PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 4
VỀ XÃ HỘI VÀ QUAN HỆ NHÂN SINH

ĐẠI THỪA

Thuật trị nước

M.23 Bậc minh quân

Đoạn này mô tả người cai trị nhân từ và dụng tâm.

Này thiện nam tử! Bồ-tát tại gia được tự tại làm vua của một nước lớn, vị ấy nên đối với thần dân như con một của mình, khuyên dạy dân tránh xa ác nghiệp, tu tập thiện nghiệp. Nếu có kẻ phạm tội bị bắt thì chỉ nên đánh và mắng mà thôi, nhưng không nên giết chết.

Chỉ nên đánh thuế trên một phần sáu tài sản của dân. Với kẻ có ác tâm sân hận, thì bằng những lời nói từ ái, dạy cho tu nhẫn, không buông lung. Lại có khả năng phân biệt người thiện với kẻ ác. Thấy người có tội, khoan dung không hỏi đến. Thường xuyên hành bố thí tùy theo những gì mình có… Khi gặp người nghèo khó, phát khởi đại tâm bi cứu giúp. Luôn mãn nguyện với chính quốc gia của mình. Tuyệt đối không tin vào những lời vu khống của kẻ ác tâm. Không bao giờ tích chứa tài sản riêng trái với chánh Pháp.

Upāsaka-śīla Sūtra: Ưu-bà-tắc giới kinh, Taishō vol.24, text 1488, ch.13, p.1047a02–05, 09–11, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.24 Quân vương đại lượng và hữu ích

Đoạn này khuyên những người lãnh đạo thi hành nhân ái với kẻ khuyết căn.

Đức Phật nói với Bồ-tát Địa Tạng (Kṣitigarbha) rằng. ‘Trong thế giới này, có các quốc vương, tể phụ, đại thần, quan lại, trưởng giả lớn, sát-đế-lợi lớn, bà-la-môn lớnNếu gặp những kẻ bần cùng hết mức, cho đến những người gầy yếu, tàn phế, câm điếc, đui mù, đủ loại những người khiếm khuyết như vậy, là vua của những nước lớn, khi muốn bố thí, cần phải có tâm đại từ đại bi, hạ mình tự tay bố thí với nụ cười, hoặc sai khiến người khác bố thí, nói những lời dịu dàng an ủi. Phước lợi mà vị quốc vương ấy có được như vậy cũng lớn bằng phước lợi do công đức cúng dường chư Phật nhiều như số cát trăm nghìn sông Hằng.

Kṣitigarbha Bodhisattva Pūrva-praṇidhāna Sūtra: Địa Tạng Bồ-tát bản nguyện kinh, Taishō vol.13, text 412, ch.10, p.786b20–25, dịch Anh D.S.

M.25 Đại nguyện của Thắng Man phu nhân

Trong đoạn này, Thắng Man phu nhân phát đại nguyện, vì lợi lạc chúng sinh.

Bấy giờ Thắng Man (Śrīmālā)[1] phu nhân sau khi nghe thọ ký, cung kính đứng dậy, xin lãnh thọ mười đại thọ (thệ nguyện lớn) rằng, ‘Bạch Thế Tôn kể từ hôm nay cho đến lúc thành tựu bồ-đề, đối với những giới đã thọ, con sẽ không bao giờ khởi tâm vi phạm… đối với các bậc tôn trưởng, con sẽ không bao giờ khởi tâm kiêu mạn… đối với chúng sanh con sẽ không bao giờ khởi tâm phẫn hận… đối với sắc đẹp và những thứ trang sức bên ngoài nơi người khác, con sẽ không bao giờ khởi tâm ganh tị… đối với các pháp nội hay ngoại, con sẽ không bao giờ khởi tâm keo kiệt… con sẽ không bao giờ vì mình mà thọ nhận, súc liễm tài vật; nếu có thọ nhận cái gì, là vì để thành thục các chúng sanh nghèo khổ… con sẽ không bao giờ vì riêng mình mà thực hành bốn nhiếp sự[2]… con sẽ vì hết thảy chúng sanh, bằng tâm không ái nhiễm, tâm không mệt mỏi, tâm không hạn ngại, mà luôn luôn nhiếp thọ (nhiếp hộ) chúng sanh… nếu gặp những chúng sanh cô độc, bị giam cầm trong ngục tối, tật bệnh, đủ mọi thứ ách nạn khốn khổ, con sẽ không bao giờ rời bỏ dù chỉ chốc lát; mà phải mong sao cho họ được an ổn, bằng hành vi thiết thực, khiến cho thoát khỏi mọi thống khổ, sau đó mới rời bỏ… nếu gặp các trường hợp ác luật nghi như săn bắn hay chăn nuôi, và các trường hợp phạm giới, con sẽ không bao giờ bỏ qua; khi nào có đủ năng lực, gặp những chúng sinh như vậy ở nơi này hay ở nơi kia, đối với những hạng cần phải chiết phục con sẽ chiết phục, đối với những hạng cần phải nhiếp thọ con sẽ nhiếp thọ… con sẽ không bao giờ quên mất nhiếp thọ Chánh pháp… cho nên tiếp thọ mười đại thọ này.

Śrīmālādevī-siṃhanāda Sūtra, Taishō vol.12, text 353, ch.2, p.217b24–c22, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Hòa bình, bạo loạn và tội ác

M.26 Bồ-tát phụng sự hòa bình

Ở giữa những cuộc chiến lớn, chư Bồ-tát không thiên vị phe nào.

Chư đại lực Bồ-tát vui thích trong việc hòa hợp mọi người. Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.7, section 6, verse 27, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.27 Xử sự khó hành xử

Do vậy, khi chứng kiến một kẻ thù hoặc thậm chí một người bạn cư xử xấu, Bồ-tát vẫn an vui vì nghĩ rằng những sự việc xảy ra như thế đều có nguyên do riêng.

Những sai quấy của chúng sinh chỉ như những khách tạm. Tự bản chất chúng sinh vốn hoan hỷ. Vì thế, giận họ chẳng khác nào giận bầu trời đầy khói cay. Bodhicaryāvatāra VI. 33 and 40, dịch Anh from Sanskrit by P.H.

M. 28 Chống lại án tử hình

Đoạn này khuyến cáo một nhà cai trị không nên trừng phạt nhân dân bằng án tử hình hoặc nhục hình vì như vậy là khiến cho họ sẽ chết trong sân hận và do vậy ắt sẽ tái sinh khổ cảnh, như nói:

Không ai có quyền giết, hủy hoại các giác quan, cắt rời chi thể khiến cho tàn phế suốt đời… những điều này không chính đáng, khiến mọi người kinh tâm, ghê sợ… Đấy không phải là hành xử của của người cai trị chân chánh.

Ārya-satyaka-parivarta, p.200 of L. Jamspal’s dịch Anh from Tibetan.

M.29 Đôi khi, Bồ-tát phải hối tiếc đã dùng bạo lực cứu người

Đoạn này cho phép dùng bạo lực trong những tình huống hạn chế tối đa để cứu thoát kẻ khác, nhưng chỉ bởi những người có tu tâm sẵn sàng nhận lãnh quả báo xấu của nghiệp đã làm như vậy.

Bồ-tát khi thấy gian tặc, cương đạo, vì tham tài mà sát hại nhiều sinh mạng, hoặc dự định hại Đại đức Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát; hoặc dự định gây nhiều nghiệp vô gián; sau khi thấy như vậy, Bồ-tát phát tâm tư duy: “Nếu ta dứt mạng sống của chúng sanh ác này, chắc chắn ta sẽ đọa địa ngục. Nhưng ta sẵn sàng sanh vào địa ngục, chớ để chúng sinh này tạo nghiệp vô gián rồi đọa địa ngục.” Bồ-tát tư duy bằng ý lạc như vậy, rồi với tâm thiện, hay tâm vô ký, biết rõ sự thể như vậy, nghĩ về tương lai với sự kinh sợ, và bằng tâm thương xót, mà dứt sinh mạng của chúng sanh ấy. Do bởi nhân duyên này, đối với Bồ-tát giới không có điều gì phạm, trái lại phát sinh nhiều phước đức.

