Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VI. ĐỨC TUÂN PHỔ HIỀN ĐỆ NHỊ
(TT)

Chư Phật sát trung, giai năng thị hiện(Trong các cõi Phật, đều có thể thị hiện). Câu này trích từ bản Đường dịch. Từ câu này trở đi là nói về “Trí đức” của Văn Thù, cũng biểu thị phẩm đức “Phổ môn thị hiện” của các Đại Sĩ, chẳng riêng trong cõi nước này thị hiện tám tướng mà cả trong mười phương thế giới cũng thị hiện tám tướng. Do đây có thể biết, những Pháp Thân Bồ Tát này, không gian sinh hoạt của họ quá rộng lớn. “Chư Phật sát” là nói tận hư không khắp pháp giới, bao gồm quá khứ, hiện tại và vị lai. Chúng ta thường nói là mười phương ba đời, vô lượng vô biên cõi nước chư Phật, họ đều có thể thị hiện trong đó.

– Cách thị hiện như thế nào?

– Giống như Bồ Tát Quán Thế Âm trong phẩm “phổ môn” đáng dùng thân gì để độ thoát, các ngài liền hiện ra thân đó; chúng sinh có cảm, Phật Bồ Tát liền có ứng. Chỗ này cũng giống như trên Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tùy chúng sinh tâm” mà Bồ Tát “ứng sở tri lượng”, nêu rõ “tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”. Cho nên, chúng ta tưởng Phật, Phật liền xuất hiện. Trong mười Pháp giới, chúng ta biết Phật là đấng tối cao, thù thắng nhất, viên mãn nhất, vậy sao không ngày ngày tưởng Phật?!

Bên dưới lầu bốn, chúng ta mở rộng làm Niệm Phật Đường, tôi liền nghĩ đến tượng Phật trong Niệm Phật Đường, nhất định phải cúng ngay giữa của Niệm Phật Đường. Bởi khi niệm Phật, nhất định phải lấy nhiễu Phật làm chủ đạo. Chúng ta học được từ Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử ra ngoài tham học, vị Thiện tri thức thứ nhất là Đức Vân tỳ kheo. Đức Vân tỳ kheo tu Pháp môn Niệm Phật, ông chọn lấy một phương thức niệm Phật là “Ban Chu Tam-muội” cũng gọi là Bát chu tam-muội.

“Bát Chu” nghĩa là Phật đứng, vì nếu thực hành Pháp môn tam-muội này thì chư Phật hiện ra ở phía trước mặt. Lấy việc thực hành chín mươi ngày làm một kỳ. Trong chín mươi ngày, nhiễu Phật liên tục, không được nằm, miệng thường niệm danh hiệu A Di Đà Phật, cũng không ngừng nghỉ. Vì niệm A Di Đà Phật tức là niệm công đức Phật mười phương, lấy A Di Đà làm chủ Pháp môn. Trong từng bước, từng âm thanh, từng ý nghĩ chỉ tập trung chuyên nhất vào câu A Di Đà Phật.

Hiện tại, chúng sinh thời mạt pháp nghiệp chướng sâu nặng, thể lực không đủ, không làm được. Cho nên, nếu nhiễu Phật mệt rồi có thể ngồi xuống uống nước, nghỉ ngơi chốc lát. Nếu nghiêm trọng hơn, bất đắc dĩ có thể nằm trên giường nghỉ một lát, khỏe rồi phải lập tức trở lại Niệm Phật Đường nhiễu Phật tiếp.

Tôi vừa nói như vậy, cư sĩ Lý lập tức liền đi làm. Tốc độ làm của ông khiến tôi kinh ngạc. Chỉ sau ba ngày, ông cho biết đã đặt tượng Phật bằng gỗ tràm ở Trung Quốc rồi. Hơn nữa, ông còn nhờ họ khắc thành bốn tôn tượng A Di Đà Phật, đứng bốn mặt trên một tòa sen; khi nhiễu Phật, mặt nào cũng đều thấy được quang nhan của A Di Đà Phật, vậy thì quá tốt! Việc này tôi cũng không hề nghĩ đến. Tương lai, ngay giữa là tượng Phật, bốn phía đều có thể lạy Phật.

Lạy Phật, chỉ tịnh, nghỉ ngơi là điều thân, nhiễu Phật là quan trọng nhất. Nhiễu Phật nhất định phải mở miệng niệm Phật, phải niệm ra tiếng. Khi lạy Phật có thể quán tưởng, niệm thầm, không cần niệm ra tiếng. Bởi niệm ra tiếng khi lạy Phật có thể tổn thân thể. Khi chỉ tịnh, nếu không thể niệm Phật, có thể lắng nghe tiếng niệm Phật, trong tâm không có vọng tưởng như vậy mới đúng pháp.

