LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ Tát tạo
Hán dịch: Chơn Đế Tam Tạng Pháp Sư
Việt dịch và Cương yếu: HT Thích Liêm Chính

 

Đại cương Luận Đại thừa khởi tín

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni suốt 49 năm thuyết pháp, sau đó chư Tôn giả kiết tập thành Tam tạng Thánh giáo. Trong đó Luận tạng phần lớn đều do Thánh đệ tử trước tác. Bồ tát tạo luận nếu y vào Chính giáo do Phật thuyết giải thích sâu rộng hơn gọi là Thích kinh luận, chẳng hạn như Bồ tát Thế Thân tạo Thập địa kinh luận. Tông kinh luận là tác giả y cứ những điểm trọng yếu của kinh, triển khai thành luận, như Đại thừa khởi tín. Theo ngài Hiền Thủ cho rằng luận này căn cứ tất cả những kinh luận Đại thừa, chủ yếu Kinh Lăng Già, Hoa nghiêm, Duy Ma Cật và Đại Bát Niết bàn, cũng như các tông như Địa tông luận, Hoa nghiêm, Thiên thai, Chân ngôn và Tịnh độ đều đánh giá tư tưởng Khởi tín ở một địa vị rất cao, duy chỉ có Đại thừa Pháp tướng tông cực lực phủ nhận cho rằng hoàn toàn không quan hệ gì đến Tam luận tông. Bồ tát Thế Thân trong Tam luân tông sáng lập giáo nghĩa A lạ da duyên khởi cho rằng A lại da đồng nhất với Chân như tuyệt đối thanh tịnh, vì thế không thể bị bất cứ nhiễm pháp nào có thể huân tập, về sau Huệ Quang Luật sư và Huệ Viễn đại sư phát huy ý nghĩa nấy ngày càng sáng tỏ hơn.

Theo Địa luận tông đưa Khởi tín lên địa vị tối cao thuộc Hiển thật tông và Bồ tát tạng. Ngài Trí giả, Ngẩu ích, Trí Húc đều cho rằng Khởi tín thông cả Thông giáo, Biệt giáo và Viên Giáo. Chân ngôn tông theo Hoằng Pháp đại sư tại kinh Kim Cang đảnh khai đề, sáng lập Hiển và Mật giáo chủ trương: Chân như và Sinh diệt nhị môn bất nhị đó là Mật giáo, Chân và Sinh nhị môn là Hiển giáo. Thiền tông và Khởi tín luận đều y cứ Kinh Lăng Già nên cực kỳ tôn trọng cho đây là Chân tủy Bất lập văn tự Niết bàn diệu tâm. Pháp tướng tông Thế Thân kiến lập A lại da duyên khởi cho rằng Thức A lai da là Duy vọng đối với Chân và vọng hòa hợp của Khởi tín là điều có thể chấp nhận, nhưng Chân như là pháp không sinh diệt làm thế nào hòa hợp với Vọng tâm sinh diệt, đây là điều không thể chấp nhận, vì thế nên Duy thức tông khẳng khái phủ nhận Khởi tín không phải do Mã Minh trước tác, hoặc do người dịch sai lầm, hoặc dịch không chính xác với nguyên bản văn tự. Riêng Tịnh độ tông theo Tuyển trạch tập của Pháp Nhiên, Tịnh độ luận của Thế Thân, Thập trụ luận của Long Thọ hoàn toàn nhất trí với Khởi tín luận.

