KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Hòa Thượng Trí Nghiêm

 

HỘI THỨ HAI

VIII. PHẨM THẮNG QUÂN

(Từ giữa quyển 408 đến cuối quyển 409)

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa:

– Bạch Thế Tôn! Đối với Đại Bồ-tát và Bát-nhã Ba-la-mật-đa, con đều không biết, không đắc, thì làm sao bảo con đem pháp tương ưng với Bát-nhã Ba-la-mật-đa dạy bảo, truyền trao cho các Đại Bồ-tát?

Bạch Thế Tôn! Đối với các pháp hoặc tăng, hoặc giảm, con không biết, không đắc, nếu đem các pháp dạy bảo, truyền trao cho các Đại Bồ-tát thì con sẽ hối hận.

Bạch Thế Tôn! Đối với các pháp hoặc tăng, hoặc giảm, con không biết, không đắc, làm sao có thể nói đây là Đại Bồ-tát, đây là Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Bạch Thế Tôn! Tên các Đại Bồ-tát và tên Bát-nhã Ba-la-mật-đa đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì hai nghĩa này không có, nên hai tên này đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với sắc cho đến thức hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là sắc cho đến thức. Tên của sắc v.v… này đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của sắc v.v… này không có, nên tên của sắc v.v… này đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với nhãn xứ cho đến ý xứ hoặc tăng, hoặc giảm con đều không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là nhãn xứ cho đến ý xứ. Tên của nhãn xứ v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của nhãn xứ v.v… không có, nên tên nhãn xứ v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với sắc xứ cho đến pháp xứ hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là sắc xứ cho đến pháp xứ. Tên của sắc xứ v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của sắc xứ v.v… không có, nên tên của sắc xứ v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với nhãn giới cho đến ý giới hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là nhãn giới cho đến ý giới. Tên của nhãn giới v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của nhãn giới v.v… không có, nên tên của nhãn giới v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với sắc giới cho đến pháp giới hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là sắc giới cho đến pháp giới. Tên của sắc giới v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của sắc giới v.v… không có, nên tên của sắc giới v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với nhãn thức giới cho đến ý thức giới hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Tên của nhãn thức giới v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của nhãn thức giới v.v… không có, nên tên của nhãn thức giới v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với nhãn xúc cho đến ý xúc hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là nhãn xúc cho đến ý xúc. Tên của nhãn xúc v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của nhãn xúc v.v… không có, nên tên của nhãn xúc v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra. Tên của các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra v.v… không có, nên tên của các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với vô minh cho đến lão tử hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là vô minh cho đến lão tử. Tên của vô minh v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của vô minh v.v… không có, nên tên của vô minh v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với vô minh diệt cho đến lão tử diệt hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là vô minh diệt cho đến lão tử diệt. Tên của vô minh diệt v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của vô minh diệt v.v… không có, nên tên của vô minh diệt v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với tham, sân, si và các tùy miên trói buộc, kiến thú hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là tham v.v…. Tên của tham v.v… này đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của tham v.v… này không có, nên tên của tham v.v… này đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Tên của bố thí Ba-la-mật-đa v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của bố thí Ba-la-mật-đa v.v… không có, nên tên của bố thí Ba-la-mật-đa v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với ngã cho đến người thấy hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là ngã cho đến người thấy. Tên của ngã v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của ngã v.v… không có, nên tên của ngã v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Tên của bốn niệm trụ v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của bốn niệm trụ v.v… không có, nên tên của bốn niệm trụ v.v… không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với pháp môn giải thoát không cho đến pháp môn giải thoát vô nguyện hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là pháp môn giải thoát không cho đến pháp môn giải thoát vô nguyện. Tên của pháp môn giải thoát không v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của pháp môn giải thoát không v.v… không có, nên tên của pháp môn giải thoát không v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Tên của bốn tịnh lự v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của bốn tịnh lự v.v… không có, nên tên của bốn tịnh lự v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm giới, tùy niệm xả, tùy niệm Thiên, tùy niệm hơi thở ra vào, tùy niệm tử hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là tùy niệm Phật cho đến  tùy niệm tử. Tên của tùy niệm Phật v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của tùy niệm Phật v.v… không có, nên tên của tùy niệm Phật v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với mười lực của Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng hoặc tăng, hoặc giảm con không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là mười lực của Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Tên của mười lực của Phật v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của mười lực của Phật v.v… không có, nên tên của mười lực của Phật v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với năm uẩn như mộng, như tiếng vang, như ảnh ảo, như sóng nắng, như hình tượng, như huyễn, như hóa hoặc tăng, hoặc giảm, con đều không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là năm uẩn như mộng cho đến năm uẩn như hóa. Tên của năm uẩn như mộng v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của năm uẩn như mộng v.v… không có, nên tên của năm uẩn như mộng v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với viễn ly, tịch tịnh, vô sanh, vô diệt, vô nhiễm, vô tịnh, dứt hết các hý luận, chơn như, pháp giới, pháp tánh, thật tế, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ hoặc tăng, hoặc giảm, con đều không biết, không đắc.