Lại nữa, khi Bồ-tát thấy có vị lãnh chúa, hay tể quan uy quyền mà cực kỳ tàn ác đối với các hữu tình, chuyên hành áp bức kẻ khác. Sau khi thấy như vậy, Bồ-tát khởi tâm thương xót, phát sinh ý hướng muốn làm lợi ích, an lạc; tùy theo năng lực có thể mà tước bỏ, hoặc truất phế địa vị quyền uy ấy. Do nhân duyên này, đối với Bồ-tát giới không có điều gì phạm; trái lại phát sinh nhiều phước đức.

Bodhisattva-bhūmi 9.1 and 9.2, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

Sung túc và Kinh tế

M.30 Tri túc và bố thí

Nếu như ai đó muốn cầu lạc thế gian và lạc vô thượng lạc, người đó nên vui bố thí. Kẻ trí nên quan sát rằng… dù cho tôi giàu sang có cả toàn cõi bốn châu thiện hạ này, thụ hưởng vô lượng lạc thú, thế vẫn chưa biết đủ là gì. Do vậy, ta cần phải thực hành bố thí để được lạc vô thượng. Tôi sẽ không bố thí vì lạc thú nơi cõi trời hay cõi người, vì lạc thú đó là vô thường và hữu hạn.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.19, p.1056b14–19. dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.31 Nguy hiểm tham chấp danh, sắc và tài

19. Phật dạy, ‘con người đuổi theo dục, tham cầu tiếng thơm, chẳng khác nào xông đốt trầm hương. Mọi người ngửi hương, nhưng càng cháy thơm càng tàn lụi. Kẻ ngu, tham danh theo thói tục tầm thường, không biết giữ lấy chánh đạo. Danh là mối họa nguy hiểm cho mình, khiến về sau phải hối.’

20. phật dạy, ‘Tài sắc đối với loài người, y như trẻ con thèm mật ngọt dính trên lưỡi dao bén. Vị ngọt dính dao không đủ cơn thèm, nhưng sẽ có mối lo đứt lưỡi.’

Sūtra of Forty-two Sections/ Sishierzhang jing, Taishō vol.17, text 784, p.723a22–26, dịch Anh D.S.

Bình đẳng nam nữ

M.32 Thành kiến giới tính

Đoạn gây chú ý này phê phán thành kiến chống lại nữ giới, vì nó nhìn giới tính một cách sai lầm do dựa trên những bản tính cốt yếu không thay đổi.

Xá-lợi-phất (Śariputra) hỏi, ‘Này thiên nữ! Sao cô không chuyển đổi thể chất nữ của mình?’

Thiên nữ thưa, ‘Con đã tìm kiếm thể tánh nữ thân trọn hai mươi năm, nhưng vẫn không tìm được nó. Thưa Đại đức Xá- lợi-phất, nếu như có một nhà huyễn thuật nào đó tạo ra một người nữ huyễn, và có người hỏi rằng, “Sao cô không chuyển đổi thể tánh nữ của mình?”, Ngài sẽ trả lời như thế nào?”

Xá-lợi-phất nói, ‘Cô ấy hoàn toàn không có thực.’ Thiên nữ thưa, ‘Cũng vậy, thưa Đại đức Xá-lợi-phất, trong tất cả các pháp toàn không có thực, đều là những biến hóa như huyễn, vậy tại sao Ngài lại hỏi, “Sao cô không chuyển đổi thể tánh nữ của mình?”

Rồi Thiên nữ gia trì thần thông lực như vậy mà biến đổi trưởng lão Xá-lợi-phất giống như mình và tự biến mình giống y như trưởng lão Xá-lợi-phất. Bấy giờ thiên nữ trong hình tướng trưởng lão Xá-lợi-phất hỏi Ngài Xá-lợi-phất trong hình tướng thiên nữ rằng, ‘Đại đức Xá-lợi-phất, sao Ngài không chuyển đổi thân nữ đi?’

Xá-lợi-phất trong hình tướng thiên nữ, nói, ‘Tôi không biết cái gì chuyển đổi, mà thân tướng nam của tôi biến mất và thân tướng nữ xuất hiện!’

Thiên nữ thưa, ‘Nếu trưởng lão có thể tự chuyển đổi thân nữ ấy, thế thì hết thảy thân nữ chuyển đổi. Cũng như Ngài  không phải là nữ mà chỉ tương tợ nữ, cũng vậy, mọi nữ nhân chỉ có thân là nữ. Chúng không thực là nữ, mà chỉ tương tợ nữ. Đấy là những gì mà đức Thế Tôn đã dạy, “Nhất thiết pháp phi nữ phi nam.”

Nói xong, thiên nữ thu hồi thần lực gia trì, trưởng lão Xá-lợi- phất phục hoàn nguyên tướng. Rồi thiên nữ thưa với Ngài Xá-lợi-phất rằng, ‘Bạch Đại đức Xá-lợi-phất, nữ thân được tạo tác của Ngài đã đi đâu rồi vậy?

Xá-lợi-phất nói, ‘Tôi không tạo tác cái gì, cũng không biến đổi cái gì.’

Thiên nữ nói, ‘Cũng thế, nhất thiết pháp không có gì được  tạo tác cũng không có gì bị biến đổi. Và rằng, pháp không tạo tác, không biến đổi, đó chính là Phật.’

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.6, sections 14–15, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.33 Nữ nhân được thọ ký thành Phật

Ở đây, đức Phật hướng đến Thắng Man phu nhân, thọ ký rằng, ‘Trong tương lai, phu nhân sẽ chứng đắc vô thượng Chánh đẳng chánh giác.’

Con đã ca ngợi các phẩm tính chân thật siêu việt của Như Lai. Bằng vào các thiện căn ấy, trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, con sẽ là Tự Tại Vương ở giữa chư thiên và nhân loại. Trong tất cả những nơi thọ sanh, nơi nào cũng thường gặp gỡ thấy Ta (Phật Thích-ca) không khác gì lúc này đang ca ngợi Ta. Rồi con lại cúng dường vô lượng a-tăng-kỳ đức Phật, qua hai vạn a-tăng-kỳ kiếp, sẽ thành Phật hiệu là Phổ Quang Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri.

Śrīmālādevī-siṃhanāda Sūtra, Taishō vol.12, text 353, ch.1, p.217b11–16, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Thờ kính và báo ơn Cha mẹ

M.34 Hiếu dưỡng song thân, đặc biệt mẫu thân

Đoạn này mô tả chi tiết việc chúng ta thọ ơn cha mẹ, và dạy ta không nên quên lãng bổn phận.

