Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

II. PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN ĐỆ LỤC
(TT)

Thường Tùy Phật Học: Tức là không được xa rời Phật; Phật là tự tánh của chúng ta. Đại sư Huệ Năng nói: “Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”: đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai”, hoàn toàn tương ưng với câu nói này của Đại sư Huệ Năng. Trí tuệ không phải từ bên ngoài vào; bên ngoài không có trí tuệ mà là trong tự tánh vốn có; không những có trí tuệ, còn có đức năng, có đạo đức, có năng lực, có tướng hảo; mọi thứ đều đầy đủ không khiếm khuyết thứ gì.

Các nhà khoa học nói với chúng ta; giữa vũ trụ này chỉ có ba thứ: Năng lượng, tin tức và vật chất. Đại sư Huệ Năng nói ra ba thứ còn siêu việt hơn ba thứ của khoa học nêu ra.

–  Vì sao? Vì ba thứ mà họ nói là “sở sanh”; ba thứ mà Huệ Năng nói là “Năng sanh”, không giống nhau. Trí tuệ năng sanh vạn pháp; đức năng năng sanh vạn pháp, tướng hảo năng sanh vạn pháp.

– Ngày nay tự tánh chúng ta cũng vốn tự đầy đủ sao không khởi tác dụng?!

–  Vì chân tâm có chướng ngại! Chướng ngại    là vọng tâm.

Vọng tâm làm chủ nên chân tâm không khởi được tác dụng!

– Vọng tâm là gì?

– Là tự tư tự lợi, tham-sân-si-mạn, ngũ dục lục trần. Những thứ này chi phối tất cả nên trí tuệ, đức năng, tướng hảo trong tự tánh không thể hiện tiền.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà không thể chứng đắc”. Không thể chứng đắc chính là trí tuệ, đức năng trong tự tánh không thể hiện tiền. Đại sư Huệ Năng dựa vào đâu mà kiến tánh? Chính là nhờ buông bỏ ba thứ này! Ngài rất tuyệt! Cùng một lúc buông bỏ tất cả, đó gọi là “đốn xả”, “đốn ngộ”, “đốn chứng”. Điều này người thông thường không làm được! Chỉ có thể buông bỏ một ít, buông bỏ khoảng mười năm, hai mươi năm v.vcông phu sẽ dần dần đắc lực, đây gọi là “tiệm tu”. Trường hợp như đức Phật Thích Ca và Đại sư Huệ Năng thị hiện là “Đốn xả”, “Đốn ngộ”, “Đốn chứng”. Chư vị Tổ sư, đại đức thị hiện cho chúng ta thấy là “Tiệm tu”.

Tóm lại, phải “thường tùy Phật học”; không thường tùy Phật học sẽ học theo thói thế gian, đặc biệt là người bây giờ học theo Ti- vi, học theo mạng internet. Nội dung trong đó toàn là bạo lực, sắc tình, sát, đạo, dâm, vọng dẫn dắt ta vào tam đồ, ác đạo! Nếu chúng ta có truyền hình vệ tinh, có mạng internet; nội dung của chúng ta là dạy Kinh Phật, dạy kinh điển của tôn giáo, dạy truyền thống văn hóa; mọi người đều học với thánh nhân. Mỗi ngày mở Ti-vi, mở mạng internet là tiếp xúc với Thánh Hiền, họ dần dần trở thành Thánh Hiền, chỉ xem chúng ta dạy như thế nào? Vì vậy bồi dưỡng thầy, cô giáo là quan trọng hơn bất cứ điều gì. “Thường tùy Phật học” là đào tạo thầy, cô giáo, là phương pháp duy nhất.

Bản thân tôi trong đời này, ngoài Phật pháp ra, ít nhất là năm mươi năm tôi không tiếp xúc với bất kỳ điều gì thuộc về thế gian, đoạn tuyệt hẳn với quan hệ truyền thông: Không xem Ti-vi, không nghe tin tức, không xem báo chí, tạp chí, đoạn tuyệt tất cả. Có một vài tin tức quan trọng đều do đồng học trích lục ra mấy trang đưa cho tôi xem. Tôi không bỏ phí thời gian vào mấy việc này. Tất cả thời gian đều tập trung vào việc học tập kinh Phật, kinh điển Thánh Hiền. Suốt sáu mươi năm chưa từng có ngày nào gián đoạn. Nhờ vậy mới có được chút ít thành tựu như ngày hôm nay.

Thời trẻ, thể lực không tệ, mỗi ngày tôi có thể giảng kinh chín tiếng đồng hồ. Khi tôi còn ở Mỹ, Los Angeles, ngày thường mọi người bận đi làm, nên mỗi thứ bảy và chủ nhật, tôi giảng kinh chín tiếng; ngày thường cũng vậy: Sáng giảng ba tiếng; chiều ba tiếng; buổi tối ba tiếng. Ngày thường tôi dạy cho người lớn tuổi đã nghỉ hưu: Năm, ba người cũng giảng; một người cũng giảng. không nhất định phải đứng trên bục giảng, như vậy bản thân mới thành tựu.

Trước đây thầy Lý dạy tôi: Mỗi ngày phải giảng ít nhất là một tiếng đồng hồ, không được gián đoạn. Lúc ở Đài Loan, tôi từng có thời gian rất dài, khoảng ba, bốn năm, lên lớp mỗi tuần hơn ba mươi tiếng đồng hồ. Bây giờ tuổi tác đã cao, tôi vẫn có thể giảng bốn tiếng một ngày. Đây đều là “thường tùy Phật học”. Bản thân chúng ta phải thành tựu Phật pháp, phải khiến chánh pháp cửu trụ lợi ích tất cả chúng sinh. Học Viện của chúng ta phải lấy câu này làm mục tiêu tu học.

“Hằng thuận chúng sinh”: Tập khí chúng sinh rất nặng! Nếu không tùy thuận họ là đoạn tuyệt nhân duyên với họ, cho dù ta có tu hành tốt đến đâu họ cũng không muốn tiếp cận, không muốn học theo nên phải tùy thuận họ. “Hằng” là không có điều kiện, vĩnh viễn thuận theo chúng sinh, đặc biệt là trong xã hội hiện nay.

