BẢO KÍNH THỦ NHÃN

 

Bảo Kính Thủ (Tay cầm cái gương báu):

Tay thứ hai trong tám tay thuộc Liên Hoa Bộ của Mật Pháp, là Pháp Kính Ái.

Câu thứ 37 trong Chú Đại Bi là:”Thất Na Thất Na” dịch nghĩa là Đại Trí tức Bảo Kính Thủ Nhãn trong tướng tay Đại Bi.

Đại Bi xuất tướng câu 37: Thất Na Thất Na

– Thiên Thủ Thiên  Nhãn Đại Bi Tâm Đà La Ni: Bản dịch của Tam Tạng BẤT KHÔNG Pháp Sư ở Đời Đường, là tướng tay thứ 23 trong Kinh Văn:

“Nếu muốn thành tựu Trí Tuệ rộng lớn thì nên cầu nơi tay Bảo Kính (cái gương báu)”.

– Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh : Bản dịch của Tây Thiên Trúc GIÀ PHẠM ĐẠT MA Pháp Sư ở Đ?i Đ?ờng, là tư?ng tay thứ 20:

“Nếu người nào vì Trí Tuệ lớn thì nên cầu nơi bàn tay cầm cái gương báu”.

Thiên Quang Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Bí Mật Pháp Kinh: Tướng tay  Ấn thứ 20 là:

Nếu người cầu Trí Tuệ nên tu pháp cái gương báu, tượng KÍNH TRÍ QUÁN TỰ TẠI BỒ TÁT…chỉ có tay trái để ngay trái tim cầm cái gương báu hướng ra ngoài, tay phải kết Trí Quyền Ấn, vẽ tượng xong.

Tướng Ấn đó là  tay phải nam quyền đặt ở eo, tay trái mở duỗi ra nâng lên trước mặt, thấy Ấn này tướng thấy Đại Viên Kính Trí.

Kính Trí Quán Tự Tại Bồ Tát

20) Bảo-Kính Thủ Nhãn Ấn Pháp

Kinh nói rằng: “Nếu muốn được trí huệ lớn, nên cầu nơi Tay cầm cái Kính-Báu”.

Thần-chú rằng: Thất Na Thất Na [37]

𑖫𑖰𑖡 𑖫𑖰𑖡
ŚINA  ŚINA

ŚINA (Quân nhân, chiến sĩ. Người có Tâm Kiên Định)

ŚINA ŚINA: Tâm Đại kiên định sinh Đại Trí Tuệ.

Thất Na Thất Na” cũng là tiếng Phạn, dịch ra nghĩa là “đại trí huệ”, còn gọi là “hoằng thệ nguyện”.

Ðại trí huệ này là Bảo Kính Thủ Nhãn ở trong 42 Thủ Nhãn. Bảo Kính là gương báu, cũng là ví dụ “đại viên cảnh trí” của Phật. Ðại viên cảnh trí của Phật cũng giống như Bảo Kính Thủ. Do đó dịch ra ý nghĩa gọi là đại trí huệ. Còn gọi là hoằng thệ nguyện. Hoằng cũng là lớn.

Ðại trí huệ là gì? Chúng sinh thì khởi vọng tưởng, còn Phật thì không có vọng tưởng. Sự nghĩ của Phật là do trí huệ phát ra, là trí huệ Bát Nhã chân chánh. Trí Bát Nhã là một thứ trí đại quang minh, một thứ đại quang minh. Vì sao có đại quang minh ? Vì có trí huệ chân chánh. Nếu chúng ta có trí huệ chân chánh thì có quang minh, nếu người ngu si thì họ sẽ đen tối. Quang minh tức là ánh sáng mặt trời, đen tối tức là âm khí. Vì sao bạn ngu si ? Vì bạn âm khí quá thạnh. Vì sao bạn thông minh ? Vì bạn thạnh ánh sáng mặt trời. Cho nên đại trí huệ này chẳng giống như tư tưởng của một số người; mà biện rõ được thị phi, chẳng cần hỏi ai, thấy thì biết ngay :”Như thế này thì không đúng, như thế kia thì đúng”. Ðường không đúng thì không đi, đường đúng thì tiến bước tu hành.

