NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Trần Phi Thanh
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Trần Phi Thanh

(thư thứ nhất)

Trước đây do cư sĩ Trương Bá Ngạn nhắc đến các hạ sẵn chí thiết tha lợi người, muốn mở đạo tràng ở Tân Giang, cậy Quang soạn lời sớ và thương lượng, châm chước biện pháp và [chọn lựa] Trụ Trì v.v… Biết các hạ vốn thừa nguyện tái lai, làm đại đạo sư cho khắp mọi nhân sĩ vùng Tân Giang để họ biết đạo xuất thế, sống làm người ba nghiệp thanh tịnh, mất dự vào hội hiền thánh cõi Cực Lạc. Nhưng do Quang hèn kém, chẳng dám đem một chữ nào quấy nhiễu ông! Ngày hôm qua, thầy Hóa Vũ đến nói đạo tràng Cực Lạc[1] xây dựng đã hoàn tất, khôn ngăn hoan hỷ tột cùng. Các hạ lại gởi thư chỉ dạy, Quang khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Các hạ muốn bái cao tăng làm thầy, hãy nên chọn một vị đạo đức cao siêu; sao lại lầm lẫn chọn Quang là một ông Tăng hèn kém chỉ biết cơm cháo, ngỡ là cao tăng, muốn thờ làm thầy vậy?

Ông lại nói đã đọc Văn Sao Sơ Biên, năm ngoái Tân Giang Lưu Thông Xứ (Phòng phát hành kinh sách ở Tân Giang) đã thỉnh hơn một trăm bộ Văn Sao mới in, nào biết các hạ chưa thấy, nay gởi cho ông một gói, xin hãy tra xét thâu nhận. Thêm nữa, hai cuốn Tam Đại Sĩ Thực Lục, trong ấy phần nhiều là những lời thuộc về Thiền cơ, chớ nên hiểu lầm. Tịch Tà Tập[2], Kiến Văn Lục[3] được in chung thành một tập, [gởi cho ông] hai cuốn. Chớ nên để người thiếu hàm dưỡng đọc Tịch Tà Tập, do hiện tại người nước ngoài thế lực lừng lẫy, sợ [người đọc] y theo sách đó tranh luận [với bọn giáo sĩ hay tín đồ Tây Dương] chắc sẽ đến nỗi mang họa! Kiến Văn Lục thì nên tìm cách lưu thông để người ta biết nhân quả, chẳng dám làm chuyện phải thẹn với lòng. Giản Ma Biện Dị Lục và Tam Thập Nhị Tổ Truyện, mỗi thứ hai bộ. Những sách ấy do Thanh Thế Tông (Ung Chánh) biên soạn, từ lẫn lý đều viên diệu, như tẩu bàn châu[4], như báu Ma Ni, khiến cho người ta khôn ngăn khâm phục, ngưỡng mộ. Quang đặc biệt giảo chánh, cho khắc in, lưu hành. Nhân duyên đã trình bày cặn kẽ trong lời tựa, nhưng người đời nay cố nhiên nên chuyên tu Tịnh nghiệp thì mới được lợi ích liễu sanh thoát tử thật sự. Nếu chẳng tự lượng, lầm lạc muốn học đòi bậc đại nhân thời cổ tự lực liễu thoát, sợ rằng hễ một phen sai lầm sẽ thành vĩnh viễn sai lầm.

Bộ Văn Sao của Quang tuy thô kém, vụng về, nhưng ý đều tuân theo những lời khuôn phép của Phật, của Tổ, trọn chẳng phải là những ý kiến bịa đặt. Nếu chẳng chê bỏ là hèn vụng, cố nhiên không gì là chẳng có ích. Tam Đại Sĩ Thực Lục, Tịch Tà Tập, Biện Dị Lục, Tam Thập Nhị Tổ Truyện xin hãy tự giữ một phần, một phần đưa cho pháp sư Đàm Hư. Đối với chuyện quy y, xin hãy châm chước lại. Nếu không, chắc sẽ đến nỗi sau khi quy y, nhận ra tôi chỉ biết ăn cơm húp cháo, ắt hối không kịp. Vì thế, Quang vẫn dùng đạo bạn bè để đối xử với các hạ, chẳng dám bàn đến chuyện làm thầy – trò!