Tương lai, chân thật vào quỹ đạo, Niệm Phật Đường sẽ phân làm ba khu: Vòng tròn gần tượng Phật là khu vực lạy Phật, vòng ngoài là khu nhiễu Phật, hai bên là khu vực chỉ tịnh. Đối diện với tượng Phật, hai bên đều treo hình Phật. Bốn phía đều có thể lạy Phật; lạy nhanh hay chậm là tùy thích của bạn, chỉ cần câu Phật hiệu được tròn đầy, như vậy thì tốt. Ở đây niệm Phật không một chút áp lực, nhiễu loạn nào, khiến bạn có thể rất thoải mái, ưa thích và sinh tâm hoan hỉ.

Tôi tin tưởng, chỉ trong vòng ba tháng niệm Phật ở đây, có thể bạn sẽ không cần ngủ nghỉ, đây là thật không phải giả! Nhiều nhất trong một ngày bạn chỉ ngủ hai hoặc ba tiếng đồng hồ là đủ. Tinh thần sung mãn, thể lực bạn tràn đầy, bạn được oai thần Tam Bảo gia trì, có thể vượt qua trạo cử, hôn trầm (ngủ nghỉ là hôn trầm), hai loại tâm bệnh tập khí này đều có thể ngay trong Niệm Phật Đường đem nó tẩy được sạch trơn, hồi phục tâm thanh tịnh, hồi phục thân kim cang bất hoại của bạn, quá nhiều lợi ích, thật không thể nói hết!

Chư Phật sát trung, giai năng thị hiện” (Trong các cõi Phật đều có thể thị hiện): Đây là ý nghĩa của tiêu đề lớn “chư Phật sát trung”, là nói tận hư không khắp pháp giới, mười phương ba đời, vô lượng vô biên cõi nước, cũng là không gian sinh hoạt của chúng ta. Đó là sự thật! Không gian sinh hoạt của chúng ta rất lớn, không phải chỉ duy nhất trên địa cầu này. Sự việc này chỉ có người giác ngộ mới hiểu, mới có thể được thọ dụng. Người chưa giác ngộ thì rất phiền phức!

– Phiền phức ở đâu?

– Ở chỗ họ chấp trước kiên cố!

Trên kinh Phật nêu ra một công án, cũng là sự thật. Năm xưa, Thế Tôn từng ở thành Xá Vệ, vườn Cấp Cô Độc một thời gian khá dài, đã có không ít kinh điển Đại thừa quan trọng đều giảng tại đây. Có lần, vườn Cấp Cô Độc phải tu sửa. Khi tu sửa, Phật và các đệ tử xem thấy trong vườn có một ổ kiến; vừa xem qua thì Phật mỉm cười. Các đệ tử thấy lạ không hiểu nguyên nhân vì sao Phật lại cười. Thế Tôn liền giải thích: “Đàn kiến này đã trải qua bảy đời chư Phật xuất thế, nhưng chúng vẫn không rời được thân kiến!”. Thử nghĩ: Muốn tu hành thành Phật, phải trải qua ít nhất là ba A-tăng-kỳ kiếp. Bảy vị Phật phải trải qua ba lần bảy là hai mươi mốt A-tăng-kỳ kiếp chúng vẫn làm thân kiến. Thật quá khủng khiếp! Không phải kiến có tuổi thọ dài như vậy mà sau khi chết, chúng đầu thai vẫn làm thân kiến, vẫn ở trong ổ đó!

– Vì sao có tình trạng này?

– Trên kinh Đại Thừa thường nói: Ngu si thật đáng sợ! Người ngu si chấp trước kiên cố! Đàn kiến này cũng vậy, chấp trước cái thân kiến đó là ta, chấp cái tổ kiến là không gian đời sống của nó chỉ lớn như vậy. Cho nên, sau khi chết vẫn đầu thai làm kiến, không biết được không gian sống của nó là vô hạn!

Hiện tại, người thế gian tương đối thông minh, biết lợi dụng khoa học kỹ thuật cao tạo thành phi hành, mở rộng không gian đời sống của con người đến các tinh cầu khác, đây là mộng tưởng của nhân loại; mộng tưởng này sớm muộn gì cũng sẽ thực hiện.

Nhiều năm đến nay, chúng ta xem thấy những thông tin trên báo chí, nghe nói có người ngoài hành tinh đã nhiều lần đến địa cầu này của chúng ta. Sự việc này chúng ta chưa thấy, nhưng với hiện tượng đĩa bay, đích thật là tôi đã thấy. Tôi thấy đĩa bay trên không trung, nhưng chưa thấy đĩa bay đáp xuống. Cũng có rất nhiều người thấy được như tôi. Qua ngày hôm sau, xem thấy trên báo chí có đăng tin tức này, mới biết người trông thấy cũng rất nhiều.

– Sự việc này có phải người ngoài hành tinh đến địa cầu chúng ta để dò xét hay không?

– Cũng không thể biết được! Tuy nhiên, họ có năng lực đến. Công cụ phi hành của họ tốt hơn rất nhiều so với chúng Đó là thật! Đĩa bay này có thể dừng trụ bất động khoảng năm phút, sau đó chuyển động với tốc độ rất nhanh, chỉ trong vài giây thì biến mất. Tốc độ này quá cao! Tuyệt đối không phải trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại của chúng ta có thể đạt được.