Tu hành trước hết phải có đại trí huệ, có đại trí huệ thì biện rõ được thị phi, biết “phải đạo thì tiến, trái đạo thì lùi”. Bạn không thể biết rõ đây là việc không đúng mà bạn vẫn muốn làm. Bạn biết rõ là phạm giới mà bạn vẫn muốn thử xem có phạm hay không phạm, đó là ngu si nhất, chẳng có trí huệ. Bạn nói :”Chẳng phải ! tôi có trí huệ, song lúc đó lỡ làm sai”. Lúc đó bạn làm sai thì lúc đó là ngu si, tức là chẳng có trí huệ; người có đại trí huệ thì chẳng nghĩ tưởng điên đảo. Cho nên Ngài A Nan mới nói :”Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng, bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân.” Nghĩa là :”Tiêu diệt nghĩ tưởng điên đảo của con trong ức kiếp, chẳng trải qua số kiếp A tăng kỳ mà đắc được pháp thân”. Ức kiếp ở đây chẳng phải là một kiếp, hai kiếp, ba kiếp, năm kiếp hoặc là một trăm kiếp, một ngàn kiếp, một vạn kiếp mà nói không ra bao nhiêu đại kiếp.

Tại sao trong tâm của chúng ta có nhiều vọng tưởng? Vọng tưởng trước diệt thì vọng tưởng sau sinh ra, vọng tưởng sau diệt thì vọng tưởng sau nữa lại sinh ra, giống như sóng biển. Sóng ở trong biển tức là vọng tưởng của con người; vọng tưởng của chúng ta tức cũng là sóng ở trong biển. Bạn thấy biển thì cho rằng nó là vật chết, phải chăng? Biển không ra khỏi tâm của chúng ta, chúng sinh đều ở trong tâm của chúng sinh. Bạn thấy sóng trong biển không ngừng, vọng tưởng của chúng ta cũng giống như sóng, cái này diệt thì cái khác đến, cái khác nữa lại đến, vô cùng vô tận, nối tiếp không ngừng, cái sau theo cái trước, ai cũng chẳng lạc về sau, đều nghĩ chạy về phía trước, đó là vọng tưởng.

Tại sao lại có vọng tưởng? Vì chẳng có trí huệ. Nếu bạn có trí huệ thì sóng cũng chẳng có, “sóng yên, gió lặng”, trong biển chẳng có sóng cũng giống như người tu hành đắc được định lực. Một khi đắc được định lực thì nước trí huệ sẽ hiện tiền, chẳng có sóng, chẳng có vọng tưởng. Lúc đó mới thật là thanh tịnh, thật là chẳng nhiễm một bụi trần, vạn tư lự đều không, đó là biểu hiện đại trí huệ hiện tiền. Người có đại trí huệ thì làm việc gì cũng đều thành công; còn người chẳng có trí huệ thì làm việc gì cũng đều thất bại, cho nên trí huệ là quan trọng nhất.

Ngu si là gì ? Vô minh tức là ngu si, ngu si tức là vô minh. Khi vô minh sinh ra thì bạn chẳng minh bạch. Cho nên có những người làm việc sai lầm, hỏi y rằng :”Tại sao bạn làm như thế ?” Y nói :”Tôi không biết”. Ðó là gì ? Tức là ngu si, chẳng có trí huệ, là vô minh.

Song do vô minh làm ra việc sai mà mình còn không thừa nhận là vô minh, họ nói “I know ! Tôi biết”. Biết mà còn làm sai ? Bạn thấy có kỳ quái chăng ? Ðó tức là người ngu si ! Chẳng có đại viên cảnh trí tức cũng chẳng tu Bảo Kính Thủ Nhãn. Nếu bạn có Bảo Kính Thủ Nhãn thì không ngu si. Bất cứ những gì đến, ma đến thì chém ma, Phật đến thì chém Phật, giống như bạn cầm một thanh kiếm bén, bất cứ việc gì đến thì thanh kiếm đều chặt đứt. Ðại trí huệ cũng giống như thanh kiếm báu.