Như vậy sao có thể nói đây là viễn ly cho đến pháp trụ. Tên của viễn ly v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của viễn ly v.v… không có, nên tên của viễn ly v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với các pháp hoặc thiện, hoặc chẳng thiện, hoặc hữu vi, hoặc vô vi, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc thế gian, hoặc xuất thế gian, hoặc tăng, hoặc giảm v.v… con đều không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là các pháp thiện, chẳng thiện. Tên của các pháp thiện, chẳng thiện v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của các pháp thiện, chẳng thiện v.v… không có, nên tên của các pháp thiện, chẳng thiện v.v… đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại và đối với các pháp chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại hoặc tăng, hoặc giảm, con đều không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là các pháp quá khứ, đây là các pháp chẳng phải quá khứ v.v…. Tên của pháp quá khứ và tên pháp chẳng phải quá khứ đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì nghĩa của các pháp quá khứ và nghĩa pháp chẳng phải quá khứ không có, nên tên của pháp quá khứ và tên pháp chẳng phải quá khứ đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là pháp chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại?

Bạch Thế Tôn! Đó là pháp vô vi.

Bạch Thế Tôn! Pháp vô vi là pháp không sanh, không trụ, không diệt.

Bạch Thế Tôn! Đối với tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các Bồ-tát, Thanh văn Tăng v.v… trong hằng hà sa số thế giới chư Phật khắp mười phương hoặc tăng, hoặc giảm, con đều không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các Bồ-tát, Thanh văn Tăng v.v… trong hằng hà sa số thế giới chư Phật khắp mười phương. Các tên như vậy đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì các nghĩa như vậy không có, nên các tên như vậy đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Đối với các pháp đã nói như trên hoặc tăng, hoặc giảm, con đều không biết, không đắc. Như vậy sao có thể nói đây là các đại Bồ-tát, đây là Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Bạch Thế Tôn! Đối với Đại Bồ-tát và Bát-nhã Ba-la-mật-đa con đều không biết, không đắc, thì làm sao làm bảo con đem pháp tương ưng với Bát-nhã Ba-la-mật-đa dạy bảo, truyền trao cho các đại Bồ-tát?

Bạch Thế Tôn! Tên các Đại Bồ-tát và tên Bát-nhã Ba-la-mật-đa đều không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì hai nghĩa này không có nên tên hai pháp này chẳng phải không trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Các pháp như vậy do nhân duyên hòa hợp, giả gọi là đại Bồ-tát, giả gọi là Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Hai giả danh này ở trong uẩn xứ giới không thể nói cho đến ở trong mười tám pháp Phật bất cộng không thể nói, ở trong năm uẩn như mộng không thể nói, cho đến ở trong năm uẩn như hóa không thể nói, ở trong viễn ly, tịch tịnh v.v… không thể nói, cho đến ở trong tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các Bồ-tát, Thanh văn Tăng v.v… trong hằng hà sa số thế giới chư Phật khắp mười phương không thể nói. Vì sao? Vì các pháp nói trên tăng, giảm đều không thể biết, không thể đắc.

