Phụng Hoàng Cảnh Sách Tập
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

 

TẬP II

Ngày 14-1 Ất Hợi (13-2-1995)

Phần thỉnh nguyện, toàn chúng có tinh thần biết lỗi ra sám hối, khỏi đợi người khác chỉ. Như vậy rất tốt, đáng tán thán.

Tôi mong tất cả trong chúng luôn nhớ rằng chúng ta ở đây mang trọng trách khôi phục Thiền tông Việt Nam. Hiện giờ Thiền viện có nhiều, những huynh đệ mới đông cả trăm nhưng chưa thấm nhuần đạo lý nên không thể trông cậy được. Những người có khả năng, đáng tin tưởng, hiện đang có mặt ở Trúc Lâm, tôi mong rằng mai kia sẽ thay thế tôi làm những trách nhiệm nặng nề. Bởi vậy, tôi nhắc nhở toàn chúng ý thức trách nhiệm của mình. Nếu ngày mai chúng ta có duyên tốt khôi phục Thiền tông Việt Nam được sáng sủa, phát triển rộng, đó là túc duyên của mình. Nhưng không phải mình ngồi chờ túc duyên đến, mà mỗi người chúng ta đều phải nỗ lực ngay từ bây giờ.

Tôi có sở nguyện muốn khôi phục Thiền tông Việt Nam từ năm 1970. Đến bây giờ trải qua bao nhiêu năm, từ chỗ không có gì mà tôi cố gầy dựng, từ chưa có người hiểu Thiền là gì, tôi cố gắng làm cho một ít người hiểu. Đến nay đã có rất nhiều người hiểu được. Tôi xem đây là một trách nhiệm của tôi.

Từ số không mà nay chúng ta đã có đủ cơ sở, vậy phải ráng làm sao tạo dựng cho mình có một nền tảng đạo đức vững chắc. Nền tảng đạo đức đó gốc ở chỗ phải sáng đạo. Sáng đạo tức là thấy được cái chân thật của chính mình, nhận cho ra cái thật của mình chớ không phải chỉ nói suông hay tưởng tượng. Cái thật đó không đến với chúng ta qua lý luận. Chúng ta chỉ sáng ra khi tâm tư mình thanh tịnh. Cho nên tất cả trong chúng phải dồn hết tâm lực tu hành. Mọi chuyện phiền não, hơn thua không đáng đều bỏ qua hết, chỉ để tâm chuyên chú buông xả vọng tưởng và các duyên ràng buộc.

Vọng tưởng không phải bỗng dưng có, mà nó theo duyên sanh khởi. Nếu mình duyên cái gì bên ngoài thì vọng tưởng theo đó dấy lên. Vì vậy chúng ta phải buông hết các duyên bên ngoài, đừng để bị lôi dẫn, trong tâm mới dễ thanh tịnh. Cho dù cố dằn ép ở trong mà ở ngoài mình cứ theo đuổi hoài cũng không bao giờ dẹp nó được. Cho nên người biết tu phải gỡ bỏ những duyên lôi kéo bên ngoài. Những thứ dính mắc vì tập khí cũ khi vừa dấy khởi chúng ta phải bỏ ngay. Phải thấy rõ những thứ giả dối hư ảo không thật để đừng bị lôi cuốn.

Nhiều người cho rằng tu khó, nhưng thật ra không khó. Tu rất dễ, rất thảnh thơi, nhưng chúng ta thấy khó vì kẹt vào thói quen cũ. Như tôi thường ví dụ: Với một người ghiền rượu và một người chưa ghiền, khi tôi kêu bỏ rượu đừng uống, thì ai khó ai dễ? Đối với người chưa ghiền rượu, nói đừng uống rượu là chuyện như chơi không có gì khó. Nhưng đã lỡ ghiền mà bảo đừng uống rượu là chuyện rất khó.

Như vậy khó là do huân tập lâu ngày thành nhiễm sâu, bây giờ buông khó. Nếu chúng ta không huân tập thì buông dễ ợt, vừa nói buông liền sạch. Nên trong sự tu, không phải người giỏi người dở, mà sai khác gốc ở chỗ huân tập đã sâu dày hay nhẹ mỏng. Người mỏng buông mau sạch, còn người dày phải buông lâu mới sạch.

Lại còn khác nhau ở chỗ cương quyết và không cương quyết. Như tôi thường nói, cùng năm bảy người ghiền rượu, bây giờ biết rượu hại muốn bỏ, người nào cương quyết thì bỏ được, ai yếu đuối không thể bỏ. Bỏ không được là vì ý chí yếu đuối, không can đảm, nên biết là hại, là dở mà bỏ không được. Còn người kia cũng ghiền như vậy, nhưng ý chí kiên quyết thì bỏ được.

Đó là điều tôi muốn nhắc cho đại chúng biết, chúng ta tu được hay không là do ý chí cương quyết hay không cương quyết. Đừng nghĩ rằng trên đường tu mọi việc đều như ý, không có chuyện đó. Được cái này sẽ không ổn cái kia, nhưng nếu chúng ta cương quyết thì dầu trường hợp nào cũng thắng được, cũng đi đến nơi đến chốn. Đừng nói khó rồi không chịu tiến bước, đó là yếu đuối.

Tôi trông đợi toàn chúng ở đây. Những người tôi cho lên đây đều là người tôi tin tưởng. Bởi tin tưởng nơi mấy chú nên đặt nhiều kỳ vọng, nghĩ rằng mai kia mấy chú có đủ khả năng, về phụ lo cho Thiền viện Thường Chiếu và cũng để duy trì mở rộng Thiền viện Trúc Lâm. Sau này, Thường Chiếu và Trúc Lâm không còn là hai nữa, mà cùng chung một đường lối, một hướng đi và cùng những người từ đây ra chung vai gánh vác.

Vừa rồi Nhật Quang thưa với tôi:

– Công chuyện dưới này quá bề bộn, phần con bệnh hoạn một mình lo không xuể. Xin Thầy sắp người thế cho con nghỉ một thời gian.

Tôi trả lời:

– Bây giờ chưa có ai thế chú được. Ở Thường Chiếu toàn chúng nhỏ, còn Trúc Lâm tôi mới thành lập có một năm. Năm đầu còn nhiều việc rộn ràng chưa được rảnh để chuyên tu, đến năm thứ hai bớt công tác ở ngoài mới khép vô sự tu hành. Cũng phải đôi ba năm nữa mới có người thế, chớ bây giờ đâu có!

Nhật Quang thưa:

– Như vậy lâu quá!

Tôi nói:

– Lâu cũng phải chịu thôi chớ làm sao mau được.

Nhật Quang cũng muốn lên trên này để được tu, nhưng hiện không có người thế. Bao giờ có người tôi tin tưởng có khả năng, đối với đạo không còn lệch lạc nữa, tôi mới dám cho về dưới thay thế Nhật Quang. Ở đây chỉ khách du lịch đến, còn dưới kia là chỗ truyền bá rộng rãi vì gần thành phố, nhiều người tới lui, trên phương diện mở mang rất thuận lợi. Vì vậy đừng nghĩ rằng lên đây rồi ở đây mãi mãi. Một ngày nào đó, chúng ta cũng phải thay phiên về gánh vác công chuyện ở dưới.

Do đó, tôi trông mấy chú từng ngày chớ không đợi đến tháng đến năm. Mong sao mấy chú mỗi ngày khéo gạn lọc mình, bớt duyên bớt cảnh, tu hành đến nơi đến chốn, để một ngày nào khi cần thì có người thay thế. Như vậy trách nhiệm quá nặng nề chớ không đơn giản. Mấy chú ở đây không phải chỉ nghĩ mình tu đến chừng nào chết thôi. Không phải vậy! Mình tu để chính mình thấy được đạo, thật thấy chớ không phải tưởng tượng, biết được hướng đi không chút nghi ngờ để hướng dẫn cho những người sau. Đó là gánh vác một trách nhiệm lớn. Đây là nhân duyên Phật pháp vận hành chớ không phải ý kiến cá nhân tôi.

Như tôi đã nói hôm Tết, ở đây dù sao đi nữa cũng là cơ hợi tốt để mấy chú ráng tu. Mấy chú tiến được rồi mai kia có thể làm Phật sự lớn lao thay thế cho tôi. Tôi nghĩ hiện nay chỉ một mình tôi, nhưng sau này sẽ có cả trăm người chớ không phải là một nữa. Nên tôi mong đợi mấy chú cố gắng tu hành, đừng bỏ phí thời giờ, đừng vì chuyện nhỏ mà xao lãng bổn phận chánh yếu của mình.

Mong rằng trong chúng từ lớn tới nhỏ ai cũng ý thức được mình có trọng trách rất lớn để cố gắng tu. Mọi sự nhỏ nhoi không đáng bỏ qua hết, chỉ làm cho tròn một việc đó thôi. Như vậy mới xứng đáng, mới không uổng phí một đời tu của mình.

Ngày 1-2 Ất Hợi (1-3-1995)

Hôm nay thỉnh nguyện chỉ có một người thấy có những lỗi vi tế nên ra sám hối, ngoài ra tất cả đều được thanh tịnh. Đó là điều đáng mừng, trong chúng mỗi ngày tu hành mỗi tiến.

Chúng ta tu có hai phần: hình thức và nội tâm.

