Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

II. PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN ĐỆ LỤC
(TT)

Linh bỉ tha phương chư Phật Thế Tôn các thư thủ tý, chí ngã sát trung, thọ thị cúng dường, linh bỉ tốc đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Khiến cho các đức Phật Thế Tôn ở thế giới phương khác đều duỗi cánh tay đến tận cõi ta, nhận lấy sự cúng dường ấy, khiến cho các Bồ Tát ấy mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác): Chữ “bỉ” chỉ cho chư vị Bồ Tát phát đại đạo tâm cúng dường chư Phật, nhanh chóng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tức Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Mỗi người chứng được không giống nhau. Trong đây có ba vấn đề:

1. Tam Bồ Đề là Chánh Giác. Chư Bồ Tát ở cõi Đồng cư rất nhiều người chứng được Chánh Giác. Chánh Giác là phẩm vị ngang bằng với Tiểu thừa A-la-hán hoặc Đại Thừa Bồ Tát Thất Tín Vị. Lên cao hơn là:

2. Tam Miệu Tam Bồ Đề: “Tam” là “Chánh”; “Miệu” là “Đẳng”. Tam Miệu Tam Bồ Đề là Chánh Đẳng Chánh Giác. Từ Bát Tín vị đến Đẳng Giác , Tam Miệu Tam Bồ Đề có hơn bốn mươi địa vị.

Một cách nói khác; từ cõi Phương Tiện và cõi Đồng cư: Bát Tín, Cửu Tín, Thập Tín; ba vị thứ này là Tam Miệu Tam Bồ Đề. Tiếp tục nâng cao đến Sơ Trụ trở lên thì không còn ở cõi Phương Tiện mà ở cõi Thật Báo. Vì vậy, Viên giáo Sơ Trụ đến Đẳng Giác đều thuộc về A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (“A” là vô, “Nậu Đa la” là “Thượng”) là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, là đã thành Phật. Vị Phật này là Phật thật không phải giả.

Nên biết trong mười pháp giới, tất cả đều dùng A-lại-da thức; chúng ta gọi là “ba tâm hai ý”. “Ba tâm” là A-lại-da, Mạt na và ý thức. “Hai ý” là “ý thức” và “ý căn” (tức Mạt na). “Ba tâm, hai ý” là giả không thật! Phật trong mười pháp giới, Đại sư Thiên Thai gọi là “tương tợ tức Phật”, rất giống Phật nhưng không phải thật. Cõi Thật Báo dùng chân tâm, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ là chân Phật, là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Nếu tiến thêm bước nữa, hai chữ “Vô Thượng” (tức A Nậu Đa La) này họ không được dùng, có nghĩa là cõi Thật Báo vẫn là Tam Miệu Tam Bồ Đề, có thể nói như thế.

– “Vô Thượng” thì sao?

– “Vô Thượng” là một người, là “Diệu Giác vị”.

“Diệu Giác” không ở trong cõi Thật Báo, họ đã siêu việt trở về Thường Tịch Quang là cõi thứ nhất trong “Tứ Độ”; nên cõi Thật Báo so với Thường Tịch Quang cũng không phải thật. Thường Tịch Quang chính là tự tánh, nó không có bất kỳ hiện tượng nào. Nó không phải là hiện tượng tinh thần, không phải hiện tượng vật chất, cũng không phải là hiện tượng tự nhiên, nên chúng ta không thể nhận thức được nó. Nó tồn tại mọi lúc, mọi nơi; là lý thể, bản thể của tất cả pháp. Tất cả pháp đều từ nó sinh ra. Nó có thể sinh ra tất cả pháp nhưng không phải là tất cả pháp. Chúng ta có thể dùng màn hình Ti- vi để ví dụ:

Thường Tịch Quang ví cho màn hình; “Tứ Độ, Tam Bối, Cửu Phẩm” là hình ảnh hiển thị khác nhau trên màn hình. Không có màn hình, hình ảnh không hiện ra được. Nhưng, màn hình tuyệt đối không phải hình ảnh. Chúng ta nhất định phải biết: Chỉ có buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mới thấy được tự tánh. Nếu không buông bỏ, cho dù dùng bất cứ loại máy móc nào để quan sát cũng không thể thấy được.

Bởi Thường Tịch Quang không phải hiện tượng vật chất nên “Nhãn-nhĩ-tỷ-thiệt-thân” không thể tiếp xúc được; nó không phải hiện tượng tinh thần nên thức thứ sáu, thức thứ bảy và A-lại-da cũng không tiếp xúc được; nó không phải hiện tượng tự nhiên, đến “Tứ phần A-lại-da” cũng không khởi tác dụng đối với nó (Tứ phần là: Kiến phần, Tướng phần, Tự Chứng phần, Chứng Tự Chứng phần).

Nhất định phải đoạn dứt khởi tâm động niệm mới thấy được tự tánh, đây gọi là minh tâm kiến tánh. Việc này không cho phép, cho dù chỉ khởi lên một ý niệm cực kỳ vi tế, như Bồ Tát Di Lặc đã nói: Trong một khảy móng tay có ba mươi hai ức một trăm ngàn niệm; tức ba trăm hai mươi triệu niệm trong một khảy móng tay. Nếu một giây khảy được năm lần, tức trong một giây có một ngàn sáu trăm triệu niệm vi tế. Phải đoạn tận tất cả ý niệm đó.

– Đoạn tận tất cả thì sao?

– Thì ba loại hiện tượng: vật chất, tinh thần và tự nhiên đó sẽ không còn, lúc đó Thường Tịch Quang lập tức hiện tiền, chân tâm bản tánh hiện tiền. Mục đích cứu cánh của giáo dục Phật Giáo chính là đây. Cảnh giới này gọi là Diệu Giác Quả Phật, thật sự là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

3. A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chỗ này chúng ta liên tưởng đến:

– Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ trong cõi Thật Báo phải nâng cao cảnh giới như thế nào?

– Phải cúng Phật nghe pháp! Cúng Phật mà không có khởi tâm động niệm; nghe pháp, tu hành cũng không có khởi tâm động niệm, khiến “tập khí vô thỉ vô minh” nhạt dần cho đến sau cùng hoàn toàn biến mất. Các vị Cổ Đức gọi là “vô công dụng đạo”, có lẽ là cảnh giới này.