Bạch Thế Tôn! Năm uẩn v.v… nói trên không chỗ nào có thể nói, tên các Đại Bồ-tát và tên Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng không chỗ nào có thể nói, tên như mộng v.v… như vậy không chỗ nào có thể nói, tên như hư không không chỗ nào có thể nói, tên như địa, thủy, hỏa, phong không chỗ nào có thể nói, tên như giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến không chỗ nào có thể nói, tên như Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, Như Lai và các pháp kia không chỗ nào có thể nói, tên thiện, chẳng thiện, thường, vô thường, lạc, khổ, ngã, vô ngã, viễn ly, không viễn ly, tịch tịnh, không tịch tịnh v.v… hoặc có hoặc không đều không chỗ nào có thể nói. Tên Đại Bồ-tát và tên Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng không chỗ nào có thể nói. Vì sao? Vì các tên như vậy đều không trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì các nghĩa như vậy không có nên các tên như vậy đều không trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Bạch Thế Tôn! Do nương vào nghĩa này nên nói đối với pháp hoặc tăng, hoặc giảm, con đều không biết, không đắc, như vậy sao có thể nói đây là đại Bồ-tát, đây là Bát-nhã Ba-la-mật-đa?

Bạch Thế Tôn! Đối với hai điều này hoặc nghĩa, hoặc tên, con không biết, không đắc, thì làm sao bảo con đem pháp tương ưng với Bát-nhã Ba-la-mật-đa dạy bảo, truyền trao cho các Đại Bồ-tát? Do nhân duyên này, nếu đem pháp đó dạy bảo, truyền trao cho các đại Bồ-tát, thì con sẽ hối hận.

Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát khi nghe rồi đem tướng trạng như vậy giảng nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thì tâm không chìm đắm, cũng không lo lắng, ăn năn, tâm không kinh hãi, sợ sệt. Nên biết Đại Bồ-tát này quyết chắc đã an trụ địa vị Bất thối chuyển; đem vô sở trụ làm phương tiện mà trụ.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, không nên trụ vào sắc cho đến thức. Không nên trụ vào nhãn xứ cho đến ý xứ. Không nên trụ vào sắc xứ cho đến pháp xứ. Không nên trụ vào nhãn giới cho đến ý giới. Không nên trụ vào sắc giới cho đến pháp giới. Không nên trụ vào nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Không nên trụ vào nhãn xúc cho đến ý xúc. Không nên trụ vào các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra. Không nên trụ vào địa giới cho đến thức giới. Không nên trụ vào vô minh cho đến lão tử. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì sắc, tánh sắc là không. Thọ, tưởng, hành, thức, tánh thọ, tưởng, hành, thức là không. Bạch Thế Tôn! Sắc này chẳng phải không sắc, không của sắc này chẳng phải sắc. Sắc chẳng lìa không, không chẳng lìa sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Do nhân duyên này, các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, không nên trụ vào sắc cho đến thức; cho đến lão tử, nên biết cũng như vậy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa không nên trụ vào bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì bốn niệm trụ, tánh bốn niệm trụ là không. Bạch Thế Tôn! Bốn niệm trụ này chẳng phải không của bốn niệm trụ, không của bốn niệm trụ này chẳng phải bốn niệm trụ. Bốn niệm trụ chẳng lìa không, không chẳng lìa bốn niệm trụ. Bốn niệm trụ tức là không, không tức là bốn niệm trụ. Do nhân duyên này, các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa không nên trụ vào bốn niệm trụ; cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, cũng nên biết như vậy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, không nên trụ vào bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì bố thí Ba-la-mật-đa, tánh bố thí Ba-la-mật-đa là không. Bạch Thế Tôn! Bố thí Ba-la-mật-đa này chẳng phải là không của bố thí Ba-la-mật-đa, không của bố thí Ba-la-mật-đa này chẳng phải bố thí Ba-la-mật-đa. Bố thí Ba-la-mật-đa chẳng lìa không, không chẳng lìa bố thí Ba-la-mật-đa. Bố thí Ba-la-mật-đa tức là không, không tức là bố thí Ba-la-mật-đa. Do nhân duyên này, các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, không nên trụ vào bố thí Ba-la-mật-đa; cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nên biết cũng như vậy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, không nên trụ vào các chữ, không nên trụ vào sự dẫn dắt các chữ, hoặc sự dẫn dắt một lời, hoặc dẫn dắt hai lời, hoặc dẫn dắt nhiều lời, không nên trụ vào thần thông thù thắng. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì các chữ, tánh các chữ là không. Bạch Thế Tôn! Các chữ này chẳng phải không của các chữ, không của các chữ này chẳng phải các chữ. Các chữ không lìa không, không chẳng lìa các chữ. Các chữ tức là không, không tức là các chữ. Do nhân duyên này, các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, không nên trụ vào các chữ. Đối với dẫn dắt các chữ đưa đến thần thông thù thắng, nên biết cũng như vậy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, không nên trụ vào hoặc thường, hoặc vô thường, hoặc vui, hoặc khổ, hoặc ngã, hoặc vô ngã, hoặc không, hoặc bất không, hoặc tịch tịnh, hoặc bất tịch tịnh, hoặc viễn ly, hoặc không viễn ly của các pháp. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì thường, vô thường của các pháp, và tánh thường, vô thường của các pháp đều là không. Bạch Thế Tôn! Các pháp thường, vô thường này chẳng phải là không của các pháp thường, vô thường, không của các pháp thường, vô thường này chẳng phải là các pháp thường, vô thường. Các pháp thường, vô thường chẳng lìa không, không chẳng lìa các pháp thường, vô thường. Các pháp thường, vô thường tức là không, không tức là các pháp thường, vô thường. Do nhân duyên này, các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa không nên trụ vào thường, hoặc vô thường của các pháp; cho đến viễn ly, không viễn ly của các pháp, nên biết cũng như vậy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, không nên trụ vào các pháp chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, thật tế. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì chơn như của các pháp, tánh chơn như là không. Bạch Thế Tôn! Chơn như này chẳng phải không chơn như, không chơn như này chẳng phải chơn như. Chơn như chẳng lìa không, không chẳng lìa chơn như. Chơn như tức là không, không tức là chơn như. Do nhân duyên này, các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa không nên trụ vào chơn như của các pháp; cho đến thật tế, nên biết cũng như vậy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, không nên trụ vào tất cả các môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa? Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì tất cả môn Đà-la-ni, tánh môn Đà-la-ni là không.