Về hình thức, tôi nhắc chung cho tất cả, chúng ta phải khéo giữ gìn oai nghi tế hạnh, từ cách đi đứng, nói năng, lúc nào cũng phải dè dặt để ngôn ngữ mình nói ra không có lỗi lầm, không bị người ta thấy thô. Hành động cũng vậy, đi lại hoặc lên lầu, xuống gác… đều phải nhẹ nhàng, êm ái đừng để huynh đệ phiền hà. Đi đứng chậm rãi, nếu có đi nhanh cũng nên nhẹ nhàng bình thản, đừng có những tướng đi vội vã coi không hay.

Về oai nghi, hành động, mỗi vị đều phải ráng tự kiểm, dè dặt đừng để thô tháo người ta cười. Bởi vì đối với người tu, nhất là tu thiền, người ta hay nói tâm an thì các hành động được nhẹ nhàng, từ tốn, không hấp tấp. Ngược lại, nếu hành động hấp tấp, không nhẹ nhàng, người ta thấy tâm mình cũng chưa yên ổn. Thân và tâm liên hệ với nhau. Cho nên tất cả phải ráng dè dặt.

Về phần nội tâm, chắc ai cũng thấy, tuy tu nhưng vọng tưởng khó trừ diệt, nếu có cũng chỉ diệt được phần nào, chớ sạch hết thì chưa có ai. Từ xưa tới giờ, người tu làm những Phật sự như cất chùa chiền… tuy là vất vả nhưng dễ được, dễ thấy. Ví dụ chúng ta làm từ thiện hoặc cứu trợ nạn lụt thì vận động Phật tử… mười bữa nửa tháng là làm xong công tác, kết quả thấy cụ thể. Hoặc giả như cất chùa xây tháp, mình cố gắng làm một năm hay hai, ba năm cũng rồi, công việc thấy tiến triển mỗi ngày. Chỉ có sự tu mới thật là khó, tuy năm, mười năm nhìn lại vẫn thấy chưa có gì thay đổi, chưa có gì đặc biệt.

Bởi vậy, gần đây giới tu sĩ chúng ta đa số đều thích làm Phật sự hơn ở yên tu. Vì ngồi tu xem trầm lặng quá, không thấy được kết quả cụ thể nên ít ai chịu làm. Nay ở đây chúng ta can đảm quyết tiến tu, mỗi người phải nhìn lại mình thật tường tận, thấy rõ từng hành động hay hoặc dở, từng lời nói thô tháo hay nhẹ nhàng, rồi nhìn rõ từng niệm, niệm khởi liền biết, không bị lôi dẫn. Việc làm này hết sức tế nhị, tuy như là mình không tu mà thật ra rất có công phu.

Vừa rồi tôi giảng về Tổ Bát-nhã-đa-la tức là Tổ thứ 27 Ấn Độ. Một hôm vua Hương Chí hỏi Ngài:

– Tôi thấy các thầy đều tụng kinh, tại sao Tôn giả không tụng kinh?

Tổ đáp:

– Tôi thở ra chẳng tiếp các duyên, hít vào không ở trong ấm giới, thường tụng thứ kinh này trăm ngàn muôn ức quyển.

Quí vị thấy tụng kinh đó là kinh gì? Lời này cho chúng ta hiểu thêm tinh thần người tu thiền. Bởi vì người tu chúng ta đối với sáu căn luôn luôn dè dặt cẩn thận, khi tiếp xúc với sáu trần không để dính kẹt. Đó là không kẹt ở ngoại cảnh. Rồi đối với nội thân, chúng ta không chấp năm uẩn này thật, luôn thấy là huyễn ảo, nên không mắc kẹt ấm giới. Thân và cảnh rỗng rang, đó là trọng tâm Phật dạy. Người tu thật tỉnh thật giác phải tiến đến chỗ này.

Như vậy, chúng ta muốn tất cả ngoại cảnh không có điều gì cột trói mình được thì tâm đừng chạy theo cảnh, đó là thở ra chẳng tiếp các duyên. Đối với nội thân, chúng ta thấy rõ thân này là tướng duyên hợp hư ảo không có gì thật, không phải thật mình, nay mai sẽ bại hoại không thể nào giữ được. Biết rõ như vậy cho nên không chấp thân là ngã, đó là không kẹt ấm giới. Trong ngoài không dính không kẹt hằng được tự tại, giải thoát. Đây là gốc của sự tu hành.

Nếu hằng nhớ hằng tu như vậy thì con đường giải thoát đối với chúng ta sẽ không xa. Tuy nhiên không phải thấy hiểu mà liền được, chúng ta phải huân tập hằng ngày, gỡ bỏ tất cả những thói quen dính mắc, lúc nào cũng thấy rõ thân và cảnh đúng như thật, không kẹt, không cố chấp. Như vậy sự tu hành mới có thể đạt kết quả tốt. Nếu tu mà cảnh tốt cảnh xấu bên ngoài đều kẹt, còn thân mình thì luôn luôn thấy có ngã, thấy là thật, quí… tức không bao giờ tiến tới chỗ giải thoát được.

Hôm nay tất cả chư Tăng tu hành về hình thức tọa thiền thấy có tiến, về lỗi lầm cũng giảm bớt, nhưng phải làm sao khi đi đứng nằm ngồi đối với sáu trần không dính kẹt, với nội thân không chấp trước, đó mới là cái gốc, là chỗ tựa của mình. Mong tất cả ráng tinh tấn để đạt được kết quả. Đó là chỗ mong mỏi của tôi.

Ngày 13-2 Ất Hợi (13-3-1995)

Kỳ thỉnh nguyện này tôi thấy toàn chúng đa số đều được thanh tịnh, chỉ có một vài lỗi nhỏ. Đó là điều đáng mừng. Tôi xin nhắc cho toàn chúng những điều cần thiết.

Điều thứ nhất là trong chúng mỗi người phải ráng lập ý chí mãnh liệt tu hành, đừng để giờ tu của mình biến thành giờ ngồi trong hang quỉ, rất đáng tiếc. Ngồi trong hang quỉ nghĩa là sao? Ngồi gục lên gục xuống, tối tăm, không sáng suốt, trong nhà thiền gọi là ngồi trong hang quỉ. Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực cố gắng đừng để những ma chướng hoặc ma ngủ lôi dẫn, bắt mình phải lệ thuộc, làm giờ tu không có lợi bao nhiêu. Đây là điều rất thiết yếu.

Đa số những người tu bị ma ngủ dẫn là do thiếu quyết liệt, thiếu sức tinh tấn. Nếu chúng ta tinh tấn, quyết liệt thì ma ngủ không thể thắng được mình. Muốn vậy, chúng ta phải có ý chí, quyết tâm.

Quí vị nhớ Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa chỉ cần được một người thôi. Người đó tôi gọi là “chàng dũng sĩ chặt tay” quên mình cầu đạo. Một con người như vậy thì sự tu hành mới không thối chuyển. Còn chúng ta đến với đạo quá nhẹ nhàng, tùy hỉ, không lập chí quyết liệt nên khó thắng được cái chướng giải đãi của ma ngủ. Nhờ dám chết để cầu đạo nên khi ngài Huệ Khả dụng công tu, liền được ngộ. Chỉ cần được một đệ tử dám chết để cầu đạo mà đèn Thiền truyền mãi đến bây giờ, cả ngàn năm Phật giáo Thiền tông không mất.

Người quyết chí chết sống vào đạo là một gương sáng cho chúng ta. Có một người như vậy, đạo pháp sẽ được lâu dài bền bỉ. Còn dầu chúng ta ở một trăm người mà ai cũng vào đạo với tánh cách cầu an, tu nhè nhẹ, chỉ mong có phước để dành đời sau thì sẽ không bao giờ tiến được đến nơi đến chốn. Cho nên khi chúng ta vào đạo, tu thiền cần phải nỗ lực cố gắng.

Ở đây tu không nặng về hình tướng. Thí dụ giờ tụng kinh ở các chùa, đánh chuông mõ tụng vang rân nên ít buồn ngủ. Còn chúng ta ngồi yên tĩnh kiểm soát lại mình, không có gì để nghe ngóng duyên theo, nên cơn buồn ngủ dễ đến. Vì vậy trong khi tự kiểm soát mình, phải lập chí cho vững, phải mãnh liệt lên, đừng để yếu đuối, lơ là, đó là cớ trở thành mê muội.

Trong khi ngồi nếu hơi mơ mơ một chút liền chấn chỉnh, tỉnh táo lên. Để mơ màng một lát sẽ gục. Giả sử người giám thiền đánh một cái, giật mình thức dậy, một lát để mơ mơ lại gục nữa. Cho nên bị đánh như vậy là phải chấn chỉnh mở mắt, ngồi nhìn thẳng cho mạnh mẽ khả dĩ mới thắng được, còn để mơ mơ hoài không bao giờ thắng được con ma ngủ. Không thắng ma ngủ thì ngồi chỉ là khổ thôi chớ không có kết quả.

Vì vậy quí vị phải ráng lập chí quyết liệt, đừng có lơ mơ, lôi thôi. Tôi yêu cầu quí vị giám thiền, nếu đi giám thiền thấy người nào, một là nửa chừng đi ra không có lý do chính đáng, hai là ngồi gục cổ ngủ thì cứ ghi sổ giùm tôi. Để coi những người đó có ý chí quyết tu không. Vào đây tu mà để con ma ngủ làm chủ hoài cũng không có lợi ích gì. Vì như tôi đã nói, thắng được buồn ngủ là do ý chí quyết liệt, còn thua là tại yếu đuối.