Trong bản Ngụy dịch có ghi: “Nhất phát niệm khoảnh” (Trong khoảng khởi lên một niệm): Đây chính là một niệm mà Bồ Tát Di Lặc nói, thời gian một niệm này cực kỳ ngắn, khoảnh nhất niệm này họ đã cúng dường tất cả vô lượng vô số bất khả tư nghị chư Phật Thế Tôn .

–   Chư vị Thế Tôn này ở đâu?

– Ở trong Thường Tịch Quang, toàn là Diệu Giác quả vị.

Câu sau cùng rất quan trọng: “Bất thất định ý” (không mất định ý). là không có khởi tâm động niệm. “Khởi tâm động niệm”, không ở trong Thường Tịch Quang mà ở cõi Thật Báo. Từ những điều này, chúng ta lãnh hội một cách sâu sắc: Tu Định rất quan trọng, đó là chân công phu! Tam Tuệ, Tam Học thật sự không lìa thiền định. Trên đề kinh:

Thanh Tịnh là thiền định của hàng Nhị thừa.

Bình Đẳng là thiền định của Bồ Tát.

Giác là thiền định của Pháp Thân Đại Sĩ trong cõi Thật Báo. nói thì:

Nếu phối hợp với A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề  mà đề kinh.

Thanh Tịnh là Chánh Giác.

Bình Đẳng là Chánh Đẳng Chánh Giác.

Giác là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đều ở  trong

Tóm lại, chúng ta thấy nhân dân của thế giới Cực Lạc:  Cõi

Thật Báo là tự lực. Cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư là tha lực, nhờ Phật lực gia trì đều có thể tùy niệm phổ cúng chư Phật. Cúng dường là biểu trưng của tánh đức, của tâm thành; điều này rất quan trọng! Ý niệm vừa khởi, chư Phật liền nhiếp thọ xong. Đây là trong cuộc sống hàng ngày, Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc tu hành, cảm ứng đạo giao với tất cả chư Phật Như Lai khắp mười phương thế giới, nhờ vậy mà phước tuệ họ tăng trưởng nhanh chóng.

KINH VĂN:

Ngã tác Phật thời, quốc trung vạn vật, nghiêm tịnh quang lệ, hình sắc thù đặc, cùng vi cực diệu, vô năng xứng lượng. Kỳ chư chúng sinh, tuy cụ thiên nhãn, hữu năng biện kỳ hình sắc, quang tướng, danh số cập tổng tuyên thuyết giả, bất thủ Chánh Giác.

VIỆT DỊCH:

Lúc tôi thành Phật, vạn vật trong nước trang nghiêm, thanh tịnh, sáng ngời đẹp đẽ, hình sắc đặc biệt thù thắng, vi diệu cùng cực, chẳng thể tính kể. Các chúng sinh tuy có thiên nhãn mà có thể phân biệt được hình sắc, quang tướng, danh số và nói tổng quát được (những sự trang nghiêm ấy) thì chẳng lấy Chánh Giác.

GIẢNG:

Từ nguyện ba mươi chín đến nguyện thứ bốn mươi ba là những nguyện nói về “nhiếp Phật độ công đức” (công đức của cõi Phật). Nguyện ba mươi chín là nguyện “Trang nghiêm vô lượng”. Năm nguyện này là cung cấp cho mọi người đạo tràng tu hành hoàn mỹ nhất, trong đó Phật là thầy, Bồ Tát là đồng học.

Ngã tác Phật thời, quốc trung vạn vật, nghiêm tịnh quang lệ, hình sắc thù đặc” (Lúc tôi thành Phật, vạn vật trong nước trang nghiêm, thanh tịnh sáng ngời đẹp đẽ, đặc biệt thù thắng).

Sách Hội Sớ giảng câu này như sau:

Nghiêm là trang nghiêm, tịnh là thanh tịnh, quang là quang minh, lệ là hoa lệ. Nghiêm tịnh là thể không nhơ, quang lệ là hình tướng đặc biệt, lạ lùng. Dài, ngắn, vuông tròn, lớn, nhỏ v.v… là hình. Xanh, đỏ, trắng, đen, đậm, nhạt là sắc chẳng phải là thứ thế gian có được nên bảo là Thù Đặc”. Ý nói: Thể của vạn vật chẳng cấu nhiễm nên bảo là “ nghiêm tịnh”. Dùng bốn chữ “trang nghiêm hoa lệ” để hình dung môi trường tu học ở thế giới Cực Lạc. Nơi đó, bất luận là kiến trúc, thiết kế, đại địa cho đến cây cỏ, hoa lá đều có quang minh phóng ánh sáng nên không cần đến ánh sáng của mặt trời, mặt trăng mà còn rực rỡ, sáng chói hơn cả nhật nguyệt. Đây là tướng kỳ đặc mà trong thế giới tha phương không có.

Cùng vi cực diệu” (Vi diệu cùng cực):

Sách Hội Sớ giảng: “Sự như cái chấm (Sự tướng nhỏ nhặt như cái chấm nhỏ) đã tương tức diệu lý nên bảo là ‘cùng vi’. Tướng vô lậu, tướng Thật Tướng nên bảo là cực diệu”.

Hoàng Niệm lão giải thích câu trên như sau: Ý nói hết thảy sự tướng trong Cực Lạc, dẫu một điểm nhỏ nhặt như mảy lông, hạt bụi đều từ Thật Tế lý mà hiển hiện, chúng là diệu lý, diệu lý là chúng (hạt bụi, mảy lông) hoàn toàn bất nhị nên bảo là “cùng vi”. “Cùng” là tột cùng, “vi” là nhỏ nhiệm.

Vả lại, hết thảy hình tướng do tâm thanh tịnh hiện ra, do công đức vô lậu của Phật A Di Đà biến hiện nên tướng của chúng là vô lậu. Mỗi mỗi hình tướng đều viên minh cụ đức, mỗi thứ đều thuộc “viên viên quả hải” (chữ “viên viên quả hải” lấy từ sách Hiển Mật Viên Thông, có nghĩa là biển vô thượng viên mãn thánh giác quả đức), Thể của chúng chính là Thật Tướng. Có tướng nhưng vô tướng; vô tướng nhưng là tướng. Vì vậy bảo là “cực diệu”.