Bạch Thế Tôn! Môn Đà-la-ni chẳng phải không của môn Đà-la-ni, không của môn Đà-la-ni này chẳng phải môn Đà-la-ni. Môn Đà-la-ni chẳng lìa không, không chẳng lìa môn Đà-la-ni. Môn Đà-la-ni tức là không, không tức là môn Đà-la-ni. Do nhân duyên này các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa không nên trụ tất cả môn Đà-la-ni; môn Tam-ma-địa nên biết cũng như vậy.

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát nào không có phương tiện thiện xảo, khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sẽ bị trói buộc, quấy nhiễu, bởi chấp có ngã, ngã sở, tâm liền trụ vào sắc, trụ vào thọ, tưởng, hành, thức. Do trụ vào các pháp này, nên đối với sắc phát sanh hành động, đối với thọ, tưởng, hành, thức phát sanh hành động. Do phát sanh hành động nên không thể lãnh thọ Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu, không thể tu học Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu, không thể viên mãn Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu, không thể thành tựu trí nhất thiết trí.

Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, thì khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, sẽ bị trói buộc, quấy nhiễu, bởi chấp có ngã, ngã sở, cho đến tâm liền trụ tất cả môn Đà-la-ni, tất cả môn Tam-ma-địa. Do trụ vào các pháp này nên đối với tất cả môn Đà-la-ni phát sanh hành động, đối với tất cả môn Tam-ma-địa phát sanh hành động. Do phát sanh hành động nên không thể lãnh thọ Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu, không thể tu học Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu, không thể viên mãn Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu, không thể thành tựu trí nhất thiết trí. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì sắc không đáng lãnh thọ; thọ, tưởng, hành, thức không đáng lãnh thọ. Sắc không đáng lãnh thọ nên chẳng phải sắc; thọ, tưởng, hành, thức không đáng lãnh thọ, nên chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức bản tánh đều không.

Bạch Thế Tôn! Cho đến tất cả môn Đà-la-ni không đáng lãnh thọ. Tất cả môn Tam-ma-địa không đáng lãnh thọ. Vì tất cả môn Đà-la-ni không đáng lãnh thọ nên chẳng phải tất cả môn Đà-la-ni. Vì tất cả môn Tam-ma-địa không đáng lãnh thọ, nên chẳng phải tất cả môn Tam-ma-địa. Vì sao? Vì tất cả môn Đà-la-ni và môn Tam-ma-địa bản tánh đều không.