Thế nhưng, khoa học cũng không ngừng tiến bộ, hy vọng tương lai họ sẽ có được cái năng lực này, lợi dụng công cụ kỹ thuật cao có thể qua lại với các tinh cầu khác, đó là phương pháp mở rộng không gian đời sống tương đối vụng về của chúng ta. Trong đêm tối, khi trời quang mây tạnh, chúng ta dùng mắt thịt quan sát các vì sao trên trời, đại khái có thể thấy được hơn sáu ngàn tinh cầu. Nếu dùng kính viễn vọng cao tần, những tinh cầu này nhiều vô số không cách chi tính đếm được! Hơn nữa, có rất nhiều tinh cầu ở cự ly tương đối xa; khoa học gia phải dùng năm ánh sáng để tính, chính là dùng tốc độ của ánh sáng trong một năm.

Chúng ta biết được tốc độ nhanh của ánh sáng trong một giây vượt gần ba mươi vạn cây số; tốc độ nhanh như vậy của ánh sáng đi trong một năm, cự ly này gọi là một đơn vị. Khoa học gia nói với chúng ta: Cự ly hành tinh gần chúng ta nhất, nếu dùng tốc độ ánh sáng, đại khái phải mất bốn năm rưỡi mới có thể đến được! Công cụ phi hành của chúng ta, tốc độ nhất định không thể sánh được với tốc độ của ánh sáng.

Lữ hành qua các tinh cầu rất gian nan, thật không phải dễ dàng! Cho dù ngoài “Thái không”, người ngoài hành tinh đến thế gian này, công cụ giao thông của họ, không luận phát triễn đến trình độ nào, chúng ta vẫn khẳng định được họ thuộc cõi người, không phải cõi trời, họ vẫn nằm trong phạm vi sáu cõi. Có thể thấy được: Địa cầu có người, các tinh cầu khác cũng có người. Chỉ có cõi người mới còn sử dụng phương tiện giao thông; cõi trời họ không cần dùng đến. Người cõi trời có năng lực, có “ngũ thông”, trong đó “thần túc thông” khiến họ lướt qua trong không gian, đến tất cả mọi nơi trong nháy mắt, không cần sử dụng đến bất cứ công cụ nào.

Suy đi nghĩ lại chúng ta quyết phải phục hồi lại sáu bản năng vốn có (lục thông) của chính mình, đó mới là cao minh! Nếu hồi phục được sáu năng lực này, du lịch trong “Thái không” sẽ rất thuận tiện, chỉ cần trong một Sát-na, khảy móng tay liền có thể đến bất cứ nơi nào.

Ngày nay, tinh cầu chúng ta xem thấy được vẫn là dừng lại ở không gian ba độ! Ngoài ra, không gian bốn độ, không gian năm độ, không gian sáu độ v.v… thậm chí đến không gian vô hạn độ, khoa học chúng ta vẫn chưa thể đạt đến! Đây chính là nói giới   hạn của không gian họ chưa thể đột phá. Nếu đột phá được giới hạn của “Thời không”, tùy theo mức độ, họ có thể thấy được các cõi trời như: trời Dục giới, trời Sắc giới, trời Vô Sắc giới; cũng có thể siêu việt sáu cõi, siêu việt đại thiên thế giới thấy được các cõi nước chư Phật. Cho nên, không gian tương đối phức tạp, không phải đơn thuần, chân thật là vô biên tế, vô hạn đến mức chúng ta không thể nào tưởng tượng được như trong kinh Phật nói. Bất khả tư nghị!

Năng lực của Bồ Tát đề cập ở đây là chỉ cho Bồ Tát của thế giới Cực Lạc, chúng ta cũng có phần, chỉ cần chúng ta được vãng sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, không luận phẩm vị cao hay thấp đều có năng lực này.

Chư Phật sát trung giai năng thị hiện” (Trong các cõi Phật, đều có thể thị hiện): Đọc đến câu kinh văn này, chúng ta liền có thể thể hội được: Thế giới Tây Phương Cực Lạc không đi không được! Nhất định phải đi! Không đi chẳng phải là đại ngốc hay sao?!

– “Giai năng thị hiện” là thị hiện cái gì?

– Tuyệt đối không thể nói, muốn thị hiện thân gì liền thị hiện ra thân tướng đó. Không phải vậy! Nếu có “muốn” xen vào thì không thể thị hiện! Vô số thị hiện không phải do họ muốn mà do cảm ứng tương thông với mười phương thế giới tất cả chúng sinh mà thị hiện. Chúng sinh có “cảm”, họ liền có “ứng”; không chỉ cảm ứng tương thông với chúng sinh mà cùng với Chư Phật, Bồ Tát cũng cảm ứng tương thông. Phật cũng có “cảm”.

– “Cảm” của Phật là gì?