(thư thứ hai)

Thư nhận được đầy đủ, chỉ nên thường niệm Phật, không gặp Quang có thiếu sót gì đâu! Xin hãy quyết định cùng với quyến thuộc trong nhà đều cùng tu Tịnh nghiệp, cùng sanh Tây Phương. Đấy chính là nhân duyên khó được trong ngàn đời vạn kiếp. Hơn hai trăm đồng ông muốn biếu Quang đã bảo đem làm công đức tại Tuyên Giảng Đường và tại địa phương ấy. Mùa Thu năm sau, Quang chắc chắn quy ẩn, không có chỗ nhất định, sẽ tùy ý ở Nam – Bắc – Tây – Đông, trọn không [ở nơi nào] nhất định để khỏi bị thư từ làm phiền!

(thư thứ ba)

Thư nhận được đầy đủ. Đã muốn thờ ông Tăng chỉ biết cơm cháo làm thầy, tuy có bậc cao minh vẫn chẳng chịu chuyển sang cầu [quy y với] vị ấy, đấy chính là do đời trước có nhân duyên với nhau mà ra! Cố nhiên, đối với Quang, chẳng có chuyện có thể hay không thể. Thoạt đầu Quang không đồng ý là vì sợ sau này cư sĩ mang lòng hối hận. Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Hải. Ông tên là Hãn (瀚), Hãn chính là tên khác của biển. Một niệm của chúng sanh và một niệm của Phật không hai, do mê chưa ngộ nên toàn bộ trí huệ đức tướng biến thành phiền não nghiệp khổ. Tâm vốn là một, do mê – ngộ sai khác nên khổ – vui khác biệt! Do vậy, biết một niệm tâm tánh vốn là biển trí huệ công đức. Do phiền não chướng lấp, không có trí huệ chiếu tỏ thì toàn thể biến thành biển phiền não nghiệp khổ. Nay dùng trí huệ giác chiếu thì biển phiền não nghiệp khổ liền biến thành biển trí huệ công đức. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thảy chúng sanh đều đầy đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng thì Nhất Thiết Trí, Vô Ngại Trí đều được hiện tiền”. Do vậy biết trước tiên hết, chỉ có trí huệ là trọng yếu. Có trí huệ thì toàn vọng tức là chân, không trí huệ thì toàn chân thành vọng! Ý nghĩa của Huệ Hải là như vậy đó, như thế đó!

Hơn nữa, nơi địa vị phàm phu mà muốn đạt “Chân cùng, Hoặc tận” (thấu đạt tận cùng chân tánh, trừ sạch phiền não) cũng chẳng dễ dàng đâu! Nhưng đức Như Lai muốn cho hết thảy chúng sanh cùng được liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này nên đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thực hiện dễ, thành công cao, dùng sức ít, đạt hiệu quả nhanh chóng, lấy vạn đức hồng danh của Như Lai để huân tập vô minh nghiệp thức của chính mình. Lâu ngày chầy tháng tập quen thành tánh, sẽ ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu. Đấy gọi là “dùng Quả địa giác làm Nhân địa tâm; vì thế được nhân trùm biển quả, quả thấu nguồn nhân”. Pháp môn mầu nhiệm không chi hơn được điều này (lúc niệm Phật, nhiếp tai lắng nghe thì chẳng đến nỗi hết sức tán loạn. Nhất tâm khẩn thiết thì sẽ ít bị hôn trầm).

Nói đến việc trì giới, trước hết phải giữ được hai câu giới luật khái lược của Phật. Giới ấy như thế nào? Chính là “đừng làm các điều ác, vâng giữ những điều lành”. Hai câu ấy bao trùm hết thảy giới pháp, trọn chẳng sót chút nào! Đấy chính là câu trích từ Giới kinh của Như Lai; trong Âm Chất Văn, Văn Xương Đế Quân dẫn câu này; đừng bảo “câu này vốn phát xuất từ Âm Chất Văn!” Hai câu này nếu nhìn hời hợt dường như chẳng đặc biệt, lạ lùng gì, nhưng nếu kiểm điểm nơi khởi tâm động niệm, giữ được hoàn toàn không phạm thì người ấy đã thâm nhập cảnh giới thánh hiền rồi!