Bạch Thế Tôn! Việc lãnh thọ tu học, viên mãn Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu ấy cũng không đáng lãnh thọ. Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu không đáng lãnh thọ, nên chẳng phải Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu. Vì sao? Vì bản tánh không. Như vậy, các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nên dùng bản tánh không mà quán tất cả pháp. Khi quán như vậy, tâm không có chỗ hoạt động. Đây gọi là Đại Bồ-tát không lãnh thọ Tam-ma-địa. Tam-ma-địa này vi diệu, thù thắng rộng lớn vô lượng, có thể tập hợp vô biên vô ngại tác dụng, không cùng với tất cả Thanh văn, Độc giác. Việc thành tựu trí nhất thiết trí đó cũng không đáng lãnh thọ. Như vậy, vì trí nhất thiết trí không đáng lãnh thọ, nên chẳng phải trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì pháp không nội, pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tán vô tán, pháp không bản tánh, pháp không tự cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không bất khả đắc, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Trí nhất thiết trí này chẳng chấp tướng tu đắc. Vì sao? Vì các tướng chấp thủ đều là phiền não. Những tướng đó là gì? Đó là tướng sắc, tướng thọ, tưởng, hành, thức cho đến tướng tất cả môn Đà-la-ni, tướng tất cả môn Tam-ma-địa. Đối với các tướng này mà chấp trước thì gọi là phiền não. Vì thế, không nên chấp tướng tu đắc trí nhất thiết trí. Nếu người chấp tướng tu đắc trí nhất thiết trí thì phạm chí Thắng Quân, đối với trí nhất thiết trí không cần tin hiểu. Những gì gọi là tướng tin hiểu đó? Nghĩa là đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu sanh lòng tin thanh tịnh. Do lực thắng giải, suy lường, quán sát trí nhất thiết trí. Không dùng tướng làm phương tiện, cũng không dùng chẳng phải tướng làm phương tiện. Vì tướng và chẳng phải tướng đều không thể nắm giữ. Phạm chí Thắng Quân này tuy do lực sức tín giải qui y Phật Pháp gọi là tùy tín hành, nhưng có thể nhờ bản tánh không mà ngộ nhập trí nhất thiết trí. Đã ngộ nhập rồi nên không chấp giữ tướng sắc, không chấp giữ tướng thọ, tưởng, hành, thức; cho đến không chấp giữ tướng tất cả môn Đà-la-ni, tướng tất cả môn Tam-ma-địa. Vì sao? Vì nhất thiết pháp tự tướng đều là không, năng thủ, sở thủ đều bất khả đắc. Vì sao? Như vậy, phạm chí không dùng hiện quán nội đắc mà quán trí nhất thiết trí. Không dùng hiện quán ngoại đắc mà quán trí nhất thiết trí. Không dùng hiện quán nội ngoại đắc mà quán trí nhất thiết trí. Không dùng hiện quán vô trí đắc mà quán trí nhất thiết trí. Không dùng hiện quán đắc những pháp khác mà quán trí nhất thiết trí. Cũng không dùng hiện quán bất đắc mà quán trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì phạm chí Thắng Quân này không thấy trí nhất thiết trí là bị quán; không thấy Bát-nhã là năng quán, không thấy người quán, không thấy chỗ y cứ để quán và không thấy lúc khởi quán. Phạm chí Thắng Quân này chẳng ở trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà quán trí nhất thiết trí. Chẳng ở ngoài sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà quán trí nhất thiết trí. Chẳng ở trong ngoài sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà quán trí nhất thiết trí. Cũng chẳng phải lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức quán trí nhất thiết trí, cho đến chẳng phải ở trong tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa mà quán trí nhất thiết trí. Chẳng phải ở ngoài tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa mà quán trí nhất thiết trí. Chẳng phải ở trong ngoài tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa mà quán trí nhất thiết trí. Cũng chẳng phải lìa tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa mà quán trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì hoặc là bên trong, hoặc là bên ngoài, hoặc bên trong bên ngoài, hoặc lìa bên trong bên ngoài, tất cả đều không, bất khả đắc. Phạm chí Thắng Quân này do lìa các tướng môn như vậy, nên đối với trí nhất thiết trí phát sanh lòng tin hiểu thâm sâu. Do tin hiểu như vậy nên đối với tất cả pháp đều không chấp trước. Vì thật tướng các pháp bất khả đắc. Như vậy, phạm chí nhờ môn lìa tướng, đối với trí nhất thiết trí được tin hiểu rồi, đối với tất cả pháp đều không chấp tướng, cũng không tư duy các pháp vô tướng, vì pháp tướng, vô tướng đều bất khả đắc. Như vậy, phạm chí do lực thắng giải đối với tất cả pháp không lấy, không bỏ, vì trong pháp thật tướng không có lấy bỏ. Bấy giờ, phạm chí đó với sự tự tin hiểu của mình cho đến Niết-bàn cũng không chấp trước. Vì sao? Vì bản tánh tất cả pháp đều không, không thể nắm giữ.