Tuy nhiên tôi cũng thông cảm cho một số mấy chú từ hai lăm tuổi trở xuống, đó là tuổi mê ngủ. Nếu mấy chú dưới tuổi hai lăm khả dĩ còn tha thứ, trên tuổi đó mà cứ để ma ngủ làm chủ là do yếu đuối, giải đãi, không quyết chí. Như vậy những người này phải bị tôi quở rầy nhiều và nếu nhiều lần không bớt có thể dời chỗ, vì ở đây cũng không có lợi gì. Tôi xin nhắc thật rõ như vậy. Nếu quí vị tu mà không làm chủ, không cố gắng, để cho ngủ sa đà, người khác tới nhìn thấy cười chê, làm sao tin quí thầy ở đây tinh tấn tu hành! Đó là điều không tốt.

Tôi khuyên quí vị ngủ nhiều phải tự cố gắng tỉnh táo lên. Biết rằng buồn ngủ là bệnh chung, nhưng cố gắng thì vượt qua được, còn không cố gắng tức bị nó dẫn, đó là dở. Vậy chúng ta phải ráng vươn lên, đó là yêu cầu thứ nhất của tôi.

Thứ hai, trong lời mở đầu của bản Thanh qui có nói chúng ta phải tập sống đạm bạc. Nhưng thật tình tôi thấy ở đây chúng ta chưa thật đạm bạc, trái lại nhiều khi còn hơi phung phí. Các đồ vật dùng có nhiều người xài một cách cẩu thả, làm cho hư hao rồi quăng bỏ, làm tiêu phí của Tam Bảo, không tốt.

Toàn chúng nên hiểu rằng người tu là người sống đơn giản và tiết kiệm, vì sợ tổn phước tổn đức, tu hành khó tiến. Đã sợ tổn phước, tổn đức thì của đàn-na thí chủ cúng dường mình phải xài đúng nơi đúng chỗ và đúng giá trị của nó. Đừng xài nửa chừng quăng bỏ làm hao tổn của tín thí, đồng thời mình cũng tổn phước, sự tu hành khó vươn lên được. Vì vậy ai tu cũng phải khôn ngoan tiết kiệm từng chút phước. Nhờ phước đó mà mình vượt qua được các chướng, chớ tu không có phước khi gặp điều chướng nạn mình không làm chủ, không vượt qua được, nó kéo mình tuột xuống, đời tu không tới đâu.

Cho nên chúng ta phải sống đơn giản, đạm bạc, đừng phung phí quá trớn. Dù biết rằng Thiền viện không thiếu nhưng mình vẫn gìn giữ cẩn thận. Thí dụ như một chiếc áo rách, chúng ta nên vá lại để mặc, chớ không phải mỗi lần rách là quăng bỏ, vì ở thế gian bao nhiêu người vẫn mặc áo rách. Rách mà vá đi vá lại càng tốt, vì người tu đơn giản, đạm bạc người ta càng quí kính chớ người tu sang trọng quá không hay. Vậy nên trong chúng phải biết để xài tiết kiệm. Gìn giữ của Tam Bảo tức là gìn giữ cho chính mình, đừng nên phung phí rồi tổn phước. Ai cũng muốn mình tu hành dễ tiến, nếu thiếu phước ắt khó tiến được.

Như vậy, sự tu đòi hỏi phải có ý chí và phước đức mới có thể tu đến nơi đến chốn. Đó là hai điều tôi mong toàn chúng ráng nhớ đừng quên. Có khi Phật tử thương giúp cho chúng ta được đầy đủ, rồi quí vị tưởng như mình khá giả, lại mặc tình phung phí. Đó là điều tổn phước. Giả sử mình có dư thì làm những Phật sự khác, thiếu gì công việc để làm. Thí dụ trong Viện nếu mỗi tháng có dư dả thì lấy tiền đó mua băng sang cho Phật tử nghe, hoặc in sách in kinh cho Phật tử đọc, vậy còn có phước, chớ mình phung phí là tổn phước.

Hôm nay tôi nhắc cho tất cả trong chúng gìn giữ đừng để tổn phước rồi sự tu hành không tiến được. Mong tất cả cố gắng!

Ngày 30-2 Ất Hợi (30-3-1995)

Hôm nay tôi nhắc lại phương pháp tọa thiền cho người mới tu. Quí vị nghe rõ và nhớ kỹ để chỉ dạy cho người sau.

Như tôi thường dạy, nếu người mới tu nên quán sổ tức và tùy tức, là hai phương tiện ban đầu. Chúng ta tu thiền theo lối phản quan tự kỷ. Thường ngày sáu căn phóng ra ngoài đuổi theo sáu trần, càng đuổi theo sáu trần càng quên mất mình, nên ngài Trần Thái Tông nói chúng ta là khách phong trần, lang thang mãi quên mất gia hương. Nay đếm hơi thở, theo hơi thở là những phút giây xoay lại mình, đó là trở về gia hương chớ không có gì lạ. Chạy theo sáu trần là lang thang làm khách phong trần, biết xoay trở lại là trở về gia hương của mình, về chỗ an lành. Đếm hơi thở là phương tiện đầu xoay sáu căn soi sáng trở lại mình. Mấy chú thấy đếm hơi thở xem như tầm thường, nhưng thật sự đối với người mới tu rất có giá trị.

Trước tiên, tôi dạy hít vô cùng, thở ra sạch, ba lần như vậy rồi đếm từ một đến mười, trở lại đếm từ một đến mười nữa. Nhớ từng con số nên tâm không buông lung phóng chạy. Đó là bước đầu của người mới tu. Khi nào thuần thục, không đếm lộn nữa tức là tâm đã yên được phần nào, chừng đó mới giảm sổ tức, chỉ còn tùy tức, nghĩa là theo hơi thở hay chú tâm vào hơi thở vô ra. Trước làm hai việc: đếm và theo hơi thở; bây giờ bỏ đếm chỉ còn theo. Đến khi nào theo hơi thở có kết quả tốt và tỉnh, tức là đã tự điều hòa được hơi thở, lúc đó tôi dạy buông vọng tưởng.

Tất cả niệm khởi gọi là vọng tưởng, đừng theo hoặc buông đi. Đó là phương tiện biết vọng không theo. Đến chặng thứ ba này, chúng ta buông hơi thở, chỉ để ý xem chừng niệm khởi, nên sự tu không chỉ giới hạn trong những giờ ngồi thiền, mà mở rộng ra trong mọi sanh hoạt hằng ngày. Trường hợp nào, ở nơi đâu cũng tu được, tu rất nhẹ nhàng. Đó là đi thẳng vào Thiền tông.

Các Thiền sư, từ Tổ Huệ Khả đến các vị Tổ ở Việt Nam, đều thực hành đường lối biết vọng không theo. Chừng nào vọng tưởng đã lặng, chừng đó không còn buông vọng, cũng không nói là vọng nữa, tự tâm yên ổn trong sáng. Tới đó, trong mười mục chăn trâu là không còn trâu để chăn, rồi từ từ chăn cũng mất luôn. Đó là đường hướng của tôi chỉ dạy, căn cứ theo Tổ Huệ Khả: “Tìm tâm không thể được.” Chư Tổ Việt Nam cũng dạy quán chiếu soi lại mình như vậy, nên tôi lấy đó làm tiêu chuẩn để dạy người mới tới.

Nhiều lúc trong khi đang ngồi tu, quí vị buông vọng tưởng, bất thần nhớ lại câu gì đó ngày xưa học mình nghi, nay bỗng dưng hiểu rõ, sáng được. Người ta cứ tưởng do mình nhớ hoặc nghi mà phát ra, chớ kỳ thật là nhờ buông xả, tâm được yên, nên khởi nghĩ về cái gì thì sáng được cái đó.

Tăng chúng ở đây phải biết và nắm vững, để chỉ dạy cho người bước đầu. Nếu ai đã thuần thục, từng tham cứu nơi này nơi kia thì chỉ dạy buông vọng tưởng hoặc sống với thể thanh tịnh, vừa có máy động đừng theo, tới đó không bắt buộc nữa.

Như vậy, chúng ta tu có đường hướng rõ ràng, không phải mạnh ai nấy tu. Nên hôm nay tôi nhắc cho toàn chúng nắm vững, biết đường lối chủ trương của mình.

Ngày 13-3 Ất Hợi (12-4-1995)

Hôm nay tôi có vài vấn đề nhắc nhở trong chúng.

Tôi biết rằng tất cả quí vị đến đây đều là những người quyết tâm tu hành để đạt đạo, chớ không phải tu cho có chừng. Tuy nhiên là con người ai cũng có bệnh, nên trong khi tu có những lúc không được an ổn dễ sanh ra giải đãi, ngồi thiền không được trọn thời hoặc bỏ khóa tụng… Đó là do nội chướng hoặc ngoại chướng sanh ra. Tuy vậy, trong lời nói đầu bản Thanh qui, dù cho nội chướng hay ngoại chướng chúng ta đều vượt qua, không để nó lôi kéo mình.

Vậy nên trong khi tu, quí vị thấy những gì làm ngăn trở chướng ngại phải ráng vượt qua chớ đừng để thua. Ngồi thiền phải ngồi cho mãn giờ, tụng kinh phải đi cho đủ, trừ một hai trường hợp Tri sự nhờ làm công tác vô trễ. Toàn chúng phải giữ đúng thời khóa, vì đây là căn bản của sự tu. Tôi mong mỏi chúng giờ nào cũng là giờ tu, chớ không phải tu theo thời khóa là đủ. Nhưng vì trong chúng muốn có chừng mực thì phải đặt ra thời khóa, còn những thời gian khác mỗi người thức tỉnh tự tu. Thời khóa là căn bản, nếu chúng ta bỏ qua là thiếu sót. Mong rằng tất cả trong chúng ý thức được sự tu hành phải ráng giữ đúng thời khóa.