– Duyên Phật dạy bảo chúng ta đã chín muồi, đó là “cảm” của Phật. Chúng ta liền đến nơi Phật để bái Phật, thỉnh Phật, để cầu giáo, đó cũng là “ứng”. Không chỉ đối với cùng một giai tầng, mà đối với giai tầng thấp hơn hoặc cao nhất như tầng Phật, cũng lại như vậy. Như phẩm “Phổ môn”, Bồ Tát Quán Thế Âm nói: “Đáng dùng thân gì để độ, liền hiện ra thân ấy để độ”. Sự thị hiện này không chỉ thị hiện chúng sinh hữu tình mà cả chúng sinh vô tình như núi sông, đất đai, cây cối, hoa cỏ v.v… tất cả các thứ đều có thể thị hiện. Cho nên, câu “Chư Phật sát trung, giai năng thị hiện”, cảnh giới này vô cùng sâu rộng. Đây là nói: Sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta đều có được năng lực này.

Thí như huyễn sư, hiện chúng dị tướng(Ví như huyễn sư giỏi, hiện các tướng lạ): “Huyễn sư” là thầy ma thuật, còn gọi là nhà ảo thuật. Đây là thí dụ, trong Trí Dộ Luận nói:“Phương Tây có nhà huyễn thuật có thể hóa hiện hết thảy cung điện, thành quách, nhà viện, thắt khăn thành thỏ, biến đai thành rắn… các thứ biến hiện”. Vì vậy, kinh này mượn tài huyễn hóa của nhà ảo thuật để ví cho “Đại Sĩ phổ môn” thị hiện.

Cũng có thể nói hiện tại, hoàn cảnh sinh hoạt khác nhau, thân phận chúng ta cũng tùy duyên mà biến hóa, đây cũng là “hiện chúng dị tướng”. Ví như trong gia đình: Đối với cha mẹ, bạn hiện thân là con cái. Đối với con cái, bạn hiện thân là cha mẹ. Đối với em trai, bạn hiện thân là anh trai v.v… Trong gia đình này của bạn, thân phận bạn mỗi giờ mỗi phút đều không như nhau. Bước vào xã hội, bạn là chủ một công ty, bạn hiện thân là giám đốc; nếu là nhân viên của một hãng xưởng, bạn hiện thân là nhân công. Do đây có thể biết, thân phận chúng ta đối với người, với việc, với mọi sự vật khác nhau là mỗi lúc chúng ta đang khởi biến hóa! Sự việc này nói lên một chân tướng sự thật: “Tướng không có định tướng”, tùy duyên mà thay đổi. Cho nên, “nhập cảnh tùy tục, thung dung tự tại”, đây là trí tuệ, là người sáng suốt.

Ư bỉ tướng trung, thật vô khả đắc(Trong các tướng ấy thật không gì có thể được). Câu này trích từ bản Đường dịch.  Theo sách chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: Biết các tướng là huyễn hóa, hư vọng nên với “huyễn” chẳng mê. Như trong Kinh Bảo Tích, Học Huyễn Thái Tử nói kệ khen ngợi Phật rằng: “Như huyễn sư huyễn hóa, ư huyễn bất mê, dĩ tri huyễn hư cố, Phật quán thế diệc nhiên” (Như huyễn sư huyễn hóa, tự chẳng mê nơi huyễn, vì biết huyễn hư vọng, Phật xem đời cũng thế).

Đây cũng chính là như Kinh Viên Giác dạy: “Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác” (Biết huyễn liền lìa, lìa huyễn chính là giác). Vì vậy đối với huyễn tướng chẳng chấp, chẳng đắc. Kinh văn nhiều lần khen ngợi tỉ mỉ “Thật Đức” và “Quyền Đức” của Đại sĩ. “Giai năng thị hiện” (đều có thể thị hiện) là Quyền Đức, “Thật bất khả đắc” (Thật chẳng thể được) là Thật Đức. Các Đại sĩ trong hội đều trọn vẹn hai Đức: Quyền, Thật này nên nói rằng “Thử chư Bồ Tát diệc phục như thị” (các Bồ Tát ấy cũng lại giống như thế).

Ư bỉ tướng trung, thật vô khả đắc”: Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Cái lý này rất sâu, rất rộng! Chúng ta phải biết: Tướng là hư vọng, tướng là pháp duyên sinh. Trên kinh Đại Thừa, Phật nói: “Tùy chúng sinh mà hiện tướng”, hiện tướng này là huyễn tướng, nhất định không có tự tánh, nên gọi là “duyên khởi tánh không”, không có thật thể.

Kinh Bát Nhã nói: “Vô sở hữu, bất khả đắc”; chỗ này nói “thật vô khả đắc”. Thật tế mà nói: “Vô khả đắc” đó là thật.

– Vì sao tướng là hư vọng, tánh là không tịch?

– Bởi trong cái sự thật này không có năng, sở. Nếu có năng, sở thì tướng này không còn là hư vọng mà là cảnh giới thật có. Tuy nói có năng hiện, sở hiện; tâm năng hiện, tướng sở hiện, nhưng đến sau cùng năng, sở là một không phải hai. Năng hiện tức là sở hiện; sở hiện tức là năng hiện. Việc này thật không dễ hiểu! Cho nên, trên kinh Phật thường nói: “Toàn vọng tức chân, toàn chân tức vọng”.

– Vọng là cái gì?