Có người nói thanh kiếm trí huệ rất nặng, chẳng dễ gì cầm lên. Bạn không cầm, chứ nếu bạn cầm thì chẳng phí sức; bạn không cầm thì nhẹ cũng là nặng; bạn cầm lên thì nặng cũng là nhẹ. Tại sao? Bạn cầm lên thì nặng cũng biến thành nhẹ. Nếu bạn cầm thanh kiếm trí huệ lên thì tất cả cảnh giới đến đều chém sạch, việc gì cũng chẳng có vấn đề. Cho nên tôi thường nói :”Everything’s ok”, tức cũng là đạo lý này. Nếu bạn không thể nào everything’s ok thì bạn chẳng có thanh kiếm trí huệ, cho nên bạn không thể okay được. Nếu bạn có thanh kiếm trí huệ thì việc gì cũng chẳng có vấn đề. Bạn thấy bất cứ vấn đề gì mà gì cũng đều chẳng có vấn đề, đó là chỗ diệu.

Trên thế giới này, hết thảy tất cả sơn hà đại địa, nhà cửa, y báo, chánh báo đều không ra ngoài một tâm niệm hiện tiền của chúng ta. Y báo là gì ? Tức là sơn hà đại địa, nhà cửa phòng ốc. Chánh báo là gì ? Tức là thân thể của chúng ta đang thọ quả báo ở đây. Nếu bạn minh bạch thì tức cũng chẳng có vô minh; chẳng có vô minh tức là có đại trí huệ. Cũng giống như tấm gương, “vật đến thì chiếu”, cảnh vật gì đến đều hiện ra; “vật đi thì lặng”, cảnh vật đi rồi thì chẳng còn nữa.

Cho nên người có trí huệ gặp cảnh giới gì đến thì thuận theo cảnh giới đó, xử lý xong thì trong tâm của họ chẳng tồn tại. Tuy là chẳng tồn tại, Song thường hiện; tuy thường hiện mà chẳng tồn tại. Chẳng phải giống như chúng ta, chẳng có trí huệ, có một việc gì đến thì dùng đến gân não, đặc biệt chú ý nhớ việc đó hoặc là đọc nhiều lần. Giống như hôm nay giảng về “Y Hê Di Hê, Thất Na Thất Na”, đọc một lần thì chẳng nhớ, đọc hai lần, ba lần, đọc mấy trăm lần “Thất Na, Thất Na, Thất Na” mới nhớ, đó là miễn cưỡng. Không miễn cưỡng thì thấy một lần liền nhớ, không bao giờ quên, đây gọi là lọt qua mắt không quên. Vì sao lọt qua mắt không quên ? Vì nó giống như tấm gương.

Người có trí huệ thì biết được tất cả mọi vật đều ở trong tâm của mình, cho nên cũng chẳng có tâm tham, chẳng có tâm sân, chẳng có tâm si, chẳng có tâm ngã mạn, chẳng có tâm hoài nghi. Tại sao? Ðó đều là duy tâm sở hiện ! Ở trong tâm vốn có mọi vật, bất cứ vật tốt cũng chẳng có vấn đề, vật xấu cũng chẳng có vấn đề, tất cả đều chẳng có vấn đề.

Song, cảnh giới này nói ra rất là dễ dàng, khi làm cũng phải dùng một chút công phu mới có thể đắc được. Cảnh giới này nếu người chẳng có công phu thì sẽ nói :”Ðối với tất cả mọi việc tôi cũng chẳng có vấn đề gì”. Bên ngoài chẳng có vấn đề, song bên trong phát sinh vấn đề, ở bên trong của bạn với bạn đánh nhau. Do đó người có trí huệ chân chánh rất là ít.