Hòa Thượng Tịnh Không nói rõ ràng hơn về “Điểm sự diệu lý tương tức” trong Hội Sớ như sau:

– Thế nào là “điểm sự”? (sự như cái chấm)

– “Như vi điểm chi sự tướng”! (Sự tướng nhỏ nhặt như cái chấm nhỏ).

– “Điểm sự” là nói đến điều gì?

– Đại khái chính là các nhà khoa học hiện nay nói về lượng tử, tiểu quang tử, là điểm rất nhỏ. Sự tướng của “vi điểm diệu lý tương tức” là cách nói ngắn gọn của “vi điểm là diệu lý, diệu lý là vi điểm”. Đây chính là môn “tương dung tương tức” trong mười huyền môn của tông Hoa Nghiêm. Lý là tự tánh, tự tánh không hai, tánh tướng nhất như.

– Nhìn từ đâu?

–  Nhìn từ tiểu quang tử!

Chân tướng sự thật này, hiện nay các nhà khoa học đã phát hiện ra, chúng ta không thể không khâm phục họ. Hiện nay học Phật, có nhiều vấn đề dùng khoa học ấn chứng rất dễ hiểu, khiến ta nghĩ đến:

– Ngày xưa không có ấn chứng của khoa học, sao người xưa vẫn tin, và vẫn có thể lĩnh hội được?

– Vì tâm họ thanh tịnh hơn chúng ta, họ có công phu thiền định khá thâm sâu.

Những gì các nhà lượng tử lực học phát hiện, trên thực tế chính là trong kinh nói đến A-lại-da. Chúng ta biết, công năng của đệ lục ý thức rất lớn: Bên ngoài có thể duyên đến vũ trụ, trong kinh gọi là “Pháp giới hư không giới”, bên trong có thể duyên đến A-lại- da, nhưng không duyên được tự tánh. Điều này nói lên các nhà khoa học vẫn chưa kiến tánh. Vì sao? Vì họ vẫn còn dùng tám thức, chưa buông bỏ được! Cho nên, đây là “cực hạn”, là ranh giới của vũ trụ và A-lại-da; danh từ khoa học gọi là “vũ trụ vĩ quan” và “vũ trụ vi quan”. Họ không thể đột phá được hai “cực hạn” này.

Muốn đột phá hai “cực hạn” này, Phật dạy: Phải buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Trên phương diện phàm phu mà nói, Phật dạy chúng ta trước tiên phải buông bỏ chấp trước; tất cả pháp thế và xuất thế gian, như vậy mới đột phá được tầng đầu tiên là đột phá được luân hồi lục đạo. Luân hồi lục đạo sẽ biến mất! Vì sao? Vì nó là giả! Cảnh giới gì sẽ xuất hiện? “Tứ thánh pháp giới”: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật sẽ xuất hiện. Phật lại nói: Nếu tiếp tục buông bỏ phân biệt thì ba bậc trước của “Tứ thánh Pháp giới” (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát) sẽ biến mất chỉ còn lại Phật trong mười pháp giới.

Nếu buông bỏ khởi tâm động niệm, Phật trong mười pháp giới cũng không còn. Cho nên, Phật trong mười pháp giới cũng là giả không thật. Thập pháp giới không còn, lúc này xuất hiện cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật. Thực tế mà nói: Cõi Thật Báo Trang Nghiêm này chính là trong tự tánh của chính mình hiện ra, gọi là Nhất Chân pháp giới. “Nhất Chân” này là thật chăng? “Nhất Chân” so với cái giả “Thập Pháp giới” ở trước hình như là thật! Vì sao? Vì trong “mười pháp giới” có biến hóa, thiên biến vạn hóa. Trong Nhất Chân pháp giới không có biến hóa: Thọ mạng con người rất dài, vĩnh viễn không già yếu, cây cối hoa lá xanh mãi không tàn; ở đó không có bốn mùa, không có biến đổi khí hậu, đây là cõi Thật Báo. Cõi Thật Báo (hay Nhất Chân pháp giới) là tâm hiện không có thức biến. Biến hóa là do phân biệt, chấp trước mới có biến hóa. Không có biến hóa mới là thật, có biến hóa là giả.

– Phải chăng cõi Thật Báo là vĩnh viễn tồn tại?

– Không phải! Đến khi nào đoạn tận “tập khí vô thỉ vô minh”, cõi Thật Báo sẽ không tồn tại. Đến sau cùng có một thứ thật, đó là tự tánh.

Nào ngờ tự tánh vốn không sinh diệt” là Đại sư Huệ Năng nói. Cho nên, cõi Thật Báo vẫn còn sinh diệt, chỉ có Thường Tịch Quang (tức tự tánh) mới không có sinh diệt. Khoa học hiện nay nói về “vũ trụ vi quan” là nói về lượng tử, cũng là nói đến “Tam Tế Tướng của A-lại-da”.

–  Tam Tế Tướng từ đâu mà có?

– Các nhà khoa học nói: Từ không sinh ra có!

Phật pháp nói rõ ràng hơn là: Từ tự tánh biến hiện ra. Trong kinh Đại thừa thường dùng chữ “Không” để hình dung tự tánh, chữ này rất khó hiểu! Chữ “Không” ở đây không phải là không ngơ, không có gì cả mà là “chân không diệu hữu”, nó có tất cả, cái gì cũng có nhưng ta không hề cảm nhận được! Nó “năng sinh vạn pháp”, đây gọi là “điểm sự” (sự như cái chấm). “Điểm sự”, tôi tin rằng: Đây chính là “lượng tử” mà các nhà lượng tử học hiện nay nói đến; trong đây “diệu lý tương tức” chính là “tiểu quang tử” này.

Thời gian tồn tại của “tiểu quang tử” này rất ngắn. Trong điểm này viên mãn hàm chứa tin tức của toàn thể vũ trụ mà chúng ta gọi là hiện tượng tự nhiên, hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần; tất cả đều bao hàm trong này. Đây chính là trong Phật pháp thường nói: “giới tử nạp Tu Di”, hạt cải rất nhỏ có thể đặt núi Tu Di vào đó. Nếu từ Lượng tử học mà nói: Đó không chỉ là núi Tu Di mà toàn thể vũ trụ đều ở trong một điểm nhỏ đó.