Phật dạy, ‘Ở trên đời này, ai cũng có cha mẹ. Nếu không có cha, ta sẽ chẳng được sinh. Nếu không có mẹ, ta sẽ không được sinh. Nương trong thai mẹ đủ mười tháng, đứa trẻ ra đời, khi năm tròn tháng đủ. Cha nâng mẹ đỡ, đặt bé thơ nơi giường làm sẵn. Cha bồng mẹ bế trong tay, lại nhái giọng hài nhi, khiến bé cười đùa, tuy chưa nói được. Cha mẹ cho ăn mỗi khi bé đói, và nếu không mẹ thì đâu được ăn. Cha mẹ cho uống mỗi khi bé khát, và nếu không mẹ thì đâu sữa uống. Thậm chí mẹ khi đói, mẹ sẽ ăn thức ăn đắng chát và nuôi dưỡng con bằng dòng sữa ngọt. Nơi ẩm thấp mẹ ngồi, để con nơi chỗ khô, chỗ ráo. Nếu chẳng có những buộc ràng như vậy, thì không có gia đình. Không có mẹ hiền, thì đứa trẻ kia làm sao được chu cấp vẹn toàn. Mẹ hiền nuôi con, đặt con nơi chỗ sạch, còn thức ăn cho mình chẳng quản ngại những ngón tay dơ. Nói chung, một đứa trẻ uống hết bốn trăm bốn mươi lít sữa mẹ. Ân đức mẹ nuôi con sánh bằng trời biển. Ôi! Công ơn dưỡng dục kia sao có thể đáp đền?

A-nan bạch Phật rằng, ‘Bạch Thế Tôn, làm thế nào đứa con có thể đền đáp công ơn của mẹ? Xin Phật dạy cho chúng con.’

Phật dạy, ‘Này A-nan, hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, ta sẽ giảng dạy chi tiết về điều này cho ngươi rõ. Ân đức mà mẹ cha nuôi dưỡng ta ví như trời biển. Nếu như một người con hiếu thuận phụ mẫu trọng ân, thì nên chép kinh để song thân an lạc hoặc vào ngày rằm tháng bảy[3] thiết lễ Vu-lan-bồn (Ullambana), cúng dường chư Phật, chư Tăng và do công  đức ấy ngươi sẽ đắc thiện báo không thể nghĩ bàn. Và cũng bằng cách ấy, ngươi sẽ đền đáp được ân dưỡng dục của cha mẹ mình. Lại nữa, nếu bất cứ ai ấn tống kinh này lưu bố thế gian, thọ trì đọc tụng, thì nên biết rằng, kẻ ấy cũng sẽ đền đáp được dưỡng ân cha mẹ.

Làm thế nào có thể đền ơn cha mẹ? Quanh năm suốt tháng mẹ cha lao tác. Mẹ đi gánh nước giếng sâu, dặm dài rong  ruổi Đông Tây, lầm than giã gạo trong kho. Bất cứ khi ra khỏi nhà mẹ luôn lo lắng, biết đâu con mình sẽ khóc. Khi nghĩ đến con, mẹ tức tốc trở về. Con thơ thoáng thấy mẹ, hoặc đầu lắc thân choài trong giường ngủ, hoặc rúc vào bụng mẹ khóc nức nở. Mẹ sẽ cúi xuống bồng con lên và khẽ đánh yêu lên lưng bé và bằng những lời dỗ dành, con liền được bú. Mẹ được vui khi nhìn thấy con và con cũng được vui khi  nhìn thấy mẹ. Ân tình ấy không gì sánh được.

Khi bé lên hai hoặc ba tuổi, là lúc em bắt đầu có niệm có tư, nhưng nếu mẹ không nhắc, bé cũng chẳng biết khi nào ăn. Nếu như mẹ cha được mời dự tiệc, nào là hoa quả thịt thà, thế nhưng họ vẫn chừa phần mang về cho con dại. Trong mười lần hết chín, bé đã được vui. Giả như lúc cha mẹ về mà bé chẳng có gì, bé sẽ khóc la, hoặc giả vờ la khóc vì nhõng nhẽo. Bé nào ngỗ nghịch sẽ bị roi vọt năm lần. Trẻ nào hiếu thuận, tuy bị đánh rầy nhưng vẫn không la, lại còn vâng dạ. Khi đã trưởng thành, là lúc anh ta bắt đầu có bè có bạn, nhưng anh vẫn được mẹ cha kẻ tóc chải đầu. Nếu anh ta muốn ăn mặc đẹp, cha mẹ liền cho, còn riêng họ thì vẫn che thân bằng những đồ sờn vai cũ rách. Khi con rời nhà vì việc công hay việc tư doanh, thì niềm yêu thương con của mẹ cha luôn ở trong tim họ, cho dù anh ấy có xuôi ngược Đông Tây Nam Bắc, thì tấm lòng đó vẫn luôn tồn tại, vẫn luôn có chỗ trú cho con mình.

Khi con trẻ bắt đầu tính đến chuyện lập thành gia thất, cha mẹ sẽ tìm dâu cho con mình. Rồi họ cho đôi trẻ được tư riêng, và họ luôn vào chốn tư phòng cùng con dâu nói chuyện. Cho dù giờ đây mẹ cha đã lão suy bạc nhược, nhưng có bao giờ con trẻ hỏi han chăm sóc gì đâu.

Dù sớm muộn, thì có ngày cha hay mẹ cũng sẽ qua đời, kẻ ở lại đơn thân trong căn phòng trống, như một người khách tạm trú trong căn nhà lạ. Họ sẽ không được chăm sóc dưỡng nuôi và trong giá lạnh chẳng thấy ai đắp chăn cho mình ấm. Chắc hẳn họ sẽ khổ đau và khốn khó. Một trong hai song thân của mình, khi già nua và yếu đuối, có thể là nơi cho lũ rận chấy hoành hành. Thân đơn ấy ngày đêm không chợp mắt. Họ  phải thở dài và tự trách rằng, “Đời trước tôi đã tạo nghiệp ác gì mà giờ đây sanh con bất hiếu với song thân như vậy?” Khi than thở xong, họ tìm đến con và dâu mình và rầy la chúng bằng tất cả những giận hờn, thế nhưng, chúng chỉ nghiêng đầu và cười mỉm và quả vậy, con mình là đứa con bất hiếu.

Nó xứng đáng bị đánh phạt năm lần như hồi còn thơ dại, vì những gì mà vợ chồng nó gây nên tương đương với tội ngũ nghịch[4] sẽ phải bị thọ ngay ác báo.

Khi cha mẹ cần giúp đỡ khi gặp khó khăn, thì mười lần hết chín, con không đáp ứng. Chẳng những, cương quyết không chịu nghe lời mà chúng còn nhìn cha mẹ mình bằng cặp mắt oán thù căm giận và quát lên rằng, ‘Mấy người không chết mau đi, tại sao còn sống làm chi trên đời này vậy?” Khi nghe con mình nói thế, không giấu được những đau đớn cực kỳ và nước mắt đầm đìa trên đôi má. Bằng đôi mắt mở to, họ khóc nức nở cho con mình, “Khi con còn nhỏ dại, con có thể nào sống mà thiếu đi cha mẹ. Ta đã nuôi nấng con. Nếu không có chúng ta, thì sao con có thể có đời sống tốt đẹp như thế này?” Phật dạy A-nan rằng, ‘Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân nào, có thể vì cha mẹ, thọ trì tụng đọc sao chép kinh Đại bát-nhã Đại thừa dạy về đại trọng ân ấy của cha mẹ, thậm chí, dù chỉ một câu, một kệ được tai mắt mình thấy nghe, thì năm tội  ngũ nghịch liền bị tiêu diệt. Và như vậy, họ sẽ thường gặp Phật, nghe Pháp và không bao lâu sẽ chứng đắc Niết-bàn (giải thoát).

A-nan liền đứng dậy, chỉnh y vai trái, chắp tay hướng Phật, cung kính bạch rằng, ‘Thưa Thế Tôn! Kinh này được gọi là gì? Chúng con phải thọ trì phụng hành như thế nào?’

Phật dạy A-nan, kinh này được gọi là Kinh Phụ Mẫu Ân Trọng. Bất cứ chúng sinh nào sao chép ấn tống, thắp hương lễ Phật, cúng dường Tam Bảo, cúng dường thức ăn thức uống chư Tăng, thì đấy chính là cách báo đền công ơn ấy vậy. ‘Sūtra on the Importance of Caring for One’s Father and Mother’/ Fumuenzhong jing, Taishō vol. 85, text 2887, pp.1403b27– 1404a19, dịch Anh D.S.