Hơn nữa, nếu người đó có đại trí huệ thì hãy xem là trí huệ thế gian hay là trí huệ xuất thế gian. Trí huệ thế gian tức là thế trí biện thông, họ rất khéo ăn khéo nói, chẳng có đạo lý, họ cũng nói rất có đạo lý. Người chẳng có trí huệ nghe thì cho rằng :”Họ nói rất có đạo lý, không sai ! Lời họ nói rất hay”. Kỳ thật, nếu người có trí huệ chân chánh thì chẳng nghe những lời của kẻ ngu nói. Họ nói đạo lý ngu si thì không thể ở trong ngu si của bạn, đây gọi là “trong dương có âm”, trong trí huệ có ngu si, là “trong âm cũng có dương”, trong ngu si cũng có trí huệ. Ví như người nào đó, bạn thấy ông ta chẳng nói nhiều, cũng là một người rất bình thường, song ông ta làm việc gì cũng đều hợp đạo lý; thấy ông ta có vẻ rất ngu si, dốt nát song ông ta làm gì cũng rất chánh đáng. Có rất nhiều trường hợp như thế, cho nên bạn quán sát người thì hãy xem bạn có trí huệ chân chánh chăng ! Nếu bạn có trí huệ chân chánh thì không nghe lời kẻ ngu nói, còn nếu bạn chẳng có trí huệ chân chánh thì sẽ bị người làm cho ngu. Trí huệ là như thế, những thứ khác cũng như thế.

Trí huệ và ngu si có mối quan hệ với nhau. Bạn chẳng có ngu si tức là trí huệ, nếu không có trí huệ thì tức là ngu si. Ngu si tức là trí huệ, trí huệ tức là ngu si. Trí huệ và ngu si là một, bạn dùng được tức là trí huệ; không dùng được tức là ngu si. Giống như bạn vốn có kiếm trí huệ này, bạn cầm lên tức là trí huệ, buông xuống tức là ngu si, chẳng phải hai mà là một. Do đó bạn đừng nói rằng :”Ði tìm trí huệ, xua đuổi ngu si đi”. Chẳng phải, mà là biến. Ví như lòng bàn tay là trí huệ, mặt trái bàn tay là ngu si. Nếu bạn dùng mặt trái bàn tay cầm đồ thì không cầm được; song bạn dùng lòng bàn tay cầm đồ thì cầm được. Cầm đồ lên không được là ngu si, cầm đồ lên được là trí huệ.

Ai ai cũng đều dùng bàn tay, trí huệ cũng giống như thế; nó là một, song là hai bên, xem bạn dùng bên nào. Bây giờ bạn đã hiểu chăng? Có người nói :”Tôi đã hiểu Phật pháp, trí huệ và ngu si tức là bàn tay”. Sai rồi! Ðó là tôi ví dụ bàn tay, bạn đừng cho rằng trí huệ và ngu si tức là bàn tay; cũng giống như ngón tay chỉ mặt trăng, bạn đừng cho rằng đầu ngón tay là mặt trăng.

Bây giờ giảng về đại trí và hoằng thệ. Hoằng cũng là đại (lớn). Thệ là thệ nguyện, tức là ta phát thệ nguyện, nghĩ muốn làm gì. Giống như Phật A Di Ðà trước khi chưa thành Phật, làm Tỳ Kheo Pháp Tạng phát ra 48 lời thệ nguyện, đó là thệ nguyện của Phật A Di Ðà.

Bồ Tát Phổ Hiền phát ra ‘mười đại nguyện vương’ rằng :”Một là lễ kính chư Phật, hai là khen ngợi Như Lai, ba là rộng tu cúng dường, bốn là sám hối nghiệp chướng, năm là tùy hỉ công đức, sáu là thỉnh Phật chuyển pháp luân, bảy là thỉnh Phật ở lại đời, tám là thường theo Phật tu học, chín là luôn luôn thuận theo chúng sinh, mười là hồi hướng công đức đến khắp hết thảy chúng sinh.