“Tiểu quang tử” nhỏ hơn rất nhiều so với hạt cải. Hạt cải, mắt thịt ta có thể nhìn thấy, nhưng không nhìn thấy được “tiểu quang tử”, phải dùng kính hiển vi cao độ, kính hiển vi thông thường không thể nhìn thấy được, trong đây chứa đựng toàn thể vũ trụ, quả thật không thể nghĩ bàn! Đây là chân tướng sự thật. Toàn thể vũ trụ giống như một mạng lưới điện, hoàn toàn tương thông lẫn nhau. Trong Hoàn Nguyên Quán nói rất hay, nói đến sự hình thành của vũ trụ; “Thể-Tướng-Dụng” của vũ trụ:

–  “Thể” là “tự tánh thanh tịnh viên minh thể”. Diệu lý từ “nhất thể khởi nhị dụng”; “nhị dụng” chính là hiện tướng.

– Hiện tướng gì?

– Là hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất; năng lượng là hiện tượng tự nhiên. “Sở hiện” là hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất. Bất luận là hiện tượng tinh thần hay hiện tượng vật chất đều chứa ba loại chu biến:

– Một là “chu biến pháp giới”: Tức niệm vừa khởi thì chu biến pháp giới, tốc độ không gì có thể sánh được.

– Hai là “xuất sanh vô tận”: Xuất sanh tức là biến hóa, biến hóa vô cùng tận.

– Ba là “hàm dung không hữu”: Mỗi hạt tiểu quang tử “hàm không” là tâm bao thái hư; “dung hữu” là biến khắp pháp giới.

Bất kỳ một tiểu quang tử nào đều có hiện tượng của toàn thể vũ trụ. Ta không thể gọi là tin tức, vì tin tức chỉ là một loại hiện tượng. Ở đây, hiện tượng tinh thần còn có hiện tượng vật chất. Kinh nói: “Sanh Phật bất nhị”, tánh tướng không hai; “năng hiện” và “sở hiện” không phải hai; nhập “bất nhị pháp môn” nghĩa là “Nhất thể”. Biến pháp giới, hư không giới và chính mình là nhất thể. Có thể không tôn trọng họ chăng? Có thể không tán thán họ chăng?

Trong Thập Đại Nguyện Vương nói: Lễ kính, tán thán, cúng dường là “nhất thể”. Chân tướng sự thật này chỉ có Phật pháp nói một cách rõ ràng, minh bạch, thấu triệt. Đây là nói về “diệu lý tương tức”, cho nên gọi là “cùng vi”. Hai chữ này dùng rất hay: “cùng” là tột cùng, là truy tìm căn nguyên, thấu hiểu triệt để; “vi” là nhỏ nhiệm. “vi điểm” hiện nay gọi là “tiểu quang tử”. Phật pháp nói rõ ràng hơn so với các nhà khoa học.

Tướng vô lậu, tướng Thật Tướng nên bảo là cực diệu”, mấy câu kinh văn này, ngày nay chúng ta dùng lượng tử vật lý để nói sẽ rất dễ lãnh hội. Bên dưới nói: “Vi điểm của tất cả sự tướng như một sợi lông, một hạt bụi ở thế giới Cực Lạc đều hiện ra từ Lý thể Thật Tế và diệu tương tức không hai nên gọi là cùng vi”. Câu này nói với chúng ta: Người ở thế giới Cực Lạc đều là nhà khoa học đỉnh cao, là nhà triết học đỉnh cao, họ đều có thể “cùng vi” (nhìn thấu triệt để đến cội nguồn), họ không giống các nhà khoa học của thế giới chúng ta, họ là thân chứng cảnh giới này, mọi vấn đề đều thấu đáo, viên mãn tuyệt diệu. Các nhà khoa học phải nhờ máy móc mới quan sát được, vì thế vẫn còn rất nhiều nghi vấn không thể giải quyết. Do đây có thể biết: Đến thế giới Cực Lạc không những thành Phật, mà Phật là gì? Phật là nhà khoa học lớn, nhà triết học lớn.

Ở đây, chúng ta nêu ra:

– “Vi điểm của tất cả sự tướng như sợi lông, hạt bụi ở thế giới Cực Lạc đều hiện ra từ Thật Tế lý thể và Diệu lý tương tức không hai”, phải chăng cũng là ở thế giới này của chúng ta?

– Đúng vậy! Không có ngoại lệ! Thế giới này của chúng ta cũng vậy!

– Cũng vậy là sao?

– Chúng ta không biết! Nhưng tất cả người ở thế giới Cực Lạc đều chứng được.

– Họ dùng gì để chứng?

–  Dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác. “Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác” họ đều đạt đến cứu cánh viên mãn. Cho nên, trí tuệ của Phật, Bồ Tát không thể nghĩ bàn! Tất cả các pháp thế, xuất thế gian không gì họ không thông đạt, không gì họ không thấu triệt.

Ngày nay, chúng ta chỉ có thể nói đến “Tín, giải”. Trình độ “Tín, giải” đều không sâu, vì chúng ta thuộc về “học vấn ghi nhớ”, thấy được từ trong kinh, nghe được từ thiện tri thức giảng giải, không phải tự mình chứng được nên “Tín, giải” không sâu!

– Sao lại nói không sâu?!

– Vì không dám làm! Phật dạy chúng ta buông bỏ, chúng ta không dám buông bỏ! Nguyên nhân là tin chưa đủ sâu! Nếu tin sâu họ sẽ thật buông bỏ.

Trong kinh nói: “Huyễn tướng ở trước không hề chướng ngại, mà chướng ngại là do tâm mình!” Buông bỏ không phải là tiêu diệt các tướng bên ngoài mà tiêu diệt tướng trong tâm, khiến tâm được khôi phục đến thanh tịnh, bình đẳng, giác, đạt đến cảnh giới “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, điều này mới quan trọng!

Tóm lại, trong mỗi một vi điểm đều có thế giới. Phía trước chúng ta đã học, Bồ Tát có thể đi vào thế giới vi điểm để tham học. Thế giới ngoài vi điểm cũng không thu nhỏ; thế giới trong vi điểm cũng không phóng to; lớn nhỏ không hai! Thử hỏi:

– Vũ trụ hiện nay của chúng ta là vũ trụ trong vi điểm hay vũ trụ lớn bên ngoài vi điểm?

– Nói thật là: Không một cũng không hai!