– Vọng là tướng. Toàn thể “vọng tướng” chính là “chân tánh”; toàn thể “chân tánh” chính là “vọng tướng”. Phật nói hai câu này, tuy xác định rất rõ ràng, tường tận. Thế nhưng, người sơ học chúng ta nghe qua vẫn cứ là mù mịt, chưa được rõ ràng. Cho nên, Phật thường đem giấc mộng lấy làm tỉ dụ. Chỗ này dùng huyễn sư để thí dụ. Tuy nhiên, dùng cảnh mộng để thí dụ có phần rõ ràng và dễ hiểu hơn. Khi nằm mộng, trong mộng có cảnh giới. Lúc này, nếu tôi hỏi bạn:

– Tâm bạn đang ở đâu? Tâm bạn giống cái gì?

– Toàn cảnh mộng chính là hiện tướng của tâm bạn biến hiện ra. Tâm không có tướng, nhưng có thể hiện tướng. “Năng biến” là tâm; “Sở biến” là vọng tướng. “Toàn chân tức vọng, toàn vọng tức chân”, toàn thể cảnh mộng chính là tâm của bạn. Từ trong mộng tỉnh dậy mới thấy lời Phật dạy thật vô cùng chính xác và có đạo lý. Thử hỏi có mấy ai thể hội được ý này? Quay nhìn lại nhân sinh hiện thực của chúng ta cùng cảnh mộng thật không hề sai khác.

Kinh Kim Cang Bát Nhã nói: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh v.v…”

– Vì sao phàm phu chúng ta lại đem cảnh mộng xem thành như thật?

– Phật nói với chúng ta: Vì tất cả chúng sinh do “biến kế chấp” mà tạo nên cái tướng phần này (tức là cảnh mộng).

Pháp hữu vi chân thật là mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ, như điện, một chút cũng không sai. Bạn đem nó xem là chân thật, từ đó khởi lên vô số cảm thọ, đều thuộc về “biến kế sở chấp”, tâm bệnh xảy ra từ chỗ này, đó là mê! Người giác ngộ, “biến kế sở chấp” không có. Xả bỏ “biến kế sở chấp” liền thấy được “Viên thành thật”,  thấy được chân tướng của mười pháp giới y chánh trang nghiêm. “Chân tướng” chính là “viên thành thật”.

Nói cách khác, rời “vọng” liền thấy được “chân”. Nếu còn “chấp vọng”, cái chân thật dù hiện ngay trước mắt, bạn cũng không thấy được! Phật, Bồ Tát có dạy, bạn cũng không tin! Cho nên, không luận là cảnh giới phàm phu hay cảnh giới của chư Phật Như Lai thị hiện, đều “bất khả đắc”, đều “vô sở hữu”, nên nói “ư bỉ tướng trung, thật vô khả đắc” là sự thật, ngàn vạn lần chính xác! Ngay trong những hư huyễn, giả tướng này, bạn chỉ có thể thọ dụng nhưng không thể nào nắm bắt được!.

Tóm lại, bạn “năng đắc” mà “bất khả đắc”. Cảnh giới bên ngoài là “sở đắc”, là nhân duyên sinh pháp, duyên khởi tánh không, đương nhiên cũng là “bất khả đắc”. Cho nên, “năng đắc”, “sở đắc” đều “bất khả đắc”. Nếu chân thật có thể hiểu được chân tướng này, tâm bạn liền định, vọng niệm sẽ không còn. Nếu vẫn còn vọng tưởng, vọng niệm thì bạn không hề biết gì đối với chân tướng sự thật! Tuy ngày ngày vẫn đọc kinh, nghe giảng, sự thật bạn không hề nghe hiểu, không hề tường tận. Trong cảnh giới, bạn vẫn còn có được, mất, có thị phi, có nhân ngã, vậy thì có đọc nhiều, nghiên cứu sâu, nói được hay, bạn vẫn còn ở ngoài cửa, chưa đạt được “chánh thọ” (thọ dụng chân thật), chưa thâm nhập được cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát.

Thử chư Bồ Tát, diệc phục như thị(Các vị Bồ Tát này cũng lại như thế): “Thử chư Bồ Tát” là những Bồ Tát đến dự hội, gồm hơn hai vạn người. Trong đó, chúng tỳ kheo xuất gia là một vạn hai ngàn người; chúng tỳ kheo ni là năm trăm người; chúng cư sĩ tại gia có bảy ngàn người, nữ chúng tại gia có năm trăm người. Đó là chúng ta có thể nhìn thấy được. Ngoài ra, những chúng vô hình, mắt thịt không nhìn thấy được thì nhiều vô kể. “Thử chư Bồ Tát”, cũng bao gồm cả chúng đồng tu xuất gia (chỗ này nói Tỳ kheo, Tỳ   kheo ni) lẫn tại gia (chỗ này gọi là “Thanh tín sĩ”). Do đây có thể biết, quan hệ của Kinh Vô Lượng Thọ rất mật thiết đối với chúng ta. Chúng ta ngay trong đời này gặp được Pháp môn Tịnh Độ, thật vô cùng hoan hỉ.