M.35 Trợ giúp song thân lúc lâm chung

Đoạn này chỉ dẫn cách giải ác nghiệp cho song thân hoặc cách chuyển ác nghiệp của những thân thích họ hàng xa của mình thành thiện nghiệp.

Chúng sinh tích lũy ác nghiệp, từ những việc ác nhỏ cho đến những ác nghiệp trọng đại không thể đo lường. Mọi chúng sinh đều có những ác tập này. Khi song thân hay họ hàng mình lâm chung, hãy vì song thân gia quyến mà thiết phước, gieo trồng thiện nghiệp, giúp họ đời sau.

Kṣitigarbha Bodhisattva Pūrva-praṇidhāna Sūtra, Taishō vol.13, text 412, ch.7, p.784a05–07, dịch Anh D.S.

Hồi hướng công đức cho những người thân đã mất

M.36 Bố thí tạo phước cho cha mẹ và tổ tiên

Đoạn này khuyến khích nên vì cha mẹ và tổ tiên mà làm các việc phước thiện để cho thảy đều được hưởng phước.

Đức Phật dạy Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana) rằng, ngày rằm tháng bảy[5] là ngày tự tứ (pravāraṇa)[6] của Tăng. Do vậy, vì lợi lạc cho cha mẹ đời này và bảy đời tổ tông thân tộc của mình, trai chủ nên sắm sanh lễ vật, mọi loại trái cây, thau bồn, đèn đuốc, tọa cụ, giường nằm và tất cả cúng phẩm ngọt lành từ nhiều nơi, nhiều chốn nhằm cúng dường mười phương đại đức Tăng-già cùng vân tập dự lễ này.

Vào ngày này, có thể có toàn bộ Thánh chúng, những vị, hoặc thiền định nơi núi non, hoặc có những vị đã đắc đạo quả, hoặc có những vị đã từng kinh hành dưới những tán cây, hoặc có những vị đã chứng đắc lục thông, hoặc có những bậc đạo sư, hoặc có chư Thanh văn và Duyên giác, hoặc có chư Bồ-tát thập địa quyền hiện thân tỳ-kheo dự trong đại chúng này. Tất cả những vị ấy đều nhất tâm thọ dụng các cúng phẩm tự tứ ấy, tất cả họ đều đạt được giới thanh tịnh của Tăng bằng những phẩm đức cao thượng vô hạn.

Nhờ công đức cúng dường thập phương đại đức Tăng-già nhân ngày tự tứ này mà cha mẹ, thân tộc và tổ tông bảy đời được giải thoát khỏi khổ trong ba nẻo xấu[7] và rốt ráo có được y phục, tự tại một cách tự nhiên. Nếu cha mẹ vẫn còn tại thế, thì nhờ công đức này mà hưởng phước thọ đến hàng trăm năm. Nếu như cha mẹ bảy đời tổ tông thân tộc đều quá cố, thì nhờ công đức cúng dường nhân ngày tự tứ này, tất cả sẽ được sanh vào các cõi trời, tự tại hóa sinh, nhập thiên hoa quang và thụ hưởng những niềm vui vô lượng.

Ullambana Sūtra, Taishō vol.16, text 685, p.779b12-24, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.37 Giới Bồ-tát chuyển hóa thiện nghiệp

Đây là bộ phận học xứ của một trong bốn mươi tám khinh giới được Kinh Phạm Võng dạy.

Giới Bồ-tát nhắm cứu độ chúng sinh: Vào ngày cha, mẹ hoặc anh chị em mất, nên thỉnh một vị Pháp sư tụng Bồ-tát giới để tạo phước cho người quá cố, để họ có thể thấy Phật hoặc tái sinh vào giữa cõi trời hoặc cõi người. Bồ-tát không làm như vậy phạm tội khinh cấu.

Brahmā’s Net Sūtra/ Fan wang jing, Taishō vol.24, text 1484, p.1006b16–b18, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.38 Bố thí tạo phước cho thân nhân sanh làm ngạ quỷ

Đoạn này khuyên nên nghĩ đến người thân đã mất làm những việc phước thiện để tạo phước nghiệp cho họ.

Nếu người cha chết mà đọa vào cảnh giới ngạ quỷ cũng có thể hưởng được phước nghiệp do người con tạo và hồi hướng cho. Nếu như người quá cố được sanh thiên, thì người ấy sẽ không còn tâm niệm thọ dụng vật phẩm của loài người. Vì sao vậy? Vì mọi vật phẩm nơi cõi trời đều là những vật phẩm hơn hẳn cõi người. Nếu như vong nhân đọa vào địa ngục, thân khổ não không hề nghỉ ngơi để nghĩ đến, do đó cũng không thể thọ dụng. Sanh trong loài vật, loài người cũng vậy. Vậy, do duyên gì duy chỉ ngạ quỷ có thể thọ dụng? Do vì trước kia vốn có tham ái keo kiết mà nay sanh làm ngạ quỷ. Đã đọa vào đây, luôn luôn hối hận tội lỗi cũ, suy nghĩ để được thọ dụng, nên có thể nhận được. Nếu hồi hướng cho những thân quyến sanh vào cảnh giới khác, thì thân quyến đọa ngạ quỷ cũng vẫn nhận được lợi ích từ việc này.[8]Brahmā’s Net Sūtra/ Fan wang jing, Taishō vol.24, text 1484, p.1006b16–b18, dịch Anh T.T.S. and D.S.

 

KIM CANG THỪA

Giáo huấn vương đạo nhân ái

V.12 Long Thọ (Nāgārjuna) luận về vương pháp

Bởi các nguyên tắc cai trị tốt đẹp và một xã hội hòa bình đã được chính đức Phật nêu rõ, nên không còn gì nhiều để các Luận sư sau này bổ sung. Trong khi Kim cang thừa, đặc biệt, không phát triển bất cứ lý thuyết xã hội nào riêng biệt, các tông đồ Kim cang thừa xem các nguyên lý Đại thừa như đại bi, bố thí, và vân vân, là những hướng dẫn tối quan trọng trong lĩnh vực xã hội. Họ được truyền cảm hứng từ các nguồn văn hiến Đại thừa Ấn-độ như ‘Bảo man luận’ (Ratnāvalī, hay Ratnamālā; Hán dịch: Bảo hành vương chánh luận)[9] của Long Thọ, đại luận sư khởi xướng triết học Trung luận (Madhyamaka). Được viết dưới dạng một bức thư gửi cho một vị vua trẻ thuộc vương triều Ṥātavāhana (thế kỷ thứ hai Tây lịch), đây là một loạt các giáo huấn Đại thừa gồm 500 câu. Các đoạn tuyển dịch trích từ phẩm thứ ba (‘Bồ-đề tư lương’) và thứ tư (‘Chánh giáo vương’), trong đó Long Thọ chỉ dẫn cho vị thí chủ vương gia đạo lý cai trị vương quốc như là một phần thực hành Bồ-tát đạo.

[Hộ Pháp]

231. Với tâm kính ngưỡng (Tam Bảo), hãy tạo lập vô số Phật tượng, bảo tháp và tự miếu, cùng các đại tăng viện.

232. Hãy tạc Phật tượng trang nghiêm bằng các chất liệu quý được sơn thếp, ngự trên tòa sen được trang nghiêm bằng trân bảo.

233. Dốc toàn lực hộ trì Thánh Pháp và Tăng-già, lại trang nghiêm các tháp miếu bằng tấm lưới kim bảo.

234. Cúng dường tháp miếu bằng các loại hoa bằng vàng, bằng bạc, cùng với kim cương, san hô, trân châu và lục ngọc, lưu-ly, đế thanh (lam ngọc).