Công khóa hằng ngày nên chiếu theo công phu của chính mình mà định. Trong Văn Sao, qua lá thư gởi cho ông Trần Tích Châu, tôi đã kể ra ba thứ, chia thành “hết sức bận rộn, bận rộn một nửa (tức nửa bận nửa rảnh), không bận rộn” để tự quyết định. Đối với việc trì chú, tụng kinh, hãy nên chuyên chú trọng thành kính. Hãy chiếu theo pháp tắc như Quang đã nói để xem kinh (trong Văn Sao có đoạn văn ấy) thì sẽ tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ. Nếu vừa xem vừa phân biệt, sẽ không có công đức lớn lao gì! Đã quy y Phật pháp, hãy nên kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, ăn chay; ngay cả đối với gia quyến cũng nên bảo họ ăn chay, vì ăn thịt sẽ kết sát nghiệp, tương lai phải đem thân đền mạng, nỡ để cho quyến thuộc yêu mến mắc phải khổ quả ấy hay sao? (Ngay như luận trên phương diện dinh dưỡng, ăn chay có ích, ăn thịt có điều tổn hại). Đối với người bên cạnh, người trong cõi đời, còn nên kính khuyên như thế, huống là vợ con của chính mình ư? Lại cần phải dạy họ cùng nhau bỏ công sức niệm Phật một tiếng đồng hồ vào buổi tối để mong tiêu nghiệp chướng, tăng phước thọ.

Thế đạo hiện thời chính là thế đạo hoạn nạn. Ở trong hoạn nạn chỉ vì nghiệp trói buộc. Nếu có thể niệm Phật sẽ ngấm ngầm chuyển họa thành phước, gặp dữ hóa lành. Đấy là kế sách thật sự thương yêu quyến thuộc hay nhất (Khi tịnh tọa chỉ nên niệm thầm Phật hiệu, chớ nên dùng những công phu luyện đan vận khí. Đấy chẳng phải là Phật pháp, mà là cách bảo dưỡng thân thể). Thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm! Xét đến cội nguồn của tình thế loạn lạc, chỉ là vì trong gia đình không khéo dạy dỗ đã ươm thành. Phàm con em nhà phú quý phần nhiều không ra gì, nói chung vì quen thói kiêu căng, không được dạy dỗ mà ra! Tôi thường nói: “Dạy con là cái gốc để bình trị, nhưng dạy con gái càng khẩn yếu hơn, vì con gái thuở bé thường ở bên mẹ. Thuở bé được khéo dạy, đến khi xuất giá nhất định sẽ là vợ hiền. Vợ hiền sẽ có thể giúp chồng thành tựu đức hạnh, về sau sẽ thành hiền mẫu. Con người từ thuở bé được hiền mẫu un đúc, nhất định sẽ ‘nghèo cùng thì riêng thân mình thiện, hiển đạt sẽ làm cho thiên hạ cùng thiện’. Công đức lớn nhất trong thế gian không gì bằng khéo dạy dỗ con cái; tội nghiệp lớn nhất trong thế gian không chi bằng chẳng dạy dỗ con cái! Bởi lẽ, con cái hiền lương sẽ có ích cho nước nhà, xã hội; chẳng hiền lương sẽ có hại cho nước nhà, xã hội!”

Ngày nay, thế đạo nhân tâm đã suy hãm đến cùng cực, gần như hết thuốc chữa! May là có lý sự nhân quả báo ứng ba đời do đức Như Lai đã nói vẫn có thể dùng làm căn cứ để vãn hồi. Tôi thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh”. Hãy nên trong là với quyến thuộc, ngoài là với những người quen biết và hết thảy mọi người đều ra rả dùng nhân quả báo ứng để khuyên lơn. Nếu người trong thế gian luôn dè dặt kinh sợ nơi khởi tâm động niệm thì lợi ích lớn lắm! Chuyển công đức ấy để cầu vãng sanh thì phẩm vị ắt cao. Chùa Cực Lạc giảng kinh cũng cần nên xen vào một phần sự lý nhân quả để người vùng Đông Bắc cùng được hưởng lợi ích thật sự!

  (thư thứ tư)

Nhận được thư, biết ông tâm nguyện rộng lớn, công phu thuần mật, khôn ngăn vui mừng, an ủi. Chỉ xin ông nhất tâm niệm Phật, chẳng cần phải mong cầu gặp Quang. Gặp hay không gặp, mặc cho nhân duyên! Nếu đọc kỹ Văn Sao, hành theo đó, chính là thấu hiểu lòng Quang, há chẳng thân thiết như gặp mặt Quang hay sao? Con người hằng ngày khổ sở trong phiền não, vẫn chẳng biết là phiền não. Nếu biết là phiền não thì phiền não sẽ tiêu diệt. Ví như tưởng lầm gã trộm cắp là người nhà thì tất cả của cải trong nhà đều bị hắn trộm mất. Nếu biết là giặc, hắn liền trốn đi. Vàng chẳng luyện chẳng ròng, đao chẳng mài chẳng bén; chẳng từng trải phiền não thì gặp cảnh phiền não tâm thần sẽ tán loạn. Biết nó chẳng có thế lực gì, chuyện nhọc tâm mệt trí nẩy sanh đều do ta tự chuốc lấy.