“Thông chư pháp tánh, đạt chúng sinh tướng”:

Cụ Hoàng Niệm Tổ nêu ra sách Duy Thức Thuật Ký giảng: “Tánh là thể. Thể của hết thảy pháp gọi là pháp tánh”. Vì vậy, “pháp tánh” là thể của vạn pháp, dù trong pháp nhiễm hay tịnh; dù nơi hữu tình hay nơi vô tình, tánh của nó chẳng hề biến đổi nên gọi là “Pháp tánh”. “Pháp tánh” cũng gọi là Chân Như, Thật tướng, Pháp giới, Niết Bàn, Thật Tế v.v…

Hoa Nghiêm Tông cho rằng Chân Như có hai nghĩa là bất biến và tùy duyên. Về mặt tùy duyên, do tạo ra hết thảy các pháp nên gọi Chân Như là Pháp tánh. Lại do bất biến nên tuy tùy duyên tạo ra nhiễm hay tịnh, hữu tình hay vô tình vạn pháp mà Chân Như chẳng đổi, chẳng biến. Ví dụ: Nước biến thành sóng mà chẳng biến mất tánh nước.

Sách Hội sớ lại viết: “Bồ Tát có hai thứ trí làm căn bản cho hết thảy hạnh tu. Những gì là hai?

– Một là Như Lý Trí chiếu soi bản tánh các pháp chẳng một, chẳng khác, chẳng sinh, chẳng diệt, thì gọi là thông các Pháp tánh.

– Hai là Như Lượng Trí chiếu soi tướng khác biệt của chúng sinh, mê, ngộ, phàm, thánh đều khác. Đây gọi là đạt chúng sinh tướng”.

Như vậy, “thông chư Pháp tánh” là Căn Bản Trí, “đạt chúng sinh tướng” là Sai Biệt Trí.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Thông” là thông đạt, hoàn toàn không có chướng ngại, hợp với chữ “đạt” phía sau chính là thông suốt triệt để, thông đạt tánh, tướng của tất cả chúng sinh. Cho nên đức Phật giáo hóa chúng sinh, những gì ngài giảng đều “khế cơ”, “khế lý”, đều có thể khiến mọi người có được lợi ích chân thật.

Thông chư Pháp tánh” là “Khế lý”, tuyệt đối không thể nói sai, đây cũng chính là “minh tâm kiến tánh”, chỗ nói trong Thiền tông. “Đạt chúng sinh tướng” là “khế cơ”, đối với căn tánh của chúng sinh đều thấu triệt tường tận nhân quả, lý sự. Phía trước “thông chư Pháp tánh” là “Bát Nhã vô tri”; câu sau “Đạt chúng sinh tướng” là “vô sở bất tri”, đó là thành tựu trí tuệ viên mãn. Thực tế mà nói, trí tuệ viên mãn là tự tánh vốn tự đầy đủ, siêu việt tất cả chướng ngại, không phải rời khỏi tự tánh mà riêng được thành tựu trí tuệ viên mãn, vậy là sai lầm!

Trong Trí Độ Luận đề cập đến ba loại trí: Nhất Thiết Trí, Đạo Chủng Trí, Nhất Thiết Chủng Trí.

– “Nhất Thiết Trí” chính là “thông chư pháp tánh”, là “căn bản trí”, là Trí của hàng Thanh Văn, Duyên Giác, biết được tổng tướng của mọi pháp; tổng tướng đó tức là “không tướng”, biết được tất cả pháp “vô sở hữu, bất khả đắc”.

– “Đạo Chủng Trí”: “Chủng” là trùng trùng, là rất nhiều; “đạo” là đạo lý. “Đạo chủng trí” là trí của Bồ Tát, biết tất cả mọi loại đạo pháp khác nhau. “Đạo Chủng Trí” chính là “Đạt chúng sinh tướng”, cái “chủng” này bao gồm “Pháp giới nhất chân”, cũng bao gồm tận hư không khắp pháp giới cõi nước chư Phật y chánh trang nghiêm.

– “Nhất Thiết Chủng Trí” là Phật Trí viên minh sáng suốt, thông đạt tổng tướng, biệt tướng và hết thảy mọi loại pháp hóa đạo, đoạn trừ nghi hoặc. “Nhất Thiết Chủng Trí” chính là “Nhất Thiết Trí” cùng “Đạo Chủng Trí”, đó là một không phải hai, nếu đem nó phân làm hai sự việc thì sai rồi! Có như vậy bạn mới vào được “pháp môn không hai”, chứng “Pháp giới nhất chân”. Do đây có thể biết, trong Phật pháp không cho phép chúng ta rơi vào một bên nào. “Căn bản trí”, “Hậu đắc trí” là hai bên. “Nhất Thiết Trí”, “Đạo Chủng Trí” cũng là hai bên. Phải biết nó là một “chỉnh thể viên mãn”, là “pháp môn không hai”, thực tế là Trí tuệ chân thật. Khi trí tuệ khai mở, liền được đại thọ dụng.