Kế đến, tôi nhắc lại điều thứ tám trong phần phụ của Thanh qui: “Phải tiết kiệm tài sản của Thiền viện bằng mọi cách, không nên phung phí quá đáng.” Tôi thấy trong chúng có một vài sơ sót. Ở đây có phước, mọi nhu cầu được đầy đủ nhờ Phật tử thấy chủ trương đường lối tu hành của mình thích hợp nên hưởng ứng giúp đỡ. Khi chúng ta xài đồ đạc, từ quần áo cho tới kem đánh răng, bàn chải… phải ráng gìn giữ đừng để phung phí. Có nhiều khi mình không khéo để sơ sót bị chó mèo tha đi, uổng phí của đàn-na thí chủ.

Dù chúng ta có đủ cũng xài một cách tiết kiệm, đừng nên phí. Trong nhà đạo gọi là kiệm đức, nghĩa là nhờ mình tiết kiệm mà công đức được tăng trưởng, còn không biết tiết kiệm sẽ làm suy giảm công đức của mình. Công đức giảm thì trên đường tu dễ sanh ra nhiều chướng. Vì vậy quí vị ráng dè dặt đừng để công đức của mình bị suy giảm.

Đến mục thứ hai, tôi xem là quan trọng, nhắc hoài, mà nhiều khi trong chúng vẫn quên. Hiện giờ chúng ta đang ở Thiền viện Trúc Lâm, tên gọi này tôi lấy từ Trúc Lâm Yên Tử, một hệ phái của Thiền tông Việt Nam do vua Trần Nhân Tông sau khi đi xuất gia lập ra. Ngài hiệu Trúc Lâm Đại Đầu-đà, ở núi Yên Tử. Tôi kiểm từ đầu, từ khi Thiền tông vào Việt Nam cho tới đời vua Trần Nhân Tông mới có Trúc Lâm Yên Tử là hệ phái do một Thiền sư Việt Nam đứng lên chủ xướng thành lập. Cho nên hệ phái đó được xem là thuần túy Phật giáo Việt Nam.

Các vị Thiền sư trước ở hệ phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, hệ Vô Ngôn Thông hoặc Thảo Đường. Các hệ phái đó đều tiếp nối những dòng thiền từ Trung Hoa. Sơ tổ Trúc Lâm Đại Đầu-đà đã hòa hội các phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và luôn cả Lâm Tế thành hệ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nay vì muốn gần gũi dân tộc Việt Nam nên tôi lấy hệ phái Trúc Lâm Yên Tử làm tiêu chuẩn để tất cả Tăng Ni ở đây tu hành. Như vậy, chúng ta có tiêu chuẩn, có hướng đi rõ ràng để tu và hướng dẫn người sau.

Khi thành lập Thiền viện Trúc Lâm, tôi nhắm đến hệ phái thiền Việt Nam Trúc Lâm Yên Tử. Tại sao vậy? Vì chúng ta là người Việt Nam, tu hành ở trên đất nước Việt Nam, chúng ta biết được đạo và biết được đường lối tu là nhờ ơn chư Tổ. Các ngài từ trước đến giờ truyền đăng tục diệm, mồi đèn nối đuốc, tới ngày hôm nay chúng ta mới biết đường mà tu. Tuy chúng ta tu theo Phật, nhưng đức Phật đã nhập Niết-bàn hơn hai ngàn năm làm sao chúng ta biết để học. Chính nhờ chư Tổ tiếp nối lần lần, từ Ấn Độ đến Trung Hoa và Việt Nam truyền bá đến ngày nay. Chúng ta biết được đường lối tu hành nhờ chư Tổ Việt Nam chỉ dạy.

Như vậy, chúng ta tu gốc từ đức Phật, kế là chư Tổ Việt Nam. Nhưng Phật giáo Việt Nam hiện giờ nhìn lại các chùa tu Tịnh độ, hay tu Mật chớ không chuyên tu Thiền. Phật giáo Việt Nam đã có từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 19, các vị nổi danh đều là Thiền sư. Như vậy gốc Phật giáo Việt Nam là ở trong nhà thiền.

Ngày xưa từ đức Phật cho đến chư Tổ đều lấy tọa thiền làm căn bản, mà tọa thiền là phản quan tự kỷ tức soi sáng lại chính mình. Quí vị nhớ ba vô lậu học Giới Định Tuệ là gốc của người xuất gia tu hạnh giải thoát. Giới là nhờ chúng ta cố gắng giữ giới mà được công đức, thành tựu đức hạnh người tu. Định là do chúng ta thiền định mà tâm được lóng lặng, an vui. Rồi từ đó trí tuệ sáng lên, là Tuệ. Như vậy Giới Định Tuệ tự mình tu chớ không trông cậy bên ngoài. Vậy mà lâu nay chúng ta tu, cứ thích cầu tha lực, không chịu quay lại mình.

Hiểu như vậy chúng ta mới thấy đường lối tu thiền là gốc của đạo Phật, là nền tảng không thể nào lay chuyển được. Chúng ta tu nếu cứ theo hai thời khóa tụng là nghiêng về tha lực. Còn phản quan tự kỷ là nhắm thẳng vào tự lực, tất nhiên phải nhọc nhằn, khó tu nhưng kết quả thiết thực hơn.

Khi mấy huynh đệ tự soi sáng lại mình, còn vọng tưởng biết còn vọng tưởng, còn phiền não biết còn phiền não, bớt tham sân si biết bớt tham sân si. Mình tự thấy rõ ràng nên tiến tới đâu rõ tới đó. Ngày xưa tánh tình nóng nảy, tham lam, bây giờ tu nhìn lại thấy có giảm tham lam nóng nảy. Ngày xưa trong tâm đủ thứ phiền não, bây giờ nhìn lại thấy đã bớt. Ngày xưa vọng tưởng liên miên, giờ nhìn lại cũng thưa dần. Như vậy, chúng ta tự kiểm soát, biết được mình tu thành công hay là không, có tiến hay không tiến, đời tu của mình được chứng minh cụ thể. Cho nên bây giờ người trí thức Tây phương khi nghiên cứu đạo Phật đều hướng về tu thiền.

Hiện nay chủ trương của tôi nhắm hai mặt:

Thứ nhất, Phật giáo Việt Nam đừng nô dịch văn hóa Trung Hoa nhiều. Nên các bài kinh tụng tôi đều dịch ra chữ Việt, để mình phát âm và tụng đúng như tiếng Việt.

Điều thứ hai, tôi thấy rằng Thiền tông là cội gốc của Phật giáo Việt Nam mà bây giờ đã bị quên lãng nhiều, nên tôi cố gắng gầy dựng lại. Hiện nay chúng ta nói Phật giáo Việt Nam nhưng vào chùa chỉ thấy hai thời khóa tụng bắt chước theo Phật giáo đời Thanh ở Trung Hoa, kinh sách đa phần là chữ Hán. Như vậy, chưa có cái gì là Phật giáo Việt Nam. Cho nên ở đây tôi cố gắng góp nhặt những tài liệu Phật giáo đời Trần, đời Lý và tất cả những đời sau này còn sót lại, chuyển thành nền văn hóa Phật giáo Việt Nam, gọi là đường lối tu hành của chư Tổ Việt Nam, tạo nên một bộ sách, để sau này khi nói tới Phật giáo Việt Nam chúng ta sẽ có chứng cứ cụ thể trình ra cho mọi người biết.

Như vậy việc làm của mình ở đây không phải là chuyện nhỏ. Thấy như chỉ có một nhóm hay một người chủ trương, nhưng nếu làm thành công thì sau này Phật giáo Việt Nam có chỗ đứng thực tế, bằng không chỉ nói tên rỗng Phật giáo Việt Nam mà thực chất từ đường lối tu cũng như sách vở, ngôn ngữ phát âm đều bằng tiếng Hán, đó là một điều thiếu sót lớn.

Sự việc này tôi không dám nói với những vị Tôn túc ở các nơi, vì các ngài lớn, tự có đường lối riêng. Tôi chỉ chủ trương thầm lặng, tự mình cố gắng làm, đồng thời nhắc nhở chúng cố gắng tu. Chừng nào chúng ta làm được, tu được thì lấy đó làm căn bản, mai kia trong Giáo hội thấy cần, chừng đó mình phụ giúp cho Giáo hội có chỗ đứng vững chắc về tinh thần Phật giáo Việt Nam. Còn bây giờ, trong khi đang làm, nội bộ chúng ta chỉ cố gắng tu, cố gắng thực hành không lơ là, cũng không khoa trương điều gì.

Bởi vậy, tôi nhắc chúng phải lưu tâm nhiều các bài tôi giảng. Vì khi đã nói mình ứng dụng tu theo đường lối các Thiền sư đời Trần thì những gì hay của Phật giáo đời Trần mình phải hiểu và thấm nhuần. Như học qua ngài Trần Thái Tông có những bài kệ rất hay, tôi bắt chúng cố gắng học. Đã có ai học thuộc bài nào chưa? Như hai câu kệ mà tôi rất thích:

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.

Hai câu thật là thấm thía! Chúng ta mãi lâu xa làm khách phong trần, bỏ quê hương đi lang thang trong dòng luân hồi muôn kiếp. Càng đi mỗi ngày càng xa cách quê hương vạn dặm. Cũng vậy, nếu trên đường sanh tử chúng ta cứ chạy theo sáu trần không thôi thì càng ngày mình càng xa với chỗ chân thật, với bản lai diện mục của chính mình.