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát chứng đắc Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng lại như vậy. Đối với tất cả pháp không có sự chấp trước nên có thể từ bờ này đến bờ kia. Nếu đối với các pháp có chấp trước một chút nào thì chẳng thể đến được bờ kia. Vì thế, Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa không nắm giữ tất cả sắc, không nắm giữ tất cả thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì tất cả pháp không thể nắm giữ, cho đến không chấp tất cả môn Đà-la-ni, không nắm giữ tất cả môn Tam-ma-địa. Vì sao? Vì tất cả pháp không thể nắm giữ. Đại Bồ-tát này tuy đối với tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cho đến tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa, hoặc chung, hoặc riêng đều không nắm giữ. Nhưng vì bản nguyện thực hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo chưa viên mãn. Và vì bản nguyện chứng đắc mười lực của Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chưa thành tựu, nên trong thời gian đó hoàn toàn không thể nắm giữ tất cả tướng để vào Niết-bàn.

Đại Bồ-tát này tuy có thể viên mãn bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo và có thể thành tựu mười lực của Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, nhưng không thấy bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo và không thấy mười lực của Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Vì sao? Vì bốn niệm trụ này tức chẳng phải bốn niệm trụ, cho đến tám chi thánh đạo tức chẳng phải tám chi thánh đạo. Và mười lực của Phật tức chẳng phải mười lực của Phật, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng tức chẳng phải mười tám pháp Phật bất cộng. Vì tất cả pháp chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Đại Bồ-tát này khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa tuy không chấp trước sắc, không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức, cho đến không chấp trước mười tám pháp Phật bất cộng mà có thể thành tựu tất cả sự nghiệp.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên quán sát kỹ như vầy: Những gì là Bát-nhã Ba-la-mật-đa? Vì sao gọi là Bát-nhã Ba-la-mật-đa? Bát-nhã Ba-la-mật-đa của ai? Bát-nhã Ba-la-mật-đa như vậy dùng để làm gì? Đại Bồ-tát này khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa quán sát kỹ pháp nào vô sở hữu bất khả đắc, đó là Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Ở trong vô sở hữu bất khả đắc chỗ nào cần hỏi?

Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Trong đây, pháp nào gọi là vô sở hữu bất khả đắc?

Thiện Hiện đáp:

– Pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa là vô sở hữu bất khả đắc, cho đến pháp bố thí Ba-la-mật-đa là vô sở hữu bất khả đắc. Vì pháp không nội cho đến pháp không không tánh tự tánh.

Này Xá-lợi Tử! Pháp sắc là vô sở hữu bất khả đắc, pháp thọ, tưởng, hành, thức là vô sở hữu bất khả đắc. Pháp không nội là vô sở hữu bất khả đắc, cho đến pháp không không tánh tự tánh là vô sở hữu bất khả đắc. Pháp bốn niệm trụ là vô sở hữu bất khả đắc, cho đến pháp tám chi thánh đạo là vô sở hữu bất khả đắc. Pháp mười lực của Phật là vô sở hữu bất khả đắc, cho đến pháp mười tám pháp Phật bất cộng là vô sở hữu bất khả đắc. Pháp sáu phép thần thông là vô sở hữu bất khả đắc, pháp chơn như là vô sở hữu bất khả đắc, cho đến pháp thật tế là vô sở hữu bất khả đắc. Pháp Dự lưu là vô sở hữu bất khả đắc; pháp Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác là vô sở hữu bất khả đắc. Pháp Bồ-tát là vô sở hữu bất khả đắc. Pháp chư Phật là vô sở hữu bất khả đắc. Pháp trí nhất thiết trí là vô sở hữu bất khả đắc. Vì pháp không nội cho đến pháp không không tánh tự tánh.