Tôi di dân đến Úc châu, sau sự kiện mười một tháng chín phát sinh, hiệu trưởng Đại học Côn-sĩ-Lan (Queensland?) đã phái hai vị giáo thọ đến tìm tôi. Tôi nghĩ: Chắc họ biết tôi từng ở Singapore khoảng ba năm rưỡi, giúp Singapore đoàn kết chín tôn giáo, cho nên mời tôi cùng với giáo thọ của Học Viện Hòa Bình cử hành một buổi tọa đàm. Tôi đồng ý tham gia. Nghe báo cáo của họ mới biết trong trường Đại học có Học Viện Hòa Bình. Toàn thế giới chỉ có tám trường Đại học có Học Viện Hòa Bình, trước đây chưa từng nghe nói. Chủ đề họ nghiên cứu là “tiêu diệt xung đột”, đưa đến nền an định hòa bình cho thế giới.

Học viện này có nghiên cứu sinh, có học vị Tiến sĩ. Sau khi những sinh viên này tốt nghiệp, đại đa số đều làm việc cho Liên Hiệp Quốc về công tác ngoại giao. Trước đây, phương pháp hóa giải xung đột của họ là quan niệm của người phương Tây, dùng vũ lực trấn áp, trả thù đưa đến tệ hại là chiến tranh khủng bố! Nên họ biết phương cách này không thể giải quyết vấn đề mà còn đưa sự việc đến ngày càng nghiêm trọng hơn! Họ thật sự muốn tìm giải pháp hòa bình cho thế giới. Sau khi báo cáo xong, họ để tôi nói. Tôi nói: Vấn đề này giống như bác sĩ trị bệnh, nhất định phải tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, tùy bệnh cho thuốc mới có hiệu quả. Hiện tại, tôi cảm thấy quí vị chưa tìm ra nguyên nhân xung đột nên khó giải quyết vấn đề!

– Nguyên nhân là gì?

– Tôi nói: Căn nguyên là xuất phát từ trong gia đình! Họ cảm thấy rất kinh ngạc! Xưa nay chưa từng nghĩ đến xung đột phát sinh từ trong gia đình.

Tôi nói với họ, gồm mười chín vị giáo thọ và mấy nhân viên làm việc, tổng cộng khoảng trên hai mươi người:- Chắc quí vị đều biết, hiện nay nước Mỹ, mức độ ly hôn rất cao, chúng ta đừng xem nhẹ tần suất ly hôn này, nó có nguồn gốc của sự xung đột! Bạn xem! Vợ chồng xung đột nhất định dẫn đến cha con xung đột, anh em xung đột, xóm làng xung đột, những người này đi vào xã hội có thể không xung đột với người khác sao?! Họ không hề nghĩ đến điều này nên sau khi nghe xong cảm thấy rất có lý. Tôi nói:

– Còn có nguyên nhân sâu xa hơn!

– Đó là gì?

– Tôi nói: Là xung đột giữa bản thân và bản thân quí vị! Người xưa gọi là xung đột giữa “bản tánh” và “tập tánh”. “Bản tánh” là thiện, “tập tánh” là bất thiện. Thiện và bất thiện xung đột! Phiên dịch vấn đề này rất khó, không dễ chút nào! Họ không có khái niệm này!

Sau cùng tôi đưa ra câu hỏi để chứng minh, chẳng hạn như: Nếu có sự lợi ích ngay trước mắt, ý niệm đầu tiên ta nghĩ là tự lợi hay lợi tha? Đương nhiên là tự lợi! Như vậy thì tôi muốn tự lợi, bạn cũng muốn tự lợi. Phải chăng bạn và tôi đã phát sinh xung đột?! Họ hiểu được vấn đề!

Tôi nói: Nếu không đặt tự lợi lên hàng đầu mà mọi người đều nghĩ đến lợi tha, xung đột sẽ không còn! Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân! Sau khi hội nghị đó kết thúc, nhà trường lại mời tôi tuần sau đến nữa. Lần này đến, nhà trường đã chuẩn bị thơ mời, mời tôi làm giáo thọ cho trường của họ, lại còn tặng học vị cho tôi. Tôi nói: Những điều này không cần thiết! Cả hai vị hiệu trưởng trường Đại học đối với tôi rất tốt, họ nhất định bắt tôi phải nhận. Tôi hỏi: Vì sao? Họ nói: – Vì những lý niệm của thầy có thể giúp Liên Hiệp Quốc giải quyết vấn đề! Hy vọng thầy có thể đại diện trường, đại diện Úc châu tham gia hội nghị Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc. Liên Hiệp Quốc mời toàn chuyên gia, học giả, họ không mời Hòa Thượng, cho nên nhất định phải nhận học vị giáo thọ này, thầy mới đủ tư cách tham dự Hội Nghị Hòa Bình Liên Hiệp Quốc; và tôi đã đồng ý!

Tính đến nay (năm 2011), tôi đã tham gia hơn mười lần Hội Nghị Hòa Bình Liên Hiệp Quốc, chúng tôi đem phương pháp của chư vị Thánh Hiền xưa chia sẻ với mọi người, làm thế nào hóa giải xung đột từ bản thân cho đến gia đình, xã hội, quốc gia, dân tộc đến sự chung sống hòa bình trên thế giới. Họ nghe xong đều rất hoan hỉ; nhưng sau Hội nghị, lúc ngồi lại dùng cơm, họ nói: – Thầy ơi! Những gì thầy nói rất hay, nhưng đó chỉ là lý tưởng, không thực hành được! Họ không có niềm tin! Vậy phải làm sao?!

Nghĩ đến hiện nay mọi người đều tin khoa học. Điều duy nhất khoa học cần là chứng cứ; không có chứng cứ họ sẽ không tin!

Vấn đề này đốc thúc tôi phải làm một cuộc thí nghiệm. Chúng tôi thật sự tìm ra một địa phương nhỏ để bắt đầu thúc đẩy nền giáo dục văn hóa truyền thống, dùng “Đệ tử qui” làm thí nghiệm.

Khu vực này là một tiểu trấn có tám vạn bốn ngàn cư dân. Tôi để tất cả nam nữ, già trẻ, các ngành nghề ở địa phương này đều đến học “Đệ tử qui”. Dự tính từ hai đến ba năm mới có hiệu quả; không ngờ nhờ đức của Tổ tông và Tam Bảo gia trì, chưa đến bốn tháng, hiệu quả đã vượt trội.