235. Cúng dường pháp sư thuyết Thánh Pháp khiến hoan hỷ bằng lợi dưỡng, thừa sự, luôn luôn y chỉ Pháp.

[Chính sách văn hóa]

238. Cung cấp giấy lá bối, mực đen và bút tre, cần cho việc ghi chép, những điều đức Phật dạy.

239. Để truyền bá tri thức, xây học đường khắp nước, cấp tá điền chăm sóc, cho sinh kế giáo thọ.

[Y tế]

240. Để trừ khổ chúng sanh, già, trẻ, và người bệnh, an trí thưởng đất đai, y dược sĩ cả nước.

[Bố trí các phương tiện công cộng]

241. Dựng lập bằng trí tuệ, lữ xá và hoa viên, cầu đò và ao hồ, đình quán và bể nước, Tăng viện cấp giường chiếu, thức ăn, cỏ và củi.

242. Dựng đình quán khắp chốn, thị trấn và thôn xóm; kế cận các tăng viện,lập bồn nước dọc dường, nơi thiếu nguồn cấp nước.

[Phương sách phúc lợi xã hội]

243. Tâm từ nuôi người bệnh, đơn độc và khổ bức, thấp hèn và bần cùng; giúp phương tiện no đủ.

244. Thức ăn và thức uống, các thứ cơm, gạo, quả, chưa thí Tăng, người xin, không tự tiện dùng trước.

[Cung cấp các phương tiện công cộng]

245. Bên cạnh các bể nước, để giầy dép, dù, lọng, nhíp nhổ gai, kim, chỉ, dựng hiên mát phòng hộ.

246. Bên cạnh các bể nước, để ba quả, [10] ba cay, [11] bơ, đường, và mật ong, thuốc mắt và tiêu độc, toa thuốc và mật chú.

247. Bên cạnh các bể nước, hãy cấp dầu thoa thân, thoa chân và thoa đầu, chăn bông và ghế đẩu, cháo, bát đồng và (để bửa củi).

248. Hãy xếp đầy các chum, các loại mè, gạo, thóc, đường mật, dầu, và nước, chứa ở nơi râm mát.

249. Cho người đáng tin cậy, thường đặt thức ăn, uống, các thỏi đường và hạt, ngoài miệng các tổ kiến.[12]

[Cúng thí thực phẩm cho phi nhân]

250. Trước sau khi dùng bữa, luôn cúng thí thức ăn, đến các loài ngạ quỷ, chó, trùng, chim, các loại.

[Biện pháp kinh tế]

251. Chăm lo người bị hại, mất mùa và tai, dịch, dân chúng vùng binh chiến.

252. Giúp đỡ nông dân nghèo, hạt giống và lương thực; bãi bỏ mức thuế nặng, và tùy thời giảm tô.

253. Cứu giúp người túng thiếu, miễn phí cho cầu đường, giảm thuế cho buôn bán. Miễn khổ chờ cửa xin.

254. Dẹp trộm cướp trong nước, và các nước chư hầu. Giữ các mức lãi suất, ổn định giá thị trường.

[Nguyên tắc quản trị]

255. Điều các đại thần tâu, nên tự mình tìm hiểu. Luôn làm hết mọi chuyện, vì lợi lạc thế gian.

256. Như vua tự lo nghĩ, ‘Làm sao được lợi mình?’, cũng thế hãy lo nghĩ, làm sao lợi mọi người.

257. Vua hãy nên sẵn sàng, cấp các thứ mong muốn, như đất, nước, lửa, gió, dược thảo lẫn cây rừng.

[Xây dựng các cơ sở đạo giáo mới]

307. Vua nay được phú quý, do xưa thí kẻ bần. Nếu vô ân, tham trước, không thí, sau chẳng còn.

308. Hãy thường phát đại tâm, và làm các đại sự, do làm quảng đại nghiệp, định cảm quảng đại quả.

309. Tạo lập cơ hoằng pháp, uy nghiêm và danh tiếng, để phụng sự Tam Bảo, mà vua chúa hẹp hòi, chẳng từng nghĩ làm được.

310. Vua rồi cũng phải chết, bỏ lại mọi tài sản, nhưng điều làm vì Pháp, tất cả đi theo vua.

311. Thọ dụng tài sản có, được vui trong đời này; bố thí tài sản có, được vui trong đời sau. Không thọ dụng, không thí, uổng phí khổ hai đời.

312. Lâm chung không thể thí, vì không thể tự chủ, bởi quần thần không trọng, mà xu nịnh tân vương.

313. Vậy hãy dùng tài sản, tạo lập cơ hoằng pháp, khi vua còn quyền lực, cái chết luôn chực chờ, đời như đèn trước gió.

[Bảo dưỡng các cơ sở đã có]

318. Hãy bảo hộ, tu bổ, các cơ sở hoằng pháp, các tự viện đền tháp, dựng bởi các tiên vương.

319. Rồi đặt người trông coi, những người không gây hại, thường hành thiện, trì giới, từ ái, chân thật, nhẫn, không tranh, hằng tinh cần.

[Biện pháp phúc lợi khác]

320. Hãy cho kẻ mù, bệnh, thấp hèn, không y hộ, nghèo thiếu và tàn khuyết, đều bình đẳng nhận được, đồ ăn và thức uống. 321.Hãy cung cấp tương tợ, cho người phụng hành pháp, hoặc trú quốc cảnh khác, dù không có yêu cầu.

[Bổ nhiệm quan chức]

322. Trong hết thảy pháp sự, lập pháp quan cần mẫn, không tham, tuệ sáng suốt, như pháp, không hại ai.

323. Lập đại thần chấp chính, người thông hiểu chính sự; nhu hòa và trong sạch, trung thuận, không khiếp sợ; vọng tộc, có đạo đức, tri ân, hành pháp.

324. Lập người làm đại tướng, đại lượng, không câu nệ, dũng cảm và nhu hòa, biết thọ dụng, kiên định, hằng lưu tâm cảnh giác, hành xử đúng như pháp.

325. Lập đại thần tổng lãnh, niên trưởng tính điềm đạm, có giới, hành như pháp, trong sạch và tài năng, tinh thông các pháp điển.

[Cách cai trị]

326. Hàng tháng nghe trình báo, tất cả thu và chi; nghe xong, y pháp định, tự phán việc cần làm.

327. Vì lợi ích chánh pháp, vương vị không vì danh, cũng không vì các dục, do vậy kết quả lớn, ngược lại không như thế.

328. Thường chiêu nạp quanh mình,nhiều niên trưởng có trí, vọng tộc, thông luận lý, biết kinh sợ tội ác, thông suốt việc cần làm.

[Xử trí tội phạm]

330. Cho dù hợp chính lý, đáng phạt gậy, giam cầm, luôn thấm nhuần nhân ái, hãy ban phát ân huệ.

331. Đại vương, vì lợi ích, hằng khởi tâm bi mẫn, với mọi loài có thân, dù phạm tội cực trọng.

332. Đặc biệt khởi tâm bi, đối tội phạm cực ác. Chính kẻ tự hại kia, là sở duyên đại bi, cho người có đại tâm.

333. Giam tội nhỏ, một, hoặc năm ngày, rồi thả; còn lại tùy như lý; chớ giam ai không thả.

334. Không có tâm tha ai, tức sanh bất luật nghi (không tự chế), do bất luật nghi ấy, liên tục tích tội ác.

335. Chừng nào tù chưa thả, hãy để cho an ổn, cho cạo râu, tắm gội, y phục, ăn uống, thuốc.

336. Như muốn dạy trẻ hư, trách phạt vì thương yêu, không phải vì giận hờn, cũng không cầu tài lợi.

337. Khi điều tra biết rõ, tội sát nhân cực ác, chỉ nên đuổi khỏi nước, không giết, không hành hạ.

[Khuyên về cách trị quốc]

338. Tự mình không do ai, bằng đôi mắt tinh tường, quan sát toàn quốc cảnh, luôn cảnh giác, chánh niệm, hành trách vụ y pháp.

