật ngữ này sẽ rất khó mà được thọ dụng!

Danh từ “Hoa Nghiêm” có thể nói là tổng cương lĩnh, tổng đề mục của tất cả các pháp. “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” là tên chung của tất cả kinh điển, ngày nay gọi là Đại Tạng Kinh. Đem Pháp hội này, pháp môn này ví như vườn hoa lớn, một đại hoa viên. Trong hoa viên này dung chứa tất cả các kỳ hoa dị thảo tuyệt đẹp gọi là “tạp hoa”.

Chữ “Nghiêm” là đẹp, “Trang Nghiêm” là mỹ lệ. Nguyên văn tiếng Phạn của đề kinh là “Tạp Hoa Nghiêm Sức”. Người Trung Quốc thích đọc là “Vạn Hoa Trang Nghiêm”. “Tạp Hoa Nghiêm Sức” có hai tầng ý nghĩa: Trang nghiêm tự tánh và trang nghiêm pháp giới. Trang nghiêm tự tánh, hiển thị tánh có năng lực biến hiện ra cảnh giới. Trang nghiêm pháp giới, cũng chính là trang nghiêm đời sống vật chất lẫn tinh thần của chúng ta đạt đến mỹ mãn “chân thiện mỹ tuệ”.

Hoa Nghiêm” là dùng “Nhất Chân Pháp Giới” và “vô tận duyên khởi” làm lý luận y cứ. “Vô tận duyên khởi” là rất nhiều điều kiện, không phải ngẫu nhiên. Toàn thể vũ trụ hình thành do rất nhiều điều kiện vô cùng phức tạp, không ai có thể thấu hiểu được rõ ràng, minh bạch. Duy chỉ có Phật và Đại Bồ Tát mới có thể am tường, liễu giải tất cả. Vì sao? Vì tâm các ngài thanh tịnh, quảng đại không bờ mé, một niệm cũng chẳng sinh, nên không có chướng ngại.

Chúng ta dùng tâm phân biệt, chấp trước, tư duy tưởng tượng, năng lực này là giới hạn. Dùng năng lực hữu hạn để thông đạt cảnh giới vô hạn là một việc làm không nổi! Tận hư không khắp pháp giới, tâm thanh tịnh khởi tác dụng là trí tuệ. Trí tuệ này, không pháp nào chẳng biết, không pháp nào chẳng rõ. Tất cả pháp đều thông đạt, không cần phải tư duy, học tập. Nên biết: Giáo học của Phật là sự thật, không phải là giả thuyết hay tư duy tưởng tượng.

Trong nhà Phật, bộ kinh giảng được viên mãn nhất, cứu cánh nhất, thấu triệt nhất chính là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. Kinh Vô Lượng Thọ, cổ nhân gọi là Trung Bản Hoa Nghiêm. Lý luận, phương pháp cảnh giới của Hoa Nghiêm cùng với Đại Kinh hoàn toàn như nhau, chỉ trên mặt văn tự thì được cô đọng lại. Đương nhiên, chúng ta chỉ nói đại cương, không thể nói kỹ. Nếu nói kỹ tất biến thành “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”.

Muốn trở thành Pháp sư giảng kinh thuyết pháp, hoằng dương Tịnh Độ, hoặc giảng Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà thì nhất định phải hết lòng học Kinh Hoa Nghiêm. Vì sao? Khi Kinh Hoa Nghiêm bạn thật sự thông đạt rồi thì giảng Kinh Vô Lượng Thọ mới thật khoan khoái, lâm ly thắm thiết, một chút chướng ngại cũng không có. Lúc này, bạn muốn giảng dài, giảng ngắn, giảng sâu, giảng cạn đều là tự tại. Đây là lấy Hoa Nghiêm làm cơ sở.

Hoa Nghiêm tam-muội, thật sự mà nói cũng chính là trang nghiêm Pháp Thân, trang nghiêm bản thể của vũ trụ, trang nghiêm chân như bổn tánh. “Ngộ nhập Hoa Nghiêm tam-muội” giống như trong Thiền Tông nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Thế nhưng, tám chữ này của Tông môn nói rất huyền, không dễ hiểu. Trong giáo hạ, tám chữ này là “nhất chân pháp giới, duy thị tự tâm”. Cách nói này dường như dễ hiểu một chút, kỳ thật vẫn khó hiểu!

Trong Phật pháp thường nói đến tự tánh, chân như bổn tánh; Tịnh Độ tông gọi là “Nhất tâm”. Danh xưng, thuật ngữ trong Đại Kinh tùy tiện lật vài trang cũng có thể tìm thấy được mấy mươi loại danh từ, đều nói một sự việc.