Bồ Tát Quán Thế Âm cũng phát nhiều thệ nguyện. Các vị Tổ Sư khác cũng phát nhiều thệ nguyện. Chúng ta bây giờ học Phật pháp, mỗi người cũng nên phát nguyện của mình. Tôi nói với các bạn, bất quá phát hay không là do các bạn, chẳng phải tôi ép các bạn phát nguyện, phải do các bạn tự phát nguyện. Vì các bạn chẳng hiểu nên tôi khuyên. Bạn phát nguyện càng lớn thì càng tốt, nguyện lực của bạn lớn thì thành Phật cũng rất lớn. Bạn thấy Phật A Di Ðà phát 48 lời nguyện, nguyện nào cũng đều độ chúng sinh, nguyện nào cũng trang nghiêm cõi nước. Cho nên chúng ta tại nhân địa học Phật pháp đều nên phát nguyện. Mỗi người có thể biên lời nguyện của mình ra, bạn phát ra bao nhiêu lời nguyện thì biên ra rõ ràng, đừng cẩu thả bừa bãi, nói như vầy :”Tôi phát nguyện độ chúng sinh”. Ðộ như thế nào ? Bạn suốt ngày đến tối cứ nghĩ muốn ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà tốt, đi độ chúng sinh này chăng ? Kết quả là độ chúng sinh của chính mình, độ cái bụng chúng sinh của mình, độ chúng sinh thân thể của mình, như thế thì không được. Bạn phải nói rõ ràng lời nguyện của bạn phát ra, tương lai như thế nào ? Hiện tại ra sao ? Quá khứ, hoặc là có dụng công, chẳng dụng công, có tu hành, chẳng tu hành, đây chẳng thành vấn đề, chỉ hỏi bạn tương lai phải như thế nào ? Bạn phát nguyện càng lớn thì quả vị tương lai cũng lớn.

Ở trên giảng “Thất Na Thất Na”, tức là đại trí hoằng thệ. Hoằng là lớn, thệ là thệ nguyện. Chúng ta là người học Phật pháp, phải phát thệ nguyện. Thệ nguyện rất là quan trọng. Chúng ta người tu đạo nếu chẳng có thệ nguyện thì giống như bạn chẳng biết có lối nào tu hành, cũng chẳng có hướng đạo, cho nên đường của bạn đi chẳng biết có đúng hay không đúng; nếu bạn có thệ nguyện cũng giống như có hướng đạo. Giống như chúng ta du lịch, có người đưa chúng ta đi khắp nơi, giới thiệu tình hình chỗ bạn đi qua, đó là hướng đạo, ví như lời nguyện của bạn.

Tại sao chư Phật Bồ Tát khi tu đạo đều phải phát nguyện? Tức cũng như bạn có phát nguyện, sau đó có hành vi. Cho nên Bồ Tát Ðịa Tạng tại nhân địa phát nguyện rằng :”Ðịa ngục bất không, thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận, phương chứng bồ đề”. Bạn thấy đó lời nguyện của Ngài, rất là vĩ đại ! Do đó hiện nay chúng ta học Phật pháp cũng nên phát nguyện, ai muốn làm gì thì đừng ngại phát nguyện.

Kệ:

Thị thiện thị ác nhiếp chúng sanh
Hốt thuận hốt nghịch chiết tính linh
Phản bổn hoàn nguyên tu chư kỉ
Ma ha bát nhã nhật dạ minh

Dịch:

Làm hiền, đổi dữ vì người dạy dỗ
Khi thuận lúc nghịch đối trị căn cơ
Chế ngự tư dục về thuở ban sơ
Ma ha bát nhã ngày đêm sáng tỏ.

Chơn-ngôn rằng: Án– vĩ tát phổ ra, na ra các xoa, phạ nhựt-ra, mạn trà lả, hồng phấn tra.

𑖌𑖼_ 𑖪𑖰𑖭𑖿𑖣𑗜𑖨𑖟𑖿 𑖨𑖎𑖿𑖬 𑖪𑖕𑖿𑖨 𑖦𑖜𑖿𑖚𑖩 𑖮𑖳𑖽 𑖣𑖘𑖿
OṂ_ VISPHURAD  RAKṢA  VAJRA  MAṆḌALA  HŪṂ  PHAṬ

OṂ (cảnh giác) VISPHURAD  RAKṢA (Hộ vệ bao phủ khắp) VAJRA  MAṆḌALA (Kim Cương Đạo Trường) HŪṂ  PHAṬ (ủng hộ  phá bại)

Cái Gương là vật phản ảnh rõ ràng thông suốt muôn vật nên được ví dụ cho Trí Tuệ. Gương báu biểu thị cho Đại Viên Kính Trí là Trí Tuệ vô ngại vô tư nhận biết mọi sự vật đúng theo bản tính chân thật của chúng.