Trong kinh nói rất hay: “Tương tức tương nhập”. Chúng ta phải buông bỏ vọng niệm, phân biệt, chấp trước mới có thể thấy được. Đây là tánh đức, cảnh giới minh tâm kiến tánh, không những là “viên minh cụ đức” mà nhất nhất đều “viên viên quả hải”. Kinh Hoa Nghiêm gọi là “Diệu Giác Phật quả”. Chỉ có Diệu Giác Bồ Tát mới thấy được “Đương thể tức là thực tướng”.

– Thật tướng là gì?

– “Tướng mà vô tướng; vô tướng mà tướng”! Cho nên gọi là “cực diệu”. Tất cả mọi hiện tượng không thể nói nó có, cũng không thể nói nó không.

Ngày nay, trước mắt chúng ta: Màn hình chính là “vi điểm”, tất cả hiện tượng trên màn hình cũng là “vi điểm”. Trong “vi điểm” có màn hình viên mãn, trong màn hình có “vi điểm” viên mãn.

Tướng tức vô tướng, vô tướng mà tướng”, hai câu này chẳng phải ngay trước mắt chúng ta sao? Nếu có thể cảm nhận ra điều này là đã ngộ nhập cảnh giới Hoa Nghiêm.

– Cảnh giới Hoa Nghiêm là gì?

– Trong màn hình hiện tướng chính là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”. Bất luận hiện ra hình ảnh gì: thị phi, nhiễm tịnh, thiện ác v.vđều không tồn tại. “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” hay “nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”.

Cho dù:

– Tìm chân vọng, liễu bất khả đắc!

– Tìm tà chánh, liễu bất khả đắc!

– Tìm nhiễm tịnh, liễu bất khả đắc!

– Tìm thiện ác cũng bất khả đắc!

Xin chúc mừng! Bạn đã đạt được “thanh tịnh, bình đẳng, giác” tức là thành Phật. Thành Phật mới “cùng vi cực diệu” đây là cảnh giới của Như Lai quả địa.

Vô năng xứng lượng” (Chẳng thể tính kể):

Sách Hội Sớ giảng: “Rộng, hẹp dung nhập lẫn nhau nên bảo là chẳng thể tính kể”.

Hoàng Niệm lão giải thích câu này như sau: Ý nói Cực Lạc thế giới hiển thị trọn vẹn “sự sự vô ngại pháp giới”, một tức là nhiều, nhiều tức là một, lớn-nhỏ chứa đựng lẫn nhau, rộng vào trong hẹp, hẹp vào trong rộng, trùng trùng vô tận vượt ngoài tình kiến, khả năng nhận thức của tâm tưởng, kiến giải và khả năng diễn giải của ngôn ngữ, nên chẳng thể bàn luận nổi. Vượt khỏi khả năng tư duy nên chẳng thể nghĩ nổi. Nói năng, suy nghĩ chẳng thấu suốt thì làm  sao tính kể nổi. Vì vậy bảo là “vô năng xứng lượng” (chẳng thể tính kể nổi). Cách giải thích này quá tuyệt vời! Hoàng Niệm lão nói tiếp:

Hiển nhiên chỉ có Phật với Phật mới thấu suốt trọn hết nổi Cực Lạc Tịnh Độ. Ngoại trừ đức Phật ra, hết thảy chúng sinh: Trên thì đến bậc Đẳng Giác , giữa thì như hết thảy phàm, thánh, chúng sinh thuộc Tiểu thừa hay Đại thừa có thiên nhãn đều chẳng thể bàn định hình sắc, quang tướng, tên tuổi, số lượng cũng như chẳng thể nào liệt kê một cách tổng quát được những sự trang nghiêm đó. Vì vậy kinh nói:

Kỳ chư chúng sinh, tuy cụ thiên nhãn hữu năng biện kỳ hình sắc, quang tướng, danh số, cập tổng tuyên thuyết giả, bất thủ Chánh Giác” (Các chúng sinh tuy có thiên nhãn mà có thể phân biệt được hình sắc, quang tướng, danh số và nói tổng quát được thì chẳng lấy Chánh Giác).

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Quảng lượng tương nhập” là rộng ở trong hẹp, hẹp ở trong rộng. Chúng ta thay đổi bằng hai chữ “lớn, nhỏ” thì dễ hiểu hơn. Lớn là vũ trụ, nhỏ là vi điểm. “Vi điểm” là “vi” của “cực vi” là vật chất nhỏ nhất trong hiện tượng vật chất không thể phân tích. Đây có thể là “lượng tử” mà hiện nay các nhà khoa học đề cập đến. Trong “lượng tử” hàm chứa cả toàn thể vũ trụ; trong đó vũ trụ không thu nhỏ, mà “lượng tử” cũng không phóng to.

– Làm sao có thể dung chứa được?

–  Chúng ta không sao lý giải! Vũ trụ xưng tánh, lượng tử cũng xưng tánh. Tánh không lớn, nhỏ cho nên nó “tương tức tương nhập”.

Thực tế, câu này rất tuyệt! Chỉ cần không “tư”, không “nghị” là thấy được minh bạch. “Tư” là suy nghĩ, càng nghĩ lại càng sai! “Nghị” là thảo luận về nó, cũng sai! Vì sao? Vì cảnh giới này không  phải lời lẻ có thể nói được! “Ngôn ngữ đạo đoạn, cố bất khả nghị” câu quan trọng nhất là “siêu tình ly kiến”, vượt ra ngoài tình chấp, kiến giải và khả năng diễn tả của ngôn ngữ. Ngày nay, chúng ta không thể “siêu tình”, cũng không thể “ly kiến”, cho nên đọc những điều này không hiểu! Chữ đọc không sai, ý nghĩa hình như hiểu, lại hình như không hiểu nên không được lợi ích!

Chúng ta xem trong Ngũ Đăng Hội Nguyên, Truyền Đăng Lục của Thiền tông. Hòa Thượng trắc nghiệm học trò, hỏi người này: “Đạo nhất cú lai”! Nghĩa là: Ông nói một câu tôi nghe xem! Người học trò này bắt đầu mở miệng nói. Lập tức, đánh một quyền vào miệng không cho nói!

–  “Đạo nhất cú lai”, học trò nghĩ ra rồi sao không cho nói?!

–  “Ngôn ngữ đạo đoạn”! Ông đạo gì chứ?!