Nội dung Luận này trình bày: Chân như duyên khởi hay Như lai tàng duyên khởi, 1 trong 4 duyên khởi do Hoa nghiêm tông thành lập (1: Nghiệp khởi. 2: A lại da, 3: Chân như và 4: Pháp giới duyên khởi) hoặc Nhất tâm, Nhị môn. Toàn luận tổ chức theo một hệ thống rất chặt chẽ, bắt đầu từ Nhân duyên trình bày 8 lý do chính đáng để Ngài tạo luận. Trong đó lý do thứ nhất có tính cách tổng quát chư Phật chư Bồ tát, kể cả Luận chủ thuyết pháp hay tạo luận không ngoài mục đích độ sinh, muốn tất cả chúng sinh được giải thoát sinh tử trầm luân chứng đắc Niết bàn, tuyệt đối không vì sự cung kính hay danh lợi của thế gian. Bảy lý do sau là nói lên tâm tư nguyện vọng tha thiết của mình muốn tồi tà hiển chính để Phật pháp mãi trường tồn tại nhân gian đem lại lợi ích cho chúng sinh. Thứ đến Lập nghĩa tức thành lập Giáo nghĩa hay Chủ thuyết đặc hữu của khởi tín luận.

Chủ thuyết này cho rằng tất cả các pháp nhiễm hay tịnh sở dĩ hiện hữu trong tam giới đều bắt nguồn từ Nhất niệm bất giác về Chân như, vì không nhận biết Chân như là pháp bất sinh bất diệt thường trụ bất biến gọi đó là Nhất niệm bất giác tức Căn bản vô minh, từ căn bản này phát sinh Tam tế và Lục thô gọi là Chi mạt vô minh, theo duyên khởi hình thành tạo ra vô lượng phiền não khiến muôn loài vạn vật và thế giới hiện tượng đều quay cuồng trong vòng Lưu chuyển sinh diệt môn. Cũng bắt đầu từ đây nếu sớm giác ngộ Chân như, phát tâm yễm sinh tử cầu đắc Niết bàn có thể y vào Thỉ giác tùy thuận tinh tiến tu tập, nhưng trước tiên phải khởi tín tâm kiên cố đối với Phật pháp tăng, nhất là tuyệt đối tin tưởng Chân như tự tính của chính mình, tiếp tục thực hành Ngũ hạnh: Thí giới nhẫn tấn và Chỉ quán, tùy trình độ và căn tính lợi hay độn sai biệt nhưng tất cả cuối cùng đều có thể tùy thuận và đắc nhập Chân như tức quy về Bản giác, đây cũng chính là thành tựu Phật quả.

Đại thừa có Pháp và nghĩa. Pháp Đại thừa chính là Tâm chúng sinh, tâm này tiềm ẩn Chân như tại nội và có 3 nghĩa rộng lớn. 1: Thể đại, Chân như tự thể của nó rất rộng lớn biến khắp vũ trụ vạn hữu. Tướng của nó đầy đủ vô lượng tính công đức như Tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông, vô lượng bách thiên đà la ni môn. Dụng của nó có khả năng đưa tất cả chúng sinh từ mê giới sinh tử, chứng đắc Niết bàn giải thoát giới. Nói chung Pháp và Nghĩa đại thừa chính là Tâm chúng sinh. Để giải thích tường tận chủ Chủ thuyết này, khởi điểm do Nhất niệm Bất giác liền thành Căn bản Vô minh, do Căn bản vô minh phát sinh tướng nghiệp đầu tiên gọi là Vô minh nghiệp tướng, đã có Căn bản vô minh, liền sinh khởi Chi mạt vô minh tức Tam tế và Lục thô hình thành tại tàng thức A Lại Da thức. Tàng thức này có công năng Thọ huân trì chủng tức vừa bảo trì tất cả những chủng tử nhiễm và tịnh nhiều đời nhiều kiếp không mất và cũng không lẫn lộn tùy duyên phát sinh hiện hành, đồng thời tiếp nhận những chủng tử thiện và ác tân huân từ ngoài vào tạo tạo thành 2 môn: Chân như môn và Sinh diệt môn, tuy chia thành hai môn nhưng thật sự chỉ do Nhất niệm Bất giác nên hai môn này thật sự không thể tách rời nhau Luận văn gọi là: Bất tương ly.