339. Tâm cung kính phụng hiến, dâng cúng bậc phước điền, đối vị khác cũng vậy, tùy thuận tâm cao đại.

340. Cung kính, như hoa nở; huệ thí, như quả to, nhẫn nhục, vua như cây, làm bóng mát che dân, như loài chim đến đậu. 341.Vua có thí có giới, uy nghiêm mà thân yêu, dân chúng sẽ mến mộ, cũng như đường cát ngọt, bọc đậu khấu, hồ tiêu.

343. Vua không mang vương quốc từ đời trước đến đây, Vua cũng sẽ không mang vương quốc đến đời sau – Vua có được vương quốc, do hành theo chánh pháp, vậy Vua chớ làm gì, trái ngược với chánh pháp.

The Precious Garland’, vv.231–257, 307, 309–10, 313, 315–27, 329–41, and 343, dịch Anh T.A.

Suy tưởng ân đức của mẹ

V.13 Tu tập từ bi bằng suy tưởng ân đức của mẹ trong đời này và các đời trước

Đoạn này là một bản dịch đầy đủ phẩm thứ bảy của một luận thư Tây Tạng nổi tiếng, ‘Giải thoát trang nghiêm bảo’ của vị đại luận sư Tây Tạng Gampopa (1079-1153). Đây là một giáo giới đơn giản về tu tập tâm từ và lòng bi, hai yếu tố quan trọng nhất của Bồ-tát đạo dẫn đến Phật quả, mục đích mà luận sư muốn chứng đạt, vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Hai phẩm tánh này có thể áp dụng cho tất cả những sắc thái xã hội của Đại thừa và Kim cang thừa; chúng sẽ được tài bồi trong tất cả các nẻo đời – tình bạn, các mối quan hệ, gia  đình và xã hội nói chung. Một chủ đề quan trọng trong đoạn văn này là nói, cũng như một người mang ơn của mẹ trong đời này, vì công ơn và sự chăm sóc mà mẹ dành cho, cũng vậy, ta phải có tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, vì tất cả đã từng là mẹ của ta trong vô số đời quá khứ (xem *Th.74 và *V.18).

Bây giờ, như phép đối trị cho sự tham cầu an lạc của tịch diệt, tôi sẽ giảng thuyết tu tập từ bi. ‘Tham cầu an lạc  của tịch diệt’ có nghĩa là mong cầu Niết-bàn chỉ vì mình và do thiếu tình yêu đối với chúng sanh nên chẳng làm các việc lợi tha. Đó là thái độ của những vị Tiểu thừa.[13] Như nói rằng, ‘Vì lợi ích chính mình, bỏ mặc lợi ích người; càng vì lợi ích mình, lợi mình thành tối thượng.’[14] Song nếu phát khởi tâm từ bi, sẽ vì ái trước chúng sanh mà không mong chỉ giải thoát riêng mình. Vì vậy ta nên tu tập từ bi. Như Thượng sư Văn- thù nói rằng, ‘Người hành Đại thừa không được xa lìa từ bi dù chỉ một sát-na.’ Lại nữa, ‘Nhiếp hộ tha nhân bằng từ bi, chứ không bằng thay vì thù hận.’

[Tâm từ]

Tu từ vô lượng sẽ được luận giải theo sáu đặc tính là: sai biệt, sở duyên, tướng trạng, tu pháp, thành thục và công đức.

Tâm từ sai biệt có ba: (1) sanh duyên từ: do duyên đến đối tượng là chúng sanh mà phát khởi tâm từ, (2) pháp duyên từ: do duyên đến đối tượng là các pháp mà phát khởi tâm từ, (3) vô duyên từ: không duyên đến tất cả tưởng. ‘Vô Tận Ý sở vấn kinh’ nói rằng: ‘Sanh duyên từ là pháp hành của các vị Bồ-tát sơ phát bồ-đề tâm.[15] Pháp duyên từ là pháp hành của các vị đã nhập Bồ-tát hành. Vô duyên từ là pháp hành của  các vị Bồ-tát đã đắc vô sanh pháp nhẫn’.[16]

Sanh duyên từ: loại biệt thứ nhất của tâm từ là hướng đến chúng sanh. Đặc tính của nó là mong cầu chúng sanh có được an lạc. Phương pháp tu tập tâm từ chủ yếu y cứ trên việc thường ức niệm về ân đức của người khác. Cho nên trước hết các người hãy suy tưởng ân đức của chúng sanh.

Trong đời này, người có ân đức to lớn nhất đối với ta là mẹ. Ân đức của mẹ dành cho ta có bao nhiêu loại? Có bốn: (1) ân sinh ra thân ta; (2) ân khó nhọc vì ta; (3) ân cho ta sự sống; (4) ân chỉ bày thế gian cho ta. Như trong ‘Bát-nhã bát thiên tụng’ có nói rằng: ‘Vì sao vậy? Bởi mẹ nuôi nấng ta, chịu khó nhọc vì ta, bảo vệ đời ta, và chỉ cho ta tường tận thế gian này.’

Trước hết các người hãy suy tưởng về ân đức sinh thành của mẹ. Thân này của ta không sanh ra tức thời đầy đủ, với gân cốt trọn vẹn và sắc da tươi tốt, mà phải lớn dần trong thai mẹ từ một khối chất nhầy, do máu và thịt của mẹ tạo thành nhựa sống, là tinh chất của sự sống. Nó được nuôi dưỡng bằng nhựa sống lấy từ thực phẩm của mẹ, và phát triển ngay cả khi mẹ phải chịu những khó chịu bất an, bệnh tật, đau nhức. Rồi sau khi sanh, mẹ cũng chăm sóc nuôi nấng từ một sinh vật bé bỏng cho đến trưởng thành lớn bằng con bê.

Thứ hai là ân khó nhọc của mẹ vì ta. Thoạt kỳ thủy, ta chẳng chào đời với đầy đủ y phục, trang sức, sở hữu tài vật, hay mang theo lương thực. Ta sinh với hai bàn tay trắng, không sở hữu gì ngoài miệng và dạ dày. Khi đến một nơi xa lạ không người thân quen này, mẹ không bỏ ta đói mà cho ta  ăn; chẳng bỏ ta khát mà cho ta uống; chẳng bỏ ta lạnh mà cho ta quần áo; chẳng bỏ nghèo khổ mà cho ngươi tài vật. Không phải mẹ chỉ cho những thứ mẹ không cần; mà cho cả thức ăn, thức uống và y phục, thậm chí những thứ mà chính bà không dám dùng. Mẹ sẽ không làm gì cho hạnh phúc chính mình trong đời này, hay đời sau, mà chỉ chăm sóc con tận tụy không bận tâm đến hạnh phúc đời này và đời sau của mình. Có những thứ không dễ gì có được, nhưng mẹ trao hết cho con mình dù phải chịu nhiều vất vả, thậm chí làm điều sai phạm, chịu đau đớn. Sai phạm ở đây có nghĩa là tạo các nghiệp bất thiện như điếu ngư hay giết hại sinh vật để nuôi con. Đau đớn ở đây là nói trong khi buôn bán hay làm nông mệt nhọc, cả ngày lẫn đêm, phải đạp sương tuyết thay giày dép, đội sao thay mũ, đi trên đôi ống quyển thay vì ngựa, quất tơ sợi thay vì roi, đưa hai đùi cho chó, đưa hai má cho người, cũng chỉ để nuôi con.