Sáu căn phóng theo sáu trần chính là lang thang trong luân hồi sanh tử. Còn bây giờ trở về quê hương của chính mình là những giờ phút tự soi sáng lại, tìm cho ra cái chân thật. Đó là những giờ tọa thiền soi sáng lại, không cho phóng chạy ra ngoài nữa. Nhìn lại mình mới thấy thân là hư dối, cuộc sống tạm bợ vô thường, và nhận ra nơi mình có cái chân thật. Đó là chúng ta đang đi lần trở về quê hương. Như vậy, chỉ hai câu đó đã thấy một con đường dài sanh tử không cùng tận nếu mình phóng ra; còn khi biết quay lại thì con đường trở về quê hương mỗi ngày một gần.

Vua Trần Thái Tông tuy là cư sĩ mà những câu Ngài dạy rất thâm trầm. Vậy nên khi học quí vị phải hiểu và nhớ, để mai kia ai hỏi Phật giáo đời Trần có gì hay, mình dẫn từng người. Như vua Trần Thái Tông, người đề xướng ban đầu có những điểm gì ưu chúng ta kể lại, kế đó Tuệ Trung Thượng Sĩ, rồi đến vua Trần Nhân Tông tức Trúc Lâm Đại Đầu-đà… phải hiểu và nhớ. Thay vì nhớ những chuyện nhảm nhí, chúng ta nhớ những bài thơ, bài kệ đó, hay biết mấy! Mấy chú ráng học chút ít chữ Nho và thuộc những bài thơ bài kệ rất thâm trầm đó, để làm giềng mối trong việc tu hành của mình, cũng như trong sự giảng dạy cho người sau. Học rồi cũng như không thì uổng công tôi, không có kết quả.

Giả sử mấy chú không thuộc nhiều cũng phải dẫn được ít câu làm chứng tinh thần và đường lối của các ngài. Nếu học rồi lại quên, đem chuyện bên Đông bên Tây ra dẫn chứng, trong khi chúng ta tu theo hệ phái Trúc Lâm mà không biết đường lối Trúc Lâm, đó là sơ sót lớn. Ở đây tôi đã tuyên bố Thiền viện Trúc Lâm tu theo đường lối Thiền tông đời Trần, đương nhiên mấy chú phải nắm vững những điều tôi cố tình chỉ dạy trong mỗi buổi giảng. Cho nên học rồi phải ôn đi ôn lại, đừng học sơ sài rồi bỏ qua, kiếm quyển sách mới đọc, như thế làm sao hiểu được đường lối tu của mình? Mấy chú nên lưu ý nhận định cho chín chắn để nắm vững đường lối tu.

Ngày nay mấy chú có mặt ở Thiền viện Trúc Lâm này, mai kia tôi tịch rồi, Thiền viện Trúc Lâm tu như thế nào, đường lối ra sao, mấy chú phải nắm vững, thực hành cho có kết quả mới có thể truyền bá và chỉ dạy cho người. Nếu mình ở Thiền viện Trúc Lâm, tu theo hệ phái Trúc Lâm Yên Tử, mà không biết gì về Thiền Trúc Lâm, cũng không biết Thiền Việt Nam, gặp đâu tu đó, mai kia có ai hỏi, yêu cầu dạy, biết dạy thế nào? Do vậy tôi cần nhắc kỹ để tất cả hiểu rõ đường lối chủ trương của mình.

Khi tôi lấy Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử làm nền tảng căn bản cho tất cả Tăng Ni ở đây tu, trước phải có tư liệu sách vở để hướng dẫn. Nên tôi cố gắng soạn dịch đầy đủ các tư liệu đời Trần, đem ra giảng dạy trong mỗi kỳ học nửa tháng để tất cả nắm vững đường lối tu của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Quí vị học và tu có kết quả sau mới có thể giảng dạy cho người.

Lời tôi nhắc tất cả phải chú ý, bởi vì hệ phái Trúc Lâm Yên Tử có giá trị đặc biệt của nó, vừa có giá trị tinh thần là đường lối chủ trương tu thiền Việt Nam, vừa rất thâm trầm, so với các Thiền sư Trung Hoa thấy không thua kém. Vậy trong chúng lưu tâm nghe cho kỹ, mai kia chỉ dạy lại cho đàn em có chứng cứ căn bản. Tôi nhắc nhở, tất cả cố gắng học hành!

Ngày 28-3 Ất Hợi (27-4-1995)

Hôm nay tôi nhắc cho toàn chúng biết mục đích của Thiền viện. Đây là những chuyện đã nói nhưng sợ lâu rồi quí vị quên.

Mục đích của Thiền viện tôi chia ra làm hai chặng, một gần và một xa. Chặng gần coi như phụ, còn chặng xa là chánh. Thiền viện chúng ta lập ra với mục đích là làm sao để cho chư Tăng chư Ni tu hành có kết quả. Tôi thường nói với mấy chú, theo chủ trương của tôi, muốn làm cho Phật pháp hưng thạnh, không phải tổ chức khéo, cũng không phải đông người mà là có người tu sáng đạo. Vì tôi đọc sử từ trước đến giờ thấy Phật giáo hưng thạnh là nhờ có những vị Tăng ngộ đạo truyền bá. Như đọc lại sử Thiền sư Việt Nam, quí vị thấy toàn là những vị ngộ đạo, cho nên các ngài truyền bá được sâu rộng, dù gặp hoàn cảnh không thuận cũng chuyển thành thuận.

Ví dụ như đời Lê Hy Tông, Vua ra lệnh đuổi hết Tăng Ni về rừng, không cho ở thành thị. Ngài Tông Diễn do đã thấy đạo nên can đảm tự thân đến cảnh tỉnh nhà vua, cứu vãn Phật pháp trong cơn nguy khốn. Vua Lê Hy Tông từ khi thấu hiểu đạo lý, thu hồi lệnh trước cho Tăng Ni trở về chùa cũ, tùy duyên giáo hóa. Như vậy, không phải nhiều người, cũng không phải tổ chức khéo, mà chỉ một người thấy được đạo rồi chỉ cho người khác biết được tường tận điều hay, lẽ thật thì cải hóa tâm hồn họ.

Như vậy trọng tâm gìn giữ Phật pháp là phải có người thấy đạo. Do đó, tôi chủ trương ở đây chúng Tăng tu được sáng đạo mới thôi. Đó là để duy trì Phật pháp được lâu dài. Tôi không chủ trương tổ chức khéo và đông, nên quí vị thấy những Phật tử qui y rồi về tự tu, tôi không bắt buộc họ phải tới lui. Ngoài lá phái qui y cũng không bắt buộc họ có giấy tờ gì của Thiền viện. Đó là tôi không muốn nặng về tổ chức, chỉ muốn tạo duyên cho mọi người hiểu đạo tu.

Chư Tăng Ni ở đây nếu có năm mười người tu thấy được đạo, đó là thành công của mình. Được vậy tôi tin rằng Phật pháp sẽ còn lâu dài, không thể bị xoay chuyển hoặc mất mát. Vì thế, những việc làm của tôi đều nhắm thẳng vào sự tu, không phải chỉ chuyện truyền bá bề rộng. Ngày mai Phật pháp còn được hưng thạnh chính là nhờ sự tu của Tăng Ni.

Đó là tôi nói chung, còn riêng Thiền viện chúng ta lấy danh nghĩa Trúc Lâm Yên Tử, quí vị cũng thấy mục tiêu tôi nhắm là muốn làm sao cho Phật giáo Việt Nam được rực rỡ lên. Muốn được sáng, được rực rỡ, không có nghĩa là tổ chức đông, tổ chức tốt mà là chúng ta phải thấy đạo, chỉ được lẽ chánh cho tất cả mọi người cùng biết, cùng tu, đó là đạo đức được sáng. Nếu chúng ta tổ chức khéo mà đi đường tà thì càng làm cho mọi người vô minh tăm tối thêm chớ không lợi ích gì.

Chúng ta chủ trương khôi phục Thiền tông Việt Nam đời Trần thì phải làm sao cho có đủ lẽ thật. Khi người ta thấy mình ngồi thiền, không hiểu mình dụng công thế nào, nên tôi dùng bài Sám hối sáu căn của vua Trần Thái Tông cho tất cả Tăng Ni tụng mỗi tối. Ai cũng biết đó là bài sám hối của vua Trần Thái Tông. Như vậy, chúng ta hướng trở về Phật giáo đời Trần có chứng cứ cụ thể không nghi ngờ.

Thứ hai là chúng ta phải có những tư liệu, hình thức về văn hóa Phật giáo đời Trần, để người ta thấy mình đang nghiên cứu và tu theo Phật giáo đời Trần. Những sách vở đời Trần còn lại chúng ta phải hiểu, phải thâm nhập, như vậy mình mới đề xướng ra được. Đời tôi chỉ là mới khai mào chớ không phải kết thúc, chính đời của mấy chú sau này mới kéo dài, làm sáng tỏ thêm. Như vậy chúng ta phải nghiên cứu văn hóa đời Trần, nhất là những bài các vị Thiền sư đã chỉ dạy. Học hiểu rồi chúng ta mới có thể giải thích cho những người khác hiểu. Đó là chỗ thiết yếu.

Kế nữa, chúng ta ứng dụng tu cho có kết quả. Khi tôi sách tấn tu, có nhiều chú cũng hiểu lầm, muốn đi kiếm chỗ riêng tu rút cho mau ngộ đạo. Nhưng nếu ngộ đạo ở nơi khác thì có phải là tiếp nối đường lối của Thiền viện Trúc Lâm không? Như vậy lòng tin của Phật tử đối với mình sẽ không đủ, khó làm Phật sự. Do đó, tôi thúc đẩy, nhắc nhở là cốt cho quí vị đừng bỏ thời giờ trống vô ích, lúc nào cũng phải tỉnh sáng, lúc nào cũng phải cố gắng tu chớ không bắt người này người kia kiếm chỗ riêng để ngồi tu rút. Tu rút như vậy đến chừng tôi chết quí vị không biết nối pháp ai, không biết tiếp tục cái gì.