– Một sự việc vì sao phải nói ra nhiều danh từ như vậy?

– Đó là Thích Ca Mâu Ni Phật nói pháp phương tiện khéo léo! Cũng chính là nói với chúng ta: Danh từ, thuật ngữ thì không nhất định, chỉ cần nêu  ra một sự việc, nói cách nào cũng đều được cả. Có thể biết, cách nói này của Thế Tôn là phá chấp trước của chúng ta. Phá chấp trước đó là trí tuệ chân thật. Bệnh của chúng ta là ở chấp trước. Nếu phá được chấp trước thì kiến giải, nhận biết của chúng ta không hề khác biệt với chư Phật, liền vào được cảnh giới của Phật. Thế nhưng, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước rất không dễ gì đoạn được!

Phật nói pháp rất linh động, chỉ dạy chúng ta quan sát vấn đề trên mọi khía cạnh. Có quan sát tỉ mỉ, bạn mới có thể thấu triệt các phức tạp của hiện tượng. Cho nên ở mỗi khía cạnh, Phật dùng một danh từ, danh xưng khác nhau để từ đó chúng ta có thể tổng hợp các danh xưng thuật ngữ này mà ngộ nhập được Thật Tướng của nó.

Trên Kinh Hoa Nghiêm, Đại Sư Thanh Lương nói: “Nhất Chân Pháp Giới, duy thị tự tâm”. “Tự” là chính mình, “Nhất Chân Pháp Giới” là chân tâm của chính mình.

Vậy thì:

– Mười Pháp giới y chánh trang nghiêm là gì?

– Từ tám chữ trên, chúng ta có thể thể hội được “thập pháp giới duy thị vọng tâm”, vọng tâm của chúng ta biểu hiện ra mười pháp giới.

Đức Phật nói chân và vọng là không hai. Nếu hiểu được chân, vọng không hai, đương nhiên sẽ tường tận “Nhất Chân Pháp Giới” cùng “Thập Pháp Giới” cũng là không hai. Đó là chân tướng sự thật. Lìa khỏi tự tâm không có pháp giới, đó là Thế Tôn suốt bốn mươi chín năm vì tất cả chúng sinh nói tổng cương lĩnh của tất cả pháp.

Tự tâm là năng hiện, năng biến; Pháp giới là sở hiện, sở biến. Chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội cái ý nghĩa này. Trên kinh Phật còn có hai câu, nói được rất rõ ràng: “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”.

“Pháp Giới Nhất Chân” cùng “Thập Pháp Giới” y chánh trang nghiêm là “duy tâm sở hiện”; trong đó trùng trùng biến hóa là “duy thức sở biến”. “Thức” là vọng tâm; “tâm” là chân tâm. “Thức” chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vọng tâm không lìa chân tâm. Lìa chân tâm làm gì có vọng tâm?!

Chúng ta biết: Tâm không có tướng; bởi không tướng nó mới có thể hiện tướng; Nếu nó có tướng thì nhất định nó không thể lại hiện tướng. Đạo lý này trên Kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng; đó chính là nói đến “Chân Không” và “duyên khởi”.

Ban đêm nằm mộng, tướng cảnh giới trong mộng không như nhau; tướng cảnh giới đó chính là tâm của bạn đã biến thành tướng. Tướng cùng tánh là một không phải hai. Việc này cũng rất khó hiểu! Cụ thể nhất, chúng ta dùng một khối vàng ròng tạc thành pho tượng Bồ Tát Địa Tạng. “Vàng” biểu trưng cho “tự tánh”, cho “năng biến”. “Tướng” của pho tượng là “sở biến”. Thử hỏi:

– “Tướng” cùng “tánh vàng” là một hay là hai?

– Nếu nói là một thì bạn chỉ thấy được một khía cạnh. Thấy đó là pho tượng Bồ Tát Địa Tạng, bạn đã quên đi bản thể của nó là vàng ròng. Ngược lại, nếu chỉ thấy khối vàng ròng, bạn đã quên đi đó là tượng Bồ Tát Địa Tạng.

– Vậy làm thế nào để hiển thị rõ sự thật này?