Kinh dạy: “Nếu biết Ngã Không, ai bị hủy báng?” Nay phỏng theo đó nói: “Nếu biết là vô ngã, phiền não nào sanh?” Thí dụ của ông rất có đạo lý. Cổ nhân nói: “Vạn cảnh bổn nhàn, duy tâm tự náo. Tâm nhược bất sanh, cảnh tự như như” (Muôn cảnh vốn nhàn, chỉ có tâm tự rộn. Nếu tâm không sanh, cảnh tự như như). Công khóa vốn đã quen thực hiện, cũng không cần phải sửa đổi, chỉ cần luôn lấy hồi hướng vãng sanh làm chủ.

Niệm Phật nên niệm sáu chữ, hoặc trước hết phải niệm sáu chữ, đến lúc sắp xong niệm bốn chữ. Từ đầu đến cuối niệm bốn chữ, hơi không hợp lẽ, bởi hai chữ Nam Mô có nghĩa là Quy Y, Cung Kính, Đảnh Lễ, Cứu Độ Con v.v… Người ta thường mong lẹ, mong nhiều, nên phần nhiều có kẻ niệm bốn chữ. Thường nghe nói có người chủ trương lợi ích do “chuyên tu”, chỉ dạy người khác niệm bốn chữ, phát nguyện, lễ Phật đều bảo là không cần, tức hoàn toàn là một gã ở ngoài cửa: Chỉ biết chính mình thực hiện công phu, chẳng biết cầu sức từ bi của Phật!

Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh làm tông, họ chỉ xét trên mặt Hạnh, nhưng trên mặt Hạnh lại gạt bỏ lễ bái, Hạnh ấy khó thể mười phần khẩn thiết; lâu ngày sẽ thành hờ hững, hời hợt! Xin hãy y theo Văn Sao, đừng y theo lời họ nói. Bọn họ chỉ dựa vào ý kiến của chính mình, chứ không y theo tông chỉ Tịnh Độ. Tâm chúng sanh cần phải dùng đủ mọi pháp lành để điều trị, ví như ăn cơm cần phải kèm theo thức ăn. Chỉ định kỳ đả thất để có thể chuyên trì một câu Phật hiệu. Hết thảy kinh chú đều chẳng cần phải trì tụng, nhưng cũng chớ nên hoàn toàn phế trừ lễ bái và phát nguyện. Trừ khi đả thất ra, vẫn cứ chiếu theo thường lệ trì tụng, đều chẳng trở ngại gì. Người tu hành sợ nhất là thuận theo cái tâm [ức đoán của chính mình] tự lập [ra một đường lối riêng]. Thường nghe nói có những kẻ thiên tư, bẩm tánh vốn tốt đẹp, nhưng kiến thức lệch lạc! Chuyên niệm một đức Phật còn được, nhưng phế bỏ lễ bái, phát nguyện v.v… là lầm lẫn lớn lắm!

Ông không cần bế quan, chỉ tự tu ở nhà là được rồi. Hiện thời, quân lính, giặc cướp nhâu nhâu, ông thường ở trong nhà, những kẻ nhỏ mọn, không ra gì chẳng đến nỗi sanh lòng khác lạ. Nếu ông thường không ở nhà, bọn chúng sẽ thừa dịp sơ hở trộm cắp và cướp đoạt, đáng lo vô cùng! Sư Đàm Hư đặc biệt giữ ông lại, chẳng tính đến điều này, cũng là không hiểu sự việc cho lắm. Ngàn vạn phần chớ nên lìa rời khỏi nhà, ở tại nhà suất lãnh thê thiếp, con cái, dâu, cháu v.v… cùng tu; công đức ấy lại càng thù thắng nhiều hơn.