– Thọ dụng thế nào?

– “Cúng dường chư Phật, khai đạo quần sanh”! Đây là khởi tác dụng: Thường cúng chư Phật, hạ hóa chúng

– Làm thế nào cúng dường chư Phật?

– Niệm Phật chính là cúng dường chư Phật!

Niệm Phật phải biết niệm, phải “Phát Bồ Đề tâm, một lòng chuyên niệm”. Tám chữ này là cúng dường chư Phật, cũng là tự độ. Cho nên, phát nguyện vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc, không chỉ là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật hoan hỉ tán thán; A Di Đà Phật hoan hỉ đến tiếp dẫn, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai đều khác miệng đồng âm khuyên bảo chúng ta.

– Vì sao chư Phật Như Lai đều tán thán?

– Vì chư Phật Như Lai chỉ có một nguyện, một tâm phổ độ chúng sinh sớm ngày thành Phật.

Niệm Phật vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp môn đệ nhất ngay đời này thành Phật; nhưng pháp môn này nhất định chỉ độ chúng sinh căn tánh chín muồi.

– Làm sao biết được chúng sinh căn tánh chín muồi?

– Sau khi nghe rồi, họ liền tin tưởng, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, không thoái chuyển, dũng mãnh tinh tấn, chân thành niệm Phật phát nguyện vãng sinh Tây Phương Cực Lạc.

Người như vậy gọi là chúng sinh căn tánh chín muồi. Thật không dễ dàng! Thật quá hi hữu! Họ không làm Bồ Tát, không làm A-la-hán mà là làm Phật! Trên Kinh Di Đà, đức Phật nói: “Không thể thiếu thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sinh nước kia”. Ba điều kiện chủ yếu: Thiện căn, phước đức, nhân duyên họ đều có đủ.

Nên biết: Người vãng sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát. A Duy Việt Trí chính là Phật, không phải Bồ Tát thông thường. Cho nên, chư Phật Như Lai nói pháp môn này là pháp khó tin. Chỉ người làm Phật căn tánh nhất Phật thừa mới tin sâu, không nghi; không phải người làm Phật thì không tin tưởng.

Một niệm tương ưng một niệm Phật”, cái niệm này không phải cúng dường một vị Phật mà tận hư không khắp pháp giới, mười phương ba đời tất cả chư Phật thảy đều cúng dường hết. Pháp môn Niệm Phật là Pháp môn bình đẳng, phổ cúng tất cả chư Phật Như Lai. Cúng dường chư Phật có hiệu quả hay không, phải xem bạn niệm Phật có thành tâm hay không? Nếu dùng tâm chân thành mà tương ưng thì công đức đó không thể nghĩ bàn! Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả.

Khai đạo quần sanh” là độ người. Chúng ta hiện nay có thể đem Pháp môn thù thắng này, dùng phương tiện khéo léo, rộng vì tất cả đại chúng mà giới thiệu, đó chính là “Khai đạo quần sanh”. “Khai” là khai mở bế tắc cho họ, vì họ giảng kinh thuyết pháp đó là “ngôn giáo”, nhưng phải lấy “thân giáo” làm nền tảng. Trước có “thân hành”, sau mới có “ngôn giáo”. Cái thứ tự này không thể đảo ngược. “Thân giáo” thù thắng hơn nhiều so với “ngôn giáo”. Chúng ta khuyên người niệm Phật, nói đến lở da miệng, họ vẫn không tin tưởng, vẫn không tiếp nhận, bán tín bán nghi, chỉ có cách bảo họ đích thân đến Niệm Phật Đường niệm Phật một ngày, chính họ thể nghiệm được họ mới tường tận.

Niệm Phật Đường này hoàn toàn không giống với Niệm Phật Đường khác. Đạo tràng này là đạo tràng thanh tịnh trang nghiêm, nơi đây không làm Pháp hội, không làm kinh sám Phật sự; ngoài điển tích của Tịnh Tông ra, không xen tạp bất cứ kinh điển nào, lại có được nhiều Pháp sư trong đạo tràng dẫn chúng, bạn đến đâu mà tìm được?! Cho dù ngày trước họ thanh tịnh hay không thanh tịnh cũng không ngăn ngại. Thanh tịnh tỳ kheo đến đâu mà thỉnh?! Không thỉnh được! Họ ở nơi đây không cần danh vọng lợi dưỡng, không cần bạn cung kính cúng dường, không cần đến thứ gì, duy chỉ chân thành niệm Phật, đều là phát khởi được tâm thanh tịnh nhất, mọi người cùng nhau đến đây niệm Phật, cảm ứng thật không thể nghĩ bàn! Cho nên, đạo tràng này tôi rất rõ, tôi tin tưởng các bạn đồng tu, đầu óc thanh tịnh một chút, bình lặng một chút, có thể biết được đạo tràng này có Phật, Bồ Tát đang niệm Phật.

– Rốt cuộc ai là Phật, Bồ Tát?

– Nếu bạn cố tìm, nhất định sẽ không tìm được! Bạn đi tìm thì câu Phật hiệu bạn niệm sẽ không được tương ưng vì có xen tạp, đã phá hỏng đi công phu niệm Phật của bạn rồi!