Khi nghiên cứu Chân như phải nên nhớ Chân như có 2 nghĩa. 1: Ly ngôn chân như là Chân như thanh tịnh tuyệt đối, là lý tính Nhất pháp giới bất sinh bất diệt, ly ngôn thuyết, ly văn tự, ly tâm duyên, là tự tính bản hữu của tất cả chúng sinh không thể bị Nhiễm pháp vô minh vọng tâm huân tập. 2: Y ngôn chân như là Chân như tùy duyên nhiễm và tịnh huân tập phát sinh nhiễm và tịnh muôn pháp. Kinh Bát Nhã gọi là Chân như Bất biến và Chân như tùy duyên. Sinh diệt lại có 2 loại. 1: Nhiễm và Tịnh pháp cùng sinh cùng diệt, có nhiễm tức có tịnh và ngược lại. Nơi nào còn chúng sinh thì nơi đó có chư Phật thị hiện.

Nội dung toàn luận gốm 5 chương: Nhân duyên, Lập nghĩa, Giải thích, Tu hành tín tâm và Khuyên tu lợi ích. Trong đó 2 phần: Lập nghĩa và Giải thích vô cùng trọng yếu. Đại cương toàn luận thuyết minh: Nhất tâm, Nhị môn, Tam đại, Tứ tín, Ngũ hạnh, khuyến tu lợi ích.

Thế nào là Nhất tâm? Nhất được đề cập ở đây tức duy nhất tuyệt đối, Tâm là Bản thể của tất cả các pháp, Tự tính của tất cả hữu tình chúng sinh gọi là Pháp giới tính và vũ trụ vạn hữu hiện tượng giới gọi là Pháp giới, dù gọi là Phá giới tính hay Pháp giới thì đó cũng là Nhất tâm. Đồng nghĩa dị danh với Nhất tâm: Thật thể, Pháp giới tính, Phật tính, Chân như, Viên giác tính, Như lai tàng, Thật tướng, Diệu tâm, Niết bàn, Bản lai diện mục.v.v… Luận này cho rằng Nhất tâm chính là Tâm chúng sinh, lý do là vì Nhất tâm là bản thể tinh thần của vũ trụ, chúng sinh tâm là cá thể tinh thần. Thế nên hai môn Chân như và Sinh diệt là thể và tướng của Nhất tâm. Đó là đứng về phương diện hiện tượng sai biệt phân tích, nhưng ở phương diện tuyệt đối thì vũ trụ vạn hữu không có sự sai biệt nhiễm hay tịnh, chân hay vọng, thánh hay phàm vì bản thể của tất cả pháp đều là Chân như tự tính thường hằng bất biến.

Tại Nhất tâm chân như luôn sẵn có Thể, tướng và dụng, phạm vi của nó vô cùng rộng lớn. Thể, tướng và dụng của Chân như hay Nhất tâm biến mãn vũ trụ vạn hữu, chư Phật, chúng sinh, cho đến nhơn súc nói chung không một loài nào không sẵn có. Hơn nữa tác dụng của nhất tâm chân như vốn đủ hằng hà sa số tự tính công đức, đồng thời nhiếp hóa tất cả chúng sinh nên gọi là Dụng đại. Với những lý do trên nên Pháp này gọi là Đại. Pháp này còn có khả năng độ thoát chúng sinh đạt đến quả vị cứu cánh giác ngộ nên gọi Thừa, gọi chung là Đại thừa. Tuy nhiên mặc dù Nhất tâm và Chân như có khả năng rộng lớn như thế nhưng chúng sinh cần phải có tín tâm đối với Chân như, Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, nhất là sự tin tưởng tuyệt đối vào tự tính Chân như của chính mình đây là điều vô cùng quan trọng, Tổ Huệ Năng: Bất ly tự tính tức thị phước điền, được như thế chưa đủ, cần phải tu tập Năm hạnh căn bản: Thí, giới, nhẫn, tấn và chỉ quán, được như thế không bao lâu Hành giả sẽ trải qua quá trình kiến đạo, Hành đạo và Tu đạo thành Nhất hạnh tam muội tức thành tựu Phật quả. Nếu sợ mạng vận bất trắc thì có thể nhất tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu vãng sinh cực lạc thế giới, tiếp tục tu tập cho đến A bệ bạt trí tức bất thối chuyển mới có thể thành tựu quả vị cứu cánh.