Chúng tôi cảm thấy vô cùng kinh ngạc! Lúc đó, tâm mọi người đều dấy lên câu hỏi: Sao con người lại dễ dạy đến thế! Vừa dạy là đã biết quay đầu! Chứng minh điều trong Tam Tự Kinh nói: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện” không sai chút nào! Tánh người vốn thiện; bất thiện là “tập tánh”. Chúng ta đem vấn đề này nói rõ ràng minh bạch, thực hiện cho mọi người thấy, họ liền tin ngay!

Tháng mười năm 2006, chúng tôi nhận lời mời của Liên Hiệp Quốc tại Tổng Bộ Giáo Khoa Văn Paris, chúng tôi báo cáo tường tận về lần thí nghiệm ở Thang Trì, báo cáo hết tám tiếng đồng hồ và ba ngày triễn lãm, khiến cho một trăm chín mươi hai vị đại biểu và đặc sứ các nước tham dự Tổ Chức Giáo Khoa Văn đều muốn đích thân đến Thang Trì khảo sát, xem thử thí nghiệm đã thành công này. Cho nên, “Hằng thuận chúng sinh” nhất định phải thuận theo họ, thực hiện cho họ thấy họ sẽ tin! Không làm cho họ sinh khởi tín tâm, vấn đề sẽ rất khó thành tựu. Điều này có lợi ích cho xã hội, cho quốc gia, cho nền hòa bình trên toàn thế giới.

Phổ giai hồi hướng:

– Thí nghiệm ở Thang Trì thành tựu; có thể tự cho mình có công lao chăng?

– Không thể!

Tôi nói với tất cả thầy, cô giáo: Thí nghiệm này thành công không phải do năng lực của chúng ta mà chính nhờ âm đức của Tổ tông, sức gia trì của Tam Bảo, chúng ta mới gặt hái được kết quả nhanh chóng đến như vậy! Các thầy, cô giáo của chúng tôi đều không tệ, họ rất có tu dưỡng, đều tiếp thu lý niệm này! Mọi người đều thừa nhận: Đây là Tổ đức, chứng minh truyền thống văn hóa xưa, tuy đã bị lơ là, lãng quên cả hàng trăm năm nhưng nền tảng vẫn còn. Thí nghiệm của chúng tôi đã khơi lại nền tảng bị vùi lấp này.

Tuy trung tâm đóng cửa, các thầy cô giáo này được Malaysia mời qua bên đó để tiếp tục dạy học. Họ có nhân duyên rất sâu với Malaysia, vì ở đó có hơn một ngàn trường tiểu học Hoa Kiều dạy tiếng Trung và sáu mươi mốt trường Trung học. Các vị hiệu trưởng và thầy giáo này có đến Thang Trì học tập khi chúng tôi làm thí nghiệm. Họ đến học rất đông, có khoảng hơn năm trăm người. Họ học tập suốt mấy tháng nên ấn tượng của họ đối với sự việc này rất sâu sắc, cho nên không ngần ngại, mời tất cả thầy, cô giáo của trung tâm qua bên đó tiếp tục dạy.

Lần này, có đồng tu ở đây tặng một miếng đất mười ba mẫu Anh, mười ba hectare, khoảng gần tám trăm mẫu của Trung Quốc. Chúng tôi chuẩn bị thành lập trường học. Tôi đến xem rồi, rất hoan hỉ! Tôi nói: Nếu thành lập trường học phải mở rộng phạm vi, tôi đặt tên cho nó là Viện Hán Học Malaysia; mọi người đều tán thành. Ở đây, chuyên môn đào tạo sư phạm; toàn thế giới có rất nhiều nơi cần người có chuyên môn về Hán học nhưng không có thầy giáo.

Chúng ta toàn tâm, toàn ý đào tạo thầy giáo; những chuyện khác đều không làm, chỉ làm một việc này. Phần hành chánh của nhà trường để những người bản địa phát tâm đảm nhiệm. Chúng ta chỉ quản lý việc dạy học. Tất cả đều giữ thân phận giáo viên, không quản lý hành chánh, như vậy mới có thể chuyên tâm. Quản lý hành chánh phải lo lắng đủ điều, rất dễ bị phân tâm, gây chướng ngại cho việc tu học của bản thân. Đây là phương pháp mà hôm nay chúng ta nói về “Phổ giai hồi hướng”, cũng là “Hồi hướng thực tế”, nghĩa là làm thế nào thực hành nó ngay lúc này, giai đoạn này, ngay giờ phút này, tại đây. Lần này, tôi giảng về Phổ Hiền Thập Nguyện, không giống với trước đây. Lần giảng này có bao hàm ý nghĩa “Bản địa hóa” và “Hiện đại hóa”.

Tóm lại, ba câu sau cùng của Thập Đại Nguyện Vương là hồi hướng:

– Một là hồi hướng Bồ Đề (tức “Thường tùy Phật học”).

– Hai là hồi hướng chúng sinh (là “Hằng thuận chúng sinh”).

– Ba là hồi hướng tự tánh (là “Phổ giai hồi hướng”).

Điểm thù thắng nhất của Thập Đại Nguyện Vương là dẫn dắt chúng ta vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cho nên, vãng sinh thế giới Cực Lạc không thể không đầy đủ mười nguyện của Phổ Hiền.

Các vị Đại sĩ như vậy của cõi Cực Lạc “tuy sanh tha phương thế giới” (tuy sinh trong những thế giới ở phương khác), “bị hoằng thệ khải” (khoác giáp hoằng thệ), câu này chỉ cho Bồ Tát ở cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư vào trong biển sinh tử, đây là thừa nguyện tái sinh, đều được nguyện lực của đức Phật A Di Đà gia trì, nên họ “vĩnh ly ác thú” (vĩnh viễn thoát khỏi ác đạo). “Vĩnh ly ác thú” khôngcó nghĩa là không vào trong ác đạo mà là nhân của ác đạo không còn; quả báo ác đạo cũng không còn.

Chúng ta biết: Bồ Tát trong cõi Thật Báo vô công dụng hạnh, hoàn toàn không giống với người tu hành trong mười pháp giới. Người trong mười pháp giới có qui củ, oai nghi hữu tắc; chính là họ có tu, có hành, có chứng, có phân biệt, có chấp trước, tất cả đều  có.