Lại nữa, bà thương yêu kẻ xa lạ vô dụng này hơn cả cha mẹ hay sư trưởng đã có ân với mình. Bà trông nom con với đôi mắt trìu mến, ôm ấp sưởi ấm con trong lòng, ru con bằng mười đầu ngón tay với giọng ru ngọt ngào.

Ân thứ ba là cho ta sự sống. Ban sơ, ta có miệng nhưng không thể tự ăn, có tay mà không thể tự dùng, có sức nhưng không đủ mạnh để làm gì ta muốn. Ta chỉ như con sâu nhỏ: yếu ớt, vô nghĩa, đủ sức tự chăm sóc. Thế nhưng, mẹ săn sóc không hề bỏ mặc, bế ta trên đùi ngăn ta tránh lửa và nước, giữ ta tránh khỏi hố sâu, gạt đi mọi thứ nguy hiểm, và cầu nguyện cho ta an lành. Lo cho đời sống của ta, lo cho sức khỏe của ta, bà làm đủ mọi thứ như bói toán, chiêm tinh, giải hạn, cầu đảo, đủ các thứ cúng bái. Mẹ cho con sự sống bằng các phương tiện như vậy.

Ân thứ tư, chỉ bày thế gian cho ta. Không phải ta đến thế gian này mà đã biết hết mọi thứ, kinh nghiệm dày dặn, thông minh tài trí từ đầu. Ta chẳng biết làm gì ngoại trừ khóc và vung vẩy tay chân để gọi người thân chú ý. Khi ta không biết ăn, mẹ dạy ta ăn. Khi ta không biết mặc, mẹ dạy ta mặc. Khi ta không biết đi, mẹ dạy ta đi. Khi ta không biết nói, mẹ dạy ta nói: “À, ừ, mẹ, má.” Mẹ nuôi lớn ta dạy ta nhiều tài khéo cần thiết để tài nghệ của ta sánh bằng người khác.

Thêm nữa, đây không phải chỉ là mẹ của ta trong đời này, mà vì ta đã trôi lăn trong dòng sanh tử từ vô thủy, nên bà cũng đã từng là mẹ ta trong vô số, vô lượng lần. Đó là điều được nói trong kinh ‘Luân hồi vô thủy’: ‘Nếu có kẻ đem tất cả đất đá, cây cỏ, tất cả rừng rậm trên thế gian này chia chẻ thành từng chút nhỏ như hạt cối, rồi có người đem đếm, thì cũng có lúc đếm hết. Song, không thể nào đếm hết được số lần mà một chúng sanh đã từng là mẹ của ta.’ Cũng vậy, (Nāgāṛjuna / Long Thọ nói trong) ‘Thư cho thiện hữu’ (Suhṛllekha / Giới vương thơ, V.68 rằng: ‘Giả sử lấy đại địa, nghiền nhỏ thành hạt cối, cũng không đếm hết được, số lượng mẹ của ta.’

Mỗi lần là mẹ ta, người đều bày tỏ bấy nhiêu ân đức như trước kia. Do vậy, bởi ân đức của mẹ thật vô hạn, nên hãy yêu quý mẹ chí thiết và quán chiếu để tăng trưởng tình thương yêu và mối quan hoài mong cho mẹ được tăng ích và an lạc.

Không chỉ thế, hết thảy chúng sanh đã từng là mẹ của ta, và mỗi lần làm mẹ như thế là mỗi lần cũng thương yêu như hiện tại. Số lượng chúng sanh là bao nhiêu? Như hư không vô  hạn, cũng vậy, chúng sanh sung mãn hư không. Như kinh Phổ Hiền hành nguyện (bZang po spyod pa’i smon lam) nói:

“Hư không vô biên, cũng vậy, chúng sanh vô biên.” Do vậy, hãy tu tập để tăng trưởng nguyện mong cho hết thảy chúng sanh vô biên như hư không được tăng ích an lạc. Khi tâm này được phát khởi, đó chính là tâm từ. Luận Đại thừa trang nghiêm kinh nói: ‘Từ trong tủy xương, Bồ-tát quán mọi chúng sanh như con một của mình, luôn mong lợi lạc cho tất cả.’

Khi mà, bằng lực của tâm từ, lệ tràn đôi mắt và lông tóc dựng đứng, đó chính là tâm đại từ. Khi tâm từ đó bình đẳng hướng đến hết thảy chúng sanh, đó là từ vô lượng.

Tâm từ được tu tập viên mãn khi ta không còn mong cầu lợi lạc cho riêng mình mà duy chỉ mong cho hết thảy chúng sanh.[17]

Tu tập tâm từ sẽ có vô lượng công đức. Như kinh ‘Nguyệt đăng’ nói, ‘Bằng vô số phẩm vật chất đầy vô biên quốc độ Phật cúng dường các Tối Thắng Tôn, cũng không sánh bằng tu tập tâm từ.’

Ngay dù chỉ hành tâm từ trong chốc lát cũng có vô lượng phước báo. ‘Bảo man luận’ (của Long Thọ) nói: ‘Bằng ba trăm bát cơm, cúng dường ngày ba lần, công đức cũng không thể bằng tâm từ chốc lát’ (RV.283).

Tu tập tâm từ, cho tới khi thành chánh giác, có tám công đức. ‘Bảo man luận’ nói: ‘Được trời, người yêu quý, và tùy thời bảo hộ, tâm tịch tĩnh an lạc, thuốc độc, gươm đao không gia hại, thành tựu sở nguyện không nhọc công, rồi được tái sanh Phạm Thiên giới. Dù chưa thoát luân hồi, tâm từ có tám đức.’ (RV.284–85).[18]

[Tâm bi]

Khi tâm từ đã được tu tập thành thục như vậy, chẳng khó khăn gì để tu tâm bi. Bi vô lượng cũng được luận theo sau tướng là: sai biệt, sở duyên, tướng trạng, tu pháp, công đức, và thành thục.

Tâm bi sai biệt có ba: (1) sanh duyên bi: do duyên đến chúng sanh mà phát khởi, (2) pháp duyên bi: do duyên đến pháp mà phát khởi, và (3) vô duyên bi: không duyên đến tất cả tưởng. Loại biệt thứ nhất được phát khởi khi quán thấy khổ đau của chúng sanh trong các ác đạo, và tương tự. Loại biệt thứ hai được phát khởi do tu tập bốn Thánh đế và thông suốt hai loại nhân quả,284 tâm đoạn trừ chấp thường và chấp nhất, bấy giờ tâm bi phát khởi, quán rằng ‘Ôi, hết thảy chúng sanh đều mê mờ không tỏ ngộ nhân quả cho nên chấp thường chấp nhất!’ Loại biệt thứ ba phát khởi khi tự tâm an lập bình đẳng, chứng ngộ Không tánh của hết thảy pháp – phát khởi tâm bi, thương xót hết thảy chúng sanh chấp chặt các pháp là thật có. Như nói rằng, ‘Khi Bồ-tát an lập bình đẳng, viên mãn lực tu tập, phát khởi tâm bi thương chúng sanh bị quỷ chấp hữu nắm chặt.’[19]

Trong ba loại biệt tâm bi này, đây chỉ nêu tu tập cho loại đầu. Sở duyên là hết thảy chúng sanh. Tướng trạng là ý mong muốn chúng sanh thoát khổ và nguyên nhân khổ.

Phương pháp tu tập loại tâm bi này là liên tưởng đến mẹ mình trong đời này. Giả tưởng mẹ ta đang ở một nơi mà tại đó bị người đánh đập, cắt xẻ, luộc sống, thiêu sống, hoặc giả tưởng mẹ ta đang bị lạnh cóng đến nỗi da phồng rồi nứt nẻ khắp người, do vậy, khởi lên tâm cảm xót thương. Cũng vậy, các chúng sanh đọa trong địa ngục, chịu những thống khổ như vậy, chắc chắn đã từng là mẹ ta, vậy nên nếu chúng sanh ấy chết thảm như vậy, sao ta có thể không cảm thấy xót thương? Hãy tu tập tâm bi nguyện cho họ thoát khỏi khổ đau và nguyên nhân của nó!