Phải hiểu cho thật rõ để làm không sai. Một là chúng ta sám hối sáu căn để người ta thấy rõ đường lối của mình đi theo hướng Phật giáo đời Trần. Hai là những văn bản đời Trần chúng ta đọc và phiên dịch giảng giải được. Ba là chúng ta tu cho có kết quả tốt thì mai kia mới có thể duy trì hoặc khôi phục được nền Phật giáo Việt Nam. Nếu chúng ta làm được ba điều đó thì Thiền viện Trúc Lâm sẽ làm cột trụ cho Phật giáo Việt Nam mai kia. Vì vậy mấy chú phải hiểu được mục đích của tôi để cùng thực hiện.

Bây giờ nhìn cho kỹ mấy chú sẽ thấy các duyên của mình đang rất thích hợp, cả Trung, Nam, Bắc nhiều người hưởng ứng theo đường lối tu của mình. Chẳng những Trung, Nam, Bắc mà cả nước ngoài nữa. Gặp cơ hội tốt, đủ duyên lành đưa đến mà mình không cố gắng làm cho được thì thật uổng, không xứng đáng là Tăng sĩ Việt Nam. Nên tôi mong tất cả phải hiểu và cố gắng thực hiện.

Làm được việc này là đạt được mục đích gần của Phật giáo Việt Nam hoặc đường lối tu của Thiền viện Trúc Lâm. Còn mục đích xa hoặc cứu kính thì tôi chủ trương chúng ta phải đi đến chỗ sanh tử tự tại. Tôi nói sanh tử tự tại mà không nói giải thoát sanh tử, quí vị thấy hai điều đó có khác không? Nói giải thoát sanh tử thì không khéo mình lại lạc qua Nhị thừa, bởi vì tu gấp gấp để dứt hết mọi mầm sanh tử cho mình được giải thoát. Như vậy một đời này giải thoát tức là nhập Niết-bàn, nhập Niết-bàn rồi yên phận, bỏ mặc chúng sanh.

Chúng ta học Thiền Sư Trung Hoa, ngài Từ Minh nói: “sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”, nghĩa là khi sanh ra giống như mùa đông lạnh lẽo mà được đắp chiếc chăn ấm, như vậy sanh ra thích không? Rồi “tử như cởi áo hạ”, mùa hạ nắng nóng nực đổ mồ hôi, mặc hai ba lớp áo, bây giờ cởi ra cho nhẹ mát, thích không? Như vậy sanh thích, tử cũng thích, nghĩa là sanh tử tự tại. Mà sanh tử tự tại rồi mình tùy duyên làm lợi ích cho chúng sanh, đến khi nào công đức viên mãn gọi là tự giác, giác tha tròn đủ, chừng đó thành Phật.

Chúng ta không đòi nhập Niết-bàn cho yên phận mình, bỏ mặc chúng sanh thế nào cũng được. Đó là hiểu rõ mục đích của mình. Muốn được sanh tử tự tại tất nhiên trên đường tu chúng ta phải cố gắng nỗ lực chớ không lôi thôi được.

Sanh tử tự tại gồm hai phần: thân và tâm.

Về phần thân, chúng ta phải gan dạ, chịu đựng. Chính ngồi thiền đau chân cũng là một sự gan dạ, tập cho mình làm chủ được, tức là tự tại. Mình làm chủ không được là không tự tại. Những đau nhức chúng ta vẫn vượt qua không bị cản trở, đó là mình đã làm chủ được nó. Hiện tại còn khỏe mạnh, mình làm chủ nó từ từ, đến khi nhắm mắt mình làm chủ hoàn toàn, không vì đau nhức mà loạn tâm loạn tưởng, không vì đau nhức mà hoảng hốt sợ sệt. Đó là gốc của sự làm chủ. Vì vậy tôi khuyên mấy chú phải cố gắng. Đừng vì một hai cái đau hoặc khó chịu mà mình lại yếu đuối thua nó, không hay.

Thứ hai về nội tâm. Làm chủ nội tâm là biết rõ các thứ hư ảo không thật, đừng bao giờ để nó lôi kéo mình. Nếu bị cái hư ảo lôi kéo thì nhất định theo nghiệp đi trong đau khổ. Còn nếu làm chủ được thì tất cả những tâm niệm điên đảo không có gì quấy nhiễu được mình; khi chết những niệm hoảng sợ, lo âu, vui buồn không thể lôi dẫn mình đi theo nghiệp.

Tuy nhiên, chúng ta đừng vì thấy thân tâm giả dối tạm bợ rồi đòi đến chỗ an lạc giải thoát riêng. Chỉ cần sống trong cõi trần mà không bị xao xuyến loạn động, tự tại đến, tự tại đi để làm lợi ích cho chúng sanh. Cái đó mới là thiết yếu, tôi gọi là sanh tử tự tại. Bởi vì mình tu một đời không bao giờ thành Phật, chỉ có thể được tự tại trong sanh tử rồi tạo đầy đủ công đức sau này mới thành Phật. Đó là con đường của Thiền tông chủ trương. Vì vậy tôi gọi là mục đích sâu xa, còn làm sống dậy Phật giáo Việt Nam là mục đích gần.

Vậy quí vị hiểu cho rõ đường hướng chủ trương của Thiền viện. Trong khi tu chúng ta vừa cố gắng tu, vừa cố gắng làm chủ hoàn toàn thân tâm, rồi luôn luôn nhớ đến chúng sanh. Đừng nghĩ chỉ tu cho được phần mình thôi, trái lại nên nhớ mình phải làm lợi ích cho tất cả chúng sanh hiện tại và nhiều đời về sau. Vì lẽ đó tôi mới khuyên phải ráng đi cho đúng đường, đúng hướng. Điều gì chúng ta thấy thích hợp, đủ cơ duyên tốt phải nắm lấy cơ hội đó để làm cho nó tăng trưởng, đừng vì chỗ tiêu cực riêng tư mà quên mất việc lớn, làm cho tâm niệm hèn yếu, không có lợi cho Phật pháp sau này. Đó là điều cần yếu tôi xin nhắc cho toàn chúng hiểu.

Tôi nhắc thêm vài việc trong chúng. Những vị có trách nhiệm dài ngày thường bận rộn là hương đăng, tri khách, thư ký và chuyên viên máy móc. Quí vị dù có đa đoan công việc bao nhiêu, mỗi người cũng phải ráng tu. Sự tu mới là trọng tâm, là bề sâu của mình. Nếu chúng ta làm được chuyện bên ngoài mà thiếu phần tu tức là thiếu sự thâm hậu, mai kia mình không đủ tư cách để lãnh đạo chúng Tăng hoặc hướng dẫn Phật tử.

Vì vậy, người nào ở đây tôi cũng muốn tu cho được, đừng vì công tác của mình mà giảm bớt sự tu. Ngoài giờ làm việc, tới giờ tu quí vị cũng phải ráng đừng để thiếu, như vậy tự lợi lợi tha mới tròn đủ. Nếu được việc cho chúng mà sự tu bị thiệt thòi, lâu ngày sẽ đâm ra mệt mỏi, buồn nản; thấy mình tu không tiến, không bằng huynh đệ, tự nhiên thối tâm rồi có những tư tưởng lung tung.

Vậy nên tôi nhắc những vị có trách nhiệm nặng phải cố gắng làm sao sắp xếp công việc cho gọn, đừng để sự tu hành bê trễ.

Ngày 14-4 Ất Hợi (13-5-1995)

Hôm nay tôi có vài lời nhắc nhở chúng. Trong chúng được sống trong một khung cảnh tương đối thanh tịnh, đa số không bị lỗi lầm, chỉ có một vài trường hợp đặc biệt thôi, như vậy chứng tỏ sự tu hành của chúng có những bước tiến tốt. Tuy nhiên tôi thấy cũng còn một vài cái yếu đuối, như lúc khí hậu không tốt trước ngày mưa, hoặc qua một trận gió, có một số người bệnh.

Tôi kể lại cho mấy chú nghe: Hôm đi về Thường Chiếu, mấy ngày liền tôi không được nghỉ ngơi, lại đi đây đi kia liên miên nên rất nhọc. Về tới đây gặp mấy ngày sắp mưa, khí hậu thật khó chịu. Hôm tôi về mệt, nằm trên cái ghế ở ngoài, tới chiều nghe toàn cơ thể đau rêm hết, theo thông thường thì chắc phải đánh gió cạo gió, nhưng tôi làm thinh không nói. Tới tối tôi biết là cảm nặng nhưng cũng im lặng.

Đến giờ ngồi thiền tôi mặc thêm chiếc áo lạnh, lúc xả thiền thấy rơm rớm mồ hôi. Sau khi xả thiền ra tập lộc lô song quan thấy đỡ, nhưng cái cổ còn đơ. Tôi ngủ, sáng dậy ngồi thiền tiếp, bắt đầu ngồi thiền khi thở ra tôi tưởng như đuổi hết mọi bệnh hoạn ra ngoài. Sau khi xả thiền, tôi tập lộc lô thêm một lần nữa. Đến sáng thấy tỉnh táo bình thường trở lại. Như vậy nếu tôi yếu đuối thì bệnh rồi. Vì sẵn mấy ngày đi nhọc nhằn, về gặp khí hậu không tốt nên dễ bị cảm, nhưng ráng cố gắng rồi cũng vượt qua.