Bồ Tát trong cõi Thật Báo chính là Phật, họ đều đạt được không khởi tâm, không vọng niệm, đều hành đạo Phổ Hiền. Phổ Hiền là xứng tánh viên mãn; “Phổ Hiền đạo” (đạo Phổ Hiền) là chứng đắc viên mãn.

Thử nghĩ: Sáu căn họ tiếp xúc với cảnh giới sáu trần hoàn toàn không có khởi tâm động niệm thì đâu còn gì để tu. Phân biệt là từ khởi tâm động niệm mà sinh; chấp trước cũng từ phân biệt mà có. Khi khởi tâm động niệm không có thì lấy đâu ra phân biệt, chấp trước? Họ chính là Như Như Pháp Thân Phật. Trong tánh đức của họ đầy đủ viên mãn Thập Đại Nguyện Vương, mỗi nguyện đều viên mãn, đều nhiếp tất cả pháp, “một tức là nhiều, nhiều tức là một”.

“Khoác giáp hoằng thệ, nhập biển sinh tử” là chỉ cho Bồ Tát ở cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư, không phải ở cõi Thật Báo. Bồ Tát cõi Thật Báo không cần “khoác giáp hoằng thệ”, cũng không cần “nhập biển sinh tử”; họ đều không “xuất” không “nhập”, đây mới thật sự gọi là “nhập”. Có “xuất” có “nhập” là chưa nhập; không có “xuất”, “nhập” mới thật sự nhập. Hoàn toàn là chúng sinh có “cảm”, họ liền có “ứng”. Đáng dùng thân gì để độ, họ liền hiện thân đó, không phải làm theo ý muốn của mình.

– Là ý của ai?

–  Ý của đối phương! “Tùy chúng sinh tâm, ứng sở tri lượng”, Kinh Lăng Nghiêm nói như thế, không phải ý của mình.

Nếu có ý của mình, đó là cõi Đồng Cư và cõi Phương Tiện. Vì sao? Vì họ chưa thấy được chân tánh, vẫn dùng A-lại-da! Chúng ta biết: “Khoác giáp hoằng thệ, nhập biển sinh tử” là Bồ Tát cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư ở thế giới Cực Lạc, năng lực giáo hóa của họ hầu như không khác với Bồ Tát ở cõi Thật Báo, đó là nhờ bổn nguyện oai thần của Phật A Di Đà gia trì, không phải do chính họ tu được. Đương nhiên họ cũng đang tu, đến khi nào họ tu thành tựu sẽ nhập vào cõi Thật Báo, lúc bấy giờ mới thật sự là do sức công phu của chính họ tu được.

Phật lực gia trì ở hai tầng dưới, chính là cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư. Thế giới Cực Lạc vô cùng thù thắng trang nghiêm cũng chính là do hai cõi này hoàn toàn khác biệt với mười phương thế giới: Tuy sinh vào thế giới tha phương, hoặc hiện thân vào cõi uế (cõi uế tức là lục đạo), nhưng nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà gia trì nên khi họ khởi tác dụng đều rất giống với Phật A Di Đà, việc này thù thắng không gì bằng! Tuy ở trong ác đạo, nhưng lìa ác đạo; ở trong ba đường ác nhưng lìa ba đường ác. Thị hiện trong ba đường ác chính là họ đang diễn kịch không phải thật chịu khổ, vì họ không có quả báo này.

Họ vĩnh viễn trú trong cõi Thật Báo, niềm vui họ hưởng được không khác gì với cõi Thật Báo Trang Nghiêm, đây đều nhờ oai thần của Phật A Di Đà gia trì. “Các các tùy kỳ ý lạc”; “kỳ” ở đây là chúng sinh, nghĩa là “hằng thuận chúng sinh, tùy hỉ công đức”. Kinh Lăng Nghiêm nói “tùy chúng sinh tâm” tức là “Tùy kỳ ý lạc”; “ứng sở tri lượng” nghĩa là: Hoặc thị hiện thuyết pháp, hoặc thị hiện đang nghe pháp, hoặc “hiện Thần Túc” v.v… Chữ “Thần Túc” ở đây là “thần kỳ”, không phải thần thông. Nếu đem nó xem là thần thông thì sai rồi!

“Thần Túc” ở chỗ này có thể giải thích là đầy đủ rất nhiều phương tiện khéo léo; giống như trong giảng đường, chúng ta lợi dụng đường truyền, trực tiếp phát sóng đi khắp thế giới. Trên đường truyền, số người nghe so với hiện trường chúng ta không biết gấp bao nhiêu lần. Đồng thời chúng ta đem băng ghi hình này nhanh chóng làm thành đĩa lưu thông khắp nơi. Đây là thuộc về “Thần Túc”; cũng có thể dùng phương thức biểu diễn sân khấu đạt đến hiệu quả của giáo dục, bằng cách đem nội dung trong kinh điển biến thành kịch bản, viết thành phim truyện dài tập. Tôi tin tưởng người xem sẽ càng nhiều, sẽ rất dễ dàng tiếp nhận, hiệu quả còn thù thắng hơn so với chúng ta giảng ở nơi này. Đây đều là phương pháp của “hiện Thần Túc”.

“Tùy ý tu tập”: “tu” là tu sửa lỗi lầm, tu sửa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình. “tập” là luyện tập, học tập đời sống của Phật, Bồ Tát; học tập đời sống của trí tuệ; học tập đời sống nghệ thuật, vậy mới viên mãn. Hai câu sau cùng “nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác” (Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác) là tổng kết hai nguyện phía trước.

KINH VĂN:

Ngã tác Phật thời, sinh ngã quốc giả, sở tu ẩm thực, y phục, chủng chủng cúng cụ, tùy ý tức chí, vô bất mãn nguyện. Thập phương chư Phật ứng niệm thọ kỳ cúng dường. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.

VIỆT DỊCH:

Lúc tôi thành Phật, người sinh trong nước tôi, tất cả thức ăn, y phục, các thứ vật cúng, nghĩ tới liền có, không điều gì chẳng được mãn nguyện. Mười phương chư Phật ứng niệm nhận lấy sự cúng dường của người ấy. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

GIẢNG:

Đoạn Kinh văn này có hai nguyện. Từ “Ngã tác Phật thời” đến “vô bất mãn nguyện”, đây là nguyện thứ ba mươi bảy “y thực tự chí” (quần áo, thức ăn tự đến). Tiếp theo là “thập phương chư Phật ứng niệm thọ kỳ cúng dường” là nguyện thứ ba mươi tám “ứng niệm thọ cúng”.