– Hiển thị sự thật này, chúng ta không thể nói nó là một, cũng không thể nói nó là Vì sao? Vì nếu nói nó là một, rõ ràng “tướng” cùng “tánh” là hai sự việc khác nhau! Nếu nói nó là hai: Vàng cùng pho tượng đích thật chỉ trong một món đồ, không phải hai! Tóm lại, lìa pho tượng thì không có vàng, lìa vàng thì không có pho tượng! Cho nên, chân tướng sự thật là “hai mà không hai”, “hai mà không khác”, đó mới là nói rõ chân tướng sự thật.

Cho nên, Phật nói hiện tướng này là “toàn chân tức vọng”. Bởi “tướng” là hư vọng, không vĩnh viễn tồn tại, “chân” là vĩnh viễn bất biến. Cho nên, “tánh” là “chân”, là chân tánh. “Tướng” là vọng không phải chân thật. “Toàn chân tức vọng”, cả thảy tâm bạn, chân tâm năng biến đã biến thành “tướng phần” trong mộng cũng như lấy vàng làm thành pho tượng.

“Chân, vọng không hai, tánh, tướng là một”. Nếu trong mộng, bỗng chốc hiểu ra: Toàn thể cảnh mộng chỉ là tự tâm; cảnh mộng cùng pháp giới nào có khác chi, lìa khỏi tự tâm làm gì có cảnh giới. Cho nên, trong mộng nhất định có chính mình. Hoặc giả trong mộng thấy rất nhiều người, thấy sơn hà đại địa y chánh trang nghiêm, nếu tường tận giác ngộ liền nhận ra tất cả pháp đó đều do tự tâm mình biến hiện. Đích thật toàn thể cảnh mộng, y chánh trang nghiêm trong cảnh mộng chính là tự tánh, là chính mình.

Chư Phật, Bồ Tát đại triệt, đại ngô chính là ngộ ra được sự việc này, thấu suốt tận hư không pháp giới đều do chân tâm mình biến hiện ra, ngoài tự tâm không pháp nào có thể được. Phàm phu mê là mê ngay sự việc này! Không biết được hư không pháp giới, y chánh trang nghiêm, vạn sự vạn vật đều do nơi tự tâm, tự tánh mình biến hiện. Không biết được mà nói không qua được chỗ này, không qua được chỗ kia; trên thực tế là không qua được chính mình, ngoài ra không còn có ai khác.

Do vậy mà mười phương ba đời tất cả chư Phật, Bồ Tát đều là chính mình. Trên kinh thường nói “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”, “tự tánh Di Đà” chính là “Di Đà” trong tự tâm ta biến hiện ra, làm gì có “Di Đà” ngoài tâm, không có! “Duy tâm Tịnh Độ” là thế giới Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm cũng do tâm ta biến hiện, quyết không có Tịnh Độ ngoài tâm. Di Đà như thị thì tất cả chư Phật Như Lai, chư Bồ Tát, thậm chí đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh cũng là như thị. Chân thật giác ngộ rồi thì tự nhiên tâm ta sẽ lưu xuất ra “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, mới thấy được sự quan tâm đến chúng sinh, cúng dường chư Phật, không thứ nào lìa khỏi tự tâm mình. Thông đạt tường tận chân tướng sự thật, đó gọi là Hoa Nghiêm tam-muội.

Nên nhớ: “Hoa Nghiêm” chính là “Pháp Giới Nhất Chân”, là “chân như bổn tánh”, là “lý nhất tâm bất loạn” trong Tịnh Tông. Danh từ không như nhau, ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. “Nhất tâm bất loạn”, bản dịch của Đại Sư Huyền Trang là “Nhất tâm hệ niệm”, đều chú trọng đến chữ “Nhất”. Chúng ta học Phật, thực tế mà nói, chính là quá lơ là đi chữ “Nhất” này! Cho nên học Phật rất vất vã, tốn rất nhiều công sức, thời gian, tinh thần mà vẫn không vào được cửa!

– Khi nào có thể vào được cửa?

– Thật không có kỳ hạn! Thành thật mà nói, đến lúc tâm bạn “Nhất” rồi mới vào được cửa. Nhất tâm liền vào, nhị tâm không thể vào! Nhập môn (vào cửa), trong Thiền Tông gọi là “kiến tánh”; Tịnh Tông gọi là “nhất tâm bất loạn”.

– Thế nào gọi là “nhất tâm”?

– Một tạp niệm cũng không có, đây là “nhất tâm”! Còn một tạp niệm thì tâm không “nhất”. Sự việc này, nói thì dễ nhưng làm thì rất khó! Kinh nghiệm trong quá trình tu học, chúng ta hiểu rõ: Nhất tâm trong thời gian ngắn có thể làm được nhưng thời gian dài thì rất khó vì do ý niệm xen tạp vọng tưởng sinh khởi. Cho nên, đại đức xưa nói: “Đọc kinh không bằng đọc chú, đọc chú không bằng niệm Phật”.