Bồ Tát Quán Thế Âm dùng Bản Nguyện Từ Bi xông ướp Trí Tuệ Môn nên tay cầm cái gương báu nhằm giúp cho chúng sanh giác ngộ được nghĩa thú thâm sâu của các Pháp.

Hành Giả đặt cái gương tròn trước Bản Tôn, tụng Chú thì giác ngộ được nghĩa thú thâm sâu của Chánh Pháp mà mình đã nghe thấy.  Nếu trong gương hiện các sắc tượng thì ở Nhất Thiết Trí không gì không phân biệt được. Thiện Tài Đồng Tử sẽ làm bậc Thiện Tri Thức hướng dẫn tu tập Chánh Pháp.

Kệ tụng:

Đại viên kính trí cùng pháp nguyên
Chiếu yêu kính lý tróc quái tiên
Diêm vương kính trung ác nghiệp hiện
Pháp bảo kính thủ chủng trí viên

[Đại viên cảnh trí thông suốt cùng tận cội nguồn của tất cả Pháp.

Trong “KÍNH CHIẾU YÊU”, Yêu-quái hiện nguyên hình, tùy ý ta bắt giữ hoặc tha đi.

Như KÍNH của DIÊM VƯƠNG, ác nghiệp trong một đời đều hiện, không chối cải được.
Tu Bảo Kính Thủ Nhãn Ấn Pháp, thì thành tựu “NHẤT THIẾT CHỦNG TRÍ.
]

“ĐẠI VIÊN CẢNH TRÍ” là do chuyển thức “A-LẠI-DA” mà thành, có khả năng Phổ-chiếu khắp 10 phương cõi nước, nên thông đạt tất cả Pháp, hàng phục được Yêu-quái, tiêu trừ được Vô-minh vi tế (sở tri chướng), vậy nên thành tựu được “NHẤT THIẾT CHỦNG TRÍ”.

Bất động địa tiền tài xả tạng
Kim cang đạo hậu Dị thục không
Đại viên vô cấu đồng thời phát
Phổ chiếu thập phương trần sát trung.

(BÁT THỨC QUI CỦ TỤNG )

Khi đến địa vị thứ 8 của hàng Bồ-tát (Bất động địa), thì không gọi thức này là “TẠNG THỨC” (A-LẠI-DA THỨC), mà gọi là “DỊ THỤC THỨC”.

Khi đến địa vị Đẳng-giác (KIM CANG ĐẠO), THÌ KHÔNG GỌI LÀ “DỊ THỤC THỨC”, MÀ GỌI LÀ “VÔ-CẤU THỨC”.

Đại viên vô cấu đồng thời phát
Phổ chiếu thập phương trần sát trung.

TỨC LÀ THÀNH TỰU “NHẤT THIẾT CHỦNG TRÍ”, LÀ THÀNH “PHẬT”.

Lại nữa, trong “BÁT-NHÃN TÂM-KINH” nói rằng:

Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức ( không có ngũ-uẩn); vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp ( không có 12 nhập); vô nhãn giới, nãi chí vô ý-thức-giới (không có 18 giới); vô vô-minh diệc, vô vô-minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận (không có 12 nhân duyên); vô khổ, tập, diệt, đạo (không có 4 đế) ; vô trí diệc vô đắc (không có trí của Bồ-tát do tu Lục-độ, cũng không có đắc qủa Phật).

Lại nói, Tam-thế chư Phật, y Bát-nhã-ba-la mật-đa cố đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. (Ba đời  “Chư Phật” y “VÔ SỞ ĐẮC”, mà đắc “PHẬT QUẢ”)

Còn nói, Bát-nhã là Đại-thần, là đại minh, là vô-thượng, là vô đẳng đẳng chú…như lại phải nhờ thần-chú  “Yết-đế Yết-đế, Ba-la yết-đế, Ba la-tăng yết-đế, Bồ-đề tát bà ha.”,  để tiêu trừ vô-minh vi tế của “A-LẠI-DA THỨC” (sở tri chướng),  mà thành tựu  “ĐẠI VIÊN CẢNH TRÍ” hay “NHẤT THIẾT CHỦNG TRÍ”, TỨC THÀNH PHẬT.

