KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Hòa Thượng Trí Nghiêm

 

HỘI THỨ HAI

LVI. PHẨM MỘNG HÀNH

(Đầu quyển 451)

Bấy giờ, cụ thọ Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Nếu ở trong mộng, Đại Bồ-tát thực hành ba Tam-ma-địa (Không, vô tướng, vô nguyện tam-muội) này, thì đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có tăng thêm lợi ích chăng?

Thiện hiện đáp:

– Nếu vào ban ngày Đại Bồ-tát thực hành ba Tam-ma-địa này có lợi ích đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì trong mộng vị ấy thực hành cũng có tăng thêm lợi ích.

Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Ban ngày và trong mộng đều giống nhau. Này Xá-lợi Tử! Nếu vào ban ngày, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đã được gọi là tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì ở trong mộng Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng được gọi là tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa ba Tam-ma-địa sâu xa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tăng thêm lợi ích cũng giống như vậy.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Các bậc Đại Bồ-tát tạo nghiệp ở trong mộng có tăng ích hay tổn giảm?

Phật nói:

– Pháp hữu vi hư vọng không thật được tạo ra như mộng tại sao nói nghiệp kia có lợi ích hay tổn giảm? Vì sao? Chẳng phải ở trong mộng tạo các nghiệp có sự tăng giảm mà thậm chí khi thức nhớ tưởng phân biệt các việc đã tạo trong mộng vẫn có sự lợi ích, hoặc tổn giảm?

Thiện Hiện đáp:

– Có người ban ngày giết người rồi ban đêm nằm mộng nhớ tưởng phân biệt lấy làm vui sướng, lại có người nằm mộng thấy mình giết người khác, đến lúc thức, họ rất vui mừng, ông hiểu sao về hai nghiệp như vậy?

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Nếu không có nhân duyên thì sự suy nghĩ và nghiệp đều không sanh được, cần phải có nhân duyên, sự suy nghĩ và nghiệp mới phát sanh. Trong mộng sự suy nghĩ và nghiệp duyên theo vật gì để phát sanh?

Thiện hiện đáp:

– Hoặc mộng, hoặc tỉnh, nếu không có vật để duyên theo thì sự suy nghĩ và nghiệp không sanh. Phải có chỗ để duyên theo thì sự suy nghĩ và nghiệp mới phát sanh. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Cần có tuệ giác chuyển ở trong pháp thấy nghe hay biết mới sanh ra nhiễm hoặc tịnh, nếu không có các pháp thấy, nghe, hay, biết, không có tuệ giác chuyển thì cũng không có nhiễm tịnh. Do đó nên biết lúc mộng hoặc tỉnh, cần phải có nhân duyên thì sự nghĩ và nghiệp mới sanh, nếu không có nhân duyên thì ý nghĩ và nghiệp không sanh.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Phật nói ý nghĩ và nghiệp đều lìa tự tánh thì sao nói phải có nhân duyên chúng mới phát sanh được?

Thiện Hiện đáp:

– Tuy ý nghĩ, nghiệp và các nhân duyên đều có tự tánh là không, nhưng do tâm ta chấp tướng phân biệt nên nói ý nghĩ và nghiệp có nhân duyên sanh. Nếu không có nhân duyên thì ý nghĩ và nghiệp không phát sanh.

Bấy giờ Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Nếu ở trong mộng Đại Bồ-tát tuy hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự Bát-nhã ba-la-mật-đa, rồi đem căn lành ấy cho khắp các hữu tình một cách bình đẳng, để cùng nhau hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì Đại Bồ-tát ấy có thật sự hồi hướng để cầu Vô thượng Chánh đẳng giác không?

Thiện Hiện đáp:

– Bồ-tát Từ Thị đã được thọ ký Bất thối chuyển Vô thượng Bồ-đề từ lâu, chỉ còn một đời sẽ được làm Phật, Ngài có thể trả lời tất cả các lời vấn nạn; hội chúng nên thưa hỏi Ngài, nhất định Bổ Xứ Từ Tôn sẽ đáp cho nghe.

Theo lời Thiện Hiện, Xá-lợi Tử cung kính thưa hỏi Từ Thị Bồ-tát.

Từ Thị Bồ-tát bảo Xá-lợi Tử:

– Từ Thị có thể đáp bằng những tên gì? Là sắc chăng? Là thọ, tưởng, hành, thức chăng? Là không sắc chăng? Là không thọ, tưởng, hành, thức chăng? Vả lại sắc không thể đáp; thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể đáp. Sắc không thể đáp; không thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể đáp. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Ta không thấy có pháp nào có thể đáp, ta không thấy có pháp được đáp, nơi đáp, và lúc đáp; do đó ta cũng không thấy việc đáp. Ta không thấy pháp nào có thể ghi nhớ, ta hoàn toàn không thấy pháp được ghi nhớ, nơi ghi nhớ và lúc ghi nhớ. Do đó ta cũng không thấy việc ghi nhớ. Vì sao? Vì bản tánh tất cả pháp đều là không, không sở hữu, không hai không khác, tìm kiếm rốt ráo cũng không thể được.

Cụ thọ Xá-lợi Tử lại hỏi Đại Bồ-tát Từ Thị:

– Có phải pháp Ngài chứng được là như điều Ngài vừa nói không?

Đại Bồ-tát Từ Thị đáp:

– Pháp tôi chứng được chẳng giống như điều tôi đã nói. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì pháp tôi đã chứng là điều không thể nói được.

Khi ấy, Xá-lợi Tử suy nghĩ: Từ Thị Bồ-tát có trí tuệ sâu rộng, từ lâu đã tu đầy đủ tất cả các pháp bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng vô sở đắc làm phương tiện nên mới có thể đối đáp như vậy đối với các sự vấn nạn.

Phật bảo Xá-lợi Tử:

– Ý ông nghĩ sao? Nhờ pháp này ông chứng quả A-la-hán, ông có thể nói về tánh của pháp đó không?

Xá-lợi Tử thưa:

– Bạch Thế Tôn! Không!

Phật bảo Xá-lợi Tử:

– Cũng như vậy, không thể nói về tánh của pháp mà Đại Bồ-tát chứng được khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Đại Bồ-tát đó không nghĩ: Nhờ pháp này mà ta đã được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Cũng không nghĩ: Nhờ pháp này ta sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không có sanh tâm do dự là: Ta có đắc được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề hay không mà chỉ nghĩ: Ta nhất định sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì khi nghe pháp thậm thâm tâm họ không kinh khiếp, không sợ hãi, không lo ngại, không chìm đắm, không buồn rầu hối hận, tự biết mình chắc chắn sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà mình mong cầu và làm lợi lạc hữu tình cho đến tận đời vị lai.