Trong nguyện “y thực tự chí”, Hoàng Niệm lão đã nêu trích dẫn của năm bản dịch: Tống, Đường, Hán, Ngô, Ngụy để giải thích như sau:

Chữ “ẩm thực, y phục” (thức ăn, y phục) trích trong bản Tống dịch, “chủng chủng cúng cụ” (các thứ vật cúng) trích từ bản Đường dịch. Nguyện hai mươi ba trong bản Hán dịch được ghi như sau: “Ngã quốc chư Bồ Tát dục phạn thời, tắc thất bảo bát trung, sanh tự nhiên bách vị phạn thực tại tiền. Thực dĩ, bát giai tự nhiên khứ” (Các vị Bồ Tát trong nước ta, lúc muốn ăn thì cơm trăm vị tự nhiên hóa sanh trong bát bằng bảy báu hiện ra trước mặt. Ăn xong, bát tự nhiên biến mất Nguyện thứ hai mươi bốn trong bản Ngô dịch chép giống như vậy). Nguyện thứ ba mươi tám trong bản Ngụy dịch lại chép như sau: “Quốc trung thiên nhân, dục đắc y phục, tùy niệm tức chí như Phật sở tán ứng pháp diệu phục, tự nhiên tại thân. Hữu cầu tài, phùng, đảo, nhiễm, hoán trạc giả, bất thủ Chánh Giác”. (Trời, người trong nước muốn được y phục, hễ nghĩ đến liền có, tự nhiên trên thân. Khoác áo đẹp đẽ đúng pháp như Phật khen ngợi. Nếu còn phải cắt, may, đập, nhuộm, giặt giũ thì chẳng lấy Chánh Giác). Bản Hội tập này chọn lấy những nghĩa trọng yếu của năm bản dịch để tổng hợp thành nguyện này, đặt tên là nguyện “y thực tự chí” (quần áo, thức ăn tự đến).

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Trên đây là đại nguyện nói rõ y báo trang nghiêm của thế giới Cực Lạc. “Bách vị phạn thực” (cơm trăm vị), “trăm vị” ở đây là hình dung từ.

– Ai ăn cơm có một trăm món thức ăn?

–  Xưa kia Hoàng Đế ăn cơm, mỗi bữa đều có một trăm món, không được thiếu! Bát đựng thức ăn không lớn, giống như một chiếc dĩa nhỏ. Tuy tôi chưa thấy, nhưng từng thấy khoảng một nửa.

– Ai mời tôi ăn cơm?

– Trước đây Đại sứ Úc châu, đặc sứ Võ Thao. Khi tôi đến Bắc Kinh để thăm ông, ông mời tôi ăn cơm tối. Khi tôi đến, khách chỉ có mình tôi.

– Dọn lên bao nhiêu món ăn?

– Khoảng bốn mươi lăm món! Mỗi món đều đựng trong đĩa nhỏ bày lên trên bàn. Tôi liền hiểu ngay ngày xưa trong Hoàng cung, Hoàng Đế ăn cơm như thế nào, mỗi bữa ăn: Ẩm thực một trăm vị là đãi ngộ của Đế Vương.

Ứng pháp diệu phục”, “ứng pháp” là “hằng thuận chúng sinh”. Khi giáo hóa chúng sinh, chúng sinh trong khu vực này mặc y phục thế nào? Lễ phục ra sao? Ý niệm họ vừa khởi thì tự nhiên trên thân khoác áo như vậy. Quả thật là tuyệt diệu! Không cần phải đi mua, chọn vải, may, đo, giặt giũ v.vcác thứ đều không cần. Thật là tự tại!

Chúng ta sống trên thế gian này, mỗi người đều vì cơm áo, đi đứng v.vmà lo nghĩ. Như trên kinh nói: Không có ruộng đất thì mong cầu có ruộng đất; không có tiền thì mong cầu có được của tiền v.vMỗi ngày tư lự, cần phấn khổ cực làm việc, đều vì những thứ này, do vậy mà không thể chuyên tâm học đạo, như trên kinh Phật nói: “Bần cùng học đạo khó”. Người giàu sang thì mỗi ngày chỉ đắm mình trong hưởng thụ năm dục, sáu trần nên lơ là đi việc tu hành, đây là “Hào quí học đạo nan!” (giàu sang học đạo khó!).

Tóm lại, nghèo hay giàu học đạo đều không dễ dàng! Nhất là ở xã hội hiện tại, học đạo lại càng khó! Khoa học kỹ thuật càng phát triễn thì sự tham muốn hưởng thụ vật chất của con người càng cao, thật không có bờ mé! Sự việc này, nếu tỉ mỉ mà quan sát, tư duy: Hậu quả thật không thể nào lường được! Đây chẳng phải là việc tốt! Thử nghĩ:

– Vì sao đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cho đến các vị Tổ sư, đại đức đều dạy chúng ta đời sống giản dị. Đâu phải họ không có trí tuệ, không có năng lực, không hiểu được khoa học kỹ thuật! Thật sự, họ trí tuệ, thông minh gấp vạn, vạn lần so với các nhà khoa học hiện nay.

–  Vì sao họ không phát triễn?

–  Hiện tại chúng ta mới cảm nhận được sâu sắc cái hại của văn minh khoa học kỹ thuật, mới hoác nhiên đại ngộ: Thì ra Phật, Bồ Tát cùng Thánh Hiền nhân dạy chúng ta trải qua đời sống nguyên thủy tự nhiên, đây là đời sống chân thật khoẻ mạnh, chân thật là đời sống của con người.

Hiện tại, nói lời này đại khái chỉ có ông bà già bảy, tám mươi tuổi nghe qua mới gật đầu cho đây là rất có đạo lý. Nhưng đối với người trẻ tuổi thì không được! Họ không thể tiếp nhận, cho rằng đó là lỗi thời, không hợp khoa học, không hợp thực tế! Đây là hiện tượng rất tự nhiên! Họ vừa sinh ra liền bị khoa học mê hoặc rồi! Mê đã quá sâu! Mê đã quá lâu! Không thể quay đầu lại! Người già bảy, tám mươi tuổi, bạn thử hỏi họ xem:

–  Cách nay khoảng sáu, bảy mươi năm, lúc họ còn trẻ, thức ăn, nước uống có giống như thời đại này không?