Kinh Pháp Hoa nói, muốn “NHẬP PHẬT TRI KIẾN”, phải nhờ thần lực gia trì, phẩm “ĐÀ-RA-NI” THỨ  26.

Kinh Lăng Nghiêm cũng nói: Thị cố nhữ kim tri kiến lập tri tức vô minh bổn. Tri kiến vô kiến, tư tức niết-bàn vô lậu chân tịnh. Vân hà thị trung cánh dung tha vật?

HT. TUYÊN HÓA Giảng: Vậy nay chính ông ngay nơi tri kiến, lập nên tướng tri kiến. Các ông lập nên một tri kiến khác trên cái tri kiến vốn đã là hư vọng. Đó tức là cội gốc vô minh. Chính nơi tri kiến, không có tướng tri kiến, thì đó là vô lậu chân tịnh niết-bàn. Ông đã nhận ra rằng tri kiến của mình vốn là không có tự thể, thế nên ông không khởi một niệm tưởng nào căn cứ trên tri kiến ấy.

Ngay trong tri kiến ấy mà không khởi  một niệm tưởng phân biệt nào chính là tương ưng với Đạo. Đó chính là niết-bàn vô lậu chân tịnh. Làm sao trong ấy còn có vật gì khác? Trong chỗ vắng bặt tri kiến, làm sao còn dung chứa một thứ gì khác? Nơi ấy chính là bản nguyên thanh tịnh pháp giới. Tại sao ông lại muốn đưa thêm một thứ gì nữa vào trong đó? Tại sao lại chồng thêm tri kiến lên trên tri kiến? Nguyên lý nầy cũng như trong đoạn kinh trước đã nói, “Bản giác vốn là diệu minh, nhưng hư vọng nên thành minh giác.”

Cho nên “Kinh Lăng Nghiêm” nói:  “ Tất cả Chư Phật trong 10 phương, đều do “TRÌ” CHÚ THỦ LĂNG NGHIÊM mà được thành Phật. Nghĩa là Bồ-tát Đẳng-giác muốn thành PHẬT, thì nhất định phải trì chú LĂNG NGHIÊM, để tiêu trừ vô-minh vi tế của “A-LẠI-DA THỨC”. 

Tóm lại, nếu Qúy-vị trì “BẢO-KÍNH THỦ NHÃN ẤN PHÁP” thì thành tựu:

1) “ĐẠI VIÊN CẢNH TRÍ” hay  “NHẤT THIẾT CHỦNG TRÍ”,  TỨC LÀ THÀNH PHẬT.

2) Thông đạt cội nguồn của  tất cả “PHÁP”.

3) Tiêu trừ tất cả ác nghiệp, tập khí khó trừ trong vô-lượng khiếp.

4) Hàng phục được yêu quái, ngoại đạo, tà ma…

Kệ tụng Việt dịch:

Đại trí viên dung tận cội nguồn
Tróc nã yêu tinh phản chiếu hình
Giữa kính Diêm Vương ác nghiệp hiện
Pháp bảo kính thủ chủng trí viên.

 

Bảo-Kính Thủ Nhãn Ấn Pháp
Thứ Hai Mươi

Thất Na Thất Na [37] 
𑖫𑖰𑖡 𑖫𑖰𑖡
ŚINA  ŚINA

Án– vỉ tát phổ ra, na ra các xoa,
phạ nhựt-ra, mạn trà lả, hồng phấn tra.
𑖌𑖼_ 𑖪𑖰𑖭𑖿𑖣𑗜𑖨𑖟𑖿 𑖨𑖎𑖿𑖬 𑖪𑖕𑖿𑖨 𑖦𑖜𑖿𑖚𑖩 𑖮𑖳𑖽 𑖣𑖘𑖿
OṂ_ VISPHURAD  RAKṢA  VAJRA  MAṆḌALA  HŪṂ  PHAṬ