– Lời nói này ý nghĩa gì?

– Chúng ta hiểu được: Muốn tụng kinh phải cần thời gian dài, khi tụng rất dễ khởi vọng tưởng. “Chú” ngắn hơn “Kinh” nên cơ hội khởi vọng tưởng tương đối ít. Thế nhưng vẫn còn có niệm khởi! Nếu còn một, hai vọng tưởng xen tạp thì “Chú” đó sẽ không linh! Không bằng niệm Phật, niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” chỉ trong thời gian ngắn, đích thật là vọng niệm không thể xen tạp. Nếu thấy sáu chữ vẫn còn hơi nhiều thì gom lại thành bốn chữ “A Di Đà Phật” cũng được thành tựu.

Một điều nên biết: “cộng tu” và “riêng tu” không hề giống nhau. Trong cộng tu, nhờ có tác dụng của đại chúng nên vọng tưởng sẽ giảm ít; chính mình “riêng tu” vọng tưởng sẽ nhiều. Đặc biệt là Niệm Phật Đường này của chúng ta, có đồng tu đến nói với tôi: bước vào Niệm Phật Đường xem thấy thảy đều là Phật, dường như chính mình cũng là Phật. Vậy thì tốt quá! Bạn khởi ý niệm này là “Phật niệm”, bạn không khởi các vọng niệm khác đó là tương ưng.

Ở nhà niệm Phật rất khó tương ưng, bởi chúng ta là phàm phu còn bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài. Nơi đây, Niệm Phật Đường cung cấp cho bạn một hoàn cảnh tương ưng để niệm Phật, không để các thứ khác làm ảnh hưởng đến bạn, tạo tăng thượng duyên cho bạn và tất cả mọi người tu tập. Nói rõ hơn, Niệm Phật Đường này cũng chính là Hoa Nghiêm tam-muội giúp chúng ta nương vào “nhất tâm”, nương vào “chân tánh”.

– Muốn “ngộ nhập Hoa Nghiêm tam-muội” phải tu như thế nào?

– Y theo phương pháp lý luận của Kinh Hoa Nghiêm mà tu học, nếu có thể khế nhập được cảnh giới trong kinh đã nói thì gọi là “ngộ nhập Hoa Nghiêm tam-muội”. Thế nhưng, chân thật y theo Kinh Hoa Nghiêm mà tu thì rất là phiền phức! Bạn xem! Kinh Hoa Nghiêm chúng ta giảng từ đầu đến cuối, dự định phải mất thời gian năm năm. Dạy phía trước không biết được phía sau; dạy phía sau thì quên hết phía trước! Phải từ đâu mà khởi tu?! Không cách gì để  tu!

Thế nhưng, có một phương pháp tốt nhất là đến Niệm Phật Đường niệm A Di Đà Phật, đó chính là viên mãn tròn đầy Hoa Nghiêm tam- muội.

Kinh Hoa Nghiêm đến sau cùng vẫn qui kết về Kinh Vô Lượng Thọ, đó chính là Bồ Tát Phổ Hiền, mười đại nguyện vương qui về Cực Lạc. Kinh Vô Lượng Thọ là bổn tóm lược của Kinh Hoa Nghiêm, là tinh hoa của Kinh Hoa Nghiêm. Bộ kinh lớn thì quá phức tạp, quá nhiều. Chân thật nói đến tu hành, càng đơn giản càng tốt. Đơn giản đến sau cùng là bốn chữ A Di Đà Phật; bốn chữ này chính là Hoa Nghiêm tam-muội. Nếu niệm Phật đến được “công phu thành khối”, đến “nhất tâm bất loạn”, bạn liền “ngộ nhập Hoa Nghiêm tam- muội”.

Hoa Nghiêm tam-muội có cạn, có sâu. Hiện tại chúng ta chỉ vào được cạn, chưa đủ độ sâu! Nếu đủ độ sâu thì phải giống như chư Phật, Bồ Tát có thể “tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp”. Tuy không thể giống như chư Phật, Bồ Tát được tự tại như vậy, chúng ta hiện đời cũng có thể làm được gần giống. Cái gần giống này, chính là người thông thường hay nói: “Thấy người nói tiếng người, thấy quỷ nói lời quỷ”, thế nhưng lời bạn nói ra đều có đạo lý khiến người nghe giác ngộ, đó là vào được vị tương tợ.