–  Hoàn toàn không như nhau! Rau cải, cơm gạo v.vsáu, bảy mươi năm trước mùi vị rất tươi ngon, rất bổ dưỡng. Hiện tại, rau gạo xem ra đẹp hơn trước nhưng không có mùi vị! Vì sao? Vì sử dụng quá nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu v.vNhững thứ này ăn vào, không những không bổ dưỡng mà còn sinh bệnh! Bệnh từ miệng vào! Bạn xem có đáng sợ không?!

Hiện nay, trong nước uống có rất nhiều chất hóa học, khác hẳn trước kia không có nước máy. Ở trên núi thì uống nước suối.

Trong đô thị thì uống nước sông, nước giếng. Nếu nước không được trong, họ dùng phèn chua để lóng nước, sau vài giờ, nước rất trong có thể uống không cần phải đun sôi. Tôi nhớ lại, lúc nhỏ khi còn học tiểu học, học sơ trung, làm gì có nước đun sôi để uống?! Chỉ là nước sông, xách lên liền uống được, không có vi khuẩn gây bệnh, chất nước tốt, rất khoẻ mạnh, mùi vị ngon. Hiện tại, thức ăn nước uống không còn nguyên vị, ngày tháng làm sao mà dễ qua chứ!

Thế gian này còn gì để lưu luyến?! Hoàn cảnh đại tự nhiên đã hoàn toàn bị phá hoại! Hồi nhớ lại làm sao chẳng chạnh lòng! Lời nói này, lão Minh Sơn, ngài thể hội còn sâu hơn tôi, ngài lớn hơn tôi mười mấy tuổi. Thế giới ngày nay, lòng người biến đổi, hoàn cảnh đời sống đều chuyển biến đến một trăm tám mươi độ! Sự chuyển biến này không theo đường hướng tốt mà ngược lại! Người có tâm từ bi tránh sao không lo lắng, cảm thán! Địa cầu này hiện tại muốn tìm một hoàn cảnh thanh tịnh, đích thực không dễ gì có! Càng là một đất nước mở cửa thì càng không có! Cái gọi là khu vực lạc hậu may ra còn giữ được một ít đời sống trước kia.

Tôi đã đi qua rất nhiều nơi, tôi thích Úc châu. Úc châu mãi đến hiện tại vẫn chưa bị ô nhiễm. Chính phủ Úc rất thông minh, họ phát triễn công thương nghiệp, biết được chỗ hại của nó. Úc châu đến nay vẫn là một xã hội nông nghiệp; ăn uống, đi đứng vẫn giữ hình thái nguyên thủy, rất đáng yêu! Mãnh đất này cũng được thiên nhiên ưu đãi: Đất rộng, người thưa. Đất đai của họ đại khái gần bằng Trung Quốc, cũng gần bằng Mỹ. Nhân khẩu toàn quốc chỉ có một ngàn bảy trăm vạn, ít hơn so với Đài Loan (Đài Loan có hai ngàn hai trăm vạn người). Do đất rộng, người thưa nên không bị ô nhiễm. Nơi đó, mới chân thật thấy được trời xanh, mây trắng. Nơi đó, hơn hai trăm năm qua không có chiến tranh; giữa người và người rất hoan hỉ, thân thiết, rất thành thật, rất trung hậu, tri túc thường lạc. Các khu vực khác đều không thấy cái hiện tượng này. Cho nên, đến Úc châu cũng như đi trên con đường làng vậy! Thân thiết vô cùng!

Đọc đến đoạn kinh văn này, nghĩ đến đời sống hiện tại, chúng ta nhất định phải di dân đến thế giới Tây Phương Cực Lạc; Úc châu cũng không thể sánh bằng! “Sở tu ẩm thực, y phục, chủng chủng cúng cụ, tùy ý tức chí, vô bất mãn nguyện” (Tất cả thức ăn, y phục, các thứ vật cúng, nghĩ tới liền có, không điều gì chẳng được mãn nguyện). Kinh văn chỉ nêu vài thí dụ: Khi đến thế giới Cực Lạc, những nhu cầu trong cuộc sống thường ngày, tất cả đều đầy đủ, không cần một chút tâm lo lắng.

Thế gian lo lắng trùng trùng! Thế giới Tây Phương Cực Lạc là “biến hóa sở tác”, nghĩ áo được áo, nghĩ ăn được ăn, muốn thứ gì, ý niệm vừa khởi, lập tức thứ ấy liền bày ra trước mắt, đây là “biến hóa sở tác”. Ăn xong, vật dụng thức ăn đều biến mất, không cần phải rửa. Rất thần thoại! Kỳ thật, sự việc này rất phù hợp với chứng minh của khoa học.

Ngày nay, khoa học gia nói với chúng ta: Vật chất và năng lượng có thể chuyển biến hỗ tương lẫn nhau. Năng lượng có thể biến thành vật chất; vật chất cũng có thể biến thành năng lượng. Lý luận của đạn hạt nhân chính là căn cứ vào sự kiện này mà phát minh ra. Cũng chính là nói: Họ đã làm được đem vật chất giải phóng thành năng lượng. Tuy nhiên làm thế nào đem năng lượng hồi phục thành vật chất thì họ không có biện pháp, tuy biết rằng vẫn có thể làm được!

Năng lượng trong không trung dùng không hết, giống như ảo thuật, nó có thể biến thành vật dụng ngay trước mắt chúng ta. Thật ra trong đây ngầm đưa ra một tin tức rất quan trọng: Vật chất là giả, không thật! Vật chất do năng lượng biến hóa ra nên vật chất cũng có thể trở thành năng lượng. Do đây có thể thấy khoa học của thế giới Tây Phương Cực Lạc đã đạt đến đỉnh điểm, mỗi người đều có thể dùng ý niệm, biến năng lượng của mình thành vật chất: Khi cần mọi thứ đều có; khi không cần, tất cả đều biến mất. Đây là môi trường sống ở thế giới Cực Lạc.