Lại nữa, nếu mẹ ta trong đời này bị đói khát giày vò, bệnh  tật, đau đớn hành hạ, sợ lo đe dọa, ta sẽ cảm thấy vô cùng thương xót. Chúng sanh đọa trong ngạ quỷ, cũng chịu những khổ đau như vậy, chắc chắn đã từng là mẹ ta, vậy nên nếu chúng sanh ấy bị giày vò bởi những đớn đau ấy, sao có thể không cảm thấy xót thương? Vậy ta hãy tu tập tâm bi,  nguyện cho hết thảy thoát khổ và nguyên nhân khổ!

Lại nữa, nếu mẹ ta trong đời này già yếu, bất lực bị kẻ khác sai khiến và bóc lột, đánh đập hay cắt xẻ, ta sẽ cảm thấy thương xót vô cùng. Các chúng sanh đọa trong súc sanh cũng chịu những khổ đau như vậy chắc chắn đã từng là mẹ ta, vậy nên nếu chúng bị bức bách bởi những đớn đau ấy, sao ta có thể không cảm thấy xót thương? Vậy ta hãy tu tập tâm bi, nguyện cho chúng thoát khổ và nguyên nhân khổ!

Lại nữa, nếu mẹ ta gần kề vực sâu vạn trượng, không hay nguy hiểm, chẳng ai cản bước, và vừa đang trên mép rơi xuống vực ấy, mà dưới đó sẽ chịu đau đớn vô vàn và sẽ chẳng thể nào thoát lên khỏi đó được, ta sẽ cảm thấy vô cùng thương xót. Chúng sanh đọa trong ngạ quỷ cũng chịu những khổ đau như vậy chắc chắn đã từng là mẹ ta, vậy nên nếu chúng bị giày vò bởi những đớn đau ấy, sao ta có thể không cảm thấy xót thương? Vậy ta hãy tu tập tâm bi, nguyện cho chúng thoát khổ và nguyên nhân khổ!

Chư thiên, nhân loại, và a-tu-la cũng kề vực thẳm của các ác đạo, chẳng hay nguy hiểm, chẳng thể loại bỏ các hành vi bất thiện, không thân cận thiện tri thức, sắp sửa rơi vào khổ nạn của ba ác đạo, khó mà xuất ly; sao ta có thể không cảm thấy xót thương? Vậy ta hãy tu tập tâm bi, nguyện cho chúng  thoát khổ và nguyên nhân khổ!

Tâm bi được tu tập viên mãn khi đã cắt đứt những hệ phược của tham luyến ngã ái và ước nguyện, không chỉ bằng lời mà chính từ tâm, để mong cho hết thảy chúng sanh thoát khổ đau và nguyên nhân khổ. Như ‘Thuyết Quán Thế Âm chứng ngộ kinh’[20] nói rằng: ‘Có một pháp mà hết thảy Phật pháp như được trong lòng bàn tay. Pháp đó là gì? Chính là đại bi.’ ‘Chánh Pháp tập yếu kinh’ nói: ‘Bạch Thế Tôn, nơi nào có luân bảo của Chuyển luân vương xuất hiện, nơi đó xuất hiện toàn thể quân binh. Cũng như vậy, nơi nào có đại bi của Bồ- tát, nơi đó có tất cả Phật pháp.’ ‘Như Lai bí mật kinh’ nói: ‘Này Bí Mật Chủ,[21] nhất thiết trí của Phật sanh trưởng từ rễ là tâm bi.’

Khi bằng tâm từ mà ta nguyện cho chúng sanh được an lạc và bằng tâm bi mà nguyện cho hết thảy thoát khổ, mà không màng đến mong cầu an lạc cho riêng mình, duy chỉ mong thành Phật quả vì lợi lạc cho chúng sanh. Từ và bi do vậy là các pháp đối trị của tham chấp nơi tịch diệt.

Do vậy, khi đã phát khởi từ và bi trong dòng tương tục của tâm, và thương yêu người khác hơn thương yêu chính mình, thì điều đó giống như được nói (trong ‘Bồ-đề đạo đăng luận’ của Atiśa đoạn 5: *V.10): ‘Chỉ muốn chấm dứt khổ, cho tất cả chúng sanh, như nỗi khổ của mình, ấy là thượng sĩ phu.’ Đây là sự phát tâm của bậc tối thượng sĩ… .

The Jewel Ornament of Liberation’, pp.105–16, dịch Anh T.A.

***

[1] Con gái vua Pasenadi và hoàng hậu Mallikā trong *Th.46.

[2] Bố thí, ái ngữ, lợi hành, và đồng sự.

[3] Xem *M.36.

[4] Gồm: làm tổn thương Phật, giết A-la-hán, gây chia rẽ Tăng, giết mẹ và giết cha.

[5] Thông thường là vào tháng tám Tây lịch.

[6] Là ngày Tự Tứ của Tăng sau ba tháng an cư mùa hè.

[7] Địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

[8] Ý tưởng tương tự được triển khai trong Milindapañha của Thượng tọa bộ, pp.294–95.

[9] Bản dịch đầy đủ, xem RV.

[10] Tạng: ‘bras bu gsum, ba thứ quả dùng làm thuốc: kha tử, xuyên luyện tử, và dư cam tử.

[11] Tạng: tsha ba gsum, ba loại dược thảo có chất cay: sanh khương (gừng sống), tất bát, hồ tiêu.

[12] Có lẽ để ngăn chặn kiến tấn công vào khu vực nghỉ ngơi xung quanh bể chứa nước.

[13] Trong truyền thống Tây Tạng, thuật ngữ Tiểu thừa (Hīnayāna) được hiểu theo hai cách: 1) chỉ cho những quan điểm mà người ta chấp, hay 2) chỉ cho động lực của một người. Trong ngữ cảnh ở đây, nó mang nghĩa thứ hai. Cụ thể, truyền thống Tây Tạng thẳng thắn nói rằng một người chấp ‘Tiểu thừa’ kiến và vẫn còn có động lực ‘Đại thừa’, chẳng hạn, có lòng bi mẫn sâu đậm với tất cả chúng sanh. Ngược lại, một người cũng có thể có Đại thừa kiến nhưng vẫn thiếu lòng bi mẫn sâu sắc, tức là thiếu động lực Đại thừa.

[14] Không rõ nguồn.

[15] Nguyện từ bi để giác ngộ.

[16] Ba loại lòng từ thể hiện cho ba bậc tu tập tâm, được mô tả trong đoạn đầu tu tập tâm từ (xem bên dưới). ‘Vô sanh pháp nhẫn’ chỉ cho sự chứng ngộ trực tiếp, vô phân biệt về tánh không, trong tất cả các pháp đều không tự tánh (xem *V.76).

[17] Điều này có nghĩa là thái độ bình thường của một người yêu quý chính mình còn với tha nhân thì ngược lại, và việc người ấy càng quan tâm đến hạnh phúc của người khác – điều đó, tất nhiên, cũng đem lại nhiều hạnh phúc hơn cho chính mình.

[18] Đây cũng là một vài trong số các lợi ích của lòng từ mạnh như trong Aṅguttara-nikāya V.342.

[19] Không rõ nguồn.

[20] *M.55 là một đoạn nói về tâm đại bi của đức Bồ-tát này.

[21] Guhyapati (danh hiệu khác của Bồ-tát Kim Cang Thủ (Vajrapāṇi))