Này Xá-lợi Tử! Nếu Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa có thể quán sát kỹ các pháp sở hữu đều vô sở hữu bất khả đắc. Như vậy thì tâm không chìm đắm, cũng không lo lắng, ăn năn, không kinh hãi, sợ sệt. Nên biết Đại Bồ-tát này có thể đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa thường không xa lìa.

Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Do đâu mà biết các Đại Bồ-tát này thực hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, có thể đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa thường không xa lìa?

Thiện Hiện đáp:

– Đại Bồ-tát này khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, như thật biết sắc lìa tự tánh sắc; thọ, tưởng, hành, thức lìa tự tánh thọ, tưởng, hành, thức; như thật biết bố thí Ba-la-mật-đa, lìa tự tánh bố thí Ba-la-mật-đa, cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa, lìa tự tánh Bát-nhã Ba-la-mật-đa; cho đến như thật biết mười tám pháp Phật bất cộng, lìa tự tánh mười tám pháp Phật bất cộng; cho đến như thật biết thật tế, lìa tự tánh thật tế.

Này Xá-lợi Tử! Do đó nên biết các Đại Bồ-tát này khi thực hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa có thể đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa thường không xa lìa.

Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Những gì là tự tánh của sắc?

– Những gì là tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức? Cho đến những gì là tự tánh thật tế?

Thiện Hiện đáp:

– Vô tánh là tự tánh của sắc, vô tánh là tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức, cho đến vô tánh là tự tánh của thật tế.

Này Xá-lợi Tử! Do đó nên biết sắc lìa tự tánh sắc; thọ, tưởng, hành, thức lìa tự tánh thọ, tưởng, hành, thức, cho đến thực tế lìa tự tánh thực tế.

Này Xá-lợi Tử! Sắc cũng lìa tướng sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lìa tướng thọ, tưởng, hành, thức; cho đến thực tế cũng lìa tướng thực tế.

Này Xá-lợi Tử! Tự tánh cũng lìa tự tánh; tướng cũng lìa tướng. Tự tánh cũng lìa tướng; tướng cũng lìa tự tánh.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử nói với Thiện Hiện:

– Đại Bồ-tát nào học điều này có thể mau thành tựu trí nhất thiết trí.

Thiện Hiện bảo:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Đại Bồ-tát nào học điều này có thể mau thành tựu trí nhất thiết trí. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì Đại Bồ-tát này biết tất cả pháp không sanh thành.

Xá-lợi Tử hỏi:

– Do đâu các pháp là không sanh, không thành?

Thiện Hiện đáp:

– Vì sắc là không nên sanh và thành đều bất khả đắc; vì thọ, tưởng, hành, thức là không nên sanh và thành đều bất khả đắc. Như vậy, cho đến vì thật tế là không nên sanh và thành đều bất khả đắc.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát có thể đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa học như vậy thì gần với trí nhất thiết trí. Như như gần kề trí nhất thiết trí. Như vậy, như vậy, được thân thanh tịnh, được ngữ thanh tịnh, được ý thanh tịnh, được tướng thanh tịnh. Như như đắc được bốn pháp thân, ngữ, ý, tướng thanh tịnh. Như vậy, như vậy, không sanh tâm tham, sân, si, mạn, dối gạt, xan tham, kiến chấp tương ưng với tà kiến. Đại Bồ-tát này do thường không sanh tâm tham v.v… nên rốt ráo không đọa vào thai người nữ, thường được hóa sanh, xa lìa cảnh giới hiểm ác; trừ khi vì nhân duyên làm lợi lạc cho hữu tình. Đại Bồ-tát này từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn, giáo hóa hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, cho đến chứng đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đã mong cầu thường không xa Phật.

Này Xá-lợi Tử! Nếu Đại Bồ-tát muốn được công đức thắng lợi như vậy, phải học Bát-nhã Ba-la-mật-đa không được tạm bỏ.