Chúng ta ở thế gian này chịu khổ, chịu nạn! Khi đi du lịch còn mang theo một ba lô lớn, tự mình không mang nổi phải nhờ người khác mang giúp, bạn xem có phiền phức chăng?! Chúng ta biết Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc du hành khắp biến pháp giới, hư không giới, họ không mang theo gì, nhưng họ muốn gì được nấy. Chúng ta phải nhanh chóng đến đấy, đừng lưu luyến thế giới Ta Bà này để chịu khổ. Sinh đến Tây Phương Cực Lạc, được oai thần bổn nguyện của đức Phật A Di Đà gia trì (bổn nguyện ở đây chính là nguyện thứ ba mươi bảy này), bỗng chốc liền biến thành khoa học gia đệ nhất đẳng.

Có năng lực này, tận hư không khắp pháp giới, chân thật là lấy không hết, dùng không cạn! Vừa nghĩ liền có; lúc không dùng tự động những vật chất này biến thành năng lượng, không cần phải sử dụng máy móc chi cả. Đây mới là trí tuệ chân thật, là khoa học cao đẳng. Chúng ta sâu sắc tin tưởng thế giới Cực Lạc là thật, quyết không phải huyễn tướng. Kinh Đại thừa thường nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”, thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng là như vậy.

Sách Hội Sớ chú giải lời nguyện của bản Ngụy dịch như sau: “Vì sao Phật lại phát ra lời nguyện này? Vì ngài thấy trong các cõi, con người khổ sở muôn bề vì cái ăn, cái mặc, bốn mùa chẳng được yên ổn, cả một đời nhọc nhằn tham cầu. Huống hồ cấy cây lúa xuống là vùi chết mấy ngàn sinh mạng, trong vạc đun vô lượng kén tằm, cứ thế mà chìm đắm mãi không biết đâu là bến bờ, chịu khổ vô cùng. Vì vậy, Phật nguyện rằng Thánh chúng trong cõi ngài cơm, áo, nhà cửa tùy ý hiện ra trước mặt. Áo mặc, cơm ăn đều là pháp để trợ đạo”.

Chủng chủng cúng cụ” (các thứ vật cúng): Chữ “cúng cụ” chính là lễ vật. Trên kinh thường nêu vài thí dụ như: hoa, hương, tràng phan, bảo cái, chuỗi ngọc, thiên nhạc, ngọa cụ (đồ trải để nằm) v.vđều thuộc về vật dụng để cúng dường. Những vật dụng này đều “tùy ý tức chí” (tùy ý hiện đến) nhằm thỏa nguyện vọng cúng dường. Chân thật là vui sướng không gì bằng! Thế gian này quá khổ! Gánh vác của thân tâm quá nặng, áp lực lên đời sống vật chất cũng như tinh thần khiến người mệt đứt cả hơi! Khoa học càng phát triễn, áp lực càng trầm trọng!

Người Mỹ sinh ra là có nợ! Chết rồi vẫn trả không hết! Vật dụng, nhà ở của họ đều mua trả góp! Mỗi ngày từ sớm đến tối kiếm tiền trả nợ! Trả cả đời cũng trả không hết! Đến lúc không trả nổi thì ngân hàng đến xiết nợ, đem tài sản của họ phát mãi hết! Họ không còn thứ gì! Thật đáng thương! Xã hội nước Mỹ là giàu mà không vui! Cái vui của họ là giả! Là tự tìm cái khổ! Thế giới Tây Phương Cực Lạc không thứ gì mà không được mãn nguyện. Sau khi hiểu rồi, chúng ta phải giác ngộ, phải hạ quyết tâm, một đời này nhất định phải đi.

– Có thể đi được không?

–  Người xưa nói: Pháp môn này, vạn người tu vạn người đi, không sót một người nào! Quan trọng là bạn có quyết tâm hay không? Có như lý, như pháp, thật tu, thật làm hay không? Đây là vấn đề! Do đây có thể biết: Kinh, không thể không đọc! Kinh, không thể không giảng! Đọc được rất thuần thục, thế nhưng không hiểu, cũng không được! Phải thâm giải nghĩa thú; thâm giải nghĩa thú càng sâu, bạn tu hành càng như lý, như pháp, càng được tự tại.

Bản Ngô dịch: “Dục đắc tự nhiên vạn chủng chi vật, tức giai tại tiền, trì dụng cúng dường chư Phật” (Muốn được tự nhiên có muôn vật thì chúng đều hiện ra trước mặt để cầm đem cúng dường chư Phật).

Dục đắc” (muốn được), chữ “dục” này thật ra chỉ là một “hư từ”. Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc, cho dù là cõi “Phàm Thánh Đồng cư”, “hạ hạ phẩm vãng sinh”, họ không còn có sự tham muốn, nhờ oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì, chẳng những họ không có tham muốn mà đến tập khí cũng đều không còn. Mười phương chư Phật Như Lai có cảm, những Bồ Tát này liền có ứng; cảm ứng đạo giao! Đi đảnh lễ Phật, nhất định có cúng dường; không khởi tâm động niệm, những vật cúng dường này tự nhiên hiện tiền, như bản Tống dịch: “Ngã dĩ thần lực linh thử cúng cụ tự chí tha phương chư Phật diện tiền, nhất nhất cúng dường” (Ta (là A Di Đà Phật) dùng thần lực khiến các vật cúng này tự nhiên đến trước chư Phật ở phương khác, cúng dường mỗi đức Phật). Vì vậy, hội bản ghi là: “Tùy ý tức chí, vô bất mãn nguyện” (Nghĩ tới liền có, không gì chẳng được mãn nguyện). “Tùy ý”, chữ “ý” ở đây, theo Hòa Thượng Tịnh Không, không phải là ý thức mà là tánh đức tự nhiên hiển lộ ra ngoài.

Thập phương chư Phật ứng niệm thọ kỳ cúng dường (Mười phương chư Phật nhận lấy sự cúng dường của người ấy). Đây là nguyện thứ ba mươi tám “ứng niệm thọ cúng”. Trong phần này Hoàng Niệm lão đã nêu ra hai bản dịch của Tống và Ngụy và giải thích như sau:

Bản Tống dịch ghi nguyện này là:

Sở hữu Bồ Tát phát đại đạo tâm, dục dĩ chân châu, anh lạc, bảo cái, tràng phan, y phục, ngọa cụ, ẩm thực, thang dược, hương, hoa, kỹ nhạc, thừa sự cúng dường tha phương thế giới, vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn nhi bất năng vãng. Ngã ư nhĩ thời, linh bỉ tha phương chư Phật Thế Tôn các thư thủ tý, chí ngã sát trung, thọ thị cúng dường, linh bỉ tốc đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Tất cả Bồ Tát phát đại đạo tâm muốn dùng chân châu, anh lạc, lọng báu, tràng phan, y phục, đồ trải nằm, thức ăn, thuốc men, hương hoa, âm nhạc để thừa sự cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn trong thế giới phương khác mà chẳng qua được chỗ các ngài, thì ta ngay trong khi ấy khiến cho các đức Phật Thế Tôn đó đều duỗi cánh tay đến tận cõi ta, nhận lấy sự cúng dường ấy, khiến cho các Bồ Tát ấy mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Lời nguyện trong bản Tống dịch thật đã hiển thị sâu xa thần lực của Phật.