Động tác che miệng người học trò lại, người này liền khai ngộ! Thủ pháp này rất cao minh! Nói cách khác, Hòa Thượng có thần thông, có trí tuệ nhìn thấu đứa học trò này khi nào thì sắp ngộ mà chưa ngộ, ngay thời điểm then chốt đó, chỉ thiếu một chút mà không thể khai ngộ, chiêu này vừa biểu diễn, họ liền hoác nhiên đại ngộ. Nếu chưa đến mức độ nhân duyên này, dù có bịt miệng đến ngộp thở vẫn không khai ngộ, hà tất phải làm như thế!

Phương pháp này không phải ứng phó với bất cứ người nào, chỉ là đối với người có nhân duyên đặc thù. Muốn một người khai ngộ, phương pháp đó quả thật là thiên biến vạn hóa, không có phương pháp nhất định. Người khai ngộ họ biết, khai ngộ tức là thành Phật; minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Chúng ta chưa khai ngộ, học theo phương pháp đó của họ là sai lầm! Điều này không học được!

Kỳ chư chúng sinh”: đây là nói người của thế giới Tây Phương Cực Lạc, “tuy cụ thiên nhãn” (tuy có thiên nhãn), thiên nhãn của họ gần như không khác với Phật. Chúng ta đọc thấy trên kinh: “Thiên nhãn đỗng thị”, “Thiên nhĩ triệt thính”. Phạm vi thấy nghe của họ là tận hư không pháp giới; dùng năng lực này để biện biệt tất cả vạn sự vạn vật của thế giới Tây Phương Cực Lạc: Hình trạng, màu sắc, ánh sáng, tướng trạng, danh tự, số mục v.vcũng không thể nào liệt kê một cách tổng quát được những sự trang nghiêm đó. Cho nên, chỉ có Phật với Phật mới thấu suốt nổi trọn hết cõi Tây Phương Tịnh Độ.

KINH VĂN:

Ngã tác Phật thời, quốc trung vô lượng sắc thụ, cao hoặc bách thiên do tuần, đạo tràng thụ cao tứ bá vạn lý. Chư Bồ Tát trung, tuy hữu thiện căn liệt giả, diệc năng liễu tri. Dục kiến chư Phật tịnh quốc trang nghiêm, tất ư bảo thụ gian kiến, do như minh kính, đổ kỳ diện tượng. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.

VIỆT DỊCH:

Lúc tôi thành Phật, cây trong cõi nước có vô lượng màu hoặc cao đến trăm ngàn do tuần; cây đạo tràng cao bốn trăm vạn dặm. Trong các Bồ Tát, dù kẻ thiện căn kém cỏi vẫn có thể biết rõ. Muốn thấy sự trang nghiêm nơi Tịnh Độ chư Phật thì đều thấy rõ nơi thân cây ấy như từ nơi gương sáng thấy rõ vẻ mặt. Nếu chẳng được như vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

GIẢNG:

Tất cả chúng sinh đều yêu thích cây cỏ; ở thế giới Cực Lạc cũng không ngoại lệ, cây cỏ hoa lá có rất nhiều. Chương này gồm hai nguyện: Từ “ngã tác Phật thời” đến “diệc năng liễu tri” là nguyện  thứ bốn mươi “vô lượng sắc thụ” (cây vô lượng sắc); từ “dục kiến” (muốn thấy) trở đi là nguyện thứ bốn mươi mốt “thụ hiện Phật sát” (trong cây hiện cõi Phật). Từ nguyện thứ ba mươi bảy phía trước cho đến nguyện thứ bốn mươi ba đều nói y báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc. Y báo chính là môi trường cư trú, sinh sống và học tập.

Trong tập quán, người Trung Quốc thường nói phong thủy, chúng ta từ nguyện văn này có thể thể hội được phong thủy của thế giới Tây Phương Cực Lạc đích thật là tuyệt đẹp. Đây là điểm mà mười phương thế giới đều không thể sánh bằng. Cái mà nhà phong thủy gọi là “người phước ở đất phước, đất phước người phước ở”; hai câu này dùng vào thế giới Cực Lạc quả thật là danh phù hợp với thật, không chút khoa trương. Y báo trang nghiêm, nói thật ra, là vô lượng vô biên, A Di Đà Phật trong nguyện văn này chỉ nêu lên vài điển hình rõ rệt để thuyết minh.

–  “Đất phước người phước ở”, chúng ta cần có bao nhiêu phước mới được vãng sinh đến Tây Phương Cực Lạc?”

– Vấn đề này quan trọng không thể lơ là!

Đại sư Liên Trì nói: “Niệm Phật chính là tu phước”

Quốc trung vô lượng sắc thụ, cao hoặc bách thiên do tuần” (Cây trong cõi nước có vô lượng màu, hoặc cao đến trăm ngàn do tuần). Cây có vô lượng màu vì hết thảy các cây báu trong nước đều do bảy báu hóa thành, màu sắc rực rỡ, quanh minh chiếu diệu, mọc thành hàng lối thẳng thớm, thân cây ngang nhau. Các cây báu ấy mọc đầy khắp cõi nước, cây cao từ trăm do tuần đến ngàn do tuần.

“Do tuần” là đơn vị đo lường, ở đây nói bốn mươi dặm đến sáu mươi dặm. Theo giải thích của Hòa Thượng Tịnh Không: “Do tuần” của Trung Quốc có đại do tuần, trung do tuần và tiểu do tuần.

Đại do tuần là tám mươi dặm của Trung Quốc; Trung do tuần bằng sáu mươi dặm; Tiểu do tuần là bốn mươi dặm.

Lúc Thích Ca Mâu Ni Phật ra đời là vào thời nhà Chu ở Trung Quốc. Trong lịch sử có ghi chép rất rõ: Năm Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời là năm Giáp Dần thứ hai mươi bốn của Chu Chiêu Vương, đến khi Phật diệt độ là năm thứ năm mươi ba của Chu Mục Vương. Phật trụ thế tám mươi năm. Người xưa tính tuổi mụ tám mươi tuổi; người nước ngoài nói bảy mươi chín tuổi.

Thước đo thời nhà Chu, vào đầu năm Dân Quốc, Đại sư Hoằng Nhất có viết một bài văn là “Chu Xích Khảo”, nói cho chúng ta biết: Một mét thời nhà Chu tương đương với sáu tấc hiện nay. Thước của nhà Chu không lớn, nói cách khác: Một đại do tuần là tám mươi dặm, cũng chỉ bằng bốn mươi dặm hiện nay; một trung do tuần là ba mươi dặm; một tiểu do tuần là hai mươi dặm. Đây là dặm của Trung Quốc; nếu tính theo cây số phải giảm đi một nửa.