Mấy chú nhớ trong thời thiền của mình, lúc bắt đầu ngồi và khi xả thiền, chúng ta có ba lần hít thở. Khi hít vô tưởng như máu huyết lưu thông khắp châu thân, tôi khi hít vô thấy máu chạy đều hết. Khi thở ra tưởng như bệnh hoạn phiền não theo hơi thở ra ngoài, tôi khi thở ra cũng thấy như bao nhiêu bệnh chạy ra hết. Ba lần thở như vậy rồi tới lộc lô nữa, thắng được cơn bệnh.

Ở đây có mấy người bị bệnh, vậy mà mấy chú chưa có khả năng thắng nó. Mấy chục năm nay tôi không hề cạo gió. Khi nào khó chịu, tôi ráng ngồi thiền, ngồi tăng giờ hoặc là sau khi xả thiền ra lộc lô thật kỹ, tôi thấy có kết quả rất tốt. Còn nghe đâu có mấy chú tập yoga sao mà tới gân cốt bị sai lệch lung tung vậy. Đó là không bệnh mà chuốc bệnh vào.

Môn lộc lô tôi đã tập và thấy có hiệu quả mới dạy cho mấy chú, mấy chú không chịu tin, lại tin bên ngoài hơn. Lối tập này thông dụng, nhẹ nhàng, ở đâu tập cũng được và có thể đuổi được cơn bệnh do gió nhập vào mình. Vậy nên tất cả chịu khó một chút, những lúc khí hậu bất thường, trong người khó chịu thì ráng ngồi thiền thêm, nhất là phải mặc đồ ấm nhiều nhiều để ngồi cho ra mồ hôi. Khi xả thiền thở ra mình tưởng bệnh hoạn theo đó ra, đồng thời tập lộc lô song quan.

Mỗi khi xả thiền ra tôi đều tập lộc lô, năm mươi lần mỗi động tác. Như vậy, đầu hôm xả thiền lộc lô một lần, sáng xả tập lộc lô một lần nữa, nếu cần thì tập thêm vài chục cái. Tôi thấy điều hòa như vậy cuộc sống rất tốt.

Mỗi buổi sáng có hai ba tiếng đồng hồ lao động, mấy chú được phơi nắng, vận động cho máu huyết lưu thông nên chuyện tập tạ nặng nề không cần, chỉ tập những thứ vừa nhẹ thôi. Chỉ những vị làm việc trong nhà như Hương đăng, Tri khách, không hoạt động ở ngoài nhiều, cần phải tập những thứ mạnh để cho máu huyết lưu thông. Biết như vậy là mấy chú sống điều hòa. Đừng nên tập quá sức, nhiều khi muốn cho khỏe trái lại thành bệnh, đó là không tốt.

Vậy tôi giảng cho toàn chúng hiểu rồi, phải gan dạ một chút; bằng không hơi bệnh là kêu đánh gió, cạo gió, trùm mền rồi thành đau luôn. Còn mình gan, ráng chủ động cho nó tan đi tức hết bệnh. Do gan dạ lần hồi mình thắng hết. Cho nên những năm ở Chân Không, tôi dám nói rằng tôi cho bác sĩ về hưu khỏi làm việc, bởi vì mấy năm đó tôi không bao giờ bị cảm, chỉ khi về Thường Chiếu khí hậu hơi khắc nghiệt, không thích hợp với cơ thể nên tôi thường bệnh.

Lên đây, mấy chú thấy một hai năm rồi tôi không có bệnh, do biết điều hòa chớ không phải sẵn tuyệt hảo. Cơ thể tôi là cơ thể bệnh, hồi xưa tôi đã từng nằm viện vì bệnh phổi, sau này lại bệnh tim. Như vậy mấy chú thấy tôi là người bệnh chớ đâu phải người khỏe, nhưng do khéo điều hòa, khéo tu hành nên từ thân bệnh trở thành khỏe mạnh, đó là cái khéo của mình. Do đó nếu hiện nay ai chưa được mạnh lắm nên ráng điều hòa, rồi sẽ khỏe mạnh an ổn.

Những điều tôi dạy là đã kinh nghiệm qua chớ không phải nói suông. Còn mấy chú đọc trong sách, nhiều khi người ta kinh nghiệm ở một địa phương nào đó khác với mình, lấy chuyện người ta ứng dụng cho mình chưa chắc đã tốt. Bởi vì mình ở trong hoàn cảnh khác, họ ở hoàn cảnh khác, lấy kết quả tốt của họ làm kết quả của mình e không đúng. Vậy nên mấy chú phải dè dặt. Đó là lời nhắc nhở để trong chúng ý thức tu hành cho được lâu bền không có bệnh hoạn.

Có một điều dở của mấy chú là khi tu có người bị chứng mất ngủ mà không trình cho tôi biết. Nếu làm thinh ai biết được! Bị mất ngủ ảnh hưởng đến sự tu nhiều lắm, lại không nói cứ âm thầm chịu, đó là không tốt. Ví dụ như ngồi thiền, mấy chú bị mất ngủ là vì trụ tâm ở trên nên khó ngủ, chớ không phải tại làm công tác. Vì vậy, khi nào trụ tâm ở trên khiến cho mất ngủ phải đến thưa hỏi: “tại sao con lên đây tu lại bị mất ngủ”, tôi mới biết để chỉ cho. Còn mấy chú cứ làm thinh, ai tu trật trúng gì cũng không nói cho tôi biết, đó là một cái dở.

Bây giờ tôi chỉ rõ cho mấy chú thấy, khi nào ngồi thiền chăm chỉ quá, tuy vẫn thấy rõ có niệm hoặc không niệm, nhưng hơi thở phải xuống đến bụng dưới. Cần ngồi thẳng người lên, nghe hơi thở ra vô ở bụng dưới. Chúng ta có thể nhắm mắt lại cũng được, nhất là buổi thiền tối. Nếu mình kềm quá trong giờ thiền tối dễ bị mất ngủ. Chỉ cần biết hơi thở ra vô ở bụng dưới sẽ ngủ lại được không có gì khó. Đó là chúng ta khéo điều hòa.

Tôi có mặt ở đây là để hướng dẫn cho mấy chú. Khi nào trật, trúng phải thưa trình, chớ cứ lặng lẽ tôi tưởng hay hết rồi, đâu biết mấy chú làm sai. Cái sai đó do mình không khéo điều hòa, lâu ngày thành bệnh, đó là một sơ sót. Bây giờ thử điều lại, buổi tối ngồi thiền nếu thấy khó ngủ có thể nhắm mắt cũng được, ngồi thẳng người, hít vô thở ra, nhớ hơi thở ở bụng dưới chớ đừng tập trung ở trên. Nhớ như vậy tự nhiên tâm mình không trụ trên đầu nữa. Tuy không trụ tâm trên đầu nhưng niệm khởi mình đều biết. Như vậy sẽ trị được bệnh mất ngủ, không có gì lạ.

Đó là tôi dạy để mấy chú có thể ngủ được. Giờ tối là giờ khó ngủ nên phải điều hòa hơi thở ở bụng dưới; còn ban ngày hoặc buổi sáng thì khỏi, vẫn nhớ ở trên để không bị hôn trầm. Lối tôi chỉ là để trị bệnh mất ngủ, khi ngủ được rồi mà vẫn tiếp tục thì ngồi thiền ngủ mê man, nên phải tùy lúc để sửa đổi chớ không cố định. Nếu theo một lối làm hoài sẽ thành thói quen, mất ngủ thì mất ngủ luôn, còn ngủ lại ngủ quá nặng. Cho nên chúng ta phải linh động, khi mất ngủ trị theo mất ngủ, lúc ngủ được rồi phải sử dụng theo cách bình thường. Đó là cái khéo trong khi tu.

Ngày 27-4 Ất Hợi (26-5-1995)

Thỉnh nguyện đã xong, tôi có ít lời nhắc nhở trong chúng. Thấy trong buổi thỉnh nguyện, có những người vì lý do này lý do nọ hiểu lầm nhau hoặc chưa thông cảm nhau. Vậy từ đây về sau, làm việc gì cũng cẩn thận dè dặt đừng để hiểu lầm, sanh ra những chuyện không vui, chướng ngại đường tu. Một hai việc nhỏ mình không ẩn nhẫn được, sẽ đi tới cái lớn, làm cho chúng ta thối Bồ-đề tâm hoặc trở ngại con đường tiến tu của mình.

Do đó, tôi khuyên toàn chúng, mình phải thấy cái quan trọng nhất của đời mình là tu để giải thoát sanh tử. Đó là điều không thể quên, không một giây phút nào lơ là. Còn mọi chuyện phải quấy, hơn thua, đúng sai chỉ là chuyện tạm bợ không có giá trị thật. Phải nhớ lý tưởng của mình mà bỏ qua mọi việc thì trên đường tu mới không bị chướng ngại.

Bây giờ tôi nhắc thêm cho toàn chúng, có một số người phê bình quí thầy tu thiền dường như hơi ngã mạn. Điều đó tôi nghiệm lại có lý. Tại sao? Bởi vì người tu thiền luôn tự tin nơi mình có Phật, Phật ở nơi mình chớ không phải ở đâu khác. Tự tin thì tốt, nhưng lòng tự tin quá mạnh không khéo lại thành tự tôn. Tự tôn tức là coi mình cao hơn mọi người. Đó là điều lầm lẫn, dễ trở thành bệnh. Khi có bệnh tự tôn rồi, bệnh thứ hai dễ xảy ra là bệnh sân. Thấy mình cao nên ai động tới nổi sân liền. Đó là bệnh của những vị tu thiền hay mắc phải. Tự tin là điều hết sức cần thiết trên đường tu, nhưng không khéo lại thành tự tôn, ngã mạn, dễ sanh ra sân hận. Điều này tôi thấy chư Tăng ở đây có thể vấp phải.