Bản Ngụy dịch ghi: “Nhất phát niệm khoảnh, cúng dường vô lượng vô số bất khả tư nghị chư Phật Thế Tôn , nhi bất thất định ý” (Trong khoảng khởi lên một niệm, cúng dường vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn chư Phật Thế Tôn mà chẳng mất định ý). Đây là nói về tự lực. Như vậy, nhân dân cõi Cực Lạc hoặc do Phật lực gia bị, hoặc do tự lực viên mãn đều có thể tùy tâm nghĩ tưởng cúng dường khắp các đức Phật.

Câu “Thập phương chư Phật ứng niệm thọ kỳ cúng dường” (Thập phương chư Phật, ứng niệm nhận lấy sự cúng dường của người ấy) đã hiển thị sâu xa ý nghĩa: Phật và chúng sinh bất nhị. Cảm ứng đạo giao: Ý niệm cúng Phật vừa khởi lên, chư Phật đã nhận lấy rồi. Đốn tu, đốn chứng, nhân quả đồng thời.

Sau đây là phần giải thích của Hòa Thượng Tịnh Không về hai bản Tống dịch và Ngụy dịch như sau:

Trong các dụng cụ cúng dường nêu ở phần trên, chúng ta nhất định phải hiểu được ý nghĩa biểu pháp của nó.

Vì sao dùng trân châu, anh lạc, những châu báu này để cúng dường? Chư Phật thích những thứ này chăng?

– Không phải!

– Bản thân Bồ Tát thích chăng?

– Cũng không phải!

– Châu báu tượng trưng điều gì?

– Tượng trưng cho Pháp là “Bảo”, là cung kính “Pháp Bảo”. Pháp là do Phật nói. “Phật” cũng là “Bảo”, “Phật Bảo”. Tất cả tăng chúng chân thật như pháp tu hành là “Tăng Bảo”; gọi chung là Tam Bảo. Đây là dùng tâm chân thành của mình để cúng dường; sự biểu trưng bên ngoài không quan trọng. Đức Phật tiếp nhận ta cúng dường là tiếp nhận tâm chân thành của ta, không phải xem vật cúng dường.

Bảo cái: “Cái” hình tròn giống như chiếc dù, không những có thể che nắng còn có thể che bụi. Nói như hiện nay, thì đây là “môi trường phòng bị ô nhiễm”, lấy ý nghĩa này. Ta đứng dưới “Bảo cái” phòng bị ô nhiễm bên ngoài, cũng chính là phòng bị ô nhiễm của “Ngũ dục lục trần”.

Tràng phan: Giống như lá cờ hiệu. “Tràng” có hình tròn, hơi giống ống gió của sân bay. “Phan” và “Tràng” đều treo trên cáng cờ dùng để báo tin. Nếu “Phan” được treo lên cáng cờ, có nghĩa là hôm nay đạo tràng có Pháp hội, có giảng kinh, ai thích nghe kinh thì đến. Phật pháp là sư đạo; sư đạo chỉ quan tâm đến người học, không quan tâm trước đây họ đã học gì.

Hiện nay, thầy giáo đều chiêu sinh; tự xưng mình là thầy, có thể dạy mọi người. Phật không có thái độ này! Nếu bạn tìm đến thỉnh giáo, Phật sẽ tận tâm tận lực mà giải đáp cho bạn. Thánh Hiền, Phật, Bồ Tát đều rất khiêm tốn! Nếu ở đây hôm nay có pháp hội, giảng kinh, thuyết pháp, họ bèn treo “tràng” lên ngầm thông báo cho mọi người biết; nếu ai thích nghe thì đến. Cho nên, dùng “tràng phan” là phương cách để thông tin.

Ẩm thực, thuốc thang là tượng trưng cho “Pháp vị”. Đạo tràng giảng kinh gọi là “Pháp yến” (giống như yến tiệc), nếm đủ “ẩm thực, thuốc thang” là nếm đủ “Pháp vị”.

Hương: Tượng trưng cho “Giới-Định chân hương”.

Hoa: Tượng trưng “thiện nhân thiện quả”. Hoa là thực vật: khai hoa trước, kết trái sau. Hoa nở đẹp, nhất định kết trái tốt. Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng ta là “Hoa”; chúng ta tinh tấn tu hành tương lai nhất định có quả.

Kỹ nhạc: Là ca hát biểu diễn trên vũ đài, dùng nó để cúng dường, tượng trưng “chư Phật du hí thần thông”.

Những vật dụng cúng dường trên đây đều hàm ý nghĩa biểu pháp. Tất cả đều là giáo dục, nhưng không cần nói lên một lời nào. Nếu hiểu được ý nghĩa trong đây, khi nhìn thấy đều được lợi ích, có người còn khai ngộ. “Thừa sự cúng dường tha phương thế giới, vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn nhi bất năng vãng” (Thừa sự cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn trong thế giới phương khác mà chẳng qua được chỗ các Ngài): Đây là chỉ cho chư vị Bồ Tát ở cõi Phương Tiện và cõi Đồng cư, họ muốn cúng dường tất cả chư Phật Thế Tôn ở thế giới phương khác mà chẳng đến được.

Ngã ư nhĩ thời”: Ta ngay khi ấy (“ta” là Phật A Di Đà tự xưng), khiến chư Phật của thế giới tha phương (chữ “khiến” ở đây không phải là ra mệnh lệnh mà hoàn toàn cung kính khởi thỉnh tất cả chư Phật Như Lai ở tha phương), mỗi vị đều đưa tay vào trong cõi nước nhận sự cúng dường. Thật tuyệt diệu vô cùng!