Như vậy, một đại do tuần là hai mươi cây số, một trung do tuần là mười lăm cây số, tiểu do tuần là mười cây số. Phi cơ hiện nay thường bay ở độ cao khoảng mười cây số, chỉ mới đến ngọn cây của thế giới Cực Lạc, quả thật là không thể nghĩ bàn! Chúng ta có thể liên tưởng người ở thế giới Cực Lạc cũng cao lớn. Cây cao thì người cũng cao, như vậy mới tỷ lệ thuận. Ở Úc châu cây cũng rất cao, khoảng bằng mười mấy người; đứng dưới gốc cây nhìn lên ngọn, cảm thấy thân mình rất nhỏ bé.

Thế gian này, trong rừng nguyên sinh, có những cây thần sống trên ngàn năm, đây là đại thụ. Cây hai, ba ngàn năm chúng ta cũng thấy, vẫn sinh trưởng vô cùng tốt, chứng minh đất nơi đó phong thủy tốt khiến cây có thể sinh trưởng đến mấy ngàn năm, mỗi năm vẫn mọc ra cành mới, vẫn nở hoa mới, vẫn kết quả mới. Đất ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không cần phải nói, là lưu xuất từ trong pháp tánh cứu cánh viên mãn. Thực vật nơi đó sống tốt, người sống nơi đó sẽ thành Phật, đây là đất phước.

Thế gian này, đại đức xưa muốn chọn một nơi để xây đạo tràng hoặc cất một am tranh tự mình tu hành, phải tìm một môi trường tốt, đây chính là phong thủy. Nơi cư trú được yên ổn, không bị ngoại duyên quấy nhiễu, môi trường tốt lành, trang nghiêm có thể giúp người tu khôi phục được tâm thanh tịnh. Y báo giúp cho Chánh báo; Chánh báo lại trang nghiêm cho y báo, trở thành phong thủy tốt đẹp. Thế gian có người nói: Phong thủy trong thiên hạ đều bị nhà Phật chiếm hết rồi! Có người đến hỏi tôi:

– Phải chăng người học Phật các vị đều biết xem phong thủy?

Nơi các vị cư trú đều đẹp cả.

Vấn đề này nêu ra rất hay! Tôi nói với họ:

–  Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng tôi không được xem phong thủy. Trong Kinh “A Nan hỏi Phật việc tốt xấu”, Phật đã nói ra rồi: Xem tướng, chấm tử vi, đoán quẻ, xem phong thủy đều là điều mà Phật cấm kỵ. Người xuất gia tuyệt đối không xem phong thủy.

– Vì sao người xuất gia chọn địa điểm nào cũng tốt như vậy?

– Do nhờ tu “Giới-Định-Tuệ” Tam Học mà chánh báo tốt. Chánh báo tốt thì y báo cũng tốt, hỗ tương lẫn nhau, cho nên nơi này sẽ càng ngày càng đẹp, đạo lý là như vậy!

Người thế gian muốn tìm một khu đất có phong thủy tốt, chắc chắn không thể tìm được! Vì sao? Vì tâm con người bất thiện! Cho dù thế đất có tốt thế mấy, họ đến ở vài năm thì phong thủy ở đó cũng trở thành xấu. Do cảnh tùy tâm chuyển! Tâm họ bất thiện, thì khu đất tốt cũng trở thành xấu! Cho nên Phật dạy chúng ta phải chuyển cảnh giới, không nên để cảnh giới chuyển. Người thế gian ưa thích xem tướng, chấm tử vi, xem phong thủy, đây là bị cảnh giới chuyển!

Đạo tràng thụ cao tứ bá vạn lý” (Cây đạo tràng cao bốn trăm vạn dặm): nơi đạo tràng có một cây thụ vương (cây chúa) gọi là “Đạo tràng thụ” tức là cây Bồ Đề, là nơi đức A Di Đà Phật giảng kinh thuyết pháp. Cây bên ngoài giảng đường cũng gọi là “Đạo tràng thụ”.

Đức Phật Thích Ca ra đời ở thành Ca Tỳ La Vệ, thuộc nước Nepal hiện nay, nằm ở phía Nam của rặng Hy Mã Lạp Sơn. Phía Bắc của Hy Mã Lạp Sơn là Tây Tạng, ngày xưa thường gọi là Tây Vực (cũng chính là hướng Tây Nam của Trung Quốc). Từ phía Tây Nam của núi Chánh Giác đi khỏi bốn mươi dặm (đây là theo chú giải của cụ Hoàng. Chỗ này Hòa Thượng Tịnh Không nói là mười bốn, mười lăm dặm ?!) có một cây Tất-bát-la (Pipala), đức Phật từng ngồi dưới gốc cây ấy thành Chánh Giác, nên cây ấy được gọi là cây Bồ Đề.

Bản chú giải Kinh Duy Ma Cật của ngài Tăng Triệu, trong phần giảng về phẩm Bồ Tát Hạnh có ghi: “Phật thành đạo dưới cội cây, cây được gọi tên là Bồ Đề. Cây ấy quang minh không đâu chẳng chiếu đến, mùi hương không đâu chẳng thơm ngát, hình sắc vi diệu tùy theo ý thích mà thấy (sai khác). Cây vang ra tiếng pháp theo ý thích của mỗi người. Đây là cây báo (quả báo) ứng (ứng hóa) của Như Lai vậy. Chúng sinh gặp được cây ấy tự nhiên ngộ đạo”.

Hiện nay giao thông tiện lợi, rất nhiều người đến Ấn Độ chiêm bái Thánh tích. Hình như có hai, ba lần có người mời tôi đi, tôi chưa từng đến Ấn Độ, suốt đời tôi chỉ giảng kinh. Tôi cũng đi qua rất nhiều quốc gia trên thế giới, đều do người mời tôi đến giảng kinh. Xưa nay tôi không hề đi du lịch; ngoài lúc giảng kinh có thời gian rãnh thì đi loanh quanh một chút, xem phong cảnh các nơi, đó là tranh thủ thôi, mục đích không phải là đi du lịch. Những năm lại đây, tôi cũng có khi xuất ngoại, đa phần đều là tham gia Hội Nghị Hòa Bình quốc tế, Hội nghị tôn giáo, cũng không phải đi du lịch. Tôi tin rằng rất nhiều đồng tu đều đã chiêm bái Thánh tích đương thời của Thế Tôn : Bồ Đề thọ vẫn còn; những di tích ngày xưa nơi đức Phật giảng kinh như núi Linh Thứu, vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc v.vđều vẫn tồn tại. Thử hỏi:

–  Cây Bồ Đề ở Ấn Độ ngày nay có còn phóng ánh sáng chăng? Có còn ngửi thấy mùi hương chăng? Hình sắc vi diệu có còn như trong kinh nói chăng?