Vì vậy tôi nhắc cho tất cả, chúng ta tu phải nhớ tâm hạnh của Bồ-tát Thường Bất Khinh. Nghĩa là tự tin mình có tánh giác thì cũng tin người khác có tánh giác, cho nên không dám khinh người. Vừa có niệm khinh người là đã trái với đạo rồi, bởi vì trọng tâm đạo Phật là vô ngã. Cái ngã của thân tứ đại, ngã của các tâm sở buồn, thương, giận, ghét… là cái ngã hư ảo không thật, nếu mình nương nơi đó để khởi tâm tự cao ngã mạn là bệnh.

Chúng ta phải thấy ngay nơi mình có tánh giác, đồng thời tất cả chúng sanh khác cũng có tánh giác như mình, cho nên đối với ai mình cũng kính, cũng quí. Đừng thấy chỉ ta đây là giác, còn tất cả các người là mê. Như hôm rồi tôi đã nói, ai ai cũng có tánh giác mà họ quên, cho nên mình thương, nhắc giùm cho họ nhớ. Thương nhắc chớ không phải khinh, không phải coi thường.

Chúng ta được diễm phúc nhớ trước một chút, kẻ nhớ trước nhắc người còn quên, đó là tâm từ bi của Bồ-tát. Bồ-tát định nghĩa hết sức rõ là hữu tình giác, giác hữu tình. Chính mình là một chúng sanh, bây giờ thức tỉnh, biết mình có tánh giác, không còn quên nên gọi là hữu tình giác. Sau đó chỉ cho những chúng sanh đang có mặt cũng được tỉnh giác, đó là giác hữu tình. Vậy trọng tâm của Bồ-tát là lấy tự giác, giác tha làm nền tảng thiết yếu, còn những chuyện cứu giúp bố thí đều là phương tiện nhỏ.

Chúng ta đọc kinh Pháp Hoa thấy ngạc nhiên, cả đời Bồ-tát Thường Bất Khinh không làm điều gì lợi ích cho người, không thấy cho ai cơm ăn áo mặc, mà gặp ai cũng bái bái: “Tôi không dám khinh các ngài, các ngài đều sẽ thành Phật.” Thái độ đó dường như tiêu cực, không thực tế. Nhưng hiểu thấu đáo được ý nghĩa tự giác giác tha rồi, chúng ta mới thấy đúng là Bồ-tát làm việc bổn phận của mình.

Chúng ta bây giờ tu, tôi không tuyên bố mình tu hạnh Bồ-tát, nhưng thật tình chúng ta đang tìm cho ra, phát minh cho được tánh giác. Khi nhận ra được tánh giác rồi, tất cả công tác của mình không gì hơn là chỉ cho mọi người cùng biết được tánh giác. Như vậy dù không tuyên bố hạnh Bồ-tát, nhưng chúng ta đã làm đúng hạnh Bồ-tát.

Nếu chúng ta tu chỉ nghĩ phước báo nhân thiên lo làm cái này, cái kia cho thiên hạ, đó là quả báo sanh diệt, chưa phải cứu kính. Tại sao vậy? Dù chúng ta tạo được phước nhiều như núi như biển, đó cũng là phước vô thường sanh diệt. Chỉ có tánh giác bất sanh bất diệt là điều cao thượng quí báu tột cùng. Chúng ta nhận ra được, chỉ cho người, đó là điều hơn hết.

Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy: Dù cho đem bảy báu đầy dẫy tam thiên đại thiên thế giới bằng số cát sông Hằng ra bố thí cũng không có phước bằng người thọ trì được bốn câu kệ. Đó là so sánh phước báo hữu lậu với tánh giác thường hằng. Cho nên hạnh Bồ-tát là đưa người tới chỗ giác ngộ chớ không phải chỉ làm những việc phước báo nhân thiên. Tất cả chúng ta tu phải ráng nỗ lực nhận cho ra nơi mình có tánh giác. Nhận thật sự chớ không phải lờ mờ mang máng. Chỗ này nhà thiền gọi là kiến tánh.

Tánh không phải là một cái gì có hình tướng để thấy, nhưng nói theo thế gian cái gì mình thấy rồi thì không quên, còn cái gì mình hiểu, dù là hiểu mang máng hoặc là hiểu rõ, nếu có người khác nói điều gì hay lạ hơn mình có thể khởi nghi ngờ. Chỉ khi chúng ta thấy rõ ràng là xanh là đỏ thì dù có ai nói khác đi mình cũng không bao giờ nghi, vì đã thấy. Bởi vậy, kiến tánh là thật sự nhận ra cái chân thật nơi mình. Dù cho ai nói trời nói đất, nói nghiêng nói ngửa, mình cũng tự nhiên, không hề thối tâm hay nghi ngờ, chúng ta gọi đó là kiến tánh.

Như vậy tất cả công phu tu của chúng ta đều dồn trong một việc: làm sao chính mình nhận ra được cái chân thật của mình, sau đó ứng dụng tu, đồng thời chỉ cho người khác tu. Đó là trọng tâm của người xuất gia, làm trách nhiệm bổn phận kẻ bước trước chỉ cho người đi sau. Cho nên nhà thiền hay dùng câu: “truyền đăng tục diệm”, nghĩa là trao truyền ánh sáng giác ngộ cho nhau.

Phải luôn nhớ mình có tánh giác, người khác cũng có tánh giác, chỉ chúng ta túc duyên sâu nên được sớm tỉnh biết, người khác túc duyên cạn mỏng chậm biết hơn chúng ta. Đừng bao giờ tự cao mà khinh chê người. Nay chúng ta có bổn phận khơi dậy cho người khác biết, đó là một trách nhiệm, không nên có tâm tự cao ngã mạn chê người này, khinh người kia, chỉ trích người nọ. Đó là điều không tốt, là bệnh.

Khi chúng ta chê bai, chỉ trích người khác chính là tô điểm bản ngã mình. Nói người này dở, người kia xấu, tức là muốn nói ta hay. Bởi ta hay mới thấy những kẻ kia dở. Cho nên khi có chê bai, chỉ trích, mạt sát những người khác là đã đề cao bản ngã của mình lên.

Vậy quí vị lưu ý, chúng ta tu thiền nhưng không ngã mạn, tu thiền nhưng không chấp ngã, không đưa tới tâm nóng giận. Chỉ khi nào thấy mình cao, ai chạm tới mới nổi sân. Quí vị kiểm lại có sân không? Phải biết đó là hiện tượng của bản ngã.

Tôi kiểm tra lại, thấy trong chúng Tăng có bệnh đó, nên nhắc quí vị ráng tu để đừng nóng giận. Nóng giận là từ bản ngã ra chớ không gì lạ. Nếu tự coi mình như bùn đất chắc không nóng giận bao giờ. Sở dĩ nổi nóng là vì thấy mình cao, thấy mình hơn. Cho nên yêu cầu trong chúng phải thấy rõ gốc bệnh của mình là do tự tin thái quá.

Tuy nhiên chúng ta vẫn tự tin, tin mình có Phật và người khác cũng có Phật, như lòng tin của Bồ-tát Thường Bất Khinh. Đừng chỉ tin mình có Phật còn người khác không có, rồi khinh người ta, sanh ra tự tôn, ngã mạn, sân hận, trái với đạo lý.

Chúng ta tu cao hoặc thấp, nhất là tu thiền, lấy cái gì làm thước đo? Lấy bát phong để đo. Bát phong là: lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc.

Lợi là tài lợi, khi được chúng ta vẫn thản nhiên; còn mừng quá cười vui lên là đã động rồi. Suylà gặp những hoàn cảnh không tốt, làm cho suy hao, nghèo khó, mình cũng không buồn bực, than thở. Hủy là người ta làm nhục mà mình vẫn cười, không sân giận. Dự là khen, lúc được người ta khen ngợi, được danh dự, địa vị, chức tước, mình vẫn không bị động tâm. Xưng là tán thán bao nhiêu chúng ta cũng coi thường.  là bị chê hiềm, chỉ trích, mình vẫn tự tại. Sau cùng là gặp cảnh khổmình vẫn an nhiên, khi được vui (lạc) mình cũng tự tại.

Đó là cái thước đo. Bây giờ quí vị kiểm lại, xem trong tám gió mình được mấy gió thổi không động? Chúng ta tu thiền cao tới cỡ nào đi nữa mà mấy ngọn gió đó thổi còn bị động cũng chưa phải thứ thật. Tôi lấy đây để nhắc cho tất cả. Không phải chúng ta lý luận hay gọi là tu cao. Chỉ khi nào thật sự sống được, tất cả cảnh đến vẫn an nhiên tự tại, đó mới thật là người đã hiểu và hành. Hai điều này phải theo nhau. Nhiều khi chúng ta lý luận giảng cho Phật tử xem như thánh thiện lắm, nhưng lúc gặp việc mình cũng khổ cũng lạc như ai, được khen thì vui, bị chê buồn bã, đó là tu chưa tới đâu.

Hôm nay tôi nói rõ để quí vị kiểm tra lại, tự thấy mình rồi xấu hổ hết tự cao, ngã mạn. Nhiều khi chẳng tự biết mình, cứ nghĩ mình tu cao lắm, rốt cuộc lại là bệnh.