– Người xưa ghi chép những việc xen tạp rất nhiều! Như triều nhà Minh, Thích Kế Quang là vị tướng quân của nhà Minh, cũng là một Phật giáo đồ thuần thành. Bình thường ông tụng Kinh Kim Cang rất có lực. Đêm đó, ông mộng thấy một binh sĩ thuộc hạ của mình đã trận vong đến cầu xin ông đọc một quyển Kinh Kim Cang để siêu độ cho anh ta. Lúc tỉnh dậy, ông bèn cung kính đọc kinh hồi hướng cho vị binh sĩ này. Hôm sau, ông lại mộng thấy vị này đến cảm tạ:

– Cảm tạ tướng quân, tôi chỉ nhận được có nửa bộ Kinh Kim Cang! Ông hỏi:

– Vì sao?

– Vì khi ngài đọc Kinh Kim Cang, ngay giữa xen tạp hai chữ “không dùng”, nên hiệu quả chỉ nhận được phân nửa! Ông suy nghĩ: Ta không có nói “không dùng”! Bỗng nhiên nhớ ra: Khi ông đọc kinh, người hầu mang đến cho ông một tách trà. Ông không nói, chỉ xua tay, trong tâm khởi lên ý niệm “không dùng”, vậy mà kết quả đọc kinh chỉ còn có phân nửa! Có thể thấy được xen tạp là việc hư hại, không được xen tạp! Cho nên, Thích tướng quân ngày hôm sau cung kính tụng lại một bộ nữa. Tối đến, ông lại mộng thấy binh sĩ này đến cảm tạ ông, toàn bộ kinh anh ta đã thọ dụng và được siêu sinh.

Do đó có thể biết niệm Phật, tụng kinh không được xen tạp. Phải nên quán tưởng trong đạo tràng này, ngoài chính mình ra, người người đều là chư Phật Như Lai hóa thân đến giúp ta niệm Phật. Cùng với nhiều Phật như vậy niệm Phật, không khí đạo tràng này sẽ rất thanh tịnh, hai mươi bốn giờ niệm Phật nhất định sẽ không mệt mõi, càng niệm càng hoan hỉ. Đúng là: “người gặp việc vui, tinh thần thoải mái”. Nhất định phải xem mỗi người là Phật thật, công đức niệm Phật này thật không thể nghĩ bàn!

Khai đạo quần sanh” còn có một tầng ý nghĩa rất sâu, chính là nói những vị Bồ Tát này đã chứng được “Pháp tánh không” và “Pháp tướng vô sở hữu”, lòng từ bi trong tự tánh của họ tự nhiên sinh khởi. Cái phát tâm đó không phải miễn cưỡng, cũng không phải do người khác khuyên nhắc mà là trong tự nhiên sinh khởi, Pháp vốn như vậy! Kinh Duy Ma chép: “Tuy tri chư Phật quốc, cập chúng sinh không, nhi thường tu Tịnh Độ, giáo hóa chúng sinh” (Tuy biết các cõi Phật và chúng sinh là không mà thường tu Tịnh Độ, giáo hóa chúng sinh) thì gọi là “khai đạo quần sanh”. Nếu hỏi:

– Vì sao họ phải thường tu Tịnh Độ giáo hóa chúng sinh?

– Vì muốn thị hiện tấm gương cho người chưa được độ, để họ nhìn thấy mà phát tâm niệm Phật cầu sinh A Di Đà quốc độ. Đây là từ bi chân thật.

– Vì sao phải độ những chúng sinh này?

– Mình và người không hai!

Chúng sinh chưa độ hết thì phần “tự giác” của ta chưa thể viên mãn. Như thân này của ta có rất nhiều tế bào, chỗ nào trên thân bị u nhọt, phần tế bào ở đó có bệnh, nếu không lo chữa trị cho nó, toàn thân chúng ta tất không được an vui khỏe mạnh. Dưới tầm nhìn của chư Phật, Bồ Tát: “Tình dữ vô tình” đồng một Pháp thân, đồng một lý thể, đồng một tâm tánh, nên gọi là “đồng thể đại bi, vô duyên đại từ”.

Ngày nay, thế giới có tai nạn, người nhận lấy những thống khổ cũng không ít! Là người chân thật giác ngộ, rõ lý, thông đạt chân tướng sự thật liền biết được đó là một bộ phận trong toàn thân của mình, thì có lý đâu ngoảnh mặt, quay lưng trước đau thương của người khác! Hiện tại có cấp nạn, trước phải cứu cấp, cứu cấp đương nhiên thuộc về “Tài Bố thí”. Trước lấy “Tài Bố thí” làm nhân duyên, kết duyên với những chúng sinh bất hạnh này. Sau đó, dùng “Pháp Bố thí” khuyến hóa họ vĩnh trừ ác nghiệp, đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức, cải thiện đời sống, có thể tránh được những tai ương họa nạn. Đây nhất định phải nương vào chỉ đạo của Phật pháp.