– Hình như đều không có! Đức Phật Thích Ca cách chúng ta quá lâu đến ba ngàn năm, có thể ngày xưa có ánh sáng, có hương thơm, bây giờ thì không còn nữa! Đây là cách giải thích. Thật ra, câu giải thích thật sự là ở câu “tùy theo sở thích mà thấy được”. Rốt cuộc, vẫn là “tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”. Người có tâm chân thành, cung kính, khi đi chiêm bái Thánh tích của đức Thích Ca Mâu Ni có thể nhìn thấy ánh sáng, có thể ngửi thấy mùi hương. Nếu dùng tâm nông nổi, tâm không thanh tịnh để đi chiêm bái thì chẳng cảm nhận được điều gì cả, chỉ thấy một cây Bồ Đề bình thường, không thấy được ánh sáng cũng không ngửi được hương báu của nó!

Ở đây nói: “Cây vang ra pháp âm, tùy sở thích mỗi người mà nghe”, đây là “Như Lai báo ứng thọ”. Quả thật càng vi diệu! Cây biết nói pháp “chúng sinh gặp được tự nhiên ngộ đạo”. Đây không phải là cây nơi đức Phật Thích Ca thành đạo mà là “Đạo tràng thụ” ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ngồi dưới gốc cây bên ngoài giảng đường vẫn nghe cây thuyết pháp, cũng có thể ngộ đạo. Điều này nói rõ tu hành ở thế giới Cực Lạc rất dễ thành tựu. Trái lại, tu hành ở thế giới chúng ta rất khó thành tựu! Môi trường toàn là ô nhiễm trái với tánh đức, nào là: Sát, đạo, dâm, vọng, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, ác khẩu, tham, sân, si, mạn v.vđều là “thượng ác”, khác hẳn với thế giới Cực Lạc đều là “Thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”.

Chư Bồ Tát trung tuy hữu thiện căn liệt giả” (Trong các Bồ Tát dù kẻ thiện căn kém cõi): Ý nói trong số Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc, cũng có người thiện căn kém. Người thiện căn kém là chỉ cho Bồ Tát “Hạ hạ phẩm vãng sinh” trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Phàm Thánh Đồng Cư Độ nếu so với Phương Tiện Độ hay Thật Báo Trang Nghiêm Độ, đó là kém. Trong Đồng Cư Độ cũng có cửu phẩm: Ba phẩm Hạ kém hơn ba phẩm Trung và ba phẩm Thượng. Người kém nhất là ở “Hạ hạ phẩm” vãng sinh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư.

Diệc năng liễu tri” (Vẫn có thể biết rõ): Theo Hòa Thượng Tịnh Không, chữ “liễu tri” ở đây còn hàm nghĩa là hưởng thụ. Bạn không hiểu biết gì về nó thì không thể bàn đến sự hưởng thụ. Câu nói này nói rõ: Phàm là người đến thế giới Cực Lạc, cho dù là ở cõi Đồng Cư, Hạ hạ phẩm vãng sinh cũng hưởng thụ hoàn cảnh vật chất ở đó như nhau.

Phần nói về thành tựu sở nguyện của Kinh Vô Lượng Thọ cũng chép: “Phục do kiến bỉ thụ cố, hoạch tam chủng Nhẫn, nhất Âm Hưởng Nhẫn, nhị Nhu Thuận Nhẫn, tam giả Vô Sanh Pháp Nhẫn” (Lại do thấy được cây ấy nên tự nhiên đạt được ba thứ Nhẫn, một là Âm Hưởng Nhẫn, hai là Nhu Thuận Nhẫn, ba là Vô Sanh Pháp Nhẫn) Công đức của cây Bồ Đề ấy quả thật là vô thượng hi hữu, vi diệu khó nghĩ tưởng nổi, đều do bi nguyện của đức Phật A Di Đà hóa hiện ra.

Dục kiến chư Phật tịnh quốc trang nghiêm, tất ư bảo thụ gian kiến, do như minh kính, đổ kỳ diện tượng” (Muốn thấy sự trang nghiêm nơi Tịnh Độ chư Phật thì đều thấy rõ nơi thân cây ấy như từ gương sáng thấy rõ vẻ mặt): Đây là nguyện thứ bốn mươi mốt “Thụ hiện Phật sát” (Cây hiện cõi Phật), cũng là cảnh giới “sự sự vô ngại” như Kinh Hoa Nghiêm đã nói. Nguyện này giống như phép quán thứ tư trong Quán Kinh là “Bảo thọ quán”.

Hoàng Niệm lão đã tóm lược lời kinh như sau: “Thử chư bảo thụ sanh chư diệu hoa… dũng hiện chư quả, hữu đại quang minh, hóa thành tràng phan, vô lượng bảo cái. Thị bảo cái trung, ánh hiện tam thiên đại thiên thế giới nhất thiết Phật sự, thập phương Phật quốc diệc ư trung hiện” (Các cây báu ấy… sanh các đóa hoa mầu nhiệm, sanh ra các quả, có đại quang minh hóa thành tràng phan, vô lượng lọng báu. Trong các lọng báu ấy hiện bóng hết thảy Phật sự trong tam thiên đại thiên thế giới. Mười phương cõi Phật cũng hiện trong ấy). Những cây báu được nói trong “phép quán cây báu” trong Quán Kinh chính là do nguyện này thành tựu. Nơi những cây ấy, thấy được trọn vẹn mười phương cõi Phật, rõ ràng như đối mặt với tấm gương sáng, thấy rõ vẻ mặt mình. Cho nên, cõi Cực Lạc hàm nhiếp hết thảy cõi Phật, “tương nhập tương tức” chẳng thể nghĩ bàn!