NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Tế Thanh
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Tế Thanh

Hôm nay cư sĩ Trần Hạc Niên tới đây, cầm theo thư ông và cuốn “Phê bình về Bát Thức trong Phật Học”, khôn ngăn khiến người ta phải thở dài. Ông học Phật nhiều năm, do lời Cẩm Hán mà ngờ vực kinh Phật và cổ đức nhiều đời “có lẽ có những chỗ không được thỏa đáng!” Tức là trở thành “tin đạo nhưng không chuyên dốc!” Ông ta cực lực đả phá ba tên gọi của tám thức[1], cho là sai lầm, chỉ nghĩ [các thức ấy do] động lực mà biến đổi, tự cho rằng mình có thể sửa đúng những chỗ sai ngoa trong kinh Phật từ trước đến nay! Cái tâm hiếu danh có thể nói là đến mức cùng cực! Lại còn chẳng biết xấu hổ, không thẹn thùng, cũng có thể nói đến mức cùng cực không chi hơn được nữa! Ông ta gọi tuốt Chân Như Phật Tánh là “hậu thiên vật”, chẳng hiểu tâm tánh, chỉ biết vật chất, đáng thương thay! Ông tuổi gần bảy mươi, chuyên tinh niệm Phật sợ còn không kịp, rảnh rang đâu để hỏi đến chuyện này! Há lẽ nào lời nói của phàm phu đời sau lại đâm ra hay hơn lời Như Lai nói mà phải đợi hắn ta đính chánh [lời Phật] đó ư?

Nói đến chuyện thọ Tam Quy Ngũ Giới, hãy nên theo cách đối trước đức Phật tự thọ như đã được nói trong lá thư gởi cho bà Từ [trong bộ Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên]. Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Thanh, nghĩa là dùng trí huệ để thanh tịnh cái nghiệp của mình lẫn người khiến cho lúc sống thì làm bậc thánh hiền, mất lên cõi Cực Lạc. Đối với việc giáo hóa người khác, hãy tùy phận tùy sức mà khơi gợi, dẫn dắt. Hãy nên kể với họ chuyện người thuở xưa đời nay niệm Phật có công hiệu, ngõ hầu họ sẽ dễ nhận lãnh. Nếu chẳng chú ý điều này thì đúng là trò cười cho bọn họ.

Hơn nữa, tuổi ông đã già lụn rồi, tháng ngày chẳng còn mấy, hãy nên nói với gia quyến về lợi ích niệm Phật và lợi ích do trợ niệm khi lâm chung, nỗi tổn hại do bị phá hoại [chánh niệm]. Hãy chiếu theo những điều đã được nói trong Văn Sao, Gia Ngôn Lục để bảo với bọn họ sao cho họ biết sẵn, ngõ hầu chẳng đến nỗi khi ông lâm chung [họ sẽ] thể hiện lòng hiếu kiểu “đã té xuống giếng còn bị quăng đá”. Lại nên viết ra một chương trình, thỉnh hai ba người cùng chí hướng chứng minh, để khi ông sắp chết đừng bị [quyến thuộc] phá hoại chánh niệm, hòng thành tựu chánh niệm. Mất rồi, đừng sát sanh để khỏi tạo thêm nghiệp lụy cho ta. Nếu chẳng làm như thế, thiên địa quỷ thần ắt sẽ giám sát. Dùng những điều ấy để uốn nắn tri kiến thế tục, ngõ hầu chánh niệm rỡ ràng, theo Phật vãng sanh.

Những lời phê bình bậy bạ về Bát Thức do ông gởi tới, tôi đã thay ông đốt đi rồi, vì thế không cần gởi tới nữa. Bởi lẽ, dẫu ta chẳng bị loại sách ấy xoay chuyển thì tâm cũng phân vân, chắc đến nỗi nẩy sanh phiền não! Viết ra điều này, mong ông hãy sáng suốt soi xét. Người bạn ông đọc Gia Ngôn Lục bèn nghi Tịnh Độ, đấy là do ác nghiệp đời trước mà ra. Nay tôi dùng một ví dụ: Như con giòi trong nhà xí, [cảm thấy] vui sướng không chi bằng. Nếu nói với nó ngoài hầm xí còn có lầu đài nhà cửa hết sức thanh tịnh, rộng rãi, nó có tin được hay không? Dẫu có kẻ nhiều chuyện, chẳng ngại thò tay bắt nó ra khỏi nhà xí, dùng nước trong, nước thơm lần lượt gột rửa nó, cũng chỉ thành ra khiến cho nó mau chết mà thôi! Đối với ông ta, hoàn toàn chẳng được lợi ích gì nơi [Gia Ngôn Lục] cũng giống như vậy đấy! Các ông là một bọn phàm phu, ngay đối với chính mình mà còn hoàn toàn không biết (chỉ bậc đại triệt đại ngộ mới có thể nói là “biết được chính mình” mà thôi) mà vẫn nói lời chư Phật, lời chư Tổ hoằng truyền, lời đề xướng, dẫn dắt của các vị đại thiện tri thức đều chẳng chân thật, là ngụ ngôn để gạt người. Thật đáng gọi là “tâm thô, mật lớn”, chẳng sợ sau này bị đọa vào địa ngục Kéo Lưỡi hay sao? “Toàn chân thành vọng” là ước theo tâm chúng sanh mà nói. Ví như nước do gió động mà thành sóng, toàn thể nước biến thành sóng. Gió lặng thì toàn thể sóng biến thành nước! “Toàn chân thành vọng”, hễ trái ngược với vọng thì “toàn vọng tức là chân”. Ông thông minh, nhưng thật ra là ngu si!

***

[1] Bát Thức (Astau Vijñānāni) là tám Thức gồm Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức, Mạt Na Thức và A Lại Da Thức. Tùy theo cách nhận định về vai trò của tám Thức mà có ba cách gọi như sau:

1) Do bảy Thức từ Nhãn Thức đến Mạt Na Thức do A Lại Da Thức sanh ra, biến chuyển thành, nên bảy Thức đầu được gọi là Chuyển Thức hoặc Thất Chuyển Thức, còn A Lại Da Thức gọi là Căn Bản Thức hoặc Chủng Tử Thức.

2) Theo thứ tự chuyển biến, A Lại Da Thức gọi là Năng Biến, Mạt Na Thức gọi là Đệ Nhị Năng Biến, sáu Thức còn lại gọi chung là Đệ Tam Năng Biến.

3) Địa Luận gọi A Lại Da Thức là Chân Thức, Mạt Na Thức là Vọng Thức (không thấy định danh cho sáu Thức còn lại).

Riêng về thức thứ tám, lại còn có ba tên gọi (theo Bát Thức Quy Củ Tụng) là A Lại Da Thức, Dị Thục Thức và Nhất Thiết Chủng Thức.

Cẩm Hán dựa theo khuynh hướng Duy Vật và Phân Tâm Học Tây Phương để giải thích các Thức, nên cho rằng các Thức đều chỉ là những trạng thái tâm lý, coi Chân Như Phật Tánh như là “hậu thiên vật” tức là một dạng vật chất được hình thành sau khi một cá nhân được sanh ra và do tri giác của người đó phản ứng trước những tác động của hoàn cảnh bên ngoài mà có tám Thức, nên mới nói là “do động lực mà thay đổi”.