NHÁT KIẾM SAU CÙNG
 (Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
 Hạnh Đoan 

NGƯA MẸ DẠY CON

Ngày xưa, có một quốc gia tên Đại Nguyệt, nước này có phong tục nấu bơ với bột kiều mạch để nuôi heo. Cháo bơ kiều mạch rất thơm, hương bay xa hơn mấy dặm.

Ngày nọ một con ngựa chiến nhỏ đang trên đường tập luyện, chạy ngang qua trại heo. Từ tít đằng xa nó đã nghe mùi thức ăn thơm nức mũi. Khi tới gần nó ngạc nhiên hí vang vì thấy một bầy heo béo mập đang thi nhau táp cháo bơ kiều mạch.


Heo đang táp cháo bơ kiều mạch.

Ngựa nhỏ về đến nhà, mách mẹ:

– Mẹ ơi, hôm nay con đi ngang qua chuồng heo, thấy nhiều con heo mập ú chẳng làm lụng gì mà được ăn thiệt ngon!

Ngựa mẹ không trả lời, vục đầu vào máng nhai đám cỏ khô.

Ngựa con thấy mẹ chẳng quan tâm đến lời mình, tức giận ngó trừng trừng vào đám cỏ khô, nó thở một cái khì như muốn trút hết bất bình, rồi buồn bã nói:

– Mẹ! Hãy nghĩ mà xem, chúng ta hằng ngày bán mạng vì tổ quốc; phải nếm cảnh vào sinh ra tử, chịu lao khổ vạn phần; nhưng chủ chỉ cho ta toàn cỏ khô với nước nhạt, thiệt bất công quá!

Ngựa mẹ bảo:

– Con đừng than van nữa, có cỏ thì ăn! Có nước sẵn thì uống, chớ nên phân biệt thức ăn ngon với xoàng, so đo nước nhạt, sữa béo… Con phải biết trân trọng những thứ mình đang có, đừng tơ tưởng tới cảnh ăn uống phú quí của loài heo làm gì, như vậy mới là biết sống.


Phải biết trân trọng những thứ mình đang có, đừng tơ tưởng tới cảnh ăn uổng phú quí của loài heo làm gì…

Ngựa nhỏ không rên rỉ nữa, nhưng lòng rất buồn.

Thấm thoắt đã đến cuối năm. Ngựa nhỏ có dịp đi ngang qua trại heo, nó không còn nghe hương thơm thức ăn phả ra, mà chỉ có tiếng heo rống to. Nó đến gần, tò mò nhìn vào chuồng và thấy đám heo béo thảy đều bị trói gô lại, đang nằm khóc thảm thiết.

Chiến mã hỏi heo:

– Cách đây không lâu, tôi thấy các anh được cưng nuôi với thức ăn thiệt ngon, sao hôm nay bị trói và nằm khóc như vậy?

Bầy heo nói:

– Tết sắp đến rồi, người ta sẽ làm thịt chúng tôi đem ra chợ bán.

Chiến mã ngạc nhiên:

– Nếu quả thật họ định sẽ có ngày giết các anh, sao lại tử tế với các anh như vậy?

– Vì họ cho rằng các thức thượng hạng ấy sẽ vỗ béo chúng tôi, làm chúng tôi mau lớn, cung cấp thịt tươi ngon…

– Ôi! Té ra là vậy!…

Chiến mã về nhà, kể hết chuyện cho mẹ nghe, thắc mắc:

– Heo được cho ăn nhiều đồ ngon để sau sẽ làm thịt… điều này thì con hiểu. Nhưng mẹ con chúng ta thảy đều phải ra trận cực chí chết mà đâu có được ăn ngon?

Ngựa mẹ bảo:

– Này con, số phận chúng ta là chiến mã, tất nhiên phải thường lâm trận, bôn ba khắp nơi; có lúc phải ăn cỏ trong hoang mạc, uống nước hòa lẫn xác chết… ròng rã thời gian dài. Nếu như ngày thường ta không tập quen với cảnh sống đạm bạc thì lúc chạm trán với việc hành quân khổ cực, ta sẽ chán nản khó kham. Thảm hơn nữa là chưa kịp tác chiến thì ta đã phát bịnh và lăn ra chết…do quen hưởng thụ nên dễ thành yếu đuối khiếp nhược, con hiểu không?

Chiến mã nghe mẹ giải thích, tỉnh ra. Từ đấy nó thấy cỏ khô và nước nhạt trở nên dễ nuốt, ngay cả khi chủ nhân thưởng cho lúa mạch thơm ngon, nó cũng chẳng dám ăn nhiều.

BÌNH:

Thường trong chiến trận, phần thắng luôn về tay những người quen chịu cực, kham khổ giỏi. Còn con nhà giàu, hưởng dụng vật chất đầy đủ, nếu phải trải qua cảnh băng đèo lội suối; ngủ giữa rừng, nếm cảnh màn trời chiếu đất, xung quanh muỗi kêu vang như sáo thổi… thì đúng là chưa lâm trận lòng đã lụn bại trước cảnh sống bất như ý rồi.

Trong sử Trung Hoa viết về Hoàng đế Ung Chính, kể rằng ông tuy ngự trên ngôi cao lẫy lừng, song nổi tiếng là người có cuộc sống cực kỳ đơn giản. Trong khi bữa ăn của các quan Đại thần thịnh soạn với 72 món, các Phi tử 24 món, thì những bữa cơm của ông chỉ thuần là rau xanh với đậu hũ.

Đêm ông ngủ rất ít – chỉ vài tiếng – nằm chưa ấm chỗ đã dậy lo quốc sự.

Có người nói do hồi nhỏ ông chuyên học phật, qui y Tam bảo, từng thọ trai giới… nên đã lậm môi trường này và quen sống đơn giản rồi. Sự thực thì bản thân ông luôn cho rằng sống như thế mới là gần gũi dân tâm, ông thường lý luận: “Có được giang sơn rồi mà cứ mê đắm hưởng thụ, sống đời xa hoa thì sẽ khiến đất nước lâm vào khốn khổ, dân chúng lầm than. Đã làm vua thì phải biết thương dân yêu dân…” và ông luôn trung thành với lý tưởng của mình.

Triều Thanh được ông gầy dựng từ nền tảng này nên tồn tại đến ba trăm năm. Có thể nói ông là người có quyền lực tuyệt đối song ý thức tỉnh giác rất cao. Rõ ràng là những ai giỏi chịu đựng gian khổ, có tấm lòng biết cảm thông quan tâm đến người khác, luôn dễ thành đạt và tạo nên cơ nghiệp vững vàng.