Quang trải đời sáu mươi tám năm, tuy sở học Phật pháp chưa thể trội hơn người khác, nhưng lo liệu sự việc so ra có phần suy xét kỹ càng hơn người khác đôi chút. Ông đã tin Quang, chớ nên thuận theo cái tâm tưởng là đúng![5] Chỉ nên tu tại gia, ngàn vạn phần chớ nên bế quan trong chùa Cực Lạc. Ngay cả đả thất cũng chớ nên đả thất trong chùa Cực Lạc, do lúc này chẳng thể luận theo lúc thời thế thanh bình được! Nếu nhằm thời thế thanh bình, tuy không lo xảy ra chuyện ngoài ý muốn, cũng khó dẫn dắt quyến thuộc cùng gieo thiện căn. Đợi tới tháng Nhuận, Quang sang Thượng Hải sẽ gởi cho ông mấy gói Di Đà Kinh Bạch Thoại Giải do ông Hoàng Trí Hải biên soạn. Hằng ngày, khi rảnh rỗi, hãy nên bảo ban quyến thuộc thì mọi người đều cùng sanh lòng tin tu Tịnh nghiệp để mong cùng sanh về Tây Phương. Tướng lành khi lâm chung không cần phải mong mỏi sẵn. Chỉ cần lúc thường ngày niệm sao cho tương ứng với Phật thì lâm chung tự nhiên được theo Phật vãng sanh mà thôi!

***

[1] Đây là chùa Cực Lạc ở Harbin do pháp sư Đàm Hư và các cư sĩ vùng Liêu Đông xây dựng.

[2] Tịch Tà Tập là một tác phẩm của Tổ Ngẫu Ích viết khi còn là tại gia cư sĩ, với bút hiệu là Chung Chấn Chi, nhằm phản bác những luận điểm công kích Phật giáo của các giáo sĩ Lợi Mã Đậu (Matteo Ricci), Ngải Nho Lược (Giulio Aleni) v.v… Các giáo sĩ này khi truyền đạo Thiên Chúa vào Trung Hoa, đã viết rất nhiều bài đả kích Tam Giáo của Trung Hoa, đặc biệt nhắm vào Phật giáo. Những phê phán của các giáo sĩ ấy thể hiện cái nhìn đầy thiên kiến, kiêu ngạo của người da trắng đối với những sắc dân da màu vốn bị họ coi là man rợ, chưa khai hóa! Họ chỉ dựa theo hình thức, thành kiến, bề ngoài để phê phán chứ không chịu tìm đọc kinh sách của các tôn giáo bị họ đả kích. Để phản bác, Tổ Ngẫu Ích đã vận dụng rất nhiều tư tưởng triết học của Tam Giáo để giải thích khái niệm Trời theo cách hiểu của người Á Đông và chỉ ra những chỗ lập luận khiên cưỡng của giáo sĩ Tây Phương về những luận điểm độc thần, Thiên Chúa sáng tạo muôn vật v.v… Hiện thời tác phẩm này được đưa vào Ngẫu Ích Đại Sư Toàn Tập.

[3] Kiến Văn Lục là một tác phẩm ngắn cũng của Tổ Ngẫu Ích ghi chép những chuyện thiện ác nhân quả báo ứng do chính Tổ từng thấy. Chẳng hạn chuyện một Sinh Viên làm phán quan cõi âm, vào âm phủ xét án, thấy hồ sơ tội trạng ghi vợ giết gà của hàng xóm, nặng mấy cân. Lúc tỉnh dậy, tra vặn vợ, quả nhiên vợ lỡ tay ném chết gà hàng xóm, sợ bị chồng mắng, hàng xóm chửi, nên chôn giấu sau vườn. Đào gà lên đem cân, quả nhiên bằng đúng cân lượng đã ghi trong hồ sơ tội trạng cõi âm. Tác phẩm này cũng được đưa vào Ngẫu Ích Đại Sư Toàn Tập.

[4] “Tẩu bàn châu” còn gọi là “hải thủy trân châu” là một loại ngọc trai. Trong các loại trân châu được lưu hành tại Trung Quốc, ngọc trai từ Hợp Phố (thuộc đất Giao Chỉ xưa) quý nhất vì hình dáng tròn trặn, màu sắc tươi đẹp, óng ánh nhất, hầu như không viên nào có khuyết điểm. Do viên ngọc trai Hợp Phố rất tròn, bỏ vào khay hay đĩa, dùng ngón tay đẩy nhẹ nó sẽ lăn tròn trong đĩa nên thường được gọi là “tẩu bàn châu” (châu chạy trong khay).

[5] Ý nói: Đừng thuận theo những suy nghĩ phán đoán do thiên kiến của chính mình, không thèm nghe theo những lời dạy trong kinh hoặc những lời giáo huấn của chư cổ đức.